Header Ads

  • Breaking News

    Ngoại trưởng Blinken đến Việt Nam: Bước tiếp theo để nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ?



    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ thăm Việt Nam từ ngày 14-16/4/2023.

    Chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken tuần này thu hút sự chú ý của giới quan sát và công luận trong nước lẫn quốc tế khi nó diễn ra chỉ hai tuần sau cuộc điện đàm bất ngờ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào ngày 29/3, giữa bối cảnh Biển Đông âm ỉ sóng ngầm vì những hoạt động khiêu khích của các tàu Trung Quốc.

    Liệu đây có phải là bước tiếp theo trong kế hoạch “nâng cấp quan hệ” hai nước lên mức đối tác chiến lược?

    Khả năng nâng cấp quan hệ

    “Tôi hy vọng như vậy, nhưng họ rất kín tiếng”, Greg Poling, chuyên gia cấp cao về Đông Nam Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, nói với VOA.

    Theo ông, “việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược là điều mà cả hai bên đều muốn, nhưng có thể hiểu được rằng Hà Nội đang lo lắng về việc liệu những lợi ích hữu hình mà họ nhận được từ việc này có đủ để bù đắp cho bất kỳ hình phạt nào đó về chính sách ngoại giao và kinh tế từ Bắc Kinh hay không”.

    Chính vì vậy, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như chuyến thăm lần này của Ngoại trưởng Blinken, theo nhận định của ông Greg Poling, “tất cả có lẽ nhằm mục đích cố gắng trấn an Hà Nội rằng không thể nào biết được thế nào là đủ hay không”.

    Chuyên gia của CSIS nói thêm rằng ông không dự kiến việc nâng cấp mối quan hệ diễn ra trong chuyến đi này của Ngoại trưởng Mỹ, nhưng sẽ ở một sự kiện lãnh đạo cấp cao của Việt Nam sang Washington hoặc Tổng thống Biden sang Việt Nam.

    Trong khi đó, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam của Đại học New South Wales, thuộc Học viện Quốc phòng Australia, cho rằng chuyến thăm Hà Nội của Ngoại trưởng trưởng Anthony Blinken lần này là “nhằm tạo cơ sở cho chuyến thăm lẫn nhau của Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, vốn đã được xác nhận trong cuộc điện đàm vừa qua giữa hai nhà lãnh đạo.

    “Đây là bước cần nhưng chưa đủ để hai bên nhất trí nâng quan hệ song phương lên đối tác chiến lược”, GS. Thayer nói với VOA.

    Theo ông, mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng hơn sau khi những chuyến thăm qua lại của ông Biden và ông Trọng đạt được thỏa thuận để bắt đầu đàm phán về quan hệ đối tác chiến lược.

    “Cho tới lúc này, các dấu hiệu có vẻ thuận lợi nhưng nếu sai một ly có thể đi một dặm”, nhà nghiên cứu người Úc nói thêm.

    Trong khi các chuyên gia tỏ ra thận trọng trong việc dự đoán liệu Việt Nam và Hoa Kỳ có đạt được việc nâng cấp quan hệ trong năm nay, là năm kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (2013-2023), hay không, thì một nguồn thạo tin từ Hà Nội cho VOA biết nhiều khả năng hai bên sẽ đạt được quan hệ đối tác chiến lược trong năm nay, chậm nhất là vào tháng 11.

    Nguồn tin này cho biết thêm rằng chuyến đi của Ngoại trưởng Blinken tới Hà Nội lần này sẽ bàn về hàng loạt nội dung quan trọng, từ hợp tác an ninh, quốc phòng, quân sự, thương mại, kinh tế, chuyển giao công nghệ... cho đến thúc đẩy nhân quyền.

    Thời điểm chín muồi?

    “Thực ra, quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam bây giờ đang ở mức độ rất sâu rồi nếu so về quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Nó còn sâu hơn quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam với nhiều nước khác”, TS. Hà Hoàng Hợp, Nhà Nghiên cứu chiến lược và chính trị khu vực Đông Nam Á của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore (ISEAS) nhận định với VOA.

    Theo ông, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam hiện nay chỉ kém một chút so với mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản, nhưng vượt lên hầu hết những mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước khác.

    “Nó đã đi tới chỗ này rồi thì nên cho nó một cái tên. Cái tên đó là Quan hệ Đối tác Chiến lược”, TS. Hà Hoàng Hợp nói.

    Đây cũng là lý do mà chuyên gia của Viện ISEAS nói ông tránh dùng từ “nâng cấp” mối quan hệ Việt - Mỹ vì nó mô tả không hoàn toàn đúng thực tế mối quan hệ giữa hai bên.

    Chuyên gia Greg Poling của Mỹ cũng hoàn toàn đồng ý về nhận định cho rằng quan hệ đối tác Hoa Kỳ - Việt Nam hiện nay sâu sắc hơn mức độ quan hệ đối tác toàn diện.

    Theo ông, nếu xếp theo thứ bậc về mức độ sâu sắc của mối quan hệ với Việt Nam, Hoa Kỳ mặc dù trên danh nghĩa là đứng sau các quốc gia như Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ, nhưng rõ ràng Mỹ có mối quan hệ về quân sự, kinh tế và các lĩnh vực khác ở mức độ sâu sắc hơn nhiều.

    “Điều đó có nghĩa là nó đã chín muồi”, ông Poling nói.

    “Và đối với Việt Nam, một phần là nếu càng kéo dài, nếu cứ càng làm sâu sắc thêm mối quan hệ thực tế mà không cho nó một cái tên thì điều đó càng làm cho họ không thể phủ nhận là họ làm vậy chỉ vì sợ Trung Quốc”, nhà nghiên cứu của CSIS nói thêm.

    Trong khi đó, GS. Carl Thayer nhắc lại câu nói của các quan chức Việt Nam rằng “vấn đề không phải là tên gọi chính thức của quan hệ song phương mà là quan hệ đó có mang tính chiến lược hay không”.

    Ông dẫn lời một số nhà quan sát ngoại giao ở Hà Nội để chỉ ra một “dấu hiệu nhận biết”, đó là khi một người đứng đầu chính phủ của một đối tác chiến lược đến thăm Hà Nội, người đó sẽ được tiếp cận với “tứ trụ”, còn đối tác toàn diện chỉ được tiếp cận với ba trong số bốn lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam.

    Vẫn theo GS. Thayer, thời điểm năm nay có vẻ thuận lợi cho việc chính thức có quan hệ đối tác chiến lược vì Tổng Bí thư Trọng đã đặt nền móng bằng chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên vào tháng 10 năm ngoái, và năm tới thì chính trị nội bộ của Mỹ sẽ chiếm vị trí trung tâm. Vì vậy, năm nay sẽ phù hợp cho việc nâng cấp quan hệ song phương.

    Rào cản

    Không ít ý kiến cho rằng ngoài nỗ lực cản trở từ “bên thứ ba” là Trung Quốc, việc nâng cấp quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam còn vướng phải những trở ngại khác, đặc biệt là vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.

    GS. Thayer nói tình hình chính trị trong nước của hai nước sẽ có tác động đến việc đàm phán nâng quan hệ lên đối tác chiến lược. Theo ông, một số thành phần trong giới lãnh đạo Việt Nam sẽ cảnh giác khi xích lại gần Hoa Kỳ do mối quan ngại lâu nay của họ về “diễn biến hòa bình”. Trong khi đó, một số người khác lo ngại và không muốn Việt Nam sa vào cảnh “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết” trong bối cảnh thù địch và cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ.

    “Về phía Hoa Kỳ, sẽ có quan ngại về việc bắt giữ các nhà hoạt động xã hội dân sự, đặc biệt là các nhà hoạt động môi trường như Ngụy Thị Khanh, vì điều này làm dấy lên nghi ngờ về cam kết cắt giảm khí thải của Việt Nam. Và sẽ có lo ngại về việc hạn chế quyền tự do ngôn luận của các nhà hoạt động và việc bắt giữ các nhà hoạt động vì biểu tình ôn hòa”, GS. Thayer nói thêm.

    Đồng quan điểm với GS. Thayer về tầm quan trọng của vấn đề nhân quyền cũng như trở ngại từ những khác biệt khác như thể chế chính trị, lòng tin lẫn nhau..., nhưng TS. Hà Hoàng Hợp đề cập thêm đến một nguyên tắc là “siêu cường” Hoa Kỳ sẽ không vì những “chuyện nhỏ nhặt” mà bỏ đi những điều lớn hơn, liên quan trực tiếp đến lợi ích quốc gia của nước Mỹ.

    “Tất nhiên có rất nhiều vấn đề mà người ta phải cân nhắc. Nhưng vấn đề cao nhất là lợi ích của nước Mỹ ở vùng này, ở vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Đông Nam Á này”.

    “Một điều mà ai cũng có thể thấy là vị trí địa chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực lại rất phù hợp với lợi ích của nước Mỹ”, TS. Hà Hoàng Hợp nói.

    Ngoài nguồn lợi thương mại khổng lồ có giá trị từ 5.000 – 6.000 tỷ đô la hàng năm của tuyến thuỷ lộ đông đúc trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, về mặt an ninh, nước Mỹ rất cần xây dựng thêm các mối quan hệ đồng minh và đối tác gần gũi khác trong khu vực này.

    “Vùng Đại Tây Dương, Bắc Đại Tây Dương có rất nhiều đồng minh của Mỹ ở đó nên người ta không lo. Nhưng trong cả vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương này, chỉ có Nhật Bản là đồng minh của Mỹ, Philippines là đồng minh nhỏ, Úc, New Zealand là đồng minh nhỏ mà lại ở phía dưới. Trong khi trục này quan trọng và sự đóng góp, cáng đáng của Mỹ ở đây quá lớn rồi nhưng người Mỹ thấy vẫn chưa đủ. Chính vì thế, người ta nhìn thấy Việt Nam có vai trò địa chính trị phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ”, TS. Hà Hoàng Hợp phân tích.

    Vì lợi ích này mà đôi khi, tuỳ vào thời điểm, chẳng hạn như lúc này, an ninh khu vực có thể sẽ được ưu tiên hơn những vấn đề khác như thể chế chính trị, nhân quyền…, vẫn theo TS. Hà Hoàng Hợp.

    “Còn để xây dựng niềm tin chiến lược giữa hai bên, phía Hoa Kỳ họ nói rất rõ là họ không làm gì để thay đổi thể chế chính trị của Việt Nam cả”, TS. Hà Hoàng Hợp nói, đồng thời lưu ý thêm rằng sẽ có những thay đổi tích cực tại Việt Nam trong tương lai trong mối tương tác không đối kháng.

    Theo nghị trình chuyến thăm Hà Nội bắt đầu từ ngày 14/4, ngoài việc gặp gỡ và có các cuộc thảo luận quan trọng với các quan chức cấp cao của Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cũng sẽ tham dự lễ động thổ xây dựng khuôn viên Đại sứ quán mới của Hoa Kỳ tại Hà Nội, một sự kiện mà theo lời Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương của Mỹ Daniel Kritenbrink, là “một biểu tượng mới tuyệt đẹp” về cam kết của Hoa Kỳ đối với quan hệ đối tác và tình hữu nghị lâu dài với Việt Nam.

    Không có nhận xét nào