Quê Hương tổng hợp
Nhiều phái đoàn ngoại giao phương Tây tại Hà Nội ra tuyên bố Ngày Tự do Báo chí Thế giới
03/5/2023
Tuyên bố về Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5 của các phái đoàn ngoại giao phương Tây tại Việt Nam. Photo Facebook Đại sứ quán Canada tại Việt Nam.
Các phái đoàn ngoại giao của Mỹ và nhiều nước phương Tây tại Việt Nam ra tuyên bố chung Ngày Tự do Báo chí Thế giới, kêu gọi không bắt bớ tùy tiện những người làm báo vì công việc của họ.
Tuyên bố của 16 thành viên Liên minh Tự do Báo chí tại Việt Nam, bao gồm đại sứ quán các nước thuộc Liên minh châu Âu, Ukraine, Canada và Mỹ, gửi đi thông điệp nhằm tôn vinh các nhà báo và những người làm công tác báo chí vì những đóng góp của họ đối với xã hội và phẩm giá con người.
“Một nền báo chí độc lập và đa dạng, có trên mạng và ngoài đời, thiết yếu với một xã hội cởi mở và bao trùm. Báo chí đóng vai trò quan trọng nêu lên các vấn đề xã hội, bảo đảm trách nhiệm giải trình, minh bạch, giúp công dân và chính phủ đưa ra các quyết định với đầy đủ thông tin”, tuyên bố viết hôm 3/5, nhân kỷ niệm 30 năm ngày Tự do Báo chí Thế giới.
“Các nhà báo và những người làm công tác báo chí phải được tác nghiệp mà không phải lo sợ bạo lực, bị hăm dọa hoặc bị bắt hay giam giữ tùy tiện chỉ vì họ làm công việc của mình”, tuyên bố viết thêm, nhưng không đề cập đến Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay lời đề nghị bình luận của VOA về tuyên bố này.
Năm 1993 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công bố ngày 3/5 hàng năm là “Ngày Tự do Báo chí Thế giới” để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tự do báo chí và nhắc nhở các chính phủ về bổn phận phải tôn trọng và duy trì quyền tự do ngôn luận theo Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.
“Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân, tự do báo chí”, truyền thông nhà nước Việt Nam cho biết hôm 3/5, đồng thời lên án các “thế lực cơ hội chính trị cố tình chối bỏ sự thực khách quan”, và nhắc nhở rằng “tự do phải trong khuôn khổ pháp luật”.
Theo thống kê của tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) công bố hôm 3/5, Việt Nam - hiện đang giam cầm 42 nhà báo - xếp hạng thứ 178/180 quốc gia trên thế giới về tự do báo chí, hay nói cách khác, Việt Nam đứng thứ ba về tình trạng có ít tự do báo chí.
Blogger Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người từng bị chính quyền Việt Nam tuyên phạt 10 năm tù với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” và hiện sống lưu vong ở Texas, Mỹ, chia sẻ với VOA về tầm quan trọng của tự do báo chí:
“Tự do báo chí rất quan trọng, bởi vì chính tự do báo là một trong những quyền tự do ngôn luận của con người. Và tự do báo chí thúc đẩy sự phát triển của một xã hội dân chủ, thúc đẩy sự minh bạch giám sát vai trò của đảng phái chính trị và những người cầm quyền”.
Thêm một trí thức phản biện nổi tiếng Việt Nam bị chặn xuất cảnh
02/5/2023
Tiến sĩ Nguyễn Quang A tham dự phiên điều trần về Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) giữa Việt Nam và EU tại Brussels, Bỉ, vào ngày 10/10/2018.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trí thức phản biện nổi tiếng và là một trong những lãnh đạo của phong trào xã hội dân sự tại Việt Nam, vừa bị giới hữu trách Việt Nam chặn xuất cảnh vào ngày 1/5 với lý do “an ninh quốc gia”.
TS. Nguyễn Quang A, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) đã bị chính phủ Việt Nam giải thể trước đây vì có những kiến nghị táo bạo được cho là đi ngược với đường lối của chính quyền, cũng là người được bình chọn là một trong 10 người có ảnh hưởng đến sự phát triển của Internet Việt Nam trong 10 năm (1997-2007), kể lại sự việc với VOA.
“Tôi có visa Schengen 5 năm. Hai năm Covid nên mình không đi đâu được, thì định bay sang Hungary chơi với bạn bè thôi. Thế nhưng mà vé máy bay đi châu Âu thì nó đắt, nên tôi thử đi Bangkok xem thế nào. Tôi mua một cái vé đi Bangkok và ngày hôm qua, 1/5, tôi đi lên sân bay Nội Bài để bay sang Bangkok. Lúc 9:40 là lúc làm thủ tục cửa khẩu thì họ nói họ phải để hệ thống xem xét lại thế nào”.
Sau nhiều tiếng đồng hồ chờ đợi, nhân viên hải quan thông báo với TS. Nguyễn Quang A rằng ông bị tạm hoãn xuất nhập cảnh.
“Tôi nói ‘Ok không sao cả, miễn là các bạn làm theo đúng luật. Mà theo tôi biết thì luật xuất nhập cảnh có quy định rất là rõ ràng khi nào thì nhà chức trách được tạm hoãn hay cấm xuất hiện cảnh đối với một công dân”, TS. Nguyễn Quang A kể lại cuộc đối thoại với nhân viên an ninh.
Sau khi liệt kê ra các trường hợp quy định hoãn hay cấm xuất cảnh theo luật định, TS. Nguyễn Quang A yêu cầu được cấp biên bản về quyết định không cho ông xuất cảnh.
Biên bản Tạm hoãn xuất cảnh đối với Tiến sĩ Nguyễn Quang A.
“Cuối cùng, đến khoảng 12 giờ thì có hai người ở Bộ công an từ Hà Nội lên đến sân bay Nội Bài. Họ hỏi tôi là ‘Thế bác không biết chuyện bác bị công an Hà Nội triệu tập à? Cái chuyện đó xong chưa?’”.
TS. Nguyễn Quang A cho biết vào năm cuối năm 2020 và trong năm 2021, bỗng dưng có người đến nhà đưa cho ông giấy triệu tập của cơ quan an ninh điều tra Công an TP Hà Nội với nội dung “làm việc liên quan đến kiến nghị của Cục An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao Bộ Công an”.
“Thế sau 3, 4 bận lên làm việc với họ thì cho đến nay không thấy động tĩnh gì hơn, thế thì chắc là có lẽ là vì cái đó”, TS. Nguyễn Quang A suy đoán. “Cuối cùng, họ đưa cho tôi một biên bản nói là chiếu theo Điều 36 của Luật Xuất nhập cảnh, trong đó có nêu 9 điểm khi nào một người có thể bị hoãn xuất nhập cảnh hay là cấm xuất nhập cảnh. Thì của tôi họ ghi là điểm thứ 9, tức là liên quan đến an ninh quốc gia”, TS Nguyễn Quang A cho biết thêm.
Ông Nguyễn Quang A là trường hợp bị cấm xuất nhập cảnh mới nhất trong hàng loạt các vụ cấm xuất nhập cảnh thời gian gần đây đối với các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền và giới phản biện.
Trước đó, Luật sư nhân quyền Võ An Đôn và gia đình đã bị nhà chức trách Việt Nam cấm xuất cảnh khi gia đình ông ra phi trường đi tị nạn chính trị. Một số linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam cũng nhận được quyết định tương tự khi đi công tác nước ngoài.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho rằng tình trạng cấm xuất cảnh một cách tuỳ tiện tại Việt Nam cho thấy chính quyền đang tìm cách “trả thù” những người hoạt động nhân quyền và đang vi phạm luật pháp của chính họ.
“Thôi thấy thực sự đáng lo ngại cho tình hình nhân quyền của Việt Nam trong thời gian gầy đây”, TS. Nguyễn Quang A, người cổ xuý cho việc phát triển các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam, bày tỏ, đồng thời đề cập đến một số trường hợp gần đây như Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao, một luật sư, trí thức phản biện nổi tiếng đã bị chính quyền bắt vào cuối tháng 12 vừa qua với cáo buộc “trốn thuế”, hay trường hợp Luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh bị quấy nhiễu… cho thấy tình hình nhân quyền tại Việt Nam ngày càng xấu đi, bất chấp việc Việt Nam vừa đắc cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ vào tháng 10 năm ngoái.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong các báo cáo nhân quyền thường niên những năm gần đây cũng chỉ trích tình trạng cấm xuất cảnh đối với các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền, giới bất đồng chính kiến. Tuy nhiên theo quan điểm của TS. Nguyễn Quang A, vấn đề nhân quyền Việt Nam trong thời gian qua không nằm trong những ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ. Nếu thực sự muốn thúc đẩy nhân quyền, chính phủ Mỹ cần có những biện pháp “thực tế” hơn là chỉ những biện pháp về mặt ngoại giao, TS. Nguyễn Quang A nói thêm.
Nguyễn Thông - Thủ phạm phá tiếng Việt
03/5/2023
Ảnh: Nhỏ không học ra trò, lớn lên làm nhà báo
Thiên hạ mạng đang rất thích thú về những góp ý cho chương trình “Vua tiếng Việt”, mà người “chém nhát nào ra nhát ấy” không phải chuyên gia ngôn ngữ, những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ngôn ngữ công tác ở viện này viện nọ, mà chỉ là anh chàng bình dị xứ Thanh, “cán bộ khuyến nông” Hoàng Tuấn Công.
Phải sổ toẹt thẳng cái điều người ta ngại nói ra, rằng một mình kẻ ngoại đạo ngôn ngữ kia đã chấp cả đội ngũ chuyên gia ngôn ngữ xứ này bằng sự hiểu biết uyên bác, sâu sắc, và nhất là trách nhiệm công dân bảo vệ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, hơn hẳn cả đám viện sĩ hữu danh vô thực. Không biết họ, những giáo sư tiến sĩ phòng lạnh ấy, nghiên cứu cái gì, đi mây về gió chỗ nào, chứ riêng chuyện đúng sai tiếng Việt thì có nhẽ họ chẳng hề quan tâm. Tôi phơi bày cái sự thực này ra, nếu ai động lòng, tự ái, thậm chí cảm thấy bị… xúc phạm, tôi chịu bị mắng mỏ. Tôi chỉ muốn hỏi họ, nếu không phải vậy, sao bấy lâu các vị không hó hé về chương trình “Vua tiếng Việt”, hoặc cứ làm lơ cho những cái sai về ngôn ngữ mẹ đẻ tràn lan trên báo chí truyền thông.
Xin mạo muội đề xuất, các chuyên gia ngôn ngữ kia ơi (nhại câu Kinh thi: Những người quân tử kia ơi/các người ắt hẳn là người ăn không), đám làm chương trình “Vua tiếng Việt” kia ơi, nên bò ra khỏi ghế hư danh vài ngày, đàn lũ kéo nhau đến nhà “cán bộ khuyến nông” để anh ấy phụ đạo, kèm cặp cho vài đường cơ bản. Đừng thẹn thùng xấu hổ, bởi con người thực tài không học hàm học vị mà các vị đến để được chỉ giáo ấy đang là người hiếm thời nay. Có lẽ cũng cần hé thêm tí ti, anh Công là con trai danh sĩ một thời - nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ, không chỉ danh nhân xứ Thanh mà cả nước.
Trong tút này, tôi không làm cái việc khen anh Công, bởi nói như các cụ xưa, như thế bằng thừa, khác gì khen giời cao, khen phò mã tốt áo, khen mèo dài đuôi. Tôi cũng không chen vào chuyện phê “Vua tiếng Việt” bởi một mình anh Công đã cân tất rồi, vả lại ngẫm bản thân chưa có được kiến văn để phanh phui cái sai một cách thuyết phục như anh ấy. Tôi cũng chả chê bai gì các viện sĩ ngôn ngữ, kẻo họ lại tự ái nhảy dựng lên như đỉa phải vôi. Tôi chỉ nhặt nhạnh dọn những “rác” ngôn ngữ đang tràn lan trên báo chí mậu dịch.
Chưa khi nào báo chí (báo in, báo điện tử, tivi, đài phát thanh) làm hỏng tiếng Việt như bây giờ. Thủ phạm phá tiếng Việt nhiều nhất chính là các nhà báo, còn trách nhiệm thuộc về ban tuyên giáo. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Nguyễn Ngọc Chu - “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”
02/5/2023
1. PHƯƠNG ÁN KẾT TỘI BẤT LỢI NHẤT
Cùng một sự việc, Viện Kiểm sát, hay Tòa án có thể áp dụng các điều khoản khác nhau, dẫn đến những hình phạt khác nhau. Trong thực tế, việc thay đổi tội danh rất thường xẩy ra. Thay đổi do bản chất của sự việc, có khi còn do chủ đích của người có quyền buộc tội.
Trong các phương án kết tội, Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Hưng Nguyên đã vận dụng những điều khoản bất lợi nhất cho cô giáo Lê Thị Dung.
Cơ sở để TAND huyện Hưng Nguyên kết tội cô giáo Lê Thị Dung là ở mục thanh toán trùng. Như cáo trạng đã viết:
“Như vậy, việc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên thanh toán tiền phụ cấp cấp ủy cho bà Lê Thị Dung hàng tháng; thanh toán tiền công tác phí, hỗ trợ đi học là đúng quy định.
- Tuy nhiên, ngoài các khoản đã thanh toán nêu trên, bà Lê Thị Dung còn tiếp tục quy đổi các nội dung trên sang tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ cho cá nhân mình là thanh toán trùng (thanh toán 2 lần) cho cùng một nội dung… Từ việc thanh toán trùng nêu trên đã gây thiệt hại cho ngân sách của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên số tiền 48.383.908 đồng”.
Chưa khẳng định được tính đúng đắn của cáo trạng. Còn nhiều tranh cãi. Bản thân bà Lê Thị Dung chưa đồng ý với cáo trạng. Nhưng cứ giả sử số tiền chi sai 44 700 000 đồng là đúng, thì cách xử lý đơn giản là bằng Nghị định số 63/2019/NĐ-CP. Nghịđịnh số 63/2019/NĐ-CP, ngày 11/7/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2019), trong đó Điều 55 quy định:
“Điều 55. Hành vi lập hồ sơ, chứng từ sai chế độ quy định và hành vi lập hồ sơ, chứng từ sai so với hồ sơ, chứng từ gốc tại đơn vị nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi ký hợp đồng trước khi có kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trừ các công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp).
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi các khoản chi không đúng tiêu chuẩn về chức danh, đối tượng sử dụng;
b) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi các khoản chi vượt định mức chi về số lượng, giá trị;
c) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi các khoản chi sai chế độ (chi không đảm bảo điều kiện, nguyên tắc của chế độ chi).’’
Trường hợp của bà Lê Thị Dung phù hợp với các mục a), c), khoản 2 Điều 55 “Nghị định số 63/2019/NĐ-C: “a) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi các khoản chi không đúng tiêu chuẩn về chức danh, đối tượng sử dụng; c) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi các khoản chi sai chế độ (chi không đảm bảo điều kiện, nguyên tắc của chế độ chi)”. Chiếu theo các mục a), c) khoản 2 Điều 55 “Nghị định số 63/2019/NĐ-CP” thì cô giáo Lê Thị Dung bị phạt hành chính “từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng” và phải hoàn lại số tiền 44 triệu 700 ngàn đồng.
Nhưng TAND huyện Hưng Nguyên đã quy cho bà Lê Thị Dung “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, và quy cho phạm tội nhiều lần để áp dụng khung hình phạt khoản 2 từ 5-10 năm tùgiam. Đây là cách áp dụng bất lợi nhất trong tất cả các phương án kết tội bà Lê Thị Dung. Các điều khoản của “tội tham nhũng” hay “vô ý gây thiệt hại tài sản” áp dụng cho số tiền 44.700.000 đồng đều có khung hình phạt nhẹ hơn.
Câu hỏi hiển nhiên là, cách áp dụng tội danh cho bà Lê Thị Dung có bị tác động bởi các nhân tố bên ngoài không?
Cách đây hơn 3 năm, Báo điện tử ‘Ngày mới’ ngày 26 /9/2019 đã đăng bài viết “Huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An: Tại sao lại “bới lông tìm vết” để thi hành kỷ luật bà Lê Thị Dung”? Từ bài báo của Báo điện tử ‘Ngày mới’ ngày 26 /9/2019 có thể dự đoán, nếu bà Lê Thị Dung tuân theo yêu cầu của UBND huyện Hưng Nguyên, ký hợp đồng không xác định thời hạn với bà Nguyễn Thị Phương Thúy, thì chắc rắc rối và tù đày đã không xảy ra đối với bà.
Để thêm trọng lượng cho dự đoán này là tin cách đây vài hôm, bà thẩm phán xử án đã thăm bà Lê Thị Dung và chia sẻ là “bị sức ép, trong quá trình xét xử bị giảm 2 ký, phải chuyền nước, mong bà Dung thông cảm”.
2. TỰ LÀM KHÓ CHO MÌNH VÀ “THẦN DÂN” CỦA MÌNH
“Tính quyết liệt của người Nghệ” đang làm hại Nghệ An. Chuyện bé xé ra to. Đưa vụ việc sai phạm hành chính thành vụ án hình sự. Làm liên đới đến nhiều cấp lãnh đạo cùng với sự tốn kém thời gian, tiền bạc, công sức. Và trầm trọng hơn là đẩy số phận một con người vào cảnh tù đày oan ức, gieo thêm mâu thuẫn, làm xã hội bất ổn.
Luật pháp thì chung cho cả nước. Nhưng làm thất thoát 15.000 tỉ đồng thì ở TP HCM bị xử 3 năm tù treo. Làm thất thoát 53, 6 tỉ đồng thì ở Hà Nội xử 3 năm tù giam. Còn làm thất thoát chưa đến 45 triệu đồng, thì ở Nghệ An bị xử phạt 5 năm tù. Có phải người Nghệ An thấp kém hơn nên phải chịu hình phạt nặng hơn?
Cũng chẳng phải riêng Nghệ An. Dường như quan sát thấy khuynh hướng, rằng các tỉnh càng nghèo thì “đối đãi” với “thần dân” của mình càng khắt khe.
Lấy vài thí dụ. Ăn trộm 1 con vịt mà Tòa án ở Kiên Giang xử phạt 7 năm tù. Ăn trộm 2 con vịt, Tòa án ở Kontum xử 9 tháng và 13 tháng tù. Còn ở Lâm Đồng, ăn trộm 2 con vịt bị xử tổng cộng 13 năm tù cho 3 nông dân. Thiết nghĩ, ở vị trí lãnh đạo thì phải cố mang về nhiều lợi ích nhất cho người dân của mình, chí ít thì cũng không kém địa phương khác. Đằng này, ngược lại, dân đã nghèo mà đối đãi lại khắt khe, hình phạt thì nặng nề.
3. “VIỆC NHÂN NGHĨA CỐT Ở YÊN DÂN”
Có thể dự đoán, trong phiên phúc thẩm sắp tới sẽ có các thế lực tìm cách bảo vệ và biện minh cho kết quả Tòa án sơ thẩm; bảo vệ một cách quyết liệt. Nhưng đó không phải là lối thoát đúng. Cách xử lý khủng khoảng tốt nhất là công nhận sự thật. Mọi cố gắng bảo vệ hay che đậy sai lầm chỉ khiến cho vụ việc thêm trầm trọng. Mục đích tối thượng của mọi vụ xử án là thiết lập công lý. Vụ án phúc thẩm tới đây phải trả lại công lý cho bà Lê Thị Dung.
Hàng ngày, ở các cơ quan hành chính của nhà nước, từ cấp huyện, cấp tỉnh, cấp bộ cho đến văn phòng chính phủ, hay ở các cơ quan, trường học, bệnh viện của nhà nước… thì việc thanh toán thù lao, công tác phí, tiếp khách, quà cáp…luôn là một vấn đề mà kế toán và thủ trưởng phải “vận dụng linh hoạt”. Đó là một thực tế không chối cãi.
Làm Giám đốc một Trung tâm Giáo dục Thường xuyên trong suốt 10 năm trời, sau bao nhiêu lần thanh tra, chỉ phát hiện chi chưa đúng có 44 triệu 700 ngàn đồng, nghĩa là chỉ sai 372.500 đồng/1 tháng. Trong số tất cả các giám đốc, hiệu trưởng, chánh văn phòng huyện, tỉnh, bộ…bạn có thể chỉ ra một ai đó có sai phạm ít hơn không? Thực lòng, với hiện trạng xã hội như bây giờ, thì đó có lẽ là trường hợp đáng khen hơn là chê. Không tin, mỗi người hãy tự so sánh với vị trí của chính mình.
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Trường hợp của bà Lê Thị Dung là xử phạt hành chính và thu hồi các khoản chi sai. Đừng cố gắng quy tội cho bà Lê Thị Dung để hợp thức hóa thời gian tạm giam từ ngày 28/03/2022. Sai lầm thì phải dũng cảm thừa nhận.
Bà Lê Thị Dung không phải là tội phạm nguy hiểm, số tiền thất thoát rất nhỏ, quá lắm thì ngăn chặn không cho rời địa phương, chứ không phải bắt bỏ tù hơn một năm mới đưa ra xét xử. Trong khi chờ đợi phúc thẩm, hãy để bà Lê Thị Dung tại ngoại.
Luật pháp nghiêm minh không đồng nghĩa với hà khắc, càng xa lạ với bất công. Sống ở nơi nào có chế độ cai trị hà khắc, thì ở xứ đó khó mưu cầu hạnh phúc.
NGUYỄN NGỌC CHU 02.05.2023
Phố núi Sapa thành ‘dòng sông uốn quanh’, du khách bó gối!
Lê Thiệt /SGN
2 tháng 5, 2023
Ngập lụt cục bộ tại Sa Pa đêm 29 Tháng Tư. (ảnh: Lào Cai)
Đêm 29 Tháng Tư, Sapa đón nhận những trận mưa lớn, khiến nhiều nơi ngập nặng.
Một số tuyến đường khu vực trung tâm thị xã Sapa, trong đó đường Lương Định Của ngập sâu khoảng 30 đến 50 cm khiến nhiều phương tiện lưu thông qua đây bị chết máy. Nhiều du khách lên đây sớm với ý định tận hưởng không khí mát lạnh nhiều hơn khi chưa có nhiều người lên, đã thở dài thất vọng.
Chị Nguyễn Trà My, du khách từ Hà Nội lên Sapa, cho biết đang rất buồn vì chị và chồng lên Sapa du lịch, nhưng từ đêm 29 Tháng Tư thì gặp mưa lớn, nhiều tuyến phố “ngập như sông” nên không thể “mặc áo lạnh, tay trong tay” xuống phố được.
Không chỉ ở Sapa bị ngập lụt, theo Báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết từ tối 28 đến tối 29 Tháng Tư, ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến từ 40 – 80mm. Một số trạm có lượng mưa lớn hơn như Văn Chấn (Yên Bái) 134mm, Thọ Sơn (Phú Thọ) 85mm, Hòn Dấu (Hải Phòng) 88mm, Môn Sơn (Nghệ An) 98mm, Sơn Kim 2 (Hà Tĩnh) 123mm… Trong tối 28-4, tại Mường Khương, Sa Pa (Lào Cai) có mưa đá.
Những trận mưa này đã làm hơn 1,600 nhà dân bị hư hỏng do mưa đá, dông lốc tại các tỉnh miền Bắc.
“Bỏ của chạy lấy người” trên đường phố Sapa. (ảnh: Lào Cai)
Thống kê nhanh của các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Thái Nguyên, Cao Bằng, Phú Thọ, Tuyên Quang, mưa dông, mưa đá từ tối 28 đến ngày 29 Tháng Tư làm 1,635 ngôi nhà hỏng mái và tốc mái, 2,538 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại và 11 trường học bị ảnh hưởng…
Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai cho biết không khí lạnh ảnh hưởng cũng khiến nền nhiệt tại các địa phương ở Lào Cai giảm thấp trong ngày 30 Tháng Tư.
Lạnh nhất tại Sa Pa, trời chuyển rét đậm với nhiệt độ xuống dưới 15 độ C. Từ ngày 1 Tháng Năm trở đi, mưa giảm về lượng và diện, nhiệt độ gia tăng nhẹ. Tuy nhiên, một số khu du lịch như Sa Pa, Y Tý vẫn có xu hướng mưa, chủ yếu về đêm.
Một chuyên gia về khí tượng thủy văn (không nêu danh tính) cho biết sở dĩ Sapa nhanh chóng bị ngập khi gặp mưa lớn là do hệ thống tiêu thoát nước rất kém, “thậm chí chúng ta có thể nói chính quyền đã bỏ mặc việc tiêu thoát nước cho thiên nhiền, họ nói chẳng cần xây dựng chúng vì nước mưa tự trôi xuống dưới xuôi!”
Một lãnh đạo thị xã Sapa có vẻ khó chịu về lời phát biểu của chuyên gia này, ông phủ nhận và cho rằng nguyên nhân khiến Sa Pa ngập là do mưa lớn trong thời gian ngắn nên ngập ứ cục bộ ở các vùng trũng trên một số tuyến phố của thị xã. “Do Sapa ở trên cao hơn 1,500 mét, độc dốc lớn nên chỉ ngập cục bộ một số điểm rồi thoát rất nhanh.”
Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính lời phát biểu của lãnh đạo thị xã mới vô trách nhiệm. Một kiến trúc sư (giấu tên) chia sẻ, nguyên nhân ngập lụt ở Sa Pa trước mắt ai nhìn cũng thấy là do mưa lớn cục bộ trong thời gian ngắn, nhưng đó không phải là nguyên nhân sâu xa.
“Việc chặt cây, phá rừng xây nhà hàng, khách sạn, làm đường vào các thung lũng… làm nước dồn từ trên cao xuống; quy hoạch nghiệp dư; bê tông hóa bề mặt làm giảm khả năng thẩm thấu của nước… là nguyên nhân khiến Sapa ngập lụt.”
Dù kiến trúc sư này không đổ lỗi cho ai, nhưng người dân cũng thấy rõ “vì ai nên Sapa mới ra nông nỗi này?”
Việt Nam lại ‘chết như rạ’ do tai nạn giao thông, COVID-19
Lê Thiệt/SGN
Các bác sỹ cấp cứu cho một nạn nhân được chuyển vào Bệnh viện E. (minh họa: PV/Vietnam+)
Theo số liệu từ Bộ Y tế Việt Nam, được nhiều tờ báo đưa tin, chỉ trong hai ngày nghỉ 30 Tháng Tư và 1 Tháng Năm, cả nước có hơn 45,000 người nhập viện.
Báo Thái Bình cho biết từ 7 giờ sáng 30 Tháng Tư đến sáng ngày 1 Tháng Năm, có hơn 48,000 người bệnh khám, cấp cứu, trong đó có 22,000 người điều trị nội trú, gần 2,000 ca phải chuyển viện.
Báo Pháp Luật dẫn nguồn tin của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh lại cho biết trong hai ngày nghĩ này, cả nước có hơn 110,000 người cấp cứu và khám bệnh, trong đó có hơn 3,000 người nhập viện do tai nạn giao thông, với gần 800 người tử vong.
Nếu đọc nhiều báo trong ngày, độc giả có thể “tẩu hỏa nhập ma” vì những con số nhảy múa lung tung như đang được “tung hứng báo cáo thành tích, lập kỷ lục sau 38 năm cưỡng chiếm miền Nam” (!)
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ tai nạn giao thông cao tại Việt Nam là tình trạng uống rượu bia. Dù chính quyền đang cố gắng xiết chặt, xử phạt nặng những người điều khiển phương tiện giao thông có uống rượu bia, tệ nạn này giảm không đáng kể.
Mức tiêu thụ rượu bia bình quân của người trong nước quy đổi ra cồn trong năm 2018 là 8.4 lít/năm, trong khi đó mức bình quân của dân nhậu thế giới chỉ có 6.4 lý/năm mà thôi. Tửu lượng càng cao, càng dễ chết!
Vẫn theo những báo cáo từ các cơ quan chức năng, số người “chết như rạ” này không chỉ đơn thuần do tai nạn giao thông, mà còn nhiều nguyên nhân khác trong đó phải kể đến chuyện ngộ độc thực phẩm tăng rất cao trong các dịp lễ tết.
Hình như các hàng quán tại các điểm du lịch, ngoài chuyện “mài dao” chờ khách hàng, còn để sẵn “lưỡi hát” của “tử thần” bằng cách chế biến thức ăn bằng thực phẩm bẩn.
Cũng trong hai ngày, có thêm bốn ca tử vong liên quan COVID-19, nâng tổng số ca COVID-19 tử vong trong hai ngày nghỉ lên bảy người. Hiện còn 78 ca COVID-19 mức độ nặng, nguy kịch đang được điều trị. Theo báo Nhân Dân, chỉ trong hai ngày nghỉ này, có hơn 2,000 ca tới khám, khoảng một nửa số đó phải nhập viện điều trị nội trú. Con số này vẫn chưa nói lên được tình trạng lây lan COVID-19 đang nguy hiểm như thế nào. Vài ngày nữa, khi số người đi chơi xa, hay về quê nghỉ lễ quay trở lại Sài Gòn và các thành phố lớn khác, tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn tiến phức tạp hơn.
Không có nhận xét nào