Nguyễn Ngọc Hoa/SGN
Lễ bàn giao giữa Tổng thống Xxxx Hoan và Tướng Yyyy Man diễn ra tại phòng Khánh tiết Dinh Độc lập vào lúc 4 giờ 45 chiều ngày 28 Tháng Tư với sự hiện diện của khoảng 200 người gồm đại diện Thượng và Hạ nghị viện, Tối cao Pháp viện, và Giám sát viện và một số tổng bộ trưởng trong chính phủ tạm quyền. Đài Phát thanh Sài Gòn trực tiếp truyền thanh buổi lễ, phóng viên đài tường thuật,
Thưa quý thính giả, vào lúc này thì bên ngoài Dinh Độc lập, chúng tôi nhận thấy trời đã bắt đầu mưa nhỏ và Sài Gòn đang trải qua một buổi chiều u ám như hoàn cảnh hiện tại của đất nước…
Sau khi nhậm chức, Tướng Man vừa về đến nhà riêng trên đường Trần Quý Cáp, một toán gồm ba chiếc khu trục cơ A-37 do một tên Việt Cộng nằm vùng trong Không quân dẫn đầu từ Phan Rang bay vào giội bom phi trường Tân Sơn Nhứt. (Ba tuần trước, viên phi công phản phúc này đã lái phi cơ oanh tạc Dinh Độc Lập rồi bay ra với Việt Cộng.) Ngay lúc bom vừa nổ rền, chiếc taxi chở vợ chồng tôi và thằng Sang tới ngang hông Dinh Độc lập phía đường Hồng Thập Tự.
Từ bốn phương súng phòng không bắn lên nghe lốp bốp, chúng tôi sợ chết điếng người, tưởng Dinh Độc lập bị tấn công. Thằng Sang ngồi băng ghế trước vội vàng mở cặp rút ra mấy tờ bạc năm trăm – hơn mười lần giá cuốc xe, giúi cho bác tài xế và bảo cứ tiếp tục chạy tới trại Sĩ quan Cửu Long ở Thị Nghè.
Nhà Thiếu tá Khôi trong trại là nơi tôi hẹn gặp thằng Thống. Ba em Bình, Lâm, và Trọng lên taxi đi trước chúng tôi mấy phút cũng đi tới đó. Xe vừa tới cổng trại, lực lượng phòng thủ báo động, kéo vòng rào kẽm gai và ngựa sắt đóng cổng, và chĩa súng ống ra ngoài. Tôi xuống xe nhìn quanh và la thất thanh, “Bình ơi, tới chưa?” Không nói không rằng, thằng Sang kéo tay tôi và Quỳnh Châu chạy băng qua cổng. Chậm nửa giây là bị chặn lại không cho vào.
Tiếng súng nổ ran khắp nơi, ba đứa chạy lom khom tìm nhà Thiếu tá Khôi. Hú hồn, Bình và hai em đã tới và ngồi chờ trước hàng hiên nhà kế cận! Tôi bấm chuông gọi cửa, và một sĩ quan Hải quân trạc hơn ba mươi tuổi dáng người nho nhã ra mở. Anh bước hẳn ra ngoài, khép cửa lại thật nhanh, và hất hàm chờ đợi. Tôi mở lời.
-“Thưa có phải là anh Khôi? Tôi là bạn của Thống dạy trường Hóa học trong Phú Thọ, Thống em anh Nghiêm.”
-“Chính tôi, nhưng tôi không quen ai tên Thống và không có gì để giao dịch với anh,” anh biết tôi sẽ đến và đã liệu cách đối đãi.
-“Thống nói Hải quân cho phép gia đình lên tàu di tản, mong anh nghĩ tình anh Nghiêm và Thống mà giúp đỡ… Chúng tôi không bao giờ dám quên ơn,” tôi năn nỉ.
-“Tôi là quân nhân, không làm chuyện phạm pháp,” anh bước vào nhà và đóng cửa lại.
Anh Khôi còn độc thân và sống với mẹ và em gái, nhưng tôi thấy nhà sau lúc nhúc người. Tôi quay lưng đi và thoáng thấy anh chị Nghiêm đứng sau cửa sổ hé màn nhìn theo. Đài phát thanh loan báo lệnh giới nghiêm “hăm bốn trên hăm bốn” (24/24) cấm dân chúng ra đường, và trại Cửu Long nội bất xuất ngoại bất nhập. Tôi nhờ Quỳnh Châu và Bình kiếm chỗ tạm trú qua đêm và dặn nếu bị hỏi, nói chúng tôi ở Thủ Đức chạy giặc về Sài Gòn tìm bà con nhưng không gặp và lạc vào đây. Hai cô tìm được chỗ ngủ ở một nhà gần đó. Chị chủ nhà người Nam khoảng ba mươi tuổi có hai đứa con nhỏ, chồng là đại úy Hải quân đang đi công tác xa; chị niềm nở,
-“Mấy cô chú ở lại đêm nay với tui rồi mai hết giới nghiêm đi tìm bà con. Nhà có căn gác xép chồng tôi dùng làm nơi chứa đồ nhà binh hầm bà lằng của ảnh, các cô chú ngủ tạm dưới sàn nghen.”
Chị chủ nhà nấu cơm cho chúng tôi ăn. Tôi vừa ăn vừa coi ti-vi phát hình lễ bàn giao hồi chiều tại Dinh Độc lập và ngáp dài khi nghe Tướng Man đọc diễn văn nhậm chức,
Chúng tôi đã chủ trương hòa giải với đối phương, không lý do nào chúng tôi không hòa giải được với anh em một nhà…
Sau một ngày căng thẳng mệt nhọc, đặt lưng xuống sàn là tôi ngủ say như chết. Vào khoảng hai giờ sáng, tôi giật mình nhổm dậy; đèn đuốc sáng rực rọi thẳng vào mặt, súng lên đạn lách cách gí vào ngực. Có tiếng hô lớn,
-“Đưa tay lên, không được cầm súng!”
Còn quáng mắt nhưng tôi thấy hai khẩu tiểu liên cùng với nhiều băng đạn nằm la liệt trên kệ gỗ thấp gắn vào vách tường phía đầu nằm mà đầu hôm tôi vô tình không để ý; tất cả đều trong tầm tay tôi. Thằng Sang tỉnh ngủ sớm nhất và hốt hoảng,
-“Không phải súng của chúng tôi. Đừng bắn, đừng bắn!”
-“Súng đạn trên gác của anh Quy chồng tôi,” từ dưới nhà chị chủ nhà lên tiếng xác nhận.
Sau khi xem xét giấy tờ tùy thân của chúng tôi, viên trung úy trưởng toán an ninh thở ra nhẹ nhõm và dịu giọng, nhưng vẫn giữ lại giấy tờ,
-“Chúng tôi được lệnh đưa các người về Bộ Tư lệnh để thẩm vấn.”
-“Tại sao vậy? Chúng tôi có làm gì trái luật đâu,” tôi cố cãi.
-“Đây là căn cứ Hải quân, các người xâm nhập trái phép và cư ngụ bất hợp pháp,” anh ta trả lời cụt ngủn.
Chiếc giang thuyền áp giải chúng tôi cùng một số người khác về Bộ Tư lệnh Hải quân chạy ngang qua sông Sài Gòn dưới bầu trời không trăng sao. Nơi tạm giữ những kẻ “cư ngụ bất hợp pháp” là căn phòng lớn kê nhiều giường bố; đó là chỗ ngủ của quân nhân trực đêm hay bị cắm trại. Chúng tôi không bị canh giữ, được phép ăn cơm ở nhà bàn bên cạnh, và có thể đi lại trong khu phòng ngủ và nhà bàn.
Tôi chờ đến gần trưa, không thấy ai đá động đến mình, và liên tiếp xin gặp sĩ quan trực để được giải quyết, nhưng bị từ chối. Đài phát thanh phát ra lời tuyên bố của Thủ tướng Zzzz Miễu vừa được bổ nhiệm chiều hôm trước kêu gọi “người anh em bên kia chấp nhận hòa giải dân tộc” và đòi hỏi “Mỹ rút khỏi Nam Việt nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ.”
Tiếng súng nổ rất gần, có lẽ Cộng quân đã vào thành phố. Vào khoảng hai giờ chiều, quân nhân xôn xao bàn tán, “Hải quân công bố lệnh di tản và ra lệnh giải tán bộ Tư lệnh,” và những người bị tạm giữ khác đều được quân nhân Hải quân đến lãnh ra.
Khoảng bốn giờ chiều, đạn pháo kích rót vào mấy dãy nhà kế cận, và trong phòng chỉ còn lại gia đình tôi. Tôi rợn người nghĩ tới lúc Việt Cộng vào đây và bắt gặp sáu tên “Ngụy quân” mặc thường phục nhởn nhơ trong Bộ Tư lệnh Hải quân. Đằng nào cũng chết, tôi liều mạng bước ra sân đứng dưới cột cờ và đưa tay lên cao dõng dạc la lớn,
-“Tôi là giáo sư đại học, công chức chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, và có ngạch trật ngang hàng với trung tá. Tôi không làm gì phạm pháp mà bị các anh bắt giữ rồi không ngó ngàng đến. Việt Cộng còn được thủ tướng chính phủ gọi là ‘người anh em bên kia,’ trong khi người quốc gia chân chính như tôi bị các anh đối xử vô trách nhiệm như thế này. Các anh hèn nhát lo chạy trốn và không xứng đáng với châm ngôn ‘Tổ quốc – Đại dương’!” và tôi vểnh mặt thách thức, “Các anh ngon bắn tôi đi! Việt Cộng vào nó giết tôi cũng vậy thôi.”
Một sĩ quan đội mũ lưỡi trai (hay kết, do tiếng Pháp casquette) kéo sụp vành che gần nửa mặt tới gần tôi, “Mời thầy vào gặp thiếu tá Quyền Tham mưu trưởng.” Viên thiếu tá trẻ tuổi ngồi sau chiếc bàn giấy lớn đứng dậy và trả lại xấp giấy tờ tùy thân,
-“Rất tiếc vị sĩ quan có nhiệm vụ điều tra hôm nay ‘đi vắng’ nên anh và gia đình bị giữ lại lâu, ngoài ý muốn của chúng tôi. Bây giờ quý vị tự do rời khỏi đây; thiếu úy Cường đưa quý vị ra.”
-“Thầy nhớ em không? Em học Vật lý đệ tam (lớp 10) với thầy ở trường Thánh Thomas trên đường Trương Minh Ký,” anh thiếu úy dở kết nhìn tôi cười.
-“Anh nghịch phá nhất lớp, sao không nhớ? Dạo đó, tôi là sinh viên năm thứ hai, đi dạy học lần đầu, và bị các anh chọc phá te tua luôn,” tôi nhận ra Cường từ lúc nãy.
-“Em thấy thầy hồi trưa, nhưng lon nhỏ quá nên không dám hó hé – cho đến khi thầy lên tiếng làm dữ. Phải công nhận thầy gan cùng mình.”
Cường tiễn tôi ra cổng với một bịch nylon đựng cơm trắng,
-“Xin biếu thầy bịch cơm, thầy và gia đình sẽ cần tới trên đường di tản.”
-“Ô, Hải quân có khác, lo bỏ chạy quên ôm theo ti-vi,” tôi mỉa mai chỉ chiếc ti-vi để giữa cổng ra vào mở lên nhưng không có hình.
-“Dạ Bộ Tư lệnh để chiếc ti-vi ra đó cho lính coi buổi tối ông Thiện đọc diễn văn từ chức tổng thống, giờ không biết của ai để trả lại,” Cường thẹn thùng giải thích rồi chỉ tay sang bên kia đường Bến Bạch Đằng, “Thầy qua khỏi cổng Hải quân Công xưởng vào bên trong sẽ thấy có một số chiến hạm; chiếc nào có người là tàu sắp đi.”
Ra tới đường, tôi phân vân chưa biết phải làm gì thì Bình reo lên,
-“Nhà con Phượng bạn Gia Long của em kia kìa. Hồi đó con nhỏ ưa kêu em lại nhà chơi, nhưng dặn phải nhờ ông anh chở tới,” và quay sang cười với Quỳnh Châu, “Nó mết anh Ba Hoa mà ông giáo sư làm phách không để ý đến con gái cưng ông tướng hai quần.”
-“Vậy mình qua nhà cổ để ôông dôông gặp lại người yêu bé bỏng hí,” Quỳnh Châu nheo mắt nhìn tôi cười.
-“Cô vợ dễ thương cứ phát ngôn bừa bãi đi. Nhưng qua đó rồi sẽ tính,” tôi gật đầu.
Phượng là con một vị tướng cầm đầu Hải quân, nhà ngay cạnh Bộ Tư lệnh. Người nhà Phượng lễ phép tiếp chúng tôi, cho biết cô và gia đình mới “đi xa,” cho phép chúng tôi ngồi nghỉ trước hiên nhà, và thỉnh thoảng mang ra mời khách một bình nước lọc để lạnh. Tôi khát khô cổ, uống nước vào bao nhiêu, đổ mồ hôi ra bấy nhiêu khiến áo sơ-mi ướt đẫm dán vào lưng. Cổng Hải quân Công xưởng cách xa không tới bốn chục thước, lính gác võ trang triệt để như sắp lâm trận. Suy tính nát nước, tôi thấy chỉ có mỗi một con đường – một liều ba bảy cũng liều – và lấy số tiền lớn mẹ cho, chia làm hai, và giao cho thằng Sang một nửa,
-“Anh lo chị Châu và thằng út Trọng, mày chăm con Bình và thằng Lâm. Khi Việt Cộng đánh tới và anh hô ‘Chạy,’ mày kéo hai đứa chạy ào vào cổng. Ném hết tiền cho lính gác, may ra nó tham tiền và thương tình không bắn mình. Không được ngó lui hay chờ ai hết. Nếu số mình chết bữa nay, hẹn kiếp sau anh em gặp lại nhau.”
Nhưng Trời thương không bắt chúng tôi trải qua tình cảnh bi thảm này. Khoảng năm giờ chiều, vòng rào kẽm gai ở đầu đường mở ra cho khoảng ba chục người mang hành lý nhẹ lục tục đi vào. Vị sĩ quan đi đầu mặc quân phục Hải quân màu ka-ki với cổ áo gắn ngôi sao bạc và ngẩn ngơ như người mất hồn; tôi khều thằng Sang,
-“Ai như cha Sơ tướng Hải quân bạn cờ bạc của cha ở ngoài Nha Trang? Hắn đem cả bầu đoàn thê tử, chắc chắn là đi rồi.”
-“Đúng rồi, hắn chứ ai! Nhào dzô nhanh lên.”
Thằng Sang lẹ làng kéo chúng tôi nhập bọn với đoàn tùy tùng ông tướng, đi vào cổng trót lọt, và không bị ai xét hỏi. Nhớ lời chỉ dẫn của Cường, tôi tìm tàu có người, nhưng không thấy bóng dáng người nào trên các chiến hạm lớn nhỏ đậu dọc theo quân cảng, không biết rằng gia đình Hải quân lên tàu từ đêm trước và đang nấp dưới hầm tàu. Khi Mặt trời xuống thấp, chúng tôi thấy có người leo lên chiếc HQ-xyz thả neo gần chỗ đang đứng và leo lên theo. Sau đó người ta lên tàu càng lúc càng đông. Vậy là chúng tôi lên được tàu Hải quân để đi!
Chiều hôm qua, thằng Thống và Diễm Sương vừa tới trại Cửu long, cổng cũng vừa đóng lại. Chỉ chậm chân không tới một giây, hai người kẹt lại Sài Gòn và phải sống với Việt Cộng năm năm trước khi vượt biên ra khỏi nước. Trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ vừa qua, sự việc xảy đến với tôi hết sức bất ngờ và mang theo những tích tắc đòng đưa trước mặt thần chết, và tôi không buông xuôi cho số phận đẩy đưa mà chiến đấu tới cùng. Nhờ vận đỏ, trồng lau hóa mía, tôi có thể tự hào,
Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều
(Nguyễn Du – Truyện Kiều)
Không có nhận xét nào