Header Ads

  • Breaking News

    Chim hót ngoài song - Viết từ miền đất hồi sinh

    Đỗ Quý Sáng

    1992

    Tháng 7-1975, mùa hè ở vùng New England thật là êm ả. Bọn sinh viên Việt Nam ở Hải ngoại lại tập họp về trại hè. Lần này tôi đem theo gia đình vì vợ và con tôi chạy thoát được ra ngoài. Năm ngoái, 1974, ở Đại Hội Sinh Viên Trại Hè tại Chicago, tôi bị chỉ định mặc áo dài khăn đóng để đóng vai cô dâu chú rể. Lúc ấy mấy gã độc thân trai trẻ không anh nào dám đóng vai chú rể, sợ bị vướng thật. 

    Còn tôi, vợ ở Việt Nam, mà tôi lại có kinh nghiệm lấy vợ từ 1971 nên chi đóng vai chú rể hẳn là không khó. Năm nay, tôi nghiễm nhiên là một lão sinh viên. Thật quả lần này, không thể ngờ được, là tôi lại đoàn tụ gia đình bên Mỹ. Dẫn vợ đi đại hội sinh viên tôi cũng nhột lắm, nhưng không thể nào để hai mẹ con bơ vơ ở nhà. Bà vợ quê mùa của tôi sẽ phải ăn nói ra sao với bọn nữ sinh viên du học tân tiến? Lại còn cháu bé ba tuổi! Bạn bè có chế giễu tôi là lão sinh viên không? 

    Sinh viên mà có vợ con thì kể như đi tiêu rồi. Suy nghĩ thì vậy nhưng mà không đem vợ con đi theo đại hội thì kể như cuộc đời còn rắc rối hơn. Thôi, cũng liều nhắm mắt đưa chân. 

    Tôi là chủ bút tờ báo sinh viên, dứt khoát phải đi phó hội. Số báo “Chuông Việt” đã phát hành, tôi phải đem theo. Số báo này có một bài gay cấn do ông Nguyễn Xuân Nhị viết. Ông Nhị là nhân viên ngoại giao Tòa Đại Sứ của ta ở Thái. Là một người có kinh nghiệm đấu tranh với Cộng Sản… ông tiên đoán Cộng Sản sẽ bắt đầu giở thủ đoạn. Bài viết của ông dựa trên giả thuyết… cứ theo những quan điểm của Cộng Sản… thì đây là việc chúng sẽ làm… 

    Từ đó ông suy diễn ra những hành động đổi tiền, tịch thu tài sản, bắt lao động cưỡng bách…, thủ tiêu người quốc gia. Vài anh em sinh viên trẻ khi duyệt bài của ông Nhị thì có vẻ ái ngại. Bởi cái tinh thần học ở bên Mỹ nó rất thơ ngây. Có anh suy diễn: Việt Cộng không ngu dại gì lại bỏ lỡ cơ hội hòa giải hòa hợp. Nhất định không có bắt bớ, họ khẳng định! Họ cũng phê bình lối viết giả tưởng, một lối viết họ cho là bóp méo sự thật.

    Là chủ bút tờ báo sinh viên duy nhất ở đất Mỹ lúc đó, tôi thật sự đem bàn cân ra suy nghĩ. Ông Nhị bảo vệ cho quan niệm của ông. Ông cho rằng ông không viết theo giả tưởng. Bọn sinh viên du học Mỹ quá thơ ngây đến độ bị lừa bịp. Làm gì có chuyện hòa giải hòa hợp. Bọn Vẹm nhất định tiên hạ thủ vi cường. Ông ký bút hiệu Nhị Nguyên và nói rằng Cộng Sản chúng theo lối độc đạo… độc nhất nguyên. Ông đứng trên quan điểm nhị nguyên để soi sáng vấn đề.

    Cuối cùng thì tôi quyết định đăng bài của ông Nhị Nguyên. Tôi nghĩ rằng cả trăm ngàn người dọt chạy nạn Cộng Sản, nhất định phải có lý do. Chiến tranh đã chấm dứt, một bên thắng một bên thua, bên thua cảm thấy như thế cũng xong, bây giờ là lúc chờ xem.

    Khi báo được phân phối vào buổi sáng thì buổi trưa một tốp sinh viên kéo đến chất vấn tôi và kết án việc cho đăng bài chống Cộng trong một cuộc chiến đã ngã ngũ. Thôi thì họ làm đủ thứ ồn ào. Tôi cắt nghĩa cho họ thế nào là tự do tư tưởng. Tôi đòi hỏi họ phải áp dụng những giá trị cơ bản đó trong quan điểm phê phán. Những người này quả quyết không có vấn đề biển máu. Tôi cho rằng trăm ngàn người bỏ chạy đã nói lên chính xác của dự phóng. Tất nhiên mấy người phản chiến không chịu luận điệu này. Vả lại họ đã khoác cho họ một chiếc áo choàng chiến thắng, muốn đồng hóa họ với phe thắng trận, kiếm chút thỏa mãn tự ái. Thuyết phục những người này lúc hai bên còn lâm chiến bất phân thắng bại đã khó. Khuất phục họ lúc thế cờ của họ đang lên khó khăn bằng đi lên trời. Họ cho rằng những người bỏ chạy là nạn nhân của chính đường lối tuyên truyền ngáo ộp hóa Cộng Sản. 

    Rất mừng là kỳ đại hội sinh viên này có khá nhiều thân nhân của sinh viên đi theo. Dân số chống Cộng ở đại hội vẫn đè bẹp phe thiểu số đón gió hào quang chiến thắng. Nhất là những người này vừa từ quê hương tị nạn chạy qua. Có hay không có biển máu cho những người xấu số kẹt lại bên nhà trở nên một đề tài nóng bỏng ngoài những đề tài liên quan đến vai trò sinh viên du học đối với công cuộc trợ giúp đồng hương.

    Trong những người không tin có biển máu phải kể nhóm đi theo tàu Việt Nam Thương Tín trở về. Số phận những người này cũng chưa có tin tức gì xác nhận vào lúc ấy.

    Đề tài phải thích ứng với đời sống mới như thế nào trở nên sôi nổi bởi vì sinh viên du học lâu nay không được phép làm việc trên đất Mỹ. Anh em phần lớn chỉ có kinh nghiệm làm bồi bàn và rửa chén ở mấy tiệm ăn Tầu. Nay phải đi kiếm job, họ cũng không tài ba gì hơn người mới qua là bao nhiêu. Đặc biệt họ lại mù tịt trong vấn đề các chương trình xã hội … bởi vì chính họ… từ trước tới nay không có điều kiện thụ hưởng.

    Đề tài Biển Máu do đó sôi nổi được một lúc rồi… lạnh luôn. Không phải dùng lý luận cũng hiểu là tâm lý ai cũng không muốn có biển máu xẩy ra. Lý luận một hồi cũng đâm ra nhàm bởi vì nếu có biển máu thì chúng ta làm được gì? Không ai muốn đặt cho mình vào vị thế khó xử! Quan điểm ngầm là lạy trời không có biển máu xảy ra! thế thôi. Trong khi đó biết bao cơ cực và đầy ải xảy ra trên khắp các vùng đất nước mà người ở ngoài không sao biết được.

    Vào những năm đầu tiên tin tức về Việt Nam quá mù mờ. Dần dần nhờ các vụ vượt biên, đi chui hoặc đăng ký của thuyền nhân mà một số dữ kiện về học tập cải tạo tù đầy được tiết lộ. Tin tức liên quan đến thảm sát và diệt chủng ở Campuchea được thế giới chú ý đến hơn. Chiến tranh Hoa – Việt vào cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 lại càng làm số phận những người tù cải tạo không được chú ý đến. Dần dần các phong trào ở hải ngoại tranh đấu mỗi lúc lên cao và tin tức về số phận nửa triệu người bị cầm tù trong các trại cải tạo được phơi bày.

    Bên Âu Châu lúc đầu có nhiều tin tức sốt dẻo hơn, vì số người được cho phép rời Việt Nam qua Pháp dễ dàng hơn bởi quan hệ ngoại giao hai nước. Từ năm 1976, tôi đã được nghe những chuyện lạ đời như nhổ một củ khoai ăn lén là bị cán bộ Cộng Sản bắn chết. Đối với đời sống no đủ ở ngoại quốc và ở nơi mà nhân quyền được tôn trọng, câu chuyện khủng khiếp như vậy không mấy ai tin. Ban đầu người ta còn hồ nghi vì không ai nghĩ Cộng Sản lại có thú tính dã man như thế. Tin này dồn dập với tin kia và nhân chứng sống mỗi ngày mỗi đông, không tin cũng không được.

    Ông Nhị Nguyên nói thế mà đúng… những sự thật về Cộng Sản không thể phủ nhận. Tôi tự hào với sự chọn lựa đăng bài của Nhị Nguyên và thầm nhủ đáng lẽ… chả có gì là tự hào mới đúng bởi vì nếu có kinh nghiệm đấu tranh lẽ ra phải… nhìn rõ như hai với hai là bốn. Những lý luận rằng Cộng Sản Việt Nam không áp dụng lối biển máu như ở Campuchea tức là chúng nhân đạo hơn, liên tiếp bị những nhân chứng sống phản ứng mạnh mẽ. Ai cũng cho rằng Cộng Sản Việt Nam tinh vi ác độc hơn… chúng bóc lột sức lao động và hành hạ đầy ải người thất trận một cách vô nhân đạo, để cho người bị cầm tù sống dở chết dở… mà không mang tiếng xấu quốc tế.

    Mỗi câu chuyện tôi nghe kể làm ghê rợn và ơn ớn ở khắp cơ thể không phải chỉ ở cổ của người bị cắt tiết, không phải chỉ ở cổ chân nơi bị xiềng xích, không phải chỉ ở khuỷu tay bị đánh gẫy rồi đem đi mổ sống, mà cảm giác rờn rợn chạy khắp quanh người. Hồi còn nhỏ mỗi lần nhìn thấy cắt tiết gà vịt, tôi rợn ở cổ và không muốn… ăn thịt gà vịt. Ba tôi mỗi lần cắt tiết gà vịt thường đọc câu niệm: “cắt tiết sát kê hóa kiếp này ra kiếp khác.” để cho đỡ mang tội. Những câu chuyện cổ tích về báo oán như đánh rắn bị báo thù, cứu con cá nhỏ được vua Long Vương thủy tề báo ơn dường như lúc nào cũng pha trộn trong tâm thức để ngăn chuyện ác, khuyến chuyện lành. Những lần phải phụ cầm cánh con gà hoặc cánh con vịt, tôi kinh nghiệm là trước khi gà vịt chết chúng vùng mạnh lắm có lần tuột ra khỏi tay tôi. Cứ liên tưởng những hình ảnh đó đối với con người lại làm tôi ớn lạnh. Tiếp chuyện với những người cựu tù nhân học tập, tôi không thể nào ngưng được dòng dĩ vãng.

    Khi còn 7, 8 tuổi ở Hà Nội tôi đã gặp những người ăn mày hai tay run lẩy bẩy. Tôi thường năn nỉ mẹ tôi cho tiền những người này. Chúng tôi hỏi han vì sao họ ra nông nỗi ấy. Phần lớn họ nói bị Tây bắt và bị tra điện. Những trẻ sống ở thành thị thường chỉ nghe tiếng Tây say rượu la ó với phu xe xích lô. Chúng ít có dịp nhìn thấy cảnh người đánh người. Một đứa bé như tôi, tôi có may mắn hơn, vì thật quả tôi mới từ quê ra tỉnh có vài năm, óc còn mang những hình ảnh hãi hùng. Đồng quê Việt Nam quá thanh bình và quá đẹp. Chiến tranh đã làm cho tan nát. Không phải là tan nhà nát cửa về thể chất mà tan nát cả tấm lòng trong trắng.

    Tôi rơm rớm nước mắt, kéo tay mẹ tôi lẳng lặng từ giã những người ăn mày chiến cuộc. Tôi thường có những lần nằm mê. Giấc mơ có nhiều sợ hãi. Mỗi chiều trở lại, thì cơn sợ của tôi cũng trở lại. Tôi không biết tối nay phải trải qua những cơn mơ quái đản gì nữa đây. Tôi không hỏi mẹ, vì tôi biết mẹ tôi không có thì giờ suy nghĩ trả lời. Vả lại con nít nhỏ ở Việt Nam… những âu lo của nó… có gì quan trọng lắm đâu. Nhất là trong thời chiến.

    Năm tôi lên sáu, chứng kiến cảnh Tây về làng. Mõ làng đánh liên hồi. Mọi người phải tụ họp ở sân làng. Thanh niên, trung niên bị xét hỏi giấy tờ. Người nào không ra trình diện kịp thì bị đòn nặng. Tôi là một đứa bé cũng phải theo mẹ tôi ra trình diện. Ba tôi tất nhiên là không có ở trong làng vì ông còn kháng chiến chưa về tề. Có khi ông đã bị bắt nhốt ở nhà pha Hỏa Lò rồi. Thời gian quá xa mà lúc đó tôi quá nhỏ không được mẹ tôi cho biết chi tiết. Người trung niên bị Tây bắt ở đình run rẩy lạy lục lắm. Tây không đánh, mà một người Việt Nam mặc đồ nhà binh đánh đấm đá túi bụi. Người nhà quê ấy kêu la rống lên. Anh ta bèn được lệnh há mồm ra và đổ nước mắm vào cho uống. Sau đó, anh ta được uống liên hồi một thùng nước lã, nước ao ở đình làng. Lúc anh ta bị cởi áo ra thì cái bụng đã trương phượt lên. Người “Việt gian” lúc ấy hùng hổ vừa chửi vừa đạp đôi giày “săng đá” lên cái bụng nước ấy. Mỗi lần đạp thì từ miệng anh nhà quê nước lại phun ra. Tôi không nhìn thấy máu nhưng tiếng chửi rủa, tiếng kêu đau rõ mồn một. Cả làng ngồi ở đấy mà yên lặng như tờ. Trẻ con như chúng tôi, có đứa nhỏ hơn tôi, đầu còn để mấy cái cút, mớ chỏm tóc, cũng không đứa nào dám hó hé. Nín thở. Bất lực. Phó mặc.

    Một sáng nắng đẹp trời, không có Tây, mẹ tôi phơi thóc và chiếu ra sân. Tới gần trưa mẹ tôi kêu tất cả các con lại, trao cho mỗi đứa một cái túi xách nhỏ. Tiểu đội chúng tôi ra tới đầu làng, tách vào đường ruộng. Chúng tôi như lũ vịt con theo chân mẹ đi trong ruộng lúa. Đến khi gần tới địa phận Tỉnh có đồn lính Tây gác chúng tôi mới lên lại đường cái. Nhìn thấy Tây đen gạch mặt (gốc Phi Châu – Sénégal) tôi lạnh cả xương sống. Tây về làng đánh đập, sao mình lại về đây hả mẹ. Tôi hỏi âu lo. Mẹ tôi chỉ nói về Tỉnh ở thì chúng nó không đánh đập nữa.

    …Những quá khứ sóng gió như thế thường tạo cho mình những giấc mơ khủng khiếp. Tôi nghĩ những người tù nhân chính trị gọi là cải tạo cũng vậy. Họ vẫn còn những giấc mơ ám ảnh, sợ hãi. Người còn minh mẫn thì thở phào tỉnh dậy với cảm giác…thì ra chỉ là một cơn ác mộng. Người yếu tiếp tục kéo theo  cơn sợ cả ngày. Ông Trang Tử nằm mơ thấy mình là con bướm bay một cái đi khắp vũ trụ… vào khoảng không… ông gọi là thái chân chi du… Lúc ông tỉnh dậy quên cả mình là Trang Tử. Nằm mơ vào cõi mê ly đó ai là không muốn, nhưng những giấc mơ của người cựu tù Cộng Sản không đẹp như vậy… nó toàn là máu… là xô đẩy… là khiếp hãi… là nhìn thấy bạn bị bắn chết… là thấy sắp đến lượt mình bị hành hạ. Họ tỉnh lại, với mồ hôi vã ra như tắm. Bần thần. Uể oải. Chán nản. Nghĩ đến thực tế… rồi mấy tháng phù du sẽ trôi qua. Trong mơ cũng khủng khiếp mà thực tế cũng hãi sợ. Sống trong cơn lốc.

    Tôi không có kinh nghiệm ở tù. Chưa ở tù lấy một ngày trong đời. Có lẽ vì vậy tôi kém nhạy cảm về quyền lực của kẻ thống trị. Có người bảo tôi chưa từng trải vì nói năng… không đề phòng. Có lẽ các anh ấy nói đúng. Một con chim dù là chim bồ câu ở Việt Nam cũng rất thận trọng khi gần người. Ở Mỹ, chim cứ sà vào tay người ta mổ hạt mà không sợ bị chụp. Vì cuộc đời của tôi từ khi trưởng thành hít thở không khí tự do, phần lớn lại là ở các đại học. Nơi mà quyền ăn nói phát biểu được tôn trọng nhất. Có người bảo tôi khéo nói. Nhưng nội dung lời nói thì mang những ý kiến phản kháng. Phản kháng tuổi già, cản chân giới trẻ! Phản kháng giả đạo đức! Phản kháng tinh thần quan liêu chết nếp! Tôi chưa ở tù vì làm gì sái quấy nhưng phải vạ miệng thì có rất nhiều. Một con chim chưa bị đạn, chưa từng bị người vồ bắt, rình rập, ắt hẳn kém nhạy cảm và vì thế dạn dĩ hơn con chim ở Việt Nam giữa thời giông loạn. Đấy là nhược điểm của tôi.

    Nhưng tôi lại có nhạy cảm về sự đau khổ của người khác. Một người nhà quê bị Tây giật điện. Một người thương binh tàn phế cụt chân bán vé số trên đường Tự Do, một em bé bụi đời đánh giày trên hè phố… những hình ảnh ấy rướm máu trong tim tôi và thường làm tôi xúc động. Mặt khác, một ông Tướng hống hách… di chuyển ở quân đoàn có tiền hô hậu ủng, có quân cảnh bảo vệ nhẩy xổ xuống đường xô ngã một ông già đi xe đạp để đừng phớt qua chiếc xe của vị Tướng… hình ảnh mà tôi nhìn từ văn phòng Tòa Hành Chánh Tỉnh Biên Hòa… làm tôi phẫn nộ với kẻ quyền lực.

    Thứ cường quyền mà Cộng Sản áp dụng là một thứ cường quyền có thể làm cho người ta tức ói máu lên chết được. Tôi nghe lại những cách xử và giải quyết sự việc của các cán bộ Cộng Sản do những người cựu tù học tập kể lại… mà thầm phục cho những người sống sót. Thật vậy, khi kẻ cường quyền không màng đến sự sống chết của người dưới tay, thì cái dũng của Thánh nhân là một cái dũng quá dại dột. Bởi vì làm như thế là dọn cho mình cái chết thế thôi. Nhưng mà cũng không được hèn hạ để cầu sướng thân hơn anh em bạn tù. Cái khó cho người sống sót mà giữ toàn danh tiết là ở chỗ đó. Tôi không hiểu sao tôi đã làm thơ than khóc cho những cô nhi khốn khổ, đã làm thơ cám cảnh “Thương binh đợi bạn về”, mà tôi chưa làm thơ về người tù cải tạo.

    Một dạo tôi định làm thơ bởi vì tôi đã nghe quá nhiều các câu chuyện do người tù cải tạo kể cho tôi nghe về thân phận và nỗi đọa đày của họ. Chất liệu họ có đủ tại sao tôi không làm được? Một lần tôi đọc thơ của Luân Hoán viết về người cải tạo đi gỡ mìn. Tôi xúc động và không dám làm thơ thác lời người cải tạo. Làm như thế tôi cho là mất phong cách của người cầm bút. Hằng trăm ngàn tinh hoa miền Nam bị đẩy vào các trại cải tạo khắp các vùng đất nước. Những địa danh Trảng Lớn, Long Giao, Hàm Tân, Kà Tum, Đầm Đùn, Thanh Hóa, Hoàng Liên Sơn… rộn lên sợ hãi. Đất nước ta có những địa danh Vạn Kiếp, Tam Điệp, Bạch Đằng Giang, Chí Linh, Chi Lăng, Hàm Tử Quan… rền vang trong tâm thức Việt. Hùng tráng. Oanh liệt. Những địa danh ghê rợn do Cộng Sản cống hiến cho lịch sử sẽ viết tội ác của họ đến muôn đời. Tôi không thể lấy đi cơ hội của những người tù cải tạo nói lên nỗi oán hờn cũng như niềm tự hào của họ. Chính các anh mới là những tác giả chân thành và chính thống. Khi các anh viết về các anh, lịch sử lắng nghe và lịch sử ghi nhận. Anh Kiêm Thêm là một nhà văn, lại là giám đốc các chương trình huấn nghệ và trực tiếp điều hành trung tâm sinh hoạt cựu tù nhân chính trị Việt Nam ở Los Angeles. Tôi đề nghị với anh ước vọng của tôi là cộng đồng có một tuyển tập của các cây viết cựu tù cải tạo. Tôi biết anh Kiêm Thêm quá bận rộn với các chương trình, và báo chí do anh chủ trương, nhưng “Ngục văn nhất hữu, phiếm luận bách vô.” Tôi bắt chước câu “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” của thời hủ lậu để trình bày là dù anh xuất bản 100 quyển tạp luận cũng chẳng kể chi, nhưng một cuốn tuyển tập của những cây viết tù cải tạo là kể như có một sự đóng góp lớn. Nhất là nếu được những người chưa hề viết bao giờ nay phải viết ra thì đúng là “vật cùng tắc minh” có lẽ sẽ vô cùng xúc động!

    Đã có rất nhiều nhà văn viết lên cuộc đời của họ qua các trại tù. Thỉnh thoảng trong vài tập có nêu những gương can đảm trong thời cải tạo … Những người can đảm thì phần lớn là nhận lấy cái chết. Ngoài ra, thì đều phải tập nhẫn nhịn như một thứ thiền bất đắc dĩ cho khỏi nộ khí xung thiên hoặc tức mà chết, hoặc vọng động mà đưa mình đến chỗ chết. Tôi nghĩ rằng người chết cũng đã vinh danh mà người sống cũng đáng được ca tụng nếu họ nói được cho loài người nghe nỗi đau đớn của họ. Tuyển tập viết từ MIỀN ĐẤT HỒI SINH với 26 tác giả đóng góp bài vở hy vọng làm được điều mong ước chung này. Tuyển tập này do Liên Hiệp Cộng Đồng Việt Nam, Trung Tâm Sinh Hoạt Cựu Tù Nhân Chính Trị Los Angeles xuất bản gởi tặng các anh em H.O mới sang như là một món quà văn nghệ. Hy vọng trong tương lai những tác phẩm như thế này sẽ được thực hiện đều đặn. Mong các cây viết H.O, các nhà văn, thơ cùng các mạnh thường quân tiếp tay với UVCC trong mục tiêu kể trên.

    Khi tôi nói chuyện với một nhóm cựu tù cải tạo mà nay đã thành danh vì có tên tuổi thì có một điều lý thú là họ hết sức chân thật cả đến những khuyết điểm của mình.

    Một hôm chúng tôi hội họp vui vẻ. Anh chủ xị đóng vai quản giáo, một cựu thiếu tá Hải quân, Thiếu tá Chuộng, mặc dù anh Chuộng hình như chạy thoát từ 75. Đóng vai quản giáo ngu dốt thì ai mà chả đóng được. Hồi xưa dưới đời nhà Minh, Bồ Tùng Linh không biết phải châm chọc chế độ độc tài cách nào cho an toàn. Ông bày ra chuyện hồ ly tinh. Ông dựng quán bên đường, ai có chuyện ma quái hay ho thì đến kể và được thưởng rượu. Nhờ sáng kiến này chúng ta mới có bộ ngoại thư Liêu Trai Chí Dị mà thưởng thức những cảnh ái ân ma quái. Tôi bắt đầu buổi họp ở Chicago bằng bốn câu thơ:

    “Cô vọng ngôn chi cô thính chi
    đậu bằng qua giá vũ như ty
    Liễu ưng yếm tác nhân gian ngữ
    Ái thính thu phần quỷ xướng thi.”

    Tản Đà dịch:

    Nói láo mà chơi nghe láo chơi
    Dàn dưa lún phún hạt mưa rơi
    Chuyện đời chán ngắt không thèm nhắc
    Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời.

    Anh em liền nổi hứng kể chuyện mình và kể chuyện người.

    Bằng một giọng cảm động, anh Mai Tất Đắc, Chủ Tịch Hội Người Việt tại ILLinois phát biểu: “Phải công nhận là nếu chúng ta, gốc sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mà bị cải tạo không chết thì chúng ta cũng đã có tí hèn rồi. Chúng ta phải làm cái gì chuộc lại.” Anh em hoan hô cựu sĩ quan Hải quân Mai Tất Đắc… người đã làm bài thơ tự trách “Ta như bầy chim trốn tuyết“.

    Nhà văn Vũ Uyên Giang đứng lên hát bài “Kha Tư Giáo”, anh bắt đầu giọng trầm buồn hát bài hát mà anh khiếu nại là đã làm trong dịp chứng  kiến cái chết tàn nhẫn của Kha Tư Giáo ở trại tù cải tạo.

    …”Kha Tư Giáo là một sĩ quan cứng cổ đã từng bớp tai cấp trên và được cho đoái công chuộc tội lao công chiến trường. Một thứ Nguyễn Công Trứ bị phạt đi “tiền quân hiệu lực“. Kha Tư Giáo hạch sách cán bộ Cộng Sản: “tại sao chúng tôi có tội? chúng tôi yêu phần đất tự do và phải thi hành nghĩa vụ quân sự. Nếu chúng tôi thắng các anh, chúng tôi chắc chắn đối xử với các anh tốt hơn là chính Đảng đối xử với các anh nữa!”

    Bọn chúng tôi lạnh mình… khi công an… lên đạn rầm rập. “Mày cứ bắn tao đi, tụi hèn” Kha Tư Giáo thách thức. Một tiếng nổ chát chúa. Kha Tư Giáo choạng đi, viên đạn xuyên vào chân. Kha Tư Giáo gào lên: “Mày không bắn chết tao là mày hèn”…

    Cán bộ lôi Kha Tư Giáo sệch sệch đi như lôi một con dã thú bị thương.

    Giáo không bị giết vì chú của Giáo là Kha Tư Ân, một cán bộ ở cấp Bộ Trưởng Bộ Thương Nghiệp Hà Nội. Kha Tư Ân viết giấy vào nói: “Cháu chỉ cần nhận tội theo ngụy, thì cháu sẽ được về”. Kha Tư Giáo mắng cán bộ quản giáo: “Tao không có thân nhân nào làm quan ở chế độ Cộng Sản cả.”

    Một buổi sáng, công an đeo súng vào triệu tập cả trại tề tựu. “Hôm nay chúng tôi cho các anh cơ hội. Các anh được quyền xét xử tên Kha Tư Giáo. Chúng tôi đã kết tội tử hình. Anh nào đồng ý thì giơ tay.” Cả bọn tù ngồi xổm, không đứa nào giơ tay.

    Tiếng súng AK lên nòng đạn đến rợn người.

    Họng súng nâng ngang, rồi chĩa vào đám tù chúng tôi. Một vài cánh tay lác đác giơ lên. À, chắc là của ăng-ten. Không có lý. Vậy thì của vài thằng hèn sợ chết không gặp mặt vợ con. Thêm một đợt súng khác lên nòng. Thêm cánh tay “biểu quyết” thuận án tử hình.

    Tiếng cán bộ nói: “Các anh đã đồng ý án tử hình cho tên Kha Tư Giáo, thôi các anh bỏ tay xuống.” Cả bọn tù thở phào nhẹ nhõm. Được một giây, ai nấy lại ái ngại cho viên cựu sĩ quan gan lì này.

    Vũ Uyên Giang kết luận: 

    “Thế là Giáo bị trói tay chân trên giàn, để khát để đói. Dai dẳng vài ngày không chết. Các vết còng bị ghẻ lở có dòi. Cán bộ cho nhúng tay  vào nước muối. Cuối cùng Kha Tư Giáo kiệt lực, lờ đờ. Không ai cứu giúp được gì. Mọi người lặng nhìn cái chết tàn nhẫn thoi thóp của anh. Ngày ấy mưa buồn phất nhẹ. Kha Tư Giáo có lẽ thấm được môi vài giọt nước từ trời cao rơi xuống.”

    Nhà văn Việt Dương kể lại bằng giọng đanh thép dù người anh nhỏ yếu và gầy:

    “Cách tra khảo thật là tàn nhẫn. Tôi bị treo ngược lên. Mười đầu ngón tay bị đâm kim gút và buộc lông gà tơ. Quạt máy được vặn lên xoay qua lại để phe phẩy vào các sợi lông. Mỗi lần lông gà xoáy, cơn đau của tôi không thể nào kể ra hết được.”

    Một cựu Đại úy lục quân nói về số phận mình:

    “Tôi bị đi Hoàng Liên Sơn đẵn nứa. Giang, nứa, tre, lồ ồ, cây bương cây mai. Những năm ở Sơn La và Hoàng Liên Sơn rét mướt vô cùng. Khi ở trong Nam tôi đã bị đập một báng súng vào màng tang ngất xỉu vì đi chậm. Cán bộ chửi rủa và cho rằng tôi muốn trốn. Ở trại Long Giao tôi mất hai người bạn. Đại úy Lê Đức Thịnh, dạy tình báo ở Thủ Đức là một trong hai người bị bắn chết. Thịnh viết thư gởi cho vợ và bị công an bắt được. Cán bộ bắt ra hành hình. Thư của Thịnh được đọc để kể tội. Thịnh nói cho vợ nghe: “Anh rất oán hận lũ Cộng, em ở nhà nhất định không cho con gái lấy bọn chó đẻ. Khi nào anh em bên ngoài tập họp xong, anh sẽ ra tiếp tay.”

    Thịnh được buộc vào cột đèn xi măng của Mỹ để lại. Người thứ hai can tội trốn trại bị bắt. Cả hai bị không biết bao nhiêu viên AK bắn vào, thân thể cứ co lại rồi bật lên. Tôi không dám khóc. Một cái báng súng vào đầu ngất xỉu hôm trước, được coi là ơn huệ cảnh cáo. Từ Long Giao chúng tôi được chuyển trại. Về Tân Cảng lên thuyền than đá đi ra Bắc. Người tù xuống tầu ngồi co ro, được phát cho cái chai để tiểu vào. Ai đi cầu thì phải đợi. Tôi chờ xếp hàng từ 1 giờ đến 3 giờ sáng, leo lên được miệng thùng phuy thì không thể đi cầu được. Trong bụng chắc không có gì tiêu hóa để phải hóa tiêu!

    Trời nắng, cán bộ phun nước lên đầu, ai uống được tí nào thì uống. Sau 3 ngày 2 đêm, thì tầu cập bến Cẩm Phả. Đến trạm nào chúng nó cũng cho chuyển vào ban đêm. Khi xuống tầu, công an rọi đèn pha. Có cả chó dữ dàn chào, họng súng AK chờ đợi. Chúng tôi mặc kệ… chó cắn thì cứ cắn, sống chết không thành vấn đề. Từ đó chúng tôi được chuyển lên xe lửa. Chỗ nào đi qua có trạm là có “đồng bào” tập hợp la hét dọa đánh chết. Cán bộ công an phải ra sức cản cho họ… khỏi xông tới xé xác chúng tôi. Cán bộ lên tiếng: 

    “Mấy anh phải đánh giá đúng điểm đứng của mấy anh. Mấy anh phải biết tội ác của mấy anh. Đồng bào sẽ giết các anh liền nếu Đảng không bảo vệ mấy anh”.

    Chao ơi cũng chúng nó xúi, rồi lại lên tiếng nhân nghĩa hão. Chúng tôi bị bắt buộc phải biết ơn những kẻ cầm tù chúng tôi.

    Đến phà Ô Lâu… bọn tù chúng tôi xuống xe qua phà. Xe giải phóng và xe molotova cũng lên phà. Từ bờ này qua bờ kia là hai giây cáp dài. Bọn móc thuyền móc từng nấc vào giây cáp kéo phà đi chứ không có máy móc gì. Chắc đây là sông Kỳ Cùng, tôi nghĩ như vậy.

    Rồi thì đoạn đường di chuyển cũng phải đến.

    Trại Hoàng Liên Sơn là một liên trại. Cứ sáu người chúng tôi thì có một cái thau. Trong bọn có một Đại Đức trước làm ở bệnh viện Cộng Hòa. Đại Đức này lo hái thuốc, hái lá để dành làm dược liệu cho trại. Một hôm bọn tù chúng tôi dấu được một củ khoai nhờ Đại Đức luộc giúp. Chỉ có thế mà Đại Đức này bị kiểm thảo là nhóm lửa ngoài giờ sắc thuốc. Bị kết tội là toan nấu thuốc độc đầu độc cán bộ. Khi bị giải đi Đại Đức nói với tôi, ông sẽ từ giã cõi đời. Khi được điều tra và được trở lại trại thì ông uống thuốc độc tự tử chết. Tôi không còn nhớ tên vị Đại Đức này nữa. Đầu óc tôi bây giờ không nhớ được gì khi cần nhớ nữa anh ơi.” –  người Đại úy cựu tù than trách. Ông nói: “Trong ba tháng tôi phải đóng quan tài chôn tới 9 người bạn ở đây. Bây giờ tôi nằm mơ là thấy máu, thấy lửa đỏ, tôi ghê rợn màu đỏ, trước tôi là Tiểu Đoàn Trưởng sao bây giờ tôi sợ sệt không giống ai cả.”…

    Kịch sĩ Quản giáo Chuộng… lên tiếng kéo mọi người về thực tế: “Thôi mấy anh kể chuyện chống tôi quá, anh nào muốn làm quản giáo thì lên thế tôi đi.”

    Cả đám anh em cựu tù cải tạo cười ồ. Anh Chuộng đóng vai quản giáo dễ thương quá, bằng không anh em đã xông tới siết cổ anh rồi. Bữa họp tại Chicago này làm mọi người lên tinh thần quá cỡ! Thật ra bữa tập họp này làm mọi người buồn vui lẫn lộn. Tôi không biết phải nói với anh em điều gì hơn. Sự khổ não của anh em bi thảm quá! thê lương và tàn nhẫn.

    Mấy hôm nay một bọn đón tiếp cựu Đại Tá Việt Cộng Bùi Tín khi anh chàng này bỏ Đảng ở giờ thứ 25. Mấy người đại tá của chế độ cũ đi qua đây chẳng ai đón rước. “Thì ra vì chính trị người ta làm đủ mọi chuyện… còn bọn tù rục xương cải tạo qua đây có ma nào thèm đoái hoài.” Anh Tâm Trung úy Không Quân buồn nản than phiền trong buổi nói chuyện hàng tháng của anh và tôi.

    Tôi chợt thấy mình ướt nước mắt khi người sĩ quan cựu tù cải tạo bước ra khỏi phòng. Làm tâm lý không có quyền cảm động để khóc trước mặt thân chủ. Nhưng không khóc làm sao được khi tất cả những thân chủ của tôi người nào cũng cơ thể mục nát, đi đứng  như những kẻ mất hồn. Họ không tin ở sự tử tế của loài người nữa. Tiếng chim hót bên ngoài trời có lẽ làm thoa dịu đau thương của họ hơn là lời khuyên giải của tâm lý gia. Ông cựu Đại úy Cảnh Sát Tuân đã nói với tôi như một giấc mơ nhẹ nhàng trong giọng Quảng Bình: “Tôi nghe tiếng con chim sáo kêu, con sáo tôi nuôi lúc còn làm cảnh sát, nó khôn lắm, bây giờ nó còn theo tôi.” Ông nói: “Ở Việt Nam hay ở đây, đất Mỹ tôi vẫn còn thấy hình như mình vẫn ở tù. Chỉ có tiếng chim hót làm tôi thoải mái.”

    Tiếng con chim sáo làm cho Tuân thoải mái vì nó liên tưởng đến một thời anh đã sống. Nhưng anh tách rời tiếng con chim kêu với quá khứ vẫy vùng. Anh không tin ở quá khứ ấy nữa và muốn phủ nhận nó. Chấp nhận quá khứ là chấp nhận “tội lỗi”. Tẩy não đã làm cho anh phải chối bỏ quá khứ… Khi chối bỏ quá khứ thì anh cũng chẳng còn gì đáng sống. Tuân là người bệnh tâm thần nặng nhất của tôi. Tuân không phải là tên thật của anh. Có buổi nói chuyện làm anh quắc mắt giận dữ… có lúc anh nói như mê nhái lại lời Cộng Sản đã mớm cho anh… lúc tỉnh thì anh chán nản khóc lóc. Có buổi anh ca hát những bài yêu nước “quê hương là gì” một cách say mê. Tại sao các anh đã sống sót qua địa ngục trần gian? Nhiều khi tôi hỏi các anh tại sao đã không tự tử. Câu trả lời của những người sống sót đều là… phải tìm cho ra một lý do để sống. Sống để về nhìn mặt vợ con. Sống để về tạ tội với cha mẹ. Sống để gặp lại bạn bè. Sống để về kể lại những gì tai nghe mắt thấy. Sống để không thể chết được. Vô lý quá. Tôi phải sống. Sống để làm toán số đời nhân chia trừ cộng (có anh cải tạo đã chết vì lời nói này).

    Vậy mà lạ lùng khi đặt chân lên Mỹ, cũng có những người cựu tù cải tạo thấy chán nản không muốn sống. Lý do để sống đã không còn nữa khi họ đến được bến an toàn. Có lẽ cần phải phát hiện ra một mục tiêu mới tại sao phải sống! Sống để kể mãi, kể mãi câu chuyện bi thương của từng người. Con chim đã sổ lồng dù nó vẫn còn bịn rịn tâm lý với cái lồng giam, chưa bay đi xa được. Chim hót lên tiếng hót ngoài song nhà giam. Hân hoan và tủi hận.

    Từ thời thượng cổ đã có những tư tưởng chán nản cuộc đời:

    “Thiên lý thảo hề thanh thanh
    Tri ngã thử, nhi vô sinh. “

    (Dọc đường cỏ mọc xanh xanh
    Biết thân nông nổi đừng sinh làm người.)

    Bây giờ tôi mới hiểu nổi những chán nản cùng cực và những ao ước vô lý vẫn song đôi nghịch lý:

    Kiếp sau xin chớ làm người
    Làm con chim nhạn tung trời mà bay.

    Các anh H.O, các anh đã trả giá quá đắt cho tự  do… cái tự do xa xỉ mà bây giờ các anh cũng chưa biết phải xử dụng ra sao ở xứ Mỹ này ít nhất là trong vài năm đầu điều chỉnh.

    Tôi xin dành lại các anh, trả lại các anh… những trang giấy trắng sẽ viết thành lời. Bài thơ người tù cải tạo xin trả lại cho các anh để viết lên từ tâm thức soi sáng bằng kinh nghiệm. Tập văn Viết Từ Miền Đất Hồi Sinh… tôi xin được góp phần nhỏ bé.

    Đỗ Quý Sáng

    https://baovecovang2012.wordpress.com/2022/10/29

    Tuyển tập thơ văn H.O.: VIẾT TỪ MIỀN ĐẤT HỒI SINH

    MỤC LỤC

    VĂN: 

    1. Về tuyển tập thơ văn H.O. (Kiêm Thêm)

    2. Hãy tưởng tượng (Nguyên Sa)

    3. Lối cũ chẳng sao quên (Bích Huyền)

    4. Người mới sang (Huy Phương)

    5. Chim hót ngoài song (Đỗ Quý Sáng)

    6. Con sói đơn độc và sợi xích (Nguyễn Tiến Đức)

    7. Những người ở lại (Hồ Đăng Định)

    8. Về một cái chết (Nguyễn Hữu)

    9. Kẻ xâm óc (Tê Đê)

    10. Những kẻ sống sót trở về (Quế Chi)

    11. Những kẻ đến sau (Lữ Tuấn)

    12. Nén nhang cho một H.O. (Chu Tất Tiến)

    13. Nội tướng miền Nam (Phạm Trọng Phúc)

    14. Chú Bình (Nguyễn Chí Thiệp)

    THƠ 

    1. Những con mắt bạc (Phùng Ngọc Ẩn)

    2. Có một ngày ( Chu Tất Tiến)

    3. Chiếc kẹo nhỏ trong bàn tay người chết (Duy Lam)

    4. Người tù binh dũng liệt (Thái Tú Hạp)

    5. Nhìn nhau chợt thấy ra sông núi (Du Tử Lê)

    6. Khóc bạn (Nguyễn Mậu Quý)

    7. Đêm nhớ tiếng Từ Quy (Điềm Nguyên)

    8. Niềm tin trong tù (Điềm Nguyên)

    9. Quê hương và em (Huy Phương)

    10. Nấm mồ vô chủ (Phạm Tất Thắng)

    11. Thiếu phụ (Võ Văn Hà)

    https://baovecovang2012.wordpress.com/2022/10/29/viet-tu-mien-dat-hoi-sinh/6/


    Không có nhận xét nào