Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ sáu 05 tháng 5 năm 2023

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ nói Mỹ và Nhật nên tiến hành trò chơi mô phỏng chiến tranh hạt nhân với Trung Quốc

    Liên Thành 


    Dân biểu Hoa Kỳ Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas) (Trái). (Ảnh: Alex Wong/Getty Images). 

    Nhà lập pháp hàng đầu của Đảng Cộng hòa Michael McCaul trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Nikkei cho biết Hoa Kỳ và Nhật Bản nên tiến hành các trò chơi mô phỏng chiến tranh hạt nhân với Trung Quốc để bảo đảm rằng họ có thể sẵn sàng đáp trả.

    McCaul, một người có quan điểm diều hâu nổi tiếng với Trung Quốc, là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện. Vị chủ tịch đóng vai trò lớn trong việc giám sát chính sách đối ngoại của Tổng thống Joe Biden, bao gồm các vấn đề như tình trạng hỗn loạn rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan và làn sóng di cư gia tăng ở biên giới phía nam.

    McCaul đã dẫn đầu một phái đoàn quốc hội lưỡng đảng đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan vào tháng trước.

    Vị dân biểu bày tỏ quan ngại sâu sắc về khả năng hạt nhân ngày càng mở rộng của Trung Quốc. Ông nói: “Kho vũ khí hạt nhân của họ rất lớn, và đó là điều đáng lo ngại”.

    McCaul đánh giá nó mang lại cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “rất nhiều đòn bẩy” để ngăn chặn Mỹ, Nhật Bản và các nước khác can thiệp vào cuộc xung đột quân sự ở Đài Loan, mặc dù ông cho rằng ít có khả năng Tập Cận Bình sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.

    Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đe dọa tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân trong cuộc chiến Ukraina. Lời lẽ hiếu chiến của ông được cho là nhằm mục đích một phần khiến Mỹ và các đồng minh NATO miễn cưỡng gửi quân tới Ukraina để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu.

    Khi được hỏi liệu Washington và Tokyo có nên thực hiện các cuộc tập trận hạt nhân được mô phỏng trên game để chuẩn bị cho hành động cưỡng ép hạt nhân của Trung Quốc hay không, McCaul đã trả lời “chắc chắn”. Ông nói điều đó có lợi “bất cứ lúc nào chúng tôi có thể tập trận chung với Nhật Bản để đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào, cho dù đó là hạt nhân hay chỉ là một cuộc tấn công tên lửa hoặc trong một cuộc xâm lược”.

    Trong một báo cáo thường niên được quốc hội ủy quyền về sức mạnh quân sự của Trung Quốc được công bố vào tháng 11, Ngũ Giác Đài ước tính rằng Trung Quốc sẽ sở hữu 1.500 đầu đạn hạt nhân vào năm 2035. Điều đó sẽ tăng gấp ba tổng số đầu đạn của Bắc Kinh và đưa nước này tiến gần hơn đến ngang bằng hạt nhân với Mỹ.

    Mỹ phủ nhận chủ mưu vụ tấn công bằng drone vào điện Kremlin

    Không phận Điện Kremlin được cho là được bảo vệ nghiêm ngặt

    Nguồn hình ảnh, EPA

    Chụp lại hình ảnh, 

    Không phận Điện Kremlin được cho là được bảo vệ nghiêm ngặt

    George Wright

    BBC News

    05/5/2023

    Mỹ đã bác bỏ tuyên bố của Nga rằng nước này chủ mưu vụ tấn công bằng drone vào Điện Kremlin nhằm ám sát Tổng thống Vladimir Putin hôm 3/5.

    Một ngày sau khi cáo buộc Ukraine thực hiện vụ tấn công, người phát ngôn của Putin cho biết vụ tấn công được thực hiện dưới sự hỗ trợ của Washington.

    Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, John Kirby gọi đó là một "tuyên bố lố bịch".

    Ukraine cho biết họ không liên quan gì đến vụ tấn công. Tổng thống Putin không có mặt trong tòa nhà vào thời điểm đó.

    Ukraine đã cáo buộc Moscow dàn dựng vụ việc nhằm leo thang chiến sự.

    Mặc dù số lượng các vụ tấn công của Nga không giảm sút, khiến 21 người thiệt mạng tại khu vực Kherson ở phía nam Ukraine hôm 3/5, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Moscow sẽ tăng cường công kích.

    Tuy nhiên, vào tối 30/4, lực lượng Ukraine đã bắn hạ một chiếc drone tại thủ đô Kyiv, cách văn phòng tổng thống không xa. Các quan chức sau đó thừa nhận đó là một chiếc drone của Ukraine đã "mất kiểm soát" và bị phá hủy để tránh gây ra "hậu quả không mong muốn".

    Theo người phát ngôn của Tổng thống Putin, vụ tấn công nhằm vào Điện Kremlin - khu phức hợp chính phủ rộng lớn ở trung tâm Moscow - xảy ra vào sáng sớm 3/5. Các video đăng trên mạng xã hội cho thấy khói bốc lên bao trùm Điện Kremlin. Một video khác cho thấy một vụ nổ nhỏ phía trên tòa nhà Thượng viện, trong khi có hai người đàn ông có vẻ như đang trèo lên mái vòm.

    Hôm 4/5, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Mỹ "chắc chắn" đứng sau vụ tấn công bị cáo buộc mà không cung cấp bằng chứng.

    "Các quyết định về các cuộc tấn công như vậy không được đưa ra ở Kyiv, mà ở Washington", ông Peskov nói.

    Đáp lại, ông Kirby nói với truyền thông Mỹ: "Peskov đang nói xạo, đơn giản là vậy."

    "Mỹ không liên quan gì đến vụ tấn công. Chúng tôi thậm chí không biết chính xác chuyện gì đã xảy ra ở đây, nhưng tôi có thể đảm bảo với bạn rằng Mỹ không có vai trò gì trong đó."

    Quan chức Mỹ cho biết Washington không khuyến khích hoặc tạo điều kiện cho Ukraine tấn công bên ngoài biên giới của họ, và không tán thành các cuộc tấn công nhằm vào cá nhân các nhà lãnh đạo.

    Ukraine đã nói rằng cuộc tấn công bị cáo buộc là một chiến dịch “ngụy tạo bằng chứng giả” của Moscow.

    Tuy nhiên, trái lại, nhiều ý kiến cho rằng Nga sẽ ít tập trung vào việc dàn dựng một cuộc tấn công khiến Điện Kremlin trông có vẻ dễ bị tổn hại.

    Volodymyr Zelensky có bài phát biểu tại The Hague

    Nguồn hình ảnh, Reuters

    Chụp lại hình ảnh, 

    Volodymyr Zelensky có bài phát biểu tại The Hague

    Tuyên bố mới nhất của Điện Kremlin được đưa ra khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến thăm Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở The Hague, Hà Lan.

    Trong một bài phát biểu sau đó, ông kêu gọi thành lập một tòa án đặc biệt để buộc "tội ác xâm lược" mà Nga phải chịu trách nhiệm.

    Ông nói rằng nhà lãnh đạo Nga "đáng bị kết án vì hành động tội phạm theo luật pháp quốc tế".

    Ông Zelensky liệt kê các tội ác chiến tranh bị cáo buộc của Nga - bao gồm "hàng triệu" cuộc tấn công vào vùng Donbas ở miền đông Ukraine, và những người thiệt mạng trong thời gian chiếm đóng Bucha, gần thủ đô Kyiv, khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào năm ngoái.

    ICC đã phát lệnh bắt giữ Tổng thống Putin với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine. Theo Tòa án Hình sự Quốc tế, ông Putin phải chịu trách nhiệm về các tội ác chiến tranh trong cuộc chiến Ukraine, bao gồm cả việc đưa trẻ em từ Ukraine sang Nga bất hợp pháp. Nhưng họ không có thẩm quyền để truy tố Tổng thống Nga về tội xâm lược.

    Mỹ, Philippines tăng cường chia sẻ thông tin tình báo về hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông

    04/5/2023


    Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin (P) tiếp tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Lầu Năm Góc, Washington, Hoa Kỳ, ngày 03/05/2023. AP - Andrew Harnik 

    Trọng Thành /RFI

    Mỹ và Phillippines đã tăng cường hợp tác quốc phòng nhân chuyến công du  Hoa Kỳ của tổng thống Ferdinand Marcos Jr.. Hôm qua, 03/05/2023, bộ Quốc Phòng Mỹ công bố các nội dung chính của hợp tác quốc phòng song phương nhằm sẵn sàng chống lại các hoạt động gây hấn của Trung Quốc tại khu vực, đặc biệt là thỏa thuận ‘‘tăng cường chia sẻ thông tin tình báo theo thời gian thực’’ về các hoạt động của Trung Quốc ‘‘tại Biển Đông và eo biển Đài Loan’’

    Văn bản có tên gọi chính thức là ‘‘Hướng dẫn Phòng thủ Song phương’’ (Bilateral Defense Guidelines) đã được bộ trưởng Quốc Phòng hai nước thông qua hôm qua. Hợp tác chia sẻ thông tin tình báo là một nội dung chủ yếu của văn bản, bên cạnh việc ‘‘hiện đại hóa năng lực quốc phòng’’ và tăng cường phối hợp diễn tập tác chiến và bảo vệ an ninh hàng hải. 

    Cụ thể là hai bên cam kết ‘‘mở rộng chia sẻ thông tin về các dấu hiệu ban đầu liên quan đến các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh của cả hai quốc gia, để bảo đảm sẵn sàng giải quyết các thách thức chính mà liên minh phải đối mặt. Hai nước sẽ cố gắng chia sẻ thông tin theo thời gian thực, với sự cộng tác của các bộ và các ban ngành khác để tăng cường khả năng phối hợp hoạt động’’

    Theo báo Hồng Kông South China Morning Post hôm nay, 04/05, Lầu Năm Góc đã công bố văn bản nói trên sau cuộc gặp giữa bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin và tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Washington. Vẫn theo South China Morning Post, các thông báo hôm qua của bộ Quốc Phòng Mỹ về hợp tác với Philippines đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh rằng bất cứ một cuộc tấn công vũ trang ở Thái Bình Dương tại “bất cứ nơi nào ở Biển Đông, nhắm vào lực lượng vũ trang của Philippines hoặc Hoa Kỳ – bao gồm cả lực lượng bảo vệ bờ biển của cả hai quốc gia” sẽ dẫn đến việc kích hoạt các cam kết phòng thủ chung. 

    Cũng trong buổi làm việc hôm qua, tổng thống Philippinnes và bộ trưởng Mỹ đã thảo luận về kế hoạch vận hành nhanh chóng 4 căn cứ quân sự mới mà Manila giao quyền sử dụng cho Quân đội Mỹ theo thỏa thuận EDCA (Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường) ở đảo Palawan và phía bắc đảo Luzon, cách đảo Đài Loan vài trăm cây số. 

    Do thủ đô Manila của Philippines cách Đài Loan chưa đến 800 dặm, cho nên một cuộc xâm lược hòn đảo, mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ cần thu hồi, sẽ ảnh hưởng đến an ninh ở Philippines. Báo Hồng Kông South China Morning Post dẫn lời chuyên gia Renato Cruz De Castro, đại học De La Salle ở Manila: Quyết định của Manila, được đưa ra hồi tháng 02/2023, cho phép Washington sử dụng 4 căn cứ quân sự nói trên giúp tăng cường khả năng đối phó với một nước Trung Quốc ‘‘hiếu chiến và bành trướng”.

    Ron DeSantis hụt hơi

    Vào thứ Sáu, nghị viện bang Florida sẽ khép lại kỳ họp hiện tại sau 60 ngày tranh cãi. Với kế hoạch tranh cử tổng thống vào năm tới, thống đốc Cộng hòa Ron DeSantis của Florida đã thúc đẩy các chính sách cánh hữu nhằm tăng ủng hộ của cử tri vòng sơ bộ. Chúng bao gồm lệnh cấm phá thai sáu tuần sau khi mang thai và cho phép “mang [súng ngắn] không cần giấy phép.” Đa số Cộng hòa trong cả hai viện lập pháp của Florida đã thông qua chương trình nghị sự của ông.

    Sau khi ông DeSantis tái đắc cử vào tháng 11 năm ngoái, các nhà tài trợ của đảng Cộng hòa bắt đầu coi ông là ứng viên tổng thống khả thi nhất thay thế cho Donald Trump. Nhưng giờ đây, nhiều người tự hỏi liệu lập trường của ông về phá thai và súng, cũng như một số chương trình nghị sự “chống woke” và cuộc tranh cãi với Disney, có phải là sai lầm hay không. Tỷ lệ ủng hộ Trump gần đây đã tăng lên trong khi tỉ lệ ủng hộ DeSantis giảm: khoảng 53% cử tri Cộng hòa hiện nói họ muốn thấy ông Trump giành được đề cử của đảng vào năm tới, so với 31% của DeSantis, theo thăm dò của The Economist và YouGov.

    Campuchia tổ chức SEA Games

    Chỉ có 11 quốc gia tham gia Đại hội thể thao Đông Nam Á khai mạc tại Campuchia vào thứ Sáu. Nhưng với 581 huy chương — gần gấp đôi số huy chương tại Olympics gần đây nhất — SEA Games trong một nghĩa nào đó có thể được xem là sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh.

    Các môn thể thao ít người biết đến là một truyền thống của SEA Games, phần lớn vì chủ nhà có nhiều quyền quyết định môn thi. Cách dễ nhất để tăng số lượng huy chương là tổ chức các môn ít cạnh tranh. Do đó, Campuchia đã đưa ouk chaktrang (cờ ốc), một phiên bản cờ vua của Campuchia, và kun bokator, một môn võ thuật địa phương, vào nội dung thi đấu năm nay. Cách làm này thường thành công. Khi Philippines tổ chức SEA Games 2019, nước này đã về nhất toàn đoàn với 387 huy chương — một phần nhờ bóng chày và các bộ môn bản địa khác của Philippines. Việt Nam, nơi tổ chức của năm 2022, đã bỏ chúng, khiến số huy chương của Philippines giảm xuống chỉ còn 226.

    Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ tổ chức sự kiện ở Hungary

    Tucker Carlson có thể không còn được hoan nghênh tại Fox News, nhưng ông vẫn có thể được chào đón tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ CPAC ở Budapest. Một đoạn video được chiếu vào thứ Năm, ngày đầu tiên của hội nghị kéo dài hai ngày, đã quay cảnh ông Carlson hứa trực tiếp đến tham dự “nếu tôi bị sa thải.” Nhưng rồi ông đã không xuất hiện dù mất việc từ tháng trước.

    Suốt nhiều thập niên qua, CPAC đã là sự kiện tụ họp thường kỳ của các nhân vật cánh hữu Mỹ. Năm ngoái, nhóm này đã tổ chức sự kiện đầu tiên ở Hungary, nơi mà các chính sách phi tự do, chống người nhập cư, chống người đồng tính đã biến thủ tướng của nước này, Viktor Orban, trở thành một anh hùng theo chủ nghĩa dân tộc-dân túy cả trong và ngoài nước.

    Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, ông Orban kêu gọi Donald Trump trở lại làm tổng thống Mỹ và lặp lại lời của Vladimir Putin khi lên án “các cuộc cách mạng màu.” Ông Orban gọi CPAC là vườn ươm cho “tương lai” của chính trị bảo thủ. Nhưng danh sách diễn giả cho ngày thứ Sáu có rất nhiều nhân vật là “cựu.” Nó bao gồm Janez Jansa, cựu thủ tướng Slovenia, và Steve Bannon, cựu chiến lược gia của ông Trump.

    Adidas nỗ lực lấy lại thị phần ở Trung Quốc

    Liệu một thương hiệu nước ngoài có thể được coi là yêu nước ở Trung Quốc? Adidas, một nhà bán lẻ đồ thể thao của Đức, muốn có danh xưng đó. Cùng với nhiều công ty phương Tây khác, Adidas đã mất thị phần ở Trung Quốc trong những năm gần đây sau khi ngừng mua bông Tân Cương, nơi mà Mỹ cho rằng Trung Quốc đã dùng lao động cưỡng bức để trồng bông. Truyền thông nhà nước Trung Quốc phản ứng bằng cách kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay các nhà bán lẻ nước ngoài và ủng hộ các công ty địa phương, chẳng hạn như Li-Ning.

    Để giành lại khách hàng, Adidas đã đưa ra một dòng quần áo thể thao mới được thiết kế cho thị trường bản địa. Theo Financial Times, thương hiệu này đang bán những chiếc áo khoác có in chữ “Trung Quốc” viết bằng tiếng Trung. Đây chỉ là một phần của kế hoạch tăng trưởng rộng lớn hơn. Nhà đầu tư sẽ có được bức tranh tổng thể vào thứ Sáu khi Adidas công bố thu nhập quý đầu năm.

    Ukraina chế tạo tên lửa tự chế với tầm bắn gấp đôi HIMARS

    Liên Thành 

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/05/anh-chup-man-hinh-2023-05-05-luc-100758-sa-700x366.jpg


    Hình ảnh các kỹ sư Ukraina tuyên bố họ đã thiết kế tên lửa với tầm bắn gần gấp đôi tên lửa Himars do Mỹ cung cấp. 

    Tờ Telegraph của Anh cho biết, các kỹ sư Ukraina tuyên bố họ đã thiết kế một “tên lửa nhân dân” có thể được chế tạo trong một khu vườn cỡ trung bình ở tiền tuyến với tầm bắn gần gấp đôi tên lửa Himars do Mỹ cung cấp.

    Tên lửa sử dụng công nghệ tương tự như tên lửa V1 của Đức, về cơ bản là một ống thép chạy bằng động cơ gắn với một cặp cánh lượn và được bắn từ máy phóng.

    Nhóm chống Nga có tên Vidsich là tác giả của thiết kế tên lửa có tên là Trembita này. Vidsich nói rằng tên lửa có thể được sản xuất với chi phí thấp, từ các vật liệu hàng ngày. 

    Một hình ảnh được nhóm công bố giải thích về công nghệ cho thấy có tới ba tên lửa được lắp bên trong nhà để xe dành cho một chiếc ô tô.

    Theo nhóm Vidsich, tên lửa “chế tạo trong gara” sẽ không thể tấn công với độ chính xác như các hệ thống tên lửa dẫn đường bằng laser. Nhưng khi phóng một loạt 20 tên lửa, vũ khí mới có khả năng “vượt qua hệ thống phòng không của kẻ thù và tấn công mục tiêu ở độ sâu vừa đủ”.

    Các video ban đầu về “tên lửa nhân dân” được chia sẻ trên mạng xã hội dường như cho thấy các nhà chế tạo đang khai hỏa một động cơ phản lực thô sơ.

    Các kỹ sư Ukraina tuyên bố việc sử dụng xăng làm nhiên liệu có thể đẩy tên lửa đi khoảng 140 km, gấp đôi tầm bắn của tên lửa HIMARS mà Mỹ cung cấp.

    Đầu đạn của Trembita có thể chứa bộ điện tích nhiệt áp hoặc điện tích nổ kết hợp, nặng 20kg, có khả năng gây hỗn loạn đội hình quân địch ở gần khu vực mục tiêu.

    Theo các nhà phát triển, Trembita sẽ tạo ra một tín hiệu nhiệt được các hệ thống phòng không của đối phương thu được, sau đó hệ thống đó sẽ bắn các loại đạn dược đắt tiền để hạ gục tên lửa rẻ tiền này.

    Các nhà phát triển cho biết: “Tên lửa đơn giản của chúng tôi rẻ hơn rất nhiều so với tên lửa từ các hệ thống tên lửa phòng không của kẻ thù”.

    Họ tuyên bố tiếng ồn động cơ 100 decibel cũng sẽ có tác động về mặt tinh thần đối với quân đội Nga. Tên lửa V1, hay Doodlebug, của Đức quốc xã từng khủng bố người dân London trong Thế chiến thứ hai với tiếng kêu đặc biệt của nó.

    Hamish de Bretton-Gordon, một cựu tư lệnh NATO, cho biết: “Vũ khí cải tiến có thể rất hiệu quả và người Ukraina rất khôn ngoan. Chúng có thể là một hệ số nhân lực lượng khổng lồ, đặc biệt là để tiết kiệm việc sử dụng vũ khí tinh vi của phương Tây”.

    Cái khó ló cái khôn

    Không chỉ ra mắt “tên lửa nhân dân”, các xưởng chế tạo trên khắp đất nước bị chiến tranh tàn phá còn có nhiều sáng kiến như biến những chiếc xe bán tải thành bệ phóng tên lửa Grad và phát triển các thiết bị nổ điều khiển từ xa.

    Sau khi các lực lượng Nga bị đẩy lùi khỏi các khu vực ở miền đông Ukraina bởi cuộc phản công của Ukraina vào năm ngoái, mìn vẫn còn trên nhiều cánh đồng, khiến nông dân gặp nguy hiểm khi gieo hạt cho vụ thu hoạch mới.

    Hôm 2/5, Oleksandr Kryvtsov, một nông dân gần làng Hrakove, cho biết ông đã nghĩ ra một cách mới để gỡ mìn bằng cách gắn máy kéo của mình với các tấm thép bảo vệ lấy từ xe tăng Nga bị bỏ lại và vận hành xe bằng điều khiển từ xa.

    Máy kéo có thể chịu được các vụ nổ khi sử dụng lớp giáp từ các phương tiện quân sự bị hư hại của Nga để bảo vệ thân xe.

    Ông Kryvtsov, Tổng Giám đốc một công ty nông nghiệp tư nhân, cho biết: “Chúng tôi bắt đầu làm cách này chỉ vì thời điểm gieo trồng đã đến và các dịch vụ cứu hộ đang rất bận rộn”.

    Ông nói thêm: “Chúng tôi đã cán phải một quả mìn chống tăng. Lớp bảo vệ bị bung ra nhưng chiếc máy kéo vẫn an toàn”, “Mọi người đều an toàn. Thiết bị đã được khôi phục và sửa chữa”.

    Tòa Bạch Ốc cảnh báo hàng triệu người mất việc làm, ‘thiệt hại nghiêm trọng’ đối với nền kinh tế nếu Hoa Kỳ vỡ nợ 

    Katabella Roberts 


    Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen lắng nghe trong một phiên họp mở của Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính tại Bộ Ngân khố hôm 21/04/2023 tại Hoa Thịnh Đốn. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)


    Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen lắng nghe trong một phiên họp mở của Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính tại Bộ Ngân khố hôm 21/04/2023 tại Hoa Thịnh Đốn. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images) 


    Tòa Bạch Ốc đã cảnh báo rằng việc tiếp tục chạm mức trần nợ của Hoa Kỳ có thể dẫn đến “sự gián đoạn đáng kể” đối với thị trường tài chính và “thiệt hại nghiêm trọng” đối với nền kinh tế, trong đó hơn 8 triệu người sẽ mất việc làm. 

    Trong một báo cáo được công bố hôm 03/05, Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh rằng việc Hoa Kỳ không thực hiện các nghĩa vụ nợ mang tính lịch sử của mình — được gọi là “ngày X” — đang đến rất nhanh, và một hành động như vậy sẽ chứng kiến nền kinh tế “nhanh chóng chuyển sang hướng ngược lại.” 

    Cảnh báo trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen cho biết Hoa Kỳ có thể không thực hiện được các nghĩa vụ tài chính của mình trước ngày 01/06 trừ khi Quốc hội có hành động nâng mức trần nợ 31.4 ngàn tỷ USD của quốc gia. 

    Các nhà kinh tế của Tòa Bạch Ốc đã cảnh báo về ba kịch bản có thể xảy ra nếu các cuộc đàm phán giữa Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ về giới hạn nợ tiếp tục kéo dài: tình trạng bên bờ vực, vỡ nợ trong thời gian ngắn, và vỡ nợ trong thời gian dài. 

    Theo chính phủ TT Biden, trong kịch bản đầu tiên, trong đó giới hạn trên được tiếp cận nhưng tránh được tình trạng vỡ nợ, có thể bị mất 200,000 việc làm và 0.3 điểm phần trăm GDP hàng năm, và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 0.1%. 

    Trong một vụ vỡ nợ trong thời gian ngắn, trong đó Quốc hội hành động nhanh chóng để cho phép quốc gia vay lại sau khi vỡ nợ, khoảng nửa triệu việc làm, 0.6 điểm phần trăm GDP hàng năm sẽ bị mất và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 0.3%. 

    Trong trường hợp vỡ nợ kéo dài, kịch bản nguy hiểm nhất mà Hoa Kỳ không tăng mức vay trong hơn ba tháng, khoảng 8.3 triệu việc làm sẽ bị mất, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 5% do người tiêu dùng cắt giảm mua sắm và doanh nghiệp sa thải nhân viên, và GDP sẽ giảm 6.1 điểm phần trăm. 

     ‘Tương đương với cuộc Đại suy thoái’

    Các nhà kinh tế nhận thấy kết quả sẽ là một “cuộc suy thoái nghiêm trọng, ngay lập tức” tương đương với cuộc Đại suy thoái trong khi thị trường chứng khoán cũng sẽ giảm khoảng 45%. 

    “Một vụ vỡ nợ kéo dài có thể sẽ dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng việc làm dao động từ tốc độ tăng mạnh hiện tại sang thiệt hại lên đến hàng triệu việc làm,” các nhà kinh tế viết. “Không giống như cuộc Đại suy thoái và cuộc suy thoái do COVID, chính phủ không thể giúp đỡ người tiêu dùng và các doanh nghiệp. Khi tình trạng chạm mức trần nợ tiếp tục, thì nền kinh tế phục hồi chậm và tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao hơn 3 điểm phần trăm vào cuối năm 2023.” 

    Các nhà kinh tế viết: “Mặc dù các nhà hoạch định chính sách cho đến nay, trong lịch sử lâu dài của Quốc gia chúng ta, đã tránh gây ra những thiệt hại như vậy đối với nền kinh tế Hoa Kỳ và thậm chí toàn cầu, nhưng hầu như mọi phân tích mà chúng tôi biết đều cho thấy vỡ nợ dẫn đến tình trạng suy thoái sâu sắc và ngay lập tức. Các nhà kinh tế có thể không đồng ý lắm, nhưng khi nói đến mức độ rủi ro phát sinh do tiến sát hoặc chạm mức trần nợ, thì chúng tôi cùng chia sẻ lo ngại sâu sắc này.” 

    Các dự đoán của Tòa Bạch Ốc tương tự như một báo cáo gần đây của Moody’s Analytics sử dụng một mô hình kinh tế vĩ mô khác nhưng đưa ra kết luận tương tự, lưu ý rằng cuộc suy thoái kinh tế sẽ xảy ra sau đó sẽ “có thể so sánh với những gì xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.” 

    Ông Biden và các thành viên Đảng Cộng Hòa (GOP) đã rơi vào bế tắc về giới hạn nợ và chi tiêu của chính phủ, với việc Chính phủ từ chối cắt giảm chi tiêu cho đến khi giới hạn nợ được nâng lên. 

    Tuần trước, các nhà lập pháp GOP đã thông qua một dự luật cho phép tăng mức trần nợ thêm 1.5 ngàn tỷ USD để đổi lấy việc thắt chặt chi tiêu của chính phủ trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng vỡ nợ sắp xảy ra. 

    Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nói trước các nhà lập pháp trong một phiên họp của Knesset, Quốc hội Israel, tại Jerusalem, hôm 01/05/2023. (Ảnh: Ohad Zwigenberg/AP)


    Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nói trước các nhà lập pháp trong một phiên họp của Knesset, Quốc hội Israel, tại Jerusalem, hôm 01/05/2023. (Ảnh: Ohad Zwigenberg/AP) 

    Ông Biden chỉ trích dự luật về mức trần nợ của Đảng Cộng Hòa

    Tuy nhiên, trong một tuyên bố hôm thứ Ba, Tòa Bạch Ốc đã cáo buộc Đảng Cộng Hòa “bắt giữ niềm tin và uy tín của quốc gia làm con tin trong nỗ lực áp đặt các khoản cắt giảm mang tính tàn phá vốn sẽ làm tổn thương các cựu chiến binh, tăng chi phí cho các gia đình chăm chỉ làm việc và cản trở tăng trưởng kinh tế.” 

    Chính phủ cảnh báo rằng nếu được ban hành, dự luật của GOP sẽ “làm tăng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế và dẫn đến việc mất hơn 780,000 việc làm vào cuối năm 2024” đồng thời “cắt giảm dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, chương trình cung cấp bữa ăn cho người cao niên Meals on Wheels, và an toàn công cộng của cựu chiến binh, tước đi dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu người Hoa Kỳ, và đưa công việc sản xuất ra hải ngoại.” 

    Tuyên bố viết: “Và các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đang yêu cầu những khoản cắt giảm này trong khi đưa ra các đề nghị khác nhằm bổ sung hơn 3 ngàn tỷ USD vào thâm hụt ngân sách thông qua cắt giảm thuế và ưu đãi thiên vị cho các tập đoàn lớn và giàu có.” 

    Ông Biden sẽ gặp các nhà lãnh đạo quốc hội hôm 09/05 để thảo luận về giới hạn nợ và chi tiêu của chính phủ. 

    Một phát ngôn viên của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) cho biết trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử hôm thứ Tư rằng Đảng Dân Chủ phải chịu trách nhiệm về tình trạng bế tắc tiếp diễn này. 

    Phát ngôn viên của ông McCarthy, ông Chad Gilmartin viết: “Không có lý do chính đáng nào khác ngoài sự sơ suất chính trị khiến Hoa Kỳ vỡ nợ. Rất nhiều doanh thu đang chảy vào để trả lãi cho khoản nợ này.” 

    Khi được hỏi hôm thứ Tư về hậu quả nào có thể xảy ra nếu nền kinh tế Hoa Kỳ vỡ nợ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết các quan chức “thậm chí không nên nói về một thế giới mà Hoa Kỳ không thanh toán các hóa đơn của mình. Điều đó chỉ đơn giản là không tồn tại.”

    Ông Powell nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo sau khi ngân hàng trung ương biểu quyết tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, “Không ai nên cho rằng Fed thực sự có thể bảo vệ nền kinh tế, hệ thống tài chính và danh tiếng của chúng ta trên toàn cầu khỏi những thiệt hại mà sự kiện đó có thể gây ra.”

    Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
    Vân Du biên dịch

    Pháp - Ý lại bị khủng hoảng ngoại giao vì vấn đề di dân

    05/5/2023


    Một nhóm người di cư đợi chờ trên những tảng đá, ở biên giới Saint Ludovic trên Biển Địa Trung Hải giữa Vintimille, Ý và Menton, Pháp, ngày 17/06/2015. REUTERS/Eric Gaillard 

    Thu Hằng /RFI

    Ngày 04/05/2023, ngoại trưởng Ý Antonio Tajani thông báo hủy chuyến công du Paris đầu tiên sau khi bộ trưởng Nội Vụ Pháp Gérald Darmanin, trong chương trình Les Grandes gueules của đài RMC, đã đánh giá thủ tướng Giorgia Meloni « không có khả năng giải quyết các vấn đề di dân » của Ý. Phát biểu này đã bị Roma coi là « không chấp nhận được ». 

    Thêm một cuộc khủng hoảng ngoại giao xảy ra chỉ trong 6 tháng và cho thấy vấn đề di dân vẫn là hồ sơ vô cùng nhạy cảm giữa hai nước. Thông tín viên RFI Anne Treca tại Roma giải thích :

    « Tháng 11/2022, tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích gay gắt Ý từ chối đón tầu cứu hộ trên biển Océan Viking. Lời chỉ trích lúc đó mang khía cạnh đạo đức. Hôm qua (04/05), bộ trưởng Nội Vụ Pháp Darmanin đã ám chỉ đến năng lực của bà Giorgia Meloni trong việc xử lý dòng người tị nạn. Nhận xét đó lại mang tính chính trị, trái với những thông lệ giữa các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu.

    Nhưng tại Paris cũng như ở Roma, tất cả cho thấy là người ta tránh leo thang căng thẳng. Việc này được công khai trên mạng xã hội Twitter giữa các nhà ngoại giao. Ngoại trưởng Ý thông báo hủy chuyến thăm Paris. Vài tiếng sau, ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cũng đăng trên Twitter những từ được chọn lọc để sửa sai. Bà viết : « Tôi đã điện đàm với đồng nhiệm Ý, tôi nói với ông ấy rằng mối quan hệ giữa Pháp Ý dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai nước và các nhà lãnh đạo và tôi hy vọng sớm được tiếp ông ở Paris ».

    Đối với báo chí Ý sáng nay (05/05), Darmanin chủ yếu chỉ nghĩ đến chính sách trong nước để chống lại bà Marine Le Pen. Điều quan trọng là bà Meloni, người bị nhắc đến, đã lờ đi việc này ».

    Những căng thẳng song phương trong 6 tháng

    Tháng 11/2022, sau khi Ý từ chối tiếp nhận tầu Ocean Viking của tổ chức phi chính phủ SOS Méditerrannée chở 230 di dân, Paris đã cho tầu này cập cảng Pháp. Để đáp trả Roma, Pháp đã đình chỉ tiếp nhận 3.500 di dân khác đã có mặt trên lãnh thổ Ý. Sự kiện này đã khiến Liên Hiệp Châu Âu họp khẩn.

    Tuy nhiên, tổng thống Pháp Emmanuel Macron là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên gặp bà Georgia Meloni, chỉ vài ngày sau khi đắc cử thủ tướng Ý, bên lề một diễn đàn vì hòa bình tại Roma tập trung vào Ukraina, được Ý và Pháp hỗ trợ.

    Quan hệ Pháp và Ý căng thẳng thêm một chút sau khi thủ tướng Ý không được mời tham dự cuộc họp thượng đỉnh giữa Pháp, Đức và Ukraina. Trong khi chưa đầy một năm trước đó, ông Macron mời ông Mario Draghi, người tiền nhiệm của bà Georgia Meloni, cùng với thủ tướng Đức đến Kiev.


    Không có nhận xét nào