Hoàng Trường /VOA
Một người ủng hộ chụp hình selfie với Paetongtarn Shinawatra, con gái cựu thủ tướng Thaksin, và cũng là một ứng cử viên trong cuộc bầu cử lần này.
Con gái út của cựu Thủ tướng Thaksin sẽ xuất hiện trên bầu trời chính trị Thái như một ngôi sao về Nữ quyền. Quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc đều là những vấn đề đối ngoại quan trọng để các ứng viên tranh thủ lá phiếu cử tri.
Ngày 4/5/2023, Công ty truyền thông quốc tế “Al Jazeera” đăng xã luận dài với tiêu đề “Đã đến lúc cần chọn con đường mới: Người Thái tìm kiếm sự thay đổi khi cuộc bầu cử đến gần” (Time for a new way’: Thais look for change as election nears). Khi người Thái tổ chức lễ hội Songkran vào tháng trước bằng cách dầm mình trong những trận phun nước, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha hy vọng, những ngày lễ này sẽ giúp giải cứu chiến dịch tái tranh cử mờ nhạt của ông. Mặc chiếc áo sơ mi Hawaii màu sáng và trang bị một khẩu súng nước khổng lồ màu xanh, ông Prayuth Chan-ocha, Tư lệnh quân đội trở thành chính trị gia – người đã lật đổ chính phủ của bà Yingluck Shinawatra trong một cuộc đảo chính hồi năm 2014 – đã bất ngờ xuất hiện tại đường Khao San ở Bangkok, tham gia cùng những người vui chơi “thả dàn” trong cuộc chiến dưới nước, theo phong cách ngày Tết cổ truyền mừng năm mới của Thái Lan. Nói về những thăm dò gần đây, đảng UTN của ông tụt hậu sau các đối thủ như đảng Pheu Thai, ông Prayut cho rằng các kết quả ấy không đáng tin cậy.
Ngôi sao nữ quyền: Paetongtarn 36 tuổi
Paetongtarn Shinawatra hôm 3/5 cho biết bà sẽ tiếp tục vận động tranh cử vào tuần tới sau khi đã sinh con trai vài ngày trước đó. Tại cuộc họp báo, bà vẫn tự tin về một chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử vào Chủ nhật 14/5. Bà Paetongtarn từng dẫn đầu trong nhiều cuộc thăm dò dư luận trước ngày bầu cử. Đảng Pheu Thai của bà cũng đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò gần đây và đã giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2001, trong đó có hai cuộc thắng áp đảo. “Thái Lan cần phải thay đổi và đảng Pheu Thai là câu trả lời duy nhất”, bà nói trong cuộc họp báo tại một bệnh viện ở Bangkok, ngay sau khi giới thiệu đứa con mới chào đời đang trong lồng ấp. “Chúng tôi không thể chờ đợi được nữa... Nếu Pheu Thai có thể giành chiến thắng long trời lở đất và trở thành chính phủ, chúng tôi có thể thay đổi ngay lập tức”. Trong cuộc chạy đua lần này, bà Paetongtarn nhận được rất nhiều sự chú ý, không chỉ vì xuất thân mà còn vì những bước đi ấn tượng của bà trong quá trình vận động tranh cử, ngay cả khi chuẩn bị sinh con thứ hai. Là con gái út của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, bà đã theo học những trường hàng đầu ở Thái Lan và Anh quốc. Thời ông Thaksin còn giữ chức Thủ tướng, bà Paetongtam vẫn thường xuất hiện cùng cha trong các sự kiện.
Trả lời CNN, nhà khoa học chính trị Thitinan Pongsudhirak tại Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) nhận định: “Bà Paetongtarn rất nổi bật và thường đi cùng cha mình. Bà ấy có tư chất chính trị của ông Thaksin và nhận được rất nhiều thứ, vì là con gái út của cựu Thủ tướng”. Bà tự tin, có sức hút và trên hết, bà mang họ Thaksin với gương mặt khiến nhiều người nhớ đến người cha nổi tiếng của bà. Các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy Paetongtarn Shinawatra là ứng cử viên nặng ký cho vị trí Thủ tướng sau cuộc Tổng tuyển cử ngày 14/5. Tuy nhiên cũng có lo ngại rằng, chiến thắng dành cho con gái út của cựu Thủ tướng từng bị lật đổ Thaksin Shinawatra – nhân vật gây chia rẽ nhất đất nước – có thể sẽ đẩy Thái Lan trở lại vòng xoáy biểu tình và can thiệp quân sự quen thuộc. Nhưng việc có được Paetongtarn 36 tuổi trong lá phiếu được cho là sẽ mang lại kết quả xứng đáng cho đảng đối lập Pheu Thai nổi tiếng. Cuộc bầu cử được hy vọng sẽ mang lại một chiến thắng áp đảo, với đủ số ghế để vượt qua lợi thế có sẵn của đảng cầm quyền để bầu ra Thủ tướng.
Thái cũng “đu dây” giữa Mỹ và Trung Quốc
Trước cuộc bầu cử, Đại sứ quán Thái Lan tại Washington phối hợp với Quỹ Châu Á đã tổ chức tọa đàm bàn tròn về quan hệ Thái Lan – Hoa Kỳ. Ngày 23/3/2023, bà Thượng nghị sĩ Duckworth chúc mừng liên minh bền chặt với Thái Lan, đồng minh lâu đời nhất của Mỹ ở châu Á, có thể tin cậy trong thời bình cũng như xung đột, cùng nhau giải quyết tội phạm và cung cấp hỗ trợ nhân đạo trong khu vực. Hai nước hợp tác nhiều mặt từ an ninh, quốc phòng, kinh tế đến giao lưu nhân dân. Đại sứ Thái tại Mỹ Tanee đã thảo luận về mối quan hệ đồng minh đáng tin cậy và sự tùy thuộc lẫn nhau giữa hai quốc gia cũng như các kế hoạch nhằm nâng tầm quan hệ đồng minh như khuyến khích các chuyến thăm cấp cao từ Thái Lan trong 8 cuộc họp cấp Bộ trưởng APEC xuyên suốt nước Mỹ năm nay. Sau 200 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đã đến lúc Hoa Kỳ và Thái Lan xây dựng trên nền tảng vững chắc này và vạch ra một lộ trình mới cho liên minh giữa hai nước trong chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP). Vai trò trung tâm của Thái Lan trong ASEAN, kết hợp với lịch sử lâu dài của Thái Lan với Hoa Kỳ cho thấy Thái Lan sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hình thái của FOIP sau bầu cử lần này nếu cử tri Thái quyết định thay đổi.
Dưới thời ông Prayuth, Thái Lan xích lại gần Trung Quốc, bỏ phiếu trắng trong nghị quyết của Liên hợp quốc lên án Nga xâm lược Ukraine và ủng hộ các nhà lãnh đạo đảo chính Myanmar. Nhưng tất cả có thể thay đổi nếu đương kim Thủ tướng bị thay thế. Cuộc bầu cử ngày 14/5/2023 tới đây của Thái Lan sẽ quyết định chính sách chính trị và đối ngoại của quốc gia Đông Nam Á 76 triệu dân trong vài năm tới, khi chính phủ bán quân sự phải đối mặt với sự bất mãn ngày càng tăng trong nước, áp lực an ninh từ nước láng giềng Myanmar và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Để nhắc nhở Washington rằng Thái Lan có một siêu cường khác theo đuổi, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến Bangkok vào hè năm ngoái – giữa hai chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Austin và Ngoại trưởng Blinken – để kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Bangkok và Bắc Kinh.
Trong giới ngoại giao, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện được xếp hạng cao hơn so với quan hệ đối tác chiến lược đơn thuần. Sau đó vào giữa tháng 8/2022, Trung Quốc phái máy bay chiến đấu phản lực đến Thái Lan để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc tập trận không quân Falcon Strike lần thứ năm tại một căn cứ quân sự ở Udorn. Tuy nhiên, không phải tất cả đều “được trải thảm hoa” cho Trung Quốc trong các mối bang giao với Thái Lan. Bắc Kinh thất vọng, vì Bangkok đã chùn bước trước đoạn đường tàu cao tốc do Trung Quốc đề xuất đi qua Đông Nam Á lục địa. Người Thái không tin rằng tuyến đường sắt sẽ mang lại nhiều động lực cho nền kinh tế của họ, và họ muốn mở cuộc đấu thầu quốc tế để cung cấp đầu máy toa xe và thiết bị đường sắt hơn là phụ thuộc tất cả vào Trung Quốc về công nghệ.
Bầu cử Thái tác động đến Việt Nam?
Ngày 7/5/2023, khoảng 2,35 triệu cử tri trên khắp Vương quốc Thái Lan đã tiến hành bỏ phiếu sớm một tuần trước ngày diễn ra cuộc tổng tuyển cử chính thức 14/5 để bầu Hạ viện khoá mới. Tờ “Nhân Dân”, cơ quan của ĐCSVN cũng như nhiều trang mạng khác của các báo “lề phải” đã đưa tin khá chi tiết ngày “bầu cử sớm” của cử tri Thái. Sau đó đúng 1 tuần, vào ngày 14/5, khoảng 50 triệu cử tri còn lại sẽ tham gia bầu cử tại gần 100 nghìn địa điểm trên toàn quốc. Theo dõi bầu không khí dân chủ thực sự của cử tri Thái Lan, do chính các tờ báo của đảng và nhà nước tường thuật, người dân Việt Nam không thể không liên hệ đến các cuộc “đảng cử dân bầu” ở trong nước. Đặc biệt là tại các cuộc bầu cử các cấp lãnh đạo Việt Nam, từ bầu Thủ tướng đến Chủ tịch Quốc hội, kể cả Bầu Tổng bí thư, chỉ bầu cho một candidate duy nhất. Bầu một người, không có candidate thứ hai thì bầu làm gì? Mà phần lớn, người dân đâu được đi bầu, họ chỉ xem bỏ phiếu qua vô tuyến. Còn ở những cấp mà cử tri được “lùa” đến hòm phiếu, thì trong các hộ gia đình, từ hai, ba cho đến bốn, năm người, tất cả dồn các lá phiếu cho một thành viên trong nhà, bất kể là ai, rồi cầm cả nắm phiếu ấy “nhét” vào “hòm”.
Xem thế để thấy, bầu cử Thái Lan, trước mắt chưa có ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Nhưng xem YouTube từ “South China Morning” nói về các cuộc vận động tranh tài giữa các đảng ở Thái, người Việt nào không ngậm ngùi tự hỏi: Đến bao giờ dân ta mới được như thế? (Who’s running in Thailand’s most unpredictable election in decades?) Về ngắn hạn, kết quả bầu cử có thể chưa có tác động gì đến Việt Nam, nhưng ảnh hưởng của nó sẽ đến muộn hơn. Nhất là khi các phe phái chính trị tại Thái Lan hiện nay đang có dấu hiệu sẽ sớm định hình lại chính sách đối ngoại, rời khỏi quỹ đạo của Trung Quốc, hâm nóng lại quan hệ với Mỹ và phương Tây sau tổng tuyển cử. Ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn nằm trong số những vấn đề đối ngoại quan trọng được các ứng viên sử dụng để tranh thủ lá phiếu cử tri tại Thái Lan.
Không có nhận xét nào