Võ Thái Hà tổng hợp
Nhật Bản cam kết bảo vệ các quan chức tới dự hội nghị G7
16/4/2023
Các nhà ngoại giao G7 trong một cuộc họp. [Ảnh minh họa]
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm Chủ nhật cam kết rằng Nhật sẽ làm mọi điều có thể để đảm bảo an toàn cho cuộc họp của các nhà lãnh đạo và bộ trưởng của nhóm G7 tại Nhật Bản trong tháng này.
“Chúng tôi phải nỗ lực hết sức để đảm bảo an ninh và an toàn… [khi] các quan chức từ khắp nơi trên thế giới nhóm họp”, ông Kishida nói với các phóng viên hôm Chủ nhật.
Cam kết của ông được đưa ra một ngày sau khi một kẻ tình nghi ném một quả bom khói ở miền tây Nhật Bản trong khi ông Kishida đang đọc diễn văn ủng hộ một chính trị gia địa phương.
Thủ tướng Kishida không bị thương trong vụ này. Một nghi can đã bị bắt.
Các ngoại trưởng G7, trong đó có Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, đã bắt đầu ba ngày hội đàm hôm Chủ nhật tại thị trấn Karuizawa, miền trung Nhật Bản.
Hải quân Hàn - Nhật - Mỹ tập trận phòng thủ chống tên lửa
17/4/2023
Tàu khu trục Yulgok Yi I của Hàn Quốc (P), USS Benfold của Mỹ (G) và Atago của Nhật trong cuộc tập trận ngày 17/04/2023. Ảnh do bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cung cấp. AP
Thùy Dương /RFI
Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản hôm nay 17/04/2023 bắt đầu tập trận chung về phòng thủ chống tên lửa ở hải phận quốc tế giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, nhằm cải thiện hợp tác an ninh và đối phó tốt hơn với các mối đe dọa tên lửa từ Bắc Triều Tiên.
Quảng cáo
Theo Yonhap, nội dung cuộc tập trận là phát hiện, theo dõi và trao đổi thông tin liên quan đến mục tiêu tên lửa đạn đạo được mô phỏng trên máy tính. Trong số các tàu tham gia tập trận có 3 tàu khu trục Aegis : ROKS Yulgok Yi I của Hàn Quốc, USS Benfold của Hoa Kỳ và JS Atago của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản. Một quan chức Hải quân Hàn Quốc cho biết : « Đây là cơ hội để tăng cường hợp tác an ninh giữa Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản nhằm chống lại các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đạn đạo ngày càng gia tăng từ Bắc Triều Tiên, đồng thời củng cố năng lực của các lực lượng hải quân của chúng ta để đáp trả các vụ phóng tên lửa đạn đạo. »
Cuộc tập trận chung này diễn ra sau cuộc họp cấp cao 3 bên ở Washington, Mỹ hôm 14/04. Các bên đã quyết định tăng cường phối hợp an ninh sau các hành động khiêu khích gần đây của Bắc Triều Tiên, nhất là sau vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hỏa Tinh -18 (Hwasong-18) dùng nhiên liệu rắn. Seoul, Tokyo và Washington nhất trí sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận phòng thủ chống tên lửa và chống tàu ngầm.
Trong khi đó, lực lượng không quân của Hàn Quốc và Hoa Kỳ hôm nay 17/04 cũng bắt đầu đợt tập trận 12 ngày.
Cũng trong ngày hôm nay, Hàn Quốc và Nhật Bản nối lại cuộc họp cấp cao « 2+2 » về ngoại giao và an ninh tại Seoul sau 5 năm tạm dừng do những bất đồng về các vấn đề lịch sử thời chiến. Theo Reuters, trong thông cáo chung sau cuộc họp, Seoul và Tokyo khẳng định thúc đẩy hợp tác an ninh để « hướng tới tương lai ».
Tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan sau cuộc tập trận của Trung Quốc
17/4/2023
Tàu chiến USS Milius của Hoa Kỳ vừa đi qua eo biển Đài Loan hôm Chủ nhật (16/4).
Tàu chiến USS Milius của Hoa Kỳ vừa đi qua eo biển Đài Loan hôm Chủ nhật (16/4), điều mà Hải quân Hoa Kỳ mô tả hôm thứ Hai (17/4) là quá cảnh “thường lệ”, chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc kết thúc các cuộc tập trận gần đây quanh hòn đảo này, theo Reuters.
Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ cho biết tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Milius đã tiến hành “quá cảnh thường lệ eo biển Đài Loan” qua vùng biển “nơi quyền tự do hàng hải và hàng không trên biển được áp dụng theo luật pháp quốc tế”.
Hạm đội 7 cho biết thêm rằng việc quá cảnh của con tàu này thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội hôm thứ 17/4, Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Đông của quân đội Trung Quốc cho biết rằng họ đã triển khai binh sĩ để theo dõi và giám sát tàu khu trục Hoa Kỳ trong suốt hoạt động của nó.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết tàu chiến Mỹ đi theo hướng bắc qua eo biển và trong quá trình di chuyển, tình hình ở eo biển là “bình thường”.
Hải quân Hoa Kỳ đưa tàu chiến đi qua eo biển này khoảng mỗi tháng một lần và cũng thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ tự do hàng hải tương tự ở Biển Đông đang tranh chấp.
Tuần trước, tàu USS Milius đã đi gần Đá Vành Khăn, một trong những hòn đảo nhân tạo quan trọng nhất và do Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông. Bắc Kinh tố cáo hành động này là bất hợp pháp.
Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan kể từ khi cuộc tập trận kết thúc, mặc dù ở quy mô nhỏ hơn.
Vào sáng 17/4, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ đã phát hiện 18 máy bay quân sự và 4 tàu hải quân của Trung Quốc hoạt động xung quanh Đài Loan trong khoảng thời gian 24 giờ trước đó.
Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để kiểm soát Đài Loan.
Chính phủ Đài Loan bác bỏ yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc và nói rằng chỉ người dân của hòn đảo mới có thể quyết định tương lai của họ.
Chính quyền quân quản Myanmar phóng thích 3.000 tù nhân dịp Tết cổ truyền
17/4/2023
Hôm 17/4, chính phủ quân sự Myanmar đặc xá cho hơn 3.000 tù nhân dịp Tết Nguyên đán truyền thống.
Hôm 17/4, chính phủ quân sự Myanmar đặc xá cho hơn 3.000 tù nhân dịp Tết Nguyên đán truyền thống, nhưng không rõ liệu những người được thả có bao gồm bất kỳ ai trong số hàng ngàn tù nhân chính trị bị giam giữ vì chống lại sự cai trị của quân đội hay không, theo AP.
Đài truyền hình MRTV của nhà nước đưa tin rằng Hội đồng Hành chính Nhà nước, cơ quan cầm quyền do quân đội thành lập sau khi nắm quyền vào năm 2021, đã đặc xá cho 3.113 tù nhân, trong đó có 98 người nước ngoài sẽ bị trục xuất.
Một quan chức từ Nhà tù Insein của Yangon, người phát biểu với điều kiện không nêu tên vì ông không được phép tiết lộ thông tin, cho biết số lượng và tên của những người sẽ được trả tự do khỏi nhà tù lớn nhất của đất nước vẫn chưa được biết. Việc phóng thích dự kiến sẽ bắt đầu vào 17/4.
Khoảng 17.460 tù nhân chính trị, bao gồm cả cựu lãnh đạo dân sự Myanmar Aung San Suu Kyi, đã bị giam giữ tính đến thứ Tư tuần trước, theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, một tổ chức độc lập lưu giữ các số liệu chi tiết về các vụ bắt giữ và thương vong liên quan đến các cuộc xung đột chính trị của quốc gia.
Myanmar nằm dưới sự cai trị của quân đội kể từ ngày 1/2/2021, khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử của bà Suu Kyi. Việc tiếp quản đã gặp phải sự phản kháng bất bạo động lớn, từ đó trở thành một cuộc đấu tranh vũ trang rộng rãi.
Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, ít nhất 3.240 thường dân đã bị lực lượng an ninh giết hại kể từ khi quân đội tiếp quản.
Ông Tun Kyi, một thành viên cấp cao của Hiệp hội Cựu tù nhân Chính trị, cho biết không biết có bao nhiêu tù nhân chính trị sẽ nằm trong số những người được thả, nếu có, nhưng bất kỳ hành động nào như vậy sẽ được thực hiện để đánh bóng hình ảnh của chính quyền quân sự.
Ông cho biết nhóm của ông coi việc công bố như vậy là cố gắng ghi điểm chính trị, giảm bớt áp lực quốc tế và tìm cách chứng minh tính hợp pháp của quân đội.
Lễ kỷ niệm Thingyan năm nay, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thu hút ít đám đông hơn so với trước khi xảy ra đại dịch COVID và cuộc tiếp quản năm 2021.
Ở các thành phố lớn, các hoạt động lễ hội như trò té nước vui nhộn diễn ra tại các gian hàng được chỉ định có an ninh cao. Lễ hội ở hầu hết các vùng nông thôn khá tĩnh lặng, với nhiều người chú ý đến lời kêu gọi của những người phản đối chế độ quân sự không tham gia vào các hoạt động do quân đội lên kế hoạch.
Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc công du Nga thắt chặt quan hệ quân sự song phương
17/4/2023
Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc tuyên thệ nhậm chức, Bắc Kinh, ngày 12/03/2023. AP - Andy Wong
Minh Anh /RFI
Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) hôm qua, 16/04/2023, đã đến Matxcơva bắt đầu chuyến thăm chính thức ba ngày. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Lý kể từ khi nhậm chức. Theo giới quan sát, chuyến thăm này dường như nhằm củng cố hơn nữa mối quan hệ quân sự chiến lược giữa hai quân đội trong bối cảnh chiến tranh tại Ukraina do Nga phát động.
Từ Matxcơva, thông tín viên đài RFI Julian Colling tường trình:
« Quả thực chuyến thăm Nga của ông Lý Thượng Phúc rất đáng chú ý, chỉ sau chuyến công du của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có một tháng. Bởi vì, theo ý kiến từ nhiều nhà quan sát, hai chuyến thăm cấp cao liên tiếp này, ẩn chứa sau hậu trường một sự xích lại gần ngày càng rõ nét trong lĩnh vực quân sự giữa hai nước.
Để tỏ sự trọng thị, đích thân tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến gặp bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc cùng với sự hiện diện của đồng nhiệm Nga Serguei Choigu trong phòng họp. Ông Lý Thượng Phúc tuyên bố rằng mối quan hệ Nga – Trung hiện nay, xin trích, "vượt qua cả liên minh chính trị - quân sự trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh".
Tại Matxcơva, chuyên gia nổi tiếng về quan hệ Nga – Trung, Alexander Gabouiev, gần đây có đăng một bài trên tạp chí Foreign Affairs về chủ đề này. Ông viết rằng đối mặt với sự đoạn tuyệt hoàn toàn trong quan hệ công nghệ với phương Tây, nước Nga không còn lựa chọn nào khác là chấp nhận bán các hệ thống, phương tiện tiên tiến nhất cho Trung Quốc. Chẳng hạn như các động cơ phản lực tiêm kích, hay như các hệ thống phòng không địa đối không S-500.
Trong mọi trường hợp, đây là một xu hướng rất nhậy cảm trong bối cảnh cuộc chiến tranh tại Ukraina. Trong những tuần gần đây, Kiev đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về khả năng Bắc Kinh hỗ trợ quân sự thật sự cho Matxcơva. Một vấn đề gần như là chắc chắn, theo lãnh đạo Cơ quan Tình báo Mỹ CIA, Williams Burns.
Hơn nữa, theo quân đội Ukraina, dường như ngày càng có nhiều linh kiện Trung Quốc được tìm thấy trên thực địa trong các loại vũ khí và đạn dược mà Nga sử dụng. »
Nga chuẩn bị thay đổi giàn chỉ huy chiến dịch tấn công Ukraina
17/4/2023
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp Hội Đồng An Ninh tại Matxcơva hôm 24/03/2023 để bàn về Ukraina. AP - Alexei Babushkin
Trọng Nghĩa /RFI
Theo Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh ISW của Mỹ ngày 16/04/2023 có nhiều dấu hiệu cho thấy Quân Đội Nga đang ngày càng giao trách nhiệm các chiến dịch tại Ukraina cho lực lượng nhảy dù.
Trong bản tin hàng ngày về chiến dịch tấn công của Nga tại Ukraina, Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh ghi nhận đã nhắc lại thông tin hôm 16/04 của bộ Quốc Phòng Anh, theo đó tướng Mikhail Teplinsky, tư lệnh binh chủng Nhảy Dù VDV (có tên chính thức là Binh Chủng Đổ Bộ Đường Không), rất có thể là đã lấy lại được một vai trò "quan trọng" ở Ukraina, sau khi đã bị cách chức vào tháng Giêng vừa qua.
Việc tái bổ nhiệm tướng Teplinsky, cho dù với một "vai trò không xác định", cho thấy là Nga đang chuẩn bị "cải tổ giàn chỉ huy cấp cao" sau đợt tấn công mùa đông thất bại và trước thềm một cuộc phản công có thể xảy ra của lực lượng Ukraina.
Quyết định bổ nhiệm này cũng là dấu hiệu cho thấy là lực lượng nhảy dù Nga sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong các chiến dịch quân sự tại Ukraina. Tuy nhiên, cơ quan nghiên cứu Mỹ đã tỏ ra rất hoài nghi về khả năng lực lượng nhảy dù Nga khôi phục được tư thế lực lượng tinh nhuệ trước đây của mình. Lý do là từ đầu cuộc chiến đến nay, lực lượng này đã bị tổn thất rất đáng kể.
Tình báo Mỹ: Một số đơn vị đặc nhiệm Nga mất tới 90% quân số
Trong các tài liệu mật vừa bị rò rỉ của bộ Quốc Phòng Mỹ, có nhiều thông tin tình báo về tình trạng của Quân Đội Nga. Theo nhật báo Mỹ The Washington Post tiết lộ, các lực lượng đặc biệt Nga, gọi chung là Spetsnaz, trong hơn một năm qua đã bị thương vong đáng kể trên chiến trường Ukraina.
Ngay từ đầu, vì thấy đà tiến của "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraina quá chậm, giới chỉ huy quân sự Nga đã quyết định tung lực lượng các lực lượng đặc biệt vào vòng chiến.
Kết quả là các lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ này đã phải chịu tổn thất rất nặng nề. Một ví dụ điển hình là Lữ Đoàn Spetsnaz thứ 22, đã bị mức tổn thất lên đến 90%. Hình ảnh chụp từ trên không từ tháng 11 năm 2021 cho đến gần một năm sau cho thấy đội phương tiện cơ giới của đạo quân này đã bị giảm đáng kể, với khoảng một nửa số xe bọc thép hạng nhẹ Tigr được cho là không còn hoạt động được.
Một ví dụ khác liên quan đến Lữ Đoàn 346, “đã mất gần như toàn bộ quân số, chỉ còn 125 người trong tổng số 900 người được triển khai”.
Theo The Washington Post, các tổn thất to lớn kể trên sẽ ảnh hưởng lâu dài đến các lực lượng đặc biệt của Nga. Với quá trình huấn luyện kéo dài trung bình bốn năm, việc xây dựng lại các đơn vị bị tiêu hao có thể kéo dài trong thời hạn 10 năm.
Mỹ: Xả súng tiệc sinh nhật ở Alabama, 4 người chết, 28 người bị thương
17/4/2023
Người thân dự lễ cầu nguyện cho nạn nhân vụ xả súng, ngày 16/4/2023, ở Dadeville, Alabama.
Ít nhất bốn người thiệt mạng, trong đó có một cầu thủ bóng bầu dục của trường trung học, trong một vụ nổ súng nổ ra trong bữa tiệc sinh nhật được tổ chức bên trong một phòng tập khiêu vũ ở thị trấn nhỏ Dadeville, bang Alabama, cảnh sát bang và phương tiện truyền thông địa phương cho biết hôm 16/4, theo AP.
Nhà chức trách cho biết hơn 28 người bị thương, một số trong tình trạng nguy kịch, trong vụ xả súng cách thủ phủ Montgomery của bang khoảng 100 km về phía đông bắc.
Họ cũng cho biết vụ nổ súng bắt đầu ngay sau 10:30 tối giờ địa phương ngày 15/4 nhưng từ chối trả lời các câu hỏi hoặc cung cấp thêm thông tin chi tiết trong cuộc họp báo hôm 16/4.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc theo một cách rất có phương pháp để giải quyết vụ này, xem xét sự thật và đảm bảo rằng công lý sẽ được thực hiện cho các gia đình”, ông Jeremy Burkett, một trung sĩ của Cơ quan Thực thi Luật pháp Alabama cho biết.
Tờ báo Montgomery Advertiser đưa tin rằng một trong bốn người thiệt mạng trong vụ bạo lực là một cầu thủ bóng bầu dục của trường trung học, người nằm trong số những người tham dự tiệc sinh nhật lần thứ 16, còn gọi là “Sweet 16” của em gái mình khi một tay súng nổ súng. Reuters không thể xác nhận độc lập thông tin hoặc tìm hiểu danh tính của ba nạn nhân khác.
Bữa tiệc được tổ chức bên trong phòng tập khiêu vũ Mahogany Masterpiece Dance Studio, được chuyển đổi từ một tòa nhà ngân hàng cũ nằm cách tòa thị chính khoảng nửa dãy nhà ở Dadeville, một thị trấn có khoảng 3.000 cư dân.
Các quan chức không cung cấp thông tin về nguyên nhân dẫn đến vụ nổ súng hoặc liệu có bất kỳ nghi phạm nào đã bị giết hoặc bị bắt hay không, nhưng ông Burkett cho biết không còn bất kỳ mối đe dọa nào đối với cộng đồng.
“Đất nước của chúng ta đã đi đến đâu khi trẻ em không thể tham dự một bữa tiệc sinh nhật mà không sợ hãi?” Tổng thống Joe Biden cho biết trong một tuyên bố hôm 16/4.
Ông Biden gọi bạo lực súng đạn đang gia tăng ở Hoa Kỳ là “thái quá và không thể chấp nhận được”, đồng thời kêu gọi Quốc hội thông qua luật buộc các nhà sản xuất vũ khí phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về bạo lực súng đạn, cấm vũ khí tấn công và băng đạn công suất lớn, đồng thời yêu cầu cất giữ vũ khí và bối cảnh an toàn kiểm tra việc mua bán súng.
Các vụ xả súng hàng loạt đã trở nên phổ biến ở Mỹ, với hơn 163 vụ từ đầu năm 2023 đến nay, theo Gun Violence Archive. Nhóm phi lợi nhuận này định nghĩa một vụ xả súng hàng loạt là bất kỳ vụ nào có bốn người trở lên bị thương hoặc thiệt mạng, không bao gồm kẻ xả súng.
Không có nhận xét nào