XỨ KHÁCH TÌNH NGƯỜI
Nguyễn Ngọc Hoa/SGN
Chiều ngày 7 Tháng Năm, ở hải cảng Vịnh Subic, đồng bào di tản trên các chiến hạm được quân nhân Hoa Kỳ khéo léo thu xếp và hướng dẫn sang thương thuyền để lên đường đi đảo Guam cách xa Phi Luật Tân khoảng một ngàn rưỡi cây số về phía Đông và là điểm cực Tây (tính theo chiều di chuyển) của lãnh thổ Hoa Kỳ. Trời sẩm tối khi gia đình tôi lên Green Wave (Sóng Xanh), một chiếc tàu chuyên chở dân sự rất lớn, và được chỉ tới một căn phòng rộng dưới hầm tàu. Sau đó người lên rất đông khiến tàu đầy ắp, và ngay cả boong tàu cũng không còn chỗ trống. Nằm trên boong có điều bất lợi là phải chịu ướt và lạnh khi trời mưa đêm.
Dưới ánh đèn điện mờ mờ, một anh lính Hải quân rất trẻ bưng ra một thùng các-tông in hàng chữ lớn “Navel Oranges from Florida” (Cam rốn Florida), không biết làm sao phân phát cho đám người đói khát hau háu nhìn, và lẳng lặng để thùng cam ở góc phòng rồi rút lui. Đám đông nhào lại, mạnh ai nấy giành những quả cam vàng tươi. Tôi cố gắng tự chủ, tự nhủ giấy rách phải giữ lấy lề, và nhớ câu ca dao mẹ dạy từ thuở bé,
Miếng ăn là miếng tồi tàn,
Mất đi một miếng lộn gan lên đầu.
Nhưng khi chỉ còn hai quả cam lăn lóc trên sàn và con thú đói trong lòng bất thần nổi dậy, tôi nhảy tới chụp một quả và cảm thấy bên cạnh mình có người giật quả thứ hai. Tôi ngoảnh mặt sang và hỡi ôi nhìn ra kẻ tranh ăn kia là anh Dương giám đốc Ngành Xxxx (trước là trường chuyên nghiệp Xxxx) của Đại học Kỹ thuật Thủ Đức ở Phú Thọ. Anh tốt nghiệp kỹ sư bên Pháp về, từng phục vụ trong quân đội và làm đến chức trung tá, và là một vị giám đốc tôi kính vì nhất. Chúng tôi ngượng ngùng nhìn nhau không nói nên lời, và đó là lần cuối cùng tôi trông thấy anh.
Khoảng nửa đêm Green Wave nhổ neo rời bến. Tôi thở phào nhẹ nhõm nhưng không biết mình vui hay buồn. Ở trên chiếc thương thuyền này nghĩa là chúng tôi đặt chân lên lãnh thổ Hoa Kỳ và được luật pháp Hoa Kỳ bảo vệ, nhưng từ nay tôi là kẻ bơ vơ nơi xứ khách quê người. Tôi ngồi dựa tường ngủ gà ngủ gật thì bỗng nhiên có một số người chen nhau bước vào phòng, có lẽ từ trên boong dời xuống tránh mưa; thằng Sang gọi giật tôi dậy,
-“Anh Ba Hoa dậy mau. Ông Cẩn bạn của cha kìa!”
-“Bác ở đâu?” Tôi đứng vọt dậy.
Bác Cẩn là bạn thân của cha thuở ngoài Quảng Bình, gia nhập quân đội cùng một lần, và học cùng một khóa Võ bị Liên quân Đà Lạt với cha. Tôi biết bác từ năm lên bảy, ngày bác là sĩ quan cấp úy đóng ở đồn An Hòa gần Huế. Ngày đó, mỗi khi bác đến nhà uống bia “Larue” (chai bia cao) với cha, tôi lảng vảng gần phòng khách hóng chuyện người lớn, bị mẹ bắt đứng chờ cha sai vặt, và bưng dĩa mực khô nướng dưới bếp lên mời khách. Tôi vừa đi vừa bứt mấy cọng râu mực cho vào miệng nhai nhóp nhép, bị cha thấy và tính cú đầu, và được bác can cha và xé cho miếng thân mực mềm ngon. Mấy năm gần đây cha về Sài Gòn nghỉ hưu, bác được thăng lên tướng và bổ nhiệm vào một chức vụ chính phủ quan trọng, và cha thường sai tôi tới gặp bác khi có chuyện nhờ vả.
Bác Cẩn cao lớn dềnh dàng, mặc quân phục cổ áo gắn hai ngôi sao bạc, và cùng với bác gái và hai cô con gái út mười lăm và mười bảy tuổi, khệ nệ khiêng chiếc rương nặng. Chắc hẳn rương đựng vàng, thứ của cải để dành và cất giữ chắc chắn nhất trong thời chiến tranh. Hai bác cháu nhận nhau; bác nắm tay tôi, giọng trầm buồn đầy nước mắt,
-“Ba con kẹt lại rồi. Ngày cuối cùng là ngày 29 ba gọi điện thoại cho bác, nhưng bác bó tay không có cách nào giúp ba và nói ba ráng tự lo liệu.” Thì ra cha ỷ lại vào bác nên chiều ngày 28 Tháng Tư cương quyết từ chối không ra tàu Hải quân với anh em tôi.
-“Lúc tụi con ra đi, cha quyết định ở lại, nói là ra khỏi Sài Gòn bằng tàu quá phiêu lưu và mạo hiểm,” tôi than thở.
-“Bác luôn luôn ước ao có đứa con trai thông minh và học giỏi như con. Bây giờ mình ra nước ngoài, bác cũng như cha và sẽ thay thế cha con. Bác cháu mình chung lưng góp sức, nương tựa vào nhau, và đói no cùng chịu trong một gia đình. Con thấy sao?”
-“Bác có lòng như vậy thật quý hóa, con mong ước gì hơn,” tôi cảm động vô cùng.
Green Wave là tàu chở hàng hóa nên chỉ có phương tiện vệ sinh cho thủy thủ đoàn và toán quân nhân Hải quân điều hành việc di chuyển. Để giải quyết vấn đề bài tiết của gần sáu ngàn người tỵ nạn, người ta dùng những thanh gỗ dài đóng thành các cầu tiêu lộ thiên trông giống như cái khung hình hộp chữ nhật và gắn chênh vênh nhô hẳn ra ngoài mạn tàu. Đứng trên boong nhìn xuống mặt nước cách xa hơn ba chục thước thấy sâu thăm thẳm đến phát khiếp, và trong khi tàu rẽ sóng chạy vun vút, ai dám xăm mình leo lên chiếc cầu… đoạn trường và “làm chuyện ấy” trước mặt hàng ngàn người khác?
Chúng tôi không có thức ăn vào bụng nên không lo chuyện tiện… lớn. Chuyện tiện… nhỏ đối với bọn đàn ông con trai khá dễ dàng: tìm chỗ ít người nhất, quay mặt ra ngoài, kê súng vào thành tàu, và bắn xuống nước, miễn là cẩn thận coi chừng hướng gió để nước tiểu không bay ngược vào mặt. Tôi không biết làm sao Quỳnh Châu và Bình “làm chuyện ấy,” và không dám hỏi. Chiều ngày thứ hai trên tàu, hai cô đi ra ngoài về, Quỳnh Châu hãnh diện khoe,
-“Để giải quyết bầu tâm sự, hôm qua các bà các cô cử hai chị em làm đại diện đòi lính Mỹ phải nhường phòng vệ sinh cho phụ nữ dùng. Cô Bình nhà mình trổ tài nói tiếng Anh thuyết phục, viên đại úy trưởng toán ô-kê (okay) liền cái rụp, và chị em ta có quyền thơ thới hân hoan, mặc dù phải đứng sắp hàng hai, ba tiếng đồng hồ.”
-“Thực ra là nhờ công của chị hết. Anh chàng Bill đó kính nể cô bạn đồng môn Đại học Stanford nên em mới thành công dễ dàng,” Bình khiêm tốn kể công chị dâu.
-“Trong lúc Bình nói chuyện, chị thấy chiếc nhẫn triện Bill mang ở ngón giữa rất quen thuộc vì chị cũng có một chiếc và buột miệng đọc câu châm ngôn bằng tiếng Đức ‘Die Luft der Freiheit weht’ nghĩa là ‘ngọn gió của tự do thổi.’ Câu đó sinh viên Stanford nào cũng biết, và nhờ vậy chị và Bill nhận ra nhau,” Quỳnh Châu gật đầu; nhẫn triện là nhẫn khắc huy hiệu và châm ngôn của trường đại học đã tốt nghiệp.
-“Nè hai ông anh, trưa nay hai chị em đi hành sự gặp lúc Bill đang ăn ra-xông xê (Ration C), chị Châu thấy trong hộp đồ ăn có gói thuốc lá tí teo này nên dừng lại xin cho hai anh,” Bình lấy gói thuốc lá nhỏ màu đỏ sẫm nãy giờ giấu sau lưng đưa cho tôi.
“Ration C” là khẩu phần cá nhân gồm thức ăn chín đóng hộp và một hay hai món nhu yếu khác cấp phát cho quân nhân Hoa Kỳ trong các đơn vị chiến đấu. Tôi mừng rỡ kêu lên,
“A, nhờ hai cô mót tè mà anh và thằng Sang có được hai điếu thuốc lá Pall Mall Phải Anh Là Lính Mời Anh Lên Lầu không có đầu lọc. Nhưng hai chị em đừng để mất mặt mình nghen.”
-“Đáng lẽ không nên xin, nhưng thấy chồng thẫn thờ nhớ thuốc lá tội nghiệp quá em không đành,” Quỳnh Châu nắm tay tôi.
-“Cám ơn cô vợ dễ thương. Lâu rồi, từ thuở đi bụi đời sống lây lất trong Đại học xá Minh Mạng, đến kỳ đi giang hồ xa này anh mới bị tật nghiện thuốc lá hành hạ trở lại. Dạo đó, cứ gần cuối tháng chưa kịp lãnh lương dạy học là đời anh khổn khổ te tua vì hết tiền mua thuốc lá. Vì vậy trong những lúc nhâm nhi cà-phê đá của cái quán cóc lề đường ở Ngã Sáu Chợ Lớn, lũ bạn hay chọc quê anh bằng câu chuyện này,
Có một chàng tên là Bần mặt mày sáng sủa dễ coi nhưng lại nghèo kiết xác và mang tật nghiện thuốc lá. Khi túi tiền cạn khô, Bần bèn ca một đường,
Bạn vàng ơi hỡi bạn vàng,
Không tiền mua thuốc lượm tàn hút chơi.
Vào cái thời không ai hút thuốc lá có đầu lọc, tàn thuốc liệng đi vẫn còn một phần thuốc lá trong đó. Bần không những không vứt bỏ tàn thuốc mà khi túng tiền và cơn ghiền nổi lên, đi lượm tàn thuốc cũ đem về quấn lại hút.
Cứ ba tàn thuốc, Bần quấn lại thành một điếu thuốc mới. Một hôm Bần có 10 cái tàn thuốc, hỏi chàng ta có thể hút được bao nhiêu điếu?
Bình mỉm cười khoa tay,
-“Em biết ngay mà, chuyện ghiền thuốc là câu đố dzui để chọc của ông anh… hết thuốc chữa! Này nghen, lúc đầu chàng Bần lấy chín cái tàn, quấn được ba điếu thuốc, và còn dư một cái tàn. Sau khi hút xong ba điếu quấn được, Bần có thêm ba cái tàn mới, cộng thêm cái tàn cũ là bốn. Quấn được điếu thứ tư và hút xong, Bần còn lại hai cái tàn. Vậy hút tất cả bốn điếu, phải không?”
-“Bần ta thông minh hơn mày nghĩ. Với hai cái tàn thuốc còn lại, Bần hỏi ‘mượn’ cái tàn thuốc của bạn, quấn được điếu thứ năm, và hút xong đem trả lại bạn cái tàn cuối cùng. Bạn của Bần có mất mát gì đâu! Tóm lại là năm điếu.”
-“Sao chàng Bần nghe ra y hịch (y hệt) ôông dôông tui vậy cà,” Quỳnh Châu cười khanh khách.
Sau hơn hai ngày hải hành, Green Wave tiến vào hải cảng Apra ở mé Tây đảo Guam khi bình minh đang lên. Mặt trời ló lên ở cuối chân trời và chiếu ánh nắng ban mai lên vách núi đá thẳng đứng màu trắng ngà, tạo thành một trường thành rực rỡ giữa trời xanh núi thẫm và nước biếc. Tôi cùng Quỳnh Châu và các em lên boong dựa mạn tàu chiêm ngưỡng bức tranh cảnh tuyệt vời và xem tàu cặp bến. Khi chúng tôi trở lại chỗ cũ để lấy túi xắc và chuẩn bị xuống tàu, gia đình bác Cẩn đã ra đi từ lúc nào. Tôi gượng gạo biện hộ cho bác,
-“Có lẽ vì lý do an ninh, người ta mời bác là sĩ quan cấp tướng rời tàu trước tiên nên bác không thể đợi hay từ giã bọn mình. Nhưng thôi, anh em mình cứ tà tà, bon chen làm chi cho mệt xác.”
Chúng tôi theo dòng người lếch thếch xuống tàu, sắp hàng trên bến, nhích từng bước vào cái kho quân nhu trống tông hốc, và điền mẫu ghi danh tỵ nạn với nhân viên thiện nguyện hội Hồng thập tự trước khi lên xe buýt chạy gần hai cây số vào “Thành phố Lều” ở mũi Orote (Orote Point). Ngoài mẫu chung khai tên họ và ngày sinh của mọi người trong gia đình, chúng tôi điền mẫu riêng rẽ trả lời năm, sáu câu hỏi về tình trạng sức khỏe tổng quát của mình. Đọc tờ khai của Quỳnh Châu, cô y tá quan tâm,
-“Bà bị bón bao lâu rồi?”
-“Vào khoảng hai tuần, hay hơn nữa,” Quỳnh Châu tính từ ngày rời khỏi nhà Sài Gòn.
-“Bị bón đến hai tuần lễ! Bác sĩ ơi, lại đây mau lên,” cô y tá hô hoán.
Mấy phút sau, xe cứu thương nhà binh chớp đèn hụ còi chạy tới, hai người lính quân y khiêng băng-ca bước xuống, và cô y tá ra hiệu cho Quỳnh Châu nằm lên. Tôi hoảng hồn vội vàng kêu Bình theo xe cứu thương giúp Quỳnh Châu. Vị bác sĩ già bước lại gần tôi,
-“Bà nhà bị táo bón rất nặng, tôi cần gửi bà sang bệnh xá để quan sát.”
-“Chúng tôi không có thức ăn gần hai tuần nay, vợ tôi không bài tiết vì không có gì trong bụng,” tôi lo lắng cãi.
-“Tôi cũng nghĩ thế, nhưng cẩn thận vẫn hơn. Ông đừng lo, người ta sẽ đưa bà về trại với ông ngay sau khi biết chắc bà không sao. Chào mừng ông đến Hiệp chúng quốc Hoa kỳ, và chúc may mắn,” bác sĩ bắt tay tôi.
Bàn tay chào đón và cử chỉ thân thiện của bác sĩ khiến tôi xúc động. Hôm nay là ngày thứ mười ba từ khi tôi vĩnh biệt cha mẹ và rời bỏ quê hương. Số phận đẩy đưa qua nhiều cảnh huống buồn vui, giờ đây tôi đặt chân lên vùng đất lạ. Nơi này, người ta đón nhận tôi với tấm lòng rộng mở. Cám ơn Trời Phật, cám ơn đời, và cám ơn người.
CÒN TIẾP
https://saigonnhonews.com/nhin-lai-lich-su
Không có nhận xét nào