RFI
10/4/2023
Logo kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Pháp - Việt. © RFI / Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam
Ngày 12/04/2023, Việt Nam và Pháp kỉ niệm tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm 2023 cũng đánh dấu tròn 10 năm quan hệ đối tác chiến lược Pháp-Việt. Nhân dịp này, ngài Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery đã trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt qua điện thoại ngày 07/04/2023.
RFI : Thưa ngài Đại sứ, trong buổi họp báo ngày 14/03, ông đã giới thiệu rất nhiều hoạt động kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Pháp - Việt và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược trong năm 2023. Những sự kiện rất đa dạng này, từ văn hóa ngoại giao, quốc phòng đến kinh tế, có phản ánh được tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai nước ? Cột mốc này sẽ đánh dấu cho sức bật mới cho quan hệ song phương ?
Đại sứ Nicolas Warnery : Mối quan hệ Pháp-Việt có điều gì đó rất đặc biệt bởi vì đó là thành quả của một quá trình lịch sử chung giữa hai nước chúng ta, với những thời điểm đau thương, tăm tối, sau đó là những lúc tươi sáng, hạnh phúc. Đó là mối quan hệ chính trị, mà chúng ta đều thấy ở cấp cao giữa các nhà lãnh đạo, mối quan hệ đa dạng với những hợp tác ở cấp địa phương, giữa các trường đại học, bệnh viện, doanh nghiệp. Đó là chưa kể những mối quan hệ cá nhân nhờ vào những người sống ở Pháp hoặc ở Việt Nam do nguồn gốc xuất thân của họ, do quá trình học tập, do sự nghiệp hoặc từ những chuyến đi, đóng vai trò cầu nối giữa hai nước.
Từ 50 năm nay, chúng ta đã có những thành công tốt đẹp về thương mại-đầu tư, về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, về giáo dục đại học, nghiên cứu, y tế, quản trị, hành chính và trong nhiều lĩnh vực có thể ít được biết đến hơn như an ninh và quốc phòng. Điều mà tôi thấy hữu hiệu và mạnh mẽ, đó là những mối quan hệ hợp tác cụ thể, đáp ứng những ưu tiên mà hai nước chúng ta cùng chia sẻ. Chúng ta không tuyên bố suông mà tiến hành cụ thể. Và những năm gần đây, chúng ta đã cố nâng tầm mối quan hệ đối tác này qua việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, được ký cách đây 10 năm.
Do đó, năm nay, chúng tôi cố gắng thực hiện một chương trình hành động đa dạng, phong phú để kỉ niệm sự kiện này, đồng thời cho thấy mọi mặt của mối quan hệ rất đặc biệt với khẩu hiệu bên dưới logo mà chắc quý vị đã thấy, đó là « Các nền văn hóa được chia sẻ ». Gọi là « Các nền văn hóa » để chứng minh rằng chúng ta chia sẻ thực sự hai nền văn hóa với nhau. Tất cả các sự kiện được nêu trên trang web và mạng xã hội Facebook của Đại sứ quán Pháp.
Có thể thấy một năm rất sinh động. Chúng tôi không những muốn nhớ về quá khứ mà còn hướng đến hiện tại và tương lai với nhiều ước vọng lớn. Chúng tôi muốn phát triển trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước dựa trên thỏa thuận tự do thương mại giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam. Chúng tôi cũng muốn tập trung sức lực vào mảng chống biến đổi khí hậu, đồng hành với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Và chúng tôi cũng muốn tăng cường hợp tác quốc phòng. Quý vị có thể thấy đây là một năm kỉ niệm, nhưng cũng là bàn đạp để hướng đến tương lai gần.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) và tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, ngày 27/03/2018 tại điện Elysée, Pháp. CHARLES PLATIAU / POOL / AFP
RFI : Nhân nói về văn hóa, Việt Nam đã đàm phán thành công với nhà bán đấu giá Pháp Millon và hồi hương ấn vàng của vua Minh Mạng nhờ một nhà sưu tập Việt Nam. Rất nhiều người nổi tiếng đề nghị chính phủ Việt Nam lập một ủy ban thống kê cổ vật Việt Nam được bảo quản ở nước ngoài, trong đó có Pháp. Pháp sẽ hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam trong dự án này không ?
Đại sứ Nicolas Warnery : Chúng tôi đã rất chú ý theo dõi quãng thời gian đàm phán hồi hương ấn vàng của vua Minh Mạng mà cựu hoàng Bảo Đại sở hữu. May là quãng thời gian này rất ngắn. Chúng tôi được thông báo về việc này rất sớm. Lúc đó, chúng tôi đã báo ngay cho Paris về thực chất của vấn đề, tiếp theo là kết nối chính quyền Việt Nam với nhà bán đấu giá để bên muốn có được ấn vàng có thể thỏa thuận mua và tránh bán công khai. Phải nhắc lại là đây là một cổ vật quý giá, đầy ý nghĩa lịch sử xúc động. Tôi rất vui vì mọi chuyễn đã diễn ra tốt đẹp và ấn vàng đã có thể được đưa về Việt Nam. Ở điểm thứ hai liên quan đến ủy ban thống kê bảo vật, đúng là chúng tôi đã nghe nói nhưng hiện giờ chúng tôi chưa được đề nghị hỗ trợ.
RFI : Trong lĩnh vực du lịch, năm 2021, chính phủ Pháp công bố kế hoạch « Destination France » để đưa Pháp thành điểm du lịch hàng đầu thế giới và du lịch bền vững. Đại sứ quán Pháp và các đối tác giới thiệu nước Pháp đến với người Việt như thế nào ? Có phải do thành công mà thời hạn xử lý hồ sơ xin thị thực bị kéo dài trong thời gian gần đây ? Cơ quan lãnh sự nhận được rất nhiều đơn xin visa du lịch ?
Đại sứ Nicolas Warnery : Đúng là có rất nhiều đơn xin thị thực. Tôi xác nhân điều đó. Giờ Pháp mở cửa trở lại và cuộc khủng hoảng đại dịch đã lùi xa, « Điểm đến nước Pháp » lại thu hút đông đảo người Việt Nam. Chúng tôi thấy số lượng đơn xin thị thực du lịch bùng nổ từ mùa hè năm ngoái và rất vui về điều này. Nhưng đó không phải là lý do khiến việc cấp thị thực bị trễ mà do thời hạn xử lý hồ sơ kéo dài hơn. Thêm vào đó, chúng tôi mới triển khai một cổng dịch vụ mới, một hệ thống mới hiệu quả hơn. Như quý vị vẫn biết, thỉnh thoảng có chút vấn đề trong giai đoạn chạy thử.
Về phần mình, dĩ nhiên chúng tôi tiếp tục quảng bá các sự kiện, hình ảnh về nước Pháp. Chúng tôi cũng tiếp tục thông tin về những sự kiện được tổ chức ở Việt Nam nhân dịp kỉ niệm 50 năm này, cũng như những sự kiện có thể diễn ra ở Pháp. Chúng tôi muốn cho thấy hình ảnh một nước Pháp biết rõ những điểm mạnh của mình và nổi tiếng về ẩm thực và di sản.
Ngoài ra, chúng tôi cũng tìm cách làm nổi bật những thế mạnh khác, đôi khi ít được biết đến hơn, như tính hiện đại, đổi mới, khoa học và công nghệ cao, cũng là những chủ đề tham quan, như khu khoa học Cité des Sciences có rất nhiều địa điểm ở Pháp, dù là ở vùng Paris hay ở tỉnh, hướng đến tương lai, khoa học, phát triển kiến thức. Đó cũng là những thế mạnh du lịch của Pháp, tương tự với du lịch bền vững, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp… Chúng tôi muốn đề cao giá trị của tất cả những hình thức này. Cho nên, khách có thể đến Pháp với những chương trình du lịch rất khác nhau.
RFI : Điểm thứ ba liên quan đến quốc phòng, tuần dương hạm Prairial vừa mới kết thúc chuyến thăm cảng Hải Phòng để khẳng định hợp tác quốc phòng song phương và cam kết của Pháp trong việc tôn trọng luật pháp quốc tế và tự do lưu thông ở những khu vực chung. Vào đầu tháng 12/2022, nhiều công ty Pháp đã tham dự Triển lãm Quốc phòng Quốc tế lần đầu tiên do Việt Nam tổ chức. Qua đó liệu có thể nghĩ đến một mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn, rộng hơn trong khi Việt Nam đang tìm cách đa dạng mạng lưới đối tác quốc phòng kể từ khi xảy ra chiến tranh Ukraina ?
Đại sứ Nicolas Warnery : Tuần dương hạm Prairial dừng ở Hải Phòng bốn ngày và đã rời cảng hôm qua (06/04) hướng ra Biển Đông (đại sứ Pháp sử dụng từ « Mer de l’Est » - Biển Đông) nơi tầu đang hoạt động. Đây là một chuyến cập cảng xã giao truyền thống và hợp tác nhưng cũng là một chuyến thăm đặc biệt vì là chuyến thăm đầu tiên từ sau đại dịch Covid. Còn những lần cập cảng trước đều diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt, đúng lúc phong tỏa, thủy thủ đoàn được đưa thẳng đến khách sạn để nghỉ ngơi và không có bất kì tiếp xúc trực tiếp nào với các đồng nhiệm, đối tác và người dân Việt Nam.
Vì thế, chuyến thăm lần này thực sự diễn ra tốt đẹp với nhiều hoạt động tương tác, được gọi là « PASSEX » giữa tầu và Hải quân Việt Nam. Hải quân Việt Nam lên thăm tầu Prairial, còn thủy thủ Pháp lên thăm một tầu thủy đạc Việt Nam. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động giao lưu hữu nghị và thể thao khác, như đội ngũ y tế trên tầu đã gặp lãnh đạo trường Đại học Y Dược Hải Phòng. Sự kiện cho thấy tinh thần vô cùng tích cực, nhất là lại diễn ra vào dịp đặc biệt kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao mà chúng ta đề cập ở trên.
Chị nhắc đến hợp tác quốc phòng ở trên. Tôi xin nhấn mạnh là vào tháng 11/2021, khi thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính thăm Paris, lãnh đạo chính quyền hai nước đã nhất trí phát triển nhiều dự án cơ cấu trong lĩnh vực quốc phòng, trong đó có những dự án cung cấp trang thiết bị, bởi vì cùng phối hợp vì hòa bình thường đi đôi với hợp tác công nghiệp và về mặt trang thiết bị.
RFI : Có nghĩa là sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng Pháp hiện diện ở Việt Nam ?
Đại sứ Nicolas Warnery : Đúng vậy. Điều mà tôi giải thích ở đây đó là chính sách của Pháp. Việc này đi kèm với sự hiện diện liên tục của công ty cung cấp thiết bị quân sự. Họ đã có mặt ở Việt Nam trước đại dịch Covid, giữ liên lạc trong giai đoạn đại dịch. Họ tham gia Triển lãm Quốc Phòng mà chị nói ở trên và họ hoàn toàn sẵn sàng làm việc với bộ Quốc Phòng Việt Nam, với những đối tác Việt Nam có thẩm quyền trong những lĩnh vực này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 04/11/2021. AP - Lewis Joly
RFI : Nhóm G7 và Liên Hiệp Châu Âu, trong đó có Pháp, đã ký với các nhà lãnh đạo Việt Nam một thỏa thuận đối tác đầy tham vọng về chuyển đổi năng lượng ngày 14/12/2022. Pháp có những dự án hỗ trợ Việt Nam như nào ? Đổi lại, Pháp trông đợi gì từ phía các đối tác Việt Nam ?
Đại sứ Nicolas Warnery : Chị có lý khi nhắc đến Thỏa thuận Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) ký ở Bruxelles ngày 14/12/2022, bởi vì đó là một thỏa thuận vô cùng quan trọng, được ký chỉ hơn một năm sau khi Việt Nam đưa ra những cam kết tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc - COP 26 ở Glasgow mà chúng tôi hết sức ủng hộ, cổ vũ, và sau chuyến thăm Paris của thủ tướng Phạm Minh Chính. Pháp và Việt Nam cam kết nỗ lực hoàn toàn trong cuộc chiến chung này để bảo vệ hành tinh, chống biến đổi khí hậu và dĩ nhiên là có chuyện chuyển đổi năng lượng vì hai mảng này liên hệ mật thiết với nhau.
Hiện giờ, điện là lĩnh vực phát thải nhiều khí carbon nhất ở Việt Nam. Đây là điểm phải cần nhiều nỗ lực. Trong thỏa thuận JETP này, có khoảng 15,5 tỉ đô la ngân sách công và tư được dự trù và sẽ được huy động để chủ yếu tăng cường mạng lưới điện Việt Nam, triển khai các năng lượng tái tạo trên cả nước. Đây là cách chúng ta loại trừ khí thải trong quá trình sản xuất điện ở Việt Nam và hoạt động tăng trưởng của Việt Nam về mặt năng lượng
Điều thay đổi với thỏa thuận JETP là chúng tôi sẽ gia tăng nỗ lực. Thông qua một thỏa thuận đối tác ba bên, gồm AfD (Cơ quan Phát triển Pháp) - EDF (Công ty Điện lực Pháp) - EVN (Công ty Điện lực Việt Nam), chúng tôi sẽ tăng cường quan hệ đối tác để giúp Việt Nam lập kế hoạch chuyển đổi năng lượng. Phải chuẩn bị cho cả quá trình này vì việc đó đòi hỏi rất nhiều công sức trước khi thực hiện các dự án và để tài trợ cho các khoản đầu tư cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng.
Dự định là vậy : Làm tất cả để Việt Nam có thể giữ được mọi cam kết. Về phần mình, chính phủ Việt Nam cần đưa ra những dự án cụ thể, những tài trợ cụ thể và chương trình tài chính cụ thể. Chính phủ cũng cần tạo ra một môi trường pháp lý hấp dẫn để các doanh nghiệp, vì có cả lĩnh vực tư nhân như tôi nói ở trên, có tầm nhìn tốt hơn về các dự án phát triển năng lượng tái tạo và có thể đến đầu tư một cách an toàn, ví dụ xây dựng những trang trại điện mặt trời hoặc điện gió.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn ngài đại sứ Nicolas Warnery.
Không có nhận xét nào