Header Ads

  • Breaking News

    Trần Trung Đạo – Vết thương dân tộc chưa lành


    Giới thiệu: Nếu người viết phát biểu “ngày nào chế độ CS còn tồn tại, ngày đó sẽ không có hòa hợp hòa giải dân tộc”, không ít người sẽ cho rằng viết như thế là cực đoan và không thực tế, hàng trăm ngàn người đang trở về. Đúng, hàng trăm ngàn người đang về nhưng họ không về để “hòa hợp, hòa giải” hay vì “hòa hợp, hòa giải”. Họ về do chọn lựa cá nhân riêng. Không ít trong số họ đang sống trong những năm tháng cuối đời, mọi thứ đang là phù du. Bài viết này được viết 16 năm trước trên talawas để đặt vấn đề với ông Võ Văn Kiệt về những phát biểu của ông. Ông Võ Văn Kiệt đã qua đời. Nhưng phần lý luận, ngoại trừ các chi tiết về ngày tháng, nội dung căn bản vẫn không thay đổi và có thể áp dụng cho những “Võ Văn Kiệt” khác nếu có xuất hiện ngày nào đó. Người viết đăng lại để các bạn trẻ tham khảo:

    ***

    Trong các lãnh đạo CSVN, có lẽ ông Võ Văn Kiệt là người đầu tiên nhấn mạnh đến “hòa hợp, hòa giải”. Một thời gian trước khi qua đời, ông Võ Văn Kiệt trả lời phỏng vấn dành cho báo Viet Weekly ở Mỹ, rằng: “Chúng ta phải hết sức quan tâm đến sự hòa hợp, chúng ta phải đặt dân tộc là tối thượng. Cho dù chính kiến, tôn giáo, quan điểm có khác nhau, nhưng lợi ích dân tộc phải được đặt lên trên hết”, và ông cũng nhìn nhận những phân chia, ngăn cách sau chiến tranh như “là vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu.” 


    Ông Võ Văn Kiệt nói nhiều về hòa giải, hòa hợp dân tộc: “Nếu đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, dẫu trước đây là kẻ thù của nhau vẫn có thể khép lại quá khứ để hoà bình hữu nghị, để cùng phát triển. Bởi vậy không lý nào người Việt Nam với nhau lại không thể khép lại quá khứ. Đây là vận hội, cơ hội cho sự hòa thuận. Đối với người ngoài còn bỏ qua được không lẽ người Việt Nam với nhau không bỏ qua được hay sao! Nếu cứ cố chấp với nhau, dân tộc không lớn mạnh lên được.” 


    Lịch sử nhân loại đã để lại nhiều bài học quý giá về hòa giải. 


    Hãy tưởng tượng nếu tổng thống Abraham Lincoln thay vì nói “không ác ý nhắm vào ai, với lòng từ thiện dành cho mọi người” (With malice toward none, with charity for all) trong phần kết luận diễn văn nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ hai vào những ngày cuối của nội chiến Mỹ, mà kêu gọi “máu kêu trả máu đầu kêu trả đầu” thì nước Mỹ liệu có là một cường quốc hàng đầu thế giới như ngày nay không? Câu trả lời hiển nhiên là không. 


    Hãy tưởng tượng khi Nelson Mandela, người bị tù suốt 27 năm ngoài hoang đảo và đã có thời gian nghiêng về phương pháp đấu tranh bằng võ lực, không chủ trương hòa giải mà nhất định trả thù cho bằng được thiểu số da trắng đã một thời đã áp đặt những đối xử bất công, phân biệt chủng tộc lên trên số phận của đa số người da đen thì nước Cộng hòa Nam Phi ngày nay liệu có còn là quốc gia ổn định và phát triển nhất Châu Phi không? Câu trả lời hiển nhiên là không. Hai nhà lãnh đạo quốc gia, tuy sinh ra và lớn lên trong những thời điểm lịch sử và hoàn cảnh bản thân khác nhau, nhưng đều sở hữu giống nhau ba đặc tính mà một lãnh tụ sáng suốt nào cũng cần phải có: kiên nhẫn, khôn ngoan và biết nhìn xa trông rộng. 


    Đất nước Việt Nam thời buổi này không có may mắn đó. Một trong những điều bất hạnh dễ nhận ra nhất là các nhà lãnh đạo Việt Nam không những thiếu ba đặc tính kiên nhẫn, khôn ngoan và nhìn xa thấy rộng đó, nhưng đáng buồn hơn họ lại mang trong người ba căn bịnh trái ngược với các đặc tính vừa nêu. 


    Thay vì kiên nhẫn trong từng bước đổi thay của đất nước bằng tinh thần hòa giải bao dung dân tộc, họ đã bắt nhân dân thắt lưng buộc bụng để “tiến nhanh, tiến mạnh” lên chế độ xã hội mà chính họ cũng chỉ mới được nghe qua hay đọc đâu đó trong các tài liệu tuyên truyền của đảng; thay vì áp dụng một cách khôn ngoan các chính sách đối ngoại thận trọng với những người từng là bạn cũng như rộng lượng ngay cả với những kẻ vốn là thù, họ đã chứng tỏ vô cùng thiếu khôn ngoan, kiêu căng vô lối trong bang giao quốc tế, để rồi dẫn đất nước vào vòng cô lập trong nghèo nàn lạc hậu suốt mấy mươi năm; thay vì nối lại nhịp cầu dân tộc mà trước đây các dã tâm thực dân đế quốc đã làm ngăn cách tình đồng bào ruột thịt, hay lót những viên gạch rắn chắc trên con đường dẫn đến tương lai hạnh phúc cho con cháu khi còn có quyền lực trong tay thì họ chỉ biết đợi đến cuối đời để ngậm ngùi nhìn lại. 


    Thủ tướng Konrad Adenauer, chính trị gia thân Mỹ hàng đầu tại Châu Âu sau Thế Chiến Thứ Hai, mặc dù lo tái thiết Tây Đức hoang tàn đổ nát bằng tiền của Mỹ, nhưng cũng không quên kín đáo tiếp xúc với Stalin để cứu những tù binh Đức bị tù trên lãnh thổ Liên Xô dù trước đây chế độ Đức Quốc Xã đã từng bỏ tù ông ta. 


    Tương tự, những gì Nelson Mandela đã cống hiến cho đất nước ông không phải vì nhờ ông đã quên quá khứ hay gác quá khứ qua một bên, nhưng nhờ ông đã sống rất trọn vẹn trong quá khứ, đã chiêm nghiệm và chuyển hóa những những vinh quang và chịu đựng, thành công và thất bại, hy vọng và tuyệt vọng của quá khứ thành nhựa nguyên, nhựa luyện cho những hàng cây xanh tốt tươi và hy vọng ở tương lai. Nelson Mandela là tổng thống da đen đầu tiên của Cộng hòa Nam Phi, nhưng không ít phụ tá của ông, chuyên viên cao cấp trong chính phủ là những người da trắng. Họ không phải chỉ được dựng lên để làm cảnh như “Mặt trận Dân Tộc Giải phóng Miền Nam”, “Liên minh Dân tộc Dân chủ và Hòa bình” tại Việt Nam trước đây, nhưng là những người có thực quyền. 


    Ngoài ra, một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ Nelson Mandela là thành lập ủy ban Sự thật và Hòa giải (the Truth and Reconciliation Commission)để điều tra các tội ác của chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi và thực thi chính sách hòa giải của ông. 


    Hòa giải chỉ có giá trị vĩnh cửu nếu hòa giải đó dựa trên sự thật và sự thật chỉ là viên ngọc quý khi nào nó được dùng để soi sáng công lý, xoa dịu khổ đau, chứ không phải để đào sâu thêm thù hận. 

    Các lãnh đạo đảng CSVN nói về hòa giải chắc là nhiều hơn cả Abraham Lincoln, Nelson Mandela và Konrad Adenauer cộng lại. Nhưng trong suốt 48 năm cai trị đất nước bằng nhà tù và súng đạn, họ chưa làm được một điều gì căn bản để thể hiện tinh thần đó. 


    Tệ hại hơn nữa, họ đã sử dụng hòa giải như là chiếc bẫy để lừa gạt những người dễ tin hay quá thật tâm đi tìm một con đường sống cho dân tộc. 


    Đừng nói gì đến các chính sách cứu người như của Konrad Adenauer, chỉ đơn giản sửa sang, tu bổ các ngôi mộ của những người lính miền Nam ở nghĩa trang quân đội Việt Nam Cộng Hòa ngoại ô Sài Gòn, giúp đỡ các thương phế binh miền Nam đang lây lất trên đường phố, họ cũng không làm. 

    Có nhiều lý do đã làm cho giới lãnh đạo đảng không thực tâm hòa giải và một trong những lý do đó là vì họ sợ sự thật. 


    Nhiều người cho rằng nhân dân Việt Nam quá sợ đảng Cộng Sản, nhưng đừng quên giới lãnh đạo đảng cũng luôn bị ám ảnh bởi sự thật. 


    Trong hơn 48 năm qua, họ đã làm tất cả những gì có thể làm được để che giấu sự thật. Một tấm bia nhỏ để tưởng nhớ những đồng bào bỏ thây trên biển cả cũng làm họ run sợ. Một bức tượng người lính Việt Nam Cộng Hòa tuy gãy đổ cũng làm họ ăn ngủ không yên. Các lãnh đạo đảng hẳn đang trách nhau tại sao 48 năm trước họ đã không san bằng nghĩa trang quân đội Biên Hòa cho rồi, để đến hôm nay, khi con dao chuyên chính vô sản không còn bén nữa, và trước mắt của cả thế giới khi vừa bước chân vào ngưỡng cửa WTO, họ không thể ra tay được. 


    Cũng trong bài trả lời phỏng vấn dành cho Viet Weekly, ông Võ Văn kiệt nói về vai trò lãnh đạo của đảng, “Nói công bằng, cuộc chiến đấu của Việt Nam do Đảng Cộng sản, do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, vì lợi ích của dân tộc nhiều hơn hay vì thiên hạ nhiều hơn? Họ đã hy sinh cho đất nước, cho dân tộc này chứ! Vậy thì ít nhất phải để cho ba triệu đảng viên phải có chỗ đứng yêu nước trong dân tộc chứ, nếu phủ nhận, thật là quá đáng.” 


    Sinh viên Việt Nam nào cũng được dạy đảng là tổ chức anh minh, sáng suốt và lãnh đạo thành công mọi cuộc cách mạng, từ cách mạng dân tộc dân chủ trước đây cho đến cách mạng xã hội chủ nghĩa hiện nay. Nếu các em chịu khó vào trang mạng của đảng Cộng sản Việt Nam để đọc mục đích của đảng là gì, các em sẽ nhận thức ngay được tính mâu thuẫn đối kháng giữa nhu cầu của đất nước Việt Nam và quyền lợi của đảng. 


    Như một sinh viên, em muốn gì cho đất nước? 


    Phải chăng đó là một Việt Nam hội nhập vào dòng thác cách mạng dân chủ, khoa học kỹ thuật, văn minh hiện đại của nhân loại bằng sức mạnh tổng hợp và đa diện của người Việt, không chỉ người Việt trong nước, mà cho dù họ đang định cư bất cứ nơi nào trên thế giới?


    Vâng, nhưng điều đó sẽ không thể thành sự thật khi đảng Cộng Sản Việt Nam cho đến hôm nay vẫn bám vào hệ thống giáo điều lạc hậu, cơ chế độc tài mà hầu hết các quốc gia, từ dân chủ Tây phương cho đến các nước chậm tiến ở núi rừng Châu Phi khinh rẻ. 


    Thế giới đã bước vào thiên niên kỷ thứ ba rồi mà ngay trong trang mạng chính thức của đảng vẫn còn viết được những câu đầy tính lừa bịp như thế này: “Lý luận tập trung dân chủ là một bộ phận quan trọng của học thuyết Mác-Lênin về Đảng Cộng sản, là cơ sở lý luận và kim chỉ nam cho các chính đảng của giai cấp công nhân thực hiện phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung thống nhất trong Đảng.” 

    Ông Võ Văn Kiệt lo lắng cho chỗ đứng của ba triệu đảng viên vì theo ông “nếu phủ nhận, thật là quá đáng”, thế nhưng 90 triệu người còn lại không có chỗ đứng ông có lo giùm không?


    Nhiều người chủ thật sự của đất nước hôm nay là những kẻ sống không nhà để ở, chết không có đất để chôn, tha phương cầu thực trên chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình, ông có gọi đó là “quá đáng” hay không? 


    Ông Võ Văn Kiệt tin rằng đảng đã đóng vai trò lãnh đạo và do đó họ sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước như trong bài trả lời tạp chí Cộng sản: “Đảng sẽ tăng cường sự lãnh đạo của mình bằng quyền lực hiện có hay bằng khả năng thể hiện vai trò tiên phong của chính mình vì lợi ích tối cao của dân tộc.” 


    Giả thiết cho dù đảng Cộng sản đã đóng vai trò lãnh đạo trong chiến tranh đi nữa, sau 48 năm đưa đất nước vào con đường tụt hậu so với đà tiến văn minh của nhân loại hôm nay thì liệu họ có xứng đáng tiếp tục lãnh đạo đất nước hay phải bước xuống trả lại quyền quyết định tương lai đất nước cho nhân dân Việt Nam? 


    Giả thiết cho dù chuyện công hay tội của đảng Cộng sản trong chiến tranh có thể còn là vấn đề đang tranh luận, thì trong 48 năm cầm quyền với những tộc ác không thể nào chối cãi khiến hàng triệu gia đình ly tán, hàng trăm ngàn đồng bào chết thảm thương trong rừng sâu nước độc, ngoài biển khơi, trong trại tập trung thì nhân dân Việt Nam có nên để đảng Cộng sản tiếp tục đè đầu cưỡi cổ nữa hay không? 


    Qua các bài viết, phát biểu, nhất là bài trả lời phỏng vấn của tạp chí Cộng sản, ông Võ Văn Kiệt trong lúc phác họa hình ảnh một căn nhà chung đoàn kết dân tộc, cũng đã vẽ thêm bên cạnh một con đường thoát cho đảng. Trong tác phẩm hội họa đó của ông, những hung thần đã và đang đày đọa dân tộc Việt Nam bỗng biến thành những thiên thần hiền hòa nhân hậu “biết vì lợi ích của dân tộc mà dám nhìn thẳng vào sự thật, nhận lấy khuyết điểm, bắt đúng thời cơ, nắm lấy cơ hội, đưa đất nước thoát dần ra khỏi nghèo đói, lạc hậu và bắt đầu phát triển.” 


    Ông Võ Văn Kiệt quên rằng đa số người trong tập thể ông đang nói đến không phải là những người “gác bút nghiên lên đường tranh đấu”, mà là những kẻ gia nhập đảng chỉ vì danh lợi và quyền lực. Đảng Cộng sản đối với họ không phải là lý tưởng của đời người, không phải là nơi họ hợp đồng chiến đấu chống nghèo nàn lạc hậu, mà là chiếc thang xã hội họ phải leo, càng cao càng tốt và nếu cần đạp nhau, giết nhau, để trèo lên, họ cũng không ngần ngại như ông đã nhiều lần chứng kiến. Những người mà ông nói đến là những “đồng chí chưa bị lộ” đang nắm trong tay các ngân sách lớn, những đề án kinh tế quan trọng của nhà nước, toa rập nhau để làm giàu trên xương máu nhân dân. Ông thật sự tin rằng những người như thế có khả năng xây dựng một hệ thống chính trị dựa “trên cơ sở phát huy tối đa mọi nguồn lực của dân tộc, của người Việt cho một mục tiêu duy nhất là phát triển”? 


    Tôi chia sẻ với ông Võ Văn Kiệt nhiều điểm, nhưng chỉ mong ông Võ Văn Kiệt chia sẻ với tôi một điểm rất hiển nhiên rằng Đảng Cộng sản có thể còn thống trị một thời gian ngắn nữa, nhưng không thể thống trị dân tộc này mãi mãi. Sự thật rồi sẽ trả về cho lịch sử. 


    Tôi tin sẽ có một ngày các sinh viên học sinh Việt Nam ngồi đọc lại những chương buồn của lịch sử dân tộc với Nhân văn-Giai phẩm, với Cải cách ruộng đất ở miền Bắc, với Tết Mậu Thân ở Huế, với Cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam, với Trại cải tạo khắp ba miền, với Kinh tế mới, với Thảm cảnh biển Đông, và hẳn họ sẽ rơi nước mắt cảm thông cho sự chịu đựng vô bờ bến của ông bà mình.

     

    Trần Trung Đạo


    (Nguyên văn tựa của bài viết GÓP Ý VỚI ÔNG VÕ VĂN KIỆT VỀ HÒA GIẢI DÂN TỘC VÀ KHÉP LẠI QUÁ KHỨ, đăng lần đầu trên talawas 2007)

    © 2007 talawas

    https://www.facebook.com/trantrungdao

    Không có nhận xét nào