Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Ngọc Hoa - Những tích tắc của số phận 4

    KHÔNG ĐỂ LẠI TIẾNG NHƠ


    Xuân Lộc là quận châu thành của tỉnh Long Khánh, cách xa Sài Gòn khoảng 80 cây số về phía Đông, và được thành lập sau Hiệp định Genève 1954 để làm nơi định cư của đồng bào miền Bắc di cư vào Nam.

    Nằm dọc theo Quốc lộ 1, quận trải dài từ Gia Rai dưới chân núi Chứa Chan đến ngã ba Dầu Giây là chỗ rẽ vào Quốc lộ 20 đi Đà Lạt, và là cửa ngõ và vị trí phòng thủ cuối cùng trước khi Cộng quân từ miền Trung tiến tới thủ đô. Ba mươi ngày sau cuộc tấn công Ban Mê Thuột, sáng mồng 9 Tháng Tư 1975, họ khởi sự tấn công Xuân Lộc bằng trận mưa pháo và đợt xe tăng xông vào trung tâm thị xã. Tuy nhiên, Sư đoàn XX Bộ binh và các chiến đoàn yểm trợ của quân lực VNCH đã chuẩn bị sẵn sàng. Họ anh dũng cầm cự, đẩy lui các đợt công kích dữ dội, và gây tổn thất nặng nề cho địch quân.

    Mặt trận Long Khánh đứng vững nhóm lên trong lòng mọi người một niềm phấn khởi. Một tin nức lòng khác đến với tôi: Người bạn tôi tin cậy và mến phục nhất thời học trường kỹ sư là thằng Lộc đã thoát khỏi Đà Lạt an toàn và đang ở đỡ nhà một người bà con bên vợ trên Thủ Đức. Trâm Anh vợ nó người Tuy Hòa, học Sư phạm Đại học Đà Lạt, và dạy trường nữ trung học Bùi Thị Xuân. Bác Hảo ba thằng Lộc là bạn thân của cha thuở còn để chỏm ngoài Quảng Bình và học cùng khóa sĩ quan Võ bị Liên quân Đà Lạt với cha khi xưa, nhưng bác còn tại ngũ. Gia đình thằng Lộc ở cạnh nhà chú Tôn bà con của tôi, hai bên là hàng xóm láng giềng từ hồi thằng Lộc còn nhỏ.

    Sáng Chủ Nhật giữa tháng Tư, tôi chạy xe lên Thủ Đức gặp bạn. Chỉ mới không gặp nó hai tháng mà tôi cảm thấy như đã lâu lắm. Tôi bắt tay nó và phát ngôn thật vô duyên,

    -“Ồ, mày còn sống về tới Sài Gòn…”

    -“Về tới Sài Gòn, đúng! Nhưng còn sống, chưa chắc!” thằng Lộc chua chát trả lời và chậm rãi thuật lại tình thế Đà Lạt trước khi nó trải qua cuộc hành trình gian nguy.

    Sau khi Ban Mê Thuột thất thủ và quân VNCH ở các tỉnh địa đầu bỏ chạy tán loạn, thành phố hiền hòa thơ mộng lên cơn sốt lo sợ; mức hốt hoảng vụt tăng lên cao khi Quốc lộ 20, phần lớn của con đường 300 cây số về Sài Gòn, bị cắt đứt ở Định Quán.

    Vào khoảng hai giờ chiều ngày 20 Tháng Ba, giáo chức và học sinh trung tâm Giáo dục Hùng Vương (trước là lycée Yersin) nhốn nháo và xao động khi một viên chức cao cấp nhất thành phố gửi quân nhân tới đón con về nhà một cách gấp rút. Mọi người tin chắc giới chức quân sự và hành chánh cao cấp đã gửi gia đình đi trước. Dân chúng đua nhau thu dọn nhà cửa để chạy bằng mọi phương tiện. Xe hàng, xe be (xe dùng chở gỗ súc nguyên thân cây dài còn vỏ từ rừng về), xe du lịch, xe lam ba bánh, và xe gắn máy. Tại trụ sở Hàng không Việt nam ở nhà ga xe lửa và phi trường Liên Khương, người người ra vào tấp nập và chen nhau mua vé máy bay nhưng vé đã hết sạch từ lúc nào.

    Chiều tối ngày mồng 1 Tháng Tư, các cơ sở hành chánh tỉnh, tiểu khu Tuyên Đức, và hai quân trường Võ bị Quốc gia và Chiến tranh Chính trị di tản theo Quốc lộ 11 qua Đơn Dương rồi xuống Phan Rang. Bảy giờ tối, lửa đỏ bốc cao ở Ty Dân vận Chiêu hồi trên đường Nguyễn Trường Tộ, phía sau Tòa Hành chánh tỉnh, và Ty Cảnh sát Quốc gia. Suốt đêm, gia đình thằng Lộc lo sợ không ngủ vì tiếng nổ vang rền liên hồi từ kho đạn ở Cam Ly và trường Võ bị Quốc gia. Giờ lâm chung của thành phố đã điểm.

    Nỗi phân vân – đi hay ở – nung nấu trong lòng bạn tôi. Nó là con lớn trong gia đình tám anh em, đứa nhỏ nhất lên bốn. Bác Hảo được gửi đi phòng ngự mặt trận Tuy Hòa, đơn vị bác mất tích mấy tuần trước, và gia đình Trâm Anh cũng kẹt ở đó. Bác gái nhất định không rời nhà khi chưa có tin của bác trai và sợ rằng bốn đứa nhỏ còn ở nhà, nếu ra đi sẽ không chịu nổi hiểm nguy bất trắc dọc đường.

    Cô em kế thằng Lộc là Thanh Xuân lấy chồng sĩ quan Hải quân đóng ở Nha Trang thì không có tin tức. Cô em kế nữa là Thanh Tâm lấy chồng kỹ sư phục vụ ở nhà máy thủy điện Đa Nhim ở Đơn Dương, nơi thằng Biên em thứ ba làm cán sự kỹ thuật. Không biết Thanh Tâm và thằng Biên sẽ di tản xuống Phan Rang cùng với những nhân viên khác của nhà máy hay trở về Đà Lạt với gia đình. Thằng Lộc bàn lui tính tới với mẹ và vợ một đêm rồi quyết định. Sáng mồng 2, thành phố trở thành vô chủ.

    Bằng một giọng đều đều, thằng Lộc kể lại,

    -“Nhờ sự can thiệp và dàn xếp của một thằng bạn, vợ chồng tao ôm hai thằng con trai, đứa lớn nhất lên ba, leo lên chuyến xe cuối cùng rời thị xã. Hành trang vỏn vẹn có chiếc va-li nhỏ đựng áo quần và vật dụng cần dùng cho hai thằng nhóc. Sau hơn một ngày trời ngồi co ro trên chiếc xe be đầy người lắc lư dằn xóc trên đường đèo sợ điếng hồn…

    Tụi tao tới Phan Rang, tạm trú trong nhà khách của ty điện lực, và chen chúc gần như muốn đánh nhau để mua vé xe đò đi Phan Thiết rồi đi Bình Tuy. Từ đó, giành giựt như ăn cướp để mua chỗ với giá cắt cổ trên chiếc thuyền nhỏ đi dọc theo bờ biển về Long Hải. Chặng cuối cùng là chuyến xe đò chặt cứng như nêm về Sài Gòn. Hơn mười ngày lang bạt đói khát tuyệt vọng và dở sống dở chết!”

    -“Mày vào Điện lực Việt nam trình diện chưa?” tôi hỏi cho có hỏi.

    -“Ngày nào tao cũng vào làm việc ở trụ sở trung ương, vào cho có vị chứ việc vàn có gì mà làm? Chỉ khổ là phải nghe thằng Ấn ba hoa một tấc lên tới trời, suốt ngày khoe đã có tuy-dô (tuyeau) đi Mỹ.”

    Thằng Ấn học cùng lớp với tôi ở Quốc Học Huế, thi đậu vào Cao đẳng Điện học cùng lúc với tôi, và ra trường làm việc ở Đa Nhim. Anh Bắc nó là giáo sư giảng nghiệm trưởng trông coi phần học vụ của Đại học Khoa học Đà Lạt; nếu bình thường thì khoảng thời gian này – tháng Tư – tôi lên đó dạy một tuần lễ và sẽ được anh tiếp đón và lo ăn ở. Tôi hỏi thăm,

    -“Thằng Ấn có tin tức anh nó không?”

    -“Viện Đại học Đà Lạt đã di tản về đây, và nhân viên giảng huấn như anh Bắc đến làm việc tại văn phòng Cao học Chánh trị Kinh doanh trên lầu hai thương xá Tax. Viện được Cơ quan Văn hóa Á châu cấp cho một ngân khoản lớn và yêu cầu sinh viên đến ghi tên tại văn phòng để được giúp đỡ.” Cơ quan Văn hóa Á châu là một cơ quan phát triển quốc tế bất vụ lợi với ngân sách do chính phủ Hoa kỳ đài thọ.

    “Tao đã lên Đà Lạt dạy và thấy các cha đối đãi với giáo sư và sinh viên như người thân trong một gia đình, thật đáng quý! À, mà mày có biết gia đình chú Tôn ra sao không?”

    Thằng Lộc buồn bã chép miệng,

    “Ngày mồng một, thằng Tài con trai lớn của ông bà Tôn tung tăng ra ngoài chợ Hòa Bình, huênh hoang rằng nay ta tự do, không còn sợ bị bắt vì trốn quân dịch. Chắc hẳn ông bà sẽ vui mừng đón họ về.”

    -“Mỗi người một hoàn cảnh, một lựa chọn, rồi phóng lao phải theo lao thôi. Có khác gì thằng bạn mày, được xã hội ưu đãi cho ăn sung mặc sướng và ăn học thành tài rồi đùng một cái sợ chết nhảy núi, giờ có con đường nào khác hơn là theo liếm gót thằng Việt Cộng?”

    -“Mày muốn nói thằng Liễn?” thằng Lộc biết ngay là ai.

    -“Còn ai trồng khoai đất này?”

    Thằng Liễn là bạn trung học Trần Hưng Đạo của thằng Lộc, tôi gặp nó trong những lần theo thằng Lộc lên Đà Lạt chơi. Thằng Liễn thân hình bé nhỏ, ăn mặc diêm dúa – áo quần lúc nào cũng đúng mốt (mode), và nói nhiều nhưng lại có duyên. Nó học triết ở Đại học Đà Lạt, gia đình làm chủ một khách sạn khá lớn ở đầu dốc đường Hai Bà Trưng lên phố. Tôi đến nhà nó một hai lần và gặp chồng của mẹ nó; hình như cha ruột nó là cán bộ Việt Minh đi tập kết từ lúc nó chưa ra đời.

    Thằng Liễn tốt nghiệp Cử nhân Giáo khoa Triết học chỉ trong ba năm và xuống ghi danh học cao học ở Đại học Văn khoa Sài Gòn. Tôi theo thằng Lộc đến thăm nó ở căn phòng trong chung cư Nguyễn Huệ, một nơi sang trọng ngay trung tâm thành phố, và nghe nó thao thao bàn luận về tình hình chính trị và một nhóm chính trị gia thiên Cộng tự nhận là “thành phần thứ ba.”

    Sau hai năm, nó soạn không xong tiểu luận cao học và bỏ dở, kỳ hạn hoãn dịch về lý do học vấn gần chấm dứt, và nhờ gia đình vận động, nó về làm phụ khảo tại Đại học Văn khoa Đà lạt để được hưởng đặc quyền quân dịch dành cho giáo chức đại học. Một năm sau, nó trình diện thụ huấn quân sự ở trường Bộ binh Thủ Đức, nhưng khi ra trường thay vì ra đơn vị chờ viện đại học can thiệp với Bộ Quốc phòng cho biệt phái trở về dạy lại, nó đào ngũ nhảy vô bưng theo Việt Cộng.

    Thằng Lộc ngần ngừ một phút trước khi tiếp tục,

    -“Đêm mồng một, thằng Liễn trở về thành phố và ghé lại nhà tao. Nhờ cú viếng thăm đó mà tao dứt khoát phải thoát thân với bất cứ giá nào.”

    “Nó khuyên mày ra đi?”

    -“Không, tụi tao chỉ nói chuyện bạn bè thăm hỏi thường tình. Nhưng tao biết từ ngày nó vô bưng, ngoại trừ trong thời gian đầu được tung hô là ‘phần tử giác ngộ’ và ‘thành phần yêu nước’ chống đối ‘Mỹ Ngụy’ và dùng làm vật liệu tuyên truyền, nó không được giao phó công việc gì. Họ nói khéo là những người học triết như nó đã bị nhiễm độc về tư tưởng và cần học hỏi triết học Mác-Lênin cho thuần nhuyễn mới có thể giao công tác.”

    -“Lẽ đương nhiên! Bọn Cộng sản vốn tối kỵ thành phần ‘trí thức tiểu tư sản,’ phương chi nó lại là cựu sĩ quan ‘Ngụy’ và thích nói và ưa tranh luận, cho kẹo tụi nó cũng không dám rớ tới.”

    -“Thấy hoàn cảnh của nó, tao thấy rõ con đường phải đi. Đối với Quốc gia, nó là kẻ hèn nhát và phản bội; đối với Cộng sản, nó là người không công trạng, không đáng tin, không thể dùng, và cần đề phòng. Nếu ở lại, tao sẽ phải hợp tác với ‘phe bên kia’ và đương nhiên bị cả hai bên liệt vào loại người như nó. Ngàn năm bia miệng, có chết tao cũng không muốn con cháu sau này nghĩ rằng cha ông nó là người… không khá như vậy.”

    -“Vậy nó là thằng bạn đã can thiệp và dàn xếp cho mày lên chuyến xe cuối cùng?” tôi hiểu ra.

    *****

    Vị tư lệnh chiến trường Long Khánh là Tướng Đảm hàng xóm sát vách của gia đình tôi trong cư xá Bắc Hải. Bà Đảm trạc dưới bốn mươi, xinh đẹp và vui tính; mỗi khi gặp mặt tôi, bà niềm nở hỏi chuyện thân tình như chị với em. Ông bà người Nam có chín người con, hai trai và bảy gái; cô con gái lớn mười bảy tuổi vừa mới lấy chồng cuối năm ngoái.

    Mẹ và bà Đảm hàng ngày trò chuyện tâm giao. Mẹ kể lại, khi thấy tình thế vô phương cứu vãn, bà đề cập chuyện đi ra ngoại quốc thì ông gạt ngang, “Nếu có chết thì gia đình mình cùng chết ở đây, không đi đâu hết.” Ông giải bày,

    -“Mình ơi, đây là quyết định rất đau lòng, nhưng anh đã ra lệnh cho anh em binh sĩ quyết đánh, gia đình họ ở lại, lẽ nào anh lo cho vợ con anh ra đi? Nếu anh cho mình và con đi trước, lính anh biết giờ chót anh có thể lên máy bay ra đi, làm sao họ còn tin tưởng để đánh giặc? Như vậy anh có công bằng với họ không? Anh không muốn con mình sau này nhìn anh mà nghĩ ông già nó ngày xưa đã từng gạt lính. Mình hiểu cho anh.”

    Thằng Lộc và Tướng Đảm, một người liều mạng ra đi, một người chọn ở lại, cả hai đều tâm niệm cọp chết để da người ta chết để tiếng, không để lại tiếng nhơ cho mai sau mai mỉa. Tôi thường tự hỏi không biết thằng Liễn bạn của bạn tôi là loại người nào. Một triết gia ngờ nghệch ôm ảo vọng đi tìm chính thể lý tưởng, hay một kẻ khiếp nhược trở cờ với xã hội đã cưu mang mình? Bốn mươi lăm năm sau, tôi chưa tìm thấy giải đáp.

    CÒN TIẾP

    Không có nhận xét nào