Cuộc xâm lăng của Nga tại Ukraine xảy ra vào cuối tháng Hai năm 2022, tới nay đã hơn một năm mà tình hình vẫn bất phân thắng bại. Cả hai bên Nga và Ukraine đều có khoảng 100,000 ngàn binh lính đã tử thương, phía thường dân thì có hơn 40,000 người bị thiệt mạng. Sau hơn một năm, với nhiều tổn thất về nhân mạng và quân sự, rất có thể những bên tham chiến đã nghĩ tới việc đi tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến. Vấn đề là ai có thể hoàn thành trách nhiệm này?
Hoa Kỳ đã viện trợ cho Ukraine hơn 113 tỷ Dollars trong cuộc chiến chống xâm lăng nhưng khi cần một người có khả năng và uy tín để đóng vai trung gian hòa giải thì TT Zelensky lại tìm tới Tập Cận Bình. Thứ Tư ngày 26/4 vừa qua, Tập Cận Bình và TT Zelensky đã có một cuộc điện đàm dài hơn một giờ đồng hồ. TT Zelensky cho hay “Tôi tin rằng cuộc điện đàm này sẽ giúp phát triển quan hệ song phương giữa Ukraine và Nga, và sẽ dẫn đến việc thiết lập một nền hòa bình công bằng và bền vững cho Ukraine.” Tổng Thống này nhấn mạnh “Chúng tôi không chấp nhận hòa bình nếu phải trả giá bằng thỏa hiệp về lãnh thổ. Ukraine phải được khôi phục trong phạm vi biên giới từ năm 1991.”
Trong khi đó Bộ Ngoại Giao Trung Cộng cho biết lập trường của Bắc Kinh là tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập hòa bình. Sự việc Trung Cộng được tin tưởng trao trách nhiệm kiến tạo hòa bình là một thắng lợi trên bình diện quốc tế cho quốc gia này.
Hoa Kỳ đang bị Trung Cộng thách thức trong lãnh vực quân sự
Nhằm phát huy quyền lực, ảnh hưởng kinh tế và chính trị trải rộng trên toàn cầu, Trung Cộng đã đẩy mạnh việc bảo đảm viện trợ đầu tư cho nhiều quốc gia trên thế giới qua hình thức cung cấp tín dụng từ đầu thập niên 2000. Thêm vào đó, năm 2013, Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường (BRI) đã được Tập Cận Bình áp dụng.
Đây là một tập hợp những sáng kiến đầu tư và phát triển để liên kết Đông Á với Âu Châu, sau đó dự án được mở rộng sang Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh.
Tạp Chí Council on Foreign Relations cho hay Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường của Trung Cộng là cái bẫy nợ cho các quốc gia đối tác. Tham vọng của Trung Cộng rất đáng kinh ngạc, tới nay hiện có 147 quốc gia, chiếm 2/3 dân số thế giới và 40% GDP toàn cầu đã ký kết tham gia các dự án của BRI. Trung Cộng đã chi ra hàng tỷ Mỹ Kim để xây dựng hạ tầng cơ sở cho một số quốc gia đang phát triển từ Nam Mỹ tới Nam Thái Bình Dương. Nhiều dự án quá lớn, khiến đa số các quốc gia này đã đi tới tình trạng phá sản vì phải thanh toán những món nợ khổng lồ, cuối cùng phải trao quyền kiểm soát cảng, sân bay, hoặc căn cứ quân sự cho Trung Cộng.
Một vài trường hợp cụ thể là Sri Lanka, Pakistan, Dijibouti:
-Năm 2002 Trung Cộng đã cho Sri Lanka vay 1.1 tỷ Dollars để xây cảng Hambantota và một sân bay. Khi đi vào hoạt động, cảng này đã không có thu hoạch lợi tức để trả nợ, và cuối cùng Sri Lanka buộc phải giao cảng Hambantota cho Trung Cộng. Đây là một cảng quan trọng nằm trên tuyến đường biển chở dầu từ Trung Đông tới Bắc Kinh và không xa bờ biển phía đông của Ấn Độ, một đối thủ tranh chấp lãnh thổ với Trung Cộng.
- Năm 2015, Tập Cận Bình và Thủ Tướng Pakistan Nawaz Sharif đã công bố dự án phát triển kinh tế trị giá 46 tỷ Dollars, và hứa hẹn Pakistan sẽ trở thành trung tâm thương mại thịnh vượng. Trên thực tế không lâu sau đó Pakistan đã rơi vào khủng hoảng nợ nần, và trong tương lai rất gần tàu hải quân của Trung Cộng sẽ có cơ hội xử dụng cảng Gwadar nằm ở Ấn Độ Dương để nối kết với Trung Cộng.
- Ngay sau khi sáng kiến BRI được công bố vào năm 2013, Trung Cộng bắt đầu ngay vào việc xây dựng một cảng quân sự lớn cho Djibouti. Nhưng chỉ 5 năm sau, vì không trả được khoản nợ 1.5 tỷ Dollars, nước Djibouti nhỏ bé tại Đông Phi này đã phải trao quyền kiểm soát cảng quân sự cho Trung Cộng và đây là căn cứ quân sự đầu tiên mà Trung Cộng có được bên ngoài lãnh thổ của họ.
Với hai cảng quan trọng của Sri Lanka và Pakistan ở Ấn Độ Dương và căn cứ quân sự ở Đông Phi, Trung Cộng đã giành được thế cạnh tranh với Hoa Kỳ trong lãnh vực quân sự. Trong lúc Trung Cộng đang nhanh chóng vươn lên thay thế Hoa Kỳ trong lãnh vực quân sự thì quân đội Hoa Kỳ lại bận rộn với những vấn đề công bằng giới tính, kỳ thị chủng tộc, bảo vệ quân nhân đồng tính, . . . theo chỉ thị của Tổng Tư Lệnh Biden.
TNS John Barrasso (Cộng Hòa-Wyoming) đã từng lên tiếng cảnh báo “Nền kinh tế của Trung Cộng đã tăng trưởng gấp 7 lần trong hai thập niên qua. Lực lượng hải quân của Trung Cộng thì đứng đầu thế giới và Trung Cộng còn có kế hoạch đóng thêm 100 tàu mới nữa trong 8 năm. Trong thời gian này Trung Cộng cũng xây dựng thêm 300 hầm chứa tên lửa và dự định sẽ có hàng ngàn tên lửa hạt nhân. Chúng ta đã chứng kiến sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Cộng và mục tiêu của họ thực sự là muốn thống trị thế giới. Đã tới lúc TT Biden và đảng Dân Chủ phải thức tỉnh trước mối đe dọa từ Trung Cộng trước khi quá muộn.”
Xác nhận quan điểm của TNS John Barrasso, đầu tháng 3 năm nay, trong một cuộc điều trần tại Thượng Viện, Bộ Trưởng Hải Quân Hoa Kỳ Carlos del Toro đã thừa nhận “Một điều đáng lo ngại là Hoa Kỳ đang thiếu nguồn lực quân sự. Đến năm 2028, chúng ta sẽ có khoảng 291 tàu. Về phía Trung Cộng theo sự ước tính của tôi thì hải quân Trung Cộng sẽ có khoảng 440 tàu hoặc hơn nữa.”
Biden quá yếu kém trong lãnh vực ngoại giao
Vị thế lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ đã bị Biden đánh mất từ vụ rút quân thảm bại tại Afghanistan. Đồng minh đã mất niềm tin nơi Hoa Kỳ và đang ngả theo Trung Cộng. Mới đây, TT Pháp Macron đã có chuyến viếng thăm Bắc Kinh. Khi trả lời phóng viên của Politico, TT Marcon nói “Âu Châu không nên bị lôi cuốn vào cuộc đối đầu của Mỹ với Trung Cộng về vấn đề Đài Loan.” Lời tuyên bố của TT Macron đã gây xôn xao trong giới chính trị, và rõ ràng đây là nỗ lực của Trung Cộng trong việc gây chia rẽ khối đồng minh Âu Châu với Hoa Kỳ.
Thời gian gần đây Trung Cộng đã đóng vai trò của một cường quốc. Tập Cận Bình đã khiến cho cả thế giới ngạc nhiên khi làm trung gian trong việc khôi phục quan hệ ngoại giao cho Ả Rập Saudi và Iran trong khi hai quốc gia này vốn là kẻ thù không đội trời chung. Ả Rập Saudi là quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới, được coi là một cường quốc, là đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ nhưng Biden không coi quốc gia này là quan trọng. Và Trung Cộng đã không bỏ lỡ cơ hội, đã nhanh chóng lợi dụng thời cơ xây dựng mối ngoại giao thân thiện với Ả Rập Saudi. Đánh mất đồng minh chủ chốt là một thất bại lớn của Biden trong chính sách ngoại giao.
Wall Street Journal phê bình “Hiệp định của Ả Rập Saudi và Iran đánh dấu một chiến thắng ngoại giao vượt bực của Bắc Kinh trong một khu vực mà Hoa Kỳ từ lâu đã thống trị và có tầm ảnh hưởng.” Trong khi đó New York Times, tờ báo luôn bênh vực Biden cũng phải nhìn nhận “Trung Cộng đang thay thế Hoa Kỳ trong vai trò lãnh đạo trật tự thế giới.”
Từ nhiều năm nay Trung Cộng vẫn luôn tìm cách cổ võ cho nhân dân tệ thay thế đồng Dollar trong việc giao dịch thương mại giữa Trung Cộng và các quốc gia trong vòng ảnh hưởng của nước này. Nhân dân tệ đã được thỏa thuận thay thế cho đồng Dollar của Mỹ tại các quốc gia Nga, Iran, Brazil, Argentina, Kazakhstan, Pakistan, Lào, . . . Cuối tháng Ba mới đây, Ả Rập Saudi đã thỏa thuận chấp nhận nhân dân tệ trong việc thanh toán tiền tiền mua dầu của Trung Cộng.
Trước nạn lạm phát đang xảy ra và sự lãnh đạo yếu kém của Biden, đồng Dollar đã thực sự mất giá. Dollar đã được xử dụng là đơn vị tiền tệ quốc tế không có đối thủ từ năm 1940, giờ đây đang bị Trung Cộng tìm cách phá vỡ. Để ngăn chặn đà suy thoái hiện tại của Hoa Kỳ, con đường duy nhất người dân phải làm là tham gia tích cực vào cuộc vận động bầu cử Tổng Thống và lựa chọn một ứng cử viên sáng giá hơn.
Kim Nguyễn
May 2, 2023
Không có nhận xét nào