Header Ads

  • Breaking News

    Ngoại trưởng Mỹ đến VN: Chuẩn bị cho chuyến thăm của TT Biden và ông Trọng?



    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh,

    Ngoại trưởng Antony Blinken lên máy bay tại Sân bay Quốc tế Dublin ở Dublin, Ireland vào ngày 13 tháng 4 năm 2023 để tới Hà Nội, Việt Nam

    Một số nhà quan sát cho rằng, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ là bước đệm cho việc nâng cấp quan hệ chiến lược giữa hai nước cũng như nhằm chuẩn bị cho chuyến công du của TBT Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ được dự đoán diễn ra trong năm nay.

    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đến thăm Việt Nam từ ngày 14-16/4, theo sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào ngày 29/3.

    Chuyến công du của ông Bliken diễn ra giữa bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang căng thẳng với sự cạnh tranh chiến lược gay gắt. Song song đó, Trung Quốc đang gây sức ép lên Nga về quan hệ với Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông.

    Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà quan sát chính trị Việt Nam đang làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore đánh giá với BBC News Tiếng Việt ngày 14/4:

    "Chuyến đi của ông Blinken đến Việt Nam được coi là dấu hiệu cho thấy Mỹ muốn tăng cường quan hệ với Hà Nội, đặc biệt trong thời điểm hai nước đang kỷ niệm 10 năm thành lập quan hệ đối tác toàn diện. Cũng có tin cho rằng Mỹ đang thúc đẩy Việt Nam nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược."

    Ông Hiệp cũng chỉ ra rằng, Mỹ và Việt Nam đã có những động thái ngoại giao bên cạnh cuộc điện đàm cuối tháng 3 nói trên như: hôm 22/3, Đoàn Doanh nghiệp Hoa Kỳ với hơn 50 tập đoàn, công ty lớn thăm Việt Nam với Nguyên Đại sứ Ted Osius dẫn đầu.

    Cuối tuần trước, đoàn nghị sĩ lưỡng viện của Mỹ sang thăm Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ song phương và quan hệ Mỹ - ASEAN.

    Trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Biden và ông Tổng bí thư Trọng, ông Trọng đã nhận lời Biden sang thăm Mỹ và hai bên sẽ thống nhất "làm sâu sắc hơn quan hệ đôi bên".

    Theo đó, đây là những chỉ dấu cho thấy quan hệ Việt-Mỹ có những chuyển biến tích cực và có thể hướng tới việc nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược.

    "Như vậy, chuyến thăm của ông Blinken ngoài thực hiện một số nhiệm vụ ngoại giao thông thường như làm lễ khởi công xây dựng tòa đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, tôi nghĩ có thể đây là bước để chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Trọng đến Mỹ, có thể xảy ra vào tháng 7 cũng như là nghị trình nâng cấp quan hệ hai nước," ông Hiệp đánh giá.

    Còn Giáo sư Carl Thayer thì nói với BBC hôm 14/4 rằng, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ luôn diễn ra trước chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hoa Kỳ. Vì vậy, theo ông Thayer, chuyến đi của ông Blinken tới Việt Nam được đồn đoán sẽ diễn ra vào tháng 5 khi Biden dự kiến ​​tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo AUKUS tại Úc.

    "Ngoại trưởng Blinken sẽ thảo luận về các sắp xếp nghi thức và chương trình nghị sự cho chuyến thăm của Tổng thống," GS Thayer nhận định.

    Việt Nam trì hoãn sẽ bỏ lỡ cơ hội với Mỹ

    Theo TS Lê Hồng Hiệp, đối với Việt Nam, Mỹ là đối tác rất quan trọng và ngày càng trở nên quan trọng hơn về nhiều mặt trong đó có kinh tế, chiến lược và an ninh.

    Về kinh tế, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và cũng là thị trường xuất khẩu đầu tiên từ trước đến nay vượt mốc 100 tỷ USD/năm và đầu tư của Mỹ vào Việt Nam ngày càng thiết yếu.

    "Về mặt chiến lược, Mỹ là cường quốc số 1 thế giới, nên quan hệ tốt hoặc nâng cấp quan hệ với Mỹ sẽ giúp Việt Nam nâng cao vị thế ngoại giao. Đặc biệt trên hồ sơ Biển Đông sẽ giúp Việt Nam cải thiện vị thế đàm phán của mình.

    "Trong thời gian vừa qua, Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều mặt: chính trị, pháp lý, xây dựng năng lực trên biển để giúp Việt Nam ứng phó tốt hơn trước sức ép từ Trung Quốc," TS Hiệp đánh giá.

    Từ đó, ông Hiệp cho rằng "không nghi ngờ gì" Việt Nam muốn nâng cấp quan hệ với Mỹ. Vấn đề cản trở lớn nhất là Việt Nam muốn giữ quan hệ cân bằng của mình với cả Mỹ và Trung Quốc.

    Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng sâu sắc như hiện tại, nhiều ý kiến quan ngại rằng nếu Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ thì có thể làm Trung Quốc phật lòng và ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, như bài phân tích trên Reuters.

    Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là nguồn nhập khẩu quan trọng cho lĩnh vực sản xuất của Việt Nam.

    TS Lê Hồng Hiệp cho rằng, Trung Quốc sẽ khó có thể phản ứng quá mức với Việt Nam vì chúng ta biết đối tác chiến lược này chủ yếu chỉ mang tính chất chính trị, nó không phải là liên minh quân sự.

    "Vì vậy, Việt Nam và Mỹ lên mức đối tác chiến lược khó có thể gây ra đe dọa an ninh với Trung Quốc và bản thân Việt Nam và Trung Quốc đang ở mức cao nhất - quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Việc nâng cấp quan hệ với Mỹ cũng chỉ là động thái ngoại giao, không phải là gì quá ghê gớm khiến Trung Quốc có thể trừng phạt mạnh tay Việt Nam," ông Hiệp phân tích.

    Về mặt thời điểm, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp cho rằng năm nay là phù hợp nhất vì hai bên đang tiến hành kỷ niệm 10 năm thiết lập đối tác toàn diện và trong 10 năm qua, quan hệ hai nước cũng phát triển rất mạnh mẽ và nó xứng đáng gọi là đối tác chiến lược:

    "Nhiều quan chức nói rằng, dù Việt Nam và Mỹ hiện không phải đối tác chiến lược nhưng quan hệ hai bên đã mang tầm chiến lược từ rất lâu. Chính vì vậy, việc nâng cấp này đã chín muồi. Tuy nhiên, nếu Việt Nam tiếp tục trì hoãn thì sẽ là sự thất vọng lớn với Mỹ."

    Ông Hiệp phân tích, phía Mỹ hiểu sự quan ngại của Việt Nam nhưng bản thân Mỹ chỉ đang ở mức đối tác toàn diện - thấp hơn so với các đối tác khác của Việt Nam - thì điều quan trọng còn là thể diện của Mỹ.


    Hơn nữa, Mỹ có những tính toán và muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam từ đó giúp thiết lập thế cân bằng chiến lược trong khu vực theo hướng có lợi cho Mỹ, đặc biệt là trong tương quan với Trung Quốc.

    "Nếu Việt Nam cứ trì hoãn thì Mỹ sẽ tìm những biện pháp thay thế khác để theo đuổi các mục tiêu chiến lược của mình và trong trường hợp đó, Việt Nam không còn là mối ưu tiên của Mỹ nữa. Mỹ đã rất kiên nhẫn với Việt Nam trong thời gian qua và mức độ của họ có giới hạn vì nếu Việt Nam được coi là cản trở đạt được mục tiêu chiến lược của Mỹ thì đương nhiên họ sẽ phải thay đổi cách tiếp cận.

    "Vì vậy, nếu Việt Nam không quyết đoán nâng cấp quan hệ với Mỹ thì sẽ bỏ lỡ cơ hội vì trong tương lai, mọi thứ sẽ thay đổi theo chiều hướng có thể bất lợi cho Việt Nam," ông Hiệp kết luận.

    Trong diễn biến khác, ngày 11/4, Mỹ và Philippines đã đồng thuận về một lộ trình trong các tháng tới đây, liên quan đến hoàn tất cung cấp hỗ trợ quốc phòng của Mỹ dành cho Manila trong vòng 5 đến 10 năm tới.

    Từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr nhậm chức, mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines đã nồng ấm hơn so với thời ông Duterte. Cũng trong hôm 11/4, 17.000 binh sĩ Philippines và Mỹ bắt đầu các cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay, nhấn mạnh đến quan ngại chung của họ về Trung Quốc, quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Philippines và các nước khác trong khu vực trên Biển Đông.

    Điều này được xem là động thái trong mục tiêu của Mỹ mở rộng quan hệ với nước đồng minh và đối tác tiềm năng để chống lại sự ảnh hưởng của Trung Quốc.

    Mỹ thừa nhận vài trò TBT Nguyễn Phú Trọng

    Khi các nhà quan sát cho rằng sắp sửa có chuyến thăm của ông Trọng đến Nhà Trắng, họ cũng chỉ ra sự chuyển dịch trong cách người Mỹ nhìn nhận vai trò của vị Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

    Giáo sư Carl Thayer nhắc lại chuyến công du vào tháng 7/2015 của Tổng Bí thư Trọng tới Washington và gọi đây là "chuyến thăm lịch sử" vì nó đã đặt ra những địa hạt mới mẻ trong quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

    "Tổng bí thư Trọng không cấp bậc tương đương thực sự từ phía Mỹ. Bằng việc tiếp đón vị Tổng Bí thư, Tổng thống Obama đã cho thấy sự công nhận của Hoa Kỳ đối với vai trò đặc biệt của ông Trọng tại Việt Nam," GS Thayer nói.

    Giáo sư cũng cho rằng, chuyến thăm của Tổng Bí thư Trọng tới Washington năm 2015 đã tạo tiền lệ cho chính quyền Mỹ, bất kể đảng nào cầm quyền về chính sách an ninh quốc gia đối với Việt Nam. Theo đó, cả hai chính quyền Dân chủ và Cộng hòa đều công nhận vai trò quan trọng của Việt Nam ở Đông Nam Á và vai trò trung tâm của Tổng bí thư đảng trong một nhà nước độc đảng như Việt Nam.

    Và cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với Tổng bí thứ Nguyễn Phú Trọng vào 29/3 vừa qua là hệ quả tất yếu của năm 2015, nhấn mạnh sự dịch chuyển trong cách tiếp cận của Mỹ đối với Hà Nội. Theo đó, Mỹ nhìn nhận ông Trọng là nhân vật quan trọng nhất và có quyền lực lớn nhất định đoạt các chính sách đối ngoại của Việt Nam, dù ông không phải là nguyên thủ quốc gia.


    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh,

    Obama tiếp đón ông Trọng được ở phòng Bầu Dục - nơi vốn chỉ dành cho các nguyên thủ quốc gia cho thấy Mỹ đã điều chỉnh thông lệ về mặt lễ tân

    TS Lê Hồng Hiệp cũng cho rằng, việc ông Trọng được tiếp đón ở phòng Bầu Dục - nơi vốn chỉ dành cho các nguyên thủ quốc gia cho thấy Mỹ đã điều chỉnh thông lệ về mặt lễ tân, cuộc điện đàm vừa qua cũng theo logic như vậy.

    "Họ đã tiếp cận trực tiếp với ông Trọng, để giảm bớt các bước lễ tân vì nếu điện đàm trực tiếp với ông Võ Văn Thưởng thì bản thân ông Thưởng cũng phải xin ý kiến chỉ đạo từ ban lãnh đạo đảng, đặc biệt là ông Trọng để đưa ra quyết định cuối cùng.

    "Bản thân ông Thưởng cũng chỉ mới lên giữ chức Chủ tịch nước nên vị thế của ông Thưởng trong mắt của các đối tác quốc tế cũng có thể chưa được đánh giá cao hay tạo được uy tín. Tôi nghĩ đây là chuyện bình thường khi họ chọn làm việc trực tiếp ông Trọng vì đó cũng là một cách đẩy nhanh tiến trình thực thi chính sách có hiệu quả hơn. Thứ hai nữa, nếu Mỹ coi trọng ông Trọng thì cũng là cách khuyến khích ông Trọng có những cử chỉ thiện chí hơn," TS Hiệp nêu quan điểm.

    Tuy nhiên, ông Hiệp cũng chỉ ra rằng, tùy vào tính chất sự kiện cũng như mục đích mà Mỹ hay các nước phương Tây chọn đối thoại với Chủ tịch nước, Thủ tướng hay Tổng bí thư.

    "Bản thân Việt Nam cũng có sự "phân công lao động", ví dụ như Tổng bí thư có thể sẽ tham gia hoạt động đối ngoại với một số đối tác đặc biệt. Còn lại vẫn là chủ tịch nước và thủ tướng là chính, miễn làm sao chuyến thăm hay cuộc trao đổi đạt được hiệu quả mà đôi bên mong muốn," ông Hiệp nhận xét.

    Giáo sư Carl Thayer thì lưu ý rằng, khi nói đến các thỏa thuận chính thức của chính phủ với chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ phải đại diện cho Việt Nam.

    "Kinh nghiệm của Úc là bài học. Năm 2009, Úc tiếp Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nhưng hiệp định về quan hệ đối tác toàn diện đã được ký bởi các Phó thủ tướng Julia Gillard và người đồng cấp Phạm Gia Khiêm," ông Thayer nêu ví dụ.

    Không có nhận xét nào