Header Ads

  • Breaking News

    Tại sao đại sứ Trung Quốc tại Pháp gây tranh cãi về các nước thuộc Liên Xô cũ

    Đại sứ Lô Sa Dã đã gửi tín hiệu đồng ý với Putin qua bình luận về chủ quyền của Liên Xô cũ.

     Nguồn: Katsuji Nakazawa, “For wolf-warrior envoy in France, it’s mission accomplished,” Nikkei Asia, 27/04/2023

    Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

    Trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gây tranh cãi trên trường quốc tế khi phát biểu rằng châu Âu nên tránh bị kéo vào cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề Đài Loan.

    Chỉ hai tuần sau đó, Lô Sa Dã (Lu Shaye), Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, đã gây ra một vụ náo động khác ở châu Âu khi ông đặt câu hỏi về chủ quyền của các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

    Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng trên truyền hình Pháp hôm thứ Sáu, Lô được hỏi liệu Crimea có phải là một phần của Ukraine hay không. Ông đáp, “Theo lịch sử thì ban đầu Crimea là một phần của Nga. Chính Khrushchev đã trao Crimea cho Ukraine trong thời kỳ Liên Xô.”

    Ông tiếp tục, “Các quốc gia thuộc Liên Xô cũ không có địa vị thực tế trong luật pháp quốc tế, vì không có thỏa thuận quốc tế nào để hiện thực hóa tình trạng chủ quyền của họ.”

    Những nhận xét gây tranh cãi của Lô đã đặt ra nghi ngờ về sự tồn tại chủ quyền quốc gia của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, bao gồm cả Ukraine. Người ta bắt đầu đặt nghi vấn liệu đây có phải là quan điểm chính thức của chính phủ Trung Quốc.

    Nếu Lô Sa Dã cố tình đưa ra những nhận xét này, điều đó có thể cho thấy Bắc Kinh xem hai mối quan hệ, giữa Nga với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và giữa Trung Quốc với Đài Loan, là có sự tương đồng. © Reuters 

    Nhận xét này ngay lập tức vấp phải những phản ứng dữ dội. Trợ lý của Tổng thống Ukraine Mykhaylo Podolyak viết trên Twitter, “Tất cả các quốc gia thuộc Liên Xô cũ đều có chủ quyền rõ ràng, được tôn trọng trong luật pháp quốc tế.”

    Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis cũng tweet rằng, “Nếu ai đó vẫn thắc mắc lý do tại sao các quốc gia vùng Baltic không tin tưởng Trung Quốc sẽ làm ‘trung gian hòa bình ở Ukraine,’ hãy nghe một đại sứ Trung Quốc lập luận rằng Crimea là của Nga, và biên giới của đất nước chúng tôi là không có cơ sở pháp lý.”

    Về mặt kỹ thuật, Trung Quốc công nhận chủ quyền của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, bao gồm các nước Baltic – Estonia, Latvia, và Litva – bên cạnh đó là các nước Trung Á và Ukraine. Đâu còn lý do nào khác để Trung Quốc và các nước này trao đổi đại sứ?

    Nếu Trung Quốc thực sự khẳng định rằng không có thỏa thuận quốc tế nào về chủ quyền của các quốc gia này – điều được thể hiện qua việc các quốc gia này đều là thành viên chính thức của Liên Hợp Quốc – thì quan hệ ngoại giao của Trung Quốc với các quốc gia này sẽ bị hủy bỏ.

    Một lời khẳng định như vậy từ Trung Quốc chẳng khác nào tự bắn vào chân mình.

    Lô vốn được biết đến là một nhà ngoại giao hay đưa ra những nhận xét gây tranh cãi. Chẳng hạn, ông từng nói rằng, sau khi Trung Quốc thống nhất với Đài Loan, người dân trên đảo cần phải được “cải tạo” để nuôi dưỡng lòng yêu nước.

    Một số người cho rằng đây chỉ là hành động lỡ lời của một “nhà ngoại giao chiến lang.” Những người khác tin rằng nhận xét của Lô chắc chắn là có chủ ý và đã được đưa ra theo chỉ thị của Bắc Kinh.

    Nếu giả thuyết thứ hai là chính xác, vấn đề thực sự nghiêm trọng.

    Người ta đã đặt ra giả định về ý định của Lô – và của Bắc Kinh. Phải chăng đây là một thông điệp thiện chí gửi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin?

    Thanh niên kỷ niệm 9 năm ngày sáp nhập Crimea, ở Yalta, Crimea, vào ngày 17/3. © AP 

    Nếu Bắc Kinh thực sự cho rằng có sự tương đồng giữa mối quan hệ của Nga với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và mối quan hệ của Trung Quốc với Đài Loan, thì mọi chuyện đã dần sáng tỏ.

    Năm 2014, nước Nga của Putin đã đơn phương chiếm Crimea từ Ukraine và sáp nhập bán đảo. Tiếp đến, vào tháng 2 năm ngoái, Nga đã phát động một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

    Trung Quốc đã không công nhận hai động thái này của Nga, nhưng đồng thời, họ cũng chưa bao giờ chỉ trích Nga về cuộc xâm lược vũ trang vào Ukraine. Ở đây tồn tại một mâu thuẫn lớn.

    Tuy nhiên, việc Trung Quốc vui vẻ để mặc mâu thuẫn này nhiều khả năng là do họ không loại trừ việc sử dụng vũ lực để thống nhất với Đài Loan.

    Trung Quốc hy vọng rằng trong một kịch bản như vậy, chí ít người Nga sẽ ủng hộ họ tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, để chống lại một liên minh quốc tế lên án động thái xâm lược.

    Tuyên bố của Lô có thể là phi logic khi nhìn từ quan điểm luật pháp quốc tế, nhưng từ quan điểm chính trị, nó có thể được diễn giải là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm chiều lòng Putin. Nếu đúng là vậy, thì dù tuyên bố có gây tranh cãi hay phi logic cũng không quan trọng đối với Bắc Kinh.

    Điều đó có nghĩa là Lô đã làm đúng vai trò “chiến lang” của mình theo lệnh của Bắc Kinh. Nhiệm vụ của ông đã hoàn thành.

    Vladimir Putin và Tập Cận Bình tại Điện Kremlin ở Moscow, Nga, vào ngày 21/3: Putin có lý do để cảm thấy hơi bất an về vụ ngoại giao chiến lang gần đây. © Reuters 

    Nhận xét của Lô Sa Dã nên được hiểu trong bối cảnh Trung Quốc và Nga đang xích lại gần nhau hơn. Hồi tháng 3, Tập Cận Bình đã đến thăm Nga và hội đàm với Putin để bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba của ông với tư cách là Chủ tịch Trung Quốc.

    Điều thú vị là nhận xét gây tranh cãi lại được đưa ra bởi Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, theo sau tuyên bố của Tổng thống Macron ở Trung Quốc.

    Một nguồn tin ngoại giao đã quan sát quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu suốt nhiều năm cho rằng Trung Quốc đã lợi dụng Macron.

    “Tại sao giới lãnh đạo trung ương Trung Quốc lại để đại sứ tại Pháp đưa ra nhận xét như vậy vào giai đoạn này? Điều đó có liên quan đến chính sách Trung Quốc của Macron, người luôn giữ khoảng cách với Mỹ,” nguồn tin cho biết.

    Tổng thống Pháp đang gặp khó khăn chính trị tại quê nhà. Quan hệ kinh doanh với Trung Quốc giữ vai trò quan trọng đối với kế hoạch của Macron nhằm đưa nền kinh tế Pháp trở lại đúng hướng. Việc ông tách biệt nước Pháp với vấn đề Đài Loan và tuyên bố rằng Pháp không nên đơn giản chỉ đi theo Mỹ đã được thực hiện trong bối cảnh này.

    Pháp là một thành viên của G-7 và là trụ cột của Châu Âu. Tuyên bố của Macron đã khuyến khích Tập.

    Tần Cương tại cuộc họp báo bên lề Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc ở Bắc Kinh ngày 7/3: vị ngoại trưởng gần đây đã có những phát biểu mạnh mẽ nhắm vào Mỹ (Ảnh của Yusuke Hinata) 

    Nhiều người tin rằng Trung Quốc đã từ bỏ chính sách ngoại giao chiến lang sau khi chứng kiến những kết quả phản tác dụng.

    Nhưng liệu đó có phải sự thật?

    Phát biểu tại Thượng Hải hôm thứ Sáu (21/04/2023), Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã có những lời nói mạnh bạo nhắm vào Mỹ, “Những kẻ đùa với lửa ở Đài Loan cuối cùng sẽ tự làm mình bị bỏng.”

    Chính sách đối ngoại của Trung Quốc được quyết định bởi Tập, người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc; Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu; và Tần Cương, người được biết đến là phụ tá thân cận của Tập.

    Xét đến việc thứ hạng của Lô Sa Dã là tương đối thấp trong hệ thống phân cấp của đảng, và việc ông là người được tin cậy để đưa đến một quốc gia quan trọng ở châu Âu làm đại sứ, thật khó để nghĩ rằng ông sẽ đưa ra những nhận xét khác xa với các chính sách cơ bản của Trung Quốc.

    Tuy nhiên, các động thái của Bắc Kinh không phải là không có rủi ro.

    Phản ứng của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á là một yếu tố cần theo dõi. Đương nhiên, họ đã bị sốc trước cuộc xâm lược toàn diện của Putin vào Ukraine, tự hỏi sau này liệu mình có phải đối mặt với số phận tương tự hay không.

    Như một biện pháp tự vệ, một số quốc gia Trung Á đã quay sang Trung Quốc như một phương tiện để ngăn ngừa áp lực từ Putin. Trung Quốc là nước láng giềng khổng lồ phía đông của họ và nhà lãnh đạo của họ, Tập Cận Bình, rất thân thiết với Putin.

    Nhưng họ sẽ không bao giờ có thể chấp nhận những nhận xét của Lô, vì chúng đặt câu hỏi về chủ quyền của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Theo logic của Lô, nếu Putin tiến hành một cuộc can thiệp vũ trang vào một quốc gia Trung Á, Trung Quốc sẽ không giúp đỡ.

    Trong khi đó, Nga cũng có lý do để cảm thấy bất an. Khi được hỏi trên truyền hình liệu Bán đảo Crimea có phải là một phần của Ukraine hay không, Lô đã trả lời rằng đó là một phần của Nga về mặt lịch sử.

    Nếu điều đó được áp dụng cho lịch sử Trung Quốc-Nga, Trung Quốc có thể nói rằng Primorsky Krai về mặt lịch sử là một phần của Trung Quốc.

    Primorsky Krai, bao gồm thành phố cảng Vladivostok, đã được Nhà Thanh nhượng lại cho Đế quốc Nga theo Công ước Bắc Kinh năm 1860.

    Theo cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tập đã giảng giải cho ông một bài học về lịch sử Trung-Triều trong cuộc gặp đầu tiên của họ ở Florida vào tháng 4/2017, khi nhà lãnh đạo Trung Quốc nói rằng Bán đảo Triều Tiên “thực tế từng là một phần của Trung Quốc”

    Tập Cận Bình và Emmanuel Macron tại lễ tiếp đón chính thức ở Bắc Kinh ngày 6/4: Liệu Macron có duy trì lập trường xa lánh Mỹ về vấn đề Đài Loan? © AP 

    Những nhận xét gây tranh cãi của Lô đã phủ bóng đen lên hội nghị thượng đỉnh G-7 sắp tới ở Hiroshima, diễn ra từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 5, nơi hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan sẽ là một chủ đề chính.

    Với hàng loạt hành động của Trung Quốc chống lại Đài Loan, các quốc gia G-7 sẽ thảo luận về vấn đề làm thế nào để đối phó với “những nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng vũ lực.” Điều này và vấn đề tăng cường trừng phạt Nga vì đã xâm lược Ukraine thực chất là hai mặt của cùng một vấn đề.

    Nước Pháp của Macron không có lựa chọn nào khác ngoài việc giải quyết vấn đề một cách trực tiếp. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Pháp chỉ ra rằng biên giới của Ukraine, bao gồm Bán đảo Crimea, đã được cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Trung Quốc, công nhận vào năm 1991. Người này đã kêu gọi Trung Quốc làm rõ quan điểm của mình về tuyên bố của Lô Sa Dã.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã giải thích lập trường của nước mình, rằng “Trung Quốc tôn trọng tư cách là các quốc gia có chủ quyền của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ sau khi Liên Xô tan rã.”

    Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris cũng đưa ra một tuyên bố nói rằng nhận xét của Lô “không phải là biểu hiện của các chính sách [của Trung Quốc] mà chỉ là sự thể hiện quan điểm cá nhân trong một cuộc tranh luận trên truyền hình, không nên bị diễn giải quá mức.”

    Dù thế nào đi chăng nữa, Trung Quốc đã đạt được mục tiêu ngoại giao là gửi thông điệp thiện chí tới Putin.

    Tháng tới, khi trọng tâm chính trị quốc tế chuyển sang nước chủ nhà G-7 là Nhật Bản, Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ những gì diễn ra ở Hiroshima và dự tính các bước đi tiếp theo của mình.

    Macron sẽ nói gì? Liệu ông có duy trì lập trường tự chủ chiến lược và tránh xa vấn đề Đài Loan? Hay cuộc tranh cãi về nhận xét của Lô sẽ dẫn đến một lập trường mới ở Pháp?

    Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

    https://nghiencuuquocte.org/2023/05/02


    Không có nhận xét nào