Header Ads

  • Breaking News

    Phan Nhật Nam - Lịch sử CHỈ là lập lại thế trận “Hợp Tung-Liên Hoành Mới”

    SGN

    22/4/2023

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/GettyImages-524147198-780x537-1.jpg


    Cảnh chạy giặc trên Quốc lộ Một của người dân khi quân Bắc Việt tiến sát vào Sài Gòn (ảnh: Nik Wheeler/Corbis via Getty Images) 

    Lời người viết: Phần đông Người Việt Hải Ngoại, cũng có thể với số lớn người trong nước, thành phần Công Dân VNCH nhân sắp đến Ngày 30 Tháng 4 (thường) lập lại câu hỏi khắc nghiệt: Tại sao? Như thế nào đã xẩy ra ngày sụp vỡ Miền Nam không (khả năng) giải thích, và phục hồi. 

    Tương tự như thế, bản thân người viết đặt lại câu hỏi (cho chính mình): Tại sao? Như thế nào? Nhưng lần vấn nạn nầy đặt ra với “Bên Bày Cuộc/CS và Tư Bản” để tìm cho ra lẽ, và “vô tình/một cách cố ý” thấy được: Lịch Sử chỉ là lần lập lại – Lập lại thế trận “Liên Hoành- Hợp Tung” mà lịch sử Đông-Tây đã bao lần đã và đang tiếp diễn. Cụ thể nơi vùng Đông Nam Á, với Mỹ-Trung cộng-Pháp và Việt Nam diễn lại không mấy khác, chỉ thay đổi một vài tiểu tiết.  

    Một.

    Sách lược của nhà nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (TC) từ khi thành lập 1949 đến hiện tại đã và đang được thực hiện qua những giai đoạn: Khởi đầu thập niên 50 bằng lần chiếm đóng Tây Tạng (18 Tháng 11, 1950), mở rộng chiến tranh (chống Mỹ, đồng minh Tây Âu) tại Bán đảo Triều Tiên (1950-1953); thúc giục, yểm trợ lực lượng Việt Minh (VM) của HCM tiến hành chiến tranh với Pháp (1946-1954); xong (lại) điều động hai phe lâm chiến (Pháp và VM) ký kết Hiệp Định Genève (20/7/1954), chia đôi đất nước VN. Qua thập kỷ 1960, tiến hành mưu định xâm chiếm Miền Nam, VNCH với sự kiện thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, 20 tháng 12, 1960 thực hiện Nghị Quyết Đại Hội Đảng 3 tại Hà Nội, áp dụng chiến tranh gọi là “giải phóng” dẫn đến kết thúc Ngày 30 Tháng Tư, 1975.

    Bài viết chỉ giới hạn trong phạm vi cuộc chiến 1946-1954 với hai lực lượng tham chiến chủ yếu (Pháp và Việt Minh), xong được (tạm) kết thúc bởi dàn xếp tại Genève với một nhân tố quyết định: Đại diện nhà nước CHND/TQ tại Bắc Kinh – Mà cục diện thế giới hôm nay thêm một lần lập lại.  

    Cần nêu rõ chiến lược của Bắc Kinh qua diễn tiến xâm thực (Nam) VN/Ba nước Đông Dương (Việt-Miên-Lào) khác với cuộc chiếm đóng Tây Tạng, 1950. Vì sau 1949, TC vẫn là một nước cộng sản nghèo nàn lạc hậu cho đến cuối thế kỷ 20. Hơn nữa, tại diễn trường Á châu/Đông-Nam Á/Đông Dương còn  có sự hiện diện của quân lực Pháp, Mỹ từ sau 1945, 1954 đến 1975. Thế nên, TC (phải) xử dụng đảng CSVN làm công cụ xâm lược. 

    Tuy nhiên tác nhân quyết định chiến tranh (1946-1954) vẫn là tập đoàn cầm quyền Bắc Kinh, cụ thể tại Hội nghị Genève (4-7/1954) trong thực tế với Chu Ân Lai (1989-1976), Thủ tướng CHND/TQ. Chu Ân Lai quyết định mọi sự tại Genève theo chỉ đạo từ, của Mao Trạch Đông nơi Bắc Kinh hằng ngày theo dõi. 

    Để thực hiện chiến lược lớn của Đảng CS Trung Hoa/Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai phải nói chuyện với Pháp trước 1954, và của Mỹ sau 1954. Do giới hạn chủ đề, bài viết tập trung vào vận động giữa hai đối tác Pháp-Hoa quanh trục thời điểm 1954 của Hội nghị Genève. 

    Vào Tháng Tư, 1954 bế tắc chính trị-quân sự nơi chiến trường giữa Pháp/Việt Minh dần hiện rõ: Tổng thống Mỹ Eisenhower không (thể) chấp thuận kế hoạch can thiệp vào Đông Dương tại thời điểm trận chiến Điện Biên Phủ đang lâm thế nguy ngập. Dẫu đã tiếp cận việc thực hiện ý định (có thể) giúp Pháp tại chiến trường Điện Biên, nhưng TT Eisenhower vẫn còn những khó khăn khó thể giải quyết được. Lý do chính yếu là Chính phủ Anh không đồng ý cộng tác, lại thêm sự chống đối từ Bộ Quốc Phòng Mỹ. Nói tóm lại: Giữa Mỹ-Anh-Pháp không có sự đồng thuận trong giải pháp cho Đông Dương; trong khi đó Liên Xô-Trung Cộng-Việt Minh hầu như thống nhất về một sách lược. Thế nên, Pháp phải tự cứu qua thế trận (buộc) phải thực hiện: Lập thế Liên Hoành: Nói chuyện (thẳng) với Trung Cộng. Đúng ra Bắc Kinh/Mao Trạch Đông-Chu Ân Lai đã lập nên thế trận (buộc) nầy đối với Thủ tướng Mendes France.

    Hai. 

    Hội nghị Genève bắt đầu ngày 26 Tháng Tư, 1954, nghị trình trước tiên là bàn thảo về vấn đề Triều Tiên, tiếp giải quyết về Đông Dương sau khi lực lượng Việt Minh đoạt thắng lợi tại chiến trường Điên Biên Phủ, 8 Tháng Năm, 1954. Phe Đồng Minh tham dự hội nghị gồm Anh, Pháp và Mỹ nhưng không đồng ý một sách lược chung.

    Về phần chính phủ Mỹ (dưới lãnh đạo của TT Eisenhower) dẫu đang thực hiện không yểm cho quân đội Pháp, nhưng (cũng) không thể có được sự nhất trí của đồng minh và quốc hội, dư luận Mỹ về sự yểm trợ toàn phần (với lực lượng bộ binh) cho Pháp. Mối bận tâm lớn nhất của Mỹ là đừng để mất mất Đông Dương như Chính phủ Truman đã mất nửa bán đảo Bắc Triều Tiên. 

    Ngày 18 Tháng Sáu, 1954 nội các Thủ tướng Laniel đổ, được thay thế bởi Thủ tướng Mendès France. Là một người vốn chủ trương phản đối chiến tranh Đông Dương, Mendès France hứa với Quốc Hội sẽ ký kết ngưng bắn trong vòng 30 ngày nếu không sẽ từ nhiệm. 

    Thủ tướng Mendès France kiêm nhiệm chức vụ Tổng trưởng Ngoại giao, trực tiếp điều hành Nghị hội Genève theo kế hoạch riêng. Để thực hiện kế hoạch riêng nầy, Thủ tướng France mật đàm với phái đoàn Việt Minh (Phạm Văn Đồng) nhưng quan trong hơn hết là bí mật gặp Thủ tướng Chu Ân Lai tại Tòa Đại sứ Pháp ở Bern, Thụy Sĩ. Tại cuộc họp bí mật nầy, Thủ tướng Chu nói rõ ý định/cũng là quyết định của phía Trung Cộng là: Thực hiện ngay một cuộc ngưng bắn tại Việt Nam. Kế hoạch đáp ứng được hai nhu cầu lớn của hai bên: Pháp muốn chấm dứt cuộc chiến mà giữ được quyền lợi ở Nam VN. Nhưng quan trọng hơn tất cả là Trung Cộng tránh được đụng độ với Mỹ (như đã xẩy ra ở chiến tranh nơi bán đảo Triều Tiên (1950-1953). 

    Tóm lại, Pháp phá vỡ thế liên kết (vốn đã) không được vững chắc với Anh, Mỹ qua bí mật nói chuyện trực tiếp với Trung Cộng: Thế Liên Hoành được thực hiện bất chấp vận mệnh, phân chia lãnh thổ VN – Tiền đề của chiến tranh 1960-1975 sau nầy mà hậu quả, hệ quả là ngày 30 Tháng Tư, 1975 nay còn nguyên tác động. 48 năm sau lần sụp vỡ Miền Nam.

    Hôm nay, Tổng thống Pháp Macron đã đến Bắc Kinh trong ngày 7 Tháng Tư, tiếp theo là Chủ tịch Quốc hội Liên Âu Von der Leyen- Tất cả hóa ra chỉ là màn trình diễn kế sách “Liên Hoành” mà Chủ tịch Tập vốn kinh nghiệm đầy đủ của 5000 năm lịch sử Trung Hoa đã dựng nên và thâu lợi. Kế Liên Hoành bất chấp thực tế đau thương từ chiến tranh Nga-Ukraine đã, đang diễn ra nơi ngưỡng cửa EU, cách biên giới Pháp chỉ khoảng hai ngày hành quân cơ giới. Biết bao giờ giới lãnh đạo Âu châu học được bài học xưa cũ căn bản nầy?

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/GettyImages-1250838928-scaled.jpg


    Một bức ảnh có tính biểu tượng: Tổng thống Pháp E. Macron thân cận với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình trong lúc bà Chủ tịch EC Ursula von der Leyen giữ khoảng cách với ông Tập khi chụp ảnh lưu niệm tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 6 Tháng Tư vừa qua. Ảnh Zhai Jianlan/Xinhua via Getty Images 

    Ba.

    Trở lại vấn đề VN vào thời điểm 16 Tháng Sáu, Chính phủ Pháp trao trả Độc Lập Toàn Phần cho Quốc Gia VN; Quốc trưởng Bảo Đại bổ nhiệm ông Ngô Đình Diệm chức vụ Thủ tướng Toàn quyền thay thế ông Bửu Lộc. Thủ tướng Diệm đề cử Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ đến Genève với chủ trương phản đối kế hoạch chia cắt VN (theo đề nghị có tính quyết định giữa Pháp-Trung Cộng như trên đã trình bày). 

    Trong cùng lúc, tại cuộc họp mật ở Liễu Châu từ 3-5 Tháng Bảy, Chu Ân Lai gặp HCM, Võ Nguyên Giáp nói rõ quyết định (từ Mao): “Nếu chúng ta (phe cs) đòi hỏi quá độ tại Genève, hòa bình/ngưng bắn sẽ không thực hiện được, thì chắc chắn Mỹ sẽ can thiệp!” Điểm chính yếu, Chu Ân Lai nói thẳng với Hồ là: “Ngăn ngừa Mỹ can thiệp và thực hiện giải pháp hòa bình/ngưng bắn”. Bởi hơn ai hết, Chu Ân Lai biết rõ lập trường của Mỹ từ khi tham dự hội nghị là không nhìn nhận Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc; Ngoại trưởng Mỹ Foster Dullas cấm tất cả sự giao tiếp với phái đoàn TC qua hành vi từ chối bắt tay Thủ tướng Chu, đại diện Bắc Kinh. Ngày 3 Tháng Năm, Ngoại trưởng Dulles rời Genève do không thuyết phục được Anh đồng thuận về một giải pháp chung (thuận để Mỹ can thiệp trực tiếp vào Đông Dương) để lại công việc cho Thứ trưởng Bedell Smith với lời dặn tránh tất cả giao tiếp liên quan trực tiếp đến thảo luận ngưng bắn. 

     Đêm 20 rạng 21, Tháng Bảy, 1954 phiên nhóm chính thức cuối cùng tại Gèneve chỉ có hiện diện hai nước đồng chủ tịch, Molotov của Liên Xô và Anthony Eden của Anh. Văn bản Thỏa Ước Chấm Dứt Chiến Sự tại Việt Nam chỉ do đại diện quân sự của Pháp và Việt Minh ấn ký. Đại diện Mỹ và Quốc Gia VN không ký vào bản Thông Cáo Chung.

    Từ tình hình Hiệp Định Genève như trên, một thế trận mới được kiến tạo: Hiệp Ước Liên Phòng Đông Nam Á gồm 8 nước: Mỹ-Thái-Phi-Úc-Tân Tây Lan-Pakistan-Anh-Pháp thành lập ngày 8 Tháng Hai, 1955 tạo nên Thế Hợp Tung chống lại Thế Liên Hoành của phía Cộng sản – Nhưng lịch sử đã thêm một lần lập lại khi thế trận nầy bị vỡ (30/6/1977) như một điều tất nhiên bởi Thông Cáo Chung Thượng Hải, 1972. Cũng với Mỹ và Trung Cộng chứ không phải ai khác với lần sụp vỡ Miền Nam, 30 Tháng Tư 1975. 

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/1920px-CongressBuilding_SEATO.jpg


    Lãnh đạo của một số quốc gia thành viên SEATO trước thềm Tòa nhà Quốc hội Manila, Hội nghị do Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos chủ trì vào ngày 24 tháng 10 năm 1966. Ảnh: Wikipedia 

    Kết luận: 

    Để kết thúc bài viết, chúng tôi trình bày về  người, việc giữa người cộng sản VN và người Mỹ. Ngày 26 Tháng Mười, 2014 sau khi đến Mỹ khoảng ba tháng, LS/TS/Cù Huy Hà Vũ trả lời phỏng vấn của Đài RFA: “Việt Nam luôn là mục tiêu xâm lược của nhà cầm quyền Trung Quốc… Từ 2010, khi trả lời phỏng vấn của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ/VOA, TS Cù Huy Hà Vũ cũng đã khẳng định: “đồng hành quân sự với Hoa Kỳ là mệnh lệnh của thời đại”. 

    Và gần đây, 18 Tháng Năm 2022, Tiến sĩ Vũ (lại) có bài viết trên Đài VOA: “Không chọn bên”: Chính phủ Việt Nam đi ngược Hồ Chí Minh”. TS/Vũ phê phán Thủ tướng Chính: “Đây không phải là lần đầu Thủ tướng Chính bày tỏ lập trường “không chọn bên”. Mà ngày 15/12/2021 khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao Việt Nam lần thứ 31, Thủ tướng Chính cũng đã nhấn mạnh: “Tinh thần đảng và nhà nước cộng sản là “không chọn bên’ mà chọn lẽ phải lớn của thời đại là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.” 

    Như vậy, chỉ hai năm 2021, 2022 mà lập trường ngoại giao giữa Mỹ và VN (qua hai phát ngôn viên trưởng thành, ra đi từ Hà Nội) thì ĐÃ HOÀN TOÀN KHÁC BIỆT. Và cuối cùng, 14 Tháng Tư năm nay, Ngoại trưởng Blinken đến Hà Nội gặp Phạm Minh Chính để đẩy mạnh liên hệ hai nước lên thành “đối tác chiến lược”! Như thế là thế nào? Cũng chỉ là hai “Bên Bày Cuộc” năm xưa nơi diễn trường Việt Nam với những đào kép mới lớn sau 1975!

    California, 20 Tháng 4, 2023

    Ngày mất Long Khánh để tiếp mất Sài Gòn 20/4-30/4, 1975

    https://saigonnhonews.com


    Không có nhận xét nào