Header Ads

  • Breaking News

    Phạm Hồng Sơn - Viết Từ Xứ Người : Tại Sao Lại Tát ?

    12/4/2023 – ngày Nguyễn Lân Thắng bị kết án 6 năm tù




    Ngày 08 tháng Sáu năm 2021, Tổng Thống Pháp Macron bị tát vào giữa mặt khi vừa tới nói chuyện với một nhóm dân làng ở miền Đông-Nam nước Pháp. Người tát là một thường dân – thanh niên 28 tuổi. Bối cảnh xảy ra cái tát đó là nhiều dân Pháp phẫn nộ, chống đối quan điểm của Tổng Thống Macron về đại dịch Covid và các chính sách xã hội được cho là gây khó khăn, thiếu quan tâm tới thành phần dân nghèo. Dĩ nhiên, hành động trái phép của chàng thanh niên phải trả giá : án tù 4 tháng. Song, qua quan sát và trò chuyện, tôi cảm thấy dư luận Pháp khá bình tĩnh tới mức như bình thản trước hành vi xúc phạm nhân phẩm, đe dọa trực tiếp tới sức khỏe của người đứng đầu một nhà nước dân chủ. Sau 03 tháng ngồi tù, chàng thanh niên nói với báo giới : «…chẳng có gì ân hận !»

    Nói về uy lực, tổng thống Pháp thuộc hạng quyền thế lớn trong hệ thống các chế độ dân chủ. Nhiều người thường nghĩ tổng thống Mỹ là người quyền uy nhất. Nhưng tổng thống Pháp có những quyền mà tổng thống Mỹ không thể có. Ví dụ, hiến pháp Pháp cho phép tổng thống có thể giải tán Hạ Viện – một nhánh lập pháp do dân bầu ; tổng thống Pháp là người duy nhất có quyền chỉ định ai làm thủ tướng-người đứng đầu Hành Pháp… ; tổng thống Pháp có quyền quyết định người đứng đầu Hội Đồng Hiến Pháp (tương đương Tòa Án Tối Cao ở Mỹ).

    Tuy nhiên, cả hai nhân vật quyền lực vừa kể đều thua xa một nhân vật Việt Nam. Đó là người giữ vị trí chủ tịch đảng hay tổng bí thư đảng cộng sản. Như ông Hồ, người đã đưa Việt Nam vào con đường xã hội chủ nghĩa (dân gọi là xuống hố cả nút), đã gây bao tai ương, chết chóc cho dân tộc, nhưng cầm quyền liên tục 24 năm cho tới tận lúc chết (tổng thống Pháp, Mỹ, tài ba nhất cũng chỉ được cầm quyền liên tục cùng lắm là 10 hay 8 năm). Như ông Trọng hiện thời, ông này có thể quyết định mọi vấn đề liên quan tới đất nước từ quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội cho tới giáo dục, giao thông, đối ngoại, y tế, vân vân, mà chẳng cần phải lo lắng, hay hỏi ý kiến của dân. Ông Trọng có thể tiếp tục giữ quyền lực lớn như thế thêm 5, 10 hay 15 năm nữa chỉ là chuyện của riêng ông và đảng của ông. Dân chúng hay « hiến pháp » chẳng có giá trị gì ở những việc này.

    Nhưng, sự tương phản dễ hiểu nhất về quyền uy giữa người cầm quyền ở Pháp, Mỹ và Việt Nam là những gì diễn ra trong mấy năm chống dịch Covid vừa qua. Khi chống Covid, các ông tổng thống Pháp và Mỹ đều phải tức tốc chuyển ngay tiền trợ cấp nhiều tỷ đô-la vào tài khoản cho dân nghèo gần như vô điều kiện ; đều phải khẩn cấp tổ chức xét nghiệm và tiêm chủng miễn phí bằng những loại sản phẩm uy tín nhất thế giới cho dân. Nếu phải áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly, cả hai ông tổng thống Pháp và Mỹ đều phải rất thận trọng để không gây ra các thiệt hại phụ cho người dân. Ví dụ, ở Pháp, vào thời kỳ phải giới nghiêm căng thẳng nhất, tổng thống Pháp còn phải cân nhắc cả việc sao cho hàng ngày người dân có thể ra ngoài hóng gió hay dắt chó, mèo đi dạo.

    Còn ở Việt Nam ta thì sao? Nói một cách ngắn gọn, dân ta đã bị ông Trọng và đảng của ông ta coi như người hủi ở thế kỷ 18. Tàn nhẫn hơn nữa, “người hủi” còn bị móc túi bằng đủ mọi cách, từ cưỡng bách đi xét nghiệm bằng những dụng cụ giả, chích những vắc xin mà ông Trọng và đồng đảng của ông không chịu dùng hay phải hối lộ những món tiền khổng lồ mới có thể về nhà. Thế nhưng, đến nay, sau khi gây ra bao chết chóc, mất mát, ông Trọng và đảng của ông vẫn cứ rất oai vệ trong các lời kêu gọi về đạo đức, thanh liêm, trách nhiệm xã hội hay chống tham nhũng. Ngay cả việc chính ông Trọng đã trực tiếp ký bằng khen cho công ty Việt Á, ông cũng chẳng cần phải bận tâm thanh minh hay xin lỗi ai cả. Không những thế, ông Trọng và đảng của ông còn thẳng tay bắt, bỏ tù tất cả những ai muốn làm những việc để dân bớt khổ, chính quyền bớt “tham nhũng” đúng như ông hay kêu gào.

    Tôi kể sơ qua những chi tiết đó ở Việt Nam cho một người Pháp vốn rất ôn hòa và hỏi anh ta với ý hơi chọc ghẹo:

    Vậy theo ông, người như thế thì theo ông cần cho mấy cái tát ?


    Tại sao lại tát ?

    Câu hỏi ngược trở lại làm tôi cũng hỏi giật lại :

    Sao lại không ?

    Ông ta liền giơ cao tay rồi đập đến rầm một cái xuống bàn và lầm bầm câu gì đó. Không hiểu do tiếng động mạnh hay do khả năng tiếng Pháp của tôi, tôi chẳng hiểu gì cả. Có lẽ sự sửng sốt pha lẫn ngây ngô trên mặt tôi đã làm cho ông ta trở nên nóng nảy chăng ? Rồi ông ta nói gằn từng chữ :

    Chúng nó đáng bị treo cổ… lên 10 lần.


    Không có nhận xét nào