Quê Hương tổng hợp
Giới chức giáo dục Hoa Kỳ tố cáo 21 trường Đại học Hoa Kỳ mạo danh ở Việt Nam
10/5/2023 | By VQ0
Tiến sĩ Mark Ashwill
Tiến Sĩ Mark Ashwill, nhà giáo dục người Mỹ đang làm việc tại Việt Nam, đã nêu đích danh 21 trường Đại học hiện có mặt tại Việt Nam không được công nhận bởi các cơ quan kiểm định giáo dục Hoa Kỳ.
Mới đây, dựa trên kết quả của Hội đồng kiểm định các trường Đại học, và trường học độc lập từ Mỹ, Tiến sĩ Mark Ashwill, người Mỹ đang làm việc tại Việt Nam, đã nêu đích danh 21 trường Đại học hiện có mặt tại Việt Nam không được công nhận bởi các cơ quan kiểm định giáo dục có thẩm quyền từ Hoa Kỳ. Hay nói một cách khác, Việt Nam đang bị tố cáo dựng nên 21 trường Đại học, mạo danh Đại học Hoa Kỳ để thu tiền bất hợp pháp.
Tiến sĩ Mark Ashwill, hiện là Giám đốc quản lý của Capstone Việt Nam, một Công ty có trụ sở Hà Nội, và chuyên về việc phát triển nguồn nhân lực. Việc ông cho công bố danh sách này, đã không khác gì bom nổ trong giới giáo dục Việt Nam.
Lâu nay, tình trạng lo ngại giá trị đào tạo của các trường Đại học trong nước Việt Nam, đã khiến rất nhiều phụ huynh dành dụm tiền bạc để tìm cách cho em mình đi du học ở nước ngoài. Tuy nhiên, chi phí lớn cũng như điều kiện được các nước Tây Âu chấp nhận cho du học cũng không phải dễ dàng gì.
Chính vì vậy mà các trường Đại học mang tên đến từ Hoa Kỳ, Châu Âu… được rất nhiều người ghi danh cho con em mình vào học, hy vọng sẽ có một nền kiến thức tốt đẹp hơn những gì mà nhà trường CS Việt Nam đang nhồi nhét vô đầu.
Học phí của những trường Đại học Quốc tế như vậy không rẻ, thậm chí nhiều trường còn hứa hẹn nếu tốt nghiệp, có thể được gửi đi học cao hơn ở các quốc gia gốc của trường. Chính vì vậy mà số lượng Sinh viên trong nước tham gia học rất đông. Hiện danh sách 21 trường Đại học giả mạo danh tiếng của Hoa Kỳ được Tiến sĩ Mark Ashwill công khai công bố, nhưng chưa thấy thái độ đáp lại nào từ Bộ Giáo Dục CSVN.
Đáng lưu ý, trong đó có Trường đại học mang tên Southern Pacific University nơi cấp bằng Tiến sĩ giả cho ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Bí Thư Tỉnh Ủy Yên Bái. Trước đây cũng đã có nhiều sự kiện bị phanh phui như vậy, chẳng hạn như trường Đào tạo Quốc tế Raffles, giả danh đến từ Singapore. Hàng trăm Sinh viên đã tốt nghiệp tại trường này đang có những chứng chỉ quốc tế vô giá trị, nhưng không biết kiện ai. Phải mất 6 năm, trường này mới bị lật mặt, sau khi hốt hàng đống tiền của từ phụ huynh.
Dĩ nhiên, ai cũng biết, việc mở một trường học ở Việt Nam không hề đơn giản. Chắc chắn là phải lo lót nhiều, hoặc được hậu thuẫn từ một chóp bu cao cấp nào đó. Có lẽ vì vậy mà cho tới nay Bộ Giáo Dục vẫn im lặng.
Danh sách 21 trường Đại học không được Mỹ công nhận
Trên trang web cá nhân, TS Mark Ashwill đã nêu đích danh 21 trường Đại Học hiện có mặt tại VN không được công nhận bởi các cơ quan kiểm định giáo dục có thẩm quyền từ Hoa Kỳ.
1) ĐH quốc tế Adam (Adam International University) thuộc Tiểu bang Georgia.
2) ĐH Akamai (Akamai University) thuộc Tiểu bang Hawaii.
3) ĐH American City (American City University) thuộc Tiểu bang California.
4) ĐH Di sản Mỹ (American Heritage University) nằm ở phía Nam California.
5) ĐH American Pacific (American Pacific University). Đây là ĐH được đặt tại Thành Phố Sài Gòn.
6) ĐH quốc tế American Pacific (American Pacific University – International) thuộc Tiểu bang New Mexico/ California.
7) ĐH Apollo (Apollo University) Tiểu bang California.
8) ĐH quốc tế Đại Tây Dương (Atlantic International University) thuộc Tiểu bang Hawaii.
9) ĐH Capstone (Capstone University) Tiểu bang California.
10) ĐH Cosmopolitan (Cosmopolitan University).
11) ĐH Frederick Taylor (Frederick Taylor University) thuộc Tiểu bang California.
12) ĐH Honolulu (Honolulu University) thuộc Tiểu bang Hawaii.
13) ĐH Irvine (Irvine University) thuộc Tiểu bang California.
14) ĐH Quốc tế Mỹ (International American University) thuộc Tiểu bang California.
15) ĐH Kỹ thuật Paramount (Paramount University of Technology) thuộc Tiểu bang California.
16) ĐH Pebble Hills (Pebble Hills University) thuộc Tiểu bang Pennsylvania.
17) ĐH Preston (Preston University) thuộc Tiểu bang California.
18) ĐH Tây Nam Mỹ (Southwest American University) thuộc Tiểu bang California.
19) ĐH Nam Thái Bình Dương (Southern Pacific University) thuộc Tiểu bang Delaware.
20) ĐH quốc tế Washington (Washington International University) thuộc Tiểu bang Pennsylvania.
21) ĐH quốc tế Berkeley (Berkeley International University), thuộc Tiểu bang Delaware.
https://vietquoc.org/gioi-chuc-giao-duc-hoa-ky-to-cao-21-truong-dai-hoc-hoa-ky-mao-danh-o-viet-nam-2/#more-36501
Phát hiện cụm tàu Trung Quốc gần giàn khoan Nga ngoài khơi bờ biển Việt Nam
Tác giả: Francesco Guarascio
Cù Tuấn, biên dịch
Một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc tuần tra tại Bãi cạn Scarborough đang tranh chấp ngày 5 tháng 4 năm 2017. Ảnh: Reuters
Ngày 10 tháng 5 (Reuters) – Theo hai nhóm giám sát cho biết, trong ngày 10/5 một tàu nghiên cứu của Trung Quốc được lực lượng bảo vệ bờ biển và gần chục tàu thuyền hộ tống đã đi vào một lô khí đốt do các công ty nhà nước của Nga và Việt Nam điều hành, vốn là một điểm nóng tiềm ẩn khác ở Biển Đông.
Đây là một trong các động thái quyết đoán gần đây của Bắc Kinh trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước láng giềng, khi nước này thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của mình đối với gần như toàn bộ Biển Đông, thử thách Hoa Kỳ và các đồng minh của họ vào thời điểm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Hồi tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết mối quan hệ bền chặt giữa Nga và Trung Quốc là yếu tố chính hỗ trợ sự ổn định toàn cầu, nhưng hai nước có những lợi ích xung đột với nhau ở Biển Đông.
Tàu nghiên cứu Trung Quốc, hai cảnh sát biển và 11 tàu đánh cá đã tiến vào lô 04-03 của Vietsovpetro, một liên doanh giữa Zarubezhneft của Nga và PetroVietnam, và vẫn ở trong khu vực này khi màn đêm buông xuống, dữ liệu từ hai nhà giám sát tàu độc lập được Reuters xem xét cho thấy.
Tàu Hướng Dương Hồng 10 được bảo vệ chặt chẽ bởi các lớp dân quân biển và hải cảnh TQ. Tàu Việt Nam đang nỗ lực áp sát đội hình tàu Trung Quốc. Ảnh: Marine Traffic
Dữ liệu cho thấy nhóm tàu Trung Quốc cũng ở gần các lô 05-1 B và 05-1 C, được điều hành bởi Idemitsu Oil & Gas, một đơn vị của Idemitsu Kosan (5019.T) của Nhật Bản.
Trung Quốc đã bị cáo buộc sử dụng lực lượng bảo vệ bờ biển và một đội tàu đánh cá được nhiều người coi là lực lượng dân quân để đe dọa và làm gián đoạn các hoạt động khai thác năng lượng, bao gồm cả ngoài khơi Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Bắc Kinh nói rằng họ đang hoạt động hợp pháp trong vùng biển của mình.
Nhưng động thái trong ngày 10/5 là “bất thường”, theo Ray Powell, người đứng đầu Dự án Myoushu của Đại học Stanford trên Biển Đông, vì “số lượng lớn các tàu dân quân và tàu bảo vệ bờ biển tham gia”.
“Dường như họ đang gửi thông điệp về quyền tài phán của Trung Quốc đối với các hoạt động dầu khí của Việt Nam”, ông Powell nói và cho biết thêm ít nhất ba tàu kiểm ngư của Việt Nam đã tiến sát các tàu Trung Quốc.
‘QUYỀN TÀI PHÁN CỦA TRUNG QUỐC’
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết những hoạt động đó là “bình thường”.
“Các tàu nghiên cứu khoa học và đánh cá của Trung Quốc thực hiện các hoạt động sản xuất và làm việc bình thường trong các vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc,” Bộ này nói.
Bộ này đã đưa ra nhận xét tương tự vào ngày 9/5 sau khi các tàu Trung Quốc tiếp cận một khu vực nơi hải quân của Ấn Độ và các nước Đông Nam Á tổ chức các cuộc tập trận.
Công ty Idemitsu của Nhật Bản từ chối bình luận. Bộ Ngoại giao Việt Nam và các công ty khác có liên quan đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận.
Ngày 10/5, các tàu Trung Quốc còn cách giàn khoan đang hoạt động của Nhật Bản khoảng 10 hải lý (18 km) và cách giàn khoan Nga-Việt Nam khoảng 20 dặm, theo South China Sea Chronicle Initiative (SCSCI), một tổ chức phi lợi nhuận độc lập.
Tàu nghiên cứu Trung Quốc đã di chuyển hết tốc lực trước khi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng sau đó giảm tốc độ còn 4-5 hải lý/giờ, cho thấy tàu đang tiến hành khảo sát ở đó, ông Phạm Văn của SCSCI cho biết.
Các cuộc khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia mà không có thông báo trước trong các trường hợp trước đây được coi là mang tính thù địch hoặc khiêu khích.
Các hoạt động trên diễn ra sau các sự cố tương tự vào tháng 3 tại hai lô liên quan đến các công ty Nga ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Việt Nam đã cấp phép hoạt động cho hơn 150 lô khai thác khí đốt tại đây.
Hà Phan - Vì đâu doanh nghiệp Việt phải bán rẻ tài sản cho nước ngoài ?
Bộ trưởng Dũng cho hay "Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản. Những gì bán được thì đã bán, và bán bằng 50% giá thực". Người mua "toàn là nước ngoài" nhưng ông Dũng không nói nước nào!
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết "Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, doanh nghiệp nói rất thẳng thắn. Họ đã dùng những đồng dự trữ cuối cùng để trang trải cho hai năm vừa rồi, giờ thì không còn dư địa để làm".
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng " Việc điều hành chính sách tiền tệ còn chậm, nới "room" tín dụng quá muộn khi chỉ còn mười mấy ngày hết năm 2022. Hệ quả là không dùng hết "room" tín dụng mở ra và không dùng hết "room" tín dụng cũ, cho thấy phản ứng chính sách thiếu nhạy bén, cần suy nghĩ để rút kinh nghiệm điều hành".
Còn ở TP HCM thì thế này đây "Năm 2022, TP.HCM gửi, hỏi bộ 584 văn bản và bộ đã trả lời 604 văn bản. Các vấn đề đó không quan trọng, mà quan trọng là các nội dung hỏi đều thuộc thẩm quyền của TP.HCM.
Ông Dũng nói "Đó là hiện tượng né tránh, đá bóng”, và thông tin trong hai năm qua TP.HCM cấp có 8 dự án, còn lại hầu như "đứng bóng". Đấy là vấn đề lớn nhất, cán bộ các cấp sợ, né tránh, đùn đẩy, lẩn tránh không làm.
Trong khi đó thì bất chấp doanh nghiệp vật vã, dân chúng vất vả và kinh tế khó khăn, khối ngân hàng thương mại vẫn lãi cao, thu nhập thuần từ hoạt động tín dụng tiếp tục tăng so với năm 2021. Năm 2022, Vietcombank dẫn đầu với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 37.000 tỉ đồng, tiếp theo là Techcombank (hơn 25.500 tỉ đồng), BIDV (hơn 23.000 tỉ đồng), MB (gần 23.000 tỉ đồng). Tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân của ngành ngân hàng là gần 20% - một tỉ suất rất cao.
Nhìn những con số trên thì doanh nghiệp è cổ làm ăn trả lãi và ai hưởng lợi nhiều không cần phân tích! Thực tế thế nào và điều gì trước mắt chẳng khó để thấy.
HÀ PHAN 10.05.2023
« Nước ngoài » là nước nào ?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói người mua ở đây "toàn nước ngoài".
Dù “nước ngoài” ở đây có thể là Quỹ hay nhà đầu tư Sing, Malaysia, Thái… thì cần cho nhân dân hiểu rõ nguồn gốc dòng tiền đến “từ đâu”.
“Từ đâu” thì nhân dân tuy không nghe Bộ trưởng nói cũng dễ hiểu “từ đâu”…
MAI QUỐC ẤN 10.05.2023 (Tựa đề do Thụy My đặt)
Cần Thơ: Sạt lở kinh hoàng, bảy ngôi nhà trôi sông
Lê Thiệt /SGN
Vụ sạt lở làm trôi xuống sông 7 căn nhà tại Cần Thơ. (ảnh: Báo Nhân Dân)
Vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra rạng sáng 8 Tháng Năm tại khu vực ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, khiến bảy căn nhà đổ sập xuống sông.
Nơi đây thuộc phạm vi dự án kè sông Cần Thơ, đoạn từ cầu Cái Sơn, phường An Bình, quận Ninh Kiều đến xã Mỹ Khánh. Nguyên nhân vụ sạt lở có thể do nạn “cát tặc” lộng hành nhiều năm nay, có sự thông đồng của chính quyền địa phương. Không có ai tử vong, nhưng vụ sạt lở sài 50 mét cũng làm thiệt hại tài sản của bà con hơn 10 tỷ đồng.
Ông Tô Kim Hải, 67 tuổi, kể rằng vợ chồng ông phải chạy trối chết khỏi căn nhà đang từ từ chìm xuống nước với tiếng rung rắc mạnh như tiếng nghiến răng của loài ma quỷ. Ông nói: “Đó là cảm giác kinh hoàng, ám ảnh tôi suốt những ngày qua”.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Lắm cũng thoát chết, nhưng đồ đạc cũng chẳng còn gì. Ông kể trong nỗi thất thần vẫn còn nguyên, dù đã qua ngày thứ hai của cuộc sạt lở: “Người còn sống đã là may mắn rồi. Tôi và vợ cùng nhau chạy loạn trong khoảng 10 phút trước khi căn nhà trôi dần xuống sông”.
Bà Hồng, vợ ông Lắm, trong khi quay trở lại nhà cũ vớt vát chút tài sản còn lại, cho biết: “Những gì trải qua là nỗi ám ảnh lớn, tài sản gây dựng nhiều năm bỗng chốc mất trắng”.
Chính quyền xã Mỹ Khánh khi hay tin, chỉ biết huy động lực lượng công an, tự vệ, trở lại hiện trường giúp bà con lượm lặt những tài sản chưa kịp trôi. Ông Nguyễn Trường Ca, Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh, nói ông cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài chuyện tìm hướng hỗ trợ bà con ứng phó với thiệt hại, giúp mọi người ổn định cuộc sống. Ông cho biết thêm đã báo cáo lên huyện tìm cách “tháo gỡ” và huy động sự trợ giúp của các mạnh thường quân.
Nếu vụ Hồ Duy Hải cũng thu hút dư luận như vụ đảng viên Lê Thị Dung
Thạch Hãn
(VNTB) – Tình tiết vi phạm tố tụng trong thu thập chứng cứ trong quá trình điều tra ở vụ án Hồ Duy Hải thấy rõ hơn rất nhiều, song lại không được sự quan tâm ‘tạo sóng’ như vụ bà đảng viên Lê Thị Dung.
Kịch bản ‘định hướng tuyên truyền’ của Tuyên giáo đảng
Không loại trừ về một kịch bản mang tính định hướng dư luận đang diễn ra, khi mà vài hôm trước, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An thông tin với báo chí rằng Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan báo cáo toàn bộ nội dung vụ án xảy ra tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên.
Trước đó, ngày 24-4, Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên đã tuyên phạt bị cáo Lê Thị Dung (51 tuổi, nguyên giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên) mức án 5 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ.
“Theo Hiến pháp 2013 và thực tế thì bản án phúc thẩm của Toà án Nghệ An xét lại bản án sơ thẩm của Toà Hưng Nguyên, do bị cáo kháng cáo sẽ do Tỉnh uỷ Nghệ An ‘quyết định’. Nếu nó có đúng ý hay trái ý mọi người thì hãy kêu Tỉnh uỷ Nghệ An.
Tôi cho rằng nếu điều này trở thành cơ chế công khai trong hoạt động xét xử thì công lý ở Việt Nam sẽ còn tệ hại lâu dài. Cơ chế này do chính dư luận đã góp phần tạo lên. “Con đà điểu tự mình chui đầu vào cát”.
Người ta lên án cái sai trái hàng ngày nhưng lại dùng cái sai trái đó làm thước đo cho những cái không vừa với ý mình. Họ xung phong đầu quân cho “luật chơi cũ” nhưng lại tưởng là đang đấu tranh cho công lý” – một cựu phóng viên chuyên trách mảng pháp đình, nhận xét thẳng thừng như vậy, và cho rằng không loại trừ một kịch bản mang tính dẫn dắt dư luận trong vụ án bà Bí thư chi bộ đảng của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, Nghệ An.
Vụ bà Bí thư chi bộ chỉ là ‘muỗi’ so với vi phạm tố tụng vụ Hồ Duy Hải
Sổ tay ghi chép của cựu phóng viên pháp đình kể trên về vụ án Hồ Duy Hải theo thủ tục giám đốc thẩm, có những đoạn cho thấy lẽ ra đã thừa thuyết phục trong ‘tạo sóng’ dư luận về án tình oan khuất về các chứng cứ còn hơn hẳn vụ bà Bí thư chi bộ Lê Thị Dung ở huyện Hưng Nguyên:
“Một thẩm phán hỏi: Cái thớt và con dao không thu giữ được, thì cơ quan điều tra nói sơ suất. Vậy cơ quan điều tra có khẳng định (thớt và dao trong hồ sơ vụ án) là công cụ gây án không? Nói là mua dao, thớt để phù hợp nhận dạng thì có trái luật tố tụng không? Việc nhận định về công cụ gây án như vậy có ảnh hưởng tới kháng nghị?
Một thẩm phán khác hỏi: Giải thích thế nào về thu ghế có mã số khác? Có tài liệu nào khẳng định cái thớt, con dao mua ở chợ là công cụ phạm tội không? Luật có cho phép không?
Chủ tọa – Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng nói: Có việc quan trọng mà tôi cũng đồng tình là tại sao không thu được dao, thớt?
Điều tra viên trực tiếp thụ lý vụ án giải thích: Đây là vụ án truy xét. Khi đó tập trung truy tìm vật sắc nhọn vì vết thương ở cổ. Tổ khám nghiệm cũng đi tìm dao nhưng không phát hiện được. Việc không tìm thấy con dao hung khí này chỉ được lý giải sau khi đã bắt được Hải. Theo đó, Hải khai là gây án xong, mang dao ra lu nước rửa sạch, rồi nhét sâu vào ngách.
Khi cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường xong thì rời khỏi hiện trường. Bưu điện cho người dọn dẹp thì có thu được một con dao, sau được mô tả là sạch sẽ, như mới, dường như phù hợp với lời khai của nghi can Hải.
Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao hỏi: Hồ sơ vụ án có tài liệu cho thấy khi khám nghiệm, các điều tra viên phát hiện con dao, rồi khi dọn dẹp sau đó cũng phát hiện có con dao, chuôi gỗ hoặc nhựa giả gỗ. Vậy tại sao không thu giữ?
Điều tra viên trả lời: Con dao hung khí được phát hiện chiều 4-1-2008. Nhân chứng nghĩ dao không liên quan vụ án thì đốt bỏ.
“Có đồng chí Sơn, không được phân công điều tra vụ án này, được báo về con dao ấy. Nhưng công an huyện và đồng chí ấy thấy bảo dao không dính máu, nghĩ là dao sạch nên bỏ đi. Một tuần sau tin báo về tỉnh mới té ngửa ra. Lúc đó về tìm thì đã bị đốt rồi. Không phát hiện, thu giữ được là lỗi của cơ quan điều tra” – điều tra viên giải thích.
Hồ sơ vụ án cho thấy lời khai của Hải về con dao gây án không thống nhất. Lúc thì lưỡi dao rộng 3 cm, lúc khác 6 cm. Các lời khai đầu không nói dùng thớt gây án. Về sau khai dùng thớt đập vào đầu nạn nhân thì lúc nói dày 10 cm, lúc lại 5 cm. Cũng trong hồ sơ, biên bản mô tả hiện trường có đề cập tới chiếc thớt có vết máu nhưng lại không thu giữ. Rồi bản ảnh hiện trường có một chiếc ghế inox, không được thu hồi. Để rồi hai tháng sau, cơ quan điều tra thu đâu được một ghế inox khác với chiếc ghế trong bản ảnh và khác cả mã số ghi nhận trong biên bản hiện trường.
Một thẩm phán chất vấn: Giờ điều tra viên nói là mua dao, thớt chỉ để phục vụ nhận dạng hung khí. Vậy ý này được ghi trong bút lục, tài liệu nào?
Hai nạn nhân ăn, ở, ngủ, nghỉ ngay trong Bưu điện Cầu Voi bị giết, bản ảnh hiện trường cho thấy có thớt, mà cơ quan điều tra lại không thu giữ được thớt đó.
Trên cổ nạn nhân có vết cắt, tức là do vật sắc gây ra, mà cũng không thu giữ được dao. Đây là một điểm cần suy nghĩ. Ngay cả con dao đó, sau bị đốt thì chỉ cháy phần cán, thế còn lưỡi đâu?
Điều tra viên: Lưỡi dao đó thì ngặt cái là nhiều người lượm ve chai đi qua, cơ quan điều tra quay lại tìm thì không thấy ở chỗ đốt nữa…
Theo hồ sơ vụ án, do không tìm thấy con dao hung khí, cơ quan điều tra đã cho vẽ một con dao và đưa bản vẽ vào như một tài liệu vụ án.
Để làm rõ vấn đề này, Chủ tọa Nguyễn Hòa Bình hỏi: Có việc vẽ dao cho Hồ Duy Hải nhận dạng không? Ai vẽ? Vẽ cho ai, làm gì?
Điều tra viên: Con dao vật chứng trong hồ sơ là nhờ nhân chứng mua rồi đưa về cho bị can Hải nhận dạng. Còn bản vẽ thì nhân chứng vẽ cũng có, điều tra viên vẽ cũng có, bị can vẽ cũng có.
Chủ tọa: Hải khai chiếc dao lúc dài, lúc ngắn, cái thớt lúc mỏng, lúc dày. Anh lý giải thế nào?
Điều tra viên: Do diễn biến tâm lý bị can, lúc khai thế này, lúc khai thế khác. Cũng vì vậy mà cơ quan điều tra phải tổ chức nhận dạng”…
Xét xử và dư luận
Một mục tiêu mà tòa án luôn hướng tới là các bản án, quyết định của tòa án được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ, do đó dư luận không đồng tình ủng hộ là mục tiêu đó không đạt được, nghĩa là tác dụng tuyên truyền, phổ biến pháp luật thấp, chưa kể cá biệt những vụ án oan sai nghiêm trọng làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào pháp luật.
Lắng nghe dư luận, lắng nghe ý kiến chuyên gia, luật sư, nhà báo… để có cái nhìn đa chiều về vụ án mà hồ sơ có khi không phản ánh hết, để giải quyết được đúng đắn, toàn diện hơn là rất cần thiết.
Do đó, nhiều tòa án đã thu thập tất cả những bài báo phản ánh, nhất là phản ánh trái chiều về vụ án mà Tòa án đã xét xử hoặc chuẩn bị xét xử để tiếp thu, xử lý kịp thời nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tòa án.
Tuy nhiên, vấn đề nan giải cho thẩm phán, cho tòa án là không phải lúc nào dư luận đa số cũng là chân lý. Việc xét xử các vụ án, tuyệt đối không thể theo số đông, dẫn đến “chúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết”.
Nhưng làm thế nào để có phán quyết “thấu tình đạt lý”? Không thể nói một bản án chặt chẽ, đúng pháp luật và nhân văn lại không thuyết phục được dư luận.
Nếu công luận đã liên tục ‘lên tiếng’ vụ án xảy ra tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, thì xin công bằng hãy tiếp tục ‘đấu tranh’ cho sáng tỏ vụ án ở bưu cục Cầu Voi, Long An.
HRW kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà vận động dân chủ Trần Văn Bang
11/5/2023
HRW kêu gọi hủy bỏ cáo buộc đối với ông Trần Văn Bang.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 11/5 lên tiếng bênh vực cho nhà vận động dân chủ Trần Văn Bang, kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc và trả tự do cho ông ngay lập tức.
“Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần đưa ra Điều 117 của BLHS để bịt miệng bất kỳ công dân nào dám sử dụng internet để chỉ trích chính phủ hoặc lên tiếng ủng hộ nhân quyền và dân chủ”, ông Phil Robertson, phó giám đốc châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết trong một tuyên bố. “Các cơ quan chức năng cần trả tự do ngay cho ông Trần Văn Bang và bãi bỏ điều luật hà khắc này”.
HRW đưa ra lời kêu gọi này một ngày trước khi dự kiến diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Bang với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”, với khung hình phạt có thể lên đến 12 năm tù.
Công an thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ ông Trần Văn Bang vào ngày 1/3/2022, và các luật sư bào chữa chỉ nhận được quyết định xét xử và bản cáo trạng hai ngày trước khi diễn ra phiên xử, một thành viên gia đình ông Bang cho VOA biết – người này đề nghị không nêu tên vì lý do an ninh.
“Ông Bang sẽ không nhận tội”, người này cho biết thêm.
Sau buổi tiếp xúc đầu tiên với thân chủ trong trại tạm giam vào tháng 2/2023, hai luật sư Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng cho biết trên Facebook về khả năng nhận tội của ông Bang: “Ông có quan điểm cho rằng mình không vi phạm”.
“Thông qua việc bắt bớ, giam cầm và truy tố bất kỳ người nào bày tỏ quan điểm phê phán chính phủ trên mạng internet, giới lãnh đạo Việt Nam cho thấy mặt yếu kém, chứ không phải mặt mạnh của họ”, ông Robertson nói. “Ông Trần Văn Bang lẽ ra không nên phải đối mặt với sự trừng phạt chỉ vì đã thực hiện quyền tự do biểu đạt cơ bản của mình”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA đề lời kêu gọi của HRW.
Dự kiến trong phiên tòa ngày 12/5, an ninh sẽ được thắt chặt, với việc các đại diện ngoại giao phương Tây dù đã xin phép tham dự phiên xử nhưng không được chấp thuận, vẫn theo người thân của ông Bang.
Ông Trần Văn Bang (còn được gọi là Trần Bang), 62 tuổi, từng phục vụ trong quân đội thời đầu thập niên 1980, và sau khi xuất ngũ vào giữa thập niên này thì trở thành một kỹ sư thủy lợi.
Trong 10 năm qua, ông đã tham gia một số cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Hồi tháng 11/2015, trong một cuộc biểu tình phản đối Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam, ông Trần Văn Bang đã bị nhân viên an ninh hành hung và gây thương tích. Ông cũng tham gia một số cuộc biểu tình ủng hộ môi trường và nhân quyền, và công khai phản đối luật an ninh mạng có nội dung đàn áp được ban hành năm 2018.
Trước khi bị bắt, các nhân viên an ninh thường xuyên quản thúc ông Trần Văn Bang tại gia để ông không thể tham gia những sự kiện liên quan đến nhân quyền hay những dịp nhạy cảm về chính trị, vẫn theo HRW.
Kể từ năm 2018, các tòa án Việt Nam đã kết án ít nhất 60 blogger và nhà hoạt động theo Điều 117, và xử họ từ 4 đến 15 năm tù giam. Cũng trong cùng thời kỳ, có ít nhất 13 nhà vận động nhân quyền khác bị kết tội theo Điều 88 cũ – cùng tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước”. Những người này đã bị xử từ 4 đến 12 năm tù giam, theo HRW.
Trong diễn biến liên quan, hôm 11/5, ngày mà chính phủ Hoa Kỳ hàng năm kỷ niệm Ngày Nhân quyền Việt Nam, các nhà lập pháp và quan chức Mỹ kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho các tù nhân chính trị và tôn giáo.
Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau nói rằng họ luôn coi trọng nhân quyền và tự do tôn giáo, nói rằng họ không giam giữ bất kỳ ai vì lên tiếng cho các quyền căn bản này, chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.
Diễn viên đoạt giải Oscar Ke Huy Quan có bài phát biểu cảm động tại Nhà Trắng
10/5/2023
Diễn viên Ke Huy Quan ôm Tổng thống Joe Biden sau khi ông giới thiệu Biden phát biểu trước buổi chiếu phim "American Born Chinese" tại Nhà Trắng nhân dịp Tháng Di sản của người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương, vào ngày 8/5/2023.
Diễn viên người Mỹ gốc Việt và Hoa mới đoạt giải Oscar, Ke Huy Quan, vừa được mời tới Nhà Trắng và có bài phát biểu cảm động tại đây khi Tổng thống thống Biden tổ chức buổi chiếu bộ phim sắp ra mắt của Disney+ “American Born Chinese” để vinh danh Tháng Di sản của người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương.
“Tôi đứng trước các bạn đêm nay với sự khiêm tốn và lòng biết ơn sâu sắc. Tôi không xem nhẹ giây phút này, bởi tôi biết tòa nhà này là tượng đài của một đất nước đã mở rộng vòng tay đối với tôi một thời”, ông Quan nói trong bài phát biểu sau khi được Tổng thống Biden chào đón và giới thiệu.
Ông Quan đã kể lại hành trình tị nạn như một “thuyền nhân” từ Việt Nam sang Mỹ khi mới 8 tuổi.
“Người ta gọi tôi là thuyền nhân. Và tôi không thể biết rằng, chỉ vài năm sau, tôi đã trở thành một diễn viên. Và thậm chí gần đây hơn, và tôi vẫn không thể tin được, là tôi đã trở thành một diễn viên đoạt giải Oscar”.
Diễn viên Ke Huy Quan được ghi nhận đã “làm nên lịch sử” khi trở thành diễn viên gốc Việt đầu tiên đươc trao giải Oscar vào ngày 12/3 cho hạng mục “Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất” cho vai diễn trong bộ phim hài kịch “Everything Everywhere All at Once”.
Chính giải thưởng danh giá này đã mang đến cho ông cơ hội được mời tới Nhà Trắng, nơi ông được chào đón và phát biểu bên cạnh vị tổng thống của đất nước mà ông vô cùng yêu mến.
“Mặc dù tôi đã nhận được rất nhiều phước lành trong những tháng gần đây, nhưng ngày tôi đặt chân đến Mỹ là một trong những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi vì đó là ngày tôi đoàn tụ với gia đình và nước Mỹ trở thành quê hương của tôi”, ông Quan nói tiếp.
Sau khi vượt biên, ngôi sao của bộ phim Goonies (1985) đã ở trại tị nạn Hong Kong một năm trước khi đến Hoa Kỳ nhờ Chương trình Tiếp nhận Người tị nạn năm 1979.
Vài năm sau, ông đi ủng hộ anh trai mình tại buổi thử vai cho phim Raiders of the Lost Ark (1981) và tại đây, đạo diễn nổi tiếng Steven Spielberg đã nhìn thấy khả năng đặc biệt ở Quan và giao cho anh vai diễn này.
“Khi tôi bước vào Nhà Trắng qua lối vào phía Đông, và khi tôi đang bước lên những bậc thang với dàn nhạc đang chơi bản nhạc tuyệt vời này, tôi không thể cầm được nước mắt. Bởi vì tôi đang nói với chính mình, ‘Tôi đang đến Nhà Trắng’. ‘Tôi đang đến Nhà Trắng’. Tôi chưa bao giờ đến đây. Còn giờ thì, đây là con đường đến Nhà Trắng”, ông Quan cảm động nói và đề cập đến quãng thời gian “khóc rất nhiều” kể từ khi nhận giải Oscar, trước khi giới thiệu Tổng thống Biden lên phát biểu với sự hân hạnh mà ông nói “tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có cơ hội này”.
Mỹ tài trợ dự án dự trữ năng lượng trị giá ba triệu đô la ở miền Trung Việt Nam
10/5/2023
Tấm năng lượng mặt trời của AMI AC Renewables ở tỉnh Khánh Hòa
AMI AC Renewables
Mỹ sẽ tài trợ một dự án dự trữ năng lượng trị giá ba triệu đô la tại tỉnh Khánh Hòa nhằm giúp Việt Nam tích hợp nhiều năng lượng tái tạo hơn vào hệ thống năng lượng quốc gia.
Theo truyền thông Nhà nước, vào ngày 9/5, Công ty Cổ phần AMI AC Renewables, thông qua công ty thành viên-AMI Khánh Hòa, đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Honeywell của Mỹ cùng hợp tác thực hiện dự án thí điểm hệ thống lưu trữ năng lượng tại tỉnh Khánh Hòa.
Dự án được công bố lần đầu tiên tại Đối thoại thường niên an ninh năng lượng Mỹ - Việt Nam. Dự án dự kiến sẽ sử dụng và lắp đặt hệ thống lưu trữ năng lượng Honeywell tại nhà máy năng lượng mặt trời AMI Khánh Hòa với tổng công suất 50MWp.
Đây là nhà máy điện đầu tiên của Việt Nam sử dụng hệ thống dự trữ năng lượng này.
Dự án được đại diện của AMI AC Renewables cho biết sẽ đi vào hoạt động vào quý ba của năm 2024.
Việc lưu trữ năng lượng đóng vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển tiếp lên sản xuất năng lượng tái tạo và lộ trình giảm phát thải các hệ thống năng lượng toàn cầu. Đây là một yếu tố then chốt trong quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) được ký giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế nhằm hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Chính phủ Việt Nam hồi tháng 12 năm ngoái đã đồng ý nhận gói ngân sách 15,5 tỷ đô la từ Nhóm bảy quốc gia công nghiệp phát triển (G7) để cắt giảm điện than và chuyển sang sử dụng các nhiên liệu thân thiện với môi trường. Việc nhận gói hỗ trợ này được thực hiên thông qua thiết lập quan hệ Đối tác Chuyển dịch năng lượng công bằng. (JETP).
Không có nhận xét nào