Header Ads

  • Breaking News

    Chủ tịch VNCS thăm Anh, nhìn lại 50 năm quan hệ qua tư liệu lịch sử

    BBC News

    05/5/2023



    Nguồn hình ảnh, TTXVN

    Chụp lại hình ảnh, 

    Chủ tịch nước VNCS Võ Văn Thưởng tiếp Đại sứ Anh Iain Frew (bìa trái)

    Cuối tuần này, Chủ tịch nước VN, ông Võ Văn Thưởng có chuyến thăm tới Anh để dự lễ Đăng quang của Vua Charles II tại London.

    Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Hà Nội thông báo về sự kiện này:

    "Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh hai nước kỷ niệm năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973."

    Đại sứ Iain Frew viết, ông tin rằng hai nước sẽ tiếp tục ghi nhận các thành quả toàn diện hơn trong quan hệ tương lai, đặc biệt là trong kinh tế, thương mại, chống biến đổi khí hậu và giáo dục.

    Nhìn từ phía Anh, quan hệ London -Hà Nội chỉ thực sự đi vào thực chất những năm gần đây nhưng lại có lịch sử dài hơn thế. 

    50 năm về trước, Anh, quốc gia có vai trò ở Hội đồng Bảo an LHQ sau Thế chiến II, ở Hòa đàm Geneva (1954) đã công nhận VNDCCH trong một chuyển biến sau Hòa đàm Paris (1972) mà mục tiêu là chấm dứt Cuộc chiến Việt Nam.

    Bối cảnh những năm 1972-73 ở châu Âu

    Ngày 17/07/1973, đề xuất "công nhận Bắc Việt Nam" được đưa ra thảo luận tại Quốc hội ở Điện Westminster. Các hồ sơ vẫn giữ trên trang lưu trữ (Hansard archive-Volume 860 debate-North Vietnam) tại Nghị viện. 

    BBC News Tiếng Việt trích đoạn trả lời của Ngoại trưởng Anthony Royle sau câu hỏi của các nghị sĩ:

    "Đại sứ quán của chúng ta ở Bắc Kinh đã đề nghị với Đại sứ quán của VNDCCH cuộc thảo luận theo hướng để thiết lập quan hệ ngoại giao. Nay, chúng tôi công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với thủ đô ở Hà Nội và lãnh thổ nằm ở phía bắc đường phi quân sự theo Hiệp định Geneva 1954 [vĩ tuyến 17-BBC]. Chúng ta vẫn tiếp tục công nhận Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, với thủ đô ở Sài Gòn, là chính quyền hợp pháp duy nhất của Nam Việt Nam, với lãnh thổ nằm phía Nam đường giới tuyến tạm thời đó."

    Điều đáng chú ý là Anh Quốc như vậy đã công nhận cả hai nước Việt Nam trong khi vẫn coi đường phân định Nam-Bắc chỉ là tạm thời: "provisional military demarcation line", theo đúng Hiệp định Geneva.

    Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Anh (FCO )tuy thế đã nói rằng Anh "sẽ không công nhận Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam VN" mà báo chí Phương Tây thời đó hay gọi là "Việt Cộng". 

    Người Mỹ rất chú ý đến điều này. Ngay ngày hôm sau, 18/07/1973, New York Times trích FCO đưa tin "sẽ không có chuyện Anh công nhận chính phủ Việt Cộng (there was no question of Britain's recognizing the Vietcong's Pro visional Revolutionary Govern ment of South Vietnam).

    Edward Heath


    Chụp lại hình ảnh, 

    Thủ tướng Anh nhiệm kỳ 1971-74, Ted Heath đã chịu sức ép từ cả châu Âu và Hoa Kỳ trong vấn đề Cuộc chiến VN

    Như thế, Anh khác Hoa Kỳ trong việc công nhận Hà Nội sau khi đã công nhận Sài Gòn từ trước, nhưng giống Hoa Kỳ trong việc không công nhận chính phủ CMLT Cộng hòa Miền Nam VN.

    Chính phủ này được một số quốc gia thuộc phe XHCN Đông Âu, đồng minh của Hà Nội, và một số quốc gia Thế giới thứ ba công nhận.

    Anh Quốc đã đi tới quyết định công nhận Hà Nội sau nhiều suy tính, thể hiện quan điểm chung của chính phủ Bảo thủ thời Thủ tướng Edward Heath (1971-1974) mà phần nào khác chính sách của các đồng minh còn lại như Úc, New Zealand vốn trực tiếp ủng hộ và can dự vào cuộc chiến ờ Nam Việt Nam.

    Một điều ít người biết là giống như Pháp, nước Anh sau 1955 vẫn giữ Tổng lãnh sự quán ở Hà Nội nhưng với các hoạt động hạn chế.

    Tất cả các bước đi năm 1972-73 của Anh được hiểu là nằm trong logic ngoại giao chung: London là bên bảo trợ cho Hiệp định Geneva 1954 ở Thuỵ Sĩ về Đông Dương, gồm VN và Triều Tiên.

    Vì thế, Anh từ hè năm 1973, sẽ là cường quốc duy nhất trong Hội đồng Bảo an LHQ có cả Đại sứ quán tại Hà Nội và Sài Gòn.

    Hai đại cường khác, Hoa Kỳ và Liên Xô thì chỉ "bênh một bên".

    Hoa Kỳ là đồng minh chủ chốt của Sài Gòn, còn Liên Xô chỉ ủng hộ Miền Bắc và có đại sứ quán tại Hà Nội. 

    Tuy thế, các sử gia sau này đánh giá rằng chính sách về Việt Nam của chính phủ Ted Heath chịu tác động và giằng co giữa quan hệ Anh-Mỹ và nhu cầu gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC- tiền thân của EU).

    Các năm 1972-1973 là thời điểm quan trọng, London phải cố lấy lòng các thủ đô châu Âu, đồng thời ủng hộ Hoa Kỳ.

    Điều này thể hiện qua "sự im lặng" của Thủ tướng Heath trước các đợt Hoa Kỳ ném bom miền Bắc (cuối 1972), khiến Anh bị chỉ trích. 

    Các chiến dịch Linebacker của Không lực Hoa Kỳ ở Bắc VN thời Nixon bị nhiều nước châu Âu như Bỉ, Ý, Hà Lan, Na Uy, Phần Lan lên án. Pháp cũng bày tỏ sự bất bình tuy không trực tiếp phê phán Washington.

    Biểu tình nổ ra ở Rome, Amsterdam, Copenhaden và cả ở London. Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme còn ví các trận bom của Mỹ dội xuống khu dân cư và bệnh viện (Bạch Mai) như "bom của phát-xít Đức" tàn phá các đô thị châu Âu trong Thế Chiến II. 

    Ngày 23/01/1973, ở Hạ viện, dân biểu Hugh Jenkins đã yêu cầu trả lời câu hỏi chính phủ Anh "có nêu gì với Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon về các cuộc không kích Bắc VN chưa". 

    Pháo đài bay B-52 ném bom Việt Nam

    Nguồn hình ảnh, STF/Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Pháo đài bay B-52 ném bom Việt Nam

    Ông Heath né tránh và chỉ trả lời bằng văn bản "trao đổi với TT Nixon thuộc loại bí mật (confidential)" nên không chia sẻ.

    Sự im lặng, không phê phán Mỹ này khiến một số nước châu Âu không hài lòng, và có ý kiến miệt thị Anh "là giai cưng" (blue-eyed boy) của Mỹ. Tuy thế, theo đánh giá của Matthew Jones (The International History Review) thì ông Heath cần đặt quan hệ với châu Âu lên hàng ưu tiên "để phục hồi kinh tế Anh". 

    Xin nhắc lại, Anh thời Thủ tướng Harold Wilson (nhiệm kỳ I), đã xin vào EEC nhưng bị Tướng Charles de Gaulle của Pháp ngăn chặn. Phải đến tháng 1/1973, người kế nhiệm ông tướng Pháp "ghét Anh" là Georges Pompidou mới đồng ý để Thủ tướng Edward Heath dẫn dắt Anh trở thành thành viên của EEC. 

    Cùng lúc, quan hệ với Mỹ vẫn rất quan trọng.

    Tháng 2/1972 Chu Ân Lai và Richard Nixon tung ra Thông cáo chung Thượng Hải, tạo bước ngoặt địa chính trị lớn trong Chiến tranh Lạnh ở châu Á.

    Tháng 6/1972, Ngoại trưởng Anh Anthony Royle thực hiện gần một chuyến thăm quan trọng sang Trung Quốc.

    Việc tham vấn hoặc trao đổi với Đại sứ quán Anh tại Bắc Kinh về chiến tranh tại Đông Dương được thực hiện và các nhà ngoại giao Anh tại Bắc Kinh cùng các nhà ngoại giao VNDCCH đã gặp gỡ.

    Chuyện Anh thông qua quyết định chọn giải pháp công nhận Hà Nội năm 1973 chỉ là thủ tục nhưng đưa Anh "cùng nhịp" với các nước tư bản Tây Âu và Úc.

    Vào tháng 2/1973, Australia, dưới thời Thủ tướng Gough Whitlam (đảng Lao động) quyết định lập quan hệ ngoại giao với VNDCCH nhưng vẫn giữ tòa đại sứ ở Sài Gòn và vẫn là đồng minh quân sự của VNCH.

    Các quyết định này tạo nên sự kiện diễn ra năm nay là nước Việt Nam thống nhất dưới quyền Đảng Cộng sản cùng kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia thuộc khối tư bản.

    Biết trước là Miền Bắc sẽ thắng?

    Cuộc chiến Việt Nam trở thành đề tài nội bộ trong tranh cử ở rất nhiều quốc gia châu Âu thời gian đó. 

    Ở nước Bắc Âu Thụy Điển, đảng thiên tả của ông Olof Palme coi việc chống sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ tại VN là một chính sách ngoại giao cơ bản để tranh cử. 

    Hà Nội năm 1981

    Nguồn hình ảnh, John Ramsden

    Chụp lại hình ảnh, 

    Hà Nội năm 1981 - ảnh của nhà ngoại giao Anh John Ramsden ghi lại sinh hoạt ở VN thời hậu chiến khó khăn

    Đầu 1972, không chỉ ủng hộ Hà Nội và từng xuống đường biểu tình phản chiến, ông Palme, Chủ tịch của Đảng xã hội dân chủ Thụy Điển đã mời bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ CMLT Miền Nam VN từ cuộc đàm phán bốn bên ở Paris sang Stockholm để phát biểu trong một sự kiện.

    Nước Pháp thời de Gaulle thì muốn chống Mỹ ở Đông Dương để tạo dựng lại vai trò cho mình ở Việt Nam và Campuchia. Giữa năm 1965, ông de Gaulle tung ra Bài diễn văn Phnom Penh đề xuất một Sáng kiến Hoà bình cho Cuộc chiến VN. Tất nhiên Hoa Kỳ bác bỏ ngay.

    Nhưng Anh Quốc, là đồng minh thân cận với Hoa Kỳ dù không tham chiến vẫn theo dõi chặt chẽ tình hình chiến tranh ở Nam Việt Nam, và ở cả Hà Nội.

    Theo Mark Curtis, Sứ quán Anh tại Sài Gòn đã gửi về London từ những năm 1961-62 các phúc trình đánh giá thấp khả năng sống còn của Đệ nhất VNCH.

    Năm 1961, hai năm trước đảo chính 11/1963, Bộ Ngoại giao Anh (theo tài liệu giải mật) cho rằng "chế độ Ngô Đình Diệm là một nền độc tài thô thiển, thiếu sự ủng hộ của dân" và dựa hoàn toàn vào Hoa Kỳ để tồn tại.

    Chụp lại video, 

    Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew cảm ơn những lời chia buồn về tang lễ của Nữ hoàng Anh.

    Anh Quốc dù vẫn ủng hộ Hoa Kỳ để chống Liên Xô ở châu Âu và ngăn CNCS ở châu Á "vì lo ngại Nam VN sụp đổ thì các quyền lợi của Anh tại Đông Nam Á bị đe dọa" nhưng cũng tin rằng "lực lượng Việt Cộng mạnh hơn quân đội VNCH"

    Vẫn Mark Curtis phân tích các tài liệu giải mật cho hay, tháng 6/1962, Bộ Ngoại giao Anh cho là "Liên Xô và Trung Quốc sẽ không can thiệp vào cuộc chiến VN nếu an ninh của Bắc Việt không bị đe dọa". 

    Còn từ miền Bắc VN, cựu đại sứ, cựu tổng lãnh sự Anh ở Hà Nội, Brian Stewart cũng có những đánh giá cụ thể về cuộc chiến. 

    Theo một bài của Anne Keleny trên báo Independent (2015), ông Steward, cựu quân nhân và sĩ quan đặc nhiệm, tình báo Anh "là người duy nhất London có tại Hà Nội trong những năm quan trọng nhất của Cuộc chiến Việt Nam".

    Với tư cách Tổng lãnh sự Anh ở Bắc VN ông đã quan sát, phân tích tình hình quân đội VNDCCH và gửi về London nhiều báo cáo trái ngược với các phân tích gia quân sự của Mỹ ở Sài Gòn, giai đoạn 1967-68.

    Tự học được tiếng Việt, ông có tiếp xúc (hạn chế) với các giới ở Bắc VN nhưng dùng kiến thức quân sự của mình để kết luận rằng "quân đội Bắc Việt có tinh thần chiến đấu rất cao, và cuối cùng họ sẽ đánh bại người Mỹ và Nam VN". 

    Trên thực tế, vì chẳng có một công dân Anh nào sống ở Bắc VN, nhiệm vụ chính của các nhà ngoại giao Anh là thu thập tin tức. 

    Người kế nhiệm ông Stewart ở vị trí Tổng lãnh sự là bà Daphne Park, nhân viên tình báo MI6, từng làm việc tại Moscow. Không biết tiếng Việt, tầm tiếp xúc của bà không rộng bằng ông Stewart và chính quyền sở tại biết bà là dân tình báo nên "rất hạn chế hoạt động của bà" (trích theo Anne Kenely)

    Bà Park chỉ biết giao tiếp với các sứ bộ ngoại giao Đông Âu ở Hà Nội và phàn nàn về điều kiện sống "mất vệ sinh, nhà đầy chuột" ở Hà Nội, theo một nguồn của Anh.

    Bắc VN khi đó đói nghèo tới mức, theo lời sử gia Sir Max Hastings thì ông có lần gặp bà Daphne Park ở sân bay Bangkok, "lễ mễ ôm quà cáp, thực phẩm ngoại" về HN cho các bạn Đông Âu.

    Tuy thế, một phần nào đó, các phúc trình giới ngoại giao Anh tại VN về ý chí chiến đấu tới ngày thắng lợi của Bắc VN đã khiến London phải thay đổi sao cho phù hợp với diễn biến tương lai của cuộc chiến.

    Năm 1975, ông Stewart trở lại HN ở cương vị Đại sứ Vương quốc Anh đầu tiên ở nước VN thống nhất.

    Hai nhà ngoại giao thời chiến trở về Bắc VN này đều được Nữ hoàng phong quý tộc, Sir Brian Stewart và Dame Daphne Park.

    Tuy thế, vì CHXHCN Việt Nam (ra đời năm 1976) thuộc phe thân Liên Xô, quan hệ Anh-Việt gần như chỉ mang tính hình thức trong nhiều thập niên hậu chiến, theo các tài liệu của Anh đánh giá.

    Trong giai đoạn 1975-85, Anh đã nhận nhiều nghìn người tỵ nạn từ VN và Đông Dương, hậu quả của các biến động sau Cuộc chiến Việt Nam và Chiến tranh Việt - Trung 1979.

    Anh cũng cho nguyên Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và phu nhân đến sống ở Nam London khá lâu và để cảnh sát Đô thành bảo vệ, tới khi họ sang Mỹ. 

    Tại quầy chụp ảnh lấy liền, khách có thể lựa chọn phông nền với hình phong cảnh cùng với các phụ kiện như nón lá.

    Nguồn hình ảnh, Vietnamese Society at UCL

    Chụp lại hình ảnh, 

    Hội chợ sinh viên VN tại ĐH UCL - hình minh họa

    Chỉ sau khi Liên Xô tan rã và cuộc chiến Campuchia có giải pháp chính trị (1991) thì quan hệ London-Hà Nội mới bắt đầu tiến triển.

    Năm 1998, Anh mở văn phòng của Bộ Phát triển Quốc tế (DFID) tại Hà Nội và trong 18 năm tiếp theo đã cấp 500 triệu bảng tiền viện trợ phát triển cho Việt Nam. 

    Năm 2010, hai chính phủ ký văn bản nâng quan hệ lên cấp "Đối tác chiến lược".

    Giao lưu văn hóa và giáo dục hai bên tăng mạnh với sự hiện diện của hàng nghìn sinh viên từ VN ở các đại học Anh những năm qua.

    Quan hệ quốc phòng cũng bắt đầu định hình, có nhiều tiềm năng tuy vẫn còn "hạn chế", theo các đánh giá của giới chuyên gia Anh. Anh giúp QĐNDVN huấn luyện quân nhân cho các sứ bộ gìn giữ hoà bình và được cho phép chiến hạm cập cảng thăm hữu nghị.

    Sau Brexit (2016), Anh phải tìm kiếm các thị trường châu Á-Thái Bình Dương và theo FCO thì quan hệ thương mại Anh-Việt tăng đều, gần 11%/năm.

    Cả VN và Anh đều đã là thành viên CPTPP, khu vực tự do thương mại với tổng GPD 9 nghìn tỷ bảng, các số liệu chính thức của Anh cho hay.

    Các giá trị văn hóa, chính trị của Anh có hàng trăm năm tuy vậy cần thời gian mới có thể thẩm thấu vào không gian công ở Việt Nam mà hiện vẫn còn có các "hạn chế mang tính thể chế" theo văn bản của chính phủ Anh hồi lưỡng đảng Bảo thủ-Dân chủ Tự do cầm quyền (2015) nêu ra.

    Ngày nay, Bộ Ngoại giao Anh vẫn nêu quan ngại về tự do báo chí và nhân quyền tại Việt Nam như sau vụ bà Phạm Đoan Trang bị xử tới 9 năm tù vào tháng 8/2022 nhưng Anh chỉ kiên trì đối thoại, không lên án Nhà nước VN.

    Anh là nước có nền chính trị bền vững hiếm có trên thế giới. Chế độ phong kiến Anh duy trì thể chế liền lạc từ năm 1066 đến nay, và ngày 6/05 này các vị khách từ Việt Nam và quốc tế sẽ chứng kiến cận cảnh Lễ Đăng quang của vua Charles III đúng như truyền thống trên 1000 năm.

    Bởi vậy, người Anh rất thông cảm với người Việt Nam và có năng lực chờ đợi bền bỉ, miễn là họ thấy hướng đi của nước VN về phía ngày càng tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế. 

    https://www.bbc.com/vietnamese/world-65499119


    Không có nhận xét nào