Vietnam leadership turnover and foreign-policy implications
"Bài viết trên trang IISS có tựa đề "Vietnam: leadership turnover and foreign-policy implications" (Chuyển biến dàn lãnh đạo Việt Nam có tác động gì tới chính sách ngoại giao) điểm qua sự ra đi của ba lãnh đạo cấp cao: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam."
Bùi Thư
BBC News Tiếng Việt
07/4/2023
Một bài bình luận của IISS (Viện Quốc tế Nghiên cứu chiến lược) về những biến động trong dàn lãnh đạo Việt Nam có lời nhận định rằng, Việt Nam đặt sự tồn vong của chế độ Cộng sản cao hơn vấn đề chủ quyền trên Biển Đông.
Bài viết trên trang IISS có tựa đề "Vietnam: leadership turnover and foreign-policy implications" (Chuyển biến dàn lãnh đạo Việt Nam có tác động gì tới chính sách ngoại giao) điểm qua sự ra đi của ba lãnh đạo cấp cao: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam.
Có hai nhận định nổi bật trong bài viết gây ra tranh luận. Thứ nhất, các tác giả cho rằng, từ góc nhìn của các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCS VN), "sự liên kết tư tưởng chính trị của Trung Quốc với đảng và khả năng của Bắc Kinh trong việc hỗ trợ ĐCS VN tiếp tục cai trị" mang tính quan trọng hơn việc duy trì chủ quyền của Việt Nam đối với "đá, rạn san hô và tài nguyên ở Biển Đông."
Thứ hai, Việt Nam không "nghiêm túc về việc tăng cường hợp tác chiến lược với phương Tây" và do đó Việt Nam khó lòng gia nhập "bất kỳ liên minh nào do Hoa Kỳ dẫn dắt có định hướng chống Trung Quốc một cách hiệu quả."
Sau đó, Giáo sư Carl Thayer đã viết bài bình luận dài khoảng 18 trang phản bác lại những nhận định trên của IISS. Ông Thayer cho rằng yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông được cho là đại diện cho thách thức quan trọng nhất đối với trách nhiệm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam của ĐCSVN.
Về quan hệ với phương Tây, Giáo sư chỉ ra luận điểm Việt Nam "chơi" Mỹ là không có căn cứ. Hơn nữa, khi các chính quyền liên tiếp của Mỹ xem Việt Nam là một đối tác an ninh đầy triển vọng, họ hoàn toàn hiểu rằng, với chính sách Bốn không của Việt Nam thì quốc gia Đông Nam Á này sẽ không tham gia các cuộc tập trận quân sự nhằm mục đích chiến đấu hoặc bị lôi kéo vào liên minh chống Trung Quốc do Mỹ dẫn dắt.
Đảng đi trước, Nhà nước theo sau?
Bài viết trên IISS cho rằng, ở Việt Nam hai nhóm tồn tại lâu nhất là một bên ưu tiên trung thành với hệ thống Lê-nin và bên còn lại là ưu tiên một chính phủ hiệu quả. Nhóm đầu, do vị Tổng Bí thư Trọng dẫn đầu, cam kết nguyên tắc duy nhất chỉ có ĐCS cai trị. Trong hệ thống Việt Nam, Tổng bí thư là "Người đứng đầu đồng cấp", ba chức vụ còn lại trong tứ trụ có quyền lực yếu hơn một chút.
Đối với những người theo ông Trọng, kẻ thù lớn nhất của ĐCSVN là sự "tự chuyển hóa" và tha hóa, mất phương hướng tư tưởng chính trị, đạo đức của các cán bộ, đảng viên sẽ làm "suy yếu, tan rã hoặc thậm chí dẫn đến sự sụp đổ".
Và trong những năm 2010, theo IISS, những người trung thành với hệ thống có mối lo ngại rằng các quan chức được giao nhiệm vụ cải thiện hoạt động của chính phủ đang lèo lái đất nước theo đường hướng nguy hiểm đó là: ưu tiên cơ cấu chính phủ hơn cả đảng.
Từ lẽ đó, các tác giả bài viết cho rằng, ba quan chức bị miễn chức vụ vào tháng Một - ông Phúc, ông Đam và ông Minh - vì họ nổi tiếng đối với công chúng Việt Nam và đối tác quốc tế của Việt Nam về nỗ lực phát triển kinh tế, hệ thống y tế và quan hệ ngoại giao hiệu quả của đất nước (theo thứ tự từng người). Sự tập trung vào hiệu quả hơn là lòng trung thành đảng có thể "là một yếu tố góp phần vào việc họ bị miễn chức vụ".
Tuy nhiên, Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm thì có nhận định khác, ông cho rằng chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Trọng có hai khía cạnh - hình sự, đạo đức và trách nhiệm giải trình.
Khía cạnh thứ nhất là nhắm tới cả trong và ngoài đảng. Nếu họ bị phát hiện vi phạm pháp luật, họ sẽ bị buộc tội, xét xử và lãnh án tù.
Khía cạnh thứ hai là nhắm vào các đảng viên của ĐCSVN, đặc biệt là những người người giữ các chức vụ cao. Ai vi phạm đạo đức đảng viên thì bị kỷ luật. Các quan chức không giám sát được những người trong chuỗi mà họ quản lý sẽ phải chịu trách nhiệm bị kỷ luật/sa thải hoặc có trường hợp cá biệt là bị buộc thôi việc.
Từ đó, ông Thayer lý giải cả ba quan chức cấp cao, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bị ép từ chức vì không giám sát tốt cấp dưới trong các vụ bê bối liên quan đến Covid-19.
Quan trọng hơn, cả ba nhân vật trên đều không phải là sứ giả hay kiến trúc sư duy nhất trong chính sách đối ngoại. Họ không có thẩm quyền để ra quyết định một mình mà không được sự chấp thuận trước đó.
"Không có gì ngạc nhiên khi họ thường xuyên tiếp xúc với phương Tây vì hơn một nửa trong số mười bảy đối tác chiến lược của Việt Nam là các nước phương Tây. Tóm lại, Minh và Đam chỉ làm việc của mình," ông Thayer phân tích.
Cũng trong bài viết của mình, GS người Úc đặt ra câu hỏi rằng, nếu theo logic của bài viết trên IISS, vì sao Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, người đã được đào tạo tại Đại học Columbia ở Hoa Kỳ, vẫn còn tại vị.
Ông Ted Osius, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam và hiện là Tổng Giám đốc của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, đã viết một bài xã luận phân tích những thay đổi lãnh đạo này. Ông kết luận với tư cách là một nhà ngoại giao có 30 năm sự nghiệp với chuyên môn đặc biệt về Việt Nam, ông thấy một thông điệp rõ ràng là Việt Nam coi trọng mối quan hệ với phương Tây, đặc biệt là Mỹ như thế nào.
"Có vẻ như sự ra đi gần đây được sắp xếp cẩn thận không phải là đòn trừng phạt cho việc xích lại gần hơn với phương Tây hay thúc đẩy cải cách ở Việt Nam. Thay vào đó, các hình phạt là nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình tốt hơn trong Đảng Cộng sản Việt Nam và hệ thống chính trị của nó," trích bài viết của ông Osius trên trang The Hill.
ĐCS Việt Nam liên kết với Trung Quốc?
Về khía cạnh bài viết 'Chuyển biến dàn lãnh đạo Việt Nam có tác động gì tới chính sách ngoại giao' cho rằng ĐCS VN cần sự hỗ trợ từ Bắc Kinh để duy trì quyền lực và xem nhẹ vấn đề chủ quyền biển đảo, lãnh thổ hơn, ông Thayer cũng đưa ra những phản hồi với nhận định này.
Cụ thể, ông Thayer phẩn tích với BBC hai khía cạnh là quan hệ giữa đảng với đảng và khía cạnh thứ hai là quan hệ giữa nhà nước với nhà nước giữa Việt Nam và Trung Quốc.
"Về khía cạnh đầu tiên, tôi viết đánh giá để phản hồi một bài viết do IISS phát hành. Bài viết khẳng định "Ưu tiên hàng đầu của ĐCSVN [Đảng Cộng sản Việt Nam] là duy trì quyền lực… [và rằng] sự hỗ trợ của Trung Quốc là điều cần thiết cho sự thành công của đảng." Họ không dẫn thêm chi tiết hoặc lời giải thích nào về loại hỗ trợ gì từ Đảng Cộng sản Trung Quốc là cần thiết cho sự thành công của ĐCSVN.
"Về khía cạnh thứ hai, tất nhiên, Việt Nam phải lèo lái quan hệ với Trung Quốc sao cho ôn hòa. Việt Nam có chiến lược "vừa hợp tác vừa đấu tranh" với các cường quốc, đáp trả hành động cụ thể của từng nước cụ thể, trong đó có Trung Quốc," ông Carl Thayer nói với BBC.
Bài viết trên IISS dẫn việc Hà Nội có vẻ không mặn mà với việc hợp tác an ninh với Mỹ để cho rằng, ĐCS xem những tranh chấp chủ quyền biển đảo có vẻ "ít hệ trọng hơn" việc liên kết của ĐCS VN với Trung Quốc về mặt chính trị và ý thức hệ.
"Sự tồn vong của ĐCSVN còn phụ thuộc vào nhận thức của người dân về chế độ như một người bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Tâm lý bài Trung âm ỉ và đã bùng phát nhiều lần trong những năm gần đây để đáp trả các hành động của Trung Quốc mà công chúng coi là đe dọa chủ quyền và an ninh quốc gia," GS Carl Thayer phân tích.
GS Thayer dẫn chứng việc người dân biểu tình phản đối Luật Đặc Khu và dự thảo đã được hoãn lại. Vì vậy "tâm lý bài Trung về bản chất là một trong những yếu tố cản trở mạnh mẽ lãnh đạo ĐCSVN liên kết với Trung Quốc".
BBC hỏi ông Thayer về tuyên bố chung giữa Việt Nam - Trung Quốc sau chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh hồi tháng 11/2022. Theo đó, lần đầu tiên vấn đề "cách mạng màu", "diễn biến hòa bình" hay "chính trị hóa nhân quyền" được hai nước cộng sản thống nhất. Nhiều người cho đây là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang "học tập" Trung Quốc.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nâng ly chúc mừng sau Lễ ký kết hàng chục thỏa thuận song phương sau cuộc hội đàm chính thức ở Hà Nội ngày 5/11/2015
Ông Thayer lý giải rằng, Trung Quốc và Việt Nam đều là các quốc gia xã hội chủ nghĩa độc đảng. Cả hai chế độ đều phản đối đa nguyên chính trị và dân chủ kiểu phương Tây và hình sự hóa quyền tự do ngôn luận.
"Tất cả những gì Tuyên bố chung này làm là nhắc lại cam kết riêng biệt của họ để hành động chống lại hàng loạt hành vi phạm tội. Chống khủng bố không liên quan trực tiếp đến "diễn biến hòa bình" nhưng là một phần trong danh sách các vấn đề cùng mối quan tâm.
"Diễn biến hòa bình" là âm mưu của các thế lực thù địch bên ngoài cấu kết với các phần tử trong nước nhằm lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa. Bất kỳ hành động nào được coi là "diễn biến hòa bình" dù nhỏ đến đâu cũng sẽ bị trấn áp. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chế độ ĐCSVN bị "diễn biến hòa bình" đe dọa nghiêm trọng đến mức dẫn đến "cách mạng màu" và sụp đổ chủ nghĩa xã hội.
"Tất cả các nhóm ủng hộ dân chủ, tự do tôn giáo và xã hội dân sự đã bị đàn áp ở Việt Nam chỉ là số lượng nhỏ và không có bằng chứng về sự ủng hộ rộng rãi trên khắp cả nước," ông Thayer lý giải.
Vì vậy, ĐCS VN không phải nhờ vào sự hỗ trợ của Trung Quốc để tiếp tục củng cố quyền lực chính trị. Trên thực tế, theo ông Thayer, Việt Nam sẽ tiếp tục đường hướng ngoại giao của mình để ủng hộ chủ nghĩa đa phương và phản đối hết sức nhất có thể sự phân cực trong hệ thống quốc tế.
Về vấn đề bài viết của IISS cho rằng các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã bị lừa bịp khi tin rằng hợp tác với Việt Nam về Biển Đông sẽ kéo Việt Nam vào các liên minh bài Trung Quốc do Mỹ lãnh đạo.
Tuy nhiên, ông Carl Thayer thì cho rằng Hoa Kỳ không ngây thơ đến vậy. Ngược lại Mỹ hiểu rõ chính sách quốc phòng Bốn Không của Việt Nam vì nó đã có từ năm 2004 và được tu chỉnh các năm 2009, 2019.
Cụ thể: không tham gia liên minh quân sự; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam; không dựa vào nước này để chống nước kia. không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Ngoài lý do trên, ông Carl Thayer nói Việt Nam dè dặt trong việc gia nhập các liên minh của Mỹ là vì Hà Nội không cảm thấy đủ tin tưởng:
"Các quan chức Việt Nam bày tỏ quan ngại riêng rằng bất kỳ hợp đồng mua sắm vụ khí nào với các ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ đều có khả năng bị hủy bỏ trong thời gian ngắn vì lý do chính trị (quan ngại về nhân quyền hoặc mua vũ khí từ Nga). Lãnh đạo Việt Nam suy tính Mỹ sẽ bỏ rơi Việt Nam bên lề trong các tranh chấp hàng hải của mình ở Biển Đông nếu có cơ hội để cải thiện quan hệ với Trung Quốc (hoặc vì lý do khác)."
Và việc Mỹ rút khỏi Afghanistan và bỏ rơi chính phủ Kabul là một ví dụ.
Lý do cuối cùng để Hà Nội không "bắt tay" liên minh với Mỹ chống Trung Quốc là vì các nhà lãnh đạo Việt Nam tin rằng Mỹ cuối cùng sẽ tìm cách thay đổi chế độ thông qua "diễn biến hòa bình" bằng cách thúc đẩy dân chủ, đa nguyên và nhân quyền.
Ông Thayer nói với BBC rằng, sự phân cực quốc tế làm giảm sự tự do đi dây của Việt Nam. Chọn phe Nga-Trung hoặc phe đồng minh phương Tây do Mỹ dẫn đầu đều mang lại những rủi ro không chấp nhận được cho Việt Nam.
Để duy trì tính tự chủ chiến lược của mình, Việt Nam phải áp dụng một chính sách ít đụng chạm chất đối với hai khối mới trồi lên này.
"Mượn một câu nói của học giả người Pháp Bernard Fall khi miêu tả chính sách ngoại giao của Việt Nam thời tranh chấp Trung-Nga, rằng Việt Nam phải đi "một đường thẳng ngoằn ngoèo". Việt Nam sẽ ủng hộ các nỗ lực hòa bình giải quyết chiến tranh ở Ukraine nhưng không đi đầu. Việt Nam sẽ cố gắng có một lập trường làm hài lòng Nga, Trung Quốc và liên minh phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo.
"Chuyến thăm trao đổi dự kiến trong năm nay giữa Tổng thống Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là minh chứng cho chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam," GS nêu quan sát với BBC.
Xét trên mối quan hệ có khả năng "xích lại gần nhau hơn" giữa Mỹ và Việt Nam, nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp từ Hà Nội ý kiến trên trang Facebook cá nhân rằng, điều này có thể khuyến khích Việt Nam có lập trường quyết đoán hơn trong các tranh chấp Biển Đông và làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.
"Quỹ đạo tương lai của mối quan hệ Việt Nam-Mỹ-Trung sẽ phụ thuộc vào một loạt các yếu tố chính trị, kinh tế và an ninh phức tạp, và sẽ đòi hỏi đối thoại và hợp tác liên tục giữa tất cả các bên liên quan," ông Hợp đúc kết.
Không có nhận xét nào