Võ Thái Hà tổng hợp
Mỹ, Anh rời phòng họp của LHQ khi quan chức Nga phát biểu
Tạ Linh
Ngày 5/4, Hoa Kỳ, Anh, Albania và Malta đã rời phòng họp khi Maria Lvova-Belova, đặc phái viên về quyền trẻ em của Nga phát biểu qua video với các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. (Ảnh chụp màn hình video Reuters).
Trang Reuters đưa tin, ngày 5/4, Hoa Kỳ, Anh, Albania và Malta đã rời phòng họp khi Maria Lvova-Belova, đặc phái viên về quyền trẻ em của Nga phát biểu qua video với các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc
Anh và Hoa Kỳ đã chặn cuộc họp không chính thức về Ukraina, do Nga triệu tập để tập trung vào việc “sơ tán trẻ em khỏi các khu vực xung đột”.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, Linda Thomas-Greenfield, nói với các phóng viên rằng Hoa Kỳ đã cùng với Anh chặn webcast để Lvova-Belova không có “cơ quan quốc tế để truyền bá thông tin sai lệch và cố gắng bảo vệ những hành động khủng khiếp của bà ấy đang diễn ra ở Ukraina”.
TT Vladimir Putin cùng cô Maria Alekseyevna Lvova-Belova. (Ảnh: trithucvn/Wikipedia).
Tòa án Hình sự Quốc tế vào tháng trước đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và Lvova-Belova, cáo buộc họ trục xuất trái phép trẻ em khỏi Ukraina và chuyển người bất hợp pháp từ Ukraina đến Nga kể từ ngày 24 tháng 2 năm 2022.
Nhà ngoại giao Anh Asima Ghazi-Bouillon nói trong cuộc họp: “Nga tuyên bố họ đang bảo vệ những đứa trẻ này. Thay vào đó, đây là một chính sách có tính toán nhằm xóa bỏ bản sắc và tư cách nhà nước của Ukraina”.
Tổng thống Macron thăm Trung Quốc và trường đại học ở Quảng Châu
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau cuộc họp báo chung tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 6/11/2019 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: Jason Lee-Pool/Getty Images)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến Bắc Kinh vào chiều ngày 5/4, chính thức bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc 3 ngày. Ngoài việc đến Bắc Kinh, ông sẽ đến thăm Đại học Tôn Trung Sơn Quảng Châu. Nhân đây, nhà trường đã thay thế bồn cầu xổm trong nhà vệ sinh bằng bồn cầu bệt, nhận về nhiều chế giễu.
Macron nhắc lại Bắc Kinh không nên hỗ trợ quân sự cho Nga
Ông Macron nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đóng một “vai trò quan trọng” trong việc tìm kiếm con đường hòa bình ở Ukraine.
Theo CCTV, nhận lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Macron sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 5-7/4. Tháp tùng ông Macron là phái đoàn chính phủ, bao gồm một số quan chức cấp cao của chính phủ Pháp, hơn 60 doanh nhân Pháp và hơn 20 nhân sĩ trong giới văn hóa.
Trong số đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, cũng tháp tùng ông Macron đến thăm Trung Quốc lần đầu tiên kể từ năm 2019. Bà Von der Leyen đã không đến thăm Trung Quốc kể từ khi trở thành chủ tịch Ủy ban châu Âu từ hơn 3 năm trước.
Sau khi bay tới Bắc Kinh, ông Macron đã được Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang) đón tiếp. Sau đó ông đến dinh thự của Đại sứ Pháp tại Trung Quốc, gặp đại diện cộng đồng người Pháp tại Bắc Kinh.
Ông Macron nhắc lại rằng nếu ĐCSTQ cung cấp vũ khí cho Nga trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, điều này sẽ vi phạm luật pháp quốc tế, và việc tiếp tục chiến tranh sẽ không có lợi cho Bắc Kinh.
Đối với ông Macron, việc mời bà Von der Leyen cùng viếng thăm nhằm thể hiện sự đoàn kết của EU. Trước đó, các quan chức Pháp đã chỉ trích chuyến thăm riêng của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Trung Quốc vào đầu tháng 11/2022.
Các cố vấn của ông Macron cho biết, Tổng thống Pháp đã thúc đẩy mối quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn của EU với Trung Quốc, và phần lớn ủng hộ lập trường của bà Von der Leyen. Nhưng các tuyên bố công khai của ông Macron luôn tránh né những lời gây bất đồng gay gắt.
Ngoài thương mại, cả ông Macron và bà Von der Leyen đều cho biết, họ hy vọng sẽ thuyết phục được ĐCSTQ gây ảnh hưởng đối với Nga, nhằm đạt được hòa bình ở Ukraine; hoặc ít nhất là ngăn Bắc Kinh trực tiếp hỗ trợ đồng minh Nga.
Được biết, trong chuyến thăm này, ông Macron sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.
Sau khi ông Tập Cận Bình bay tới Moscow để gặp Tổng thống Putin vào tháng Hai, ngoại giới hết sức nghi ngờ về lập trường của ĐCSTQ đối với Ukraine. Trước đây, Macron cho biết ông muốn nhấn mạnh với Tập Cận Bình rằng châu Âu sẽ không chấp nhận việc ĐCSTQ cung cấp vũ khí cho Nga.
Vào tuần trước, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã gặp ông Tập tại Bắc Kinh. Sanchez cho biết ông hy vọng ông Tập sẽ nói chuyện với các nhà lãnh đạo Ukraine, để tìm hiểu trực tiếp về kế hoạch hòa bình của nước này.
Một số nhà phân tích dự đoán rằng ông Macron và bà Von der Leyen cũng có thể nhắc lại đề xuất đối thoại giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Zelensky.
Khai mạc hội nghị mùa xuân của IMF
Vào thứ Năm, Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, sẽ phát biểu mở màn Cuộc họp Mùa xuân – hội nghị chung của IMF và Ngân hàng Thế giới. Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương sẽ đến Washington, DC, để tham dự sự kiện này vào ngày 10 tháng 4.
Có ba vấn đề chi phối chương trình nghị sự. Đầu tiên là gói cứu trợ hào phóng trị giá 16 tỷ USD của IMF dành cho Ukraine. Tuy nhiên nó đi kèm với lãi suất tương đương vay thương mại và không chắc liệu Ukraine có đủ khả năng trả hay không. Thứ hai là cách tiếp cận của IMF đối với biến đổi khí hậu, và liệu loại hỗ trợ tài chính nào của họ có thể giúp được quá trình thích ứng và giảm nhẹ tác động. Thứ ba là làm sao xoa dịu gánh nặng nợ của các nước đang lâm vào cảnh túng quẫn và vỡ nợ — Trung Quốc, chủ nợ chính thức lớn nhất thế giới, phản đối giảm nợ. Cả ba đầu mục đều không dễ giải quyết. Nhưng các nước nghèo cần giải pháp nhanh chóng. Ví dụ, Zambia đã chờ đợi cơ cấu lại các khoản nợ suốt hơn hai năm qua.
Ngành công nghiệp Đức hoạt động tốt
Vào thứ Năm, cơ quan thống kê Destatis của Đức sẽ công bố số liệu sản xuất công nghiệp tháng 2. Dữ liệu nhiều khả năng cho thấy đà phục hồi kéo dài từ tháng 1, khi sản xuất công nghiệp tăng 3,5% so với tháng 12. Các ngành sử dụng nhiều năng lượng, chẳng hạn như gia công kim loại và sản xuất hóa chất, đã tận dụng giá năng lượng giảm để tăng sản lượng.
Gia tăng sản xuất công nghiệp sẽ giúp Đức nhiều khả năng tránh được suy thoái kinh tế trong năm nay. Vào ngày 5 tháng 4, năm viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu đã nâng dự báo chung về tăng trưởng kinh tế lên 0,3% trong năm nay và 1,5% trong năm tới. Đó là một sự cải thiện rõ rệt: dự đoán của họ hồi mùa thu, khi giá năng lượng tăng cao, là giảm 0,4% trong năm 2023. Dù thế, lạm phát vẫn là một vấn đề đáng lo ngại. Nó có thể sẽ chỉ giảm nhẹ trong năm nay, từ 6,9% xuống 6%. Và nền kinh tế toàn cầu vẫn còn yếu, khi các hộ gia đình rụt rè chi tiêu.
Lukashenko gặp Putin
Trong lần gặp cuối hồi tháng 12, nhà độc tài Belarus Alexander Lukashenko đã nói đùa với Vladimir Putin, người đồng cấp Nga, rằng họ là “những người xấu tính nhất, độc hại nhất hành tinh.” Dường như lời ông nói càng ngày càng đúng. Vào tháng 2 năm 2022, Nga tiến hành xâm lược Ukraine từ lãnh thổ Belarus và cho đến nay đã trông cậy vào các tuyến đường sắt, sân bay và nhà xác của đồng minh. Ông Putin gần đây thậm chí công bố kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân tại nước này.
Hai nhà lãnh đạo sẽ gặp lại vào thứ Năm tại Moscow để tham dự hội nghị thượng đỉnh về “nhà nước liên minh,” một dự án kéo dài nhiều năm với mục tiêu hợp nhất nền kinh tế và khả năng quốc phòng của hai nước. Một chủ đề phức tạp sẽ là lời kêu gọi của ông Lukashenko hồi thứ Sáu tuần trước về “một lệnh ngừng bắn ngay lập tức” ở Ukraine. Belarus dường như không muốn phải đóng vai trò quân sự chủ động hơn. Không như người Nga, người Belarus phản chiến. Quân đội yếu kém của họ chắc chắn sẽ chịu nhiều thất bại, bên cạnh các lệnh trừng phạt mở rộng của châu Âu. Ông Lukashenko có lẽ sẽ hy vọng ông Putin ít xấu tính hơn lời miêu tả của ông.
Kết quả kinh doanh tốt của Levi Strauss
Levi Strauss, nhà sản xuất quần jean lớn nhất thế giới, đã trải qua một vài năm khó khăn. Nhu cầu quần jean giảm trong đại dịch, nhưng tăng trở lại vào năm 2021 sau phong toả. Nhưng hoạt động kinh doanh của Levi lại sa sút trong 12 tháng qua vì lạm phát kìm hãm chi tiêu (và xu hướng thời trang đã chuyển sang vải twill và corduroy thay vì vải denim). Doanh số bán hàng của Levi Strauss giảm 6% so với cùng kỳ năm trước trong quý cuối năm 2022.
Nhưng bấy nhiêu vẫn tốt hơn dự đoán của giới phân tích, điều sẽ mang lại yên tâm cho nhà đầu tư trước khi công ty công bố kết quả quý đầu vào thứ Năm. Levi Strauss đã đa dạng hóa kho sản phảm. Quần denim hiện chỉ chiếm 60% doanh số; và công ty đã mua lại Beyond Yoga, một nhà sản xuất trang phục “thể thao” (quần legging và những thứ tương tự), hồi cuối năm 2021. Họ cũng tăng cường thâm nhập vào các thị trường đang phát triển tương đối nhanh. Tuần này, Levi đã mở một cửa hàng tại thành phố Bangalore của Ấn Độ, cửa hàng lớn nhất ở châu Á.
Báo cáo: ĐCSTQ trả mỗi người biểu tình 400 đô la để gây rối cuộc họp ông McCarthy và bà Thái Anh Văn
Liên Thành
Những người ủng hộ Đài Loan, bên trái, đối đầu với những người thân Trung Quốc, bên phải, trước khách sạn Westin Bonaventure ở Los Angeles. (Ảnh: FREDERIC J. BROWN/AFP qua GETTY).
Newsweek đưa tin, theo báo Liberty Times của Đài Bắc, một nhà ngoại giao cấp cao tại lãnh sự quán Trung Quốc ở Los Angeles đang điều phối các cuộc biểu tình để cố gắng phá vỡ cuộc gặp riêng vào hôm nay giữa Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy.
Liberty Times trích dẫn thông tin do các cơ quan tình báo Đài Loan và Mỹ thu thập được, cho biết, công việc này được giám sát bởi ông Li Chunlin – Phó tổng lãnh sự, với hy vọng huy động “hơn 1.000 người” bằng các khoản thanh toán cho mỗi cá nhân trung bình 400 đô la.
Bà Thái đến Los Angeles vào cuối ngày hôm qua thứ Ba. Bà được chào đón bên ngoài khách sạn ở trung tâm thành phố bởi đám đông những người ủng hộ Đài Loan và cả những người biểu tình ủng hộ Trung Quốc.
Theo Liberty Times, những nỗ lực cản trở bà Thái ở New York tuần trước đều không đạt yêu cầu. Tờ báo nói thêm rằng lãnh sự quán Trung Quốc tại Los Angeles đã kêu gọi những người biểu tình được trả tiền để “đưa ra tuyên bố” và “can thiệp một cách hiệu quả” vào sự kiện hôm thứ Tư tại Thung lũng Simi ở miền nam California.
Theo báo cáo, ông Li đã huy động các thành viên của cộng đồng người Hoa ở khu vực Greater Los Angeles thông qua các hiệp hội địa phương và các tổ chức chịu ảnh hưởng của “mặt trận thống nhất”.
Bên cạnh đó, ông Tsai Ming-yen – giám đốc tình báo của Đài Loan và là người đứng đầu Cục An ninh Quốc gia, cũng cho biết tại phiên điều trần trước quốc hội ngày 30 tháng 3 ở Đài Bắc rằng, những người biểu tình ủng hộ Trung Quốc ở New York đã được đề nghị trả 200 đô la một ngày để tổ chức các cuộc biểu tình bên ngoài khách sạn nơi tổng thống Đài Loan dừng chân.
Tổng thống Pháp : Trung Quốc, đối tác thiết yếu cho kinh tế châu Âu và giải quyết xung đột Ukraina
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong khuôn khổ Festival Croisements tại bảo tàng Red Brick Museum Bắc Kinh. Ảnh ngày 05/04/2023. REUTERS – GONZALO FUENTES
Theo lịch trình, nguyên thủ Pháp và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, bà Ursula Von Der Leyen, sẽ có cuộc hội đàm chính thức với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày mai, 06/04. Hồ sơ Ukraina sẽ là nội dung chính.
Tổng thống Macron cùng chủ tịch Ủy Ban Châu Âu có ý định thuyết phục Bắc Kinh sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để gây áp lực với Matxcơva để vãn hồi hòa bình tại Ukraina hay chí ít là không trực tiếp hậu thuẫn đồng minh Nga.
Một lần nữa, trước cộng đồng người Pháp tại Trung Quốc, tổng thống Pháp khẳng định Trung Quốc có một “vai trò chủ chốt” trong việc giải quyết cuộc xung đột, đồng thời nhấn mạnh rằng Trung Quốc “sẽ chẳng được lợi gì khi cung cấp vũ khí cho Nga”.
Đặc phái viên đài RFI, Julien Chavane từ Bắc Kinh cho biết thêm :
Những lời đầu tiên khi Emmanuel Macron đến Bắc Kinh hôm nay là dành cho 22 ngàn người Pháp đang sinh sống tại Trung Quốc, vẫn còn mang đậm dấu ấn của ba năm dài dưới đại dịch Covid-19. Ông nói : “Toàn thể cộng đồng người Pháp tại Trung Quốc đã cho thấy một sự can đảm đáng nể. Tôi thật sự muốn cảm ơn tất cả quý ông và quý bà, những ai đã trải qua thời kỳ đầy khó khăn với một tinh thần trách nhiệm, đầy hy sinh để tiếp tục hiện diện ở đây.”
Điểm nhấn của chuyến công du sẽ là ngày mai thứ Năm. Đó là một cuộc gặp rất được trông đợi với Tập Cận Bình và một hồ sơ quan trọng nhất : Chiến tranh Ukraina. Mục tiêu của Emmanuel Macron là làm thế nào lay chuyển Tập Cận Bình, thúc đẩy ông ấy có một cử chỉ cho hòa bình.
Tổng thống Pháp nói : “Thách thức của chúng ta, theo một cách nào đó, là không nên thúc đẩy khối này chống khối kia, và một cách nào đó, không nên viết lịch sử khi cho rằng cuộc chiến này sẽ đến soạn lại những lô-gic chiến lược cũ xưa. Tôi tin điều ngược lại.”
Không có chuyện cảnh cáo trực tiếp, cũng không có kiểu vỗ mặt (coup de menton) trong phát biểu của tổng thống Pháp. Với Bắc Kinh, Emmanuel Macron bảo vệ phương pháp mềm mỏng, khi nói rằng “Khi chúng ta nói điều đó một cách tôn trọng, thà nói trực tiếp rồi mới kêu thán, khi chúng ta không công khai tranh luận và trên truyền hình, chúng ta tôn trọng, tôi tin rằng chúng ta được lắng nghe.”
Do vậy, cũng không có chuyện thúc bách ông Tập Cận Bình ngay từ đầu. Tổng thống Pháp, tỏ ra sáng suốt, giải thích : “Đe dọa không là một giải pháp tốt. Chúng ta sẽ không thương lượng hòa bình trong suốt chuyến thăm này.”
Tổng thống Ukraina thăm đồng minh chiến lược Ba Lan
Poland’s President Andrzej Duda welcomes Ukrainian President Volodymyr Zelenskiy at the Presidential Palace in Warsaw, Poland, April 5, 2023 REUTERS – ALEKSANDRA SZMIGIEL
Sau các cuộc hội đàm, nguyên thủ hai nước tổ chức họp báo chung vào 12 giờ 50 (giờ địa phương). Người phát ngôn phủ tổng thống Ukraina Sergii Nykyforov cho biết chủ đề chính của chuyến công du là “quốc phòng, kinh tế và vận tải xuyên biên giới, trong đó có các tuyến đường sắt, mở rộng khả năng đi qua biên giới”.
Vấn đề kinh tế được thảo luận ở cấp Nhà nước, cũng như trực tiếp với đại diện các công ty Ba Lan nhân Diễn đàn doanh nghiệp Ukraina-Ba Lan. Hai nước sẽ lập “kế hoạch trong tương lai để doanh nhân Ba Lan có thể thực hiện các dự án ở Ukraina”, trong đó có việc tái thiết đất nước sau khi kết thúc chiến tranh. Ngoài ra, vẫn theo ông Nykyforov, quan chức Ba Lan và Ukraina cũng đề cập đến “công việc của châu Âu, các biện pháp trừng phạt” nhắm vào Nga và “một số vấn đề lịch sử” tế nhị, chủ yếu trong thời Thế Chiến II, giữa hai nước.
Tổng thống Zelensky cũng sẽ gặp chủ tịch Hạ Viện (Diete) và Thượng Viện Ba Lan, một số tình nguyện viên và nhân viên cứu hộ, cũng như một số thị trưởng các thành phố dọc biên giới với Ukraina. Tối 05/04, ông sẽ phát biểu với người dân Ba Lan và người Ukraina sống tại đây.
AFP nhắc lại, Ba Lan, thành viên NATO, trở thành điểm hậu cần, trung chuyển vũ khí của phương Tây cho Kiev chống cuộc xâm lược của Nga. Ba Lan cũng là nhà viện trợ quân sự và nhân đạo lớn cho Ukraina. Về vũ khí, gần đây, Ba Lan giao những chiếc chiến đấu cơ MiG-29 đầu tiên, 14 xe tăng Leopard 2A4 hồi tháng 02 và 03, cùng với nhiều loại vũ khí khác. Ngay từ đầu chiến tranh, Ba Lan đã tiếp đón đông đảo người tị nạn Ukraina.
Nhật Bản sửa đổi luật cho phép tài trợ quân đội nước ngoài
Thủ tướng Nhật Fumio Kishida, ảnh chụp ngày 17/10/2022 tại Tokyo. Ảnh minh họa © Keisuke Hosojima/Kyodo News via AP
Trong một cuộc họp báo, hôm nay, 05/04/2023, chánh văn phòng nội các Nhật Bản, ông Hirokazu Matsuno cho biết có hai nguồn viện trợ sẽ được quản lý tách bạch : Đó là quỹ Hỗ trợ An ninh Hải ngoại (OSA), tài trợ các nước trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng và chương trình Viện trợ phát triển (ODA), vẫn có từ lâu nay, giúp các nước xây dựng cơ sở hạ tầng như đường xá, đập thủy điện hay nhiều cơ sở dân sự khác từ nhiều thập niên qua.
Thông cáo của bộ Ngoại Giao Nhật Bản, được Reuters trích dẫn, nhấn mạnh, « bằng cách giúp tăng cường khả năng bảo đảm an ninh và răn đe, OSA hướng tới tăng cường hơn nữa hợp tác an ninh giữa Nhật Bản với các nước khác nhằm tạo ra một môi trường an ninh cho Nhật Bản. »
Tuy nhiên, Tokyo cũng nêu rõ, hỗ trợ quốc phòng (OSA) của Nhật chỉ dành cho các nước đang phát triển dưới hình thức viện trợ không hoàn lại và sẽ không được sử dụng mua vũ khí sát thương để dùng trong các cuộc xung đột với các nước khác.
Với việc thay đổi luật lệ, Nhật Bản dự trù cung cấp các loại thiết bị quân sự như vệ tinh viễn thông và hệ thống vô tuyến giám sát hàng hải. Hiện nay, Nhật Bản đang xem xét cấp ra-đa cho Philippines, giúp giám sát các hoạt động của Trung Quốc tại vùng Biển Đông đang có tranh chấp.
Xu hướng nới lỏng xuất khẩu vũ khí diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang trong quá trình xây dựng lại quân đội lớn nhất kể từ Đệ Nhị Thế Chiến và từng bước hủy bỏ chính sách chủ hòa được quy định trong Hiến Pháp.
Chip bán dẫn : Trung Quốc đòi làm sáng tỏ các hạn chế xuất khẩu
Chíp bán dẫn. Ảnh ngày 28/04/2021chụp tại nhà máy Brooklyn Navy Yard, ngoại ô New York, Hoa Kỳ. AP – John Minchillo
Những năm gần đây, nhằm tìm cách gạt các doanh nghiệp Trung Quốc khỏi các chuỗi cung ứng công nghệ chip bán dẫn, Washington, một mặt ban hành các quy định mới siết chặt kiểm soát xuất khẩu (tháng 10/2022), và mặt khác kêu gọi các đồng minh khác áp dụng tương tự.
Tháng 03/2023, Hà Lan – quốc gia sản xuất các thiết bị chế tạo chip bán dẫn hàng đầu thế giới – đã theo chân Mỹ khi đưa ra một thông báo tương tự. Và gần đây nhất là Nhật Bản, ngày 31/03, cũng thông báo kiểm soát xuất khẩu linh kiện thiết yếu này khi viện dẫn lý do « an ninh quốc gia », « ngăn ngừa chuyển hướng công nghệ sang mục đích quân sự », theo như giải thích của bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura.
Trung Quốc, trong nhiều năm qua, muốn có sự tự chủ trong lĩnh vực tiên tiến này, mạnh mẽ chỉ trích Hoa Kỳ và các nước đồng minh của Mỹ, đã « chính trị hóa, công cụ hóa và vũ khí hóa các vấn đề thương mại và công nghệ ».
Đáp trả các biện pháp hạn chế, Trung Quốc hôm 31/3 thông báo mở điều tra nhắm vào tập đoàn Micron Technology của Mỹ, chuyên sản xuất thẻ nhớ hàng đầu với lý do « an ninh quốc gia ».
Pháp : Đối thoại giữa chính phủ và nghiệp đoàn về cải cách hưu trí “thất bại”
Thu Hằng/RFI
Chính phủ và các công đoàn Pháp đã không tìm được tiếng nói chung về cải cách hưu trí trong cuộc gặp đầu tiên kể từ ngày 10/01/2023. Cuộc gặp kéo dài chưa đầy một tiếng vào sáng 05/04 đã “thất bại”. Thủ tướng Elisabeth Borne từ chối rút lại dự án cải cách. Giới công đoàn kêu gọi đông đảo người dân tham gia ngày hành động thứ 11 vào thứ Năm 06/04.
Phát biểu với báo giới ngay tại điện Matignon, ông Cyril Chabanier, đại diện cho cơ chế liên công đoàn gồm 8 nghiệp đoàn, cho biết là đã nói với “thủ tướng là sẽ không có lối thoát nào khác ngoài việc rút lại văn bản”. Lời khẳng định “muốn duy trì văn bản” của bà Elisabeth Borne bị giới nghiệp đoàn đánh giá “là một quyết định nghiêm trọng”, “thủ tướng không tỏ thái độ cởi mở cho đối thoại”.
Do đó, các nghiệp đoàn đã từ chối “sang trang mới và mở các cuộc tham vấn khác, như chính phủ mong muốn”, đồng thời kêu gọi Hội Đồng Bảo Hiến lắng nghe phẫn nộ của người lao động trước khi phán quyết về dự luật cải cách hưu trí vào ngày 14/04.
Các nghiệp đoàn cũng cáo buộc chính phủ đã buộc họ “phải xuống đường” để “đi đến cùng”, theo tân tổng thư ký CGT Sophie Binet. Ông Laurent Berger, tổng thư ký nghiệp đoàn CFDT, cũng cho rằng không còn con đường nào khác “ngoài việc huy động vài triệu người lao động”. Theo AFP, khoảng 20% giáo viên, nhân viên trường học đình công ngày 06/04.
Theo công ty đường sắt Pháp SNCF, khoảng 75% chuyến tầu cao tốc TGV, từ 25% đến 50% tuyến tầu liên tỉnh hoạt động ngày 06/04. Tại Paris, công ty quản lý giao thông đô thị cho biết hầu hết các tuyến đường hoạt động bình thường, trừ tuyến RER D. Đoàn biểu tình sẽ khởi hành lúc 14 giờ từ quảng trường Invalides (quận 7) và đến quảng trường Italie (quận 13).
Trước những cáo buộc bạo lực cảnh sát, Sở Cảnh sát Paris mời bà Claire Hédon, lãnh đạo tổ chức Bảo vệ các quyền của công dân, một định chế độc lập, và một số luật sư, đến phòng chỉ huy theo dõi cuộc tuần hành ngày 06/04.
Pháp muốn củng cố vị thế ở Châu Á-Thái Bình Dương nhưng lực bất tòng tâm
Hải Quân Pháp trong vùng Thái Bình Dương. Ảnh chụp trong một cuộc giao lưu với Hải Quân Philippines ngày 20/03/2023 tại Biển Đông. AP
Thanh Phương /RFI
Tổng thống Emmanuel Macron hiện đang viếng thăm Trung Quốc, quốc gia đóng vai trò trung tâm ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương, khu vực mà Pháp đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng, dựa trên các vùng lãnh thổ hải ngoại và dựa trên sự hiện diện quân sự tại đây. Nhưng theo nhận định của hãng tin AFP, Paris hiện chưa có đủ phương tiện để thực hiện những tham vọng đó và phải làm rõ lập trường đối với Bắc Kinh để có thể củng cố vị thế của mình.
Thật ra bây giờ mọi người nói nhiều hơn đến Ấn Độ-Thái Bình Dương, khái niệm do chính quyền Mỹ đề xướng, để nói về một vùng trải dài từ Ấn Độ, vùng Ấn Độ Dương, qua Trung Quốc, Đông Nam Á, đến Úc, New-Zealand.
AFP trích dẫn thượng nghị sĩ cánh hữu Cédric Perrin, đồng tác giả một báo cáo về chiến lược của Pháp tại vùng này: “Trung tâm đầu não của thế giới phần lớn đã chuyển sang vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Đây cũng là ý kiến của đồng tác giả báo cáo, thượng nghị sĩ Xã Hội Rachid Temal: “Vùng này sẽ là thế giới mới của tương lai”. Theo báo cáo của các thượng nghị sĩ Pháp, đến 2040, vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương sẽ bao gồm 75% dân số thế giới, sản xuất hơn phân nửa tổng sản phẩm nội địa của thế giới, và chiếm 3 phần 4 nguồn dự trữ các nguyên liệu thiết yếu.
Nhưng vùng có tiềm năng kinh tế rất lớn này lại đang đối đầu với nhiều đe dọa, đặc biệt nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, với việc Bắc Triều Tiên liên tục bắn thử các tên lửa. Ấy là chưa kể những căng thẳng có thể biến thành xung đột do cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt.
Trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương rộng lớn này, Paris có đủ tư cách để khẳng định vị thế của mình, vì các lãnh thổ của Pháp trải dài từ các bờ biển phía đông của châu Phi đến các bờ biển phía Tây của châu Mỹ, với khoảng 1,6 triệu dân Pháp sống tại các vùng lãnh thổ này, chưa kể số công dân Pháp đang làm việc tại các nước trong khu vực. Thượng nghị sĩ Cédric Perrin cũng lưu ý rằng tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, Pháp nắm giữ vùng đặc quyền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ, với hơn 11 triệu km2.
Theo lời bà Isabelle Saint-Mézard, nhà nghiên cứu của Trung tâm Châu Á, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), nước Pháp tuy là một cường quốc trung bình, nhưng có thể có một “ảnh hưởng toàn cầu”. Trước nguy cơ một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Bắc Kinh và Washington, Paris muốn đóng vai trò như là một “giải pháp thay thế”, duy trì sự cân bằng trong khu vực.
Tuy nhiên, vấn đề là các đối tác trong khu vực vẫn xem Pháp như là một đồng minh đương nhiên của Mỹ, nên không hiểu rõ lắm về chiến lược của Pháp. Theo ghi nhận của thượng nghị sĩ Rachid Temal, chiến lược của Pháp không rõ ràng và Paris không có đủ phương tiện để thực hiện những tham vọng của mình. Mặt khác, theo đánh giá của thượng nghị sĩ Cédric Perrin, Paris không thể tiếp tục giữ lập trường mập mờ đối với Bắc Kinh để bảo vệ các lợi ích kinh tế. Nước Pháp phải tái khẳng định một lập trường mạnh mẽ và thực tế đối với Trung Quốc, nhất là về sự cần thiết của việc tôn trọng luật pháp quốc tế. Paris cũng phải tính đến lập trường chung của Liên Hiệp Châu Âu, cũng như tính đến các nước thành viên khác của Liên Âu như Đức, quốc gia cũng muốn hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế của vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Theo AFP, bộ Quân lực Pháp cũng lưu ý là do muốn tránh làm phật lòng Bắc Kinh, Paris vẫn không tham gia các liên minh, đặc biệt là các liên minh do Mỹ khởi xướng. Nhưng làm như thế, Pháp bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh tế và thương mại, cũng như cơ hội gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Về mặt quân sự, Pháp cũng ít khi triển khai lực lượng trong khu vực.
Trong bối cảnh hiện nay, Pháp có thể thiết lập các liên minh nào với những nước trong khu vực? Theo hãng tin AFP, khủng hoảng ngoại giao với Úc do vụ mua bán tàu ngầm nay đã chấm dứt, Paris có thể hướng tới một liên minh ba nước bao gồm Pháp, Úc và Ấn Độ, một đối tác chủ chốt, đang được rất nhiều nước ve vãn. Pháp cũng có thể tăng cường quan hệ với Singapore hay Philippines.
Về mặt quân sự, Jérémy Bachelier, một sĩ quan hải quân Pháp, hiện được biệt phái về Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, đề nghị Liên Hiệp Châu Âu nên có một hình thức hiện diện thường trực trong khu vực với mục tiêu bảo đảm an ninh hàng hải trong một vùng trải dài từ Vịnh Bengale đến Biển Đông, một vùng có tầm quan trọng chiến lược rất lớn đối với giao thương hàng hải giữa châu Á và châu Âu. Mục tiêu của sự hiện diện thường trực này không phải là làm gia tăng các căng thẳng, mà là nhằm cho thấy là châu Âu có những lợi ích thiết yếu trong khu vực.
Không có nhận xét nào