Chu Kim Long/SGN
17/4/2023
Hình minh họa.
Những chiếc Môtôlôva chạy theo từng nhóm trên những con đường sống trâu và ổ gà, uốn khúc theo các khu rừng già trên miền biên giới Việt Nam – Campuchia thuộc tỉnh Tây Ninh. Chiếc Môtôlôva đầu tiên rời trại tù Kà tum từ sáng sớm và tới chiều tối thì từng chiếc lần lượt tới đậu trong bãi đất trống, nơi đoàn tù chúng tôi được chuyển tới. Bụng đói cồn cào, tôi đoán chừng đã hơn 7 giờ chiều. Thời tiết đầu mùa Xuân hơi giá lạnh.
Tối hôm trước, tôi chỉ ăn khúc khoai mì và một chén cơm nhỏ có mọt và mốc, phần còn lại tôi để ăn “lót bụng” buổi sáng trước khi đi lao động. Nhưng, sau tiếng còi gọi tập họp bất thường lúc trời tờ mờ sáng theo lệnh của viên quản giáo. Nét mặt viên quản giáo còn ngái ngủ, lấy ngón trỏ của bàn tay phải dụi và cậy ghèn mắt, rồi ông nói: “mọi người lo thu dọn quân trang chuyển trại, các anh có 30 phút, xong, tập họp, xếp hàng điểm danh, khẩn trương lên”. Vì vậy, tôi đành nhịn đói suốt ngày.
Đã ba lần chuyển trại, ngày giờ cũng như địa điểm là những điều bí mật. Đoàn xe thường khởi hành vào sáng sớm hoặc trong đêm khuya. Lần đầu, từ trại tập trung Don Bosco Gò Vấp đến trại tù Trảng Lớn – Tây Ninh, lần thứ hai từ trại Trảng Lớn chuyển tới trại tù Kà Tum nằm sát biên giới Campuchia. Và lần này cũng như lần trước, lệnh tập họp chuyển trại được thông báo bất ngờ vào buổi sáng tinh sương, anh em tù không biết sẽ bị di chuyển về đâu, không biết chuyến đi lành hay dữ.
Trời chiều đã nhá nhem tối, bầu trời miền biên giới tỉnh Tây Ninh và Campuchia xám ngắt với những cơn mưa phùn, những hạt mưa lấm tấm rơi, nhẹ như hạt bụi. Những cụm mây xám đang trôi lơ lửng trên đỉnh ngọn núi Bà Đen như báo tin cho người tù biết những ngày tháng u buồn ảm đạm vẫn đang giăng mắc trong cuộc đời mỗi người. Tôi chưa đến núi Bà bao giờ, nhưng qua báo chí tôi được biết núi Bà rất cao, đột khởi giữa đồng bằng Nam bộ với ngôi thánh thất nguy nga và tràn ngập thiện nam tín nữ Cao Đài trong những ngày lễ hội trước năm 1975.
Những người tù chúng tôi đã bị giải giao qua lại ba trại tù khác nhau giữa vùng rừng già biên giới Việt Campuchia từ sau ngày đất nước rơi vào tay đảng Cộng sản Việt Nam năm 1975. Nhưng dù ở bất cứ trại tù nào, chúng tôi vẫn nhìn thấy núi Bà với những cụm mây xám chì lãng đãng trôi trên đỉnh.
Trên đường di chuyển người tù, như để đánh lạc hướng, đoàn xe chạy loanh quanh trên các đường rừng rồi ngừng lại dọc đường một vài lần cho đến khi tới địa điểm mới thì ngày đã đi vào tối. Đằng sau cái cổng lớn của trại khoảng hơn nửa cây số là một khu đất trống, các xe lần lượt rẽ vào và từng chiếc tuần tự đậu sát bên nhau.
Trời đã sập tối mà mới có năm bảy chiếc tới bãi đất trống với những cán binh cộng sản súng cầm tay trong tư thế sẵn sàng tác chiến, đứng gác. Đêm núi rừng như buông xuống lẹ hơn ở miền đồng bằng. Sau khi chiếc xe tắt máy khoảng mười phút, anh em tù được lệnh xuống xe thì cảnh vật khu rừng già miền biên giới đang đi vào bóng đêm, cách khoảng năm sáu bước chân không nhìn rõ mặt người đối diện.
Sinh viên sĩ quan tại trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Hình minh họa.
Mỗi người tù với một hai túi xách hành lý, và soong nồi nấu ăn để bên cạnh chỗ đứng, một số anh em vươn tay làm vài động tác cho giãn gân cốt sau một ngày ngồi bó gối như nêm cối, san sát bên nhau trên sàn xe, chân tay tê cứng. Tôi thầm nghĩ, tất cả anh em có lẽ cũng đang đói như tôi. Bầu trời đen kịt, tiếng còi rít lên hai ba lần, tia sáng từ chiếc đèn pin của người bộ đội đứng trước đám tù quét qua quét lại trên bãi đất trống. Sau một chuỗi ho khan, anh nói lớn tiếng:
– “Trong khi chờ đợi các xe đến đủ, các anh xếp hàng dọc, mỗi hàng mười một người, mỗi hàng cách nhau ba bước. Người đứng đầu là tổ trưởng, cuối hàng là tổ phó”.
Đội hình hàng dọc, hàng ngang là những động tác quen thuộc của mỗi người lính. Những người tù quen nhau, thân nhau tự động đứng xếp hàng bên nhau, và trong vài ba phút, tất cả những người tù đã xếp hàng xong theo đội hình mà người bộ đội yêu cầu. Tay cầm xấp giấy, đi tới đi lui, có lẽ anh là cán bộ quản giáo có nhiệm vụ ký nhận anh em tù, anh nói lớn:
– “Tất cả ngồi xuống”.
Giọng nói khàn, cộc lốc của anh giống như người bị thiếu hơi vì bịnh suyễn. Bầu trời đen như đêm ba mươi. Những làn mưa phùn như bụi sương rơi vẫn kéo dài từ xế chiều khi trời chưa tối hẳn làm những người tù co ro trong ướt lạnh, cảnh vật thật u uất. Lúc chiếc xe Môtôlôva rẽ vào chiếc cổng lớn có lá cờ đỏ sao vàng cắm ở giữa rũ xuống trong nước mưa đã khiến tôi nhớ đến câu thơ của Trần Dần, một thi sĩ đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam mà tôi đã đọc trong một tạp chí văn học trước năm 1975, với chủ đề Vụ Án Nhân Văn Giai Phẩm… Tôi lẩm bẩm câu thơ trong miệng:
“Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà.
Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”.
Bụng đói, đầu óc mệt mỏi, tay chân rã rời, tôi cảm thấy cuộc đời tù đày thật thống khổ, nhục nhằn, căm hận, nước mắt muốn trào ra.
Chúng tôi ngồi trên sân cỏ chừng một tiếng đồng hồ thì đoàn xe từng chiếc một đã tới nơi. Các anh em tù tới sau cũng được lệnh xếp thành hàng như chúng tôi. Bầu trời tối đen như mực, mưa đã tạnh hẳn. Với giọng chân quê miền Nam, tiếng người cán bộ lùn và ốm nói thật lớn theo ánh sáng của chiếc đèn pin rọi tới rọi lui, quét ngang quét dọc với xấp giấy cầm trên tay.
– “Các anh im lặng, nghe tôi đọc tên, khi nghe tên mình thì nói có mặt. Đây là trại Cây Cày A thuộc tỉnh đội Tây Ninh. Hơn mười giờ tối rồi, tranh thủ, ta làm xong sớm còn về lán nghỉ, ngày mai ổn định chỗ ăn ở. Các anh nghe rõ không? – rõ –“ tiếng anh em tù đáp lại.
Đứng, ngồi, chờ đợi cả ngày, có lẽ vệ binh cũng như cán bộ cũng muốn làm cho xong việc để về ngủ. Và sau khoảng hơn nửa tiếng điểm danh, giao tù tại hàng, chúng tôi được lệnh đi theo hàng một, người nọ để tay phải lên vai người kia cho khỏi lạc. Trời tối đen như thân phận những người tù, mọi người lầm lũi, im lặng bước theo sau người quản giáo dùng đèn pin soi đường, dẫn về lán trại với những vệ binh vác súng đi kèm đằng trước và phía sau đoàn người tù.
Từ bãi đất trống về lán ở cũng không xa lắm, khoảng chừng hơn nửa cây số, mỗi tổ ở một nhà, không có cửa trước và cửa sau, ở giữa nóc nhà có một ngọn điện, ánh sáng vàng vọt yếu ớt đủ để nhìn thấy mặt người, chiếu thẳng xuống cái bàn gỗ dài. Những ngày tháng sau khi nhập trại, chúng tôi ngồi trên hai băng ghế của cái bàn dài này để họp tổ mỗi tối. Chung quanh các căn nhà là những khóm chuối do những anh em tù đã ở đây trồng trước khi chúng tôi di chuyển tới. Các anh đã bị chuyển đi trại khác và chúng tôi đến ở những căn nhà trống đã được các anh đốn cây trong rừng về làm trước đây. Có lẽ những căn nhà này bỏ hoang đã lâu, nên bốc lên mùi hôi ẩm mốc, bốn bề yên lặng với tiếng côn trùng vo ve trong đêm tối.
Điện trại tù tắt, báo hiệu đã 11 giờ đêm. Ngọn đèn dầu trên bàn giữa nhà le lói ánh sáng mờ, một số anh em mệt quá đã ngủ thiếp đi, một vài anh còn dọn dẹp, sắp xếp đồ của mình trên đầu sạp tre và dưới gầm cho gọn. Tôi ngồi trên sạp tre, thõng chân xuống đất – chỗ dành cho tôi để ngủ. Tôi cảm thấy mệt nhưng không buồn ngủ, sau khi đã ăn chút cơm và củ khoai mì còn lại của buổi sáng ở Kà Tum.
Lễ tốt nghiệp của 92 SV Khóa đầu tiên theo chương trình đào tạo kéo dài 4 năm (1966-1969), ngày 14-12-1969. Ảnh: manhhai Flickrs
Không gian về đêm thật yên lặng trong ánh sáng mờ mờ của cây đèn dầu. Hai người cao dong dỏng, mặc áo lính cũ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, một người mặc quần dài, một người mặc quần đùi từ cửa trước tiến đến chỗ tôi ngồi.
– “Xin lỗi, anh Võ Bị hay Thủ Đức? Đã ăn gì chưa?” Người thanh niên hỏi tôi, giọng thật nhỏ, vừa đủ cho tôi nghe.
– Dạ, tôi Thủ Đức. Tôi vừa ăn chút cơm và miếng khoai mì rồi. Cám ơn anh.
– “Trong tổ này có anh em Võ Bị nào không ?” – một trong hai anh hỏi.
Tôi chỉ tay về hướng hai anh tù trẻ tuổi, mới độ chừng hai ba hai bốn, trước đây ở Trảng Lớn cùng khối, cùng đội với tôi, đang nằm ngủ thiếp đi ở cuối phòng, xéo góc với chỗ tôi đang ngồi, rồi tôi nói: Hai anh đó là dân Võ Bị.
Hai anh nói cám ơn, rồi bước qua chỗ hai anh Võ Bị đang ngủ, lay chân, đánh thức hai anh dậy. Một trong hai anh hỏi nhỏ, chỉ đủ nghe.
– “Võ Bị khóa mấy ? – dạ, 30”
– “Niên trưởng 28 đây. Đã ăn uống gì chưa ?”
– “Thưa niên trưởng, chưa”. Một trong hai người khóa đàn em trả lời.
– “Có mấy Võ Bị về đây đêm nay?” Một niên trưởng hỏi.
– “Chỉ có hai ở đội này”. Người tù khóa đàn em trả lời, rồi hai bên kể tên một vài cựu sinh viên võ bị đã gặp ở những trại tù trước đây. Sau những lời thăm hỏi ngắn gọn, một niên trưởng nói:
– “ Tắm sơ một chút cho đỡ mệt, nhưng khuya quá rồi. Thôi, lát nữa niên trưởng đem chút đồ ăn đến, ăn tạm cho đỡ đói”.
– “Dạ, cám ơn hai niên trưởng” – một người khóa đàn em nói.
Một buổi thao dợt tại trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Hình minh họa
Hai người thanh niên vội quay bước ra đi, và khoảng năm bảy phút sau, một trong hai anh trở lại với cái túi nhỏ – loại túi bằng vải nhám, bền chắc, dùng để đựng đất hay cát che chắn cho các công sự phòng thủ của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975.
– “Đây là cơm, chao, mấy củ mì và muối đậu phộng, ăn đỡ. Nhớ giữ sức khoẻ. Đường còn dài”.
– “Dạ. Cám ơn niên trưởng”.
– “Thôi niên trưởng về, mai mốt gặp lại”.
– “Dạ, chào niên trưởng”. Giọng người đàn em nói nhỏ nhẹ vì xúc động trước sự săn sóc của hai người niên trưởng.
Người niên trưởng mất hút trong bóng đêm. Tôi ngỡ ngàng trước tình huynh đệ trong đêm đen của người chiến binh, của người niên trưởng và đàn em đã sa cơ thất thế với những gian khổ đang bủa vây chập chùng. Nghe và chứng kiến tình người trong vài giây phút ngắn ngủi đã làm tôi quên đi những mệt mỏi sau một ngày dài chuyển trại, và hình ảnh Đà lạt cùng những kỷ niệm của những năm tháng đi công tác trên xứ hoa đào sống lại trong ký ức tôi. Niềm vui trong đêm đen đến với tôi thật bất ngờ, dù rằng hai niên trưởng không phải là niên trưởng hay huynh trưởng của tôi.
Trải qua những lần thanh lọc và chuyển trại, nổi trôi theo mệnh nước, mỗi người một phương. Nhưng mỗi khi đọc những bài viết với những hình ảnh liên hệ tới những năm tháng thăng trầm của dân tộc và những người lính Việt Nam Cộng Hòa, tôi vẫn cảm thấy bàng bạc đâu đây hình ảnh người chiến binh quả cảm, yêu tự do và tràn đầy tình tự dân tộc năm xưa.
Không có nhận xét nào