Thái Hóa Lộc /VNTB
Người của bên thua cuộc không chỉ đơn giản là một thân cò vất vả mà theo cái nhìn của phe thắng cuộc lại là đám vợ “ngụy” đi nuôi chồng, “những tội phạm”…
Vào ngày 3 tháng 7 năm 2022, trong lần Đại Hội lần thứ 15 của Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Cộng Sản Việt Nam tại Nam California tổ chức chương trình “Vinh Danh Người Vợ Tù”. Ông Nguyễn Trung Châu, cựu tổng hội trưởng, nói: “Một nỗi niềm trăn trở bao năm, đến nay chúng tôi mới thực hiện được, đó là tổ chức đại hội vinh danh người vợ tù, nói lên những đau thương mất mát của người phụ nữ Việt Nam, sự đau khổ và hy sinh cao cả, sự thủy chung của người vợ tù Việt Nam. Hình ảnh của các chị đau khổ nghiệt ngã như thế nào trong suốt một thời gian dài. Những hình ảnh đẹp ấy đã nuôi dưỡng con cháu thế hệ thứ hai được thành người…”.
Tôi không được tham dự để có thể chia sẻ cảm thông cùng với sự ngưỡng mộ những người vợ, người mẹ chung thủy cả cuộc đời mình trong sự hy sinh vì chồng và vì con. Nhưng trong sự suy nghĩ về sự thật của cuộc đời cũng giống như đồng bạc có mặt trái và bên phải, không hẳn những người vợ tù đều có những đức tính cao quý đó. Nhiều người vợ tù đã đến để được vinh danh nhưng cũng không ít những vợ tù chỉ mong được người chồng hiểu biết thương yêu những ngày cuối đời và những đứa con biết hiếu thảo quan tâm với mẹ nhiều hơn trong buổi hoàng hôn cuộc đời… Và cũng có những người vợ tù bỏ “chồng cải tạo” đã đành tâm sang ngang bước qua thuyền mới không một giọt lệ tiễn đưa!!!
Tôi muốn nói người một người đàn bà đã trải qua “một kiếp làm vợ tù cải tạo”. Khi nói đến “một kiếp” thì thử tưởng tượng quá kinh khiếp mà mỗi khi nhắc lại, bà không nghĩ là không thể nào vượt qua nổi để còn sống tiếp tục còn lại đến ngày hôm nay…
Sinh ra trong một gia đình khá giả, cha mẹ là người Huế rất hiền lành nề nếp; chị Hoàng Thị Mừng không có cái tên thơ mộng của những cô gái Huế mà khi chị sinh ra đời như một báu vật vì cả hai ông bà thân sinh đều mong có một người con gái ra đời và tên Mừng cũng là lý do tại sao người con gái xứ Huế có cái tên đặc biệt Hoàng Thị Mừng. Cuộc đời con gái của chị cũng không có gì để nói nhiều, đi học và lớn lên lấy chồng không trải qua cuộc tình lãng mạn. Chị là người con chí hiếu, “mẹ đặt đâu, con ngồi đó…”. Mẹ chị cảm cảnh một chàng Sĩ quan Hải Quân thân đơn và bằng lòng gả chị không một điều kiện nào. Cuộc sống của một vợ chồng trẻ dù là sĩ quan nhưng lương ba cọc ba đồng, chị đã xông xáo tự tìm công việc bên ngoài để thêm thu nhập chuẩn bị cho đứa con đầu lòng ra ra đời. Anh là người sĩ quan khóa 16 Hài Quân đầu tiên được thăng cấp Hải quân Thiếu Tá nhưng cuộc sống người lính Việt Nam Cộng Hòa đều giống nhau “Tiền lính tính liền”…
Biến cố 30 tháng 4 đã đến thay đổi và đảo lộn cuộc sống của anh chị, từ một sĩ quan trung cấp của lực lượng Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, anh trở thành người tù nhân của chế độ mới. Tài sản anh để lại cho chị là hai đứa con thơ, một đứa trai lên bốn và bé gái mới lên hai tuổi…mới biết bập bẹ vài tiếng ba…ba…Mỗi lần nghe tiếng gọi của con lòng chị quặn thắt như muốn nghẹt thở. Thương con, nhớ chồng. Nhìn con nhớ lại câu tục ngữ ngày xưa đã có lần thầy giáo ở trường học làm đề tài bài bình luận:”Con có cha như nhà có nóc”. Chồng tôi đã ra đi cả năm trời, 3 mẹ con tôi bàng hoàng trước cơn lốc thời cuộc. Một phần lo gạo cho ba mẹ con, một phần dò la tin tức của chồng không biết bây giờ anh đang ở đâu?
Chị Hoàng Thị Mừng trong ngày đặt viên đá xây Chùa Bồ Đề Đạo Tràng của Thượng Tọa Thích Phước Hạnh.
Nhà chị trong khu Xóm Mới Gò Vấp, đa số là người Bắc Kỳ di cư và theo đạo Công Giáo. Gia đình chị theo đạo Phật nhưng theo lời nhiều lần kể lại lại chị rất tin ông Thánh Martin. Chị cũng theo một số quý bà đủ các cấp bậc từ thiếu úy đến đại tá hằng ngày lang thang dò la tin tức tìm chồng. Những địa danh thường được các bà, các chị nhắc đến là Trảng Lớn Tây Ninh, Long Khánh – Long Giao – Suối Máu – Kà Tum v.v. Nhưng chưa có một thông báo nào của nhà cầm quyền mới cho biết, tất cả chỉ vì thương chồng các bà, các chị không quản khó khăn, nguy hiểm để tìm cho bằng được mới yên tâm nhất là khi có tin nổ kho đạn Long Khánh và ngày 26 tháng 5 năm 1976…
Chị đã cầu ông Thánh Martin “làm sao cho chị tìm được chồng chị, ba của hai đứa con của chị”. Quả thật, buổi sáng hôm đó chị không nhớ rõ ngày nào nhưng chị biết là sau hơn một năm anh đi trình diện theo lệnh nhà cầm quyền mới. Cũng theo đoàn người tìm chồng trên khắp đường ngoài phố, chị tình cờ nhặt được một mẩu giấy nhỏ. Vô tình, chị nhặt lên và mờ ra đọc nguyên văn lời trong mẫu giấy đó là: “Xin ai nhặt nhặt được mẫu tin nhắn này, vui lòng thông báo cho vợ của tôi là HTM là tôi đã ra Bắc”. Chị mừng là biết được tin chồng nhưng ra Bắc thì đường xa diệu vợi nhưng biết đâu mà tìm hơn nữa phần hai con còn quá nhỏ, lúc bây giờ cháu trai 5 tuổi và cháu gái 3 tuổi. Trong đầu óc chị lúc bấy giờ đi đâu có mẹ có con, nếu không may cả ba mẹ con cùng chết!
“Đi nuôi tù cải tạo” mọi sự không dễ dàng như khi ta đọc 5 chữ ấy. Sau hơn một năm ròng rã chờ đợi với những hồi hộp, lo âu, khi nhận được thư từ những miền xa xôi để biết người thân hiện bị giam cầm ở đâu, gia đình còn phải đương đầu với những khó khăn khác để có thể cầm trong tay mảnh “giấy phép thăm nuôi”.
Miền Nam thân yêu đã cho chúng ta những năm dài sống trong tự do nhưng cuộc xâm lăng từ phương Bắc đã khiến người dân không nhiều thì ít cũng phải chịu rất nhiều khó khăn của hoàn cảnh chiến tranh. Sau những sự trả thù: đánh tư sản, đổi tiền, tịch thu nhà cửa, ép người dân đi kinh tế mới, những người kẹt lại đã thực sự xác xơ chẳng còn gì. Bây giờ nhận được tin đi thăm nuôi thì những người vợ, phải lo lắng bươn chải để có tiền đi mang sự sống cho người thân bị tù chỉ vì một tội đã là con dân miền Nam, đi lính Việt Nam Cộng Hòa.
Chị cũng như đa số vợ các sĩ quan “ngụy” phải bán dần những đồ dùng trong nhà. Bắt đầu là TV, tủ lạnh, máy may, nồi cơm điện, quạt máy là những thứ người miền Bắc lúc đó rất ưa chuộng, rồi dần dần áo quần, nồi niêu, chén bát đều theo nhau ra chợ trời. Người ta buôn bán đủ thứ, cứ vét trong nhà còn thứ gì có giá ở cái “thị trường chợ trời” thì đem ra bán. Người miền Nam gặp từ khó khăn này sang khó khăn khác với tâm trạng “thua trận”, bị kẻ “thắng trận” trả thù mọi mặt, nhưng mọi người đều phải cắn răng chịu đựng mà không thể gục ngã vì bản năng sinh tồn cũng có, nhưng vì một thôi thúc mãnh liệt hơn là phải sống vì những người chồng, người cha, người con đang đói rét ở một chốn xa xôi mặc nhiên mang một bản án chung thân dù không bao giờ được xét xử. Những lý do đó đã khiến người phụ nữ miền Nam trở thành những chủ gia đình để đối phó với bao nghịch cảnh.
Nếu trong Chinh phụ ngâm có những người chinh phụ “nay một thân nuôi già dạy trẻ” thì trong hoàn cảnh xã hội mới này người đàn bà còn gánh chịu những hoàn cảnh bội phần cay đắng. Người thiếu phụ sau cuộc đổi đời của năm 1975 không còn thì giờ để mơ đến “vầng trăng ai xẻ làm đôi” mà chỉ còn những mưu toan tính toán để sống còn trong một xã hội mới. Biết bao khó khăn phải vượt qua, biết bao khổ cực phải chịu đựng để nuôi dạy đàn con vắng cha, làm sao có bữa ăn bổ dưỡng cho chúng, làm sao khuyến khích cho chúng cố gắng học hành trong khi chúng đến trường với không khí kỳ thị vì chúng là “con ngụy“, khi các bài học ở trường là những lý thuyết nhồi sọ, đầy thù hận, đấu tranh giai cấp, khác hẳn những lý thuyết nhân bản mà chúng được nghe giảng dạy ở học đường trước ngày miền Nam bị đổi chủ.
Với gánh nặng kể trên, nay phải kể lại cảnh “cái cò lặn lội bờ sông, gánh gạo thăm chồng nước mắt nỉ non“ . Bây giờ là giai đoạn kết thúc của một cuộc chiến mà lằn ranh đã phân chia rõ rệt. Người của bên thua cuộc không chỉ đơn giản là một thân cò vất vả mà theo cái nhìn của phe thắng cuộc lại là đám vợ “ngụy” đi nuôi chồng, “những tội phạm”…
Người vợ của tù cải tạo Hoàng Thị Mừng đã đi ra Bắc thăm chồng, không những 1 lần mà 8 lần tất cả trong những năm chồng ở tù ngoài Bắc. Trại đầu mà chị thăm lần đầu tiên là Nghệ Tĩnh và không còn nhớ phân trang nào. Một chuyến đi phải nói là để đời của chị. Tay xách nách mang cùng gồng với gánh. Theo kinh nghiệm của những người đi trước về kể lại, với một chút tính toán để kiếm tiền lộ phí; chị đã mang những thứ người ngoài Bắc thích và cần dùng như trái hột gà đem ra Bắc bán. Không một ai có thể tưởng tượng một người đàn bà yếu đuối dắt đứa con trai 5 tuổi, bế con gái 3 tuổi lại mang theo cả những món hàng, vật dụng thăm nuôi từ Nam ra Bắc không biết bao nhiêu gian nan thống khổ. Những giọt nước mắt cùng với mồ hôi kèm theo tiếng khóc của con vì đói lạnh trong suốt cuộc hành trình. Trên đường đi đêm xuống giữa đồng hoang mông quạnh, ba mẹ con cùng ôm nhau ngủ không mền không chiếu chỉ có ánh trăng tỏa xuống như che chở, cảm thông…
Chuyến đi đầu tiên khi đến trại lại không được vào thăm ngay, qua nhiều ngày vất vả không có một chỗ nghỉ lưng, tắm rửa cho hai con và chính mình. Chị lại cầu nguyện ông Thánh Martin làm sao cho chị tìm được một chỗ nghỉ chân tắm rửa cho hai con trước khi gặp cha của chúng. Lời cầu nguyện được ứng nghiệm và Thánh Martin dẫn mẹ con chị đến Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, ở đây Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn và nam nữ tu sĩ đã chăm sóc mẹ con chị rất chu đáo. Chị được bát cháo nóng và hai con chị có bữa cơm no và một đêm an giấc tại Tòa Giám mục Hà Nội. Chị kể lại chuyện xưa nhưng đôi mắt chị như còn lại dòng lệ ngày cũ…
Những chuyến thăm nuôi như thế đã hằn sâu vào trong lòng của chị những kỷ niệm xót xa, khó quên trong những năm tháng sau này. Đến nay, sau bao thập niên, một số những người đã đi theo diện Tù Nhân Chính Trị sang được đến Hoa Kỳ nhưng bao năm tháng tù đầy đã cướp đi thời kỳ sung mãn của một con người, một số lớn tuổi đã phải vào Viện Dưỡng Lão, một số đã vĩnh viễn ra đi, thật là chua xót. Những chuyến thăm nuôi vượt rừng xanh núi đỏ hầu như vượt quá sự chịu đựng của những người phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng nghĩ đến những khổ nhục người tù “cải tạo” đã phải hứng chịu khi “mất nước là mất tất cả” thì các thân nhân không nề hà gì mà không dấn thân vào những hành trình vất vả như thế.
Những người đàn bà như chị trở lại thành phố với những cái giỏ trống không,…để ngày mai tiếp tục làm thân con cò lặn lội bờ sông, mong một ngày nào đó nhận được thư chồng báo tin, gồng gánh trở lại thăm nuôi người tù cải tạo..
Tôi biết chị không muốn tôi viết lại cầu chuyện về chị, “kiếp làm vợ người tù cải tạo”. Chị ở tuổi gần 80 nhưng vẫn còn làm việc với con gái mình tại tiệm nail, chị đã xây dựng một căn nhà hạnh phúc với chồng, các con, các cháu tuy đã lập gia đình nhưng cùng ở chung một nhà. Chị muốn chồng chị buông bỏ tất cả để vui với vợ với con, cháu. Chị vẫn thường xuyên đi lễ chùa vào ngày chủ nhật trong chiếc áo màu lam của người Phật tử và chị cũng không quên đóng góp những chuyện nguyện của nhà thờ. Chị vẫn thường nói Thánh Martin là vị Thánh hộ mạng của gia đình chị.
Tôi định viết lại lời kể này của chị khoảng ba mười năm về trước, vì chị là người đã giúp đỡ tôi rất nhiều khi tôi gặp khó khăn ngay cả khi tôi bị đẩy ra khỏi cuộc đời của một người bình thường là người homeless!!!
Không có nhận xét nào