Header Ads

  • Breaking News

    Tiến sĩ Mỹ Robbins giải ảo về trận Tết Mậu Thân 1968: Lần này chúng ta thắng

    VOA Tiếng Việt 

    Phóng viên AP Peter Arnett đi cũng các binh sĩ Mỹ khi nổ ra trân Mậu Thân 1968.

    Phóng viên AP Peter Arnett đi cũng các binh sĩ Mỹ khi nổ ra trân Mậu Thân 1968. 

    Tiến sĩ James S. Robbins, nhà nghiên cứu kỳ cựu thuộc Hội đồng Đối ngoại Mỹ, có bài thuyết trình hôm 13/4 ở bang Virginia qua đó ông bác bỏ 4 điểm chính mà ông cho là lâu nay công chúng và báo giới vẫn hiểu sai về trận Tết Mậu Thân 1968 ở Nam Việt Nam.

    Bài thuyết trình có tên “Những điều hoang đường và thực tế của trận Tết Mậu Thân 1968” là một phần cuộc nghiên cứu của tiến sĩ Robbins khi ông bắt tay viết cuốn sách “Lần này chúng ta thắng: Xem xét lại trận Tết Mậu Thân”, ông nói với cử tọa tại cơ sở giảng dạy của Học viện Chính trị Thế giới. Cuốn sách đã được xuất bản hồi tháng 10/2012.

    Nhà nghiên cứu kiêm tác giả sách, hiện cũng là cây bút phụ trách chuyên mục về an ninh quốc gia trên báo USA Today, chỉ ra 4 điều chính mà người Mỹ lâu nay vẫn hiểu sai về trận Mậu Thân, trong khi sự thật hoàn toàn ngược lại.

    Đó là trận tấn công không hề bất ngờ, đối phương không tấn công các mục tiêu mang tính biểu tượng, trận chiến không làm tăng tinh thần chống chiến tranh ở Mỹ, và nó không đẩy Tổng thống Johnson đến bàn đàm phán.

    Mỹ không bất ngờ về trận Mậu Thân

    Chính phủ Mỹ cũng như giới tình báo và quân đội đều nắm thông tin từ sớm, kể từ mùa thu năm 1967, là sẽ xảy ra trận Mậu Thân, tiến sĩ Robbins cho biết.

    Ông đưa ra một số dẫn chứng như việc Mỹ thu được tài liệu của phe cộng sản hồi tháng 11/1967 và cơ quan tình báo CIA viết báo cáo trong cùng tháng cảnh báo về “canh bạc lớn” của đối phương; hay vào tháng 1/1968, 4 tuần trước Tết Mậu Thân, Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn họp báo nói về khả năng xảy ra cuộc tấn công lớn.

    Tiếp đến, 3 tuần trước sự kiện đó, Tướng Weyand căn cứ vào tin tình báo đã tái triển khai các lực lượng Mỹ quanh Sài Gòn và các thành phố lớn để chủ động đối phó, và vị tướng đã đúng, tiến sĩ Robbins nói. Thậm chí ngay cả một số phóng viên giỏi của Mỹ ở Sài Gòn khi đó cũng biết trước về trận đánh hàng tháng trời, ông nói thêm.

    Nhà nghiên cứu này cho rằng các nhà báo và người dân ở Mỹ đã không bám sát các tin tức, các cuộc họp báo, vì vậy, những người đó có quan niệm rằng cuộc tấn công bất ngờ nổ ra.

    “Tổng thống Johnson, người không hề bị ngạc nhiên, về sau này nói rằng việc không chủ động đi trước câu chuyện đó là một trong những sai lầm tồi tệ nhất của ông. Nhà Trắng đã không công bố đủ thông tin, lẽ ra họ phải chủ động hơn”, tiến sĩ Robbins nhận xét.

    Tiến sĩ James S. Robbins nói về trận Tết Mậu Thân tại Học viện Chính trị Thế giới, Reston, Virginia, 13/4/2023.

    Tiến sĩ James S. Robbins nói về trận Tết Mậu Thân tại Học viện Chính trị Thế giới, Reston, Virginia, 13/4/2023. 

    Phe cộng sản muốn thắng, nhưng không được

    Về quan niệm sai thứ hai, cho rằng Bắc Việt và Việt Cộng có chủ định đánh vào các mục tiêu mang tính biểu tượng mà thôi, ông Robbins lưu ý rằng phía cộng sản đặt tên cho chiến dịch là “cuộc tổng tiến công và nổi dậy”.

    Kế hoạch của phe cộng sản là đưa các lực lượng lớn của họ vào chiếm các khu vực quan trọng ở nhiều thành phố, điều họ chưa từng làm trước đó, từ đó khơi mào cho một cuộc tổng nổi dậy của người dân, ông Robbins trình bày.

    Ông cho rằng phe cộng sản dựa vào thông tin trên chính báo chí Mỹ và cho rằng người dân Nam Việt Nam quá chán ghét chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lẫn phía Mỹ nên sẵn sàng nổi dậy, chấp nhận phe cộng sản. Nhưng những người cộng sản đã ước tính sai, theo tiến sĩ Robbins.

    Hầu hết các trận đánh của phe cộng sản đều bị bẻ gãy trong vòng một, hai ngày, chỉ trừ trận ở thành phố Huế, song rốt cuộc ở đó quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa cũng giành chiến thắng, nhà nghiên cứu Mỹ tổng kết. Ông nói thêm rằng quân đội Việt Nam Cộng Hòa về tổng thể đã chiến đấu “cực tốt” để bảo vệ đất nước của họ, trái với luận điệu tuyên truyền của phe cộng sản và ngay cả những lời mô tả của một số đài, báo Mỹ.

    “So những gì đối phương muốn đạt được và những gì họ thực sự nhận được là sự thua trận hoàn toàn, ta có thể thấy tầm vóc của vấn đề”, ông nói. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề là phe cộng sản chỉ muốn đánh các mục tiêu mang tính biểu tượng, trận chiến đã bị định nghĩa lại dẫn đến dễ bị diễn dịch rằng họ làm gì đi nữa cũng là giành được thắng lợi, tiến sĩ Robbins đưa ra quan sát. Về khía cạnh này, báo giới đã tường thuật sai, vẫn lời ông.

    Tiến sĩ Robbins chỉ ra một trong những nguyên do xuất hiện khái niệm phe cộng sản giành “chiến thắng mang tính biểu tượng” là việc đưa tin nhiều quá đáng về vụ tấn công Tòa Đại sứ Mỹ.

    Trong khi chiến sự nổ ra trên khắp Nam Việt Nam, phần đông phóng viên Mỹ đổ dồn vào đưa tin về vụ tấn công tòa đại sứ vì đó là hình ảnh nước Mỹ. Các bản tin có xu hướng mô tả là đối phương tiến hành tấn công tự sát, là đòn vỗ mặt nước Mỹ.

    Nếu nhìn theo cách đó, dù hầu hết trong số 19 chiến binh cộng sản đánh tòa đại sứ - chưa vào được bên trong - đều bị bắn chết, song phe cộng sản vẫn thắng vì họ chỉ cần tấn công tự sát. Nhưng thực tế là phe cộng sản muốn giành chiến thắng chứ không đơn thuần là đánh vào mục tiêu có tính biểu tượng, và như vậy, họ đã không đạt được mục đích, theo ông Robbins.

    Thủy quân Lục chiến Mỹ trong trận đánh ở Huế, Mậu Thân, tháng 2/1968.

    Thủy quân Lục chiến Mỹ trong trận đánh ở Huế, Mậu Thân, tháng 2/1968. 

    Cuộc nghiên cứu của ông lần ngược lại các tài liệu và xác định rằng thực ra báo chí Mỹ không sáng tác ra khái niệm “chiến thắng biểu tượng” của phe cộng sản, mà đó chính là nhận định của CIA, sau đó được Nhà Trắng sử dụng lại.

    Khi chiến sự nổ ra, để phục vụ cho đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống Johnson, CIA đã vội vã đưa ra đánh giá là “Hành động của địch chủ yếu có chủ định gây ra tác động tâm lý lên phía Nam Việt Nam”, tiến sĩ Robbins nêu ra một trích dẫn, nói thêm rằng sau đó, từ tổng thống Mỹ cho đến bộ trưởng quốc phòng tiếp tục sử dụng lời đánh giá đó và mô tả các trận đánh là “các vụ tấn công mang tính biểu tượng”.

    “Thật không may, đó là thương tích do chúng ta tự gây ra cho bản thân. Mọi người hướng sự chú ý không đúng chỗ, thay vì xem xét chuyện đối phương cố gắng thắng trong cuộc chiến, người ta lại tập chung vào chuyện ‘biểu tượng’”, nhà nghiên cứu kiêm tác giả sách bình luận.

    Mỹ không vì trận Mậu Thân mà phải đàm phán

    Từ tháng 12/1967 cho đến thời điểm đã được 3 tuần nổ ra trận Tết Mậu Thân, số người Mỹ “diều hâu” muốn leo thang hoạt động quân sự để đánh bại cộng sản đã tăng lên, và có số lượng đông hơn những người “bồ câu”, ông Robbins dẫn ra một khảo sát được đăng trên New York Times để chứng minh về luận điểm thứ ba trong cuộc nghiên cứu của ông.

    Vẫn từ cuộc khảo sát đó, tiến sĩ Robbins phân tích rằng số người không ủng hộ cách Tổng thống Johnson chỉ đạo cuộc chiến tuy có tăng lên, nhưng không phải là họ phản đối chiến tranh, mà là họ cho rằng ông Johnson hành động chưa đủ.

    Như vậy, theo tiến sĩ Robbins, thật là sai khi cho rằng trận Tết Mậu Thân làm cho tâm lý chống chiến tranh tăng lên.

    Cuối cùng, nhà nghiên cứu Mỹ chỉ ra rằng từ năm 1964 đến 1968, Mỹ đã có 70 lần chủ động đề nghị đàm phán hòa bình nhưng phe cộng sản hoặc là từ chối hoặc là không hồi đáp. Do đó, ông khẳng định rằng không thể nói là chính trận Tết Mậu Thân đã đẩy Tổng thống Johnson đến bàn đàm phán.

    Tiến sĩ James Robbins rút ra bài học từ trận Mậu Thân, trình bày ngày 13/4/2023.

    Tiến sĩ James Robbins rút ra bài học từ trận Mậu Thân, trình bày ngày 13/4/2023. 

    Các bài học

    Vị tiến sĩ cũng đúc kết các bài học từ trận Tết Mậu Thân, gồm “không ghi công cho phía địch là chúng có kế hoạch tốt hơn so với thực tế”, “không định nghĩa lại mục tiêu của địch theo kiểu đơn giản hóa thành ra chúng đạt được mục tiêu”, “báo chí sẽ đưa tin tiêu cực về chiến tranh phi truyền thống, hãy thích nghi”, “quan điểm của công chúng không trắng đen rõ ràng như giới phóng viên và chính trị gia nghĩ”, “hãy khai thác các cơ hội để thực hiện hành động mang tính quyết định” và “sự lãnh đạo hành pháp mạnh mẽ có thể quyết định thắng lợi”.

    Bài thuyết trình của tiến sĩ Robbins dẫn ra các cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq, Afghanistan… để so sánh, đối chiếu và nhắc nhở rằng “nếu không hiểu được những bài học này, chúng ta sẽ thấy mình phải chiến đấu lại hết trận Mậu Thân này đến trận Mậu Thân khác”.

    https://www.voatiengviet.com


    Không có nhận xét nào