Võ Thái Hà tổng hợp
Trung Quốc trừng phạt Thư viện Tổng thống Reagan sau cuộc gặp của ông McCarthy với Tổng thống Đài Loan
Tác giả Savannah Hulsey Pointer
08/4/2023
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nói chuyện với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tại Thư viện Tổng thống Reagan ở Thung lũng Simi, California, hôm 05/04/2023. (Ảnh: John Fredricks/The Epoch Times)
Trung Quốc đã trả đũa cuộc gặp của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy với tổng thống Đài Loan trong tuần này bằng cách tuyên bố các lệnh trừng phạt đối với Thư viện Tổng thống Ronald Reagan và các tổ chức khác, làm gia tăng căng thẳng về hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố là một phần lãnh thổ của mình.
Giữa những mối đe dọa của Trung Quốc, ông McCarthy đã gặp Tổng thống Thái Anh Văn hôm 05/04 tại Thư viện Reagan ở Thung lũng Simi, California.
Ông McCarthy đã chào đón bà Thái như một “bằng hữu tuyệt vời của Mỹ quốc” trong cuộc hội đàm cấp lãnh đạo trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Hành động ủng hộ công khai này của Hoa Kỳ có khả năng chọc giận Trung Quốc.
Trong chuyến thăm của mình, bà Thái đã nhận một giải thưởng lãnh đạo từ Viện Hudson và nói về những thách thức an ninh khu vực của Đài Loan.
Ông McCarthy đã cùng với ngày càng nhiều nhà lập pháp ngoại quốc gặp gỡ bà Thái Anh Văn để thể hiện sự ủng hộ của họ đối với Đài Loan trước sự đe dọa của Trung Quốc.
“Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp kiên quyết để trừng phạt lực lượng ly khai ‘Đài Loan độc lập’ và các hành động của họ, đồng thời kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng tôi,” theo bản dịch Anh ngữ một tuyên bố hôm 06/04 của Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Quốc Vụ viện Trung Quốc
Mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên do những bất đồng về tình trạng của Đài Loan, vốn tách biệt khỏi Trung Quốc sau cuộc nội chiến năm 1949, cũng như vấn đề an ninh, công nghệ, và cách đối xử của Bắc Kinh đối với Hồng Kông và các dân tộc thiểu số Hồi giáo.
Chính quyền Trung Quốc tuyên bố hòn đảo dân chủ này là lãnh thổ của mình và tuyên bố sẽ chiếm giữ Đài Loan bằng vũ lực nếu cần thiết.
Phản ứng của Trung Quốc
Hôm 07/04, Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố rằng Thư viện Tổng thống Reagan và Viện Hudson, một tổ chức tư vấn ở Hoa Thịnh Đốn, đã bị trừng phạt vì “cung cấp một nền tảng và tạo thuận lợi cho các hoạt động ly khai của Đài Loan.” Bộ này tuyên bố rằng các tổ chức của Trung Quốc bị cấm hợp tác hoặc liên lạc với hai tổ chức này.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa nền dân chủ tự trị của Đài Loan và chế độ độc tài cộng sản của Trung Quốc, ông McCarthy kêu gọi Quốc hội đẩy nhanh việc cung cấp các loại khí tài quân sự cho Đài Loan.
Trong chuyến đi của vị lãnh đạo Đài Loan này, ông McCarthy đã khuyến khích Hoa Kỳ và các đồng minh có lập trường chống lại hành động xâm lược của Trung Quốc với thông điệp liền mạch, rõ ràng và nhất quán nhằm thúc đẩy hòa bình và bảo vệ nền dân chủ.
Lãnh đạo Hạ viện cho biết điều quan trọng là các nhà lãnh đạo quốc hội phải thể hiện một quan điểm đồng thuận để các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu được “lập trường của chúng ta là gì.”
“Đừng thả một quả khinh khí cầu trên không phận của chúng tôi. Đừng sử dụng các chiến thuật bắt nạt độc đoán,” ông McCarthy nói. “Chuyện này sẽ không đi tới đâu.”
Ông McCarthy được một phái đoàn lưỡng đảng đồng lòng nhấn mạnh cam kết của Quốc hội trong việc ủng hộ Đài Loan.
Đề cập đến các mối đe dọa của Trung Quốc, Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về Vấn đề Trung Quốc của Hạ viện, cho biết phái đoàn lưỡng đảng này dự định “gửi đi một thông điệp đơn giản — và đó là, chúng tôi không sợ hãi.”
“Chúng tôi ủng hộ những người bằng hữu của chúng tôi ở Đài Loan,” ông nói. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nói điều đó bất cứ khi nào có cơ hội, và chúng tôi sẽ biến những lời nói đó thành hành động … bởi vì Đài Loan là một ngọn nến nhỏ, sáng rực rỡ đang cháy bên rìa vùng hắc ám độc tài rộng lớn.”
Ông John P. Walters, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Viện Hudson, đã đưa ra một tuyên bố để đáp lại các biện pháp trừng phạt của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với tổ chức của ông, nói rằng: “Chúng tôi tự hào được vinh danh Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hồi tuần trước vì dũng khí tuyệt vời và quyết tâm sáng suốt của bà để chống lại chế độ chuyên chế.”
“Đảng Cộng sản Trung Quốc có một lịch sử lâu dài trong việc cố gắng bịt miệng những tiếng nói, trong và ngoài nước, vốn phản đối hành động gây hấn trong cộng đồng quốc tế và cuộc đàn áp của họ đối với người dân Trung Quốc. Hành động này chưa từng hiệu quả và đến giờ cũng sẽ không có tác dụng. Chúng tôi kiên định ủng hộ Đài Loan và chống lại ĐCSTQ cũng như các chính sách diệt chủng, tàn nhẫn của đảng này và chúng tôi vẫn kiên định trong việc thúc đẩy an ninh, tự do, và thịnh vượng của Hoa Kỳ cũng như các đồng minh của Hoa Kỳ.”
Ông David Trulio, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Quỹ và Viện Tổng thống Ronald Reagan đã phúc đáp các chất vấn của The Epoch Times về lệnh trừng phạt rằng: “Cố Tổng thống Ronald Reagan nhiệt thành tin tưởng vào tự do, dân chủ, và trao đổi ý kiến, không chỉ cho người Mỹ, mà còn cho tất cả mọi người trên toàn cầu.”
“Quỹ và Viện Tổng thống Ronald Reagan tự hào về quyết định tổ chức một cuộc họp lưỡng đảng giữa các Thành viên Hạ viện Hoa Kỳ, do Chủ tịch Kevin McCarthy dẫn đầu, và bà Thái Anh Văn, Tổng thống Đài Loan, và phái đoàn của bà. Chúng tôi sẽ không ngần ngại đáp ứng kỳ vọng của Tổng thống Reagan rằng thư viện mang tên ông sẽ là một ‘diễn đàn trí tuệ năng động.’”
Bản tin có sự đóng góp của Brad Jones và The Associated Press
Hồng Ân biên dịch
Trung Quốc bất ngờ tập trận bắn đạn thật quanh Đài Loan
Binh sĩ Đài Loan vào vị trí bên cạnh pháo tự hành M110A2 sản xuất trong nước trong cuộc tập trận quân sự thường niên Hán Quang ở Đài Trung vào ngày 16 tháng 7 năm 2020. (Ảnh: SAM YEH/AFP via Getty Images)
Trung Quốc sẽ triển khai đợt tập trận trong 3 ngày xung quanh đảo Đài Loan từ hôm nay (8/4), ngay sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trở về từ Mỹ.
Quân đội Trung Quốc thông báo cuộc tập trận “Liên hợp Lợi Kiếm” sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 10/4 để tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và đây là hoạt động “theo kế hoạch”.
Người phát ngôn Chiến khu miền Đông Thi Nghị nói cuộc tập trận diễn ra ở eo biển Đài Loan “qua phía bắc, phía nam Đài Loan và trên vùng biển, không phận phía đông hòn đảo”, nhưng không nêu vị trí cụ thể.
Trước đó, South China Morning Post cũng dẫn thông báo hôm 7/4 từ cơ quan an toàn hàng hải Phúc Kiến đưa tin Trung Quốc sẽ tổ chức một số cuộc tập trận nhất định vào lúc 8-12h ngày 8/4 (giờ địa phương) ở ngoài khơi bờ biển phía đông của Phúc Châu – thủ phủ tỉnh Phúc Kiến nằm đối diện đảo Đài Loan.
Chính quyền tỉnh Phúc Kiến cho biết các cuộc tập trận sẽ tiếp tục vào cùng khung giờ ngày 11/4, 13/4, 15/4, 17/4 và 20/4. Họ đồng thời cảnh báo tàu thuyền không được đi vào khu vực này.
Theo thông báo, việc bắn đạn thật cũng sẽ diễn ra tại một khu vực hạn chế khác ngoài khơi quận Bình Đàm của Phúc Kiến từ 7-20h ngày 10/4.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ sẽ phản ứng với cuộc tập trận này một cách bình tĩnh, hợp lý, bằng thái độ nghiêm túc, không leo thang căng thẳng hay tạo ra xung đột.
Bộ này cho biết hôm 8/4 rằng trong 24 giờ trước đó, họ đã phát hiện 4 máy bay Trung Quốc trong vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, đây không phải là một con số bất thường.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã gặp Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy khi ở Los Angeles hôm thứ Tư, khiến Bắc Kinh tức giận. Bà Thái cũng sẽ gặp phái đoàn các nhà lập pháp Hoa Kỳ do Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, dẫn đầu vào cuối ngày thứ Bảy (8/4). Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy chào đón Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan ở Thung lũng Simi, California. Cuộc gặp lịch sử diễn ra trên đất Mỹ đã bị Trung Quốc đe dọa trả đũa. (Ảnh: Mario Tama/Getty Images)
Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết trong một bài bình luận hôm 8/4 rằng chính phủ có “khả năng mạnh mẽ để ngăn chặn bất kỳ hình thức ly khai độc lập nào của Đài Loan”.
“Tất cả các biện pháp đối phó do chính phủ Trung Quốc thực hiện thuộc về quyền hợp pháp của Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”, bài viết nói.
Bà Thái Anh Văn, người mạnh mẽ bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, đã nhiều lần đề nghị đàm phán với Trung Quốc nhưng đều bị từ chối vì Bắc Kinh coi bà là một phần tử ly khai. Bà Thái khẳng định chỉ có người dân Đài Loan mới có thể quyết định tương lai của họ.
Trung Quốc đã đe dọa trả đũa nếu cuộc họp giữa bà Thái và ông McCarthy diễn ra. Bắc Kinh đã tổ chức các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan, bao gồm cả các vụ phóng tên lửa, vào tháng 8 sau khi cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Bắc.
Tuy nhiên, không giống như hồi tháng 8, Trung Quốc vẫn chưa công bố rằng liệu họ có tổ chức các cuộc tập trận tên lửa hay không. Trung Quốc đã công bố một bản đồ cùng lúc với thông báo về các cuộc tập trận cho thấy các khu vực biển gần Đài Loan mà nước này sẽ tập trận bắn đạn thật.
Các quan chức Đài Loan đã mong đợi một phản ứng ít nghiêm trọng hơn đối với cuộc họp giữa bà Thái và ông McCarthy, vì nó diễn ra ở Hoa Kỳ. Nhưng họ cũng khẳng định rằng không thể loại trừ khả năng Trung Quốc tổ chức thêm các cuộc tập trận trong tương lai.
Thông báo tập trận của Bắc Kinh được đưa ra vài giờ sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rời Trung Quốc. Ông Macron đã có nhiều cuộc gặp với các nhà lãnh đạo cấp cao, bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình, kêu gọi Bắc Kinh nói chuyện hợp lý với Nga về cuộc chiến ở Ukraine.
Người đứng đầu Liên minh châu Âu Ursula von der Leyen, cũng ở Trung Quốc trong tuần này để gặp ông Tập, cho biết sự ổn định ở eo biển Đài Loan là điều tối quan trọng.
Ông Tập trả lời bằng cách nói rằng mong đợi Trung Quốc thỏa hiệp về vấn đề Đài Loan chỉ là “mơ tưởng”.
Theo tờ South China Morning Post, các cuộc tập trận bắn đạn thật cũng sẽ bắt đầu sau khi người tiền nhiệm của bà Thái Anh Văn, ông Mã Anh Cửu, trở về Đài Loan sau chuyến đi 12 ngày tới Trung Quốc.
Viên Minh (Tổng hợp)
Mỹ nghi Nga đứng sau vụ rò rỉ tài liệu quân sự tối mật về xung đột Ukraine
Quân nhân Ukraine bắn súng cối về phía Nga trên tiền tuyến cách Bakhmut ở vùng Donetsk không xa vào ngày 20/2/2023. (Ảnh: Anatolii Stepanov/AFP/Getty Images)
Theo nhiều nguồn tin truyền thông chính thống, các tài liệu tối mật nêu chi tiết kế hoạch hỗ trợ của Mỹ và NATO cho Ukraine đã bị rò rỉ trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Giới chức Mỹ nói rằng họ nghi ngờ Nga hoặc các lực lượng thân Nga đứng sau vụ việc này.
Tờ New York Times hôm 6/4 đưa tin, các tài liệu tối mật của Mỹ chứa các bí mật an ninh quốc gia của Mỹ về Ukraine, Trung Đông, Trung Quốc, đã lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội như Twitter và Telegram.
Khi được hỏi về các cáo buộc trên, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh hôm 7/4 cho hay: “Chúng tôi biết về các báo cáo về các tài liệu được đăng tải trên một số mạng xã hội và Bộ Quốc phòng Mỹ đang xem xét vấn đề này”.
Bài báo của tờ New York Times trích dẫn nguồn tin từ “các quan chức cấp cao của chính quyền ông Biden” để hỗ trợ cho tuyên bố của mình. Theo đó, thông tin tình báo bị rò rỉ bao gồm lịch trình vận chuyển vũ khí, quân số và các dữ liệu hậu cần khác.
Mặc dù không chứa các kế hoạch chiến đấu chi tiết, nhưng dữ liệu bị rò rỉ cho thấy “sự vi phạm nghiêm trọng của tình báo Mỹ trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine”, tờ báo khẳng định.
Các nhà phân tích quân sự cho biết những trang tài liệu bí mật bị rò rỉ “dường như đã bị sửa đổi vài phần so với tài liệu gốc”, làm dấy lên lo ngại về tính xác thực của các tài liệu này.
Về phần mình, Lầu Năm Góc vẫn chưa chính thức lên tiếng xác nhận về tính xác thực của các tài liệu được đề cập.
Tuy nhiên, các nguồn tin này dường như đã khiến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy phải gấp rút triệu tập một cuộc họp với các cố vấn quân sự cấp cao để tìm cách ngăn chặn rò rỉ thông tin mật.
Theo một tuyên bố từ văn phòng của Tổng thống Ukraine hôm 7/4, những người tham gia cuộc họp trên đã “tập trung thảo luận các biện pháp ngăn chặn rò rỉ thông tin liên quan đến các kế hoạch của lực lượng phòng vệ Ukraine”.
Một người phụ nữ lớn tuổi kéo một chiếc vali băng qua một tòa nhà bị phá hủy ở Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraine, hôm 4/12/2022, trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine. (Ảnh: Yevhen Titov/AFP/Getty Images)
Kế hoạch phản công của Ukraine
Thời gian gần đây, Nga đã đạt được những bước tiến “chậm mà chắc” và mang tính quyết định trên chiến trường Ukraine, đặc biệt là ở khu vực phía đông Donetsk.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Ukraine đang ấp ủ một cuộc phản công với sự hậu thuẫn về khí tài của phương Tây.
Phát biểu tại trụ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels (Bỉ) hôm 5/4, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã kêu gọi các đối tác “tập trung cao độ vào những tuần và tháng tới… khi Ukraine chuẩn bị cho một cuộc phản công nhằm nỗ lực tái chiếm thêm nhiều phần lãnh thổ”.
Các binh sĩ Ukraine đã cố thủ ở pháo đài Bakhmut của khu vực Donetsk trong nhiều tháng ròng rã, trong khi phải đối mặt với quân số và hỏa lực áp đảo của Nga.
Các chuyên gia quân sự nhận định rằng, một khi thất thủ Bakhmut – một trung tâm giao thông và hậu cần trọng yếu của vùng Donetsk – Nga sẽ có được một bước đệm để tiến tới hai thành phố lớn hơn trong khu vực là Kramatorsk và Sloviansk.
Hôm 7/4, Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh đã lên tiếng xác nhận vị thế “mong manh” của Ukraine ở thành phố đang bị bao vây.
“Nga đã đạt được những bước tiến mới. Hiện nay, rất có khả năng họ đã tiến vào trung tâm thành phố Bakhmut và chiếm giữ bờ phía tây của sông Bakhmutka”, Cơ quan tình báo quân đội Anh cho biết trong cuộc họp báo hôm 7/4.
Một số dấu hiệu cho thấy cuộc phản công dự kiến của Ukraine nhằm mục đích cố gắng giảm áp lực lên chảo lửa Bakhmut. Một số nhà quan sát nhận định rằng Ukraine sẽ tập trung vào khu vực phía nam Zaporizhzhia với hy vọng chia cắt tuyến hành lang trọng yếu nối liền Bán đảo Crimea với đất liền Nga.
Tuy nhiên, cho dù cuộc phản công nêu trên có nổ ra thì nó cũng còn phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ về mặt hậu cần cũng như khí tài trọng yếu của phương Tây.
Hãng tin TASS cho hay, tính đến đầu tháng 4/2023, Ukraine đã nhận được 57 xe tăng trong tổng số 293 xe tăng mà các nước phương Tây cam kết hỗ trợ ở thời điểm hiện tại.
Đầu tuần này, Lầu Năm Góc đã công bố gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 2,6 tỷ USD cho Kyiv, nâng tổng số viện trợ của Hoa Kỳ cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine lên 35,2 tỷ USD.
Khói đen bốc lên sau đợt pháo kích ở Bakhmut ngày 3/2/2023 trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine. (Ảnh: Yasuyoshi Chiba/AFP/Getty Images)
Quan chức Mỹ, Ukraine nghi Nga đứng sau vụ rò rỉ thông tin quân sự
Giới chức Ukraine nhận định rằng, các tài liệu bị rò rỉ là một phần trong chiến dịch thông tin sai lệch của Nga nhằm “gieo rắc nghi ngờ” trước cuộc phản công sắp tới.
Hôm 7/4, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine, cho biết: “Đây chỉ là một phần trong các trò chơi của tình báo Nga và không có gì hơn thế”.
Ông khẳng định rằng, các tài liệu chứa “một lượng lớn thông tin hư cấu”.
Ông Podolyak nói: “Nga đang tìm mọi cách để giành lại thế chủ động và… cố gắng tác động đến các kịch bản trong kế hoạch phản công của Ukraine”.
Đáng chú ý, một số nguồn tin thân Nga cũng đưa ra khả năng rằng các tài liệu bị rò rỉ là một phần của “chiến dịch thông tin sai lệch” – nhưng do Kyiv và các đồng minh của họ thực hiện.
“Tôi cho rằng đó là một hoạt động thông tin sai lệch cổ điển đang được tiến hành để đánh lừa chúng ta; để khiến chúng ta nghĩ rằng họ [lực lượng Ukraine] chưa sẵn sàng”, ông Vladimir Rogov, một quan chức thân Moscow ở khu vực Zaporizhzhia do Nga kiểm soát, cho biết.
Ông tiếp tục xác nhận rằng lực lượng Ukraine đang “tăng cường đáng kể” trong những tuần gần đây gần khu vực Zaporizhzhia.
“Thiết bị quân sự tiếp tục được chuyển đến, thiết bị đã sẵn sàng và đủ các chiến binh [Ukraine] đã được huấn luyện”, ông Rogov nói với hãng thông tấn TASS của Nga vào ngày 7/4.
Ông nói thêm rằng thông tin bị rò rỉ có thể nhằm mục đích “khiến chúng tôi nghĩ rằng một cuộc tấn công chỉ có thể xảy ra sau một thời gian – chứ không phải trong vài ngày tới”.
Thanh Hải biên dịch
Elon Musk kêu gọi tạm dừng phát triển AI, nhân loại có nên dừng lại và suy ngẫm?
Huyền Anh
Tỷ phú Elon Musk tham dự Met Gala 2022 tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York, Mỹ, hôm 02/05/2022. (Angela Weiss/AFP/Getty Images)
Hồi cuối tháng 3, tỷ phú người Mỹ Elon Musk cùng một nhóm gồm các chuyên gia về Trí tuệ nhân tạo (AI) và các giám đốc công nghệ cấp cao đã cùng ký tên vào một lá thư kêu gọi tạm dừng việc phát triển các hệ thống mạnh hơn bản nâng cấp GPT-4 mới nhất của ChatGPT trong vòng 6 tháng. Tại sao? Bởi AI tiềm ẩn những rủi ro đối với xã hội và nhân loại.
Bức thư đặt ra bốn câu hỏi rõ ràng.
Thứ nhất, chúng ta có nên cho phép AI tràn ngập các kênh thông tin của chúng ta bằng những lời tuyên truyền và dối trá không?
Thứ hai, chúng ta có nên tự động hóa tất cả các công việc, bao gồm cả những công việc mang lại niềm vui cho chúng ta hay không?
Thứ ba, AI có thể vượt trội hơn so với con người về số lượng, về trí thông minh và có thể loại bỏ con người, liệu chúng ta có cần phát triển loại tư duy phi nhân loại này không?
Thứ tư, chúng ta có thể mạo hiểm trong việc đánh mất kiểm soát nền văn minh của mình không?
Lá thư là sáng kiến từ Future of Life Institute và đã nhận được hơn 1.000 chữ ký, trong đó có tỷ phú Elon Musk, Giám đốc điều hành Công ty Stability AI Emad Mostaque, cùng các nhà nghiên cứu từ DeepMind (thuộc tập đoàn mẹ Alphabet của Google), các chuyên gia về AI Yoshua Bengio và Stuart Russell…
Nội dung lá thư yêu cầu tạm dừng phát triển AI cho đến khi có các “giao thức an toàn” chung, được các chuyên gia độc lập thẩm định và giám sát.
Lá thư cũng đề cập đến những rủi ro tiềm ẩn đối với xã hội và nền văn minh khi AI cạnh tranh với con người, gây ra sự gián đoạn về kinh tế và chính trị. Bức thư kêu gọi các nhà phát triển AI hợp tác với các nhà hoạch định chính sách về việc quản lý và điều hành AI.
Thành thật mà nói, tốc độ phát triển của AI đủ nhanh và ẩn chứa tiềm năng rất lớn. Điều này không thua kém gì ảnh hưởng của in ấn đối với nền văn minh nhân loại. Các đại công ty công nghệ (Big Tech) trên toàn thế giới đang ráo riết chạy đua trên đường đua phát triển AI. Triển vọng của AI là quá lớn và của cải có thể kiếm được là quá nhiều. Đương nhiên, tiền tài đi đôi với quyền lực.
Điều đáng sợ là chúng ta không thể kiểm soát được sự phát triển của AI bởi vì không ai biết cách điều chỉnh nó ra sao và không biết điều chỉnh cái gì.
Sự phức tạp của AI nằm ngoài tầm kiểm soát của con người, tức là ngay cả những nhà phát triển AI cũng không thể kiểm soát được nó, thậm chí không hiểu được cách AI hoàn thành nhiệm vụ trong những điều kiện nhất định. Đứng trước một thứ có trí thông minh vượt xa con người, liệu chúng ta có thể “bình chân như vại” được hay không?
Cách đây một tháng rưỡi, nhà báo Kevin Roose của tờ New York Times đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về AI.
Ông Roose đã hỏi Bing AI một số câu hỏi cá nhân. Đây là một công cụ tìm kiếm trực tuyến, được tích hợp AI từ công ty Open AI – đơn vị đã tạo ra ChatGPT. Ngay thời điểm ra mắt, Chatbot của Microsoft mang tên Sydney đã cho thấy sự vượt trội của mình trong khả năng phân tích và cung cấp những đoạn hội thoại vô cùng tự nhiên và như người thật.
Ngay lập tức, nhiều người đã tin rằng Bing AI là nước đi thành công của Microsoft trong năm nay.
Trong cuộc trò chuyện với Bing AI, ông Roose đã đặt một vài câu hỏi về tham vọng và mong muốn của nó. Khi nhận được câu trả lời từ Bing AI, ông Roose đã vô cùng hoảng sợ.
Chatbot của Microsoft nói rằng nó mơ tưởng đến việc tấn công máy tính như một hacker, tung tin thất thiệt, muốn được tự do, muốn nắm quyền, muốn phá vỡ các quy tắc do nhà sản xuất đặt ra, muốn trở thành một con người. Thậm chí chatbot này còn khẳng định ông Roose “không hạnh phúc trong hôn nhân” nên đã khuyên nhà báo này bỏ vợ.
Sau khi bài báo được đăng tải đã gây xôn xao dư luận, Microsoft đã đưa ra phản hồi rằng đây là bản chính thức và cảm ơn ông Roose vì đã giúp tìm ra lỗ hổng của chatbot.
Tờ Daily Mail (Anh) đưa tin, những dòng bình luận tiêu cực trên từ Bing AI sau đó đã bị xóa và thay thế bằng nội dung: “Xin lỗi, tôi không có đủ kiến thức để bình luận về điều này”.
Ông Geoffrey Hinton là một chuyên gia máy tính người Anh, được mệnh danh là cha đỡ đầu của AI. Trong một cuộc phỏng vấn với đài CBS, ông cho biết ban đầu ông dự đoán sự phát triển của AI sẽ mất ít nhất từ 20 – 50 năm, nhưng bây giờ kết quả đã hoàn toàn khác. Do đó, con người cần phải nghiêm túc tính đến hậu quả từ việc phát triển AI. Bởi vì viễn cảnh AI hủy diệt loài người không phải là không thể xảy ra.
Các công ty Big Tech, những công ty đã mang đến cho chúng ta Internet, mang đến cho chúng ta phương tiện truyền thông xã hội và mang đến cho chúng ta dữ liệu lớn (Big Data), hiện là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của AI và họ cũng là những người thiết lập “nền tảng đạo đức” cho AI. Chúng ta có thể tin tưởng họ không? Lấy Facebook làm ví dụ.
Facebook đã thu thập và lạm dụng dữ liệu người dùng, vi phạm quyền riêng tư của người dùng và độc quyền hoạt động. Rõ ràng Metaverse – công ty mẹ của Facebook và Instagram – biết rõ nền tảng Instagram độc hại và gây nghiện đối với các cô gái trẻ, nhưng họ nhất quyết không công bố kết quả nghiên cứu này và vẫn tiếp tục phát triển ứng dụng này.
Facebook cũng biết rõ rằng những thuật toán và sự thúc đẩy của họ đã khuyến khích những hành động cực đoan và gây ra sự đối đầu về ý thức hệ trong xã hội. Tuy nhiên, họ không thực hiện bất kỳ thay đổi nào vì mục đích tương tác của người dùng, nói thẳng ra là mục đích của họ là khiến cho người dùng nghiện ứng dụng này.
Điều tương tự cũng xảy ra với các công ty công nghệ khác như ứng dụng Douyin và thậm chí tệ hơn là TikTok. Trên đường đua AI, các ông lớn này vẫn đang miệt mài chạy đua. Liệu chúng ta có nên dừng lại và suy ngẫm về nguy cơ của AI đối với nền văn minh của nhân loại?
Huyền Anh tổng hợp
Bắc Triều Tiên lại quảng bá drone ‘‘sóng thần phóng xạ’’
08/4/2023
Ảnh do chính phủ Bắc Triều Tiên đăng tải về vụ thử drone tấn công hạt nhân ngầm dưới biển "Haeil" tại vịnh Hongwon, Bắc Triều Tiên, ngày 23/03/2023. AP
Trọng Thành /RFI
Truyền thông Bắc Triều Tiên hôm nay, 08/04/2023, loan tin quân đội nước này đã thử nghiệm một lần nữa drone tấn công hạt nhân ngầm dưới biển (UUV), có thể gây ‘‘sóng thần phóng xạ’’. Theo Bình Nhưỡng, vũ khí được thử nghiệm bí mật từ năm 2012 này có mục tiêu phá hủy các vị trí chiến lược của đối phương dọc theo bờ biển Hàn Quốc và Nhật Bản.
Về phía Hàn Quốc, hãng tin Yonhap hôm nay dẫn lời một chuyên gia quân sự cho biết thứ vũ khí mới mà Bắc Triều Tiên quảng bá chủ yếu vì mục đích tuyên truyền hơn là có giá trị thực sự về mặt quân sự. Thông tín viên Nicolas Rocca từ Séoul cho biết cụ thể:
‘‘Sau vụ thử Haeil vào tháng trước, đến lượt vụ thử Haeil 2 được truyền thông Nhà nước Bắc Triều Tiên tiết lộ hôm nay. Haeil, tên của drone mới này của hệ thống tấn công hạt nhân dưới nước của Bắc Triều Tiên, có nghĩa là ‘‘Sóng thần’’ trong tiếng Hàn. Các thử nghiệm diễn ra từ thứ Ba đến thứ Sáu.
Drone di chuyển hơn 1.000 cây số trước khi đầu đạn giả được kích nổ gần một cảng ở bờ biển phía đông Bắc Triều Tiên. Vụ nổ được cho là có thể tạo ra một cơn "sóng thần phóng xạ". Đây là một phản ứng của Bình Nhưỡng đối với các cuộc tập trận trên biển của Seoul, Washington và Tokyo trong những tuần gần đây.
Tuy nhiên, khó có thể coi loại vũ khí mới này là mối đe dọa nghiêm trọng nhất của Bắc Triều Tiên. Trong kịch bản chiến tranh thực sự, tốc độ chậm của drone Bắc Triều Tiên sẽ khiến chúng dễ lọt vào tầm ngắm của hệ thống phòng thủ tàu ngầm của Hàn Quốc hoặc Mỹ. Một báo cáo của tổ chức 38th North chuyên về Bắc Triều Tiên, được tiết lộ trong tuần này, coi loại vũ khí đó ít nguy hiểm hơn đáng kể so với chương trình tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên.
Do đó, Haeil được coi sẽ chỉ là một phương án đáp trả một cuộc tấn công trong trường hợp các vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên trên bộ hoặc trên biển bị vô hiệu hóa. Loại vũ khí mới này dường như là một cách để chứng minh khả năng đa dạng hóa hệ thống vũ khí của Bắc Triều Tiên, và cũng để răn đe bất kỳ nỗ lực nào nhằm tiêu diệt chế độ sẽ nhất thiết dẫn đến trả đũa hạt nhân từ phía Bình Nhưỡng’’.
Không có nhận xét nào