Bà Tina Spicher, Phó Tổng Lãnh Sự Đức tại thành phố Hồ Chí Minh thăm Chùa Thiên Quang, ngày 5/4/2023. Facebook Chua Thien Quang.
Chính quyền huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa quyết định yêu cầu trụ trì chùa Thiên Quang phải tháo dỡ những công trình tồn tại nhiều năm qua, tuy nhiên sư trụ trì này nói với VOA rằng nếu ông chịu đi theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam được nhà nước hậu thuẫn thì ngôi chùa của ông có thể được tồn tại.
Chùa Thiên Quang, tọa lạc tại xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, là một cơ sở tôn giáo độc lập được hình thành từ năm 2000, là nơi sinh hoạt cho tăng chúng và đạo tràng ở khu vực này. Từ khi các tu sĩ ở đây quyết định đi theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, một giáo hội không được chính quyền Việt Nam công nhận, họ được cho là bị “đưa vào tầm ngắm” của chính quyền địa phương.
Thích Thiên Thuận, sáng lập chùa Thiên Quang, cho VOA biết về quyết định tháo dỡ của chính quyền:
“Qua quá trình sinh hoạt cũng gặp rất nhiều khó khăn. Những công trình được xây dựng từ năm 2000, sau đó là 2006, và 2018. Bây giờ họ ra quyết định đòi tháo dỡ hết những công trình đã xây dựng”.
“Đứng trước tình cảnh này nhà chùa rất bàng hoàng”, vị trụ trì chùa cho biết.
Ông cho biết thêm rằng chính quyền các cấp từ xã, huyện, tỉnh đã đến vận động các chư tăng ở chùa đi theo và chịu sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhưng các chư tăng đã từ chối, nói rằng họ muốn sinh hoạt tôn giáo độc lập.
Đại đức Thích Thiên Thuận cho biết nếu ông thuận theo yêu cầu của chính quyền thì họ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ông và nhà chùa, cũng như ông sẽ được “yên ổn”.
Ông cho biết chính quyền hôm 28/3 một lần nữa đến vận động:
“Họ từ phòng Tài nguyên, Ban Tôn giáo, Chính quyền, Mặt trận…gồm có 7 người xuống đây làm việc, và nội dung cũng loanh quanh như vậy.
“Tôi trình bày với họ rằng sở dĩ chùa Thiên Quang xây dựng trên đất nông nghiệp hay đất cây lâu năm do chúng tôi từ năm 2000 đã xin tạm trú, thường trú nhưng quý vị đã từ chối và cho đến bây giờ vẫn chưa được thường trú ở ngôi chùa của mình.
“Các loại giấy tờ về đất đai để xin làm hợp pháp, họ cũng từ chối và họ chưa bao giờ ký cho nhà chùa một tờ giấy nào cả.
“Nhưng vì nhu cầu sinh hoạt tâm linh, tôn giáo ở đây rất lớn, nên nhà chùa có làm những công trình cấp 4 như nhà gỗ, tiền chế bằng sắt, vách trống… không kiên cố đến nỗi vi phạm pháp luật”.
Hôm 17/3, chính quyền huyện Xuyên Mộc phát đi thông báo về việc “đề nghị di dời tài sản, hiện vật ra khỏi công trình” này, bao gồm cả tượng Phật và không gian thờ tự, trong vòng 20 ngày.
Hôm 5/4, bà Tina Spicher, Phó Tổng Lãnh Sự Cộng Hoà Liên Bang Đức tại thành phố Hồ Chí Minh, đến thăm ngôi chùa này và gặp gỡ các chư tăng ở đây, theo trang Facebook của Chùa Thiên Quang.
Nhà ngoại giao Đức này “đến để thăm hỏi, chia sẻ cũng như thể hiện sự quan tâm đến hiện trạng của nhà chùa trước những quyết định cưỡng chế từ phía chính quyền”, trang này viết, đăng kèm theo các hình ảnh của bà Spicher.
VOA đã email Tổng Lãnh sự quán Đức để tìm hiểu thêm về chuyến thăm này, nhưng chưa được phản hồi ngay.
Trước đó, vào cuối năm 2021, giới ngoại giao phương Tây, bao gồm Đức và Mỹ, đã đến thăm chùa, sau khi cơ sở này nhận được quyết định tương tự của chính quyền ký vào ngày 5/11/2021, trong đó nêu lý do tháo dỡ là vì “dự án làm kênh thủy lợi”. Sau đó, hai cơ quan ngoại giao của Đức và Mỹ đã gửi công hàm đến chính quyền tỉnh bày tỏ sự quan tâm của họ đối với ngôi chùa này, và đồng thời kêu gọi chính quyền Việt Nam tôn trọng quyền tự do tôn giáo.
Vị sư trụ trì nói với VOA rằng dự án kênh mương này chưa bao giờ được triển khai và nay không nghe chính quyền nhắc đến nữa.
Các cấp chính quyền ở Xuyên Mộc, UBND tỉnh và Ban Tôn giáo tỉnh không trả lời ngay kêu cầu bình luận của VOA.
Hòa thượng Thích Vĩnh Phước, thuộc Tăng Đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nói với VOA rằng chính quyền ép tháo dỡ chùa Thiên Quang vì người sáng lập chùa này đi theo giáo hội không do nhà nước quản lý.
“Nhà nước trước đây bày ra việc làm con mương để cưỡng chế việc xây dựng của chùa Thiên Quang. Bây giờ lại bày ra việc “đất nông nghiệp”, “đất trồng cây lâu năm” bị biến thành khu vực nhà ở [phi nông nghiệp].
“Cốt lõi ở đây là thể chế: nhà nước Cộng sản Việt Nam muốn tất cả các tôn giáo nằm trong sự quản lý của họ. Với Phật giáo thì phải đưa vào và nằm trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và nếu những vị thầy nào, những ngôi chùa nào không nằm trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam - thường được gọi là Giáo hội Quốc doanh – đều bị trấn áp và bị cô lập, cho dù mình có xin gì đi nữa, làm đơn xin cho đúng nguyên tắc pháp lý thì họ cũng không giải quyết”.
Trong các báo cáo về tự do tôn giáo ở Việt Nam gần đây, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết “Chính quyền cấp tỉnh và địa phương tiếp tục các dự án phát triển kinh tế - xã hội và đòi hỏi phải thu hồi quyền sử dụng đất và phá dỡ tài sản của các tổ chức tôn giáo hoặc các cá nhân trên cả nước”.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn thông tin một tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Hoa Kỳ, cho biết rằng chính quyền tiếp tục sách nhiễu các cộng đồng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất với nỗ lực tịch thu các đền chùa, cơ sở của họ và buộc các thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam được chính quyền công nhận.
Báo cáo năm 2021 của Bộ Ngoại giao Mỹ viết: “Đại sứ Hoa Kỳ, Đại biện và các viên chức đại sứ quán và tổng lãnh sự quán tiếp tục hối thúc chính quyền cho phép tất cả các nhóm tôn giáo hoạt động một cách tự do, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, các hội thánh Tin lành và Công giáo tư gia, và các nhóm Cao Đài và Hòa Hảo độc lập”.
Vào tháng 12/2022, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt vì vi phạm tự do tôn giáo. Hà Nội nói rằng hành động này của Washington là “dựa trên những đánh giá thiếu khách quan cũng như các thông tin không chính xác về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam”. Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng: “Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân”.
Không có nhận xét nào