Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ ba 30 tháng 5 năm 2023

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Trung Quốc từ chối yêu cầu của Mỹ về cuộc gặp giữa các bộ trưởng quốc phòng

    Liên Thành

    Trung Quốc từ chối yêu cầu của Mỹ về cuộc gặp giữa các bộ trưởng quốc phòng. 

    Theo các phương tiện truyền thông đưa tin hôm thứ Hai (30/5), Trung Quốc đã từ chối yêu cầu của Hoa Kỳ về một cuộc gặp giữa các bộ trưởng quốc phòng của hai nước tại một diễn đàn an ninh thường niên ở Singapore vào cuối tuần này, đây được xem là một dấu hiệu căng thẳng mới giữa các cường quốc.

    Bộ Quốc phòng Mỹ trong một tuyên bố với tờ Wall Street Journal đã cho biết: “Đêm qua, CHND Trung Hoa đã thông báo với Hoa Kỳ rằng họ đã từ chối lời mời vào đầu tháng 5 của chúng tôi để Bộ trưởng Austin gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng CHND Trung Hoa Lý Thượng Phúc tại Singapore”. Ngũ Giác Đài cho biết họ tin tưởng vào giao tiếp cởi mở “để bảo đảm rằng cạnh tranh không dẫn đến xung đột”.

    Tuần trước, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đã có các cuộc thảo luận để tiến hành đàm phán giữa ông Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc.

    Triển vọng về một cuộc gặp giữa hai quan chức Mỹ – Trung này đang được theo dõi chặt chẽ do căng thẳng an ninh khu vực và tranh chấp thương mại đã làm hỏng kế hoạch tái hợp tác của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

    Tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã trao đổi về các chính sách thương mại, đầu tư và xuất khẩu trong một cuộc họp ở Washington, đánh dấu cuộc trao đổi cấp nội các giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đầu tiên trong nhiều tháng sau những căng thẳng đôi bên.

    Theo Ian Storey, một nhà phân tích an ninh có trụ sở tại Singapore, quyết định của Trung Quốc xa lánh ông Austin không phải là dấu hiệu tốt lành gì. Vì ông Storey cho rằng vào thời điểm căng thẳng Mỹ – Trung gia tăng như hiện nay, “việc Tướng Lý từ chối gặp người đồng cấp sẽ càng làm căng thẳng khu vực hơn nữa”.

    Ông Austin và ông Lý sẽ có mặt tại Singapore để tham dự Đối thoại Shangri-la lần thứ 20 sẽ khai mạc vào thứ Sáu tuần này, một cuộc gặp gỡ không chính thức của các quan chức quốc phòng các nước cùng các nhà phân tích, bên cạnh đó là một loạt các cuộc họp bên lề khác. Cả hai quan chức Mỹ – Trung dự kiến sẽ tổ chức các cuộc gặp song phương với các đối tác từ khắp khu vực.

    Các quan chức Trung Quốc vẫn chưa giải thích về thái độ bị cho là nhằm làm bẽ mặt lãnh đạo quốc phòng Mỹ của ông Lý Thượng Phúc, nhưng một số nhà phân tích an ninh cho rằng việc Trung Quốc khó chịu trước lệnh trừng phạt của Mỹ đối với bộ trưởng quốc phòng nước này có thể là một lý do.

    Ông Lý Thượng Phúc là thành viên của Quân ủy Trung ương, cơ quan quốc phòng hàng đầu của Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ huy.

    Vào năm 2018, ông bị chính quyền Mỹ trừng phạt vì đã mua vũ khí của Nga, bao gồm máy bay chiến đấu Su-35 và hệ thống tên lửa đất đối không S-400 và thiết bị từ nhà xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport.

    Trung Quốc : Đụng độ giữa người Hồi Giáo và cảnh sát, hàng chục người bị bắt

    Trung Quốc hôm nay, 30/05/2023, điều động hàng trăm cảnh sát bắt giữ nhiều người tại một thành phố có đông dân theo đạo Hồi sinh sống ở phía tây nam. Theo AFP, chiến dịch trấn áp này diễn ra sau những đụng độ giữa cảnh sát và người theo đạo Hồi,  có liên quan đến việc phá hủy một phần đền thờ Hồi Giáo, xảy ra hôm thứ Bảy 27/05/2023.  


    Ảnh minh họa : Một đền thờ Hồi giáo ở tỉnh Cam Túc (Gansu), Trung Quốc. JOHANNES EISELE / AFP 

    Minh Anh /RFI

    Thông tín viên đài RFI, Stephane Lagarde tại Bắc Kinh, tường thuật : 

    «  Các hình ảnh đã bị các nhà kiểm duyệt nhanh chóng xóa đi, nhưng người ta vẫn có thể tìm thấy chúng sáng thứ Hai này trên mạng xã hội Twitter – vốn bị kiểm duyệt tại Trung Quốc. Những cú đá, cú đấm, rồi ném gạch đá, những người phản đối hôm thứ Bảy tìm cách đẩy lui bức tường khiên mầu đen của cảnh sát vũ trang nhân dân. Lực lượng an ninh ngăn chặn những người này tiếp cận đền thờ Hồi Giáo Nạp Gia Doanh, ở huyện Ngọc Khê. 

    Tại tỉnh Vân Nam này, trong số các sắc dân thiểu số, người Hồi chiếm số đông. Trên một đoạn video khác, một bộ phận những người phản đối tiếp cận được một bức tường bao quanh và đẩy sập giàn giáo xây dựng. Một số hình ảnh khác còn cho thấy nhiều người mặc bộ đồ rằn ri hô các khẩu hiệu. Nhiều bình luận trên mạng cũng nói đến sự hiện diện của nhiều nhân viên an ninh mặc thường phục. 

    Được xây dựng từ thời nhà Minh, đền thờ Nạp Gia Doanh có mái vòm và bốn ngọn tháp. Chính phần trên cao và đặc biệt là mái vòm đã bị chính quyền địa phương nhắm đến khi cho rằng việc xây dựng là bất hợp pháp. Chiến dịch Hán hóa ở Trung Quốc những năm gần đây đã cho dỡ bỏ nhiều thánh giá khỏi nhà thờ và cuỗm mất những phần trang trí tại nhiều đền thờ. 

    Tòa án và viện kiểm sát quận Thông Hải (Tonghai) hôm Chủ Nhật ra thông cáo khẳng định rằng "một vụ việc" hôm thứ Bảy 27/5 đã gây xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội. Khoảng ba chục người biểu tình dường như đã bị bắt giữ. » 

    Các nỗ lực tạo ra định chế quản lý cho AI

    Các quan chức G7 sẽ gặp nhau vào thứ Ba để lần đầu tiên thảo luận về chính sách quản lý các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT. Cuộc họp này một lần nữa cho thấy cả chính phủ và các công ty công nghệ lớn đều đồng ý là cần phải làm gì đó để AI không phát triển quá nhanh đến mức mất kiểm soát. Chẳng hạn, hôm 22 tháng 5, OpenAI, công ty khởi nghiệp tạo ra ChatGPT, đã kêu gọi thành lập một cơ quan quản lý quốc tế như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.

    Nhưng để vạch ra các bước cụ thể không hề đơn giản. Ngay cả một định nghĩa chung về AI cũng chưa có, trong khi lợi ích của các bên rất khác nhau. OpenAI, một tổ chức dù tuyên bố phi lợi nhuận nhưng đang ngày càng chạy theo lợi nhuận, muốn các quy định được áp dụng nhẹ nhàng, trong khi EU thúc đẩy kiểm soát chặt chẽ. Khi mà EU đã có “Đạo luật AI” đang được soạn thảo, họ có thể một lần nữa đặt ra các quy tắc cho thế giới — như họ từng làm về quyền riêng tư với Quy định Bảo vệ Dữ liệu Chung GDPR.

    Giá nhà ở Mỹ hồi sinh

    Dù lãi suất có thể còn tăng ở Mỹ, giá nhà đang tăng trở lại. Vào tháng 2, giá nhà đã tăng gần 0,2%, chấm dứt chuỗi bảy tháng giảm giá. Giới phân tích sẽ xem xét kĩ lưỡng khi chỉ số S&P CoreLogic Case-Shiller, thước đo giá nhà ở Mỹ, được công bố vào thứ Ba.

    Hai yếu tố có thể duy trì đà phục hồi của giá nhà, ngay cả khi lãi suất thế chấp tiếp tục tăng. Đầu tiên là nguồn cung. Sau hơn một thập niên ngành xây dựng hoạt động dưới sức, nước Mỹ đang đối mặt tình trạng thiếu nhà ở, khiến giá nhà bị đẩy lên cao. Bên cạnh đó là sự phổ biến của “còng tay vàng” — các khoản thế chấp có lãi suất cố định thấp khiến hàng triệu chủ nhà bị ràng buộc với những ngôi nhà mà họ có thể muốn rời đi.

    Yếu tố thứ hai là thị trường lao động nóng của Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp thấp, cùng với khoản tiết kiệm dư thừa sau đại dịch, làm tăng nhu cầu nhà mới. Và với rất nhiều người mua tiềm năng đang chờ đợi, giá có thể vẫn chưa chạm trần.

    Tổng thống Lula muốn xây dựng lại hình ảnh Brazil lãnh đạo Nam Mỹ

    Vào thứ Ba, tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã tổ chức cuộc họp khu vực cấp cao đầu tiên trong gần một thập niên qua với mười người đồng cấp Nam Mỹ khác. Ông hy vọng sự kiện sẽ giúp hàn gắn một số rạn nứt về ý thức hệ giữa các nhà lãnh đạo trong khu vực.

    Trong nhiệm kỳ tổng thống trước đây của mình từ năm 2003 đến 2010, Lula đã mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của Brazil bằng cách thay mặt cho các quốc gia bất hòa ở Mỹ Latinh trên trường quốc tế. Sau khi nhậm chức vào tháng 1, ông muốn lặp lại thành tích này. Nhưng cơ chế hợp tác của ông, Liên minh Nam Mỹ (UNASUR) do Venezuela khởi xướng vào năm 2004, đang bị suy giảm số lượng thành viên. Và hầu hết các tổng thống đều bận giải quyết các vấn đề ở quê nhà — ví dụ, Peru sẽ cử thủ tướng đến dự sau khi Pedro Castillo bị lật đổ khỏi vị trí tổng thống vào tháng 12. Khi gặp các đồng nghiệp, Lula có thể nhận ra bao nhiêu điều đã thay đổi sau mười năm.

    Scandal đại dịch của Boris Johnson vẫn chưa chấm dứt

    Thứ Ba này là hạn chót để chính phủ Anh bàn giao một loạt các tài liệu nhạy cảm cho cuộc điều tra chính thức về đại dịch. Đối với những người muốn hiểu điều gì đã sai (hoặc đúng) trong phản ứng của chính phủ Anh trước đại dịch Covid, lô tài liệu này là một mỏ vàng.

    Các giấy tờ được yêu cầu bao gồm nhật ký chưa được chỉnh sửa từ đầu năm 2020 đến đầu năm 2022, được viết bởi Boris Johnson, người khi đó là thủ tướng, cũng như 24 cuốn sổ ghi chép của ông vào thời điểm đó. Cuộc điều tra cũng yêu cầu tin nhắn WhatsApp giữa ông Johnson và ít nhất 40 quan chức cấp cao nhất của ông. Các bộ trưởng bảo thủ nói việc tiết lộ tin nhắn sẽ tạo tiền lệ có hại. Khả năng sẽ có một cuộc chiến pháp lý.

    Cuộc điều tra sẽ đánh giá một cách cẩn thận các cáo buộc ông Johnson vi phạm các quy tắc Covid nghiêm ngặt của chính mình (trước đó ông đã bị phạt vì tham dự một bữa tiệc ở Phố Downing trong thời gian phong tỏa). Các phiên điều trần miệng, bắt đầu vào mùa hè này, hứa hẹn tiếp tục chiếm trang nhất các báo.

    Bế mạc cuộc họp thường niên của WHO

    Vào thứ Ba, Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 76 sẽ bế mạc. Trong hơn một tuần qua, các bộ trưởng y tế, bác sĩ và các nhà vận động đã đến Geneva để vạch ra các ưu tiên y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một cơ quan được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn vừa bước sang tuổi 75. Chúng bao gồm các nghị quyết tăng cường thực phẩm thiết yếu, chẳng hạn như gạo, với vitamin và khoáng chất; tăng cường tiếp cận toàn cầu với các dịch vụ phục hồi chức năng, chẳng hạn như vật lý trị liệu; và để giảm số ca tử vong do đuối nước.

    Nhưng các vấn đề chính trị – cả quốc tế và nội bộ – đã làm lu mờ phần lớn hội nghị. Đài Loan bị cấm tham gia; họ đáp lại bằng cáo buộc WHO thiên vị Trung Quốc. Nga đã cố gắng (và thất bại) làm hỏng chiếc vé bầu Ukraine vào ban điều hành của WHO. Và Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc của WHO, thừa nhận tổ chức này đã làm quá ít trước nạn lạm dụng và quấy rối tình dục trong nội bộ nhân viên suốt nhiều năm qua. Một cuộc điều tra sẽ khép lại trong vòng 200 ngày tới. Trước khi giúp ích cho thế giới, WHO cần tự chữa bệnh cho chính mình.

    Bác bỏ kế hoạch hòa bình của Trung Quốc, Ukraine nêu giải pháp duy nhất để chấm dứt xung đột

    Bác bỏ kế hoạch hòa bình của Trung Quốc, Ukraine nêu giải pháp duy nhất để chấm dứt xung đột


    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tham dự cuộc họp báo tại ga tàu điện ngầm Maidan Nezalezhnosti vào ngày 23/4/2022 ở Kyiv, Ukraine. (Ảnh: The Asahi Shimbun/Getty Images) 

    Ukraine đã bác bỏ kế hoạch hòa bình 12 điểm do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đề xuất. Một trợ lý hàng đầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết kế hoạch hòa bình của Ukraine mới là giải pháp duy nhất để chấm dứt chiến tranh giữa Nga và Ukraine.

    Trưởng cố vấn ngoại giao của Nhà lãnh đạo Ukraine – ông Ihor Zhovkva – nói với tờ Reuters rằng Ukraine không quan tâm đến một lệnh ngừng bắn cho phép Nga kiểm soát lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng, mà nước này chỉ có một điều kiện duy nhất để kết thúc chiến tranh là: Nga rút quân hoàn toàn khỏi lãnh thổ Ukraine. 

    Trong những tháng gần đây, ông Zhovkva đã bác bỏ một loạt sáng kiến hòa bình từ Trung Quốc, Brazil, Vatican và Nam Phi.

    “Khi nói về cuộc chiến ở Ukraine, kế hoạch hòa bình của Brazil, kế hoạch hòa bình của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hay kế hoạch hòa bình của Nam Phi đều không hiệu quả”, ông Zhovkva nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters hôm thứ Sáu (26/5).

    “Trong giai đoạn chiến tranh diễn ra, chúng tôi không cần bất kỳ nước trung gian hòa giải nào. Đã quá muộn để hòa giải”, cố vấn của Tổng thống Ukraine nhấn mạnh.

    Vào tháng 2 năm nay, ĐCSTQ đã đề xuất một kế hoạch hòa bình gồm 12 điểm cho cuộc chiến Nga – Ukraine. Kế hoạch này kêu gọi Nga ngừng bắn và hai bên đàm phán hòa bình, nhưng không yêu cầu Nga rút quân mà yêu cầu các nước phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga.

    Đáp lại, Điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby đã nói rõ vào tháng 3 rằng kế hoạch hòa bình của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn chỉ kêu gọi ngừng bắn chứ không yêu cầu Nga rút quân, sẽ chỉ giúp ích cho các lực lượng Nga.

    Ông cũng cáo buộc Nga sẽ tận dụng lệnh ngừng bắn đó để tiếp tục củng cố các vị trí của mình tại nước láng giềng Ukraine, cũng như khôi phục lực lượng và đào tạo quân nhân để chuẩn bị cho đợt tấn công mới.

    Ông cho rằng điều đó chứng thực một cách hiệu quả cho cuộc chinh phục bất hợp pháp của Nga. Các nước châu Âu cũng có quan điểm tương tự.

    Gần đây, đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Á – Âu Lý Huy đã đến thăm nhiều quốc gia châu Âu trong nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán về một “giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine”. Trao đổi với tờ Wall Street Journal, một nhà ngoại giao châu Âu từng nói chuyện với ông Lý Huy cho hay, “Chúng tôi đã giải thích (với ông Lý Huy) rằng trừ khi quân đội Nga rút quân [khỏi lãnh thổ Ukraine], nếu không thì đó chỉ là động thái đóng băng cuộc xung đột và điều này không có lợi cho cộng đồng quốc tế”.

    Một quan chức khác lập luận rằng mối quan tâm chính của Trung Quốc dường như là đảm bảo rằng Nga không thua trong cuộc chiến và Moscow không sử dụng vũ khí hạt nhân.

    Trong khi đó, ông Zhovkva cho biết phản ứng của các đại diện quốc gia đối với kế hoạch hòa bình 10 điểm của Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, là rất tích cực. Các nước G7 cũng không nêu quan ngại về bất kỳ điểm nào trong kế hoạch hòa bình của Ukraine.

    Về phần mình, Nga cho biết họ sẵn sàng đàm phán hòa bình với Ukraine, nhưng Moscow khẳng định rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng sẽ dựa trên “thực tế mới”, nghĩa là công nhận 4 khu vực mà Nga tuyên bố sáp nhập. Đây là điều kiện mà Ukraine sẽ không chấp nhận.

    Vào tháng 9/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng Nga sẽ sáp nhập 4 vùng của Ukraine (Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia) vào lãnh thổ nước Nga. Phản ứng về sự việc này, Ukraine và các nước phương Tây cho biết họ sẽ không công nhận các khu vực này là lãnh thổ của Nga.

    Trong khi Ukraine mong muốn các nhà lãnh đạo G7 giúp đưa càng nhiều quốc gia “Nam bán cầu” đến dự “hội nghị thượng đỉnh hòa bình” do Ukraine đề xuất càng tốt, ông Zhovkva cho hay địa điểm của hội nghị thượng đỉnh vẫn đang được thảo luận.

    Ông Zelenskyy đã tạo ra một “cú hích lớn” trong tháng này nhằm thu hút sự ủng hộ từ các quốc gia ở “phía nam bán cầu”. Vào ngày 19/5, Tổng thống Ukraine đã tham dự một hội nghị thượng đỉnh ở Ả Rập Xê Út để hội đàm với Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman, cũng như các quan chức Iraq và các phái đoàn khác.

    Sau đó, ông đã bay tới Nhật Bản để gặp gỡ các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Indonesia bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima. Hai quốc gia này đại diện cho những tiếng nói quan trọng ở Nam bán cầu.

    Mặc dù Ukraine nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của phương Tây trong cuộc chiến chống lại Nga, nhưng nước này lại không nhận được sự ủng hộ tương tự từ các quốc gia ở Nam bán cầu (bao gồm Mỹ Latinh, Châu Phi và phần lớn Châu Á). Đây là nơi mà Nga đã đẩy mạnh các khoản đầu tư về năng lượng và ngoại giao của mình trong những năm qua.

    Để đối phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Nga đã cố gắng chuyển doanh số bán năng lượng từ các thị trường châu Âu truyền thống sang châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh và khu vực Trung Đông.

    Lam Giang tổng hợp

    Ukraina: Thủ đô Kiev bị bắn phá liên tiếp đêm thứ ba

    Đêm thứ ba liên tiếp, thủ đô Kiev Ukraina ngày 29/05/2023 bị Nga oanh kích dữ dội. Ban ngày là các đợt bắn phá bằng tên lửa đạn đạo, về đêm đến lượt các loại drone tự sát. Dù phòng không Ukraina đã chặn được khá hiệu quả các đợt oanh, nhưng vẫn không tránh khỏi những thiệt hại về nhân mạng. 


    Nhiều xe hơi bị hư hại sau cuộc tấn công lớn bằng drone của Nga, Kiev, ngày 30/05/2023. REUTERS - VALENTYN OGIRENKO 

    Anh Vũ /RFI

    Thông tín viên Stéphane Siohan tại Kiev tường trình : 

    "Một kịch bản buồn theo lối cũ lại diễn ra trong đêm qua. Còi báo động phòng không liên hồi kéo lên trong đêm tối. Với những người khó ngủ thì đây là một đêm trắng.

    Bất chợt, những loạt đạn phòng không được bắn lên, có thể nhìn bằng mắt thường, nhiều tiếng nổ xé tan bầu trời Kiev.

    Một lần nữa các loại drone Shahed 136 do Iran chế tạo bay lượn trên bầu trời thủ đô. Tất cả đều bị bắn chặn, như thường lệ. Các mảnh vỡ của drone rơi xuống đất, nhưng lần này đã gây thiệt hại về người. 

    Trong khu phố Holosieevski, hai tầng trên cao của một tòa nhà đã bị phá, một người thiệt mạng, một bà cụ bị thương  và hai mươi người khác đã được sơ tán khỏi tòa nhà. 

    Các mảnh của drone bị bắn rơi nằm vương vãi trên mặt đường, trên các xe và tại một xí nghiệp ở phía tây nam Kiev.

    Cho dù hệ thống phòng không có hiệu quả, nhưng các mảnh kim loại rớt xuống như vậy thực sự dễ gây rủi ro cho người dân. Họ thường xuyên căng thẳng lo sợ. Trên mạng xã hội, nhiều người dân Kiev viết : ban đêm họ không thể ngủ được nữa và sau đó cả ngày sống vật vờ như thây ma. Đó là một thiệt hại mới của chiến tranh".

    Cũng trong ngày hôm qua, Ukraina thừa nhận một « cơ sở quân sự » đã bị thiệt hại sau các đợt oanh kích của Nga. Chính quyền Ukraina cho biết đang sửa chữa một đường băng của một sân bay trong vùng Khmelnytsky, phía tây đất nước. Ngoài ra 5 máy bay cũng bị hư hại trong vụ tấn công này. 


    Không có nhận xét nào