Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ năm 04 tháng 5 năm 2023

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Kiev bác bỏ mọi cáo buộc tấn công bằng drone vào điện Kremlin

    04/5/2023


    Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky họp báo tại Helsinki, Phần Lan, ngày 03/05/2023. REUTERS - STAFF 

    Thu Hằng /RFI

    Ngay sau khi thông báo bắn hạ 2 drone định "tấn công khủng bố" điện Kremlin, "ám sát" tổng thống Vladimir Putin, Matxcơva thông báo mở điều tra. Nguyên thủ quốc gia Nga không có mặt ở điện Kremlin lúc xảy ra vụ việc mà ở vùng ngoại ô Novo-Ogariovo. Ngày 03/05/2023, Ukraina bác bỏ mọi cáo buộc của Nga. 

    Trong buổi họp báo với lãnh đạo 5 nước Bắc Âu trong chuyến công du Helsinki (Phần Lan), tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định : « Chúng tôi (Ukraina) không tấn công Putin. Chúng tôi để tòa án làm việc đó ». Khi được hỏi về lý do Matxcơva cáo buộc Kiev, ông Zelensky trả lời là « Nga không giành được thắng lợi » ở Ukraina, cho nên « ông ấy (Putin) không thể huy động thêm xã hội Nga và không thể gửi thêm quân đội để chết vô ích »

    Trả lời đài truyền hình Pháp BFM TV ngày 03/05, dân biểu Oleksiy Goncharenko của Odessa cũng bác bỏ cáo buộc của phía Nga và cho rằng vụ tấn công Kremlin bằng drone « cho thấy đang có đấu tranh nội bộ ở Nga ». Theo ông, « chuyện xảy ra là nỗi xấu hổ cho Nga, bởi vì làm sao có thể coi Nga là một siêu cường khi nước này không có khả năng bảo vệ không phận trên điện Kremlin ».

    Đặc phái viên RFI Anastasia Becchio cho biết thêm về phản ứng của cộng đồng mạng Ukraina về đoạn video vụ drone bị bắn hạ phía trên điện Kremlin :

    « Các đoạn video về vụ nổ phía trên điện Kremlin đã nhanh chóng tràn ngập các mạng xã hội Ukraina. Với thái độ thách thức, người sử dụng internet tỏ ra phấn khích vì sự kiện. Một cư dân mạng hài hước viết trên Telegram : « Bưu điện Ukraina thông báo phát hành một loại tem mới », kèm theo ảnh chỉnh sửa điện Kremlin đang bốc cháy, phía trước là một người lính Ukraina giơ ngón tay thối. 

    Bưu điện Ukraina vẫn thường phát hành nhiều con tem hài hước nhằm lưu lại một sự kiện, ví dụ cuộc kháng cự của một nhóm quân nhân Ukraina trước soái hạm Moskva của hạm đội Nga, hay vụ nổ trên cầu Crimée. 

    Trên mạng Twitter, trả lời tin nhắn của Mykhaïlo Podoliak, cố vấn tổng thống Ukraina, cáo buộc Matxcơva « dàn dựng » để biện minh cho « một cuộc tấn công khủng bố quy mô lớn vào Ukraina », một người sử dụng Internet viết : « Zelensky vô can vì ông ấy đang ở Phần Lan, nhưng người ta không thể bảo đảm điều đó với Medvedev (hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga), mà người ta biết là rất mê cáo trò kỹ xảo». Cựu tổng thống Nga, thường xuyên bị chế nhạo trên các mạng xã hội Ukraina, đã kêu gọi « trừ khử Zelensky và băng đảng của hắn ». 

    Một người sử dụng internet khác kêu gọi nên tìm nguyên nhân bên phía chủ tập đoàn lính đánh thuê Wagner. Người này viết : « Tên tội phạm chiến tranh Prigozhin đã rất nhiều lần đe dọa Kremlin ». Liệu ông ta có đã biến lời nói thành hành động hay không ? »

    Các cơ sở xăng dầu tại Nga tiếp tục là mục tiêu của các vụ tấn công bằng drone, hai vụ gần đây nhất xảy ra vào sáng nay, 04/05, nhắm vào hai nhà máy lọc dầu ở tây nam Nga, gần Ukraina. Hãng thông tấn TASS và Ria Novosti cho biết đám cháy đầu tiên ở một bể chứa dầu ở Ilsky, vùng Krasnodar, đã được dập tắt. Chỉ một tiếng sau vụ này, thống đốc vùng Rostov, cũng gần biên giới với Ukraina, cho biết một drone đã rơi xuống một nhà máy lọc dầu gần làng Kisselevka. Vụ nổ gây ra hỏa hoạn và đám cháy cũng đã được dập tắt« ngay lập tức ».

    Tổng thống Ukraina công du Hà Lan và thăm Tòa Án Hình Sự Quốc Tế

    04/5/2023


    Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (G), chủ tịch Thượng Viện Hà Lan Jan Anthonie Bruijn (P) và chủ tịch Hạ Viện Hà Lan Vera Bergkamp tại La Haye, Hà Lan, ngày 04/05/2023. AFP - REMKO DE WAAL 

    Thu Hằng /RFI

    Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã đến thăm Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (CPI) và gặp các lãnh đạo của định chế quốc tế này vào sáng 04/05/2023 trong chuyến đi Hà Lan, sau khi công du Phần Lan ngày 03/05. 

    Theo thông tín viên của AFP, ông Zelensky được đội bảo vệ theo sát, quốc kỳ Ukraina đã được kéo lên bên cạnh cờ của CPI tại trụ sở của tòa án ở La Haye. Người phát ngôn của tổng thống Ukraina Serguiï Nykyforov cho biết phái đoàn « sẽ gặp các nhà lãnh đạo của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế » ở La Haye. 

    Từ tháng 03/2023, Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, bắt đầu hoạt động từ năm 2002, mở điều tra về những tội ác chiến tranh mà quân đội Nga bị cáo buộc gây ra ở Ukraina và đã ban hành lệnh bắt giữ tổng thống Vladimir Putin. 

    Theo đài phát thanh Hà Lan NOS, tại La Haye tổng thống Ukraina đọc bài diễn văn tựa đề« Không có hòa bình nếu không có công lý cho Ukraina », với sự tham dự của ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra. Sau đó, ông Zelensky hội đàm với thủ tướng Mark Rutte. Trước khi đến trụ sở CPI, ông đã thăm Thượng Viện Hà Lan ở La Haye. 

    Hà Lan ủng hộ Ukraina ngay từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược tháng 02/2022. Quốc gia thành viên Liên Âu thông báo vào tháng 03/2023 sẽ chi 165 triệu euro cùng với Đan Mạch để mua 14 xe tăng Leopard 2 viện trợ cho Kiev.

    Trung Quốc kêu gọi tôn trọng chủ quyền của Myanmar 

    04/5/2023 

    Reuters 

    Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương gặp người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar Min Aung Hlaing ở Naypyitaw hôm 2/5/2023.


    Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương gặp người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar Min Aung Hlaing ở Naypyitaw hôm 2/5/2023. 

    Trung Quốc ủng hộ Myanmar tìm đường phát triển của riêng mình và kêu gọi cộng đồng quốc tế tôn trọng chủ quyền của nước này và giúp nước này đạt được hòa bình và hòa giải, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố ngày 3/5.

    Myanmar phần lớn bị các nước phương Tây xa lánh kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử do khôi nguyên Giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi lãnh đạo vào năm 2021 và đàn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ trên toàn quốc nổ ra sau cuộc đảo chính.

    Tuy nhiên, nước láng giềng Trung Quốc vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các tướng lĩnh Myanmar và Ngoại trưởng Tần Cương đã thực hiện chuyến đi hiếm hoi tới Myanmar để gặp người đứng đầu chính quyền quân sự Min Aung Hlaing ở Naypyitaw hôm 2/5.

    “Trung Quốc ủng hộ Myanmar trong việc khám phá con đường phát triển với những đặc điểm của Myanmar phù hợp với điều kiện quốc gia của họ,” Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Tần nói trong cuộc hội đàm.

    Ông Tần nói Trung Quốc ủng hộ Myanmar trong việc “thúc đẩy quá trình chuyển đổi chính trị và ủng hộ các bên liên quan...giải quyết những khác biệt và tìm kiếm hòa giải quốc gia theo khung cảnh hiến pháp và luật pháp.”

    Ông nói cộng đồng quốc tế nên tôn trọng chủ quyền của Myanmar và đóng vai trò xây dựng trong việc giúp nước này đạt được hòa bình và hòa giải.

    Myanmar bị rung chuyển bởi bạo lực kể từ sau cuộc đảo chính, các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ cầm vũ khí, ở một số nơi, cùng với các lực lượng dân tộc thiểu số, đấu tranh cho quyền tự quyết, để chiến đấu với quân đội được trang bị tốt.

    Những nỗ lực của các nước láng giềng Đông Nam Á của Myanmar để bắt đầu đối thoại đã không đi đến đâu.

    Trung Quốc là khách hàng chính mua tài nguyên của Myanmar, bao gồm ngọc bích, thiếc và gỗ trong khi nước này thỉnh thoảng phải tiếp nhận những người tị nạn tràn qua biên giới do giao tranh giữa quân nổi dậy và lực lượng chính phủ Myanmar.

    Về phát triển kinh tế, ông Tần cho biết Trung Quốc sẽ đẩy mạnh đầu tư liên quan đến Hành lang kinh tế Trung Quốc-Myanmar và thực hiện các dự án về nông nghiệp, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

    Ngoại trưởng Trung Quốc nói Trung Quốc cũng ủng hộ Myanmar cải thiện quan hệ với nước láng giềng phía tây Bangladesh.

    Đài truyền hình MRTV của Myanmar cho biết các cuộc thảo luận của ông Tần tại Myanmar còn bao gồm tăng cường thương mại biên giới và hợp tác về năng lượng.

    Mỹ cấp thêm 300 triệu đô viện trợ quân sự cho Ukraine 

    04/5/2023 

    Reuters 

    Rốc-két tầm ngắn Hydra-70 phóng từ máy bay của Hoa Kỳ


    Rốc-két tầm ngắn Hydra-70 phóng từ máy bay của Hoa Kỳ 

    Hoa Kỳ ngày 3/5 tuyên bố sẽ gửi một gói viện trợ quân sự mới trị giá 300 triệu đô la cho Ukraine, bao gồm lần đầu tiên có rốc-két tầm ngắn Hydra-70 phóng từ máy bay, lấy từ kho dự trữ dư thừa của Hoa Kỳ.

    Gói hỗ trợ an ninh lần này là gói hỗ trợ thứ 37 được Hoa Kỳ phê duyệt cho Ukraine với tổng trị giá 35,7 tỷ đô la kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.

    “Mỹ cùng các đồng minh và đối tác của chúng tôi sẽ đoàn kết với Ukraine tới cùng,” Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố loan báo gói viện trợ.

    Rốc-két, đạn dược và pháo howitzer 155mm có trong gói viện trợ sẽ giúp Ukraine làm suy yếu các vị trí trên bộ của Nga để các lực lượng mặt đất của Ukraine tiến công khi Kyiv lên kế hoạch cho một cuộc tấn công mùa xuân.

    Hydra-70 là rốc-két không điều khiển, phóng từ trên không do công ty General Dynamics chế tạo. Rốc-két thường được phóng từ các bệ gắn trên máy bay để hỗ trợ cho lực lượng mặt đất.

    Gói này cũng bao gồm các hệ thống vũ khí chống tăng AT-4 và Carl Gustaf, phi đạn chống tăng TOW, một số loại súng cối và đạn của Hệ thống Rốc-két Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS).

    Thiết bị phá dỡ và xe tải cũng là một phần trong gói này cũng như thiết bị chẩn đoán để bảo dưỡng xe.

    Gói này sẽ được tài trợ bằng cách sử dụng Thẩm quyền Rút tiền của Tổng thống, cho phép tổng thống chuyển các vật phẩm và dịch vụ từ kho của Hoa Kỳ mà không cần sự chấp thuận của quốc hội trong trường hợp khẩn cấp.

    Chưa có lối thoát cho xung đột ở Sudan 

    “Lệnh ngừng bắn” mới nhất của Sudan sẽ có hiệu lực từ thứ Năm. Được trung gian bởi tổng thống Nam Sudan Salva Kiir, nó dự kiến kéo dài bảy ngày. Cho tới nay đây là thỏa thuận ngừng bắn dài nhất và thậm chí có thể đưa đến đàm phán hòa bình ở Juba, thủ đô của Nam Sudan. Nhưng người dân Sudan có lẽ sẽ không quá mong chờ.

    Cả hai phe đều không sẵn sàng nhượng bộ. Quân đội quốc gia, do Tướng Abdel Fattah al-Burhan lãnh đạo, tự tin sớm giành lại quyền kiểm soát Khartoum, thủ đô của Sudan và là trung tâm chiến sự. Họ có nhiều quân hơn, vũ khí mạnh hơn và có thể trông cậy vào hỗ trợ quân sự từ Ai Cập.

    Trong khi đó, Lực lượng Hỗ trợ Nhanh, một nhóm bán quân sự do một lãnh chúa được gọi là Hemedti lãnh đạo, có mặt trên khắp Khartoum và đang kiểm soát một cơ sở lọc dầu và một nhà máy sản xuất vũ khí. Mặc dù nhìn bề ngoài là kẻ yếu hơn, nhóm này sẽ không dễ dàng bị đánh bại. Người dân Khartoum đang oằn mình đón xung đột phía trước.

    Thị trường chờ kết quả kinh doanh của Apple 

    Công ty giá trị nhất thế giới sẽ báo cáo thu nhập quý vào thứ Năm. Tuần trước, những gã khổng lồ khác của Thung lũng Silicon — Alphabet, Amazon và Microsoft — đều ghi nhận kết quả tốt hơn mong đợi. Giờ đây, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào Apple, đặc biệt là đối với nhu cầu iPhone, sản phẩm chiếm hơn một nửa doanh thu của công ty vào năm ngoái. Doanh số điện thoại thông minh trên toàn thế giới là thước đo không chỉ cho Apple mà còn cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng nói chung.

    Gần đây, doanh số bán thiết bị của Apple đã suy giảm do các vấn đề nguồn cung. Năm ngoái, chiến lược zero covid của Trung Quốc đã buộc các nhà máy phải đóng cửa, khiến tiến độ sản xuất iPhone14 Pro bị đình trệ. Căng thẳng địa chính trị cũng khiến Trung Quốc trở nên rủi ro hơn cho các công ty Mỹ. Vì vậy, Apple đang chủ động giảm thiểu tác động. Ngân hàng JPMorgan Chase dự báo đến năm 2025, 1/4 số iPhone sẽ được sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan là những nước được hưởng lợi.

    Anh tổ chức bầu cử địa phương

    Bầu cử địa phương ở Anh quyết định các dịch vụ như chăm sóc xã hội và thu gom rác. Nhưng chúng cũng là cuộc thăm dò rộng lớn cho tổng tuyển cử trong tương lai.

    Các cuộc bầu cử địa phương sẽ diễn ra ở Anh vào thứ Năm, và sẽ quyết định khoảng 8.000 ghế ở 230 chính quyền địa phương. Thăm dò toàn quốc cho thấy Công Đảng đối lập do Keir Starmer lãnh đạo đang dẫn trước Đảng Bảo thủ cầm quyền của thủ tướng Rishi Sunak 15 điểm. Cách biệt này có thể tạo ra chiến thắng lớn Công Đảng, dù không có gì là đảm bảo, vì xuyên suốt chiều dài lịch sử đảng này thường có phong độ ở địa phương kém hơn so với bỏ phiếu toàn quốc.

    Đảng Bảo thủ nói dự kiến mất 1.000 ghế. Do đó, thứ Năm hứa hẹn là một đêm tồi tệ cho họ và sẽ khiến các nghị sĩ Bảo thủ lo lắng. Nếu thiệt hại chỉ ở mức 500, họ sẽ coi đó là nỗi buồn giữa kỳ và đặt mục tiêu bắt kịp Công Đảng trước tổng tuyển cử vào năm tới.

    Thị trường thuốc chống béo phì chớm nở

    Khi các nhân vật Hollywood chăm dùng thuốc giảm cân đắt tiền Wegovy, nhà sản xuất Novo Nordisk sẽ tăng tốc. Kể từ tháng 1 năm 2021, vốn hóa thị trường của tập đoàn dược phẩm Đan Mạch này đã tăng vọt từ 165 tỷ đô la lên 385 tỷ đô la nhờ kỳ vọng cao vào dòng thuốc bom tấn của họ. Ngân hàng Morgan Stanley nói với Financial Times rằng họ dự đoán thị trường cho các loại thuốc như Wegovy có thể đạt 50 tỷ đô la vào năm 2030. Amgen, AstraZeneca và Pfizer đều đang nghiên cứu các loại thuốc cạnh tranh.

    Nhà đầu tư sẽ rất mong chờ khi Novo Nordisk công bố kết quả quý vào thứ Năm. Giới phân tích ước tính doanh thu của hãng đạt 705 triệu đô la trong quý đầu năm, tăng gấp đôi so với 336 triệu đô la của quý 4 năm ngoái. Nhà đầu tư cũng đang mong chờ kết quả của một nghiên cứu xem liệu loại thuốc này có giúp giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ hay không. Nếu được chứng minh, nó sẽ khuyến khích các công ty bảo hiểm và chính phủ chi trả cho việc dùng thuốc Wegovy, qua đó mang lại lợi nhuận tốt đẹp cho Novo Nordisk.

    Đài Loan muốn Mỹ giúp phát triển chiến đấu cơ nội địa thế hệ mới, hiện đại 

    03/5/2023 

    Reuters 

    Chiến đấu cơ Mirage của không quân Đài Loan ở căn cứ


    Chiến đấu cơ Mirage của không quân Đài Loan ở căn cứ 

    Đài Loan muốn hợp tác với Mỹ để chế tạo thế hệ chiến đấu cơ tiếp theo được phát triển trong nước, lãnh đạo nhà thầu quốc phòng Đài Loan Aerospace Industrial Development Corp (AIDC) cho biết hôm 3/5.

    Không quân Đài Loan được điều động mỗi ngày để ngăn chặn các cuộc xâm nhập của máy bay Trung Quốc vào không phận xung quanh hòn đảo vào lúc Bắc Kinh tăng cường áp lực để buộc Đài Loan chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc.

    Mặc dù vũ khí chủ lực của không quân Đài Loan là các máy bay F-16 của hãng Lockheed Martin, Mỹ, và Mirage của Pháp, họ cũng sử dụng chiến đấu cơ phòng thủ bản địa (IDF) Kinh Quốc của hãng AIDC.

    Đội bay IDF của Đài Loan đã được triển khai cách nay hơn ba thập kỷ nhưng đã được nâng cấp.

    Phát biểu tại diễn đàn công nghiệp quốc phòng Đài Loan-Mỹ tại Đài Bắc, Chủ tịch AIDC Hồ Khai Hoành cho biết công ty ông muốn nâng cao năng lực kỹ thuật để giúp phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của Đài Loan.

    “Khi nói đến phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo, chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ hỗ trợ Đài Loan tự phát triển, bao gồm động cơ, hệ thống điện tử, hệ thống điều khiển, kiểm soát môi trường, tất cả đều là cơ hội hợp tác Đài Loan-Hoa Kỳ”, ông nói.

    Đài Loan hồi năm 2017 đã công bố chương trình chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo, bao gồm khả năng tàng hình, nhưng kể từ đó chỉ công bố rất ít chi tiết.

    Hầu hết các nước trên thế giới không bán vũ khí cho Đài Loan vì sợ chọc giận Trung Quốc.

    Ngay cả Mỹ cũng không sẵn sàng cung cấp cho Đài Loan những chiến đấu cơ tối tân nhất như F-22 hay F-35 và Đài Loan cũng không có đối thủ tương ứng với chiến đấu cơ tàng hình J-20 mới của Trung Quốc.

    Điều này đã thúc đẩy Đài Loan phát triển chiến đấu cơ mới được chế tạo trong nước nằm trong chiến lược tổng thể là tự thân sản xuất nhiều vũ khí hơn, chẳng hạn như tàu ngầm.

    “Máy bay sản xuất nội địa là con đường chúng tôi phải đi”, ông nói.


    Không có nhận xét nào