Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094 của Hải quân Trung Quốc. (Ảnh: Đông Phương/viettimes).
Reuters đưa tin Trung Quốc lần đầu tiên duy trì ít nhất một tàu ngầm tên lửa đạn đạo trang bị hạt nhân thường xuyên trên biển (theo một báo cáo của Lầu Năm Góc) – nhằm gây thêm áp lực lên Hoa Kỳ và các đồng minh khi cố gắng chống lại Bắc Kinh – giờ được coi là một quân đội ngày càng lớn mạnh.
Quân đội Trung Quốc cho biết hạm đội 6 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Jin của nước này đang thực hiện các cuộc tuần tra “gần như liên tục” từ đảo Hải Nam vào Biển Đông. Theo các nhà phân tích thì các tàu ngầm này được trang bị một tên lửa đạn đạo mới, với tầm xa hơn, nên chúng có thể tấn công vào lục địa Hoa Kỳ.
Theo các nhà phân tích quân sự mặc dù bản báo cáo dài 174 trang đã hầu như không gây được sự chú ý nào nhưng điều đó cho thấy có những cải tiến quan trọng trong khả năng quân sự của Trung Quốc.
Ngay cả khi thỏa thuận AUKUS sẽ cho cả thế giới thấy rằng nước Úc chuẩn bị triển khai các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên trong 20 năm tới, thì Trung Quốc vẫn có thể liên tục tuần tra tên lửa đạn đạo trên biển nhằm gây căng thẳng cho nguồn lực của Hoa Kỳ và các nước đồng minh.
Christopher Twomey, một học giả quân sự, hiện công tác tại Đại học Hải quân Hoa Kỳ – chương trình cao học ở California, cho biết: “Chúng tôi có kế hoạch để các SSN theo dõi các tàu ngầm này … vì vậy chúng tôi có nhu cầu bổ sung khí tài”. SSN là tên gọi của Hoa Kỳ dành cho tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân. “Nhưng vấn đề ở đây là thông tin đã thay đổi nhanh đến mức chúng tôi không biết những gì đã thay đổi.”
Các cuộc tuần tra mới và thường xuyên có mục đích nhằm phô trương những cải tiến quân sự trên nhiều mặt từ hậu cần, chỉ huy, kiểm soát, cho đến khí tài. Các tùy viên quân sự, cựu thủy thủ tàu ngầm và các nhà phân tích quân sự cho biết, chúng cũng cho thấy cách Trung Quốc bắt đầu vận hành các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo giống như cách mà Mỹ, Nga, Anh và Pháp đã làm trong nhiều thập kỷ qua.
“Các cuộc tuần tra răn đe” của họ cho phép họ có khả năng ngăn chặn một cuộc phản công hạt nhân ngay cả khi các hệ thống và tên lửa trên đất liền bị phá hủy. Theo học thuyết hạt nhân cổ điển thì điều đó sẽ cho họ khả năng ngăn chặn kẻ thù tiến hành một cuộc tấn công.
Tướng Anthony Cotton, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ, phát biểu trong một phiên điều trần trước quốc hội vào tháng 3, cho rằng các tàu ngầm Trung Quốc hiện đang được trang bị tên lửa thế hệ thứ ba, JL-3.
Báo cáo của Lầu Năm Góc lưu ý rằng với tầm bắn ước tính hơn 10.000 km (6.214 dặm) và mang theo nhiều đầu đạn, JL-3 cho phép Trung Quốc lần đầu tiên vươn tới lục địa Hoa Kỳ từ vùng ven biển Trung Quốc.
Các báo cáo trước đây cho biết JL-3 dự kiến sẽ không được triển khai cho đến khi Trung Quốc hạ thủy các tàu ngầm Type-096 thế hệ tiếp theo trong những năm tới.
Bộ quốc phòng Trung Quốc đã không trả lời yêu cầu bình luận về báo cáo của Lầu Năm Góc và việc triển khai tàu ngầm của nước này. Lầu Năm Góc cũng không bình luận về các đánh giá trước đó hay về vấn đề liệu việc triển khai của Trung Quốc có gây ra thách thức cho các hoạt động quân sự hay không.
Hạm đội Thái Bình Dương cho biết Hải quân Hoa Kỳ có khoảng hai chục tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân trên khắp Thái Bình Dương, bao gồm cả đảo Guam và Hawaii. Theo AUKUS, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hoa Kỳ và Anh sẽ được triển khai ra khỏi Tây Úc từ năm 2027.
Những tàu ngầm như vậy là vũ khí cốt lõi để săn tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, được hỗ trợ bởi các tàu mặt nước và máy bay giám sát P-8 Poseidon. Mỹ cũng có các cảm biến đáy biển ở các tuyến đường biển quan trọng để giúp phát hiện tàu ngầm.
Timothy Wright, một nhà phân tích quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, cho biết các lực lượng Mỹ có thể đối phó với tình hình hiện nay, nhưng sẽ phải cam kết nhiều khí tài hơn trong 10 đến 15 năm tới khi mà các cuộc tuần tra tàng hình của Type-096 chính thức bắt đầu.
Ông nói thêm, việc Trung Quốc nhanh chóng mở rộng lực lượng hạt nhân đồng nghĩa với việc các chiến lược gia của Mỹ lần đầu tiên phải đối mặt với hai “đối thủ hạt nhân ngang hàng” – Trung Quốc và Nga.
“Điều đó sẽ gây lo ngại cho Hoa Kỳ vì nó sẽ kéo căng hệ thống phòng thủ của Hoa Kỳ, khiến nhiều mục tiêu gặp phải rủi ro hơn và những vấn đề rồi sẽ cần phải được giải quyết bằng các nguồn lực và hạt nhân bổ sung”, ông nói.
Thẩm quyền chỉ huy
Các nhà phân tích quân sự cho biết Hải quân Trung Quốc trong nhiều năm được cho là có khả năng tuần tra răn đe, nhưng các vấn đề về chỉ huy, kiểm soát và thông tin liên lạc đã làm chậm quá trình triển khai của họ. Thông tin liên lạc rất quan trọng và phức tạp đối với các tàu ngầm tên lửa đạn đạo, chúng là tối quan trọng.
Các tàu ngầm lớp Jin, tương đối ồn ào và dễ theo dõi, dự kiến sẽ được thay thế bằng Type-096 trong thập kỷ tới.
Ông Twomey cho biết “Chắc hẳn thẩm quyền chỉ huy cũng đã thay đổi, tuy nhiên chúng tôi không có cơ hội để đàm luận những vấn đề này với phía Trung Quốc”.
Quân đội Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng Quân ủy Trung ương, đứng đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình, là cơ quan chỉ huy hạt nhân duy nhất.
Hans Kristensen, giám đốc dự án thông tin hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, cho biết ông tin rằng các vấn đề liên lạc và chỉ huy vẫn là một “việc đang trong quá trình hoàn thiện”.
“Mặc dù Trung Quốc có thể đã đạt được tiến bộ trong việc thiết lập quyền chỉ huy và kiểm soát an toàn cho các hoạt động giữa Quân ủy Trung ương và SSBN, nhưng có vẻ như khả năng đó chưa hoàn thiện hoặc vẫn còn là một vấn đề cực kỳ hóc búa”, ông nói.
Hai nhà nghiên cứu tại một viện đào tạo hải quân Trung Quốc ở Nam Kinh đã cảnh báo trong một tạp chí tác chiến dưới nước năm 2019 về khả năng tổ chức chỉ huy và phối hợp kém giữa các lực lượng tàu ngầm. Bài báo cũng kêu gọi cải thiện khả năng tấn công hạt nhân từ tàu ngầm.
Các nhà nghiên cứu này đã viết: Hải quân phải “tăng cường các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo khi tuần tra trên biển, để đảm bảo rằng chúng có phương tiện và khả năng thực hiện các hoạt động phản công hạt nhân thứ cấp khi cần thiết”.
Pháo đài biển đông
Với sự ra đời của tên lửa JL-3, Kristensen và các nhà phân tích khác kỳ vọng các chiến lược gia Trung Quốc sẽ giữ các tàu ngầm tên lửa đạn đạo của họ ở vùng nước sâu của Biển Đông – nơi Trung Quốc đã củng cố bằng một loạt căn cứ – thay vì mạo hiểm tuần tra ở Tây Thái Bình Dương.
Collin Koh, một nhà nghiên cứu an ninh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, cho biết Trung Quốc có thể giữ các tàu ngầm tên lửa đạn đạo của mình trong một “pháo đài” ở vùng biển được bảo vệ tốt gần bờ biển của nước này.
“Trong trường hợp tôi là người lập kế hoạch tác chiến, hẳn tôi sẽ bố trí các khí tài có tính răn đe chiến lược càng gần tôi càng tốt và Biển Đông là một nơi hoàn hảo,” Koh cho hay.
Ba nhà phân tích cho biết Nga được cho là giữ phần lớn trong số 11 tàu ngầm tên lửa đạn đạo của mình ở các căn cứ ngoài khơi bờ biển Bắc Cực, trong khi các tàu của Mỹ, Pháp và Anh đi lại trong một khu vực rộng lớn hơn nhiều.
Kristensen cho biết việc Trung Quốc triển khai nhiều tàu ngầm hơn có nghĩa là quân đội PLA và Hoa Kỳ ngày càng “cọ xát” với nhau hơn – điều này làm tăng khả năng xảy ra xung đột ngẫu nhiên.
“Người Mỹ tất nhiên đang cố gắng thâm nhập vào pháo đài đó và xem họ có thể làm gì và cần làm gì, vì vậy căng thẳng có thể phát sinh và các sự cố nào cũng có thể nổ ra”, ông nói.
DKN
Không có nhận xét nào