Header Ads

  • Breaking News

    Hạo Nhiên - Cẩm nang duy trì quyền lực của nhà độc tài

    “Ưu tiên lợi ích cá nhân và lợi ích phe cánh trên lợi ích của đất nước.”

     Cuốn Cẩm Nang của Nhà Độc Tài: Tại sao hành vi xấu hầu như luôn luôn là chính trị tốt – “The Dictator’s Handbook: Why Bad Behavior is Almost Always Good Politics” nhận được sự quan tâm rộng rãi của các nhà khoa học chính trị và các chuyên gia về quan hệ quốc tế. Là một cuốn sách phi hư cấu, non fiction, xuất bản năm 2012 của 2 nhà khoa học chính trị, giáo sư tại Đại học New York, trong đó, các tác giả khám phá các chứng bệnh của chính trị. 

    Bruce Bueno de Mesquita và Alastair Smith chứng minh cách các nhà lãnh đạo của tất cả các hệ thống, bao gồm chính phủ, doanh nghiệp tuân theo cùng một số quy tắc  gọi là quy tắc để cai trị hoặc Sổ Tay của Nhà Độc Tài. Họ tuân theo các quy tắc này vì một lý do: Phải trả giá bằng việc quản trị tốt để duy trì quyền lực. Cuốn sách đề cập đến xu hướng của các nhà lãnh đạo chính trị đã đặt ưu tiên lợi ích cá nhân và lợi ích của những người ủng hộ trên lợi ích của đất nước. Điều này thể hiện theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như đưa ra quyết định có lợi cho những người thân cận hoặc đồng minh chính trị hơn là người dân, bỏ qua các vấn đề dài hạn để đạt được lợi ích ngắn hạn hoặc tham gia vào các hành vi tham nhũng để duy trì quyền lực.

    “Chính trị tốt”, good politics, hiểu là các hành động hoặc hành vi của các chính trị gia đúng với mục tiêu giành và duy trì quyền lực, bất kể chuẩn mực đạo đức hay pháp luật. Trong cuốn sách này, tác giả lập luận rằng các chính trị gia độc đoán thường tập trung vào việc duy trì và tăng cường quyền lực của mình bằng cách tối đa hoá lợi ích cá nhân và của những người quan trọng giúp duy trì sự vững mạnh  quyền lực của họ. Những mưu kế, hành động này thường bị coi là “xấu” đối với chuẩn mực đạo đức và pháp luật của xã hội, nhưng lại mang lại lợi ích lớn cho những người đang giữ quyền lực.

    Sử dụng những hiểu biết sâu sắc từ lịch sử, doanh nghiệp và chính trị ngày nay, các tác giả giúp người đọc hiểu được những điều cốt yếu của việc cai trị. Một khi chúng ta hiểu thế giới chính trị [độc tài, đảng trị, phi đạo đức], chúng ta có thể bắt đầu đánh giá cách sử dụng các quy tắc để cai trị tốt hơn.

     

    Quyền lực và tham nhũng

    Hai tác giả cho biết quyền lực trong các chế độ độc tài đến từ việc kiểm soát các nguồn tài nguyên quan trọng như quân đội, cảnh sát và những cơ quan chính phủ và các nhóm lợi ích khác ngay cả như tôn giáo. Các nhà lãnh đạo độc tài cần phải duy trì sự kiểm soát và sức mạnh của các cơ quan này. Đồng thời, họ cũng phải đối mặt với những thách thức và mối đe dọa từ các nhóm lợi ích khác trong xã hội, như những người giàu có, các doanh nghiệp, hay các nhóm tôn giáo họ không kiểm soát được.

    Sách cũng trình bày rằng, tham nhũng là một phần không thể thiếu của chế độ độc tài, và các nhà lãnh đạo sử dụng tham nhũng để duy trì sự kiểm soát và quyền lực. Những quan chức tham nhũng được ưu tiên và được thưởng nhiều hơn những quan chức trung thực, vì họ là người đáp ứng các yêu cầu của nhà lãnh đạo và giúp duy trì sự ổn định của chế độ, ví dụ như các lãnh đạo độc tài Mao Trạch Đông của Trung Quốc, Fidel Castro của Cuba và Robert Mugabe của Zimbabwe. Ngoài ra, sách cũng đưa ra một số giải pháp để cải thiện tình trạng chính trị trong các chế độ độc tài, bao gồm cải cách chính trị và tăng cường quyền lực của những người dân. 

    Tác giả khẳng định rằng hầu hết các chính trị gia đều muốn giữ và tăng cường quyền lực. Họ đưa ra một khung lý thuyết để giải thích cách các chính trị gia đạt được quyền lực và giữ nó bằng cách tận dụng các hệ thống quyền lực hiện có và tập trung vào việc tăng cường sự ủng hộ của các nhóm quyền lực quan trọng để giữ vững vị thế của họ. Thảo luận về cách các chính trị gia sử dụng kinh tế, quân sự, hỗn loạn và các yếu tố khác để giữ quyền lực. Nhưng cũng cho thấy rằng đôi khi các chính trị gia phải đối mặt với những trở ngại trong việc giữ quyền lực, và họ có thể phải thay đổi chiến lược để đảm bảo tồn tại trong thời gian dài.

    “The Dictator’s Handbook” không chỉ áp dụng cho các chế độ độc tài, mà còn cho bất kỳ hệ thống chính trị nào như các chế độ dân chủ. 

    Trong các chế độ độc tài, những người đứng đầu phải duy trì và tăng cường quyền lực của mình bằng cách đưa ra những quyết định tối ưu cho sự tồn tại và phát triển của của đảng, phe nhóm và của họ. Tác giả cho rằng để đạt được điều này, các chính trị gia phải làm hài lòng nhóm môi giới quyền lực cốt lõi bên trong, thường là những người có quyền lực và tiền bạc, và phải tham gia vào hành vi tư lợi để duy trì quyền lực của mình. Cuốn sách cũng đưa ra nhiều ví dụ và nghiên cứu để minh họa cho lập luận của tác giả.

    Những ví dụ và nghiên cứu này cùng với lập luận của tác giả cho thấy rằng để duy trì quyền lực chính trị, các chính trị gia thường phải sử dụng các chiến thuật như làm hài lòng các nhóm môi giới quyền lực.

    Tác giả trích dẫn nghiên cứu của nhà kinh tế người Mỹ, Mancur Olson, về tình trạng khó khăn của hình thức tổ chức đại chúng trong The Logic of Collective Action, minh họa những nhóm quyền lực nhỏ hơn thường có lợi thế trong việc chiếm giữ và duy trì quyền lực chính trị. Một nhóm lớn người dân thường khó có thể đoàn kết và tập trung để đánh bại một nhóm ít người có lợi ích riêng.

    Một nghiên cứu khác được trích dẫn bởi tác giả để minh họa rằng các chính trị gia có thể sử dụng việc tạo ra các hệ thống tham nhũng để giữ vững quyền lực. Nghiên cứu này được thực hiện bởi các nhà kinh tế người Ý, Gianmarco Daniele và Benny Geys, và chỉ ra rằng các quan chức công quyền thường sử dụng các khoản chi tiêu không rõ ràng để tạo ra một mạng lưới tham nhũng, cho phép họ kiểm soát các quyết định chính trị và đảm bảo sự ủng hộ của các nhóm quyền lực khác.

    Trong một nghiên cứu khác, tác giả dẫn ví dụ về tổng thống Zimbabwe, Robert Mugabe. Mugabe cô lập các nhóm quyền lực bên trong và sử dụng bạo lực để đàn áp các nhóm phản đối, đồng thời cũng tạo ra một mạng lưới tham nhũng để đảm bảo sự ủng hộ của các nhóm quyền lực khác.

    Dùng quan hệ để duy trì quyền lực

    Tác giả cho rằng, trong một hệ thống chính trị tập trung quyền lực, các chính trị gia và quan chức có thể giữ được quyền lực bằng cách duy trì mối quan hệ với một nhóm nhỏ môi giới quyền lực cốt lõi, thay vì phải làm hài lòng toàn bộ nhân dân. Những nhóm quyền lực nhỏ hơn này có thể được chi phối bởi một số cá nhân hoặc gia đình, hoặc các lực lượng quân sự và an ninh.

    Ví dụ, trong các nước đang phát triển, quan chức chính phủ thường sử dụng tiền và tài nguyên để tạo ra mối quan hệ với các tay chơi quyền lực, những người có khả năng ảnh hưởng đến quyết định chính trị. Những người này có thể là các nhà đầu tư nước ngoài, những doanh nhân giàu có,  đặc biệt phe công an, cảnh sát và các tướng lĩnh quân đội.

    Chính quyền sử dụng bạo lực của các nhóm nhỏ, công an, quân đội, để đàn áp các nhóm đối lập và chắc rằng quyền lực của họ không bị đe dọa.

    Các nhóm quyền lực nhỏ hơn luôn có lợi thế trong việc chiếm giữ và duy trì quyền lực chính trị bằng cách sử dụng mối quan hệ và sức mạnh của mình để ảnh hưởng đến những quyết định quan trọng của chính phủ.

    Một nhóm nhỏ quyền lực cốt lõi là những nhóm người có sức ảnh hưởng và quyền lực lớn đối với quyết định chính trị  như các nhà lãnh đạo chính trị, doanh nhân, chủ tịch hội đồng quản trị, quan chức cấp cao và các nhân vật có ảnh hưởng đến các quyết định chính trị và kinh tế trong xã hội đó.

    Ví dụ về một nhóm môi giới quyền lực cốt lõi có thể là các nhân vật đứng đầu của một tập đoàn doanh nghiệp lớn trong một quốc gia, các cơ quan chính phủ quan trọng, công an, cảnh sát, quân đội, hoặc các nhân vật chủ chốt trong các tổ chức xã hội và các tổ chức đoàn thể, tôn giáo khác. Những người này có quyền lực lớn để chi phối hoặc thuyết phục quyết định của các cơ quan quyết định chính sách, và thường được coi là những nhân vật, cơ quan quan trọng trong việc duy trì và phát triển quyền lực chính trị của mình.

    Trong chế độ độc tài đảng trị và kinh tế chính trị chỉ huy, các nhóm nhỏ môi giới quyền lực cốt lõi thường có xu hướng liên kết chặt chẽ với các tầng lớp quyền lực cấp cao của chính phủ. Điều này cho phép họ tiếp cận và kiểm soát các nguồn tài nguyên và quyền lực quan trọng, giúp họ trở thành những tay chơi quyền lực trong chính phủ.

    Các nhóm nhỏ môi giới quyền lực cốt lõi được thành lập bởi chính phủ độc tài đảng trị, như Việt Nam, luôn phải trung thành ủng hộ đảng và chính quyền. Tuy nhiên ở một số quốc gia đa đảng, các nhóm này không bảo đảm họ sẽ luôn là những đồng minh trung thành của chính phủ. Các môi giới quyền lực có thể phát triển lợi ích riêng của họ và trở thành đối thủ của chính phủ trong một số trường hợp. Họ cũng có thể chiếm giữ và sử dụng quyền lực của mình để đe dọa hoặc thao túng chính phủ, chẳng hạn như thông qua việc tài trợ các ứng cử viên hoặc các đảng chính trị.

    Do đó, việc thành lập các nhóm nhỏ môi giới quyền lực cốt lõi bởi chính phủ trong các thể chế đa đảng có thể mang lại lợi ích ngắn hạn cho chính phủ, nhưng cũng mang lại những rủi ro và hậu quả không mong muốn trong tương lai.

     

    Tập trung giữ quyền lực

    Sự khác biệt chính giữa các chính trị gia dân chủ và độc đoán là các chính trị gia dân chủ phải làm hài lòng một số lượng lớn các nhà môi giới quyền lực và/hoặc công chúng nói chung, trong khi các chính trị gia độc tài chỉ cần làm hài lòng các nhóm tương đối nhỏ.”

    Trong các chế độ dân chủ, các chính trị gia phải hài lòng và đáp ứng được nhiều nhóm người: nhà môi giới quyền lực, các nhà đầu tư, các nhà hoạt động xã hội và công chúng nói chung. Chính trị gia cần sự ủng hộ của các nhóm này để đạt được sự ủng hộ phổ biến, phiếu bầu và giành được quyền lực. Trong khi đó, các chế độ độc đoán, chính trị gia chỉ cần làm hài lòng và đáp ứng thỏa mãn các nhóm nhỏ môi giới quyền lực để giữ được vị trí lãnh đạo của mình. Các chính trị gia độc đoán thường không cần phải quan tâm đến ý kiến của công chúng nói chung, vì họ có khả năng kiểm soát truyền thông và tuyên truyền để kiểm soát ý kiến của công chúng. Họ chỉ quan tâm đến nội bộ  và các lực lượng tay chân họ đựng nên, trong đó quan trọng hơn là các lực lượng võ trang, quân đội, cảnh sát.

    Trong các chế độ độc tài, các nhà lãnh đạo phải tập trung vào việc giữ quyền lực và giành được lợi ích của mình, thay vì phải quan tâm đến các yếu tố nhân đạo hay tiến trình dân chủ hóa.

    Các tác giả cho rằng các nhà lãnh đạo độc tài phải tập trung vào việc tạo ra một mạng lưới các người ủng hộ và các nhóm quyền lực để giữ vững quyền lực của mình. Việc này có thể đạt được bằng cách cung cấp cho các đối tượng này những lợi ích mà họ muốn, chẳng hạn như tiền bạc, quyền lực, an ninh hay tiện ích cá nhân.

    Tuy nhiên, để duy trì quyền lực, lãnh đạo độc tài phải thường xuyên đối mặt với các mối đe dọa và thách thức từ các đối thủ cạnh tranh hoặc các nhóm người muốn tranh chấp quyền lực. Khi đó, họ sẽ áp dụng những chiến lược xấu để đối phó với đối thủ, chẳng hạn như vu khống, gán tội, sử dụng bạo lực, bắt giam, gian lận bầu cử, hay thậm chí là ám sát.

    Lãnh đạo độc tài thường không cần quan tâm đến ý thức đạo đức hay nhân đạo, bởi vì hành vi xấu sẽ giúp họ duy trì tốt quyền lực và đạt được lợi ích. Vì thế, hành vi xấu trở thành một phần quan trọng trong chính trị độc đoán và thường được xem là một cách để đạt được “chính trị tốt”.

    Các tác giả cũng nhấn mạnh rằng cuốn sách của họ không đề xuất việc sử dụng các hành vi xấu trong chính trị dân chủ, vì chính trị gia dân chủ phải tuân thủ các quy tắc và giá trị của họ để được bầu cử và giữ chức.

    Sự ổn định trong chính trị và xã hội không phải là mục tiêu chính của các chính trị gia. Thay vào đó, mục tiêu của họ là duy trì quyền lực và sức mạnh cá nhân. Những hành động xấu của họ thường được giới chính trị coi là chính trị “tốt” bởi vì giúp họ duy trì quyền lực, tạo ra các đặc quyền và tài nguyên cho nhóm của họ, và giúp chiến thắng trong các cuộc tranh cử và các tranh luận chính trị.

     

    Duy trì ổn định chính trị

    Tuy nhiên, sự ổn định trong chính trị và xã hội là rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững và hạnh phúc của một quốc gia. Những hành động xấu của chính trị gia có thể dẫn đến sự bất ổn, mất trật tự và mất niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị. Do đó, nó là trách nhiệm của những người lãnh đạo để đảm bảo rằng họ không chỉ tập trung vào việc duy trì quyền lực mà còn đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước và xã hội.

    Trong các chế độ độc tài, độc đảng cai trị, lãnh đạo thường đàn áp những người bất đồng chính kiến để đảm bảo sự ổn định và duy trì quyền lực. Tuy nhiên, việc này không được xem là “chính trị tốt” trong mắt đa số người dân và có thể gây ra phản ứng tiêu cực. Nếu các nhà lãnh đạo chỉ tập trung vào duy trì quyền lực của mình mà không quan tâm đến sự hài lòng của người dân thì có thể gây ra sự phản đối và đe dọa đến sự ổn định của chính quyền. Điều quan trọng là cân bằng giữa việc duy trì quyền lực và sự hài lòng của người dân.

    Chế độ độc tài đảng trị có thể duy trì quyền lực trong một thời gian dài bằng cách sử dụng các biện pháp đàn áp và kiểm soát thông tin, nhưng chắc chắn điều này không được xem là bền vững và có thể gây ra các rủi ro cho đảng, cho chính quyền độc tài.

    Nếu chế độ độc tài không có sự hài lòng của người dân, thì có thể đối mặt với sự phản kháng và cuối cùng sẽ bị lật đổ. Việc giữ được sự ổn định trong chế độ độc tài phụ thuộc nhiều vào khả năng của nhà lãnh đạo và cách quản lý quyền lực. Nếu như giảm thiểu tham nhũng, cải thiện điều kiện sống cho người dân và xây dựng sự đồng thuận với cộng đồng, thì có thể duy trì sự ổn định trong chế độ trong một thời gian dài hơn. Điều này rất khó để đạt được trong một chế độ độc tài mà quan tâm chủ yếu đến sự bảo vệ quyền lực của đảng, của một nhóm nhỏ môi giới quyền lực cốt lõi, thay vì phục vụ cho lợi ích của toàn dân.

    Chế độ độc tài đảng trị thường sử dụng các biện pháp đàn áp, cô lập, và loại bỏ các nhóm tham nhũng không có quan hệ gần gũi với họ, cũng lúc, họ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm tham nhũng có liên hệ chặt chẽ với chính quyền để tăng cường sự ủng hộ và sự trung thành của những nhóm này. Các nhóm tham nhũng này thường là những đối tác kinh doanh, lãnh đạo tôn giáo, quan chức và quan hệ thân tín của các quan chức cấp cao, và thường được hưởng các ưu đãi kinh tế, chính trị và xã hội đặc biệt để đảm bảo sự trung thành và ủng hộ của họ. Hầu hết các trường hợp, các nhà lãnh đạo sẽ đặt lợi ích cá nhân và lợi ích của đảng mình trên hàng đầu, thậm chí là trên lợi ích của quốc gia hoặc cộng đồng. Tuy nhiên, khá là trái khoáy, trong một số trường hợp, việc làm cho lợi ích cá nhân như xây dựng hạ tầng cơ sở, sân bay chẳng hạn, cũng có thể đồng thời mang lại lợi ích cho quốc gia hoặc cộng đồng. Trong những trường hợp đó, các nhà lãnh đạo có thể vẫn giữ được quyền lực của mình mà không phải đối mặt với sự phản đối từ cộng đồng.

    Trong chế độ độc tài đảng trị, người lãnh đạo thường duy trì quyền lực bằng cách “đối xử tốt” với những người cầm quyền cấp dưới và những người có quyền lực trong hệ thống chính trị, thay vì đối xử tốt với người dân và lợi ích của toàn xã hội. Tuy nhiên, có thể có các trường hợp ngoại lệ khi các nhà lãnh đạo dưới chế độ độc tài đảng trị quan tâm đến lợi ích quốc gia hoặc thần dân của họ, nhưng điều này thường là ít xảy ra. Các quyết định chính trị thường được đưa ra dựa trên lợi ích của những người nắm quyền, chứ không phải là lợi ích chung của toàn dân. Các nhà lãnh đạo  thường phải giả vờ tôn trọng nền dân chủ và sự tham gia của dân chúng trong quyết định chính trị, để duy trì sự ổn định và hỗ trợ của công chúng. Vì vậy, nền dân chủ giả hiệu dưới chế độ đảng trị không phải là một hệ thống hoạt động hoàn hảo đáp ứng hoàn toàn cho lợi ích chung của tất cả mọi người. Các chế độ dân chủ giả hiệu  như thế có thể đề cao dân chủ một cách lớn tiếng nhưng thực tế lại không đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ, chẳng hạn như quyền bầu cử tự do, quyền tự do ngôn luận và thông tin, và độc lập của hệ thống tư pháp. Những chế độ như vậy có thể lợi dụng dân chủ để giành quyền lực và duy trì quyền lực của một nhóm nhỏ, của đảng, trong khi không quan tâm đến lợi ích của toàn bộ dân chúng. Đánh giá nền dân chủ của một quốc gia cần phải dựa trên thực tiễn và không chỉ dựa trên những tuyên bố trên giấy tờ hay trong bài phát biểu.

     

    Dân chủ giả hiệu

    Trong một chế độ dân chủ, các nhà lãnh đạo và các quyết định chính trị của họ phải tuân thủ luật pháp quốc gia và tôn trọng các quyền của công dân. Dân chủ bao gồm việc hình thành và duy trì một hệ thống pháp luật để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của các cá nhân và nhóm trong xã hội. Bất kỳ hành động nào vi phạm luật pháp sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý và cộng đồng quốc tế sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt để đảm bảo tuân thủ quyền lực pháp lý. Trong các chế độ dân chủ giả hiệu, có thể có những vi phạm đáng lo ngại đến nhân quyền mà không được xử lý hoặc được xử lý không công bằng do quyền lực tập trung vào tay những người đứng đầu.

    Các quốc gia độc tài, đảng trị, dân chủ giả hiệu như Việt Nam thường  phủ nhận một phần nhân quyền vì lý do văn hóa hay luật pháp quốc gia. Nhân quyền là một khái niệm phổ quát và không thể bị phủ nhận hoặc hạn chế dựa trên lý do văn hóa hoặc luật pháp quốc gia. Nhân quyền bao gồm những quyền cơ bản và tối thượng của con người, bao gồm quyền sống, quyền tự do ngôn luận, quyền hội họp, quyền bình đẳng, quyền không bị tra tấn, tra khảo và nô lệ. Nhân quyền được coi là tối thượng và không thể bị vi phạm, bất kể điều kiện hoặc hoàn cảnh nào. Luật pháp quốc gia và văn hóa có thể hỗ trợ và bảo vệ nhân quyền, nhưng không thể vô hiệu hóa nó hoàn toàn hay chỉ một phần.

    Trong cuốn The Dictator’s Handbook, có một số quy tắc mà các nhà lãnh đạo có thể sử dụng để thành công trong chính trị hay kinh doanh , đặc biệt đúng với các người lãnh đạo quốc gia dưới chế độ độc tài đảng trị. Thứ nhất các nhà lãnh đạo, cụ thể là Nguyễn Phú Trọng cần giữ cho những người ủng hộ, liên minh chủ chốt, đặc biệt có sức mạnh ưu thế như công an, quân đội, đảng và các tay doanh nghiệp lớn, của họ càng nhỏ càng tốt. Bằng cách duy trì liên minh nhỏ, các nhà lãnh đạo chỉ phải dựa vào một số ít người để duy trì quyền lực. 

    Thứ hai, những người thân cận của nhà lãnh đạo, vốn là những người hỗ trợ thiết yếu cho họ, cần phải tin rằng họ có thể dễ dàng thay thế. Tin rằng mình có thể bị thay thế bất cứ lúc nào, những ‘người bạn thân’ luôn phải tỏ ra trung thành và cư xử tốt với lãnh đạo. Thứ ba, nhà lãnh đạo cần kiểm soát tiền bạc. Tiền bạc tốt nhất là dòng tiền cho phép các nhà lãnh đạo phân phối lại tiền cho những người bạn thân của họ để giữ cho họ giàu có và hỗ trợ là cho phép họ tham nhũng và dự phần vào khai thác tài nguyên quốc gia, mở các doanh nghiệp lớn. Các nhà lãnh đạo cần tìm ‘tài nguyên bồi dưỡng’ cho những người ủng hộ chủ chốt vừa đủ để giữ họ trung thành. Cuối cùng, một nhà lãnh đạo không thể quá coi thường những người ủng hộ họ. Nếu nhà lãnh đạo sử dụng số tiền, lẽ ra phải đến tay những người ủng hộ, lại chi phí cho người dân, thì rất có thể những người ủng hộ họ sẽ quay lưng lại với họ và lật đổ họ không biết lúc nào.

    Tóm lại, muốn kéo dài tuổi thọ của một chế độ độc tài đảng trị, các lãnh đạo phải biết tìm mọi thủ đoạn dù xấu xa, bất chấp nhân vị, nhân quyền và quyền lợi của nhân dân, quốc gia miễn sao  quy tụ được chung quanh những nhóm quyền lực nhỏ, nhưng rất mạnh để luôn giữ vững được ghế. 

    https://vietnamthoibao.org


    Không có nhận xét nào