Quê Hương tổng hợp
Đại sứ Mỹ Marc Knapper mong muốn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Mỹ
11/4/2023
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng hôm 7/7/2015
AFP
Đại sứ Mỹ tại Hà Nội - ông Marc Knapper - bày tỏ mong muốn Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng sẽ đến thăm Mỹ khi điều kiện cho phép và nâng tầm quan hệ hai nước.
Phát biểu được đưa ra sáng 11/4 trong cuộc gặp với Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trước chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Việt Nam.
Mạng báo Zing dẫn lời Đại sứ Knapper cho biết, chuyến thăm của ông Blinken cũng sẽ mang thông điệp hợp tác sâu rộng với Việt Nam trong thời gian tới, dựa trên những thành tựu hai nước đạt được.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo cho hay, "Ngoại trưởng Blinken sẽ gặp các quan chức cấp cao của Việt Nam để thảo luận tầm nhìn chung về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương kết nối, thịnh vượng, hòa bình và tự cường".
Chỉ vài tuần gần đây, hoạt động ngoại giao của hai nước trở nên bận rộn hơn trong bối cảnh căng thẳng ở eo biển Đài Loan gia tăng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 29/3 điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, ngay sau đó đoàn nghị sĩ, dân biểu thuộc lưỡng viện Hoa Kỳ thăm Việt Nam từ ngày 7-11/4
Doanh nghiệp châu Âu thận trọng đầu tư vào Việt Nam
12/4/2023
Nguồn hình ảnh, Reuters
Các nhà quản lý nước ngoài dự đoán không có thay đổi lớn nào trong đầu tư vào Việt Nam trong quý này, sau khi dòng vốn vào giảm trong ba tháng đầu năm, theo một cuộc khảo sát được Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam công bố hôm thứ Ba, theo Reuters.
Chỉ số môi trường kinh doanh hàng quý xác nhận rằng Việt Nam, một trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á vẫn là điểm đến hàng đầu của đầu tư doanh nghiệp nước ngoài, nhưng do nhu cầu trên toàn cầu giảm và tình hình chính trị xáo trộn trong nước khiến hầu hết các nhà quản lý vẫn thận trọng.
Cuộc khảo sát tập trung vào các công ty và cá nhân châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam cho thấy 58% trong số hơn 200 nhà quản lý được khảo sát không có kế hoạch thay đổi kế hoạch đầu tư tại Việt Nam trong quý này.
Việt Nam đã nhận được 4,3 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong quý đầu tiên, giảm 2,2% so với một năm trước đó, theo dữ liệu mới nhất của chính phủ được công bố vào cuối tháng Ba.
Hà Lan, Pháp, Luxembourg và Đức là những nhà đầu tư hàng đầu của EU tại Việt Nam, theo dữ liệu chính thức, với tổng vốn đầu tư hơn 20 tỷ USD. Đây vẫn là một phần nhỏ so với đầu tư từ các quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản - mặc dù FDI thường được chuyển qua Singapore và các trung tâm tài chính khác.
Đa số các nhà quản lý cho rằng Việt Nam nên tăng cường ổn định chính trị và cải thiện môi trường pháp lý để thu hút thêm FDI. Đất nước này đã chứng kiến những cuộc cải tổ chính trị lớn gần đây, bao gồm cả việc bãi nhiệm các quan chức cấp cao như một phần của chiến dịch chống tham nhũng rộng lớn do Đảng Cộng sản cầm quyền dẫn đầu.
Trong khi đó, 55% các nhà quản lý cho biết họ không mong đợi thuê thêm người trong quý này và 16% dự đoán sẽ cắt giảm việc làm. Trong khi đó, khoảng 25% người khác vẫn lạc quan về kế hoạch nhân sự của mình.
Tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam tăng 3,32% trong quý đầu tiên, giảm từ mức 5,92% trong quý 4 năm 2022, trong bối cảnh xuất khẩu chậm lại do nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Hàng ngàn việc làm đã bị cắt giảm trong năm nay trong ngành giày dép và may mặc của Việt Nam, một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu thế giới cho những gã khổng lồ như Adidas và Nike của Đức.
An Giang: ‘Các biệt thự trên núi Sập toàn là của lãnh đạo nên… bó tay!’
Lê Thiệt /SGN
11/4/2023
Khu hai căn nhà “biệt thự” đứng tên ông Trương Văn Thành (Duyên Phước Tự) nhưng được người dân gọi là biệt thự của ông T., cựu lãnh đạo TP Long Xuyên – Ảnh cắt từ video clip
Ông Nguyễn Ngọc Điệp – Chủ tịch UBND thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang – nói như thế khi được hỏi về các công trình xây dựng quy mô lớn trên núi Sập gây bất bình trong dư luận thời gian qua.
Tất cả các biệt thự trên núi Sập đều xây không phép, trong đó có “biệt phủ trên lưng núi Sập” đứng tên ông Trương Văn Thành (Duyên Phước Tự) nhưng được người dân gọi là biệt thự của ông T., cựu lãnh đạo TP Long Xuyên.
“Biệt phủ” này có diện tích ngang 62m, dài 40m, tọa lạc bên lề đường lên chùa Duyên Phước. Theo báo cáo của UBND thị trấn Núi Sập, vào Tháng Tám 2021, ông Trương Văn Thành (50 tuổi) gửi đơn “xin phép về việc cải tạo, sửa chữa lại diện tích đất núi để tạo mặt bằng trồng cây rừng, cây dược liệu và làm nhà tiền chế để bảo quản nguồn dược liệu” và được lãnh đạo UBND thị trấn Núi Sập chấp thuận.
Hai tháng sau, UBND thị trấn Núi Sập cử cán bộ đến kiểm tra thấy hiện trạng xây dựng là hai căn nhà với đầy đủ khung bê tông, tường gạch, mái lợp tôn, nền gạch men và phía trước có hàng rào kè đá, cổng sắt, cột bê tông, sân lát gạch vỉa hè…
Ông Dương Ngọc Lắm – Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn, An Giang cho biết do ông Thành là trụ trì một ngôi chùa dưới chân núi Sập nên chính quyền thị trấn phải “hội ý” với Ban Tôn giáo tỉnh và huyện để “xử lý nghiêm”.
Lãnh đạo UBND tỉnh An Giang khẳng định đã chỉ đạo UBND huyện Thoại Sơn xử lý nghiêm “biệt phủ” xây dựng trái phép theo quy định, dù nó là của ai – Ảnh: Tuổi Trẻ
Chẳng biết ông Lắm nắm tin không chính xác, hay biết nhưng không nói, chứ hỏi dân ai cũng nói đó là “biệt phủ” của ông T., cựu lãnh đạo tỉnh Long Xuyên. Hai nhà còn lại của ông Trần Kiều Mai Diễm Phước (thường gọi là ông Beo) và bà Nguyễn Minh Lệ. Cả hai đều ngụ tại TP Long Xuyên.
Theo ông Điệp, ông về nhận nhiệm vụ bí thư, chủ tịch UBND thị trấn Núi Sập vào Tháng Tám 2022, thì các “biệt phủ” này đã hầu như hoàn thành và được đưa vào sử dụng.
Ông Điệp không nói ra, nhưng có ý ngầm đó là trách nhiệm của bí thư tiền nhiệm, ông hoàn toàn “vô tội”, và ông cũng không biết phải giải quyết những “biệt phủ” này như thế nào. Ông giải thích:
“Các biệt thự xây trên núi Sập này bây giờ toàn của lãnh đạo, là cấp trên của mình không hà nên… bó tay. Núi Sập từ đó giờ không cho ai xây dựng nhà trên núi cả. Từ nay trở về sau cũng vậy, chúng tôi sẽ làm văn bản thông báo cho người dân biết nơi nào xây dựng được, nơi nào không để mọi người biết”.
Có tin Tỉnh ủy An Giang đã “chỉ đạo Huyện ủy Thoại Sơn phải xử lý nghiêm”, nhưng chẳng ai biết “nghiêm” đến cỡ nào.
Chẳng hiểu sao họ bị lừa dễ dàng như thế?
Ông Tư Sài Gòn /SGN
11/4/2023
Minh họa: LEO
Ngày 10 Tháng Tư, báo Công Lý (Cơ quan của Tòa án NDTC) đăng một tin gây xôn xao của phóng viên (chắc thế) Thành Phan mang tựa đề: Mất hơn 1 tỷ sau khi tin tưởng “nghe nhạc được trả tiền”.
Ông Thành (họ) Phan ghi lại rằng Công an tỉnh Thanh Hóa đang điều tra các vụ “lừa đảo trên mạng với hình thức nghe nhạc được trả tiền”.
Một trong nhiều nạn nhân là chị Nguyễn Thị T. (34 tuổi, nhà ở huyện Hoằng Hóa). Chị này trình báo bị lừa tới 1.1 tỷ đồng sau khi tham gia hình thức “nghe nhạc được trả tiền”.
Theo tường thuật của ông Thành thì hình thức lừa đảo của bọn lừa đảo này là tạo niềm tin cho người chơi bằng cách trả 50,000 đồng tiền thưởng khi “thả tim” trên ứng dụng nghe nhạc.
Khi người chơi đã tin tưởng, chúng tiếp tục yêu cầu người chơi làm theo yêu cầu mới để nâng mức trả thưởng.
Cụ thể, bọn lừa đảo gởi cho chị T. trang web, hướng dẫn chị T. chuyển tiền để tham gia các bước xác nhận để hưởng tiền thưởng, tiền chênh lệch cao hơn.
Tổng số tiền chị T. đã chuyển cho các nghi phạm với mục đích hưởng tiền chênh lệch cao là 1.1 tỷ đồng.
Sau thời gian tham gia trò chơi, không còn khả năng vay mượn tiền, chuyển tiền cho các nghi phạm để hưởng chênh lệch, hoa hồng ở mức cao, thì chị T. mới tố giác ra cơ quan công an.
Thú thật là đọc đến đây, tôi không hiểu tại sao chị T. cứ chuyển tiền cho bọn lừa đảo cho đến lúc hết tiền, rồi tiếp tục mượn tiền tiếp tục chuyển cho bọn chúng.
Không thấy ông Thành nói vì về việc chị T. được bọn lừa đảo trả thưởng, như bỏ ra một miếng mồi dụ chị T. bỏ tiền vào nhiều hơn cho đến khi sập bẫy.
Tôi có cảm tưởng như bọn này chỉ dùng nước bọt để dụ người nhẹ dạ. Chẳng lẽ trên đời này còn có người như chị T., chỉ cần nghe là tin sao?
Ông Thành kể tiếp chuyện một nạn nhân khác cũng mắc bẫy chiêu trò này, là chị L.T.H. ở phường Thiệu Dương (TP Thanh Hóa).
Ngày 20 Tháng Ba, chị H. có nhận được điện thoại mời tham gia làm cộng tác viên nghe nhạc tăng lượt view, lượt like cho ca sĩ với thù lao 100,000-200,000 đồng, qua ứng dụng Telegram.
Chị H. tin tưởng làm theo yêu cầu, nhưng sau đó phát hiện ra chiêu trò lừa đảo. Tổng số tiền chị đã chuyển khoản theo yêu cầu của đối tượng là hơn 100 triệu đồng.
Hình thức tiếp cận của nhóm lừa đảo rất đơn giản. Chủ nhân của số điện thoại sẽ nhận được một cuộc gọi của một người xưng là nhân viên của một sàn thương mại điện tử, có nhiệm vụ tăng tương tác cho các bài hát bằng cách trả tiền tương tác, hoa hồng cho người nghe nhạc.
Đối tượng giải thích chỉ cần bật bài hát được yêu cầu, thì sẽ được 10,000 đồng/bài, kể cả không nghe mà chỉ bật lên để đó cũng vẫn nhận được tiền, sau đó sẽ được mời đề nghị kết bạn.
Mọi thông tin cá nhân, tài khoản của người chơi sẽ được nhóm lừa đảo khai thác, dụ dỗ tham gia hình thức chuyển tiền để hưởng chênh lệch mức cao.
Nói là “dụ dỗ tham gia hình thức chuyển tiền để hưởng chênh lệch mức cao”, nhưng lại không thấy nhắc tới đã được chuyển tiền thưởng là bao nhiêu để ham hố bỏ tiền vào thêm, thì quả thật không hiểu nổi lý do gì nạn nhân cứ tiếp tục chuyển cho đến khi hết sạch tiền mới phát hiện bị lừa?
Theo bản tin trên thì hiện Công an Thanh Hóa đang điều tra, chưa biết đến bao giờ mới xong.
Chuyện này rất khó tin, không phải vì nó không xảy ra, mà vì cách kể chuyện của ông “nhà báo” Thành Phan. Thôi thì dù sao thì đây cũng là “câu chuyện cảnh giác” dành cho quý bà, cứ ham miếng pho mát thơm tho mà quên mất nó đang nằm trong bẫy chuột.
Không có nhận xét nào