Hoàng Tuấn Phổ /SGN
Rạng sáng hôm sau, tiếng hai con chó sủa dữ dội. Tôi giật mình tỉnh giấc. Anh Nậu thì thào với mẹ tôi (hai mẹ con thức dậy từ lâu): “Hình như quanh nhà ta có người canh gác. Lúc con đi tiểu thấy ai như ông Từ Nhen cứ lảng vảng qua lại ngõ nhà ta”. Mẹ tôi xua xua bàn tay: “Mặc họ…”.
Tôi nhìn ra sân, thấy người đứng lố nhố. Bố tôi cũng vừa thức dậy, liền bò khỏi giường. Lập tức có mấy người tiến lại. Hai người túm giữ chặt hai cánh tay ông. Một người đeo súng lục xệ bên hông. Anh ta lấy trong túi ngực ra tờ giấy và đọc to: “Lệnh bắt người!”. Tai tôi ù đi, không còn nghe được nội dung lệnh viết gì. Anh đeo súng lục đọc dứt lời, họ liền mở cuộn dây thừng trói giật cánh khỉ bố tôi lại, ra sức xiết thật chặt! Tiếp theo tờ “Lệnh bắt người” là tờ “Lệnh khám nhà”. Lúc này trời đã sáng rõ.
Bao nhiêu sách vở họ lục hết ném tung ra sân. Chữ Nho, chữ Tây, Quốc ngữ, sách in hay chép tay, họ đều lật lật, giở giở xem qua rồi ném dồn lại một nơi. Trong nhà, một nhóm người sục sạo khắp xó xỉnh, móc cả kẽ vách, bươi cả đống tro bếp, nhà trên, nhà dưới, không thiếu chỗ nào. Họ tìm tài liệu bí mật của bọn phản động, nhưng chả thấy gì. Họ tìm lại rất kỹ trong sách vở, cũng không tìm được thứ cần tìm.
Anh đeo súng lục tuyên bố: “Sách Nho của phong kiến, sách Tây của đế quốc, sách quốc ngữ của phản động, tất cả đều phải đốt cháy ra tro! Chúng ta đánh đổ phong kiến đế quốc, tiêu diệt phản động không được nương tay!”
Có nhiều tiếng vỗ tay lộp bộp. Họ dồn tất cả sách vở ra giữa sân, chất cao như đống rơm, đụn rác rồi phóng lửa đốt! Mắt tôi nhoà đi! Kho tri thức này mấy đời nhà tôi tích luỹ, phút chốc hoá thành tro bụi. Anh công an huyện lấy trong xắc cốt cái cùm bằng sắt, cùm tay bố tôi quặt ra đàng sau. Bố tôi kêu: “Tôi tê liệt cả hai tay rồi! Xin ông nới lỏng cho cái dây trói!” Ông Từ Nhen, ông học trò của bố tôi trước Cách mạng tháng Tám, quát vào mặt người thầy học cũ: “Tội mi đáng tùng xẻo, cùm với trói đã ăn thua gì!”.
“Giải đi!”. Một người theo lệnh buộc dây thừng vào cổ bố tôi dắt đi. Thì ra ranh giới giữa con người với con vật chỉ ở sợi dây thừng, chỉ cách nhau một sợi dây thừng! Mẹ tôi bật khóc, cố nén lại trong cổ họng, chỉ nghe tiếng “ức! ức!”
Bố tôi bị giải – dắt đi rồi, nhà như có tang. Tượng thờ, bát hương lăn lóc, bếp núc tung toé. Ngoài sân sách vở đang âm ỉ cháy, nghi ngút khói bay lên trời, một bầu trời đầy mây âm u, xám xịt. Không ai nói với ai câu gì. Mẹ tôi lên giường nằm khèo. Chẳng biết bà đang nghĩ ngợi gì. Anh Nậu thu dọn bếp núc, nhà cửa. Anh cũng là người siêng năng, chịu khó, nhưng thiếu tính cẩn thận, chu đáo, lại hay nghịch ngầm. Hồi anh mới về làm con nuôi, một hôm, cắt xong cái lưỡi câu để câu cá rô, anh bảo tôi: “Mi sờ coi cái lưỡi câu tau vừa cắt xong, mũi có nhọn, ngạnh có sắc không.” Tôi cầm lấy lưỡi câu đã buộc vào dây và cần xem thế nào. Lập tức anh giật mạnh cái cần, khiến tay tôi bị chảy máu, đau điếng. Anh lấy lá kinh giới nhai qua, đắp vào vết thương. Tôi bị xót giẫy nẩy lên, anh liền nhe răng ra cười khoái chí!
Thời gian tôi chăn vịt ở trại Bái Quang, một hôm anh ra lấy trứng vịt đẻ, rủ tôi sang nhà anh Xiềng, khoe rằng anh biết “cắt tiết chày”! Nhà anh Xiềng có cái cối giã gạo chày bàn to và nặng. Khi giã, cả hai anh em (Tâm và Xiềng) hợp sức lại mới nhún nổi. Theo lời anh Nậu, tôi và Xiềng leo lên bàn cố sức nhún, cái mệ chày mới nâng bổng khỏi lòng cối.
Anh Nậu tay trái cầm dao năm (anh thuận tay trái) tay phải cầm bát đặt vào lòng cối. Sau đó anh Nậu lẳng lặng bỏ đi ra ngõ. Chúng tôi phải đứng lâu trên bàn cối, mỏi rời cả chân, nhưng không dám thả mệ cối, vì sợ mỏ chày giã xuống thì vỡ tan cái bát. Chúng tôi kêu hò ầm ĩ. Anh Nậu chạy vào toe toét cười: “Răng không có chờ coi tau cắt tiết chày?”. Rồi anh lấy cái bát trong lòng cối sâu hoắm lên, và nâng đỡ mệ chày, giúp chúng tôi hạ khúc gỗ đẽo vuông xuống!
Bây giờ anh Nậu đang thu dọn mọi thứ trong nhà, từ nhà trên xuống nhà dưới, thỉnh thoảng gọi tôi giúp một tay. Anh thuận tay trái, trông khó đăm đăm, thế mà nhanh nhẹn ra phết. Ngoài sân, đống sách vở, cơ nghiệp quí giá tích luỹ năm, sáu đời của gia đình tôi vẫn âm ỉ cháy từ trong đáy lòng nó, tiếp tục bốc khói nghi ngút. Tôi bỗng giật mình, chợt nhớ học bạ đệ nhất, đệ nhị, lớp bảy, cả gia phả bằng chữ Nho…
Tôi chẳng biết than thở cùng ai, đành gọi mẹ, phàn nàn với mẹ. Mẹ tôi thở dài nói: “Đến con người còn nay sống, mai chết, nói chi sách vở!” Ngẫm nghĩ một lúc, tôi thấy mẹ tôi nói đúng! Đến như các thánh nhân: Thích Ca, Lão Tử, Khổng Tử… cũng không thoát nạn, đáng kể gì hạng tôm tép, cóc nhái như mình! Học bạ còn giữ để làm gì? Gia phả bị mất, hại đến ai?
Tối hôm ấy, ông Lê Quang Lời (không rõ chức vụ gì) đứng giữa đình Văn Đoài – ngôi đình gỗ năm gian hai chái đồ sộ – châm ngòi lửa phát động cuộc đấu tranh chính trị nghiêng trời lệch đất! Dân chúng gái trai, già trẻ trong làng ngoài xã đứng chật đình. Ông Lời lớn tiếng vạch mặt chỉ tên từng thằng một. Ông kể tội ác hết tên này đến tên khác, những tên đã bị bắt, và những đứa chưa đến lượt.
Trước hết, vụ án “Cầu Nhân vi quân, Ái Đức vi thần”. Vụ này, khi tôi còn học ở Nông Cống cũng nghe nói. Chuyện có thật, nhưng thực chất không ghê gớm như ông Lời kể.
Ông Tiên Cầu Nhân bỗng dưng đêm đêm đứng giữa sân nhà, ngửng mặt nhìn lên bầu trời, vẽ vẽ vạch vạch vào tờ giấy hình tượng tinh tú. Rồi một hôm ông nói với dân làng: Thượng đế cho ông làm Thái thượng hoàng, con trai rốt của ông là Hà làm Hà thiên tử, ông Hàn lâm ở Ái Đức làm Thừa tướng. Lời sấm trời truyền ra rằng: “Cầu Nhân vi quân, Ái Đức vi thần”.
Rồi ông Tiên cho tiền bọn trẻ con, bảo tối tối rao hát dọc đường cái bên sông Lãng câu sấm ấy. Chính quyền địa phương thấy chuyện lạ, báo cáo cấp trên. Cấp trên điều tra. “Cầu Nhân vi quân” thì rõ rồi, còn “Ái Đức vi thần” là ai? Tìm hỏi mãi mới biết Ái Đức là thôn Ngọc Phương (nay thuộc xã Quảng Lĩnh, huyện Quảng Xương, Thanh Hoá). Nhưng Ngọc Phương không có ông Hàn lâm nào cả. Thì ra, ông giáo Gậu (Gụ) dạy tiểu học ở địa điểm thôn Ngọc Phương, lấy vợ người làng này.
Ông giáo dạy học lâu năm, có thành tích tốt, được triều đình Bảo Đại tặng bằng khen Hàn lâm đãi chiếu (hư hàm) nghĩa là cứ đợi đó, bao giờ chiếu chỉ vua gọi về triều đình Huế mới được nhận thực chức gì đó ở Viện Hàn. Nhưng ở làng quê, được như thế cũng là danh tiếng lắm, hơn hẳn Cửu phẩm văn giai hay Bát phẩm văn giai. Ông Hàn Gậu thân với Ông Tiên Cầu Nhân, thỉnh thoảng mời ông này về Ngọc Phương chơi hoặc cúng lễ. Ông Tiên Cầu Nhân đổi tên Ngọc Phương thành Ái Đức (Chữ “Ái Đức” đối với “Cầu Nhân”). Nhưng cái tên Ái Đức trình lên cấp trên chưa được phê duyệt. Vì thế, địa danh hành chính vẫn là Ngọc Phương.
Thái thượng hoàng, Hà thiên tử, Hàn Gậu Thừa tướng bị cấp có thẩm quyền bắt giam một thời gian rồi “tạm tha”, bởi “chủ mưu” chỉ là một ông tiên điên điên ngộ ngộ nói năng nhảm nhí. Tuy nhiên, ông Hàn Gậu mất đứt chân giáo viên tiểu học, phải trở về chánh quán Văn Đoài (làng tôi).
Ở đây, ông lấy người vợ thứ, có nhà cửa, con cái. Ông trở thành người có vẻ si mê, đần độn, suốt ngày làm lụng ngoài vườn tược, chẳng nói, không cười. Sáng sớm, ông đi gánh nước giếng đầu làng (vì cả làng từ xa xưa dùng chung một giếng, sau có thêm giếng Khổ ở xóm Bắc). Không nhà ai được phép đào giếng riêng, bởi làng sợ động chạm long mạch. Ông Hàn lấy tất cả năm vợ. Trên đường đi gánh nước qua hông nhà tôi, bọn trẻ nghịch ngợm hát giễu ông:
Ông Hàn hàn khắp đông tây
Những nồi đồng thủng không khỏi tay ông thợ hàn!
Ông Hàn Gậu vẫn lẳng lặng cúi đầu gánh nước, bước đi không nhanh, không chậm, tai như điếc, đầu óc như si mê.
Tính về quan hệ, thì ông Lời lấy con gái ông em, ông Hàn Gậu lấy con gái ông anh cùng làng. Ông Gậu được thả từ năm kia, nay có dịp, ông Lời lại lôi ông Gậu ra, rằng thằng nọ, thằng kia để chửi mắng, phê phán gay gắt. Tôi tin chắc ông Lời không biết rõ vụ án không thành án “Cầu Nhân vi quân, Ái Đức vi thần”, mà chỉ là kẻ ăn ốc nói mò, cốt chửi bới người ta cho sướng miệng.
Đêm thứ nhất, ông Lời xoay quanh chuyện tên Gậu, phân tích đi, phân tích lại thế nào là “quân”, thế nào là “thần”, có nghĩa chúng muốn khôi phục chế độ phong kiến áp bức bóc lột, cai trị dân ta ra sao…
Đêm thứ hai, chủ đề là bọn phản động Quốc Dân đảng và Hội Phật Giáo. Ông Lời nói đúng. Xóm tôi có hai tên lính Quốc Dân đảng. Đầu năm 1945, quân Tàu Vàng của Tưởng Giới Thạch sang nước ta tước vũ khí Nhật, theo lệnh Liên quân Đồng minh thế giới (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung).
Quân Tưởng đóng ở thị xã Thanh Hoá, một hôm thấy hai thanh niên đi lang thang trên đường phố, hỏi “Đi đâu?”, hai anh trả lời: “Bọn tôi đi kiếm công việc làm ăn”. Họ lại hỏi: “Có muốn làm y tá tiêm thuốc chữa bệnh không?” Hai anh đáp: “Có”. Thế là họ bắt khai danh tính, quán chỉ rồi cho đi học thật. Mới học được vài tháng, hai anh bị quân Việt Minh bắt, hỏi đầu đuôi, sau khi đánh cho một trận lại cho ăn uống tử tế. Hơn một tháng, quân Tàu Vàng bị quân Việt Minh đuổi về nước, hai anh cũng được tha, trở về quê quán.
Ông Lời, dĩ nhiên để kết tội hai tên Quốc Dân đảng cũng phải có ít xít ra nhiều. Ông kể tội rất nhiều kẻ thù trong làng, trong nước, lên án phong kiến đế quốc cấu kết với quân phát xít Nhật khiến dân ta một cổ đôi ba tròng. Nhưng qua ba đêm đấu tranh chính trị không có đối thủ, ông Lời vẫn bỏ sót, bỏ quên một người, đó là chính ông – Lê Quang Lời!
CÒN TIẾP
Không có nhận xét nào