07/4/2023
Bóng mặt trời đã tiến đến gần thềm nhà. Dù không nhìn đồng hồ, tôi vẫn đoán được giờ khắc theo thói quen: khoảng 11 giờ sáng. Thường thì mỗi ngày vào giờ này, xe cộ trên quốc lộ 13 rất là thưa vắng. Nhưng hôm nay nó có vẻ khác thường. Xe đò chỡ đông nghẹt người và chạy liên tục không ngừng. Lại có thêm nhiều xe gắn máy, mỗi chiếc chỡ ít nhất là hai người và thêm đồ đạc cồng kềnh. Hướng đi của hành khách trên quốc lộ 13 không nhất thiết là hướng Ðông, hướng về chợ Thủ Dầu Một, mà ngược lại. Ðặc biệt, hôm nay vắng bóng xe nhà binh và quần áo trận. Thỉnh thoảng mới thấy được một người đàn ông mặc quần trây-di, nhưng lại mặc áo sơ-mi thường, chứ không phải áo lính. Khách trên đường đa phần là đàn ông.
Tôi ngồi ở bậc thềm nhà trước, vừa lặt rau, vừa quan sát quốc lộ 13. Nghe nói đêm hôm qua Việt Cộng đã di chuyển quân về gần Bến Thế và Suối Giữa, có cả xe tăng và trọng pháo nữa. Không biết nguồn tin xuất phát từ đâu, chỉ nghe mấy bà đi chợ Bưng Cầu xầm xì với nhau, rồi tin ấy lọt vào tai chị Hai Tuyết. Chị Hai Tuyết kể lại cho tôi nghe mà không thêm thắt một lời bình phẩm nào. Nguồn tin vẫn chưa được phối kiểm và xác nhận. Có điều đặc biệt là tình hình buổi sáng hôm nay rất là khác thường hơn mọi ngày. Tôi nghĩ rằng đã có điều gì bất ổn xảy ra, chứ chẳng phải là tin đồn thất thiệt đâu. Thằng Sửu, con Bác Hai Sảnh, đã bỏ đơn vị về nhà, ở luôn mấy hôm liền. Thằng Bạc Lò Rèn đã bỏ đồn về nhà từ chiều hôm kia. Nghĩa Quân ở đồn Bưng Cầu hai ngày nay không thấy bén mảng ra chợ. Chắc là họ đang nằm im để giữ chặt đồn?
Tôi định hôm nay làm chả giò để đãi cả nhà nhân dịp anh chị em tôi họp mặt. Anh Ba Tâm từ Cần Thơ về được ba ngày nay. Anh bỏ sở trốn về sau khi nhận được điện tín của Ba. Út Tiếng đang nghỉ hè. Sáu Danh chết hụt ở Ban Mê Thuột, đã vượt suối trèo non gần một tháng mới mò về tới nhà. Chị Hai Tuyết đang ở tại nhà, coi như không có gì đáng nói. Chỉ thiếu chị Tư Vân mà thôi. Giờ đây chị Vân đã mồ yên mả đẹp, tôi mong thế. Chị Vân bị tai nạn xe hơi khủng khiếp ở Suối Giữa cách đây ba năm. Chị bị xe nhà binh Mỹ cán chết trên đường chị đi dạy học về. Tôi cũng vừa về từ Vĩnh Long sau nhiều ngày ráo nước bọt thuyết phục Lê cho phép đưa các cháu về thăm ông bà Ngoại. Phải khó khăn lắm mới thuyết phục được Lê. Chàng nêu ra những trắc trở, nào là quốc lộ 4 đã bị cắt đứt, tình hình Miền Nam đã chín muồi, rất có thể Mỹ sẽ bỏ rơi Miền Nam, mặt trận Xuân Lộc nếu bị chọc thủng thì Sài Gòn sẽ bị lâm nguy, v.v… Tôi trấn an Lê bằng những tham dự viên thời cuộc như Cậu Ba, Bác Bảy, Dượng Út… Họ là những người ở trong guồng máy chính quyền nên rất am tường thời cuộc. Nếu như sắp có chuyện gì xảy ra thì những người này hẳn phải biết trước và báo tin cho gia đình cùng thân nhân hay rồi. Ba tôi đã gửi xuống cho Lê hai bức điện tín, ông nói rằng tình hình không có gì đáng quan ngại. Sau cùng, ông điện thoại thẳng cho Lê và báo cho Lê biết là quốc lộ 4 đã được khai thông. Lê nể tình nhạc gia bèn lái xe đưa mẹ con tôi về Sài Gòn.
Hình minh họa từ Internet
Lê ngủ lại một đêm rồi sáng hôm sau quay về Cần Thơ. Buổi sáng, khi từ giã Lê, tôi thấy mắt chàng đỏ hoe. Tôi đoán chừng: Có thể Lê đã thức trắng đêm qua? Cũng có thể Lê đã khóc? Tôi ái ngại tiễn Lê ra cổng. Các con hãy còn yên giấc nên không có mặt để tiễn chân bố ra về. Thấy Lê không vui, tôi nửa muốn ở lại, nửa muốn theo chàng trở về Miền Tây. Lẽ nào về đến Sài Gòn rồi, chưa được gặp mặt mẹ cha, lại theo chồng trở về? Tôi định bụng sẽ ở lại vài hôm rồi trở về với chàng. Lê không vui đã đành, còn tôi cũng chết điếng nửa tâm can.
Ðêm qua chúng tôi nghỉ tại nhà Dì Út nên hai đứa phải ngủ riêng. Bé Giang và Doãn đòi ngủ chung với bố. Bé Hà và Chi là con gái mà cũng đòi ngủ chung với bố. Vì giuờng chật nên Hà và Chi mới chịu ngủ với tôi. Một đêm ngắn ngủi mà tôi phải cách xa Lê, hai đứa chưa nói được lời nào với nhau cho thỏa lòng mong nhớ. Lê đang làm việc ở Cần Thơ, nhận được cú điện thoại của nhạc gia, chàng bèn tức tốc về Vĩnh Long đưa mẹ con tôi về Sài Gòn. Suốt ba tuần lễ qua, Lê chưa có dịp về thăm mẹ con tôi. Quận Bình Minh của Vĩnh Long đã bị áp lực của địch suốt mấy ngày liền, mới vừa được giải tỏa xong mấy ngày nay. Tình hình ở Cần Thơ cũng chẳng sáng sủa gì. Có tin Việt Cộng về gần Ô Môn với trọng pháo 130 ly, chúng định làm cỏ thị xã Cần Thơ. Phi trường Trà Nóc đã ăn đạn pháo kích liên tiếp trong mấy ngày liền. Các đơn vị nằm trong phạm vi thị xã Cần Thơ phải ứng chiến 100%, trong đó có đơn vị của Lê. Ðôi mắt Lê sâu hoắm và thân hình gầy đi rất nhiều. Tôi đoán chắc là chàng ăn uống thất thường và thiếu ngủ!
Trên đường đi về Sài Gòn, Lê nói xa nói gần về Hiệp định Genève năm 1954 và cuộc di cư của gần một triệu người miền Bắc. Tôi không biết Lê muốn ám chỉ gì. Lê thường hay thở dài và bỏ lửng câu chuyện. Tôi phận đàn bà, công việc hàng ngày của tôi là nội trợ và nuôi con. Chính trị đối với tôi là một cái gì xa vời và trừu tượng. Chắc chắn là tôi hơn Lê về thời giá thị trường, nhưng tôi không thể nào theo kịp Lê về mặt chính trị và quân sự, mặc dù tôi vẫn đọc báo hàng ngày.
Lê nói có thể sẽ có một cuộc di cư vĩ đại hoặc là một cuộc tắm máu kinh khủng nhất trong lịch sử nhân loại. Chắc chắn là VC sẽ trả thù. Khi VC trả thù thì hậu quả khó mà lường được. Lò hơi ngạt của Ðức Quốc Xã để giết người Do Thái cũng chẳng ăn thua gì so với cách trả thù rất thâm độc của VC. Tôi nghe rờn rợn ở tóc gáy mặc dù chưa được nhìn thấy tận mắt cái chết của người Do Thái trong lò hơi ngạt của Ðức Quốc Xã ra sao. Lê đọc sách tả lại cảnh chết tập thể của người Do Thái, chàng kể lại cho tôi nghe. Sáu triệu người Do Thái! Biết đâu, đó chỉ là chuyện phóng đại cho có vẻ rùng rợn để kết tội Ðức Quốc Xã? Con số tưởng không có gì lớn lao, nhưng nếu so sánh với dân số Kampuchia thì con số ấy quả thật là lớn biết bao! Sáu triệu người Do Thái bằng tổng số dân Cam-Bốt! Thế mà Ðức Quốc Xã đã có đủ khả năng và can đảm tiêu diệt ngần ấy con người!
Có tiếng xe thắng gấp ở ngoài ngõ. Một chiếc xe lam vừa dừng lại, má tôi và chị Tuyết hối hả bước nhanh vô nhà. Rổ rau cũng vừa được lặt xong, tôi thu dọn số rau vụn rơi rớt trên nền nhà. Má tôi không nói không rằng, bà rút vội chiếc khăn rằn đang quấn trên đầu, đoạn bà nằm vật lên chiếc võng đang treo lơ lửng ở nhà ngang, vẻ mặt buồn xo, hơi thở mệt nhọc.
Chị Tuyết từ phòng tắm bước ra, vẻ mặt căng thẳng, hỏi tôi:
- Các cháu đâu rồi?
Nhìn vẻ mặt khẩn trương của chị Tuyết, tôi đoán có điều gì chẳng lành, vội hỏi:
- Có gì mà chị lính quýnh quá vậy?
Chị Tuyết lên giọng:
- Chưa trả lời người ta, lại đánh trống lảng!
- Chuyện gì thì cũng phải từ từ chớ! Làm gì mà hấp tấp dữ vậy?
- Giặc tới nơi rồi! Ở đó mà từ từ!
- Tới nơi là ở đâu, chị?
- Ông Tổng Thống đã đầu hàng rồi! Giặc đã tràn vào Sài Gòn! Em chưa hay à?
Tôi sững sờ:
- Em có hay biết gì đâu! Em bận làm chả giò nên không mở máy thu thanh.
- Ðài Sài Gòn vừa phát thanh lời kêu gọi của VC! Chị tưởng là em ở nhà đã hay tin rồi chứ!
Hình minh họa từ Internet
Má tôi đang nằm trên võng, hơi thở ra dồn dập. Bà không buồn góp một lời nào với chị em tôi. Sáng nay, Ba, anh Ba Tâm và Sáu Danh đi chợ Thủ thăm bà con, có lẽ họ bị kẹt xe trên đường về. Út Tiếng dẫn các cháu xuống thăm Bà Cố. Chắc cậu cháu cũng chưa hay biết gì!
Tôi đâm ra lo lắng cho Lê. Giờ này chàng đang làm gì ở đơn vị? Lệnh đầu hàng VC của Tổng Thống Dương Văn Minh đã ban ra, liệu Lê có thi hành lời kêu gọi nhục nhã ấy không? Lê sẽ đi trình diện? Bản án nào sẽ dành cho chàng? Tử hình? Khổ sai chung thân? VC sẽ đem nhốt chàng ở một nơi mà thân nhân không thể nào đặt chân tới được? Lê sẽ bị bỏ đói cho tới chết không chừng! Chàng sẽ bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần. Chàng sẽ phải khai lý lịch và trả lời khẩu cung, giống như ngày xưa chàng đã hỏi cung VC. Thời thế đã thay ngôi đổi chủ mất rồi! Kẻ thù của chàng nay đã trở thành chủ nhân ông cả nước. Chắc chắn là chúng sẽ trả thù chàng rất quyết liệt. Theo lời Lê nói trước đây, hình thức trả thù của VC có thể là tù đày khổ sai, nếu nhẹ, hoặc bản án tử hình, nếu có “tội ác” đối với chúng trước đây. Một trong hai hình thức trả thù của VC, Lê phải nhận lấy một, nếu chàng ra trình diện chúng.
Nghĩ tới đây, tôi bủn rủn tay chân. Lê không thể nào chết trẻ như thế được. Lê phải sống để nhìn thấy các con thân yêu lớn khôn. Nguồn an ủi của Lê là Giang, Hà, Chi, Doãn. Chàng đã từng nói với tôi như thế khi chúng tôi gần bên nhau. Khi có mặt ở nhà, Lê nuông chiều con, dỗ con từng giấc ngủ. Chàng thường căn dặn tôi là không được đánh các con khi chúng làm lỗi điều gì, mà chỉ nên dạy bảo chúng thôi. Tôi vâng lời Lê và hứa làm theo ý chàng. Cách ăn mặc cho con cũng phải hợp với ý chàng. Tất cả những gì có liên hệ đến con, tôi phải chiều theo ý Lê. Tôi chưa thấy một người cha nào thương con đến như thế. Trong khi đó, Lê chẳng hề để ý đến cuộc sống riêng tư của chính chàng. Lê ăn mặc rất giản dị. Chàng ăn sao cũng được, mặc sao cũng xong, miễn sao các con được ăn ngon mặc đẹp. Ðôi khi tôi nghĩ Lê là con người lập dị hoặc gàn. Theo tôi được biết, người mẹ thường thương con hơn người cha thương con, nhưng Lê trái ngược, chàng đã dành phần của vợ. Thành ra tôi chỉ là một bà vú của đàn con bốn đứa. Nhưng nguồn yêu thương của Lê đối với các con chỉ ở trên mặt lý thuyết vì Lê ít khi có mặt ở nhà. Tôi mới là người có công thực hiện lý thuyết ấy. Những tháng gần đây, Lê rất bận rộn với công vụ nên ít khi chàng có mặt ở nhà để “giám sát” phần vụ mà chàng đã “chỉ thị” cho người vợ. Nhưng không vì thế mà tôi dám lơ là công việc mà Lê đã giao phó cho tôi. Dù sao, con là con chung của hai đứa. Và hơn thế nữa, vì bổn phận làm vợ, tôi phải chu tất việc nhà. Nay, nếu Lê bị bắt, trách nhiệm làm mẹ càng nặng nề hơn, nó sẽ chồng chất lên đôi vai yếu đuối của tôi, vì cùng một lúc tôi vừa lo việc gia đình, vừa phải tìm kế mưu sinh cho bốn mẹ con.
Hình minh họa từ Internet
Chả giò đã được dọn lên bàn, mùi thơm lừng cả nhà. Mấy đứa nhỏ đói bụng nên đòi ăn đến nhức tai. Tôi dọn riêng cho chúng ăn trước. Phần tôi cũng đã đói, nhưng phải đợi cả nhà cùng ăn. Ba, anh Tâm và Danh vẫn chưa về! Má tôi không thiết ăn uống. Bà than mệt, trong người cảm thấy khó chịu. Chỉ có chị Hai Tuyết, Út Tiếng và tôi ngồi vào bàn ăn. Tôi cố giấu tin VC đã tràn vào Sài Gòn, không dám hở môi cho Út Tiếng và các con tôi biết. Bữa chả giò sum họp gia đình lại hóa ra là bữa ăn cuối cùng tiễn chân chế độ cũ! Có thể ba tôi, anh Ba Tâm và Sáu Danh đã bị VC chận bắt ở Thủ không chừng? Tôi nhai chả giò mà tưởng chừng như nhai phải đá sạn, nó chận ngang cuống họng, càng cố nuốt, càng cảm thấy xốn xang.
Ðêm đã dần khuya mà ba tôi, anh Ba Tâm và Sáu Danh vẫn chưa về. Má tôi ngủ thiếp trên chiếc võng. Chị Hai Tuyết đã vào phòng riêng. Út Tiếng cũng vừa đi ngủ với hai đứa cháu trai. Hà và Chi đã an giấc nồng. Giờ này chỉ còn lại mình tôi đang thao thức. Ánh đèn ở phòng khách trở nên vàng vọt hơn ngày thường. Tôi nằm trên chiếc ghế dựa, mở mắt nhìn trừng trừng vào khoảng không ở ngoài hiên nhà. Ðêm thật đậm đặc. Cả khu xóm đều im vắng lạ thường. Không một tiếng xe chạy ngoài đường. Không một tiếng chó sủa.
Tôi định bụng không nghĩ về Lê nữa, nhưng sao đầu óc tôi cứ lôi kéo tôi trở lại với thực tế phũ phàng. Sự im vắng của cảnh vật vùng quê càng vây quanh căn nhà tăm tối. Tôi như tụt hẳn vào khoảng vắng mênh mông và lẻ loi. Tôi đang xuân mà nụ cười chợt lịm tắt. Lệ đã vơi mà sao nó cứ tuôn tràn ra khoé mắt. Lê ơi! Em đã vì ba mẹ mà làm cho anh đau khổ. Xin anh hãy thứ lỗi cho em! Ðây là lần đầu và cũng là lần cuối. Em sẽ vâng lời anh, mãi mãi vâng lời anh. Anh chính là người thấu hiểu mọi việc. Ðời em nếu vắng anh, chẳng khác nào cây thiếu nước, hoa hướng dương thiếu ánh sáng mặt trời. Ngày mai em sẽ đi tìm anh. Em sẽ trở về quê anh, đợi anh về. Em sẽ ở đó mặc dù cho năm tháng chờ đợi mòn mỏi. Em xin cầu nguyện cho anh được bình an trở về mái nhà yêu dấu, để anh nhìn thấy bóng dáng thân yêu của trẻ thơ mỗi ngày mỗi lớn. Em sẽ đợi chờ anh nơi chốn cũ cùng với nụ cười tươi mát và tình yêu nồng nàng như lúc mới yêu nhau. Hoặc là em sẽ gặp lại anh nơi bên kia thế giới, nếu anh có mệnh hệ nào. Nhưng dù thế nào chăng nữa, em sẽ phải trở về quê hương yêu dấu của anh nội trong ngày mai. Hãy đợi em, anh nhé!
(Suối Bạc, 12 tháng 6 năm 1980)
Vĩnh Liêm
(Viết thay tâm sự của T.N. – Bình Dương)
Không có nhận xét nào