Ngoại trưởng Mỹ sẽ động thổ tòa đại sứ mới, nêu vấn đề nhân quyền khi thăm Hà Nội
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ tham gia động thổ khu phức hợp trụ sở đại sứ quán mới của Hoa Kỳ ở Hà Nội khi đến thăm Việt Nam cuối tuần này.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ động thổ công trình xây dựng tòa đại sứ mới của Hoa Kỳ ở Hà Nội khi đến thăm thủ đô Việt Nam cuối tuần này và sẽ nêu vấn đề nhân quyền khi gặp mặt các lãnh đạo Việt Nam, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Daniel Kritenbrink cho biết.
Ngoại trưởng Blinken đang tháp tùng Tổng thống Joe Biden tới Anh và Ireland trước khi tiếp tục với chuyến công du của riêng mình tới Việt Nam và Nhật Bản, từ ngày 14 đến 18, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.
Thông báo về chuyến thăm của ông Blinken, Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 12/4 cho biết ngoại trưởng Mỹ sẽ đến Hà Nội từ ngày 14 đến 16, theo lời mời của Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn.
“Ngoại trưởng Blinken sẽ gặp các quan chức cấp cao ở Việt Nam để tiếp tục tạo đà sau cuộc điện đàm của Tổng thống (Joe) Biden với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào cuối tháng trước”, ông Kritenbrink, hiện đặc trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sau khi kết thúc nhiệm kỳ đại sứ Mỹ tại Hà Nội hồi tháng 4/2021, nói hôm 10/4 khi thông báo với phóng viên về chuyến thăm châu Á của Ngoại trưởng Blinken.
Ông Kritenbrink, người tiếp quản chức đại sứ Mỹ ở Việt Nam sau ông Ted Osius và có người kế nhiệm là ông Marc Knapper, còn cho biết rằng Ngoại trưởng Blinken sẽ tham gia động thổ khu phức hợp trụ sở mới của sứ quán ở Hà Nội.
“Thật đáng kinh ngạc khi nghĩ rằng chưa đầy 30 năm sau khi bình thường hóa quan hệ và có đại sứ quán đầu tiên của chúng tôi ở Hà Nội năm 1995, chúng tôi giờ đây đang bắt tay vào xây dựng một biểu tượng mới tuyệt đẹp về cam kết của Hoa Kỳ đối với quan hệ đối tác và tình hữu nghị lâu dài của chúng tôi với Việt Nam”, ông Kritenbrink nói.
Cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam còn cho biết Mỹ và các đối tác Việt Nam hôm 10/4 đã ký thỏa thuận về các điều kiện xây dựng tòa đại sứ mới để “biến dự án được mong đợi từ lâu thành hiện thực”.
Chính phủ Mỹ và Việt Nam hồi tháng 8/2021 đã ký thỏa thuận về địa điểm xây dựng đại sứ quán mới khi Phó Tổng thống Kamala Harris tới thăm Hà Nội và chứng kiến lễ ký kết. Theo đại sứ quán Mỹ, ngân sách dành cho dự án của phía Mỹ là khoảng 1,2 tỷ USD và khu đất được thuê 99 năm, nơi cơ quan ngoại giao mới của Hoa Kỳ sẽ được xây dựng, có diện tích 3,2ha.
Hiện tại đại sứ quán lớn nhất của Mỹ trên thế giới là ở Baghdad của Iraq, trên diện tích 104ha với khoản đầu tư 750 triệu USD vào năm 2012. Vào năm 2021, Mỹ cũng đã động thổ xây dựng tòa nhà phụ của đại sứ quán ở Bangkok, Thái Lan, với khoản đầu tư 625 triệu USD ngay sau khi công bố thỏa thuận xây đại sứ quán mới ở Hà Nội, cho thấy cam kết ngày càng tăng của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Chuyến thăm của ông Blinken sẽ diễn trong khi Mỹ và Việt Nam kỷ niệm 10 năm kể từ ngày thiết lập quan hệ đối tác toàn diện và trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden xem Việt Nam là một đối tác quan trọng trong chính sách tăng cường sự hiện diện của Hoa Kỳ ở khu vực nơi Trung Quốc đang ngày càng bành trướng sức mạnh.
Mặc dù không tiết lộ ông Blinken sẽ gặp gỡ những lãnh đạo nào của Việt Nam cuối tuần này, nhưng ông Kritenbrink cho biết ngoại trưởng Mỹ sẽ nêu vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm quốc gia Đông Nam Á do Đảng Cộng sản cầm quyền, mà chính phủ Mỹ cùng các tổ chức quốc tế nhiều lần chỉ trích về hồ sơ nhân quyền chưa được tốt đẹp.
“Có một số vấn đề liên quan đến nhân quyền mà tôi tin rằng Ngoại trưởng (Blinken) sẽ nêu ra”, ông Kritenbrink nói. “Đánh giá công bằng về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, ta thấy đó là bức tranh có các mảng sáng tối lẫn lộn, bao gồm một số tiến bộ quan trọng. Nhưng tôi nghĩ, cũng có một số quan ngại đánh kể về mặt tự do ngôn luận, đặc biệt là trên mạng, và một số vấn đề liên quan đến tự do tôn giáo”.
Chính quyền Việt Nam hôm 12/4 kết án nhà hoạt động và blogger Nguyễn Lân Thắng 6 năm tù với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” mà các tổ chức nhân quyền lên án.
Báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ, do Ngoại trưởng Blinken công bố hôm 20/3, nêu lên các vi phạm về nhân quyền của chính quyền Việt Nam. Quốc gia Đông Nam Á cũng bị Mỹ đưa vào “Danh sách theo dõi đặc biệt” vì “vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo”. Việt Nam, tuy nhiên, đã phản bác các báo cáo của Mỹ, cho rằng Việt Nam tôn trọng nhân quyền và người dân có tự do tôn giáo ở trong nước.
Trả lời câu hỏi của Nike Ching, phóng viên VOA chuyên trách Bộ Ngoại giao ở thủ đô Washington, về việc liệu trường hợp của nhà báo Phạm Đoan Trang và nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh sẽ được nêu khi ông Blinken đến thăm Việt Nam hay không, ông Kritenbrink đưa ra nhận xét rằng “đã có một xu hướng đáng lo ngại là quấy rối, bắt bớ và các bản án khắc nghiệt nhắm vào các công dân, nhà báo và nhà hoạt động ở Việt Nam chỉ vì họ thực thi quyền bày tổ quan điểm và ý kiến của mình”.
Từ kinh nghiệm của mình khi là đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Kritenbrink cho biết ông luôn nhấn mạnh rằng lợi ích của Hoa Kỳ là hỗ trợ sự phát triển cho “một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, nhưng tất nhiên chúng tôi tin rằng Việt Nam và tất cả các nước sẽ vững mạnh hơn, thịnh vượng hơn và an ninh hơn khi Việt Nam cũng đảm bảo các quyền cơ bản của công dân”.
Theo Báo Chính phủ, ông Blinken dự kiến sẽ trao đổi về tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương kết nối, thịnh vượng, hòa bình và tự cường.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và quốc gia Đông Nam Á là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ, với giá trị thương mại hai chiều lên đến hơn 100 tỷ USD hàng năm, theo ông Kritenbrink cho biết.
“Việt Nam hiện là trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Kritenbrink nói, khi được phóng viên hỏi về việc liệu Việt Nam có được xem là sự thay thế hoàn toàn hoặc một phần cho sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc để sản xuất hàng hóa hay không.
Ông Kritenbrink cho biết Việt Nam là đối tác đáng tin cậy của Mỹ và hầu hết các công ty lớn nhất và quan trọng nhất của Mỹ đều đã có mặt tại Việt Nam.
“Tôi tin tưởng rằng Ngoại trưởng Blinken sẽ giúp thúc đẩy mối quan hệ đối tác của chúng tôi hơn nữa trong chuyến thăm quan trọng sắp tới của ông (đến Hà Nội),” ông Kritenbrink nói, và cho biết lý do hàng đầu cho chuyến thăm của ông Blinken là để đưa quan hệ đối tác Mỹ-Việt lên một tầm cao mới.
Chuyên gia: Ngoại trưởng Mỹ thăm Việt Nam nâng tầm quan hệ sẽ "khiến Trung Quốc không vui"
Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
13/4/2023
Ngoại trưởng Mỹ và Thủ tướng Việt Nam gặp nhau hồi tháng 5/2022
AFP
Việc “nâng cấp” quan hệ đối tác song phương Mỹ - Việt đang tăng khả năng “chắc chắn” rất cao, nếu như không nói là “rất chắc chắn”, và điều này liên quan tới tâm điểm chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tới Việt Nam, bắt đầu từ ngày 14/04/2023 tới đây, một nhà nghiên cứu, phân tích chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế nêu quan điểm hôm thứ Năm từ Hà Nội.
Trả lời câu hỏi về trọng tâm của chuyến thăm Việt Nam trong ba ngày, được dự kiến bắt đầu vào thứ Bảy tuần này của người đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ trong bối cảnh hai nước đang đánh dấu tròn 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cấp cao khách mời thuộc Viện nghiên cứu ISEAS (của Singapore), nói:
“Trong chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Ngoại trưởng Blinken, như phía Mỹ cũng đã thông báo rõ, sẽ có trao đổi với Việt Nam các vấn đề mở rộng hợp tác trong khuôn khổ đối tác toàn diện.
“Nó gồm những thứ gì? Nó gồm những đối thoại về chính trị, về an ninh, quốc phòng, về phát triển, hợp tác kinh tế, đầu tư.
“Và đặc biệt nó có những đối thoại về các vấn đề an ninh khu vực, đặc biệt là vấn đề của an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhưng sẽ nhấn mạnh an ninh của Đông Nam Á, trong đó có an ninh, những diễn biến an ninh ở trên Biển Đông, trong quan hệ với các nước Asean và đặc biệt là quan hệ với Trung Quốc."
Theo Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, ngoài ra, còn có một chủ đề rất đáng lưu ý khác liên quan chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ, đó là "tiếp tục có những trao đổi thẳng thắn và chi tiết về tình hình phát triển nhân quyền ở Việt Nam; và có những thúc đẩy hơn nữa những giao lưu giữa người dân với nhau.”
Nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam Hà Hoàng Hợp. Ảnh twitter @hahoanghop
Thành phần hai bên thế nào, ai gặp ai và lịch trình?
Về thành phần phái đoàn, lịch trình làm việc, đặc biệt là “ai gặp ai”, trong chuyến thăm của ông Antony Blinken ở Việt Nam, nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp chia sẻ thêm:
“Tôi thấy rằng phía Mỹ cũng nói sơ qua lịch trình, nhưng cũng khá cụ thể, ví dụ như là ngoài việc Ngoại trưởng Blinken gặp đối tác của mình là Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Bùi Thanh Sơn, thì sẽ có những cuộc gặp khác rất là quan trọng.
“Ví dụ như có cuộc gặp với ông Thủ tướng Việt Nam, và vào lúc 3 giờ chiều giờ Việt Nam ngày 15/4/2023, tức là vào ngày thứ Bảy, thì sẽ có cuộc gặp gỡ với ông Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam là ông Nguyễn Phú Trọng.
“Chính xác là có hai cuộc gặp quan trọng đó, nhưng tôi hy vọng là sẽ có cuộc gặp nữa với ông Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam.
“Bởi vì thời gian gần đây, hai phía đã có những đối thoại quốc phòng rất là tốt, mà vừa rồi có cuộc đối thoại quốc phòng do ông Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam là ông Hà Kim Ngọc đã tiến hành với phía Mỹ ở Washington D.C. và cuộc ấy rất tốt.”
“Và theo chiều hướng ấy, sẽ thúc đẩy và mở rộng hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ, bởi vì chúng ta biết trước đây, hai nước cũng chỉ ký với nhau một cái gọi là ‘Biên bản ghi nhớ về hợp tác Quốc phòng’ thôi, thì khả năng tới đây, sẽ tiến tới tiến hành ký hẳn một thỏa thuận như kiểu một ‘Hiệp định về hợp tác Quốc phòng’”
“Mà nó sẽ cụ thể hơn và sẽ có tính pháp lý cũng như tính thực tế và cụ thể hơn rất nhiều, bởi vì một hiệp định như thế chắc chắn cần phải được sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ.”
Hải cảnh Trung Quốc xịt vòi rồng vào tàu kiểm ngư Việt Nam hồi năm 2014. Ảnh: VNA/AFP
Triển vọng và tác động của việc ‘nâng cấp’ lên đối tác chiến lược?
Về triển vọng thực tế của việc thúc đẩy và chuẩn bị cho quan hệ đối tác từ toàn diện đến chiến lược, liên quan chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken sắp diễn ra, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, người cũng là thành viên nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, Anh quốc, nói:
“Tôi tin rằng trong năm nay, hai nước Mỹ và Việt Nam sẽ cùng nhau tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
“Tôi tin là như vậy và niềm tin này hầu như là chắc chắn sẽ xảy ra. Cách đây hai tuần có thể còn nói là không chắc chắn lắm, nhưng giờ này có thể nói rằng trong năm nay thì khả năng sẽ diễn ra tuyên bố đó của hai nước.”
Về tác động có thể có ngay tức thì và trong trung, dài hạn sẽ là gì, khi tuyên bố như trên được hai bên Hoa Kỳ và Việt Nam cùng đưa ra, ông Hà Hoàng Hợp nói:
“Một quan hệ tốt và tốt hơn giữa Việt Nam và Mỹ chắc chắn sẽ đóng góp lớn cho việc gìn giữ được sự ổn định và an ninh của khu vực Đông Nam Á, cũng như là của khu vực rộng hơn và đương nhiên sẽ đóng góp đáng kể cho việc Việt Nam chủ động hơn, tự tin hơn và mạnh mẽ hơn trong việc đảm bảo sự ổn định và an ninh của mình, trong bối cảnh thế giới và trong khu vực có nhiều phức tạp.”
Việt Nam hiện nay có quan hệ đối tác toàn diện với 13 nước trong đó có Hoa Kỳ, 13 nước có quan hệ đối tác chiến lược, trong khi chỉ có bốn quốc gia thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam gồm: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Khi được hỏi liệu có ai, chủ thể nào ở khu vực có thể không ‘hài lòng’, hoặc ‘không vui’ khi và nếu Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, nhà nghiên cứu từ Hà Nội nói:
“Đương nhiên là sẽ có Trung Quốc không vui, và họ không vui thì họ sẽ có nhiều cách để họ phản ứng. Chữ ‘phản ứng’ này rộng hơn chữ ‘phản đối’, vì nó có nhiều cách mà họ phản ứng.
“Phản ứng thứ nhất là phản ứng về chính trị, họ sẽ nói rằng họ mong muốn rằng quan hệ tốt giữa Việt Nam và Mỹ sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến họ.
“Thứ hai là họ sẽ có những phản ứng không phải là không phức tạp đối với Việt Nam, như là về mặt phát triển anh ninh, rồi phát triển kinh tế, thương mại, rồi giao lưu văn hóa, đến tất cả mọi thứ. Họ sẽ làm, nhưng trên thực tế thực ra chữ ‘sẽ’ đó đã xảy ra từ trước, từ lâu rồi, cho nên rất dễ nhìn thấy.
“Ngay cả bây giờ, chúng ta đều nhìn thấy là Trung Quốc không muốn Việt Nam có mối quan hệ tốt với các nước khác”.
Giải thích vì sao Trung Quốc lại ‘không muốn’ có mối quan hệ như thế, ông Hà Hoàng Hợp nói:
“Đó là vì họ muốn rằng những yêu sách về chủ quyền của họ ở Biển Đông này phải chăng sẽ dễ được thực hiện hơn chăng, chẳng hạn như yêu sách về ‘Đường 9 đoạn’, rồi những yêu sách khác.
“Và để làm như thế, từ lâu rồi, chúng ta đều biết những hành động của họ thuộc về cái gọi là ‘chiến thuật vùng xám’ mà họ làm để họ quấy phá, họ gây ra bất ổn, họ gây ra khó chịu, rồi dần dần họ lấn, để biết đâu mà một lúc nào đó những nước khác, kể cả Việt Nam, mà buông ra, thì họ sẽ đạt được những mục đích về chủ quyền của họ.”
Thời điểm nào hai nước có thể đưa ra tuyên bố?
Về tính thời điểm của việc hai bên Hoa Kỳ và Việt Nam có thể đưa ra tuyên bố về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nói:
“Theo tôi có mấy thời điểm để mà đưa ra tuyên bố. Một là nếu vào tháng Năm này, Tổng thống Mỹ Joe Biden khi đi họp, dự những cuộc họp của khối G-7 ở Karuizawa, Nhật Bản mà có điều kiện thuận lợi để thăm Việt Nam, thì tháng Năm 2023 tuyên bố luôn thì rất là đẹp, là tốt nhất, và Tổng thống Hoa Kỳ Biden cùng với Chủ tịch nước Việt Nam ông Võ Văn Thưởng, sẽ cùng nhau tuyên bố, với sự chứng kiến long trọng của ông Nguyễn Phú Trọng, đấy là sớm nhất.
“Tôi nghĩ được như thế là hay nhất, còn nếu không, thì tháng Bảy này nếu ông Nguyễn Phú Trọng có điều kiện, tức là có đủ những điều kiện thuận lợi để đi thăm chính thức nước Mỹ, thì lúc ấy cũng có thể tuyên bố.
“Mà để tuyên bố như thế, sẽ có một thủ tục lễ tân, đó là gì? Đó là ông Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ làm một ủy quyền cho ông Nguyễn Phú Trọng đứng ra tuyên bố ở Mỹ. Đó là một phương án, nhưng khả năng này cũng không phải là lớn.
“Thế còn nếu mà chậm nữa, tức là chậm nhất thì đến tháng 11/2023, khi mà ông Võ Văn Thưởng đi dự Hội nghị APEC ở Mỹ, thì khi ấy có thể kết hợp thăm chính thức Mỹ, và lúc ấy ông Võ Văn Thưởng và ông Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có thể tuyên bố.
“Đấy là muộn nhất, còn cũng có thể có những dịp khác, và tôi nghĩ cái tuyên bố như thế được rất nhiều người chờ đợi từ lâu rồi, cho nên nếu nó diễn ra thì sẽ đem lại một không khí vui vẻ hơn.
“Còn tất nhiên về mặt chính trị, có nhiều người có thể nghĩ khác đi, nhưng nói chung theo tôi là nó sẽ tốt, và cứ nghĩ theo chiều hướng là khi mà những mối quan hệ, bất cứ quan hệ ở đâu, mà được làm tốt hơn, thì nó sẽ có tác dụng tích cực trong việc duy trì ổn định, hòa bình và tạo ra được những tiền đề tốt hơn cho phát triển,” TS Hà Hoàng Hợp chia sẻ nhận định từ góc nhìn trên quan điểm riêng của ông hôm 13/4/2023 từ Hà Nội.
Cũng từ Hà Nội, mới đây, hôm 11/4, một thông báo được Báo điện tử của Chính phủ Việt Nam loan tin, xác nhận chuyến thăm của phía Hoa Kỳ và cho hay “Nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ thăm Việt Nam từ ngày 14-16/4.”
“Trong chuyến công du lần này, Ngoại trưởng Mỹ Blinken sẽ tới Hà Nội để thúc đẩy các cuộc thảo luận quan trọng với Việt Nam nhân dịp hai nước kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện.
“Dự kiến trong các cuộc gặp với các quan chức cấp cao của Việt Nam, ông Blinken sẽ trao đổi về tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương kết nối, thịnh vượng, hòa bình và tự cường.
“Sau khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Blinken sẽ tới Karuizawa, Nhật Bản để tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G7”, vẫn trang Báo điện tử của Chính phủ Việt Nam, hôm thứ ba tuần này cho biết.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ giảm 5,5 tỷ USD trong quý 1
12/4/2023
Công nhân Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ giảm mạnh tới 5,5 tỷ USD trong Quý 1/2023, tương đương giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trang web của Tạp chí Hải quan hôm 12/4 dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết rằng hồi tháng 3, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 7,75 tỷ USD, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu sang nền kinh tế lớn nhất trong cả quý 1 lên 20,76 tỷ USD.
Dù vẫn duy trì vị thế thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng kim ngạch ở thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh tới 5,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái - Việt Nam xuất lượng hàng sang Mỹ đạt giá trị 26,26 tỷ USD trong Quý 1/2022 - theo tạp chí của Tổng cục Hải quan.
Tin cho hay, trong Quý 1 vừa qua, có có 6 nhóm hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, dẫn đầu là, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với 3,98 tỷ USD; tiếp đến là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,55 tỷ USD; dệt may với 3,04 tỷ USD, điện thoại và linh kiện đạt 2,34 tỷ USD; giày dép 1,42 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ gần 1,4 tỷ USD.
Theo Tạp chí Hải quan, ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Hoa Kỳ trong quý 1 đạt hơn 3 tỷ USD, giảm hơn 400 triệu USD, tương đương khoảng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 598,7 triệu USD; tiếp theo là đậu tương với 230,4 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với 186,8 triệu USD; chất dẻo nguyên liệu đạt 184,8 triệu USD; hóa chất đạt 163,6 triệu USD…
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, xuất khẩu hàng Việt Nam sang Mỹ năm 2022 đạt 109,38 tỉ USD, và đây cũng là lần đầu tiên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang một thị trường đạt mốc 100 tỉ USD.
Cao Bằng: Chính quyền tháo phông bàn thờ, ép tín đồ Dương Văn Mình bỏ đạo
12/4/2023
Bàn thờ của một gia đình theo đạo Dương Văn Mình trước và sau khi bị phá ngày 2/8/2022 ở Nà Héng, Nam Quang, Bảo Lâm, Cao Bằng. Photo VETO!
Các tín đồ của tín ngưỡng có tên Dương Văn Mình ở xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng cho VOA biết rằng vào ngày 5/4/2023, chính quyền địa phương cử 15 cán bộ xã vào xóm Nà Héng để phá bàn thờ và ép những người dân tộc H’mong theo đạo Dương Văn Mình ký vào giấy cam kết bỏ đạo.
Các tín đồ cho biết đoàn chính quyền đã chặn đường 7 tín đồ và ép họ ký vào bản cam kết bỏ đạo. Khi họ từ chối ký thì chính quyền được cho là đã khống chế chân tay để bôi mực và ấn vân tay của họ vào các tờ giấy cam kết này.
Các nạn nhân bao gồm ông Lý Văn Chi, ông Hoàng Văn Chạ, ông Mã Văn Chầu, ông Mã Văn Sùng, ông Đào Văn Sử và bà Đào Thị Pè.
Trao đổi với VOA, ông Lý Văn Chi thuật lại sự việc xảy ra hôm 5/4:
“…Cán bộ xã bảo dừng xe, ký cam kết…nhưng chúng tôi không nhất trí….Họ ép buộc ký…”
Ông Hoàng Văn Thành, một người đại diện và đồng thời là người thông dịch cho ông Chi do ông không rành tiếng Kinh, nói với VOA:
“Hôm đấy ông Chi đi chợ khoảng 9 giờ sáng hơn thì gia đình điện cho ông Chi bảo rằng về nhà đi vì có đoàn chính quyền đến nhà tháo dỡ phông bàn thờ. Ông Chi liền quay từ chợ về cách nhà 300m thì ông Chi gặp đoàn chính quyền, họ dừng xe ông. Họ nói ‘yêu cầu anh từ nay không treo cái phông kia nữa. Chúng tôi có bản cam kết để anh tự nguyện ký bỏ đạo, tín ngưỡng đó và không tin theo nữa. Nếu anh không nhất trí thì chúng tôi sẽ bắt buộc anh ký’”.
“Ông Chi không ký và bảo rằng ‘đó là con đường hợp với tôi’. Đoàn chính quyền cầm tay và kéo ông Chi điểm chỉ ký vào tờ cam kết. Ông Chi không chịu, ông làm rách tờ 1 thì chính quyền ép ký vào tờ 2. Sau khi kéo tay ông Chi điểm chỉ xong thì đoàn chính quyền đi về, không nói gì nữa”.
Ông Hoàng Văn Chạ, một nạn nhân khác cũng bị ép bỏ đạo, nói với VOA:
“Có một anh cầm tay trái tôi vặn về đằng sau, sau đó 5 người cầm tay của tôi điểm chỉ. Có anh trưởng công an xã đi từ bên phải bóp vào sườn của tôi”.
Khi được hỏi về việc bị chính quyền chặn đường và ép ký bỏ đạo, ông Chạ nói: “Tôi nghĩ chính quyền làm như thế là không đúng pháp luật. Ép người dân như vậy là quá đáng đối với người dân… Làm như vậy sẽ làm cho bà con hoang mang”.
Ông Chạ nói về đạo Dương Văn Mình: “Đó là một điều tốt. Khi chúng tôi lớn lên, cha mẹ chúng tôi đã theo. Chúng tôi thấy điều đó là đúng với phong tục của người H’mong và không có gì sai pháp luật. Điều đó rất tốt đối với bản thân tôi và với người H’mong theo Dương Văn Mình”.
VOA đã liên lạc chính quyền xã Nam Quang, và chính quyền huyện Bảo Lâm, kể cả Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng, đề nghị họ cho ý kiến về các cáo buộc trên, nhưng chưa được phản hồi.
Hồi tháng 3/2023, chính quyền huyện Bảo Lâm tổ chức một hội nghị “tổng kết cao điểm 100 ngày đấu tranh xóa bỏ “tổ chức bất hợp pháp” Dương Văn Mình, ca ngợi thành tích về việc “kiềm chế, kéo giảm sâu và dần thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của tín ngưỡng này trên địa bàn huyện”.
“Đến nay, trên địa bàn huyện không còn ‘nhà đòn’ và ‘tấm phông trắng’; 100% điểm, nhóm không tổ chức ‘Tết chung’; có 11.091/13.108 hộ đã ký cam kết (đạt 86,4%)”, đài truyền hình Cao Bằng cho biết trong một bản tin hôm 11/3.
Truyền thông địa phương cho biết đây là nỗ lực của các cấp chính quyền do Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo về “đấu tranh, ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình trên địa bàn tỉnh”.
Từ Đức, ông Vũ Quốc Dụng, Giám Đốc Điều Hành của tổ chức nhân quyền VETO!, nêu nhận định với VOA về việc chính quyền Việt Nam xóa bỏ đạo Dương Văn Mình:
“Hiện nay chính quyền Việt Nam đang tiến hành chiến dịch xóa bỏ đạo Dương Văn Mình, một đạo đặc biệt của người dân tộc H’mong, tập trung ở 4 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, và Tuyên Quang”.
“Chính quyền Việt Nam gọi đạo Dương Văn Mình là một tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Ban đầu Việt Nam gọi họ là tổ chức tôn giáo bất hợp pháp, nhưng dần dần họ bỏ chữ ‘tôn giáo’ đi để tránh việc bị cho là đàn áp tôn giáo”.
Chiến dịch xóa bỏ đạo Dương Văn Mình bắt đầu từ tháng 12/2021 khi ông Dương Văn Mình, người sáng lập, bị chết do bệnh ung thư. Nhân dịp đó, chính quyền ra tay đàn áp.
“Chiến dịch xóa bỏ này dùng các biện pháp như hăm dọa, bắt giữ, kết án tù, phá nhà bảo quản đồ tang lễ, phá các bàn thờ, bắt ký giấy cam kết bỏ đạo, cấm không được tập trung cầu nguyện vào ngày Chủ Nhật, phá các đám tang…”
Nhận định về tính hợp pháp của các hành động cấm đoàn này, ông Dụng nói:
“Cho đến bây giờ chính quyền không có bằng chứng nào cho những lời kết tội họ, cho rằng đây là tổ chức mê tín, nhằm có các hoạt động xưng vua, hay thành lập ra các khu tự trị…Các cáo buộc đó nhà nước không chứng minh được. Tuy nhiên, nhà nước vẫn đưa ra các chính sách xóa bỏ, cấm cản”.
“Cho đến bây giờ đặc điểm của chiến dịch này là không có văn bản. Tất cả đều nói rằng họ đều làm theo cấp trên và họ tiếp tục thi hành các biện pháp rất dã man... Điều này nói lên tính chất vô pháp – không dựa vào luật pháp, không dựa vào Hiến pháp hay bất cứ đạo luật nào tại Việt Nam”, ông Dụng cho biết thêm.
Vào tháng trước, chính phủ và Bộ Công an Việt Nam, trực tiếp là Cục An ninh nội địa, đã đề nghị công an các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn xây dựng các mục tiêu, lộ trình, thông qua việc huy động cả hệ thống chính trị tham gia, để “đấu tranh, xoá bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”.
Theo luật pháp Việt Nam hiện nay, người dân có quyền theo bất kỳ tín ngưỡng, tôn giáo nào mà họ mong muốn. Pháp luật cũng không có quy định nào cấm người dân không được tham gia các tôn giáo chưa đăng ký với chính quyền, kể cả các tôn giáo mà báo chí nhà nước dán nhãn “tà đạo”.
Từ trước đến nay, chính quyền Việt Nam bác bỏ các cáo buộc vi phạm tự do tôn giáo, tín ngưỡng.
Trong một văn bản phản hồi lời đề nghị đưa ra bình luận của VOA vào tháng 11/2022, Bộ Ngoại giao Việt Nam viết: “Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật”.
Cựu phó Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn bị tước hàm thiếu tướng
12/4/2023
Cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn
Dân Việt
Cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn bị tước hàm thiếu tướng do “môi giới hối lộ, nhận gần 43 tỷ đồng để chạy án cho hai người trong vụ các chuyến bay giải cứu”.
Quyết định tước hàm thiếu tướng đối với cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký và truyền thông loan tin ngày 12/4.
Ông Nguyễn Anh Tuấn bị Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT) thuộc Bộ Công an kết luận nhận hơn 2,6 triệu đô la Mỹ từ bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky - để chạy cho bản thân bà Hằng và ông Lê Hồng Sơn - Tổng Giám đốc Công ty Bluesky - không bị xử lý hình sự.
Hai người này bị cáo buộc móc nối, đưa hối lộ cho các bị can có thẩm quyền hơn 38 tỷ đồng để xin phép thực hiện 109 chuyến bay combo đưa người Việt bị kẹt ở nước ngoài trong đợt dịch COVID-19 về nước.
Cơ quan ANĐT kết luận từ tháng 1/2022 đến tháng 12/2022, ông Nguyễn Anh Tuấn nhận lời làm trung gian và nhận tiền từ bà Nguyễn Thị Thanh Hằng rồi liên lạc với ông Hoàng Văn Hưng- Trưởng Phòng Điều tra Cục ANĐT Bộ Công an và là điều tra viên thụ lý chính vụ án “các chuyến bay giải cứu” với mục đích chạy cho bà Hằng và ông Sơn khỏi bị xử lý hình sự.
Cơ quan ANĐT xác định ông Tuấn nhận hơn 2,6 triệu đô là từ bà Hằng; và ông Tuấn Khai đã chi tổng cộng 800.000 đô la cho ông Hoàng Văn Hưng. Hành vi nhận tiền của ông Hưng bị cho đủ yếu tố cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Vào ngày 4/4 vừa qua, Cơ quan ANĐT thuộc Bộ Công an cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án “các chuyến bay giải cứu” và đã chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đề nghị truy tố 54 người về năm tội danh gồm “đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ/quyền hạn trong khi thi hành công vụ, và lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Quê Hương tổng hợp
Không có nhận xét nào