CHUỘT CHŨI NGỦ VÙI ĐẤT LẠ
Tối thứ Hai 21 tháng Tư, gia đình tôi xúm xít trước chiếc ti-vi đen trắng trong căn phòng trên lầu nhìn ra bao lơn, dán mắt vào màn ảnh, và xem trực tiếp truyền hình bác Thiện đọc diễn văn tại Dinh Độc Lập. Trong gần hai tiếng đồng hồ, với lời lẽ bình dân không chải chuốt, bác kể ra những khó khăn của VNCH khi Hoa kỳ dửng dưng trước việc Cộng sản xé nát Hiệp định Paris, cắt giảm quân viện tối đa, và để mặc VNCH chiến đấu vô vọng. Cuối bài diễn văn, bác nghẹn ngào,
Trước quý vị lưỡng viện Quốc hội, trước Tối cao Pháp viện, trước chính phủ, trước đồng bào, trước anh chị em chiến sĩ cán bộ toàn quốc, tôi tuyên bố từ chức Tổng thống. Và theo điều 55 của Hiến pháp, Phó Tổng thống Xxxx Hoan sẽ đảm nhận chức vụ Tổng thống… Xin quý vị chấp nhận lời yêu cầu của tôi để cho Phó Tổng thống Hoan chút nữa sẽ làm lệ tuyên thệ nhậm chức ngay tại cái văn phòng này.
Cha giậm chân lên sàn nhà vừa khóc vừa la lớn,
-“Giữ thằng Thiện lại, đừng để hắn xuống. Chao ôi, miền Nam này mất rồi, còn chi nữa mà mong!”
Tôi nghe kể cha tốt nghiệp trường Võ bị Liên quân Đà Lạt vài ngày sau khi thằng Sang em kế tôi ra đời, một thời gian sau được thăng chức và đổi về làm tiểu đoàn phó cho bác Thiện, và đem lòng kính phục vị chỉ huy cùng trang lứa. Sau hiệp định Genève 1954, đơn vị của bác và cha có nhiệm vụ tiếp thu tỉnh Phú Yên mà tỉnh lỵ bấy giờ là Sông Cầu. Trước đó Phú Yên thuộc Liên khu 5 của Việt Minh, liên khu này gồm bốn tỉnh Nam-Ngãi-Bình-Phú (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, và Phú Yên).
Hai chàng sĩ quan trẻ tuổi của Quân đội Quốc gia Việt Nam đã châu đầu thảo luận và bàn bạc kế sách bảo vệ tỉnh nhà; do đó giữa thập niên 1960, bác giao cho cha chức vụ cầm đầu tỉnh Phú Yên mà tỉnh lỵ nay là Tuy Hòa. Trong hơn năm năm giữ chức, cha khai thông và giữ vững đèo Cả ở biên giới Phú Yên và Khánh Hòa, cuống họng của miền Duyên hải, và giúp duy trì an ninh và phát triển kinh tế miền này. Bác Thiện thỉnh thoảng bay ra Tuy Hòa kinh lý và thăm viếng các tiền đồn xa; buổi tiệc khoản đãi bác phải có tôm hùm Sông Cầu, nhưng bác chỉ ăn đầu tôm hùm và chừa lại phần đuôi.
Hôm sau, tôi chạy xe loanh quanh thấy nhiều người đổ xô về những đường phố có cơ quan dân sự Hoa Kỳ. Đông đảo nhưng không ồn ào, họ đến các cơ quan đó với vẻ mặt bơ phờ như người mất hồn, mang theo rất ít hành lý, nói chuyện thì thầm, và hay nhớn nhác nhìn quanh. Già trẻ lớn bé xuống xe gần cổng, đợi nhau và tụ thành từng nhóm, và cùng đi vào rất vội vã. Thỉnh thoảng một chiếc xe buýt chở đầy người lăn bánh ra khỏi cổng và chạy vụt về hướng phi trường Tân Sơn Nhứt. Hành khách trên xe không ai khác hơn những nhân viên sở Mỹ và thân nhân họ hàng vừa vào trong: Họ được chính phủ Hoa kỳ di tản.
Sáng thứ Tư, tôi và Quỳnh Châu về nhà ba má nàng để gặp và chia tay với chị Quỳnh Dung và em Bằng. Anh Như chồng chị Quỳnh Dung có cô em họ là nhân viên ngân hàng First National City Bank của Hoa Kỳ và điều đình nhờ vả sao đó để cô em họ gộp thêm Bằng và gia đình nội ngoại của anh vào danh sách thân nhân được bốc đi. Tôi thắc mắc với Quỳnh Châu,
-“Sao ba má không nhân dịp này đi với gia đình chị Dung?”
-“Ba má nói còn chút xíu hy vọng phần còn lại của miền Nam sẽ thành quốc gia trung lập. Trì lại ngày nào hay ngày nấy; tài sản và nhà cửa xây đắp mấy chục năm, một sớm một chiều bỏ đi không đành lòng.”
-“Người đi được thì không đi, trong khi mình không có cách nào thoát khỏi cuộc tắm máu (blood bath) cuối cùng,” tôi than thở.
Như để trả lời tôi, Quỳnh Châu mở ví lấy ra cuốn sách nhỏ bằng tiếng Anh nhan đề Chỉ nam Căn bản cho Nhân viên Dân sự trong Trường hợp Khẩn cấp do Tòa Đại sứ Hoa kỳ phân phát cho người Mỹ để giúp họ chuẩn bị di tản. Cuốn chỉ nam có bản đồ chỉ rõ các địa điểm tập hợp để phi cơ trực thăng đón, và kẹp thêm vào tờ thông tri ghi,
Khi lệnh di tản ban hành, đài Phát thanh Quân đội Hoa kỳ sẽ phát mật hiệu: “Hôm nay Sài Gòn nóng 105 độ [Fahrenheit], và nhiệt độ càng lúc càng lên cao.” Sau đó, đài phát thanh sẽ liên tục đánh bài “I’m Dreaming of a White Christmas” (Tôi mơ Giáng sinh tuyết trắng).
Quỳnh Châu giải thích,
-“Thực ra, đó là câu đầu tiên trong bài hát ‘White Christmas’ (Giáng sinh tuyết trắng) của Bing Crosby, ca sĩ và tài tử điện ảnh nổi tiếng hàng đầu bên Mỹ. Trong mấy năm ở bên đó, mùa Giáng sinh nào em cũng nghe hát cả trăm lần,
I’m dreaming of a white Christmas
Just like the ones I used to know
Where the treetops glisten and children listen
To hear sleigh bells in the snow.”
______
Tôi mơ Giáng sinh tuyết trắng
Giống hệt những Giáng sinh ngày trước
Khi những ngọn cây lấp lánh và trẻ em lắng nghe
Để nghe tiếng chuông xe trượt tuyết [của ông già Nô-en] trong trời tuyết.
______
-“Báo tin thời tiết mùa hè nóng trên 40 độ (Celsius) mà lại đánh bài ‘Giáng sinh tuyết trắng,’ thật ngược đời,” tôi lắc đầu cười khan.
-“Hay là chồng coi tìm bãi đáp trực thăng gần nhà mình nhất, và cô vợ dễ thương sẽ nghe ra-đi-ô đón chờ hiệu lệnh – biết đâu là sẽ con đường sống khi cùng kế?” nàng biết tôi sẽ không phản đối.
*****
Sáng thứ Năm tôi chạy xe đi từ nhà theo đường Lý Thái Tổ định sang Đại học Khoa học Sài Gòn gặp thầy Phong. Tôi gần đến bùng binh Ngã Bảy Sài Gòn, bỗng nhiên một chiếc xe gắn máy khác chạy kèm bên cạnh, và người kia la lớn bằng giọng “Nẫu” Phú Yên,
-“Anh Ba nhớ tôi không?”
-“Không, anh là sinh viên học với tôi ở trường nào?” tôi vờ không nhận ra.
-“Anh Ba ghé lại chỗ nào ngồi nói chuyện đi.”
Tôi nhìn quanh thật nhanh; trước sau và hai bên đều có xe gắn máy vây tôi vào giữa. Tôi nói lớn, “Vào tiệm chè Hiển Khánh ở đầu đường Phan Đình Phùng cũng được.” Người giọng “Nẫu” vào tiệm với tôi, ba người kia đứng ngoài đường hút thuốc lá. Anh ta trông nhỏ tuổi hơn tôi, dáng người nhỏ thó mà chắc chắn, mặt mày đen đúa, và cặp mắt láo liên; anh ta tự giới thiệu,
-“Hồi đó tôi là thiếu úy Khải làm việc ở tiểu khu Phú Yên dưới quyền ông ba anh.”
-“À anh Khải, hèn chi tôi thấy ngờ ngợ,” tôi đã nhận ra anh ta lúc nãy; Khải người Đồng Xuân miền núi của Phú Yên là Việt Cộng nằm vùng, tình nguyện đi học sĩ quan Thủ Đức, về Tuy Hòa phục vụ trong ban 2 (Tình báo) của tiểu khu, và sau Tết Mậu Thân (1968) nhảy núi luôn.
-“Bây giờ không phải lúc để nói chuyện xưa. Nẫu sai tôi tới đề nghị với anh một chuyện rất quan trọng.”
“Nẫu” là đại danh từ dùng rộng rãi của vùng Phú Yên – Bình Định để chỉ người ấy, bọn họ, hay người ta. Khải đằng hắng rồi vào đề,
-“Chúng tôi điều tra biết rõ anh muốn ra khỏi Sài Gòn nên muốn giúp anh.”
-“Vậy sao?” tôi nhột dạ nghi ngại.
-“Dễ ợt hà. Anh cứ sinh hoạt như thường cho đến giờ cuối cùng trước khi ‘quân đội nhân dân’ vào ‘tiếp quản’ – không lâu nữa đâu. Chúng tôi hứa lúc đó sẽ cung cấp phương tiện cho anh và gia đình lên máy bay hoặc tàu biển đi ra nước ngoài sinh sống,” Khải cười để lộ hàm răng ám khói vàng khè.
Khải lấy trong túi ra một tấm hình màu bằng nửa bàn tay đưa cho tôi. Tôi nhận ra thiếu nữ xinh xắn tóc dài, mặt trái xoan, và hàm răng hột bắp trong hình, nhưng làm bộ không biết,
-“Cô này là ai, và tại sao?”
-“Để đền đáp lại công ơn to tát của ‘cách mạng,’ anh phải đưa cổ theo qua bên Mỹ và nhận cổ là vợ anh Sang, tức là em dâu anh. Đương nhiên cổ vĩnh viễn là người thân trong gia đình.”
-“Cô này đẹp thực, nhưng em tôi là đứa cứng đầu đời nào chịu bị ép uổng ngang xương như vậy?” tôi thoái thác.
-“Cổ tên là Thanh Thái trước học cùng lớp với anh Sang ở Tuy Hòa, và hai bên phải lòng nhau. Chuyện giữa hai người anh khỏi lo, nẫu sẽ dàn xếp và lo liệu. Cái gì nẫu cũng biết, cũng làm được, sá chi chuyện nhỏ tí teo đó. Nhưng khoan nói cho anh Sang hay ai khác biết nghen.”
Bọn Việt Cộng âm mưu lợi dụng tôi để gài đặc công ẩn tàng ở ngoại quốc và biến gia đình tôi thành đồng lõa với bọn chúng. Với giọng trịch thượng phách lối của một kẻ thắng trận, Khải chỉ tay vào tấm hình,
-“Thanh Thái có lai lịch rất lớn, anh biết cổ ngó giống ai không? Ngày xưa thằng cha Thiện đánh thuê cho Tây ở Sông Cầu, tư tình bậy bạ sinh ra cổ rồi sau đó bị điều ra Bắc, và chuồn mất đất không dzìa. Con gái nẫu đó!”
-“Tôi chưa hề nghe chuyện này,” tôi hoài nghi.
-“Mỗi lần ra Tuy Hòa, nẫu nói đi kinh lý mà thật ra bí mật đi thăm con gái, cho quà cáp và tiền bạc tùm lum. Hồi đó anh không chịu lấy con gái nẫu làm ông cha anh hụt làm sui gia, nay anh Sang làm rể nẫu, hai nhà đều dzui. Dẫy ngheng (thế nhé), anh chuẩn bị sẵn sàng cho tôi,” anh ta đứng dậy, tin tưởng miếng mồi đi ngoại quốc ngon lành sẽ khiến tôi mờ mắt lăn xả vào chiếc bẫy không ngụy trang.
Sau bữa cơm tối, tôi rủ Quỳnh Châu đi hóng mát quanh cư xá và kể nàng nghe cuộc gặp gỡ hồi sáng; nàng lo lắng,
-“Nghe kể mà em bắt rởn ốc; họ sẽ ác ôn dùng cha làm phương tiện gần gũi và hãm hại ông Thiện. Chồng nghĩ Thanh Thái thực là con ổng?”
-“Mùa hè năm 1967, về nhà nghỉ anh đã nghe lời đồn bác Thiện có nửa tá con rơi ngoài Sông Cầu và cha thì con rớt đùm đề ở Tuy Hòa. Toàn tin ba láp do Việt Cộng phao lên để bôi nhọ uy tín giới lãnh đạo bên mình. Không thể có chuyện bác Thiện bí mật thăm con gái, một trăm phần trăm cô ấy là con người khác.”
-“Sao chồng rành sáu câu quá dzậy, bộ có tù ti tút tít bồ bịch với cổ hả?” Quỳnh Châu chun mũi hỏi đùa.
Tôi làm bộ bẹo mũi Quỳnh Châu,
-“Thằng Sang đưa anh đến nhà Thanh Thái chơi để khoe ta đây có số đào hoa. Nó lậm cô nàng mà còn nhát hít; nàng không chịu đèn nên cứ một hai đòi làm chị để chọc quê thằng nhỏ. So tuổi nàng sinh năm 1949, thằng Sang 1951, nghĩa là trước hai năm. Anh nhảy vô cứu bồ nói nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một, hai người rất tốt đôi. Nàng cãi không phải dẫy (như vậy). Nàng sinh đầu năm 1949, trước Tết ta nên thành tuổi Mậu Tý, tính ra trước tuổi Tân Mão của thằng Sang đến ba con giáp: Tý, Sửu, Dần, rồi mới tới Mão, hơn tới ba tuổi lận.”
-“Vậy là cổ cùng tuổi Tý với chồng. Nhưng Tý hay Sửu thì liên quan gì tới ổng?”
-“Sao lại không? Bác Thiện học trường Võ bị Quốc gia khóa 1 Phan Bội Châu ở Đập Đá ngoài Huế đến cuối Tháng Chín năm 1949 mới tốt nghiệp. Dù ông thiếu úy mới toanh được bổ nhiệm vào Sông Cầu và xáp lá cà với bà mẹ ngày đầu tiên, ông cũng không thể là cha của cô bé sinh ra chín tháng trước. Phương chi mãi đến năm 1954, năm năm sau, bác mới đến Sông Cầu.”
Chiều 28 Tháng Tư, vợ chồng tôi, thằng Sang, và ba em nhỏ rời nhà đến chỗ hẹn ra tàu Hải quân đi di tản và cuối cùng tới Hoa Kỳ. Sau khi chúng tôi định cư ở tiểu bang North Dakota khoảng sáu tháng, thằng Sang được tin Thanh Thái và gia đình chồng ra khỏi Việt Nam bằng thương thuyền Việt Nam Thương Tín, tàu rời bến ngay sau khi Tổng thống Yyyy Man tuyên bố hàng giặc vô điều kiện sáng ngày 30. Vợ chồng nàng định cư ở ngoại ô thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Thằng Sang băn khoăn không biết cô bạn cũ lấy chồng lúc nào, chồng nàng là ai, và tại sao nàng đi một mình, để lại bà mẹ và năm đứa em ở Tuy Hòa.
Tôi không mắc bẫy, nhưng Sài Gòn thiếu gì kẻ dễ bị dụ hoặc nên việc cấy Thanh Thái làm đặc công về lâu về dài trên đất Mỹ không thể gặp trở ngại. Giới tình báo Anh Mỹ gọi điệp viên như nàng – thâm nhập vào quốc gia khác và ngủ vùi không hoạt động cho đến nhiều năm sau cần tới mới gọi – là “mole” (con chuột chũi). Danh từ này do tiểu thuyết gia John Le Carré người Anh đưa ra đầu tiên năm 1974 trong cuốn truyện trinh thám Tinker, Tailor, Soldier, Spy. Tôi tin Thanh Thái chịu sai khiến để bảo toàn tính mạng cho mẹ và em nàng. Việt Cộng mà, chuyện gian ác nào mà bọn chúng chừa ra?
CÒN TIẾP
Không có nhận xét nào