Header Ads

  • Breaking News

    Vẫn thế, chỉ ‘bòn khố rách sắm dù, sơn kiệu’ (*)!

    Trân Văn /VOA

    Hình minh họa. 

    Kinh tế như thế, xã hội như thế, dân chúng lầm than như thế nhưng chỉ có “Đồ án quy hoạch trụ sở 36 bộ ngành, cơ quan thuộc chính phủ, cơ quan trung ương của đoàn thể” là cụ thể thì nên xếp hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vào loại nào? 

    Ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng Việt Nam vừa phê duyệt “Đồ án quy hoạch trụ sở 36 bộ ngành, cơ quan thuộc chính phủ, cơ quan trung ương của đoàn thể”. Theo đó, từ nay đến năm 2030, chính phủ Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống trụ sở mới cho 18 bộ, bốn cơ quan tương đương cấp bộ và sáu cơ quan trung ương của các đoàn thể ở hai nơi : Phía Tây của Hồ Tây (diện tích 35 héc ta) và Mễ Trì (diện tích 55 héc ta).

    Các trụ sở được xây dựng ở khu vực phía Tây của Hồ Tây sẽ là các tòa nhà có từ 12 đến 25 tầng song song với các công trình phụ trợ, các trung tâm dịch vụ thương mại có từ 6 đến 24 tầng. Các trụ sở được xây dựng ở khu vực Mễ Trì sẽ là các tòa nhà có từ 17 đến 25 tầng, công trình công cộng dịch vụ từ 3 đến 5 tầng, có 2 đến 5 tầng ngầm làm bãi đậu xe, khu kỹ thuật, kho chứa (1)...

    ***

    Nếu đặt “Đồ án quy hoạch trụ sở 36 bộ ngành, cơ quan thuộc chính phủ, cơ quan trung ương của đoàn thể” bên cạnh một số thông tin khác liên quan đến kinh tế - xã hội ắt sẽ thấy nhiều điều đáng ngẫm nghĩ. Ví dụ: Do sản xuất – kinh doanh khó khăn, trong hai tháng đầu năm 2023, có 51.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, con số này còn cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại (2).

    Đầu tháng này – hai tháng sau thông tin vừa dẫn, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) loan báo: Trong quý 1 năm nay, có 60.241 doanh nghiệp trên toàn quốc rút lui khỏi thị trường, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái (năm cả kinh tế lẫn xã hội còn lao đao vì đại dịch). Số doanh nghiệp rời thị trường không chỉ cao hơn mà đã “gần gấp đôi” số doanh nghiệp mới thành lập (3).

    Trung bình, mỗi tháng trong ba tháng vừa qua, có hơn 20.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nói cách khác mỗi ngày có khoảng 670 doanh nghiệp ngừng hoạt động và đa số (71%) lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong quý một tăng 20,1%, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng 13,1%, số doanh nghiệp giải thể tăng 6,5%.

    Tổng cục Thống kê xác nhận, năm nay là năm đầu tiên trong lịch sử các quý 1, số doanh nghiệp đóng cửa, rút lui cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường... Ai cũng có thể thấy, không chỉ giảm về số lương, doanh giới đang thu hẹp quy mô hoạt động, số người thất nghiệp càng ngày càng cao. Mảng dịch vụ cũng hết sức u ám, nhiều khu vực vốn sầm uất giờ vắng hoe và giới kinh doanh thi nhau trả lại nơi đã mướn...

    Chuyện chưa ngừng ở đó, theo kết quả cuộc khảo sát về chỉ số PCI (dùng để đo chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền) 2022 do Liên đoàn Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện thì chỉ có 35% doanh nghiệp tư nhân và 33% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nghĩ tới mở rộng hoạt động trong vòng hai năm tới.

    Thêm một lần nữa, chính quyền Việt Nam lại mời gọi doanh giới thảo luận về “tháo gỡ khó khăn”. Tuy nhiên những đề nghị mà doanh giới nêu ra đã lâu (miễn hoặc giảm thuế, giảm lãi suất, thậm chí cho vay không tính lãi,...) mới được Bộ trưởng Công Thương trả lời hôm 24/4/2023 là sẽ trình Quốc hội, chính phủ xem xét. Viên Bộ trưởng đương nhiệm chỉ tái xác nhận điều ai cũng biết: Khó khăn sẽ còn kéo dài (4)!

    Tất cả các viên chức hữu trách trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đều đã lặp đi, lặp lại chuyện “cần có giải pháp kịp thời, phù hợp” nhưng “giải pháp kịp thời, phù hợp” vẫn chỉ ngừng lại ở mức... “cần” chờ thêm, thời gian chờ đợi không chỉ tính bằng năm vì “giải pháp kịp thời, phù hợp” đã nằm trên môi, miệng của các viên chức hữu trách trong vài thập niên. 

    Bất kể nhiều giới - sau những giới dễ tổn thương vì nghèo khổ, nay đã đến lúc doanh giới cũng ngắc ngoải - không ngừng rên xiết, ảm đạm không còn là thực trạng mà đã trở thành tất yếu ở cả tương lai nhưng thứ cụ thể nhất mà chính quyền đề ra vẫn là những loại như... “Đồ án quy hoạch trụ sở 36 bộ ngành, cơ quan thuộc chính phủ, cơ quan trung ương của đoàn thể”! 

    Kinh tế như thế, xã hội như thế, dân chúng lầm than như thế nhưng chỉ có “Đồ án quy hoạch trụ sở 36 bộ ngành, cơ quan thuộc chính phủ, cơ quan trung ương của đoàn thể” là cụ thể thì nên xếp hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vào loại nào? Bao nhiêu hội thảo, hội nghị “tháo gỡ khó khăn” từ trung ương đến địa phương thì sẽ có “giải pháp kịp thời, phù hợp” để “quốc thái, dân an”?

    Chú thích

    (*) Một câu thơ trong bài Á tế Á ca hay còn gọi là Bài ca thức tỉnh quốc dân – có nguồn cho là của Tăng Bạt Hổ, có nguồn cho là của Phan Bội Châu.

    (1) https://vnexpress.net/thu-tuong-phe-duyet-tru-so-moi-cua-36-bo-nganh-4597410.html

    (2) https://baodautu.vn/hai-thang-51400-doanh-nghiep-rut-lui-khoi-thi-truong-d184565.html

    (3) https://thesaigontimes.vn/kho-khan-bua-vay-doanh-nghiep-lien-tuc-thoai-lui-khoi-thi-truong/

    (4) https://tuoitre.vn/doanh-nghiep-keu-kho-khan-hien-nay-khong-khac-thoi-covid-19-bung-phat-nang-nhat-2023042514525894.htm

    https://www.voatiengviet.com


    Không có nhận xét nào