Header Ads

  • Breaking News

    Chuyển động Quốc Phòng từ ngày 31 tháng3 đến ngày 06 tháng 4 năm 2023


    Chiến tranh Nga – Ukraine:

    Nga thành lập đội tàu sân bay đặc biệt trang bị ngư lôi Poseidon

    Nga dự định thành lập một đội tàu ngầm ngư lôi chuyên dụng có khả năng hạt nhân như một phần của Hạm đội Thái Bình Dương vào cuối năm 2024 hoặc nửa đầu năm 2025. Hồi tháng 1, Nga cho biết đã sản xuất lô ngư lôi Poseidon đầu tiên, xác nhận rằng Moscow sẽ có nguồn cung cấp năng lượng hạt nhân riêng. Vào cuối tháng 3, Nga cho biết cơ sở hạ tầng ven biển dành cho các tàu ngầm mang ngư lôi Poseidon sẽ được hoàn thành trên bán đảo Kamchatka, nơi đặt căn cứ tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Hạm đội Thái Bình Dương.

    Xem thêm tại: Reuters, Russia to form special division of Poseidon torpedo carriers, TASS reports. Truy cập ngày 3/4/2023

    Nga, Belarus kỷ niệm ‘ngày thống nhất’ khi chiến tranh tiếp diễn ở Ukraine

    Minsk và Moscow sẽ đánh dấu một ngày thống nhất nhằm kỷ niệm 27 năm ngày Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và Tổng thống Nga khi đó là ông Yeltsin ký một hiệp ước nhằm thành lập Nhà nước Liên minh của hai nước láng giềng Slavic. Trong cuộc chiến tại Ukraine vào năm ngoái, Minsk đã trung thành đứng về phía Nga và gần đây đã đồng ý cho Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật bên trong lãnh thổ Belarus – một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ bền chặt hơn giữa hai nước.

    Xem thêm tại: Al Jazeera, Russia, Belarus celebrate ‘unity’ as war grinds on in Ukraine. Truy cập ngày 3/4/2023

    Nga phá hủy lựu pháo Krab của Ukraine bằng drone tự sát

    Một hệ thống pháo Krab 155mm của Ukraine và một xe tải tiếp tế đã bị drone tự sát Lancet của Nga phá hủy. Lancet có tốc độ bay khoảng 120 km/h và phạm vi tấn công tối đa là 40km. Lancet sẽ bay phía trên thao trường, định vị và theo dõi kẻ thù, ‘điều tra’ các mục tiêu khả thi để giúp chọn những mục tiêu có giá trị cao, chọn đúng thời điểm, hướng và góc tấn công, sau đó thực hiện một cuộc tấn công chính xác vào mục tiêu.

    Xem thêm tại: Defence Blog, Russia destroys Ukrainian Krab howitzer with kamikaze drone. Truy cập ngày 3/4/2023

    Wagner tuyên bố kiểm soát ‘hợp pháp’ đối với Bakhmut của Ukraine

    Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu Tập đoàn Wagner, đã tuyên bố quyền kiểm soát “hợp pháp” đối với Bakhmut của Ukraine. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo quân đội Ukraine cho biết hôm thứ hai rằng Wagner đã cố gắng kiểm soát thị trấn, nhưng lực lượng Ukraine đã “đẩy lùi hơn 20 cuộc tấn công của kẻ thù”. Ngoài ra, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar trước đó đã mô tả tình hình xung quanh thị trấn đang rất “căng thẳng”.

    Xem thêm tại: Al Jazeera, Wagner claims ‘legal’ control of Ukraine’s Bakhmut. Truy cập ngày 4/4/2023

    Nga triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-350 mới gần Moscow để chống lại các cuộc tấn công bằng drone của Ukraine

    Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố rằng các lực lượng vũ trang Nga đặt mục tiêu hoàn thành việc hiện đại hóa hệ thống phòng thủ tên lửa bằng cách sử dụng hệ thống phòng không S-350. Ngoài ra, hệ thống S-350 còn được dùng để bảo vệ Moscow khỏi các cuộc tấn công bằng drone của Ukraine. S-350, còn được gọi là Vityaz, là hệ thống tên lửa đất đối không mới nhằm thay thế các hệ thống cũ hơn như S-300PS và bổ sung cho các hệ thống tiên tiến hơn như S-400 Triumf. S-350 có khả năng đánh chặn nhiều mối đe dọa trên không, bao gồm máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình và UAV.


    Ukraine cho biết sáu người thiệt mạng, tám người bị thương trong vụ pháo kích của Nga ở miền đông đất nước

    Andriy Yermak, người đứng đầu Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết sáu thường dân đã thiệt mạng và tám người bị thương trong vụ pháo kích của Nga vào Kostiantynivka ở miền đông Ukraine vào sáng Chủ nhật. Kostiantynivka, chỉ cách Bakhmut 20 km về phía tây, là tâm điểm giao tranh trong ít nhất 8 tháng khi lực lượng Nga cố chiếm thành phố.

    Xem thêm tại: Reuters, Ukraine says six killed, eight wounded in Russian shelling in east of country. Truy cập ngày 3/4/2023

    Mỹ gửi vũ khí chống máy bay không người lái thử nghiệm tới Ukraine

    Mỹ hôm thứ Ba đã công bố một gói viện trợ quân sự lớn cho Ukraine tập trung vào hệ thống phòng không, bao gồm 10 hệ thống tên lửa dẫn đường bằng laser c-UAS di động, như một phần của nền tảng thử nghiệm nhằm giúp Ukraine hạ gục drone Shahed-136 do Iran sản xuất. Nga đã sử dụng những chiếc Shahed-136 để tấn công không chỉ các lực lượng Ukraine mà còn nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự để gây mất điện trên khắp đất nước. Shahed-136 có giá khoảng 20.000 USD mỗi chiếc, nhưng đôi khi Ukraine buộc phải sử dụng các loại tên lửa phòng không trị giá 500.000 USD để bắn hạ chúng. Thêm vào đó, Bộ QP Mỹ (DoD) cũng đã công bố gói viện trợ đạn dược trị giá 500 triệu USD cho Ukraine bao gồm các loại đạn bổ sung cho hệ thống phòng không Patriot, bệ phóng tên lửa HIMARS, đạn pháo và súng cối. Ngoài ra, DoD cũng sẽ cung cấp thêm đạn dược cho các hệ thống phòng không NASAMS, radar giám sát trên không, hệ thống chống drone di động, đạn phòng không, đạn xe tăng, tên lửa và rocket chống tăng, đạn vũ khí hạng nhẹ .

    Xem thêm tại: Defense One, US Sending Experimental Anti-Drone Weapons to Ukraine. Truy cập ngày 5/4/2023; Defence Blog, Ukraine to receive more defensive munitions to strengthen its defense. Truy cập ngày 6/4/2023

    Na Uy và Đan Mạch hợp tác tài trợ đạn pháo cho Ukraine

    Copenhagen, Oslo cùng với các quốc gia EU và NATO khác đang trong quá trình đáp ứng một số đóng góp quân sự khác nhau. Na Uy và Đan Mạch sẽ tặng 8.000 viên đạn pháo 155mm cho Ukraine. Na Uy tặng vỏ đạn, trong khi Đan Mạch tặng ngòi kích nổ, túi thuốc phóng và hộp mồi cùng với 19 khẩu lựu pháo tự hành Caesar. Na Uy đã đóng góp rất nhiều cho Ukraine cho đến năm 2022 và cho biết mình sẽ tiếp tục hỗ trợ Kyiev chống lại Nga trong những năm tới.

    Xem thêm tại: Regjeringen, Norway and Denmark to cooperate on artillery ammunition donation. Truy cập ngày 4/4/2023

    EOS cung cấp hệ thống vũ khí từ xa cho Ukraine

    Electro Optic Systems (EOS) thông báo rằng họ đã giành được hợp đồng cung cấp Hệ thống vũ khí từ xa (RWS) có điều kiện cho Ukraine trị giá lên tới 80 triệu USD. RWS được thiết kế để mang lại độ chính xác và độ tin cậy cao hơn bất kỳ hệ thống đối thủ cạnh tranh nào khác. Ngoài ra, RWS có thể được tích hợp trên nhiều phương tiện và nền tảng khác nhau và được sử dụng cho nhiều loại nhiệm vụ, ví dụ như đồng thời đảm bảo việc sẵn sàng sử dụng vũ khí đầy đủ trong khi bảo vệ tổ đội vận hành hệ thống bên trong xe.

    Xem thêm tại: Defense News, EOS to Supply Remote Weapon Systems to Ukraine. Truy cập ngày 4/4/2023

    Rheinmetall thành lập trung tâm bảo trì vũ khí Ukraine tại Romania

    Nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall của Đức đang xây dựng một trung tâm hậu cần và bảo trì quân sự ở Satu Mare, Romania, dự kiến ​​sẽ bắt đầu hoạt động trong tháng này để phục vụ cho cuộc chiến ở Ukraine. Trung tâm bảo hành, nằm gần biên giới với Ukraine, sẽ tiếp nhận bảo trì pháo tự hành, xe tăng Leopard 2 và Challenger, xe chiến đấu bộ binh Marder, xe vận tải bọc thép Fuchs và xe tải quân sự.

    Xem thêm tại: Reuters, Armsmaker Rheinmetall sets up maintenance hub in Romania for Ukraine weapons. Truy cập ngày 4/4/2023



    Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

    Cảnh sát biển Mỹ yêu cầu thêm bốn tàu tuần tra cho các nhiệm vụ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

    Lực lượng cảnh sát biển Mỹ đang yêu cầu thêm 4 tàu tuần tra phản ứng nhanh (FRC) trị giá 400 triệu USD nhằm mở rộng vai trò của mình tại Tây Thái Bình Dương và làm việc với Hải quân Mỹ để thiết lập sự hiện diện của Mỹ tại các quốc đảo xa xôi nhu Guam và Hawaii. FRC đã chứng tỏ khả năng trong các cuộc tuần tra đường dài ngoài Hawaii và Guam, thực hiện các nhiệm vụ vượt xa mong đợi đối với một chiếc tàu tuần tra dài khoảng 45 mét. FRC rất lý tưởng cho các hoạt động tuần tra đánh cá trong các vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn của các đảo Thái Bình Dương.

    Xem thêm tại: Maritime Executive, U.S. Coast Guard Asks for Four More Cutters for Indo-Pacific Missions. Truy cập ngày 31/3/2023

    Lockheed Martin gia tăng sản xuất HIMARS

    Nhà sản xuất vũ khí Mỹ Lockheed Martin xác nhận rằng họ đang tăng cường sản xuất, bao gồm cả bệ phóng tên lửa HIMARS. Công ty này cho biết năng lực sản xuất hệ thống HIMARS ban đầu là 48 chiếc mỗi năm, nhưng khi nhu cầu tăng lên, Lockheed Martin có thể nhanh chóng tăng lên 60 chiếc mỗi năm. Hiện tại, công ty quốc phòng của Mỹ đang trên đà đáp ứng công suất 96 đơn vị mỗi năm vào năm 2024, theo yêu cầu của Quân đội Mỹ vào mùa hè năm ngoái.

    Xem thêm tại: Defence Blog, Lockheed Martin ramps up HIMARS production. Truy cập ngày 1/4/2023

    Lockheed Martin thắng hợp đồng tên lửa Hellfire và JAGM mới

    Lockheed Martin đã được Quân đội Mỹ trao hợp đồng sản xuất kéo dài nhiều năm trị giá hơn 400 triệu USD cho Tên lửa hỗn hợp không đối đất (JAGM) và tên lửa Hellfire, bao gồm hỗ trợ mua sắm và sản xuất cho khách hàng quốc tế. Lockheed Martin cho biết chương trình JAGM dự đoán nhu cầu quốc tế sẽ tăng mạnh, trong khi Hellfire hiện có hơn 30 khách hàng nước ngoài. Đầu tháng 3, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đồng ý với yêu cầu của Warsaw nhằm cung cấp 800 tên lửa AGM-114R2 Hellfire II cho Quân đội Ba Lan. Các tên lửa này sẽ được tích hợp trên các máy bay trực thăng Leonardo AW149 do Bộ Quốc phòng Ba Lan đặt hàng vào mùa hè năm 2022.

    Xem thêm tại: Shephard Media, Lockheed Martin wins new Hellfire and JAGM missile contract. Truy cập ngày 4/4/2023

    Tướng Mỹ kêu gọi “hạ giọng” về vấn đề Trung Quốc

    Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ tướng Mark Milley cảnh báo về sự gia tăng của những luận điệu “quá nóng” về một cuộc chiến sắp xảy ra giữa Mỹ với Trung Quốc, đồng thời nghi ngờ cơ hội “chinh phục” Đài Loan của Trung Quốc. Tuy nhiên, tướng Milley nói thêm rằng Mỹ nên tiếp tục đẩy nhanh việc vận chuyển vũ khí cho Đài Loan và khả năng quân sự của chính mình nhằm đề phòng bất trắc. Ngoài ra, tướng Milley cũng cho rằng còn quá sớm để lo ngại về một liên minh giữa Nga và Trung Quốc.

    Xem thêm tại: Defense One, ‘Lower the Rhetoric’ on China, Says Milley. Truy cập ngày 1/4/2023

    Trung Quốc nói sẵn sàng hợp tác quân sự nhiều hơn với Nga

    Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm thứ năm cho biết PLA sẵn sàng tăng cường hợp tác với Nga, bao gồm tiến hành thêm nhiều cuộc tập trận chung và tuần tra trên không và trên biển. Hai nước sẽ làm việc cùng nhau để xây dựng lòng tin giữa lực lượng quân đội của hai bên, bảo vệ sự công bằng và công lý quốc tế, cũng như thực hiện Sáng kiến ​​An ninh Toàn cầu, một dự án của Trung Quốc nhằm thúc đẩy hòa bình. Trước đó, vào đầu tháng nay Trung Quốc, Nga và Iran đã cùng tổ chức một cuộc tập trận kéo dài 5 ngày ở Vịnh Oman.

    Xem thêm tại: SCMP, China says it’s open to more military cooperation with Russia. Truy cập ngày 31/3/2023

    Đài Loan cho biết máy bay phản lực Trung Quốc đã thực hiện các cuộc tuần tra ‘sẵn sàng chiến đấu’

    Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết 10 máy bay Trung Quốc đã vượt qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan. Theo đó, chín máy bay Trung Quốc đã vượt qua đường trung tuyến hôm thứ sáu. Bộ QP Đài Loan cho biết những máy bay này đang thực hiện các cuộc tuần tra sẵn sàng chiến đấu, một động thái của Trung Quốc nhằm “cố tình tạo ra căng thẳng”, phá hoại hòa bình và ổn định. Bắc Kinh cũng đã đe dọa trả đũa nếu Tổng thống Thái Anh Văn gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy khi bà quá cảnh qua Mỹ trong chuyến đi tới Mỹ Latinh.

    Xem thêm tại: Al Jazeera, Taiwan says Chinese jets carried out ‘combat readiness’ patrols. Truy cập ngày 2/3/2023

    Đài Loan triển khai tàu ngầm chiến đấu không người lái nhằm củng cố năng lực chiến đấu bất đối xứng

    Nhà sản xuất UAV Đài Loan Lôi Hổ đã giới thiệu nguyên mẫu hệ thống chiến đấu Seawolf 400 AUV được thiết kế để tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan. Seawolf 400 AUV dài 4 mét, nặng khoảng 1.000 kg và có khả năng duy trì tốc độ từ 2 đến 7 hải lý/giờ khi lặn trong tối đa 10 giờ. Nó được thiết kế đặc biệt như một hệ thống tác chiến chiến tranh bất đối xứng nhằm đối phó với các động thái hiếu chiến ngày càng tăng của lực lượng PLA trong và xung quanh eo biển Đài Loan.

    Xem thêm tại: Taiwan English News, Unmanned combat subs to strengthen Taiwan’s asymmetrical combat power. Truy cập ngày 31/3/2023

    Philippines chỉ định 4 căn cứ mới cho lực lượng Mỹ giữa cơn thịnh nộ của Trung Quốc

    Chính phủ Philippines hôm thứ hai đã xác định bốn doanh trại quân sự mới, nơi lực lượng luân phiên của Mỹ sẽ được phép đóng quân vô thời hạn, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc. Các địa điểm mới bao gồm một căn cứ hải quân Philippines ở Santa Ana và một sân bay quốc tế ở Lal-lo, cả hai đều ở phía bắc tỉnh Cagayan. Những địa điểm mới đã khiến các quan chức Trung Quốc tức giận vì chúng sẽ cung cấp cho lực lượng Mỹ một căn cứ quân sự gần miền nam Trung Quốc và Đài Loan.

    Xem thêm tại: AP, Philippines names 4 new camps for US forces amid China fury. Truy cập ngày 4/4/2023

    Nhật Bản lên kế hoạch viện trợ quân sự cho 4 quốc gia theo khuôn khổ mới

    Tokyo có kế hoạch trong tương lai gần sẽ công bố các bản hướng dẫn cho một khuôn khổ mới có tên là Hỗ trợ An ninh Chính thức (OSA) để cung cấp viện trợ cho quân đội của các quốc gia có cùng chí hướng. Theo OSA, Nhật Bản sẽ giúp các nước nâng cao khả năng răn đe thông qua cung cấp thiết bị phòng thủ và bằng các biện pháp khác. Nhật Bản đang xem xét cung cấp một hệ thống radar để cảnh báo và giám sát cho quân đội Philippines và cung cấp viện trợ quân sự cho Bangladesh, Fiji và Malaysia.

    Xem thêm tại: Japan News, Japan Plans Military Aid for 4 Countries Under New Framework. Truy cập ngày 4/4/2023

    Nhật Bản, Trung Quốc thiết lập đường dây nóng quốc phòng để ngăn chặn các cuộc đụng độ ngoài ý muốn

    Nhật Bản và Trung Quốc đã thiết lập một đường dây nóng quốc phòng được thiết kế để ngăn chặn các cuộc đụng độ ngẫu nhiên giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Trung Quốc. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý đẩy nhanh việc này khi họ gặp nhau vào tháng 11 năm ngoái. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết đường dây nóng sẽ cho phép hai bên liên lạc với nhau với tính năng bảo mật thông tin được tăng cường.

    Xem thêm tại: NHK, Japan, China launch defense hotline to prevent accidental clashes. Truy cập ngày 1/4/2023

    Tàu Trung Quốc lưu lại vùng biển Nhật Bản gần Senkaku trong thời gian kỷ lục

    Bốn tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã nán lại trong lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông trong 80 giờ 36 phút trước khi ba tàu rời khỏi khu vực vào tối chủ nhật. Trong số bốn chiếc đi vào vùng biển Nhật Bản, một chiếc được trang bị thứ dường như là một khẩu pháo tự động. Nhóm đảo nhỏ không có người ở mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư, từ lâu đã là nguyên nhân gây xích mích giữa hai nước láng giềng châu Á.

    Xem thêm tại: Kyodo News, China ships stay in Japan waters near Senkakus for record time. Truy cập ngày 3/4/2023

    Ngoại trưởng Nhật Bản cảnh báo về quan hệ quân sự Nga-Trung

    Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimas Hayashi nêu quan ngại ở Bắc Kinh về việc gia tăng hoạt động quân sự chung của Nga và Trung Quốc vào đúng ngày Tokyo chính thức khai trương căn cứ tên lửa gần Trung Quốc nhất. Căn cứ trên đảo Ishigaki là một phần trong chương trình củng cố hệ thống đảo cận nhiệt đới mà Tokyo coi là dễ bị tổn thương trước tham vọng khu vực của Trung Quốc. Nó sẽ được trang bị tên lửa chống hạm và phòng không để răn đe hải quân và không quân Trung Quốc. Trung Quốc và Nga đã tiến hành các chuyến bay ném bom chung gần Nhật Bản vào tháng 5 năm ngoái và các cuộc tập trận hải quân xung quanh Nhật Bản.


    Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản tổ chức tập trận chống tàu ngầm nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên

    Hải quân của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản sẽ tổ chức hai ngày tập trận chống tàu ngầm bắt đầu từ thứ Hai để đối phó tốt hơn với năng lực tên lửa và hạt nhân đang phát triển của Triều Tiên. Cuộc tập trận sẽ được tổ chức ở vùng biển quốc tế ngoài khơi đảo Jeju phía nam của Hàn Quốc. Các cuộc tập trận ba bên diễn ra khi Triều Tiên công bố vào tuần trước các đầu đạn hạt nhân mới, nhỏ hơn, tuyên bố sẽ sản xuất nhiều vật liệu hạt nhân cấp vũ khí hơn để mở rộng kho vũ khí của mình và khoe khoang về máy bay không người lái tấn công dưới nước có khả năng hạt nhân.


    Mức độ hoạt động cao được phát hiện tại khu phức hợp hạt nhân của Triều Tiên

    Các hình ảnh vệ tinh cho thấy mức độ hoạt động cao tại cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên, sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên ra lệnh tăng sản xuất nhiên liệu để mở rộng kho vũ khí hạt nhân. Dựa trên các hình ảnh từ ngày 3 và 17 tháng 3, có thể chỉ ra rằng Lò phản ứng nước nhẹ thử nghiệm (ELWR) tại Yongbyon sắp hoàn thành và chuyển sang trạng thái hoạt động. Hôm thứ ba, Triều Tiên tiết lộ các đầu đạn hạt nhân mới, nhỏ hơn và tuyên bố sẽ sản xuất nhiều vật liệu hạt nhân cấp độ vũ khí hơn để mở rộng kho vũ khí của mình. Không rõ liệu Triều Tiên đã phát triển đầy đủ các đầu đạn hạt nhân thu nhỏ cần thiết để lắp vào các vũ khí nhỏ hơn mà nước này trưng bày hay chưa.


    Campuchia tiết lộ kế hoạch phòng không gần căn cứ hải quân do Trung Quốc tài trợ

    Chính phủ Campuchia tuần trước tiết lộ kế hoạch phát triển một trung tâm phòng không và mở rộng hệ thống radar tại Công viên quốc gia Ream gần căn cứ hải quân ở tỉnh Sihanoukville. Mặc dù các kế hoạch mới cho thấy mong muốn của Campuchia nhằm củng cố cơ sở hạ tầng quân sự yếu kém của mình, nhưng các chuyên gia cho rằng những phát triển này cũng sẽ tăng cường khả năng thu thập giám sát và củng cố giá trị chiến lược của Ream đối với Trung Quốc. Vào đầu tháng này, Bắc Kinh và Phnom Phenh lần đầu tiên tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung ở vùng biển Campuchia.

    Xem thêm tại: Nikkei Asia, Cambodia reveals air defense plans near China-funded naval base. Truy cập ngày 2/3/2023

    Quân đội Việt Nam quan tâm đến lựu pháo tự hành Hanwha K9A1 do Hàn Quốc sản xuất

    Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, tướng Phan Văn Giang, tỏ ra rất quan tâm đến pháo tự hành K9A1 trong cuộc gặp với Thủ tướng Hàn Quốc Han Deok-soo vào ngày 28 tháng 3. Cốt lõi của K9A1 là vũ khí chính của nó, một khẩu pháo cỡ nòng 155mm/52. có khả năng bắn nhiều loại đạn, bao gồm đạn tiêu chuẩn của NATO, đạn mở rộng tầm bắn tối đa (ERFB) và đạn hỗ trợ tên lửa. Với tầm bắn tối đa 40 km với đạn tiêu chuẩn và 50 km với đạn ERFB, K9A1 có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách xa với độ chính xác cao.


    Việt Nam, Mỹ tổ chức Đối thoại Chính trị – An ninh – Quốc phòng lần thứ 12

    Việt Nam và Mỹ hôm thứ sáu đã tổ chức Đối thoại Chính trị – An ninh – Quốc phòng lần thứ 12 tại thủ đô Washington. Cả Hà Nội và Washington đều ghi nhận những tiến triển của hợp tác song phương trong các lĩnh vực quốc phòng – an ninh, thực thi pháp luật và khắc phục hậu quả chiến tranh. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ quốc phòng Việt Nam – Mỹ phát triển với nhịp độ ổn định, phù hợp với lợi ích, điều kiện và chính sách của mỗi nước, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực an ninh mạng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ngoài ra, phía Mỹ cũng khẳng định ủng hộ đồng thuận và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.


    Đặc phái viên NATO của Mỹ cho biết liên minh sẵn sàng tăng cường quan hệ với Ấn Độ

    Đại sứ Julianne Smith, đặc phái viên của Mỹ tại NATO, nói rằng liên minh này “sẵn sàng” tăng cường quan hệ với Ấn Độ, đồng thời xác nhận rằng NATO đã tổ chức các cuộc trao đổi “không chính thức” với các đối tác Ấn Độ bên lề Đối thoại Raisina được tổ chức gần đây ở Delhi. Tuy nhiên, quan chức Mỹ cũng nói rằng cuộc gặp cấp bộ trưởng sẽ có sự tham gia của Nhật Bản và Úc, hai thành viên của ‘Bộ tứ’ cũng bao gồm Ấn Độ và Mỹ. Đại sứ Smith giải thích sự tham gia của Úc và Nhật Bản trong Hội nghị cấp Bộ trưởng là do NATO có “mối quan hệ tiến bộ hơn” với Tokyo và Canberra.

    Xem thêm tại: The Hindu, U.S. NATO envoy says alliance open to deepening ties with India. Truy cập ngày 2/4/2023

    Myanmar hiện diện quân sự ở Vịnh Bengal và ảnh hưởng của Trung Quốc

    Việc xây dựng lực lượng quân sự trên Đảo Great Coco của Myanmar ở Vịnh Bengal – cách chuỗi đảo Andaman và Nicobar nhạy cảm của Ấn Độ 50 km – đã làm dấy lên lo ngại Trung Quốc có thể hỗ trợ các nỗ lực nâng cao năng lực giám sát của chính quyền quân sự trên một tuyến đường thủy quan trọng trong khu vực. Quần đảo Andaman và Nicobar là nơi có sự hiện diện của nhiều lực lượng, tàu chiến, máy bay và khẩu đội tên lửa của Ấn Độ, đồng thời cung cấp cho Hạm đội phía Đông của Ấn Độ chiều sâu chiến lược ở Vịnh Bengal cũng như các phương pháp tiếp cận chỉ huy đối với Eo biển Malacca.

    Xem thêm tại: The Australian, Eyes on China in Myanmar military build-up in Bay of Bengal. Truy cập ngày 4/4/2023



    Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ-Latinh:

    Nga cảnh báo về ‘các biện pháp trả đũa’ đối với tư cách thành viên NATO của Phần Lan

    Nga đã cảnh báo rằng họ sẽ buộc phải thực hiện “các biện pháp trả đũa” để giải quyết các mối đe dọa an ninh đến từ việc Phần Lan trở thành thành viên của NATO. Moscow đã cảnh báo rằng họ sẽ tăng cường phòng thủ dọc biên giới với NATO nếu liên minh này triển khai thêm bất kỳ binh sĩ hoặc thiết bị nào tới khu vực của Nga. Động thái cho phép Phần Lan gia nhập NATO là một đòn chiến lược và chính trị đối với ông Putin, người từ lâu đã chỉ trích việc NATO mở rộng về phía Nga – mặc dù NATO nói rằng nó không gây ra mối đe dọa nào đối với Moscow.

    Xem thêm tại: Euro News, Russia warns of ‘retaliatory measures’ over Finland’s NATO membership. Truy cập ngày 5/4/2023

    Phần Lan cho biết hoạt động gián điệp của Nga đang suy yếu ở Bắc Âu

    Cơ quan Tình báo và An ninh Phần Lan cho biết việc trục xuất các sĩ quan tình báo Nga và việc từ chối cấp thị thực đã làm suy yếu đáng kể các hoạt động tình báo của Moscow ở nước láng giềng Phần Lan trong năm qua. Phần Lan cũng lưu ý thêm rằng các hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao theo truyền thống là công cụ chính của tình báo Nga ở nước ngoài và Moscow đang tìm cách sử dụng gián điệp mạng để bù đắp cho sự thiếu hụt thông tin tình báo truyền thống.

    Xem thêm tại: AP, Finland says Russia spy operations weakened in Nordic nation. Truy cập ngày 1/4/2023

    Nga tập trận ở Bắc Cực với các quốc gia ngoài Bắc Cực

    Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga sẽ tổ chức cuộc tập trận An toàn Bắc Cực 2023 trên 9 khu vực thuộc của Moscow tại Bắc Cực. Các bên tham gia bao gồm đại diện từ chín quốc gia châu Phi, Mỹ Latinh và Á-Âu. Cuộc tập trận sẽ trình diễn các phương pháp cứu hộ cũng như phương tiện, máy bay và các loại thiết bị khác do các nhà sản xuất của Nga sản xuất. Trước cuộc tập trận, Moscow cũng đã thực hiện các nghiên cứu kéo dài 12 ngày để tiến hành các thử nghiệm bổ sung đối với các thiết bị của Nga được thiết kế để đảm bảo an toàn tại Bắc Cực.

    Xem thêm tại: Defense News, Russia to hold Arctic drills with non-Arctic nations. Truy cập ngày 6/4/2023

    Anh, NATO đặt mua súng trường Carl-Gustaf của Saab

    Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace công bố thỏa thuận mua súng trường Carl-Gustaf M4 do Thụy Điển sản xuất trị giá 5,7 triệu USD nhằm khắc phục lỗ hổng về khả năng chống thiết giáp do đã viện trợ thiết bị tương tự cho Ukraine. Nhà sản xuất vũ khí Thụy Điển cho biết họ cũng đã ký các thỏa thuận khung với Cơ quan mua sắm và hỗ trợ NATO (NSPA) cho Carl-Gustaf M4 và vũ khí chống tăng AT4. Anh và Thụy Điển cũng đã ký một thỏa thuận về việc chuyển giao 14 khẩu pháo bánh lốp Archer 155mm do BAE Systems Bofors chế tạo để thay thế các xe pháo bánh xích AS90 của Quân đội Anh viện trợ cho Ukraine.

    Xem thêm tại: Defense News, Britain, NATO order Saab’s Carl-Gustaf weapons. Truy cập ngày 1/4/2023

    Các lổ hổng quân sự của Đức không thể được thu hẹp hoàn toàn vào năm 2030

    Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết quân đội Đức không thể lấp đầy hoàn toàn những lỗ hổng ở hiện tại vào năm 2030, khi Berlin tìm cách cải tổ lực lượng vũ trang của mình sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Các chuyên gia cho biết quân đội Đức thậm chí còn ở trong tình trạng tồi tệ so với một năm trước do vũ khí và đạn dược viện trợ cho Ukraine hầu như chưa được thay thế.

    Xem thêm tại: Reuters, Germany’s military gaps cannot be fully bridged by 2030, defence minister. Truy cập ngày 2/4/2023

    Mỹ tiêu diệt một thủ lĩnh cấp cao của Nhà nước Hồi giáo ở Syria

    Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết Washington đã tiêu diệt một thủ lĩnh cấp cao của Nhà nước Hồi giáo ở Syria hôm thứ hai. Khalid ‘Aydd Ahmad al-Jabouri là người chịu trách nhiệm lên kế hoạch tấn công cho Nhà nước Hồi giáo ở châu Âu. Nhà nước Hồi giáo đã kiểm soát nhiều vùng ở Iraq và Syria ở đỉnh cao quyền lực vào năm 2014 trước khi bị đánh trả ở cả hai quốc gia. Nhóm ước tính có từ 5.000 đến 7.000 thành viên và những người ủng hộ trải rộng giữa Syria và Iraq, gần một nửa trong số họ là các chiến binh.

    Xem thêm tại: Reuters, U.S. says its forces kill a senior Islamic State leader in Syria. Truy cập ngày 5/4/2023

    Israel tấn công tỉnh Homs của Syra

    Israel hôm Chủ nhật đã tiến hành các cuộc không kích vào các tiền đồn ở tỉnh Homs của Syria, khiến ít nhất 5 binh sĩ bị thương. Các cuộc tấn công là cuộc tấn công thứ ba trong những ngày gần đây, bao gồm một cuộc tấn công vào thứ sáu đã giết chết hai cố vấn quân sự của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran. Quân đội Israel cho biết họ đã bắn hạ một chiếc máy bay không xác định vào chủ nhật có vẻ như đã bay vào lãnh thổ của họ từ Syria. Trong nhiều năm, Israel đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào những gì mà họ mô tả là các mục tiêu có liên quan đến Iran ở Syria và đã tiến hành sáu cuộc tấn công trên lãnh thổ Syria trong vòng một tháng.

    Xem thêm tại: Al Jazeera, Israel attacks Syria’s Homs, wounds five soldiers: Ministry. Truy cập ngày 3/3/2023; Reuters, Israel says it downs aircraft that appeared to come from Syria. Truy cập ngày 4/3/2023

    Lính Israel giết người Palestine ở Bờ Tây khi bạo lực gia tăng

    Một binh sĩ Israel đã bắn chết một người đàn ông Palestine ở Bờ Tây bị chiếm đóng, vài giờ sau khi một cảnh sát giết chết một sinh viên y khoa tại khu phức hợp Al-Aqsa ở Jerusalem. Chính quyền Palestine xác định người đàn ông bị giết ở Bờ Tây hôm thứ Bảy là Mohammad Ra’ed Baradiyah, 24 tuổi. Quân đội Israel cho biết anh Baradiyah bị bắn chết sau khi đâm xe của mình vào một nhóm binh sĩ khiến cho 3 người bị thương, trong đó có 2 người bị thương nặng.

    Xem thêm tại: Al Jazeera, Israeli soldier kills Palestinian in West Bank as violence rises. Truy cập ngày 3/3/2023

    Israel tấn công Gaza sau cuộc tấn công Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa

    Máy bay Israel đã tấn công nhiều địa điểm ở Gaza, và tấn công các mục tiêu tại một “địa điểm quân sự” ở phía tây thành phố và một địa điểm trong trại tị nạn Nuseirat ở trung tâm Dải Gaza. Các cuộc đột kích diễn ra vào sáng sớm thứ tư, sau khi cảnh sát Israel tấn công những người đang cầu nguyện tại Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa trong đêm. Căng thẳng ở Al-Aqsa trong tháng Ramadan trước đây đã dẫn đến xung đột chết người giữa Israel và nhóm Hamas ở Gaza, lần xung đột gần đây nhất là vào năm 2021.

    Xem thêm tại: Al Jazeera, Israel attacks Gaza after Al-Aqsa Mosque raid. Truy cập ngày 6/4/2023

    Iran cho biết họ đã cảnh báo máy bay của Hải quân Mỹ gần Vịnh Oman

    Hải quân Iran cho biết họ đã xác định và cảnh báo một máy bay trinh sát của Mỹ gần Vịnh Oman vào chủ nhật. Trong khi báo cáo của Tasnim cho biết máy bay đã đi vào không phận Iran, thì báo cáo tương tự cũng cho biết máy bay chưa hề đi vào bầu trời Iran và đã rời đi sau khi có cảnh báo. Iran đã có những cuộc đối đầu tương tự với lực lượng Mỹ trong quá khứ. Vào năm 2019, Iran đã bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ mà họ cho là đang bay qua miền nam Iran.

    Xem thêm tại: Reuters, Iran says it warned off US Navy aircraft close to Gulf of Oman. Truy cập ngày 3/3/2023

    Quân đội Pakistan cho biết 4 binh sĩ thiệt mạng trong cuộc tấn công gần biên giới Iran

    Quân đội Pakistan cho biết những kẻ tấn công từ Iran đã giết chết 4 binh sĩ tuần tra biên giới của nước này. Pakistan và Iran chia sẻ hơn 900 km biên giới. Đã có một số sự cố an ninh trong quá khứ. Các nhóm dân tộc chủ nghĩa nổi dậy Baluch trong khu vực nói rằng họ đang đấu tranh để giành được phần lớn hơn các nguồn tài nguyên trong khu vực. Các nhóm Baluch hoạt động ở cả hai bên biên giới. Tuy nhiên chưa có bên nào nhận trách nhiệm cho các cuộc tấn công.

    Xem thêm tại: Al Jazeera, Pakistan army says 4 soldiers killed in attack near Iran border. Truy cập ngày 2/3/2023

    Mỹ cam kết 100 triệu USD cho các quốc gia Tây Phi để chống lại mối đe dọa cực đoan

    Phó Tổng thống Kamala Harris tuyên bố rằng Mỹ sẽ cung cấp 100 triệu USD viện trợ an ninh mới trong 10 năm để giúp các nước Tây Phi chống lại các mối đe dọa do các nhóm khủng bố và cực đoan gây ra, bao gồm cả al Qaeda. Khoảng 86 triệu USD sẽ được cung cấp trong ba năm tới cho Ghana, Benin, Bờ Biển Ngà, Guinea và Togo. Khoản tiền này là một phần trong cam kết 10 năm của chính quyền Biden nhằm giúp chống lại chủ nghĩa cực đoan, bao gồm củng cố xã hội dân sự, cải thiện phản ứng của chính quyền địa phương và tăng cường lực lượng an ninh.




    Chuyên mục Phân tích:

    Bài học cho cuộc chiến tương lai từ Ukraine (P10): Cảnh giác trước các bài học sai lầm về nước Nga

    Cuộc chiến tại Ukraine đã phơi bày hạn chế về chất lượng và số lượng của công nghệ và khả năng của Nga. Nhưng khác với Nga, Trung Quốc, Đài Loan lại có công nghệ phức tạp hơn và sở hữu số lượng các loại đạn pháo chính xác cao. Do đó, bằng cách nhìn vào độ chính xác trong các cảm biến chiến trường và đạn dược đã định hình cuộc chiến, chúng ta có thể ngoại suy các xu hướng và rút ra những ý nghĩa quan trọng đối với Eo biển Đài Loan.

    Ngày nay, lực lượng mặt đất dễ bị phát hiện bởi vô số cảm biến thụ động và chủ động, ví dụ như drone thương mại nhỏ và drone quân sự, radar vệ tinh. Sự sẵn có ngày càng tăng của các cảm biến, máy bay không người lái và vệ tinh, cũng như những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và máy học, sẽ nâng cao hơn nữa khả năng phát hiện và định vị mục tiêu của kẻ thù. Đó là lý do tại sao sự cường điệu rộng rãi về các hệ thống vũ khí “làm thay đổi cuộc chơi” (chẳng hạn như máy bay không người lái tầm xa TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ) bị đặt nhầm chỗ một cách nguy hiểm: không một hệ thống đơn lẻ nào có thể tự mình giành chiến thắng trong các trận chiến, chứ đừng nói đến các cuộc chiến tranh. Ý nghĩa của những động lực này đối với một cuộc xung đột trong tương lai là rất rõ ràng. Đầu tiên, điều cấp bách áp đảo về công nghệ thúc đẩy các cuộc giao chiến quân sự sẽ tiếp tục là cuộc cạnh tranh giữa một bên là phát hiện và nhắm mục tiêu chính xác vào kẻ thù ở cự ly ngày càng xa hơn trong khi tránh bị các cảm biến của đối phương phát hiện.

    Đối với Đài Loan, sự cấp thiết này bao gồm việc triển khai các khí tài phòng không và chống xâm nhập trên biển có khả năng đe dọa sức mạnh trên không và trên biển của Trung Quốc trong khi tránh bị hỏa lực của Bắc Kinh áp đảo và hủy diệt. Kế đến, sự cạnh tranh giữa trốn và tìm (hide and seek) đòi hỏi nhân sự có năng lực, thành thạo và kỷ luật cao. Như cuộc chiến tại Ukraine đã cho thấy, tính sát thương của vũ khí chính xác hiện đại đã làm giảm đáng kể biên độ sai sót, chẳng hạn như một chiếc điện thoại di động kết nối mạng công cộng có thể nhanh chóng tiêu diệt một đơn vị quân đội. Thứ ba, trong thời đại của chiến tranh tầm xa, thông tin liên lạc sẽ đóng một vai trò thậm chí còn quan trọng hơn trong các hoạt động quân sự, ví dụ như việc cung cấp thông tin thời gian thực chính xác về tên lửa đang bay tới và các loại vũ khí khác là điều kiện cần thiết để tồn tại. Thứ tư, vai trò của các cảm biến và khả năng nhắm mục tiêu theo thời gian thực sẽ làm cho độ tin cậy và khả năng dự phòng trong các mạng truyền thông trở nên quan trọng hơn trong các cuộc xung đột trong tương lai, do đó đòi hỏi sự cạnh tranh trong chiến tranh điện tử.


    Tại sao cuộc phản công sắp tới của Ukraine sẽ rất khác?

    Sự gia tăng đáng kể về tính cơ động và hỗ trợ khả năng sống sót cho quân đội Ukraine từ đồng minh phương Tây cho chúng ta thấy rằng không chỉ các điều kiện chiến trường đã thay đổi kể từ khi bắt đầu cuộc chiến, mà các cuộc tấn công sắp tới của Ukraine sẽ khác với những cuộc tấn công đã được tiến hành ở phía bắc Kiev, tại Kharkiv và ở Kherson vào năm 2022.

    Lý do đầu tiên đó là Ukraine đang đối mặt với một quân đội Nga rất khác so với năm ngoái. Không chỉ khác về cán cân giữa quân tinh nhuệ và quân dự bị mà còn ở việc tướng Garasimov lên nắm quyền chỉ huy. Ngoài ra, Nga còn xây dựng các tuyến phòng thủ đa lớp tại khu vực phòng thủ của mình với các vật cản như mương nước, mìn, dây kẽm và răng rồng có khả năng chống tăng. Thêm vào đó, mật độ phân bổ lực lượng của Nga ở từng vùng cũng sẽ khác nhau. Chúng ta cũng có thể giả định rằng Nga đã có dự trữ về binh sĩ và đạn dược cho cuộc phản công và các nhiệm vụ chống xâm nhập trên khắp tiền tuyến. Việc đưa ra các giả định theo hướng này là rất cần thiết vì chuẩn bị đối địch với kẻ thù nguy hiểm hơn luôn tốt hơn là đánh giá thấp chúng.

    Kế đến, cơ cấu quân đội Ukraine sẽ có điểm khác biệt trong các cuộc phản công sắp tới. Trong nhiều tháng qua, lực lượng Ukraine đã nâng cao, trang bị, quản lý và tập huấn ba đội hình mới cho cuộc tấn công và chúng được hưởng lợi thêm từ các xe bọc thép và xe cơ giới được viện trợ từ Mỹ và châu Âu. Khác với lối đánh chủ yếu từ cấp sư đoàn trở xuống cùng với sự điều phối cấp cao hơn bởi các chỉ huy về địa lý, các đội hình quy mô sư đoàn mới đưa vào một đội hình vũ khí kết hợp mới và phức tạp hơn cho Ukraine. Tiếp đến, khác biệt thứ ba nằm ở hàng loạt khu vực chướng ngại mà Nga đã dựng lên ở Ukraine. Không có nỗ lực quân sự nào khó lập kế hoạch, sắp xếp và thực hiện hơn việc xuyên qua chướng ngại vật vũ khí kết hợp. Chiến dịch này đòi hỏi mọi yếu tố của một chiến dịch hợp đồng quân binh chủng của quân đội – pháo binh, kỹ sư, bộ binh, xe tăng, chiến tranh điện từ, trinh sát và tấn công trên không và mặt đất (bao gồm cả máy bay không người lái và đạn tuần kích), hậu cần, tình báo và nhiều thứ khác. Lý do thứ tư khiến cho cuộc phản công khác biệt đó là cả Nga và Ukraine đều không ngừng phát triển và củng cố khả năng trinh sát và tấn công.

    Thêm vào đó, cả Nga và Ukraine đều tác chiến trong môi trường gần như được giám sát toàn diện, nơi thời gian “từ phát hiện đến tiêu diệt” đã bị giảm đáng kể. Điều này cũng đồng nghĩa với việc trí trá trước khi tác chiến sẽ rất quan trọng để Ukraine che giấu các mục tiêu trọng yếu và trục tiến công, chốt hậu cần, nơi tập trung quân cũng như vị trí của các hạng mục quan trọng như thiết bị công binh và pháo binh. Cuối cùng, các cuộc tấn công sắp tới sẽ khác là do các yếu tố chiến lược có liên quan dự phần vào cuộc chiến. Ukraine biết rằng cuộc bầu cử năm sau tại Mỹ sẽ có thể đánh lạc hướng việc viện trợ, do đó năm nay sẽ là năm quyết định cho các chiến dịch tấn công của Kyiv. Ngoài ra, người Ukraine hiểu rằng các cuộc tấn công sắp tới phải một lần nữa cho người dân phương Tây thấy rằng Ukraine không chỉ đáng được hỗ trợ, mà phải là hỗ trợ quân sự liên tục vào năm 2023 và hơn thế nữa, rằng với sự hỗ trợ này họ có thể đánh bại cuộc xâm lược của Nga.

    Xem thêm tại: Mick Ryan, The Coming Fight will be Different. Truy cập ngày 5/4/2023

    Trung Quốc rút ra bài học từ những gì được và mất của Nga ở Ukraine

    Từ cuộc chiến tại Ukraine, Bắc Kinh rút ra được nhiều bài học vô giá về những khía cạnh như vũ khí, sức mạnh quân đội, tình báo và khả năng răn đe có thể giúp Trung Quốc chuẩn bị cho các cuộc chiến tiềm tàng của bản thân. Các nhà phân tích quân sự Trung Quốc đã xem xét kỹ lưỡng cuộc chiến để tìm ra những đổi mới và chiến thuật có thể giúp ích trong một cuộc đụng độ tiềm tàng với Đài Loan.

    Đầu tiên, cuộc chiến tại Ukraine bộc lộ các yếu điếm về khả năng hậu cần và cung ứng quân sự của Nga. Do đó, Trung Quốc phải chuẩn bị cho các thách thức tương tự khi cân nhắc đến việc chiếm lấy Đài Loan và các chiến dịch nguy hiểm khác. Kế đến, việc nghiên cứu những sai lầm của Nga có thể củng cố niềm tin của Trung Quốc rằng nước này có thể thắng thế trong một cuộc xung đột trong tương lai. Khác với Nga, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc lớn gấp ba lần, và khả năng sản xuất hàng loạt cũng như khả năng công nghệ sẽ giúp Bắc Kinh sản xuất nhiều drone tiên tiến và các vũ khí khác mà Moscow không thể sản xuất được.

    Ngoài ra, một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng những khó khăn của Nga trong việc điều động đủ lực lượng bộ binh cho thấy Trung Quốc cần duy trì lực lượng bộ binh mạnh và đông đảo, ngay cả khi mở rộng lực lượng trên biển và trên không. Thêm vào đó, cuộc chiến cũng cho thấy Bắc Kinh, giống như Moscow, là trọng tâm của chiến dịch “chiến tranh hỗn hợp” do Mỹ lãnh đạo, bao gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế, lệnh cấm tiếp cận công nghệ, chiến dịch tình báo và tấn công mạng. Các nhà phân tích quân sự Trung Quốc đã tập trung vào các thiết bị và thông tin tình báo mà các nước NATO đã cung cấp cho Ukraine để giúp chống lại Nga. Theo đó, Trung Quốc có thể đang theo dõi tên lửa Stinger, Javelin và các loại tên lửa khác mà Ukraine đã mua và cân nhắc điều gì sẽ xảy ra khi Đài Loan tăng cường dự trữ kho vũ khí của riêng mình. Cuối cùng, các nhà phân tích quân sự Trung Quốc cũng đang rút ra những bài học liên quan đến việc xây dựng khả năng hạt nhân của Bắc Kinh. Trong một cuộc xâm lược Đài Loan có thể xảy ra, Bắc Kinh sẽ xem xét cách họ có thể ngăn chặn Washington, vốn đã cam kết giúp hòn đảo này tự vệ và có thể can thiệp trực tiếp vào một cuộc xung đột quân sự.

    Xem thêm tại: Yahoo News, China Draws Lessons From Russia’s Losses in Ukraine, and Its Gains. Truy cập ngày 2/4/2023

    Tại sao đảo Guam sẽ là nơi diễn ra cuộc chiến kế tiếp của Mỹ?

    Đảo Guam, phía trên đầu có chiến đấu cơ F-15 và máy bay ném bom B-1 đáp xuống căn cứ không quân Andersen trong khi phía dưới có các tàu ngầm tấn công hạt nhân tại cảng Apra, là nơi có thể diễn ra cuộc chiến Mỹ-Trung trong tương lai. Đảo Guam dài khoảng 48 km với dân số khoảng 170,000 người giúp cho Mỹ triển khai sức mạnh khắp khu vực Thái Bình Dương rộng lớn. Tuy nhiên, dù là một tổ hợp quân sự quan trọng nhưng đảo Guam lại có hàng phòng thủ rất mỏng. Theo đó, hệ thống phòng không THAAD không phải lúc nào cũng trong trạng thái sẵn sàng hoạt động, căn cứ Andersen không hề có tên lửa đất đối không, và các tàu chiến trang bị hế thống phòng không AEGIS không phải lúc nào cũng ở gần để bảo vệ căn cứ.

    Trung Quốc cũng không giấu diếm việc đảo Guam nằm trong tầm ngắm của mình với việc triển khai tên lửa DF-26 có tầm ngắm 4000 km, còn được gọi là “tên lửa sát Guam”. Để đối phó với “vùng đối đầu vũ khí” của Trung Quốc, lực lượng không quân Mỹ đang phát triển việc “sử dụng chiến đấu linh hoạt” – gồm việc phân tán máy bay để ngăn chặn hỏa lực của Trung Quốc, và kết nối chúng với “cảm biến” và “pháo bắn” từ xa để giao chiến. Tuy nhiên, lỗ hổng của đảo Guam đang được Washington chú ý muộn màng, đặc biệt là vì những người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (INDOPACOM) ở Hawaii tiếp tục yêu cầu sự bảo vệ tốt hơn. Và Lầu Năm Góc cuối cùng cũng đã yêu cầu 1,5 tỷ USD nhằm bắt đầu củng cố hệ thống phòng không của hòn đảo, INDOPACOM cũng đang thúc đẩy thêm 147 triệu USD.

    Bước đầu của kế hoạch sẽ là việc triển khai hệ thống AEGIS trên đất liền. Nhưng khác với phiên bản “AEGIS trên bờ” của Ba Lan và Romania, phiên bản AEGIS tại Đảo Guam sẽ có radar tốt hơn, có khả năng di động và kết hợp với THAAD, thứ sẽ đem lại khả năng phòng thủ mạnh mẽ đối với tên lửa đạn đạo. Đối với tên lửa hành trình, vốn có khả năng bay thấp và lượn, AEGIS sẽ kết hợp cùng với hệ thống Patriot, radar tân tiến LTAMDS, và hệ thống hỏa lực tầm ngắn IFPC. Cuối cùng, bản kế hoạch cũng sẽ có thêm vũ khí nhằm đối phó với tên lửa siêu thanh, vốn khó bị bắn trúng vì chúng bay nhanh và cơ động, và các hệ thống “năng lượng định hướng” (sử dụng laze và vi sóng).

    Xem thêm tại: Economist, Guam, where America’s next war may begin. Truy cập ngày 3/4/2023

    Mỹ có thể khắc phục tình trạng thiếu đạn dược trầm trọng thế nào?

    Cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ hiện tại chưa đáp ứng đủ yêu cầu cho một cuộc chiến với Trung Quốc trong tương lai. Theo các kết quả từ mô phỏng chiến tranh tại Đài Loan cho thấy, một số loại đạn quan trọng nhất định—chẳng hạn như đạn dẫn đường chính xác, tầm xa—có thể sẽ hết trong vòng chưa đầy một tuần. Do đó, để tránh những thiếu sót này, Mỹ cần phải tăng quy mô sản xuất vũ khí, nhưng để thực hiện được điều này một cách nhanh chóng sẽ vô cùng khó khăn. Trước hết, cuộc chiến tại Ukraine cung cấp cái nhìn đầu tiên về lỗ hổng công nghiệp quốc phòng Mỹ. Theo đó, Mỹ viện trợ cho Ukraine với hàng loạt vũ khí, từ hệ thống chống tăng Javelin đến Hệ thống Pháo Rocket Cơ động cao (HIMARS) và hệ thống phòng không Stinger.

    Nhưng việc viện trợ này khiến Mỹ phải trả cái giá đắt khi số vũ khí viện trợ được lấy trực tiếp từ kho vũ khí của Mỹ. Vì vậy, dù việc viện trợ cho Ukraine là đúng, nhưng Mỹ vốn có thể sử dụng những hệ thống này để huấn luyện cho quân đội của mình hay dự trữ cho cuộc chiến kế tiếp tại Thái Bình Dương. Thêm vào đó, số lượng vũ khí Mỹ viện trợ cho Ukraine sẽ bằng với bảy năm sản xuất thông thường. Ngay cả khi tăng tốc độ sản xuất, thì cũng có thể sẽ mất vài năm để bổ sung cho kho dự trữ của Javelin, Stingers và các mặt hàng đang có nhu cầu khác. Mặt khác, tốc độ sản xuất các hệ thống vũ khí đang được xuất khẩu, như Javelin, Stinger, HIMARS, GMLRS, tên lửa đối hạm Harpoon, cho thấy Mỹ sẽ không có đủ đạn dược để có thể chống lại cả Trung Quốc và Nga.

    Do đó, bước đầu tiên để Mỹ khắc phục lỗ hổng này là tạo nhiều động lực hơn cho các công ty quốc phòng Mỹ sản xuất nhiều hơn. Nhưng để làm được điều này, các công ty cần các hợp đồng dài hạn và tín hiệu rõ ràng cùng các cam kết tài chính từ Bộ QP Mỹ (DoD) về việc sản xuất vũ khí và đạn dược nhiều hơn. Ngoài ra, những hạn chế về lực lượng lao động, chuỗi cung ứng và nguyên liệu đất hiếm cũng ngăn cản các công ty tăng cường sản xuất các hệ thống vũ khí và đạn dược cần thiết trong một cuộc chiến tranh lớn. Kế đến, Mỹ cần phải đánh giá chính xác số lượng của các hệ thống vũ khí và đạn dược quan trọng nhằm răn đe cả Trung Quốc và Nga và thiết lập hệ thống sản xuất vũ khí tương lai vững chắc hơn. Một bước nữa đó chính là tăng tốc sản xuất bằng cách sử dụng các thỏa thuận mua trước và hợp đồng nhiều năm. Cuối cùng, DoD cần phải để tìm kiếm thêm cơ hội đồng phát triển và đồng sản xuất các hệ thống vũ khí với các quốc gia thân thiện. Các cơ sở đồng sản xuất có thể có nhiều lợi ích, bao gồm tăng cường năng lực sản xuất của các đồng minh và tăng quy mô kinh tế. Các công ty Mỹ đã làm điều tương tự trước đây ví dụ như việc sản xuất HIMARS với Ba Lan; một tên lửa đạn đạo chiến thuật mới, được gọi là PrSM với Australia; một tên lửa chống tàu mới với Na Uy; và các thành phần của SM-6 và Tomahawks với Úc và Nhật Bản.

    Xem thêm tại: Forign Affairs, America’s Looming Munitions Crisis. Truy cập ngày 1/4/2023

    Trung Quốc tăng cường tuần tra tàu ngầm vũ trang hạt nhân gây thêm phức tạp cho Mỹ và các đồng minh

    Lầu Năm Góc vừa công bố bản báo cáo cho thấy một hạm đội gồm sáu tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Jin của Trung Quốc đang thực hiện các cuộc tuần tra “gần như liên tục” từ đảo Hải Nam vào Biển Đông. Các chuyên gia cũng cho biết thêm rằng các tàu này được trang bị tên lửa đạn đạo JL-3 mới, có tầm xa hơn khoảng 10,000 km, và chúng có thể tấn công đất liền Mỹ. Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định rằng các cuộc tuần tra mới của Trung Quốc ngụ ý cho những cải tiến trong nhiều lĩnh vực, bao gồm hậu cần, chỉ huy và kiểm soát, và vũ khí. Chúng cũng cho thấy cách Trung Quốc bắt đầu vận hành các tàu ngầm tên lửa đạn đạo giống như cách mà Mỹ, Nga, Anh và Pháp đã làm trong nhiều thập kỷ. Mặt khác, sự mở rộng nhanh chóng lực lượng hạt nhân của Trung Quốc đồng nghĩa với việc các chiến lược gia Mỹ lần đầu tiên phải đối mặt với hai “đối thủ hạt nhân ngang hàng” là Bắc Kinh và Moscow.

    Hải quân Trung Quốc trong nhiều năm được cho là có khả năng tuần tra răn đe, nhưng các vấn đề về chỉ huy, kiểm soát và thông tin liên lạc đã làm chậm quá trình triển khai của họ. Nhưng thông tin liên lạc rất quan trọng và phức tạp đối với tàu ngầm tên lửa đạn đạo, vốn phải được giấu kín trong nhiệm vụ của chúng. Trái lại, tàu ngầm lớp Jin, dự kiến ​​sẽ được thay thế bằng Type-096 trong thập kỷ tới, lại tương đối ồn ào và dễ bị theo dõi. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng từng cảnh báo về vấn đề tổ chức chỉ huy và phối hợp yếu kém giữa các lực lượng tàu ngầm và kêu gọi cải thiện khả năng tấn công hạt nhân từ tàu ngầm. Mặt khác, sự ra đời của tên lửa JL-3 khiến cho các chuyên gia dự doán rằng Trung Quốc sẽ giữ các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo tại các vùng nước sâu ở Biển Đông mà Bắc Kinh đã biến thành “pháo đài” với một loạt các căn cứ, hơn là việc chuốc lấy rủi ro từ các cuộc tuần tra tại Tây Thái Bình Dương. Cuối cùng, các chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc triển khai nhiều tàu ngầm hơn cũng đồng nghĩa với việc PLA và quân đội Mỹ đang ngày càng “cọ xát” với nhau – làm tăng khả năng xảy ra xung đột ngẫu nhiên tại khu vực.


    Trung Quốc “nẫng tay trên” Nga trong thị trường quốc phòng

    Cuộc gặp của ông Tập và Putin tại Moscow vừa qua cho thấy một sự chuyển dịch mang tính kiến tạo trong mối quan “không hạn chế” của Trung Quốc và Nga: đó là Bắc Kinh đang dẫn đầu gần như mọi khía cạnh, bao gồm cả lĩnh vực công nghiệp quốc phòng Nga từng thống trị. Trong thời kỳ hậu Liên Xô, ngay cả khi các công ty Nga tỏ ra lo ngại hơn về hoạt động gián điệp doanh nghiệp và đánh cắp công nghệ của Trung Quốc, thì sự hợp tác giữa ngành công nghiệp quốc phòng của Bắc Kinh và Moscow lại tăng lên. Nhưng Moscow ngày càng rơi vào thế lưỡng nan giữa doanh thu trước mắt và thua lỗ lâu dài. Nga đã liên tục đưa ra quan điểm ngắn hạn, tiếp tục bán vũ khí cho Trung Quốc, ngay cả khi biết rằng đối tác phía đông của mình có khả năng sao chép các sản phẩm này và làm xói mòn lợi thế của nó. Đặc biệt trong lĩnh vực hàng không và phòng không.

    Trước nhất, J-11, ra mắt năm 1996, là mẫu máy bay chiến đấu đầu tiên của Trung Quốc sử dụng nguyên liệu quan trọng của Nga. Ban đầu, J-11 là một bản sao được cấp phép chính thức của máy bay chiến đấu đa năng Su-27, một hợp đồng được điện Kremlin, vốn đang thiếu thốn tài chính, hoan nghênh. Nhưng không lâu sau đó, Trung Quốc đã hủy bỏ thỏa thuận và bắt đầu sản xuất J-11 một cách độc lập, tiếp tục chế tạo hơn 400 chiếc khiến cho Nga lỗ hơn 30 triệu USD hoặc hơn đối với mỗi chiếc bán ra. Tương tự như vậy, ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc đã mua, sao chép và điều chỉnh các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không do Nga sản xuất, nhưng rõ ràng chúng được Nga chấp nhận. Lấy ví dụ như hệ thống S-300 của Nga, Trung Quốc đã tạo ra bản sao của riêng mình với tên gọi HQ-9, hay hệ thống tên lửa HQ-16, được sao chép từ Buk-M1-2 của Nga. Nhận thức được các lựa chọn hạn chế của mình, Nga đã cố gắng tận dụng tình hình tốt nhất bằng cách thúc đẩy các thỏa thuận chuyển giao công nghệ và cấp phép chính thức. Mặc dù nhiều trong số các thỏa thuận cấp phép và chia sẻ công nghệ này nhằm đáp trả các vụ đánh cắp công nghệ trước đó của Trung Quốc, nhưng chúng cũng phản ánh sự cô lập quốc tế ngày càng tăng của Nga và ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc.

    Sự phụ thuộc này giờ đây đã chuyển từ thị trường sang phần cứng quân sự. Theo đó, khi chiến tranh vẫn tiếp diễn, Nga có thể sẽ cần nhiều hơn nữa năng lực công nghiệp quân sự của Trung Quốc để giữ cho cỗ máy chiến tranh của mình đứng vững. Nga đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nặng nề từ cộng đồng quốc tế và ngành công nghiệp quốc phòng đang bị buộc phải cung cấp các linh kiện quan trọng thông qua các thỏa thuận phức tạp của bên thứ ba, và thậm chí cả các thiết bị điện tử từ máy giặt và tủ lạnh. Trong tình thế này, Trung Quốc thậm chí còn có nhiều đòn bẩy hơn trong một mối quan hệ vốn đã nghiêng về phía mình. Việc Nga nhanh chóng mất đi một trong số ít lợi thế cạnh tranh trước Trung Quốc và trên thị trường toàn cầu là một trong nhiều cái giá phải trả cho cuộc chiến của ông Putin. Do đó, khi ngành công nghiệp quốc phòng của Nga sụp đổ, các công ty Trung Quốc đang vươn lên dẫn đầu trong việc cung cấp không chỉ cho PLA mà còn cho các thị trường nước ngoài mà Nga đã từng bán vũ khí và thậm chí là cho chính quân đội Nga.

    Xem thêm tại: Defense One, China Is Eating Russia’s Lunch in the Defense Market. Truy cập ngày 4/4/2023

    Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

    Không có nhận xét nào