Đại Lộ Kinh Hoàng (Ảnh: Sáng Tạo)
-Nỗ lực của hệ thống cộng sản Phương Đông là: Tạo nên một tính chất tôn giáo, và nguồn cảm hứng của một tôn giáo. Albert Einstein
-Tôi biết nó! Thằng nói câu nói đó! Tôi biết nó! Đồng bào miền Bắc biết nó! Nguyễn Chí Thiện, 1968
-Không có gì quý hơn Độc Lập–Tự Do. Hồ Chí Minh
-Xã hội chủ nghĩa dẫu chưa hoàn chỉnh nhưng tốt đẹp gấp vạn lần chế độ tư bản! Trường Chinh – Hội nghị Hiệp thương “Thống nhất nước nhà về mặt nhà nước”, 1976.
-Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô. Đánh cho Trung Quốc. Lê Duẩn
-Đường vinh quang xây xác quân thù! Thề phanh thây uống máu quân thù! Tiến Quân Ca của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa/Cộng Hòa XHCNVN, Văn Cao, Trưởng ban Ám sát Thành phố Hải Phòng, 1945
__________
Lời Người Viết: Lần kết thúc cuộc chiến 1960-1975 với ngày 30 Tháng Tư, 1975 ở Sài Gòn, đến nay là 48 năm, chỉ thêm hai năm đủ nửa thế kỷ; cũng như những sự việc của thời điểm Tháng Tám, Chín năm 1945 ở Hà Nội đến nay cũng hai năm nữa là 80 năm. Những nghĩ, thời gian 50 năm, 80 năm đã quá đủ để Con Người/Người Việt Nam có điều kiện, cơ hội, chứng cứ để biết ĐÚNG từ đâu, tại sao, với ai đã nên thành Mối Đau Việt Nam.
Mối Đau Chung không phân biệt Bắc-Nam/Cộng Hòa-Cộng Sản diễn trình trong suốt 80, 50 năm qua. Nhưng hóa ra không phải như vậy. Là một cá nhân bình thường sinh ra, lớn lên từ hai cuộc chiến khởi đi từ 19/12/1946- 20/7/1954, và 20/12/1960-30/4/1975 với vị thế Người Dân-Người Lính Miền Nam qua những thời điểm 1946, 1954, 1963, 1968, 1972, 1973, 1975…
Nay vào độ tuổi 80, buộc phải tìm cho ra câu trả lời (đối với bản thân): TẠI SAO VẬY?! Nhân cơ hội đọc những cuốn sách nói về những vấn đề liên hệ thì thấy ra điều nghịch lý: Thấy vậy/Viết vậy mà không phải như vậy! Thế nên câu hỏi “Tại Sao?!” vẫn còn nguyên độ khắc nghiệt. Bài viết hình thành từ những cuốn sách của những người (cũng) đã kinh qua/hứng chịu đủ lần Đau! Tại sao?
Một.
Ngày Hè 1972, Tháng Bảy anh được 30 tuổi, đã đến La Vang, Quảng Trị mà nay nhớ lại qua một hồi cảnh/flashback với Hồi Chuông Báo Tử hay Sám Hối/For Whom The Bell Tolls, với lời ai điếu cả lời nguyền…
Những hồi chuông ngày Hè 50 năm trước từ nơi tháp cổ mang đầy thương tích ấy vẫn như còn ngân và vang xa, vươn xa tới 9 cây số dài theo Đại lộ Kinh hoàng để xoa dịu vỗ về, và là nguồn an ủi cho linh hồn của vô số những người dân lành đã chết oan khiên trên đoạn đường ghê gớm kinh hoàng 9 cây số, Nam thị xã Quảng Trị thuộc vùng Thôn Mai Đẳng, Xã Giáp Hậu, Quận Hải Lăng với những cảnh tượng… chỉ có thể im lặng, chỉ có thể nghiến răng, bặm môi, dù răng vỡ, môi chảy máu tươi, mắt mờ nhạt.
Không biết gì khi thân thể đang sụp xuống, co quắp, luống cuống với cảnh tượng tàn khốc trước mặt, chung quanh chỉ còn một cảnh tượng, một vũng lầy – Chết. Chỉ Sự chết bao trùm vây chặt, che kín, chụp xuống (Viết lại theo hồi tưởng của Ngô Thế Vinh – Tuyển Tập II/Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật &Văn Hóa. Viet Ecology Press. US 2022)
Chết trên 9 cây số đường nơi La Vang (sao mà danh xưng tiền định đúng đến thế) là 9 cây số trời chết, đất chết… Chết với mỗi hạt cát, chết trên đầu ngọn lá, chết vương vãi từng mảnh da thịt, chết từng cụm xương sống, khúc xương sườn, chết lăn lóc đầu lâu, chết rã rời từng bàn tay cong cong đen đúa…
Làm được gì bây giờ? Không thể dùng danh từ “xác chết” nữa, vì nơi đây Chết quá Cái Chết. Cũng không còn gọi được là “người chết” trên đoạn đường kinh khiếp của một chốn quê hương. Ngồi xuống vệ đường bỏ tay xuống ao nước kỳ cọ từng ngón một – Anh muốn tẩy một phần sự chết bao quanh. Anh thấy mình có tội – Tội sống sót khi đồng bào ngã chết. Anh nói ra lời ra rất thật năm mươi năm trước. Ngày Hè 1972. Nay 2023, anh thấy/sống/đau lại với sách Đại Lộ Kinh Hoàng của Ngy Thanh.
Ảnh bìa cuốn Đại Lộ Kinh Hoàng của Ngy Thanh, Nhân Ảnh xuất bản 2022 (Amazon)
Đại Lộ Kinh Hoàng là tên gọi cho một đoạn đường dài khoảng 9 cây số Nam Thị xã Quảng Trị, khi những đơn vị VNCH và dân chúng rút chạy về hướng Nam, Thừa Thiên-Huế trong Mùa Hè Đỏ Lửa, 1972.
Đoàn dân và lính rơi vào trận địa pháo của lực lượng CSBV ngụy danh là Quân Giải Phóng Miền Nam – Thực sự là toàn pháo của bộ đội chính quy cộng sản miền Bắc bởi lẽ thực tế: Lực Lượng Vũ Trang Giải Phóng (nơi) Miền Nam không có pháo nặng 100 ly, 122 ly, 130 ly, hỏa tiễn 122 ly do Liên Xô, Trung Cộng cung cấp. Nhưng theo báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng CSVN ở Hà Nội thì cuộc tàn sát trong những ngày 29, 30/4; 1/5,1972 là một sự vu khống của chính phủ VNCH – Kể cả Ngày 30 Tháng 4, 1975 – Cũng chỉ là chiến thắng của Cách Mạng Giải Phóng Miền Nam. Miền Bắc không can dự!
Để hiểu sự thật ở đâu, cần nhìn lại khởi đầu của chiến trận.
Giữa trưa ngày 30 Tháng Ba, 1972, đại quân CSBV gồm ba sư đoàn bộ binh 304, 308 và 324, được yểm trợ bởi tám trung đoàn pháo cao xạ, hai trung đoàn hỏa tiễn, chín trung đoàn pháo mặt đất, hai trung đoàn xe tăng, hai trung đoàn công binh, và 16 tiểu đoàn đặc công, thông tin, vận tải dưới quyền chỉ huy của Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Chính ủy Lê Quang Đạo đồng vượt sông Bến Hải, tràn qua ranh giới phi quân sự, pháo kích, và tấn công hệ thống phòng thủ của VNCH tại vùng Bắc Quảng Trị, Nam sông Bến Hải.
Giàn đại pháo 100 ly, 122 ly, 130 ly, hỏa tiễn 122 ly từ Vĩnh Linh bên kia cầu sông Bến Hải tập trung bắn phá hệ thống căn cứ hỏa lực của VNCH với mức độ tàn phá chưa từng có.
Báo Sóng Thần đề ngày 3 tháng 7, 1972, với tường thuật của hai phái viên NgyThanh và Đoàn Kế Tường về Đại Lộ Kinh Hoàng. (Hình: Ngy Thanh)
Sau một tháng lui binh, hệ thống căn cứ hỏa lực Nam sông Bến Hải hầu hết rơi vào kiểm soát của CSBV, ngày 30 Tháng Tư, Tư lệnh SĐ3BB Chuẩn tướng Vũ Văn Giai, kiêm Tư lệnh chiến trường Bắc Quảng Trị triệu tập phiên họp quan trọng để bàn kế hoạch giữ Thị xã Quảng Trị, và quyết định bỏ căn cứ hỏa lực Ái Tử, nằm bên kia sông Thạch Hãn, Bắc thị xã.
Binh lính, dân chúng tìm cách tháo chạy bằng đủ loại phương tiện, từ chạy bộ quang gánh, đến quân xa, thiết giáp, xe đò, xe lam, xe máy dài dằng dặc từ Nam thị xã Quảng Trị tới bờ Bắc sông Mỹ Chánh khoảng 18 cây số.
Đoạn từ cầu Bến Đá đến cầu Trường Phước, thuộc Quận Hải Lăng hai bên rừng chồi lơ thơ, rải rác cồn cát, vài khu nhà dân chúng mới là khu vực sau nầy được gọi Đại Lộ Kinh Hoàng, với thây người nằm la liệt, biển máu khô loang lầy mặt nhựa. Bên cạnh những khung xe đạp, xe gắn máy, nằm ngổn ngang, chỏng gọng, những chiếc xe Jeep, xe Hồng Thập Tự đạn xuyên lỗ chỗ tan nát, cháy đen… là đống gồng gánh, bao bọc bị đạn pháo đổ ra tung tóe.
Luồng gió Lào nóng rát mặt đẩy đưa cánh cửa xe cứu thương cho thấy những xác người nằm trên băng-ca; có bộ xương em bé nằm trên xác người mẹ dưới một bụi gai, xác khô như người tiền sử nằm giữa đám cỏ bên lề đường, xác nằm sấp, xác nằm co như mong bờ đất thửa ruộng che chở thoát tầm đạn…
Trên mặt nhựa đường, thây người chết in hình dạng thành những quầng đen đậm. Cách chết của những thây người chứng tỏ quân cộng sản đã đứng rất gần để tác xạ vào đám dân chạy loạn. Bắn bất kể lính hay dân. Bắn bất kể người già hay trẻ thơ. Cảnh tượng chết được Ngy Thanh ghi lại trong ống kính. Ảnh Ngy Thanh chụp Ngày 1 Tháng 7, 1972 và đặt nên tên “Đại Lộ Kinh Hoàng”, đăng trên trang nhất Nhật báo Sóng Thần, Sài Gòn. Ngày 11 Tháng Bảy, 1972.
Nhưng tất cả sự kiện kể trên (được/bị) nhìn lại, viết nên, giải thích một cách hoàn toàn khác.
Đại Lộ Kinh Hoàng – do Ngy Thanh đặt tên – trên màn ảnh định vị của điện thoại thông minh ngày nay. (Hình: Ngy Thanh)
Hai.
33 năm sau 1972, vào ngày 17 Tháng Chín, 2015, báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội, một bài viết ở mục “Bình Luận-Phê Phán”, phủ nhận sự việc kể ở Phần Một, cho rằng đó là “sự kiện bịa đặt, được dựng lên chỉ để vu cáo, vu khống Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam (anh hùng) trong sự nghiệp “giải phóng Miền Nam”.
Bài viết chỉ tuyên bố, không đưa ra các luận cứ, luận chứng đi kèm. Tuy nhiên ở Miền Bắc có một nhân chứng và tư liệu quan trọng liên quan đến sự kiện thảm sát trên Đại Lộ Kinh Hoàng. Đấy là cựu Đại tá tên Nguyễn Quý Hải và sách “Mùa Hè Cháy” của người nầy.
Đại tá Hải là Tiểu đoàn Trưởng/Tiểu đoàn 2/Trung đoàn Pháo 38/Pháo đoàn Bông Lau, là lực lượng pháo binh chủ lực trong chiến dịch tấn công Quảng Trị, Tháng Ba, Tư năm 1972. Sách “Mùa Hè Cháy” xuất bản lần đầu năm 2005, có in lại phần “Nhật ký chiến trường” của Đại tá Hải, kể rõ thành tích “diệt gọn ngụy quân” qua kế hoạch pháo binh bắn tập trung trong các ngày 29, 30/4 và 1/5, năm 1972.
Sách “Mùa Hè Cháy” lần in lại có phần ghi chép của viên sĩ quan Trương Nguyên Tuệ nói rõ cuộc tấn công bằng pháo binh lên đoạn đường phía Nam Quảng Trị (Đoạn Đại Lộ Kinh Hoàng-Pnn) trong những ngày trước 1 Tháng Năm 1972.
Trương Nguyên Tuệ mang cấp bậc Đại tá, chuyên khảo cứu lịch sử đảng CSVN. Đại tá Tuệ kể rõ chiến tích:
“Trong hai ngày 29 và 30/4/1972, các loại pháo của ta bắn rất chính xác xuống các mục tiêu được giao. Pháo chiến dịch làm, tê liệt và tiêu diệt các trận địa pháo binh địch ở Ái Tử, La Vang… Sáng 1/5/1972, trong lúc bộ binh qua cầu tiến vào thị xã Quảng Trị và tiếp tục truy quét địch, pháo 122mm và 130mm của trung đoàn 38 chụp lện đội hình bộ binh và cơ giới địch đang chen chúc dày đặc trên đường 1 (Đoạn Đại Lộ Kinh Hoàng-Pnn), gây cháy nổ và ùn tắc, tạo thành một vùng lửa đỏ và khói bụi trùm kín. Trên đoạn đường Quảng Trị, La Vang, địch rơi vào thảm cảnh khủng khiếp. (Nguyễn Quý Hải. “Mùa Hè Cháy”, sách đã dẫn. Trg 241.)
Nhưng “chiến công” của Đại tá Hải không ngừng ở việc bắn pháo lên đoàn người chạy loạn. Trang 155 của Mùa Hè Cháy còn có lời tố cáo của Trương Nguyên Tuệ mà năm 1972 kia thuộc quyền chỉ huy của Đại tá Hải:
“Dọc đường số 1, hàng trăm xe ngổn ngang, địch bỏ chạy. Máy bay địch thâm độc thả bom vào những đoàn xe để phi tang, bất kể lính của chúng (không hề kể đến dân –Pnn) bị thương còn ngổn ngang. Xe cháy nghi ngút.”
Quân chủ lực Bắc Việt tấn công Quảng Trị 1972. (ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện nay)
Năm 2019, Ngy Thanh tiếp xúc qua Email (12-17/5/2019) với Đại tá Hải, đã nghỉ hưu tại Dương Nội, Hà Đông. Ngy Thanh hỏi về sự kiện “máy bay địch (Không Quân VNCH-Pnn) bỏ bom lên đoàn xe chạy loạn..”. Đại tá Hải nói trớ: “Tôi suy diễn: Không lẽ quân lực Sài Gòn chịu bỏ lại cả trăm xe cho đối phương tịch thu làm chiến lợi phẩm, tất nhiên pháo bầy ở bờ Nam sông Mỹ Chánh và máy bay các loại kể cả B52 phải (được gọi đến -Pnn) lập tức phá hủy..”
Đại tá Hải “suy diễn” từ đài quan sát (cao điểm 132) trong ngày 2 Tháng Năm! (Ngy Thanh- Đại Lộ Kinh Hoàng Trg 349-351). Khi đọc Mùa Hè Cháy, Đại tướng Quốc phòng Hà Nội, Võ Nguyên Giáp đã ghi tặng những nhận xét: “Cuốn Nhật ký mùa hè cháy của đồng chí Đại tá Quý Hải mô tả sinh động, chân thực tinh thần chiến đấu ngoan cường của biết bao cán bộ, chiến sĩ pháo binh, bộ binh và nhân dân dũng cảm vượt qua bom đạn khốc liệt để giành chiến thắng tại mặt trận Quảng Trị mùa Hè 1972”.
Chiến công đánh chiếm Quảng Trị mùa Hè 1972 của lực lượng cộng sản Bắc Việt (bao gồm Pháo đoàn Bông Lau của Đại tá Hải) sau nầy được đúc nên tháp chuông tưởng niệm, khánh thành Ngày 29 Tháng 4, 2007 – Ngày tàn sát (dân) trên Đại Lộ Kinh Hoàng, 29/4 – 1/5/1972.
Tháp chuông được xây dựng tại cổng phía Bắc Cổ thành Đinh Công Tráng, cao 15 mét với đại hồng chung nặng hơn bảy tấn.
Bà Nguyễn Thị Bình, cựu Phó chủ tịch nước (1992-2002) đã đến chủ tọa buổi lễ, dâng hương tưởng niệm. Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, công trình nầy có ý nghĩa để tri ân và cầu nguyện cho các “linh hồn liệt sĩ” đã ngã xuống tại thành cổ. Bản tin báo Sài Gòn Giải Phóng không hề đề cập tới vong linh hàng ngàn người dân Quảng Trị (không kể lính) bị thảm sát trên Đại Lộ Kinh Hoàng trong những ngày 29/4-1/5 năm 1972. Vì đấy là “ngụy quân-ngụy dân của chế độ ngụy sàigòn”-(Không bao giờ (được) viết hoa-Pnn).
Ảnh bìa “Mùa Hè Cháy” của Đại tá CSVN Quý Hải, người chỉ huy các họng pháo bắn vào đoạn Quốc Lộ 1 phía bắc cầu Bến Đá, Quảng Trị. (Hình: Thư viện Quân đội CSVN)
Ba.
Qua hai cuốn sách kể trên, người đọc hôm nay được biết: 1,841 hài cốt (của dân) chết tại vùng cầu Bến Đá sau 1 Tháng Bảy, 1972 được báo Sóng Thần, Sài Gòn và các thân hữu (phần đông ở Huế, Quảng Trị) tổ chức thu nhặt và an táng tại nghĩa trang Mỹ Chánh (Địa giới Quảng Trị-Thừa Thiên).
Năm 2016, nghĩa trang đã bị di dời, xóa bỏ (Ai di dời? Ai xóa bỏ? Dời đi đâu?). Sự kiện xóa bỏ nghĩa trang người dân chết (oan) năm 1972 được xác định bởi Nguyễn Thị Bình, cựu Bộ trưởng Ngoại giao chính phủ CMLTCHMNVN (1966-1976); cựu Phó chủ tịch nước (1992-2002) trong buổi lễ khánh thành quả chuông, 27/4/2007 nêu trên.
Với “nhân vật/chứng nhân lịch sử tên gọi cựu Bộ trưởng Ngoại giao/Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình” thì 1,841 hài cốt Người Dân Quảng Trị chết oan (chắc còn nhiều nữa) không được kể ra vì đây là DÂN CỦA CHẾ ĐỘ NGỤY SÀI GÒN/KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI/NGƯỜI VN!
Lời tuyên bố, hành vi của bà Nguyễn Thị Bình – con nhà báo tranh đấu Nguyễn An Ninh (1899-1943), cháu nhà cách mạng Phan Châu Trinh (1872-1926), những danh tính lớn của lịch sử, đã giữ những vị trí cao trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (1960-1976) và cộng sản VN suốt giai đoạn chiến tranh từ 1945 đến 1975 – phản ảnh MỘT CHÍNH SÁCH NHẤT QUÁN VÀ TRIỆT ĐỂ của đảng Cộng sản Hà Nội: Giết Người/Giết Người Dân Việt không phải cộng sản. Người viết tiếp chứng minh…
Dương Thu Hương được gọi là “nhân vật phản tỉnh/chống đối chế độ/chế độ cs Hà Nội”. Trong sách Tiểu Thuyết Vô Đề, Dương Thu Hương kể:
“Chúng tôi hướng vào góc rừng đã tỏa ra mùi thối khủng khiếp mà đi. Tới vực cô hồn, gặp sáu cái xác truồng. Xác đàn bà. Vú và cửa mình bị xẻo, ném vung vãi khắp đám cỏ xung quanh… Nhờ những tấm khăn dù, nhờ những chiếc cổ áo sơ mi kiểu lá sen tròn và hai ve nhọn mà chúng tôi nhận ra đấy là những người con gái miền Bắc. Có lẽ họ thuộc một binh trạm hoặc một đơn vị thanh niên xung phong cơ động nào đó bị lạc. Cũng có thể họ đi kiếm măng hoặc rau rừng như chúng tôi rồi vấp bọn thám báo (Lính VNCH-Pnn) – Chúng đã hiếp các cô tàn bạo trước khi giết! (Dương Thu Hương. Tiểu Thuyết Vô Đề – NXB Văn Nghệ – Cali, 1991).
Cách tố cáo “mổ bụng, xẻ gan, cắt đầu vú, xẻ cửa mình (phụ nữ)” của Dương Thu Hương, có thể do là phụ nữ, sinh và lớn lên nơi miền Bắc trước 1975 nên không thể nào biết ra hoạt động quân sự của phía VNCH. Đấy lại là Lực lượng Bán Quân sự phụ trách hoạt động “Chiến Tranh Không Quy Ước/Paramilitary/Biệt Kích” của Miền Nam.
Các toán “Biệt Kích Hắc Long” của Sở Công tác; “Biệt Kích Lôi Hổ” của Sở Liên lạc thuộc Nha Kỹ thuật hoạt động trên vùng biên giới Lào-Việt, dọc đường mòn HCM (vùng lãnh thổ như trong Tiểu Thuyết Vô Đề của Dương Thu Hương mô tả). Các toán biệt kích thông thường quân số chỉ từ 4-7, 8 người, phải áp dụng tiêu lệnh tiên quyết:
Tuyệt đối giữ bí mật/Bắt buộc tránh đụng độ! Với tiêu lệnh chỉ huy tối mật nầy, hành quân ngắn hạn (để trở về báo cáo tin tình báo thu nhận được) các nhóm nhỏ biệt kích KHÔNG THỂ CÓ điều kiện, hoàn cảnh để đi hiếp và cắt đầu vú (sáu) nữ giao liên?!
Nhưng Dương Thu Hương với những chữ viết (tố cáo) trong Tiểu Thuyết Vô Đề không đơn lẻ; ba-mươi năm sau, người viết văn “phản tỉnh” của Hà Nội có đồng hành/đồng chí: Nhà văn Hoàng Khởi Phong, gốc Đại úy đơn vị Quân cảnh VNCH. Hoàng Khởi Phong sinh 1943, vào Nam năm 1954, lớn lên, đi lính, làm thơ, viết văn thuần thành dưới chế độ chính trị-xã hội VNCH.
Với quá khứ bề dày vật chất-tinh thần mang dấu ấn toàn diện căn cước VNCH như vừa kể ra, sau nhiều năm về nước sinh sống, năm 2022 từ Sài Gòn Hoàng Khởi Phong hoàn thành Tuyển Tập Ngày N+ với Chủ Điểm Phản Tỉnh/Phản Tỉnh VNCH qua trích dẫn được in đậm ở bài sách:
“Ngày N +, 7 giờ 30 chiều… Một toán Biệt kích của Trung tá Lê Minh cải trang quân phục Việt cộng, dép râu, súng AK xuất phát từ phía trước mặt. Tôi nghe nhiều tin đồn xấu về những lính giả Việt cộng cướp của, giết người, hãm hiếp phụ nữ. Cầu mong có Lê Minh ở đây. Anh ta là bạn cùng khóa trung đội với tôi hồi còn là sinh viên sĩ quan. Trung tá ba mươi tuổi, đem xương máu của anh để đổi lấy những huy chương và những bông mai trên cổ áo”.
Đại Lộ Kinh Hoàng do Thiếu tá cố vấn Robert Sheridan chụp tháng 7, 1972. (Hình: Ngy Thanh)
Đoạn trích dẫn trên có điểm đúng và điểm sai. Đúng là những toán Biệt kích của Sở Công tác, Sở Liên lạc thuộc Nha Kỹ thuật khi nhảy xuống đường mòn HCM phải ngụy trang thành đơn vị Việt cộng với vũ khí súng AK.
Kỹ thuật ngụy trang (thành đơn vị cộng sản) nầy cũng thường được áp dụng đối với các toán Thám sát tỉnh (PRU/Provincial Reconaissance Unit) thuộc các địa phương trong nội địa Miền Nam -Thuộc vùng trách nhiệm của mỗi Tiểu khu/Tỉnh. Cũng đúng là Lê Minh thuộc Khóa 15 Thủ Đức (chung khóa với Đại úy Quân cảnh Nguyễn Vinh Hiển/HKP).
Nhưng có điểm sai (nhỏ) là không hề có “quân phục Việt cộng”. Việt cộng (Miền Nam) không có quân phục. Và Lê Minh cuối cùng chỉ là Thiếu tá Chiến đoàn Trưởng Chiến đoàn 2 Xung kích đóng ở Kontum chứ không là trung tá.
Tuy nhiên, những sai lầm về kỹ thuật (ngụy trang), cấp bậc chỉ huy không là vấn đề – Sai lầm đáng kể là lời cáo buộc: “Tôi (Hoàng Khởi Phong-Pnn) nghe nhiều tin đồn xấu về những lính giả Việt cộng cướp của, giết người, hãm hiếp phụ nữ! Và Hoàng Khởi Phong hạ lưỡi đao sát thủ giết “người bạn cùng khóa” qua chữ nghĩa không chút thương xót, nương tay:
“Cầu mong có Lê Minh ở đây. Anh ta là bạn cùng khóa trung đội với tôi hồi còn là sinh viên sĩ quan. Trung tá ba mươi tuổi, đem xương máu của anh để đổi lấy những huy chương và những bông mai trên cổ áo”.
Người viết phải kêu lên lời uất hận phẫn nộ vì cũng là người quen thân Lê Minh do cùng học Khóa 12 Biệt Động Quân/Rừng Núi Sình Lầy tại Dục Mỹ, Ninh Hòa (1963-1964), Đại úy Trần Văn Hai giữ chức Trưởng khóa. Vì quen thân, nên biết rõ quân vụ của Lê Minh vốn xuất thân từ Biệt Động Quân sau đổi về Nha Kỹ thuật/Strategic Technical Directorate – STD là Cơ quan Tình báo Chiến lược của Quân lực VNCH trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu/Văn phòng Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Viên.
Với nhiệm vụ đặc trách tổ chức, hoạt động biệt kích thu thập tin tức tình báo, phản tình báo chiến lược, hoạt động đơn độc trong lòng địch nên các toán Biệt kích phải ngụy trang thành những đơn vị cộng sản để hòa nhập sâu vào với đối phương – Không tác chiến và tuyệt đối giữ bí mật là TIÊU LỆNH TỐI THƯỢNG.
Thế nên, hành vi giết người, hãm hiếp (lại là người dân trong vùng rừng núi cộng sản hoạt động) LÀ MỘT ĐIỀU KHÔNG BAO GIỜ CÓ! Dương Thu Hương (có thể) cường điệu bịa đặt nầy nọ trong Tiểu Thuyết Vô Đề là do phái nữ, người Miền Bắc, nhưng Hoàng Khởi Phong- Đại úy Quân cảnh Nguyễn Vinh Hiển thì không thể được! Không được (lạm) quyền Giết Người/Bạn Cùng Khóa Thủ Đức bởi chữ – Đạo Đức Con Người Không Cho Phép – Huống gì là “Nhà văn”.
Kết Luận:
Đại úy Nguyễn Vinh Hiển/Nhà văn Hoàng Khởi Phong đang ở tuổi 80 – Số tuổi phải nhận ra thực tế: Không thể làm được việc gì khác hơn quá trình đã trải qua (đã hoặc không hoàn tất) từ thuở 20, 30, 40… Mọi chuyện ĐÃ nên xong. Có muốn làm gì khác hơn (với hy vọng hoàn chỉnh, tốt đẹp hơn) cũng vô ích! Cụ thể không còn sức, lực làm gì hơn/làm gì khác. Vậy “Giết Người/Giết Bạn/Giết Bạn Lính” để làm gì? Để làm gì vậy?
Tháng Ba, Tháng Tư 48 năm sau 1975
Không có nhận xét nào