Hiếu Chân/SGN
11/5/2023
Di dân xếp hàng dưới nắng chờ được xin tị nạn tại một trại tiếp cư tạm thời gần thành phố El Paso, Texas hôm 11 tháng Năm 2023, vài giờ trước khi Title 42 hết hiệu lực. Hiện mỗi ngày có đến 13,000 người vượt qua biên giới phía Nam vào Mỹ xin tị nạn, cao gấp nhiều lần so với trước. Ảnh John Moore/Getty Images
Làn sóng di dân vượt biên giới phía Nam vào Mỹ từ Mexico đã tăng rất nhanh ngay trước thời điểm điều luật hạn chế có tên Title 42 hết hiệu lực, buộc các cơ quan liên bang phải chật vật đối phó đồng thời kích hoạt một cuộc đối đầu chính trị căng thẳng giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Title 42 là một quy định hành chính được thiết lập theo Tiêu đề 42 của Bộ luật Hoa Kỳ, liên quan đến sức khỏe và phúc lợi công cộng. Title 42 được ban hành tháng Ba 2020, dưới thời Tổng thống Donald Trump, trong thời gian đại dịch Covid-19, cho phép biên phòng Mỹ trục xuất ngay lập tức mọi di dân đến biên giới để ngăn ngừa dịch bệnh truyền nhiễm. Vào lúc 11:59 giữa khuya ngày 11 tháng Năm 2023, Mỹ chính thức chấm dứt tình trạng khẩn cấp về dịch Covid-19 và do đó điều luật Title 42 cũng hết hiệu lực.
Nhiều ngày trước thời điểm này, hàng chục ngàn di dân từ các nước Nam và Trung Mỹ đã tập trung tại khu vực biên giới Mexico và Mỹ, tìm cách vào các cửa khẩu để xin tị nạn.
Truyền thông ghi nhận, trong những ngày này nhà chức trách Mỹ phải nỗ lực hết sức để duy trì trật tự trên đường biên giới dài 2,000 dặm, từ San Diego bang California ở phía Tây đến thị trấn Brownsville thuộc bang Texas ở phía Đông, trong lúc di dân không ngừng vượt sông Rio Grande, chen chúc trên những cây cầu quốc tế, tràn ngập các trung tâm tiếp nhận hồ sơ di cư và lang thang khắp các thị trấn vùng biên.
Đã có những “ngôi làng dã chiến” dựng lên bằng các vật liệu phế thải giữa hai lớp hàng rào biên giới ngăn cách khu vực Tijuana của Mexico và San Diego ở Bờ Tây nước Mỹ. Trong các túp lều tạm bợ, nhiều gia đình di dân sống co ro trong các túi rác bằng nhựa đen để chống lạnh. Ở thị trấn Matamoros trên bờ sông Rio Grande phía Mexico, di dân lũ lượt vượt sông sang thị trấn Brownsville ngay trong đêm tối, dùng ánh sáng từ máy điện thoại di động để soi đường và cõng theo cả trẻ con.
Lội qua sông Rio Grande để từ Matamoros (Mexico) sang thị trấn Brownsville, Texas, Mỹ khi Title 42 sắp hết hiệu lực. Ảnh chụp ngày 11/05/2023 của Joe Raedle/Getty Images
Chính quyền liên bang cho biết hiện có đến 13,000 di dân vượt biên giới vào Mỹ mỗi ngày, nhiều hơn hai lần so với mức 6,000 người trong những ngày bận rộn nhất trước đây. Khi Title 42 còn hiệu lực, thời gian xử lý yêu cầu nhập cảnh của một di dân chỉ là 10 phút trước khi người đó bị trục xuất, còn hiện nay thời gian xử lý đó là hơn một tiếng đồng hồ cho mỗi trường hợp.
Hậu quả là các trung tâm tiếp nhận di dân vốn đã bị quá tải nay lại càng không thể làm việc hiệu quả. Một trung tâm tạm cư cho di dân trong lúc chờ xem xét hồ sơ có sức chứa 12,000 người mà hiện đã có 28,000 người cư ngụ. Thành phố El Paso phải chuyển một số trường học thành trại tiếp cư tạm thời. Các thành phố Brownsville, Laredo và El Paso của Texas đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, yêu cầu chính quyền tiểu bang và liên bang phải bố trí thêm nguồn lực để giúp tạm cư và vận chuyển di dân. Nhiều quan chức địa phương thừa nhận với báo chí họ “chưa từng thấy chuyện gì như thế này”.
Chính quyền liên bang đã điều động 1,500 binh sĩ đến biên giới để hỗ trợ lực lượng biên phòng. Tiểu bang Texas cũng đưa lực lượng vệ binh quốc gia vào cuộc. Bộ trưởng Bộ Nội An Alejandro Mayorkas cho biết hiện có hơn 24,000 nhân viên biên phòng, cảnh sát và quân đội làm việc ở biên giới phía Nam. Ông Mayorkas cũng ra tuyên bố, theo những quy định mới của chính phủ Mỹ, những ai vượt biên vào Mỹ bất hợp pháp sẽ bị từ chối đơn xin tị nạn và phải chịu những hậu quả nghiêm trọng, kể cả bị cấm nhập cảnh hoặc bị truy tố tội hình sự.
Không chỉ đưa ra những biện pháp mới, nghiêm khắc hơn, chính phủ Mỹ đồng thời mở ra những con đường pháp lý cho di dân muốn nộp hồ sơ trực tuyến (online), tìm kiếm người bảo trợ hoặc kiểm tra lý lịch. Quy định mới không chấp nhận những ai đến biên giới Mỹ qua một nước thứ ba mà không nộp đơn xin tị nạn ở nước thứ ba đó, đồng thời cho lập những trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin tị nạn, di dân hợp pháp ở nhiều quốc gia Trung và Nam Mỹ để người dân các nước đó có thể nộp đơn ngay tại quê nhà thay vì lặn lội đến biên giới nước Mỹ. Nếu được thực hiện thành công, những biện pháp này có thể làm giảm làn sóng người di cư tràn ngập biên giới nước Mỹ hiện nay.
Tại khu vực El Paso, Texas, hàng rào kẽm gai trùng điệp cũng không ngăn được người di dân vượt biên vào Mỹ. Ảnh chụp ngày 11/05/2023 của John Moore/Getty Images
Trong khi tình hình ở biên giới khá căng thẳng thì ở thủ đô Washington, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn tiếp tục đối đầu mà không thỏa hiệp cùng giải quyết vấn đề di dân. Hôm thứ Tư, Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua một dự luật hạn chế làn sóng di dân ở biên giới bằng việc tăng ngân sách cho lực lượng biên phòng tuyển dụng người và mua sắm phương tiện, siết chặt tiêu chuẩn xin tị nạn và luật hóa những chính sách thời Trump như xây bức tường biên giới với Mexico, buộc người xin tị nạn phải chờ đợi trong lãnh thổ Mexico trong thời gian hồ sơ của họ được xem xét v.v… Trong các phát biểu, một số dân biểu Cộng hòa yêu cầu luận tội Bộ trưởng Bộ Nội An Alejandro Mayorkas vì cho rằng ông không hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới.
Dự luật được thông qua với số phiếu 219-213, theo lằn ranh đảng phái và không có hy vọng sẽ được thông qua ở Thượng viện, cho dù nhiều dân biểu Cộng hòa cho rằng dự luật an ninh biên giới này là dấu ấn của họ, có tầm ưu tiên hàng đầu cho cuộc bầu cử 2024. Tòa Bạch Ốc đã tỏ dấu hiệu cho thấy, Tổng thống Biden có thể sẽ phủ quyết dự luật vì nó “làm cho mọi chuyện tồi tệ hơn chứ không tốt hơn”.
Để tháo gỡ bế tắc, hai thượng nghị sĩ Kyrsten Sinema (Độc lập – Arizona) và Thom Tillis (Cộng hòa – North Carolina) hôm thứ Năm đưa ra đề nghị duy trì một số thẩm quyền theo điều luật Title 42 thêm hai năm nữa vì họ cho rằng chính quyền Biden chưa chuẩn bị đầy đủ cho sự gia tăng mạnh mẽ làn sóng di dân hiện nay. Chưa rõ đề nghị của hai thượng nghị sĩ này có được chấp nhận hay không
Không có nhận xét nào