RFA
Tàu cá nằm chờ ở Hong Kong sau khi Trung Quốc cấm đánh cá năm 2000.
Reuters
Trung Quốc hiện đang thực hiện lệnh cấm đánh cá trên một loạt vùng biển là Bột Hải, Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông. Lệnh cấm này được kéo dài đến tận 16/8/2023 đối với hai vùng biển là Hoa Đông và Biển Đông. Đối với các vùng biển khác, lệnh cấm kéo dài sang tháng 9 năm 2023. Theo một số chuyên gia, lệnh cấm này là một chiến thuật “vùng xám”
Lệnh cấm mơ hồ: cấm luôn cả vùng biển của Nhật và Hàn Quốc
Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Phan Văn Song, một cộng tác viên của Qũy Nghiên cứu Biển Đông, cho biết lệnh cấm này được thực hiện từ 1999 đến nay. Về phạm vi cấm, theo nhà nghiên cứu Phan Văn Song, năm nay Trung Quốc có một điểm mới là gộp chung phần phía bắc Biển Đông (12 độ vĩ bắc) với phần phía nam biển Hoa Đông (26’30 độ vĩ bắc).
Lệnh cấm này chỉ quy định vĩ độ mà không có thông tin về kinh độ, cũng không có bản đồ phạm vi cấm đi kèm. Đây là một điểm mơ hồ. Nếu không có thông tin về kinh độ thì có thể hiểu là theo chiều ngang, trên các vùng biển như Hoàng Hải, biển Hoa Đông, phạm vi cấm có thể kéo dài đến tận lãnh hải Hàn Quốc hay Nhật Bản. Nhà nghiên cứu Phan Văn Song cho biết vì điểm mơ hồ này của lệnh cấm, một số công ty tư nhân Trung Quốc đã vẽ bản đồ vùng cấm đánh cá này của Trung Quốc trùm lên cả vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản và Hàn Quốc. Còn đối với biển Đông, do Trung Quốc đã có yêu sách đường chữ U bất hợp pháp nên chiều ngang của vùng cấm được hiểu là nằm trong đường chữ U này.
Như vậy, phạm vi của lệnh cấm vi phạm chủ quyền của Việt Nam, Philippines, và có thể của cả Nhật Bản và Hàn Quốc.
Phạm vi cấm ở Biển Đông
Đối với Biển Đông, lệnh cấm này chỉ cấm đến 12 độ vĩ bắc, tức là chừa vùng biển Trường Sa ra ngoài, chỉ cấm vùng biển Hoàng Sa và vùng biển giữa biển Đông. Ở Biển Đông, hai nước bị lệnh cấm này của Trung Quốc xâm phạm nhiều nhất là Việt Nam và Philippines. Hiếm có ngư dân Indonesia hay Malaysia đánh cá ở khu vực bị cấm.
Nhà nghiên cứu Phan Văn Song phân tích rằng đối với Biển Đông, lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc có hai giai đoạn:
Giai đoạn đầu từ 1999 đến 2009. Trung Quốc bắt đầu tuyên bố lệnh “cấm đánh cá” theo mùa ở Biển Đông từ 1999. Lúc đó họ chưa công bố đường chữ U trên biển Đông một cách chính thức. (Chính thức công bố trong công hàm gửi Ủy ban Ranh giới thềm lục địa năm 2009.) Trong khoảng 10 năm đó, do lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc còn yếu và họ cũng chưa chính thức đòi hỏi đường chữ U tại Liên Hiệp Quốc, các va chạm lớn liên quan đến đường chữ U ít xảy ra hơn. Giai đoạn đó hầu như chỉ có Việt Nam phản đối còn phản ứng của quốc tế là không đáng kể.
Giai đoạn hai từ 2009 đến nay. Sau khi công bố đường chữ U trong công hàm gửi Liên Hiệp Quốc năm 2009, Trung Quốc mới bắt đầu tăng cường đàn áp ngư dân Việt Nam, bao gồm cưỡng chế, bắt giữ tàu cá, tịch thu hải sản, phá hủy ngư cụ, tàu thuyền. Ở giai đoạn này, họ chủ yếu thực hiện nghiêm ngặt chế độ cấm đánh cá ở Bột Hải, Hoàng Hải và biển Hoa Đông. Còn đối với Biển Đông, họ chỉ mở rộng thực thi đến bãi cạn Scarborough của Philippines. Năm 2013, Trung Quốc thành lập chính thức lực lượng cảnh sát biển bằng cách hợp nhất các lực lượng tản mạn như ngư chính, hải giám, hải cảnh, được trang bị nhiều tàu lớn do hải quân chuyển sang. Từ 2013, họ cũng bắt đầu cải tạo đảo và xây dựng các căn cứ quân sự lớn ở Trường Sa.
Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn luôn không cấm đánh cá ở vùng biển Trường Sa (không cấm nam vĩ tuyến 12° N.) Trước khi xây dựng được các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa, thực tế Trung Quốc khó có thể kiểm soát vùng biển này. Đó có thể là lý do họ không cấm đánh cá vùng đó.
Nhưng từ khi có các căn cứ lớn ở Trường Sa trong mấy năm gần đây, rõ ràng họ đã có thể gửi lực lượng chấp pháp dọc ngang khu vực này. Họ vẫn không cấm đánh cá vùng này, một phần lớn là chừa vùng đó cho ngư dân của họ có chỗ đánh cá khi các vùng khác bị cấm.
Năm 2018, lực lượng cảnh sát biển này được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương thuộc Trung ương ĐCS Trung Quốc. Theo nhà nghiên cứu Phan Văn Song, với mỗi một bước phát triển lực lượng như vậy, họ mỗi lúc càng hung hăng hơn.
Chiến thuật vùng xám
Một trong lý do khiến Trung Quốc không cấm đánh cá ở Trường Sa ngay cả khi đã có các căn cứ lớn ở đó là họ muốn thực thi chiến thuật vùng xám.
Một phần tương đối lớn của vùng biển Trường Sa nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, Brunei, Philippines. Các hoạt động đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế nước khác phải được họ cho phép. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Phan Văn Song, “họ không cấm đánh cá ở vùng biển Trường Sa cũng là để cho lực lượng dân quân ngụy trang dưới dạng ngư dân đồng hành với lực lượng chấp pháp chính quy nhằm quấy phá ngư dân nước khác, cản trở các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của các nước khác trong khu vực.”
Nhà nghiên cứu Phan Văn Song cho biết, thực ra vào năm 2014, chính quyền Trung Quốc đã để cho tỉnh Hải Nam ra quy định ngư dân phải có giấy phép mới được đánh cá trong phạm vị họ quy định. Phạm vi này kéo dài tới 4° vĩ độ bắc, tức là bao phủ toàn bộ đường chữ U, thậm chí ở phía nam, có một phần vượt ra khỏi phạm vi đường chữ U và đi vào trong vùng lãnh hải Việt Nam. Quy định này có vẻ để thăm dò phản ứng của các nước trong khu vực. Trung Quốc bị Việt Nam và các nước liên quan phản đối và thực tế họ cũng chưa đủ khả năng kiểm soát toàn khu vực nên cho tới nay họ không còn nhắc lại nữa.
RFA đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Phan Văn Song rằng lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc có phải là một chiến thuật để đòi hỏi chủ quyền đối với Biển Đông không? Nếu đúng thì chiến thuật đó là gì? Nó gây khó khăn gì cho các nước khác xung quanh Biển Đông? Ông Phan Văn Song cho rằng, "ngoài lý do về môi trường như Trung Quốc nói, chắc chắn đó cũng là một hành động thể hiện sự kiểm soát thực tế các khu vực biển này, một yếu tố rất quan trọng để chứng minh chủ quyền trước toà trong khu vực có tranh chấp. Đây là chiến thuật cài bẫy bằng sự mập mờ. Nếu các nước liên quan không phản đối, Trung Quốc sẽ nói là đã ngầm thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc. Nếu các nước này phản đối, họ sẽ bị rêu rao là không hợp tác trong vấn đề bảo vệ môi trường. Ngoài ra, lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc cũng đặt ngư dân Việt Nam và các nước xung quanh Biển Đông vào tình thế có nguy cơ bị lực lượng chấp pháp của Trung Quốc xâm hại, tấn công. Nguy cơ lực lượng chấp pháp của các nước xung quanh Biển Đông phải va chạm với Trung Quốc cũng ngày càng tăng." Hiện nay, quốc tế chưa quan tâm nhiều đến những lệnh cấm đánh cá đơn phương này của Trung Quốc. Có lẽ vì chưa nắm rõ chiến thuật vùng xám này của Trung Quốc. Việt Nam đã chọn cách phản đối và không tuân theo lệnh cấm đó. Ngư dân Việt Nam phải liều mình vì cuộc sống cũng như để bảo vệ chủ quyền quốc gia, trong khi lực lượng chấp pháp Việt Nam chưa đủ nguồn lực để bảo vệ họ một cách đầy đủ.
Có thể coi hành vi cướp phá của dân quân biển Trung Quốc là cướp biển
Trao đổi với RFA, TS Hà Hoàng Hợp cho rằng các hải đội dân quân biển của Trung Quốc có thể bị coi là cướp biển, khi họ cướp phá tài sản của tàu cá Việt Nam. Tháng 2 năm 2023 một tàu cá ở Quảng Nam khi ghé vào một đảo ở Hoàng Sa tránh gió lớn, đã bị một tàu phi quân sự của Trung Quốc tới cướp bóc hết hải sản và ngư cụ. TS Hà Hoàng Hợp dẫn Điều 101 của Luật biển Quốc tế định nghĩa về hành vi “cướp biển” và khẳng định “Việt Nam có thể hành xử với họ như là đối với cướp biển, tức là có thể trấn áp bằng vũ lực.”
Điều 101 của Luật biển Quốc tế định nghĩa về "cướp biển" như sau:
"Bất kỳ hành vi bất hợp pháp sử dùng bạo lực hay bắt giữ, hoặc bất kỳ sự cướp phá nào do thủy thủ hoặc hành khách trên một tàu tư nhân, hay một phương tiện bay tư nhân thực hiện, vì những mục đích riêng tư, và nhằm: (i) Chống lại một tàu hay một phương tiện bay khác, hay chống lại những người hay tài sản trên tàu hoặc phương tiện bay đang trên biển cả; (ii) Chống lại một tàu, phương tiện bay, người hay tài sản đang ở khu vực nằm ngoài quyền tài phán của các quốc gia;"
Một tàu cá Việt Nam bị đâm chìm năm 2014. (Ảnh: Reuters.)
TS. Hà Hoàng Hợp nhấn mạnh rằng hành vi của các tàu dân quân biển Trung Quốc tương ứng với định nghĩa về "cướp biển" nói trên. Do đó, việc Việt Nam sử dụng lực lượng chấp pháp căn cứ theo Luật biển Quốc tế và Luật biển Việt Nam để trấn áp cướp biển, hoặc hành vi ăn cướp trên biển, để bảo vệ ngư dân Việt Nam, cũng là một cách thức hiệu quả để chống lại chiến thuật vùng xám của Trung Quốc.
Tuy vậy theo nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp, Việt Nam cũng có vấn đề của mình, khi họ không thể bảo vệ ngư dân Việt Nam vào các vùng biển nước khác, như Indonesia và Malaysia, để đánh cá, dù phần lớn là do không xác định được ranh giới trên biển. Ông nói Việt Nam và Indonesia đã ký thỏa thuận phân chia ranh giới trên biển, vì vậy có thể hy vọng sẽ không còn xảy ra việc các tàu đánh cá của Việt Nam xâm phạm biển của Indonesia và với các nước khác cũng vậy.
Còn nhà nghiên cứu Phan Văn Song suy nghĩ về việc sử dụng công cụ pháp lý quốc tế. Ông nói:
“Tôi nghĩ chưa sâu nhưng có một vài suy nghĩ bước đầu như sau để cùng thảo luận. Về mặt câu chữ, phán quyết năm 2016 của Tòa Thường trực chỉ áp dụng cho Philippines. Việt Nam xác định Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường truyền thống. Nhưng điều này chưa được công nhận như vùng biển Scarborogh của Philippines. Do đó, Trung Quốc sẽ lập luận là họ chỉ cấm trong vùng biển của mình.
Có lẽ Việt Nam nên tìm cách, tìm dịp nào đó kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế để có được một phán quyết vô hiệu hóa phạm vi của đường chữ U trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của phía mình, cũng như nhận được phán quyết rằng Hoàng Sa và Trường Sa là ngư trường truyền thống. Tất nhiên việc này không dễ vì Việt Nam phụ thuộc kinh tế Trung Quốc khá nhiều nên có thể bị họ trả đũa ở mức vượt quá khả năng chống đỡ.”
https://www.rfa.org/vietnamese
Không có nhận xét nào