Võ Thái Hà tổng hợp
Úc loan báo học thuyết quốc phòng mới để kháng lại Trung Quốc
24/4/2023
Thủ tướng Úc Anthony Albanese nói về học thuyết quốc phòng mới trong cuộc họp báo tại Canberra, Úc, ngày 24/04/2023. via REUTERS - STRINGER
Trọng Nghĩa /RFI
Chính quyền Úc vào hôm nay, 24/04/2023 đã công bố một học thuyết quốc phòng mới, đã được điều chỉnh sâu rộng nhằm đối phó với đà tăng cường quân sự của Trung Quốc và kiềm chế ảnh hưởng Bắc Kinh tại vùng Châu Á-Thái Bình Dương.
Theo hãng tin Pháp AFP, bộ trưởng Quốc Phòng Úc Richard Marles đã không ngần ngại tuyên bố: “Hôm nay, lần đầu tiên sau 35 năm, chúng ta (tức là nước Úc), đã xác định lại nhiệm vụ của Lực Lượng Phòng Vệ Úc”. Theo ông chiến lược trước đây “không còn phù hợp với mục tiêu đề ra”.
Học thuyết quân sự mới của Úc tập trung vào khả năng răn đe, nhằm ngăn chặn từ xa trước khi kẻ thù có thể tiếp cận lãnh thổ Úc, và tăng cường khả năng phòng thủ các vùng bờ biển của đất nước, đặc biệt là ở phía bắc.
Theo bản báo cáo chiến lược mới của bộ Quốc Phòng Úc, hướng phát triển mới đã trở thành cần thiết trong bối cảnh việc tăng cường năng lực quân sự của Bắc Kinh “được thực hiện một cách không minh bạch và không trấn an được khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương về ý đồ chiến lược của Trung Quốc".
Theo bản báo cáo: “Việc Trung Quốc khẳng định chủ quyền ở Biển Đông đe dọa trật tự thế giới (…) ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và tác động tiêu cực đến lợi ích quốc gia của Úc”.
Canberra đã tuyên bố sẽ xây dựng một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới. Vào hôm nay, ông Marles cho biết Lực lượng Quốc Phòng Úc cũng sẽ được trang bị khả năng tấn công tầm xa, cả trên bộ lẫn trên không. Tuy nhiên, kế hoạch mua 450 xe chiến đấu bộ binh đã được điều chỉnh xuống còn 129 xe.
Giới phân tích quân sự Úc đang theo dõi sự tăng cường quân sự của Trung Quốc với sự nghi ngờ, lo ngại rằng khả năng quân sự gia tăng của Bắc Kinh trên thực tế có thể cắt đứt nước Úc khỏi các đối tác thương mại của mình và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo bản báo cáo chiến lược vừa công bố, sự trở lại của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ “phải được coi là đặc điểm quyết định của khu vực và thời đại của chúng ta”.
Mỹ sắp tiết lộ nỗ lực mới bảo vệ Hàn Quốc trước hạt nhân Triều Tiên
25/4/2023
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.
Tổng thống Joe Biden, nhân chuyến thăm cấp nhà nước trong tuần này của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tới Mỹ, sẽ nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẵn sàng tăng cường nỗ lực ngăn chặn một cuộc tấn công của Triều Tiên vào Hàn Quốc, theo Tòa Bạch Ốc.
Ông Biden sẽ công bố các nỗ lực răn đe hạt nhân mới cụ thể cũng như sáng kiến an ninh mạng mới, đầu tư kinh tế và quan hệ đối tác giáo dục, một phần trong nỗ lực làm nổi bật bề rộng và chiều sâu của mối quan hệ hai nước khi họ kỷ niệm 70 năm thành lập liên minh, cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan cho biết.
Các quan chức Tòa Bạch Ốc nói ông Biden hy vọng sẽ đặc biệt nhấn mạnh đến cam kết “đồng bộ” của Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn hành động hạt nhân của Triều Tiên khi Bình Nhưỡng tăng cường các vụ thử phi đạn đạn đạo, bao gồm cả việc phóng thử một phi đạn đạn đạo xuyên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn lần đầu tiên vào đầu tháng này. Vụ thử gần đây được coi là một bước đột phá tiềm năng trong nỗ lực của Triều Tiên nhằm sở hữu vũ khí mạnh hơn, khó phát hiện hơn, nhắm vào lục địa Mỹ.
Ông Sullivan không cung cấp thông tin chi tiết về các nỗ lực răn đe mới trước thông báo của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Hàn, nhưng nói rằng Mỹ đang muốn gửi một thông điệp rõ ràng tới Bình Nhưỡng về những lời lẽ ngày càng hung hăng của họ.
“Những gì tôi sẽ nói là chúng tôi tin rằng tuyên bố sẽ gửi một tín hiệu rất rõ ràng và có thể chứng minh được về sự khả tín của Hoa Kỳ khi nói đến các cam kết nghênh cản mở rộng đối với Hàn Quốc và người dân Hàn Quốc,” ông Sullivan nói.
Ông Biden cũng hy vọng sẽ nhân chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc, bắt đầu từ ngày 25/4, để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Hàn Quốc và Nhật Bản xây dựng mối quan hệ an ninh của họ.
Ông Biden đã tìm kiếm cơ hội để giúp hai đối thủ lịch sử này cải thiện mối quan hệ lâu dài và căng thẳng của họ khi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng trở nên phức tạp. Ông đã tổ chức các cuộc gặp ba bên với ông Yoon và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, chủ yếu tập trung vào mối đe dọa từ Triều Tiên bên lề Hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Campuchia vào tháng 11 năm ngoái và tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vào tháng 6.
Tháng trước, Hàn Quốc đã công bố kế hoạch bồi thường cho những người Hàn Quốc đã bị lao động cưỡng bức trong thời kỳ thuộc địa của Tokyo mà không yêu cầu các công ty Nhật Bản đóng góp vào việc bồi thường.
Ông Biden ca ngợi bước này là một “chương mới đột phá” trong sự hợp tác giữa hai nước. Sau đó, ông Yoon đến thăm Tokyo vào cuối tháng 3 để nói chuyện với ông Kishida. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa lãnh đạo của hai quốc gia kể từ năm 2011.
Ông Sullivan cho biết ông Biden cũng có kế hoạch nêu bật “quyết tâm và lòng dũng cảm” của ông Yoon trong việc hàn gắn quan hệ hữu nghị với Nhật Bản trong chuyến thăm.
Trước chuyến thăm của ông Yoon, Mỹ-Hàn-Nhật đã tiến hành một cuộc tập trận phòng thủ phi đạn chung vào tuần rồi nhằm chống lại kho vũ khí hạt nhân đang gia tăng của Triều Tiên.
Các chuyên gia cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un muốn gây sức ép buộc Mỹ chấp nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân hợp pháp và hy vọng đàm phán nới lỏng các biện pháp trừng phạt từ thế mạnh.
Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận thực địa lớn nhất trong nhiều năm vào tháng 3 năm nay và cũng đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân và trên không riêng biệt với sự tham gia của một nhóm tác chiến tàu sân bay Hoa Kỳ và máy bay ném bom B-52 có khả năng mang vũ khí hạt nhân.
Các quan chức Hàn Quốc nói hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các vấn đề nhân quyền ở Triều Tiên. Các chuyên gia tin rằng tình hình lương thực ở Triều Tiên đang ở mức tồi tệ nhất dưới 11 năm cầm quyền của ông Kim Jong Un, nhưng họ nói rằng không thấy dấu hiệu của nạn đói sắp xảy ra hay cái chết hàng loạt. Ông Kim cam kết sẽ tăng cường kiểm soát nhà nước đối với nông nghiệp và thực hiện một loạt các bước khác để tăng sản lượng ngũ cốc, theo truyền thông nhà nước Triều Tiên.
Trong khi đó, Tòa Bạch Ốc gần đây đã giải mật và công bố kết quả tình báo cho thấy Nga đang quay lại tìm kiếm vũ khí của Triều Tiên để cung cấp vũ khí cho cuộc chiến ở Ukraine trong một thỏa thuận mà đổi lại Bình Nhưỡng sẽ được cung cấp thực phẩm cần thiết và các hàng hóa khác. Tòa Bạch Ốc trước đó cho biết Triều Tiên đã cung cấp vũ khí cho Tập đoàn Wagner, một công ty quân sự tư nhân của Nga, để giúp củng cố lực lượng của Wagner khi sát cánh chiến đấu với quân đội Nga ở Ukraine.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin, trong một bài phát biểu trực tuyến tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói có một “tình hình nhân quyền nghiêm trọng trên thực địa” và kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng hợp tác “để xoa dịu nỗi thống khổ của người dân thường Triều Tiên”.
Là một phần trong chuyến thăm Washington, ông Yoon dự kiến vào ngày 25/4 sẽ đi thăm Trung tâm Chuyến bay Không gian Goddard của NASA cùng với Phó Tổng thống Kamala Harris. Tổng thống Hàn Quốc sẽ đến thăm Đài tưởng niệm Chiến tranh Triều Tiên cùng với ông Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden vào tối ngày 25/4. Hai nhà lãnh đạo và các phụ tá sẽ có cuộc hội đàm chính thức và một cuộc họp báo chung vào ngày 26/4 trước khi ông Yoon được đãi dạ tiệc.
Ông Yoon sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 27/4 trước khi đến Massachusetts, và dự kiến sẽ phát biểu tại Trường Harvard Kennedy.
Ông Biden đã dành thời gian đáng kể để tìm hiểu và tham khảo ý kiến của ông Yoon kể từ khi ông nhậm chức.
Chính quyền đảng Dân chủ cũng hết lời khen ngợi khả năng lãnh đạo của ông Yoon ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hơn thế nữa. Hàn Quốc đã cung cấp cho Ukraine khoảng 230 triệu đô la hỗ trợ phi sát thương kể từ cuộc xâm lược của Nga hơn 14 tháng trước.
Chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc tới Mỹ diễn ra chỉ vài tuần sau khi nhiều tài liệu mật bị rò rỉ, gây phức tạp trong quan hệ với các đồng minh, trong đó có Hàn Quốc. Các tài liệu mà hãng tin AP xem được cho thấy Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc đã “vất vả” với Mỹ vào đầu tháng 3 về yêu cầu của Mỹ cung cấp đạn pháo cho Ukraine.
Các tài liệu trích dẫn một phúc trình tình báo về tín hiệu cho biết Giám đốc NSC khi đó là Kim Sung-han đã đề xuất khả năng bán 330.000 viên đạn 155 mm cho Ba Lan, vì mục tiêu cuối cùng của Mỹ là nhanh chóng đưa được số đạn này tới Ukraine.
Seoul cũng đã ủng hộ các chế tài và kiểm soát xuất khẩu do Hoa Kỳ lãnh đạo nhắm vào Nga kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Và Hàn Quốc đã công bố kế hoạch đầu tư hơn 100 tỷ đô la vào Hoa Kỳ kể từ khi bắt đầu chính quyền Biden, bao gồm một nhà máy bán dẫn tiên tiến mới của Samsung ở Texas và một nhà máy sản xuất xe điện của Hyundai ở Georgia.
Ông Yoon, trong cuộc phỏng vấn với Reuters tuần trước, nói rằng Seoul có khả năng mở rộng hỗ trợ cho Ukraine ngoài viện trợ nhân đạo và kinh tế nếu quốc gia Đông Âu này phải đối mặt với cuộc tấn công dân sự quy mô lớn của Nga.
“Hội nghị thượng đỉnh lần này cũng sẽ kỷ niệm những gì chúng tôi đã làm được dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Yoon kể từ khi ông ấy lên nắm quyền,” ông Sullivan nói. “Hàn Quốc đang vươn lên trên toàn thế giới.”
Ông Yoon là đồng minh thứ hai được ông Biden vinh danh với chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vinh dự có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ vào tháng 12 năm ngoái.
Trung Quốc, Singapore sắp tập trận trong lúc Bắc Kinh củng cố quan hệ với khu vực
25/4/2023
Tàu khu trục nhỏ Ngọc Lâm của Trung Quốc mang phi đạn sẽ tham gia cuộc tập trận chung vớiSingapore kéo dài từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5
Trung Quốc và Singapore sẽ tổ chức một cuộc tập trận chung ngay trong tuần này, cuộc tập trận chung đầu tiên của họ kể từ năm 2021, giữa lúc Bắc Kinh tăng cường quan hệ quốc phòng và an ninh với Đông Nam Á, một khu vực với các đồng minh mạnh mẽ hiện có của Hoa Kỳ.
Hải quân Trung Quốc sẽ triển khai tàu khu trục nhỏ mang phi đạn Ngọc Lâm và tàu dò mìn Chibi tới cuộc tập trận chung kéo dài từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố trên trang web của mình vào ngày 24/4, mà không nói rõ địa điểm.
Hai năm trước, Trung Quốc và Singapore đã tổ chức một cuộc tập trận kết hợp ở vùng biển quốc tế ở mũi phía nam của Biển Đông, sau khi nâng cấp hiệp ước phòng thủ song phương vào năm 2019 để bao gồm các cuộc tập trận quy mô lớn hơn giữa lục quân, hải quân và không quân của hai nước.
Sự hợp tác quân sự sâu sắc hơn giữa Trung Quốc và Singapore diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, một khu vực trải rộng 3,5 triệu km2 thường được hải quân các nước phương Tây bao gồm cả các tàu Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải đi qua. Những chuyến hải hành như vậy gây khó chịu cho Trung Quốc, quốc gia đưa ra yêu sách đối với gần như toàn bộ Biển Đông bất chấp phán quyết quốc tế ngược lại.
Vào tháng 8 năm ngoái, quân đội Hoa Kỳ đã tiến hành một cuộc tập trận mở rộng Super Garuda Shield với Indonesia, lần đầu tiên có sự tham gia của Singapore, Nhật Bản và Úc.
Cũng trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc đã cử máy bay ném bom chiến đấu đến Thái Lan trong cuộc tập trận không quân chung mang tên Falcon Strike 2022. Cả hai nước đều cho biết cuộc tập trận ở phía đông bắc Thái Lan gần biên giới với Lào, về bản chất là phòng thủ.
Các cuộc tập trận vào mùa hè năm ngoái cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Eo biển Đài Loan sau chuyến thăm của cựu Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới Đài Loan mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền.
Sự gia tăng can dự quân sự của Trung Quốc ở Đông Nam Á được cho là sẽ thách thức ảnh hưởng mà Hoa Kỳ đã định hình với các nước bao gồm Singapore và Indonesia trong những năm tới.
Tất cả 27 đại sứ EU tại LHQ cùng lên án hành động của Nga ở Ukraina trước cuộc họp của Hội đồng Bảo an
Liên Thành
Cờ của EU và các nước thành viên. (Ảnh: AFP).
Ngay trước khi Nga chủ trì cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào thứ Hai, 24/4, tất cả 27 đại sứ của Liên minh Châu Âu đã đưa ra một tuyên bố chung lên án các hành động xâm lược của Matxcova ở Ukraina.
Olof Skoog, đại diện của Liên minh châu Âu tại Liên Hợp Quốc nói: “Tôi ở đây cùng với 27 đại sứ của Liên minh châu Âu. Chúng tôi muốn đưa ra một tuyên bố liên quan đến cuộc tranh luận sắp bắt đầu tại Hội đồng Bảo an”.
Trong khi họ vi phạm, thì chúng tôi bảo vệ. Từ Hiến chương Liên hợp quốc, Đại hội đồng Liên hợp quốc cho đến Tòa án Công lý Quốc tế, Toà án Hình sự quốc tế… nhìn đâu cũng thấy sự khinh thường của Nga”.
Liên minh châu Âu tiếp tục nhắc lại yêu cầu của họ rằng Nga “phải rút ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện tất cả các lực lượng quân sự của mình” khỏi lãnh thổ Ukraina trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận.
“Nếu Nga quan tâm đến chủ nghĩa đa phương hiệu quả, đó là cách đầu tiên để chứng minh điều đó”, Lof Skookg cho biết thêm.
Nga, quốc gia giữ chức chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng này, đã lên kế hoạch cho cuộc họp tại Washington để nêu bật các nguyên tắc của hiến chương Liên Hợp Quốc. Mỗi tháng, chức chủ tịch của Hội đồng Bảo an sẽ được luân phiên giữa 15 thành viên.
Don Lemon rời CNN ngay sau khi Fox News chia tay Tucker Carlson
Ảnh chụp màn hình Don Lemon đang nói trong chương trình CITIZEN ở Hội nghị CNN 2020 vào ngày 22/9/2020 ở một địa điểm không xác định tại Mỹ. (Ảnh: Getty Images/Getty Images for CNN)
Người dẫn chương trình Don Lemon hôm thứ Hai (24/4) nói rằng người đại diện thông báo với anh rằng CNN đã chấm dứt hợp đồng với anh sau 17 năm hai bên hợp tác.
Don Lemon viết trên Twitter: “Sau 17 năm tại CNN tôi đã từng nghĩ rằng ai đó trong ban lãnh đạo có lẽ sẽ lịch sự nói với tôi trực tiếp. Chưa bao giờ tôi từng được nhận chỉ báo rằng tôi sẽ không thể tiếp tục làm công việc mà tôi yêu thích tại mạng truyền hình này. Rõ ràng có một số vấn đề lớn hơn trong quá trình này”.
CNN sau đó đã phát đi tuyên bố bác bỏ phát ngôn của Don Lemon. CNN cho biết họ đã mời Lemon sắp xếp một cuộc họp với ban lãnh đạo trước khi hai bên kết thúc hợp đồng, nhưng thay vì lựa chọn gặp mặt, anh ta đã đăng lên Twitter về vấn đề này.
“Tuyên bố của Don Lemon về những sự kiện sáng nay là không chính xác. Anh ta đã được trao cơ hội gặp ban lãnh đạo, nhưng thay vào đó anh ta lại đưa ra tuyên bố trên Twitter”, tuyên bố của CNN viết.
Trước đó, CNN đã chính thức loan báo chia tay với Don Lemon và gửi lời cảm ơn anh vì 17 năm anh đóng góp cho mạng truyền hình này.
“Don sẽ mãi mãi là một phần của gia đình CNN, và chúng tôi cảm ơn anh vì những đóng góp của anh trong 17 năm qua. Chúng tôi chúc anh mọi điều tốt đẹp và chúc anh sẽ gặp thuận lợi trong công việc tương lai”, CEO CNN Chris Licht cho hay.
Trước khi xảy ra sự việc CNN chia tay Don Lemon, đầu tháng này tờ Variety đã đăng bài viết cáo buộc người dẫn chương trình kỳ cựu của CNN đã có nhiều vấn đề với các đồng nghiệp nữ trong quá khứ.
Anh Don Lemon đã bác bỏ cáo buộc đó của Variety. Một phát ngôn viên của Don Lemon đã nói với các hãng tin phản ứng với bài viết nêu trên rằng: “Câu chuyện này hoàn toàn dựa vào chuyện phiếm nặc danh đã 15 năm, không có nguồn tin, không có căn cứ”.
Don Lemon đã từng nhiều năm dẫn chương trình chính trong giờ vàng buổi tối của CNN. Sau đó, anh dẫn chung trong một chương trình buổi sáng cùng với các đồng nghiệp Kaitlan Collins và Poppy Harlow.
Trong thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump, chương trình do Don Lemon dẫn có xu hướng thiên tả và anh thường xuyên chỉ trích tổng thống của Đảng Cộng hòa. Ông Trump đổi lại thường mắng Don Lemon là “câm như hến”.
Lần gần nhất anh Don Lemon bị phản ứng gay gắt là anh đưa ra bình luận về ứng viên tổng thống 2024 Nikki Haley. Anh Lemon nói ứng viên Haley “đâu còn thời xuân sắc nữa” sau khi cựu Đại sứ Mỹ của Liên Hiệp Quốc có ý nói ông Biden và ông Trump đã quá già để có thể làm tốt công việc tổng thống.
CNN và Don Lemon xác nhận kết thúc hợp đồng chỉ một giờ sau khi Fox News phát đi bản tin cho biết họ đã chia tay người dẫn chương trình gạo cội Tucker Carslson. Cả anh Carlson và Fox News đều chưa giải thích tại sao hai bên không còn hợp tác với nhau.
CNN vào hai năm trước cũng đã chấm dứt hợp đồng với người dẫn chương trình Chris Cuomo. Thời điểm CNN chia tay với anh Chris Cuomo là sau khi một cuộc điều tra cho thấy người dẫn chương trình này đã giúp anh trai mình khi đó là Thống đốc New York Andrew Cuomo tranh đấu với các cáo buộc lạm dụng nhiều phụ nữ.
Chris Cuomo đã kiện CNN ra tòa về vụ sa thải đó để đòi bồi thường 125 triệu USD. Vụ án này vẫn đang trong quá trình tố tụng.
Hải Đăng
Sudan chìm trong bạo lực
Sau mười ngày giao tranh ác liệt, Khartoum, thủ đô của Sudan, đang trở thành một thành phố ma. Nhiều nhà ngoại giao nước ngoài đã được sơ tán trong khi dân thường Sudan đang chạy trốn đến các vùng an toàn hơn ở nông thôn hoặc các nước láng giềng như Ai Cập. Nhiều người thậm chí bị trúng đạn và đạn súng cối. Đến nay có hàng trăm thường dân đã thiệt mạng.
Khartoum là trọng tâm của cuộc chiến giữa hai nhân vật quyền lực nhất trong chính phủ quân sự của Sudan. Tướng Abdel Fattah al-Burhan, lãnh đạo trên thực tế của đất nước kể từ cuộc đảo chính 2019, đứng đầu quân đội. Ở phía bên kia là Muhammad Hamdan Dagalo, người đứng đầu Lực lượng Hỗ trợ Nhanh, một đơn vị bán quân sự phát triển từ lực lượng dân quân Janjaweed bị buộc tội diệt chủng ở Darfur vào giữa những năm 2000.
Khi thực phẩm, nước và nguồn cung y tế nhanh chóng cạn kiệt, một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang đến gần. Cướp bóc tràn lan. Các chính phủ nước ngoài đang cố gắng làm trung gian cho đàm phán hòa bình. Nhưng không nên quá hy vọng, khi các lệnh ngừng bắn trước đó đã sụp đổ chỉ trong vòng vài phút.
Microsoft và Alphabet công bố thu nhập quý
Vào thứ Ba, Microsoft và Alphabet, công ty sở hữu Google, sẽ báo cáo thu nhập quý. Kết quả của họ sẽ cho thấy những gã khổng lồ công nghệ đã vượt qua suy thoái kinh tế ra sao, cũng như tiến trình của làn sóng trí tuệ nhân tạo mới.
Microsoft và Alphabet là nhà cung cấp điện toán đám mây lớn thứ hai và thứ ba sau Amazon. Khi khủng hoảng kinh tế kéo giảm chi tiêu công nghệ thông tin, tăng trưởng của các mảng điện toán đám mây đã giảm. Quảng cáo trực tuyến, chiếm 4/5 doanh thu của Alphabet, cũng bị siết chặt.
Nhà đầu tư đang chờ tin tốt từ AI. Cả hai công ty đều có kế hoạch đưa AI vào các phần mềm như Google Docs và Microsoft Word. Microsoft đã thêm một chatbot hỗ trợ AI vào công cụ tìm kiếm Bing. Những tính năng mới này có thể thu hút nhiều khách hàng và nhà quảng cáo hơn. Nhưng phát triển AI đã tiêu tốn những khoản tiền khổng lồ của các công ty công nghệ lớn. Nhà đầu tư muốn biết chính xác con số đó là bao nhiêu.
Donald Trump lại ra toà vì hành vi tình dục thiếu đứng đắn
Ba tuần sau khi bị buộc tội tại tòa Manhattan với các tội danh liên quan đến việc trả tiền bịt miệng cho nữ diễn viên phim người lớn Stormy Daniels, Donald Trump chuẩn bị đối mặt một phiên tòa dân sự khác ở New York cũng về hành vi tình dục.
E. Jean Carroll, một nhà văn, nói ông Trump đã cưỡng hiếp bà trong phòng thay đồ của một cửa hàng bách hóa vào giữa những năm 1990. Bà đang kiện cựu tổng thống tội phỉ báng vì bôi nhọ bà là “kẻ nói dối” “bị bệnh tâm thần” và rằng bà từng nói “hiếp dâm là gợi cảm.” Bà Carroll cũng cáo buộc ông Trump có hành vi bạo lực theo Đạo luật Người Trưởng thành Sống sót của New York, một đạo luật mới mở rộng thời hiệu đối với hành vi tấn công tình dục.
Thẩm phán gần đây đã bác bỏ yêu cầu trì hoãn phiên tòa của ông Trump. Vào thứ ba, các luật sư sẽ bắt đầu tìm kiếm bồi thẩm viên. Tòa sẽ che giấu danh tính để đảm bảo an toàn cho họ.
UAE trả tiền cho công ty Nhật phóng robot lên Mặt Trăng
Vào thứ Ba, công ty Nhật Bản iSpace sẽ hạ cánh một con tàu vũ trụ nhỏ xuống Atlas, một miệng núi lửa ở phía đông bắc của bán cầu đối diện với Trái đất của Mặt Trăng. Tất cả các cuộc đổ bộ lên mặt trăng trước đây đều do chính phủ thực hiện, vì vậy nỗ lực này đánh dấu một cột mốc mới.
Tàu đổ bộ HAKUTO-R của iSpace, vốn đã bay trên quỹ đạo quanh Mặt trăng một tháng qua, sẽ đến sát bề mặt vào lúc 16:40 GMT. Sau đó, nó sẽ thả hai xe tự hành. Chỉ có chiếc thứ nhất, Rashid, được phát triển bởi nhà tài trợ UAE, là hoạt động và sẽ thực hiện các thí nghiệm trong một ngày Mặt Trăng (tức 14 ngày Trái đất). Chiếc thứ hai, SORA-Q, được phát triển bởi công ty đồ chơi Nhật Bản Tomy — và trông rất đáng yêu.
Chính phủ Nga và Ấn Độ cũng có kế hoạch đưa robot lên mặt trăng trong năm nay. Nhưng xu hướng các chính phủ trả tiền cho các công ty tư nhân để thay mặt họ lên mặt trăng sẽ tiếp tục. Sứ mệnh của hai công ty Mỹ, Astrobotic và Intuitive Machines, cũng sẽ được thực hiện trong vài tháng tới. Mặt Trăng đã trở thành một nền kinh tế hỗn hợp công-tư.
Dân Mỹ không mê tiền điện tử
Lương Thái Sỹ /SGN
24/4/2023
(minh họa: Traxer/Unsplash)
Đa số người Mỹ xem đầu tư vào tiền điện tử là không đáng tin cậy. Chỉ có 17% người trưởng thành thú nhận có đầu tư, giao dịch hoặc sử dụng tiền điện tử, nhưng 1/3 số đó đã chia tay với nó.
Tiền điện tử là cám dỗ, ảo tưởng
Các cơ quan quản lý chứng khoán nhà nước xem gian lận tài sản kỹ thuật số (digital asset fraud) là mối đe dọa lớn nhất đối với các nhà đầu tư trong năm 2023. Theo họ, đầu tư vào tiền điện tử (cryptocurrency) cũng giống như đi vào một sòng bạc sang trọng mà hình ảnh và âm thanh tôn vinh kẻ chiến thắng không có nghĩa là đại đa số người chơi sẽ giàu có hơn khi chơi xong. Tất cả chỉ là cám dỗ, ảo tưởng.
Kỳ vọng làm giàu không trở thành hiện thực đối với hầu hết mọi người. Đó là lý do tại sao các máy đánh bạc đều trang bị tốt hệ thống đèn nhấp nháy và đổ chuông khi có người trúng độc đắc. Các chủ sòng bạc muốn những người đánh bạc bên cạnh tăng thêm tiền cược với hy vọng cũng được nghe tiếng chuông reo vui và ra về với một khoản tiền lớn.
Hiện tượng nghiện chiến thắng có tên gọi riêng “greater fool theory” (lý thuyết kẻ ngốc hơn) chính xác là thứ mà cả các tay chơi nghiệp dư lẫn những con nghiện tiền điện tử mắc phải. Investopedia giải thích: “Lý thuyết về kẻ ngốc hơn tin rằng giá sẽ tăng vì tiền điện tử có thể bán chúng cho một kẻ ngốc hơn nữa với giá cao, cho đến khi không còn kẻ ngốc nào!”.
May mắn, nhiều người Mỹ không thích trở thành kẻ ngốc và không bị thôi miên bởi những tuyên truyền “có cánh” về tiền điện tử. Theo một cuộc khảo sát 10,701 người trưởng thành tại Hoa Kỳ vừa do Trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện, có đến 75% người biết về tiền điện tử tin rằng cả đầu tư, giao dịch và sử dụng tiền điện tử đều không tin cậy và không an toàn. Khoảng 85% người lớn từ 50 tuổi biết tiền điện tử không tin độ tin cậy của nó.
Nhưng những người trẻ tuổi cũng không quan tâm đến nó (66% không tự tin về độ tin cậy và an toàn của tiền điện tử). Những tiết lộ gần đây về quản lý yếu kém, gian lận và phá sản của một công ty có “máu mặt” trong ngành công nghiệp tiền điện tử khiến các nhà đầu tư thêm lo ngại. Đây là lần đầu tiên Pew đo lường niềm tin vào tiền điện tử như một loại tài sản.
Monica Anderson, Phó giám đốc nghiên cứu, Internet và công nghệ tại Pew nhận định: “Sự hoài nghi có ở tất cả các nhóm tuổi, giới tính và chủng tộc. Sự bất an rất cao đối với cả những người đã đầu tư vào tiền điện tử”. Trong 17% người trưởng thành thú nhận đã đầu tư, giao dịch hoặc sử dụng tiền điện tử, có đến 43% nói họ không hoặc ít tin tưởng vào khoản đầu tư của mình. 45% cho biết khoản đầu tư của họ cho kết quả không như mong đợi, chỉ có 15% hài lòng. Khi được hỏi về tác động của việc đầu tư vào tiền điện tử đối với tài chính cá nhân, 60% cho biết nó không giúp ích cũng như không gây thiệt hại. 20% cho là đã giúp ích và 7% nói “giúp ích rất nhiều” cho tài chính của họ. 3% nói tài chính của họ bị hao tổn rất nhiều vì tiền điện tử. Một số phát hiện khác từ cuộc khảo sát Pew: 31% những người đầu tư, giao dịch hoặc sử dụng tiền điện tử nay không còn đầu tư vào đó nữa. 43% người tiếp tục đầu tư lo lắng về tính bảo mật của tiền điện tử. 80% phụ nữ không tin tưởng vào tiền điện tử, so với 71% nam giới.
Tiền điện tử – Mối đe dọa mới
Anderson giải thích: “Không phải cứ bỏ tiền vào tiền điện tử là giàu lên!”. Có người ví đầu tư vào tiền điện tử giống như đi lạc vào một khu rừng không biết lối ra. Nhưng những lời hứa tuyệt vời về sự giàu có của tiền điện tử vẫn ra rả tối ngày. Các cơ quan quản lý từ lâu đã cảnh báo người dân về biến động khó lường của tiền điện tử nếu họ cứ xem nó là một loại tiền tệ và một khoản đầu tư xứng đáng. Chính sự phấn khích về một loại tài sản mới và công nghệ tạo ra nó đã biến tiền điện tử thành môi trường hoàn hảo để những kẻ lừa đảo kiếm lợi từ những người vội vã đầu tư vì sợ chậm chân và để mất cơ hội.
Tiền kỹ thuật số đã được đưa vào danh sách mới nhất “các mối đe dọa mới đối với nhà đầu tư” của Hiệp hội các nhà quản lý chứng khoán Bắc Mỹ (North American Securities Administrators Association- NASAA). Theo Washington Post. “Tiền điện tử không xấu hay nguy hiểm, nhưng khi nó được quảng bá như loại đầu tư hứa hẹn lợi nhuận cao trong thời gian ngắn, mọi người nên hết sức thận trọng,” Amanda Senn, Phó giám đốc Ủy ban Chứng khoán Alabama có chân trong ban lãnh đạo NASAA nhận định. Các giao dịch tiền điện tử thường không tuân thủ luật ngăn chặn gian lận hay thông qua các tổ chức tài chính được cấp phép trong chương trình phòng chống gian lận. Tiền điện tử hấp dẫn các nhà đầu tư vì nó tương đối mới khiến nhiều người tin đến nỗi chuyển tiền sang tiền điện tử mà không cần tiến hành một số hoạt động thẩm định phải có”.
Tuy nhiên, đây chính xác là tâm lý mất cảnh giác mà những kẻ lừa đảo hy vọng sẽ còn kéo dài. Chúng bắt chước mô hình sòng bạc: Làm phân tâm và đánh lạc hướng những người muốn giàu nhanh. Miles Faggert, đối tác của Alabama Securiti giải thích: “Tiền điện tử khá mới nên các nhà đầu tư nghĩ chỉ cần bỏ ra một số tiền nhỏ họ có thể kiếm được nhiều tiền nhanh chóng”.
Trong Tháng Tư, Bộ Tư pháp đã thu giữ số tiền kỹ thuật số trị giá khoảng $112 triệu từ các vụ lừa đảo đầu tư tiền điện tử kiểu “pig butchering” (mổ heo, đề cập đến thủ thuật vỗ béo mấy chú ủn ỉn trước khi xẻ thịt nó). Nhiều kế hoạch mổ heo vừa phát hiện liên quan đến tài sản kỹ thuật số.
“Bằng cách sử dụng phương pháp lừa đảo truyền thống, những kẻ lừa đảo công nghệ cao lợi dụng sự công khai và thổi phồng xung quanh tiền điện tử để đưa người đầu tư vào bẫy làm giàu nhanh,” Công tố liên bang Martin Estrada cho biết trong một tuyên bố.
Năm ngoái, gian lận đầu tư tài chính đã gây ra nhiều tổn thất hơn bất kỳ loại lừa đảo nào khác mà người Mỹ trình báo cáo với Trung tâm Khiếu nại Tội phạm Internet của FBI (Internet Crime Complaint Center). Trong tổng số $3.31 tỷ gian lận tài chính, lừa đảo tiền điện tử, gồm cả “mổ heo” chiếm $2.57 tỷ, tức 78%.
Bất đồng trong Liên Hiệp Châu Âu về mua chung đạn để cấp cho Ukraina
24/4/2023
This photograph on April 4, 2023, shows shells at the workshop of the "Forges de Tarbes" which produces 155mm shells, the munition for French Caesar artillery guns in use by the Ukrainian armed forces, in Tarbes, southwestern France AFP - LIONEL BONAVENTURE
Thanh Phương /RFI
Hôm thứ Sáu tuần trước, 21/04/2023, lãnh đạo ngành ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrel đã phải lên tiếng: Liên Âu “sẽ thực hiện đúng các cam kết” về cung cấp đạn dược cho Ukraina. Tuyên bố được đưa ra nhằm trấn an Kiev, hiện đang rất lo ngại khi thấy có bất đồng giữa Pháp và các nước đối tác về việc đặt mua chung đạn dược để viện trợ cho Ukraina.
Trong cuộc chiến với Nga, mà nay đã trở thành một cuộc chiến tranh nhằm làm hao mòn đối phương, quân đội Ukraina đang rất cần các đạn pháo, đặc biệt là đạn 155 ly. Nhưng lực lượng của Kiev lại sử dụng các loại đạn này với nhịp độ nhanh hơn là khả năng sản xuất của các đồng minh phương Tây.
Trước tình hình đó, vào tháng 3 vừa qua, Liên Hiệp Châu Âu đã đồng ý về một ngân sách 1 tỷ euro để bồi hoàn của những nước nào cung cấp cho Ukraina đạn dược lấy từ các kho dự trữ hiện có của họ, và một ngân sách một tỷ euro khác để đặt mua chung đạn dược từ các công ty quốc phòng châu Âu trước ngày 30/09. Nhất cử lưỡng tiện: Mục tiêu của thỏa thuận về ngắn hạn là để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp của quân đội Ukraina về đạn pháo và về dài hạn là nhằm hỗ trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu.
Nhưng cho đến nay, vế thứ hai của thỏa thuận vẫn chưa được thi hành, vì vấn đề đặt mua chung đang gây nhiều bất đồng trong các cuộc thương lượng đang diễn ra ở Bruxelles. Thỏa thuận đạt được vào tháng 3 có ghi rõ là phải đặt mua đạn dược với ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu. Pháp có một cách diễn giải rất hạn hẹp về điều khoản này, cho nên Paris dứt khoát từ chối thanh toán cho những công ty nào không phải là của một nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, hoặc không đặt cơ sở tại Liên Hiệp Châu Âu. Đây cũng là lập trường của một số thành viên như Hy Lạp hay Chypre.
Thế nhưng, các thành viên khác trong Liên Âu, như Ba Lan và các nước vùng Baltic sợ rằng cứ theo cách diễn giải cứng nhắc như vậy thì đạn sẽ không thể được cung cấp kịp thời cho Ukraina. Các nước này chủ trương là không thể cứ khăng khăng loại trừ các đối tác của châu Âu sản xuất vũ khí ở Úc, Hàn Quốc, Nam Phi hay Thụy Sĩ.
Nhà sản xuất đạn lớn nhất châu Âu, tập đoàn Đức Rheinmetall có một nhà máy ở Úc và cũng muốn được nhận tiền thanh toán của Liên Hiệp Châu Âu cho số đạn được sản xuất từ nhà máy này. Các nước khác như Hà Lan và Ba Lan cũng rất bất bình về lập trường cứng nhắc của Pháp, vì họ không tin là ngành công nghiệp quốc phòng của Liên Âu có đủ khả năng sản xuất đủ đạn được trong một thời gian ngắn.
Bất đồng giữa các nước Liên Âu khiến chính quyền Kiev lo ngại. Trên mạng Twitter, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kouleba đã viết: “ Đây là một cuộc trắc nghiệm xem Liên Hiệp Châu Âu có một sự tự chủ chiến lược để lấy những quyết định quan trọng về an ninh hay không. Đối với Ukraina, cái giá phải trả cho sự thiếu hành động này sẽ là những sinh mạng”.
Vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận trong cuộc họp giữa các ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu tại Luxembourg hôm nay, với sự tham dự qua video của ngoại trưởng Ukraina. Theo hãng tin AFP, một công chức cao cấp của Liên Hiệp Châu Âu đã bảo đảm là các nước thành viên rồi cũng sẽ đạt được thỏa thuận về việc đặt mua chung và đạn sẽ được cung cấp kịp thời cho Ukraina.
Không có nhận xét nào