Header Ads

  • Breaking News

    Blogger Nguyễn Lân Thắng bị kết án sáu năm tù giam trong phiên xử kín

    Tin tổng hợp từ nhiều nguồn

    RFA
    12/4/2023

    Blogger Nguyễn Lân Thắng bị kết án sáu năm tù giam trong phiên xử kín

    Ông Nguyễn Lân Thắng thời điểm bị bắt tạm giam hồi tháng 7/2022 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngBộ Công an 

    Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng bị Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội kết án sáu năm tù giam và hai năm quản chế về tội danh "tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước" theo khoản 1 của Điều 117 Bộ luật hình sự do các hoạt động phản biện ôn hòa trên mạng xã hội.

    Phiên toà xử kín bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc vào lúc 1 giờ 20 chiều ngày thứ tư (12/4). Chỉ có vợ ông là nhà báo Lê Bích Vượng cùng với bốn luật sư được vào phòng xử án. 

    Nhiều thân nhân, bạn bè và giới hoạt động phải quan sát phiên toà từ khu vực phía xa trong khi một số người bất đồng chính kiến và thân nhân của tù nhân lương tâm bị quản thúc tại gia hoặc bị an ninh địa phương bám sát khi đi ra ngoài trong thời gian diễn ra phiên toà.

    Bà Lê Bích Vượng, vợ ông Thắng bày tỏ với phóng viên Đài Á Châu Tự Do sau khi kết thúc phiên tòa:

    “Cả nhà rất là buồn vì mọi người đều tin tưởng là anh Thắng không có tội. Những cái gì anh ấy làm là vì muốn xã hội thay đổi tốt đẹp hơn. Anh ấy không thừa nhận chống Nhà nước.”

    Bà Vượng cho biết phiên toà diễn ra một cách bình thường, tuy nhiên bà được yêu cầu không được công bố thông tin về diễn biến phiên toà kín.

    Nói về khả năng kháng cáo, bà cho biết ông Thắng vẫn còn cân nhắc và sẽ đưa ra quyết định trong hai tuần tới.

    Nhà báo tự do Hiếu Bá Linh ở Đức, người quan tâm đến nhân quyền Việt Nam, bình luận với RFA:

    “Với tội danh tuyên truyền chống nhà nước XHCN Việt Nam theo khoản 1 (Điều 117 của Bộ luật Hình sự- PV) thì khung hình phạt của nó là từ năm năm đến 12 năm tù. Phiên toà hôm nay xử ông Nguyễn Lân Thắng chỉ có sáu năm tù thì rõ ràng tương đối nhẹ.

    Nhưng mà thật ra, dẫu cho một ngày tù đối với một người yêu nước như Nguyễn Lân Thắng vẫn là một ngày tù oan ức, một ngày tù bất công.”

    Ông cho rằng vì muốn tránh bị bẽ mặt nên Nhà nước Việt Nam đã đem ông Nguyễn Lân Thắng ra xử kín vì ông vô tội và xuất thân từ một đại gia đình có đóng góp nhiều cho chế độ. Việc xử kín là một bất công khác đối với nhà hoạt động người Hà Nội, nhà báo kỳ cựu này nói.

    "Nhân dân Việt Nam cuối cùng là bên thua cuộc!"

    Ông Phil Robertson, phó giám đốc phân ban châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) cho rằng, bản án sáu năm tù đối với ông Thắng là "quá đáng và không thể chấp nhận được" và cho thấy nhân quyền ở Việt Nam ngày nay hoàn toàn không được tôn trọng. Ông khẳng định: 

    "Việt Nam đang triệt hạ và bỏ tù một cách có hệ thống mạng lưới các nhà hoạt động chính trị và lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ dám thực hiện quyền của mình để đòi cải cách và cải thiện đất nước. 

    Người dân Việt Nam sẽ là những người thua cuộc cuối cùng trong trò chơi này khi các bộ máy đảng lợi dụng việc trừng phạt những người tố cáo để nhân đôi nạn tham nhũng thân hữu của đảng cầm quyền."

    Toà án Hà Nội kết tội ông Nguyễn Lân Thắng chỉ bốn ngày sau khi lực lượng an ninh của tỉnh Đắk Lắk bắt giữ thầy truyền đạo Y Krếch Byă, người đứng đầu nhóm tôn giáo Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên với cáo buộc “Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” theo Điều 116 Bộ luật Hình sự Việt Nam.

    Bình luận về hai sự kiện nhân quyền trên và hai chuyến thăm Việt Nam trong tuần này của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken cùng phái đoàn Thượng nghị sĩ-Dân biểu Hoa Kỳ, ông Hiếu Bá Linh cho rằng nhân quyền không phải là ưu tiên hàng đầu của Washington trong quan hệ với Hà Nội vào thời điểm này. Ông giải thích:

    “Hoa Kỳ hiện nay đang rất quan tâm đến chuyện nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam để mà đối trọng với Trung Quốc, hay là nói mạnh hơn là bao vây Trung Quốc. Thành thử Hoa Kỳ đang đặt ra vấn đề đó quan trọng nhất, một chiến lược của Hoa Kỳ.”

    Sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2021, ông Joe Biden nhấn mạnh cam kết bảo vệ nhân quyền trên bình diện thế giới, tương tự như giai đoạn tranh cử khi ông hứa sẽ "chống tham nhũng, bảo vệ trước chủ nghĩa độc đoán, và thúc đẩy nhân quyền".

    Phóng viên có liên lạc với luật sư Lê Đình Việt, một trong bốn luật sư của ông Nguyễn Lân Thắng, để lấy thông tin từ phiên toà, tuy nhiên ông từ chối với lý do không được phép cung cấp thông tin về phiên toà kín.

    Theo cáo trạng, ông Nguyễn Lân Thắng bị cho là “tàng trữ” một số cuốn sách có nội dung “chống nhà nước,” trong đó có hai cuốn “Chính trị bình dân” và “Phản kháng phi bạo lực” của nhà hoạt động nhân quyền, nhà báo Phạm Đoan Trang, người đang bị cầm tù với bản án chín năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước.”

    Ông cũng bị cho là tham gia vào nhiều buổi hội luận bàn tròn của BBC có nội dung “chống phá” hoặc “bôi xấu” Nhà nước Việt Nam và đăng tải 12 video lên mạng xã hội Facebook và Youtube có nội dung “xuyên tạc” chế độ.

    Trong hai ngày trước phiên toà, ba tổ chức quốc tế là Ân xá Quốc tế, Theo dõi Nhân quyền (HRW) và Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) đã ra thông cáo báo chí kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông Nguyễn Lân Thắng và các nhà hoạt động cùng nhà báo, những người đang bị giam cầm chỉ vì thực hành các quyền cơ bản một cách ôn hoà.

    Theo CPJ, cho đến thời điểm 01/12/2022, Việt Nam giam giữ 21 nhà báo vì các hoạt động báo chí của họ. Con số này không kể ông Nguyễn Lân Thắng vì khi đó tổ chức có trụ sở ở New York (Hoa Kỳ) này chưa có thông tin rõ ràng về trường hợp của ông.

    Tòa xử kín ông Nguyễn Lân Thắng trong khi an ninh "phong tỏa" những người bất đồng chính kiến

    RFA
    12/4/2023

    Tòa xử kín ông Nguyễn Lân Thắng trong khi an ninh "phong tỏa" những người bất đồng chính kiến

    Blogger Nguyễn Lân Thắng trước khi bị bắt 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngFb Thu Đỗ/ RFA edited 

    Tòa án xử kín blogger Nguyễn Lân Thắng, không ai được vào trừ vợ và các luật sư bào chữa, tuy vậy lực lượng an ninh vẫn canh giữ nhiều người bất đồng chính kiến ở Hà Nội.

    Sáng 12/4, Tòa án nhân dân Hà Nội đem ông Nguyễn Lân Thắng, blogger của Đài Á Châu Tự Do ra xét xử sơ thẩm, lực lượng an ninh ở nhiều nơi vẫn đến canh giữ ở trước nhà các nhà hoạt động và gia đình tù nhân lương tâm ở Hà Nội như các phiên tòa công khai xử người bất đồng chính kiến.

    Trên trang Facebook cá nhân, ông Lê Hoàng, một thành viên của đội bóng No-U (chủ trương chống "đường lưỡi bò" của Trung Quốc) cho biết có hai công an khu vực đã đến chốt ở gần nhà ông từ đêm hôm trước trong mưa rét. Tuy nhiên, sáng ra ông vẫn có thể đi làm bình thường mặc dù luôn có một người lạ mặt bám theo sau lưng. 

    Bà Đỗ Thị Thu, vợ của tù nhân lương tâm Trịnh Bá Phương, cho biết công an Dương Nội cũng cử một người đến canh gần nhà bà từ sớm. Tuy nhiên, bà đã rời khỏi nhà từ sớm để đến gần trụ sở Toà án thành phố ở quận Hoàng Mai, nơi diễn ra phiên toà kín xử ông Thắng.

    Tuy nhiên, bà cùng nhiều người thân và bạn bè của ông Thắng chỉ có thể quan sát khu vực xử án từ xa. Bà nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua điện thoại vào lúc gần trưa:

    Bây giờ là 11 giờ 40 phút rồi nhưng phiên toà xử anh Nguyễn Lân Thắng vẫn chưa kết thúc. Sáng nay có khoảng gần 50 người mặc quần áo công an, cảnh sát cơ động và thường phục đứng quanh khu vực toà và không cho ai vào tham dự phiên toà ngoài vợ anh Thắng và các luật sư.”

    Một số người bị công an canh giữ có thể kể đến như: bà Phạm Thị Lân- vợ TNLT Nguyễn Tường Thuỵ, cô Nguyễn Thanh Mai- con gái TNLT Nguyễn Thị Tâm, và đại tá quân đội nhà văn Nguyễn Nguyên Bình... cho dù bà đã rời nhà đi thăm người ốm từ hôm trước.

    Bà Hoàng Hà bị an ninh địa phương thăm hỏi từ tối hôm trước, và trong buổi sáng thứ Tư, bà được một nữ an ninh “tháp tùng” khi bà đi siêu thị để mua sắm hàng hoá.

    Bà giáo già Trần Thị Thảo (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng) cho biết bản thân cũng bị canh giữ bởi dân phòng cho dù bà đã nhiều lần tuyên bố không đi biểu tình vì tuổi già và bệnh tật mà chỉ muốn chính quyền Hà Nội tiến bộ về nhân quyền và nhiều vấn đề khác nữa.

    Một ngày trước phiên toà, luật sư Lê Văn Luân, một trong năm luật sư của ông Thắng viết trên trang Facebook cá nhân (Luân Lê) rằng thân chủ của ông đã đưa ra chính kiến của mình trước cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

    Theo đó, ông Thắng cho rằng ông là người đi chụp ảnh những người biểu tình trong các cuộc xuống đường chống Trung Quốc ở Hà Nội năm 2011 và đưa lên mạng xã hội những bức ảnh, phản ánh những vấn đề xã hội của người dân, nó là phản ánh lịch sử. Những bức ảnh đó là bằng chứng lịch sử và ông là một phóng viên tự do.

    Ông cũng nói mình tham gia một số chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây trường học cho vùng cao, tham gia hỗ trợ thiên tai, lũ lụt, tham gia phong trào phản đối chặt cây xanh với vai trò chính là người chụp ảnh.

    Ông cũng nhắc đến việc tham gia làm phim về thảm hoạ môi trường do Formosa gây ra ở ven biển miền Trung năm 2016.

    “Tôi đã đi biển với ngư dân để tôi hiểu được mức độ thiệt hại xảy ra là như thế nào. Tôi thực hiện những điều đó trên cơ sở quyền tự do báo chí, để phản ánh những mặt trái của xã hội mà báo chí chính thống không dám nhắc tới. Tôi tham gia với tư cách một người dân bình thường nên có điều kiện để quan sát kỹ hơn, gần gũi với dân hơn để có thể hiểu được những mong mỏi và quan điểm của người dân.”

    Về việc tham gia hội luận của BBC, ông nói:

    “Trong quá trình tích lũy nhiều năm, tôi được truyền thông quốc tế quan tâm. Tôi tham gia hội nghị bàn tròn. Người ta phỏng vấn tôi. Tôi trả lời phỏng vấn rất thực tế, dựa trên sự hiểu biết và trải nghiệm của cá nhân mình. Họ phỏng vấn thì có kịch bản, tôi trả lời cũng theo phiên bản của kịch bản của họ. Trong những buổi phỏng vấn đó, tôi nghĩ những nội dung tôi nêu ra đã đụng chạm đến nhiều nhóm lợi ích.”

    Ông khẳng định nội dung bình luận của mình không có mục đích chống Nhà nước Việt Nam mà chỉ muốn nêu ra những tồn đọng trong xã hội, ví dụ như nạn tham nhũng, lợi ích nhóm.

    Ông cũng nói mình không có ý xúc phạm cá nhân hay chống Nhà nước mà thực hiện tất cả những công việc từ trước đến nay trên tinh thần công dân với mục đích là phản biện, đưa ra những khiếm khuyết để các cơ quan chức năng điều chỉnh, mục đích cuối cùng là làm cho xã hội tốt đẹp hơn. 

    “Trong những phát ngôn của mình, có thể do cách biểu đạt của tôi có sai sót nào đó khi phê phán, chỉ trích. Nhưng những điều đó không thể bị xử lý hình sự. Nó có thể bị xử phạt hành chính.” 

    Ông nghi ngờ việc mình bị bắt và đem ra xử kín vì các phát ngôn của ông trong một thời gian dài, đã động chạm đến vây cánh của các nhóm lợi ích

    Khi được hỏi ý kiến về khả năng đi tị nạn chính trị, ông quả quyết: “Đây là chuyện của riêng Việt Nam, không phải của bất kỳ quốc gia nào khác. Tôi là người Việt Nam, nên tôi sống và đấu tranh trước mọi thứ cũng là cho đất nước mình, cho dân tộc mình, với tư cách công dân Việt Nam, không phải để đi nước nào khác.”

    HRW, Ân xá Quốc tế, CPJ kêu gọi trả tự do cho blogger Nguyễn Lân Thắng  

    11/4/2023 


    VOA Tiếng Việt 


    Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng.

    Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng. 

    Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), Ân xá Quốc tế, và Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam ngay lập tức hủy bỏ mọi cáo buộc và phóng thích blogger nổi tiếng Nguyễn Lân Thắng.

    “Nhà cầm quyền Việt Nam chà đạp lên nhân quyền một cách có hệ thống bằng cách trừng phạt những người viết blog dũng cảm như ông Nguyễn Lân Thắng chỉ vì họ đã bày tỏ quan điểm của mình về chính quyền,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của HRW cho biết trong một thông báo hôm 11/4.

    “Chính phủ các quốc gia hữu quan, bao gồm các đối tác thương mại ở Châu Âu, Bắc Mỹ, Australia và Nhật Bản cần lên án tình trạng đàn áp tự do ngôn luận và kêu gọi phóng thích Nguyễn Lân Thắng”, ông Roberston kêu gọi một ngày trước khi diễn ra phiên tòa xử kín ông Thắng ở Hà Nội.

    Hôm 10/4, Ân xá Quốc tế nói rằng việc xét xử ông Thắng cho thấy chính phủ Việt Nam đang làm xấu vị trí của mình trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bằng cách vi phạm quyền con người của người dân.

    Bà Ming Yu Hah, Phó giám đốc phụ trách vận động khu vực của Ân xá Quốc tế, cho biết trong một thông báo:

    “Trong hơn một thập niên qua, ông Nguyễn Lân Thắng đã thực hiện công việc quan trọng là ghi lại các cuộc biểu tình và vi phạm nhân quyền ở Việt Nam bất chấp bầu không khí trừng phạt ngày càng tồi tệ nhắm vào những người chỉ trích nhà nước.

    “Các hoạt động và báo cáo ôn hòa của ông nên được hoan nghênh như một phần của cuộc tranh luận công khai hợp pháp, nhưng thay vào đó ông đang phải đối mặt với nhiều năm tù”.

    Đại diện của Ân xá Quốc tế nêu nhận định: “Việt Nam tiếp tục làm xấu vị trí của mình trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bằng cách vi phạm nhân quyền của người dân. Cần hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông Nguyễn Lân Thắng và cùng với tất cả các nhà báo, nhà hoạt động và nhà phê bình nhà nước khác đang bị bỏ tù theo Điều 117, ông nên được trả tự do ngay lập tức”.

    Hôm 10/4, Uỷ ban bảo vệ Ký giả (CPJ) đưa ra lời kêu gọi tương tự.

    VOA đã liên lạc Tòa án Nhân dân Hà Nội, nơi ông Thắng sẽ được xử kín ngày 12/4, và gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị hai cơ quan này cho ý kiến về lời kêu gọi của HRW và của các nhóm nhân quyền khác, nhưng chưa được phản hồi.

    Công an Hà Nội bắt giữ ông Nguyễn Lân Thắng, 48 tuổi, người thường lên tiếng phản biện về các diễn biến chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam, vào ngày 5/7/2022 và cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” theo Điều 117, khoản 1 của Bộ luật hình sự. Ông phải đối mặt với mức án có thể lên tới 12 năm tù giam.

    Bà Lê Bích Vượng, vợ của ông Thắng, nói với VOA rằng chồng bà vô tội:

    “Theo đánh giá của tôi thì anh Thắng không có tội. Trong quá trình anh Thắng gặp luật sư, anh cũng phủ nhận việc anh “tàng trữ các tài liệu chống nhà nước”.

    “Thực ra các quyển sách thu được ở nhà tôi đa phần là của tôi, một số quyển khác trong kết luận điều tra không công bố, tuy nhiên trong đó nói có hai quyển sách của Phạm Đoan Trang với lời đề tặng cho anh Thắng. Đồng thời, một số video, clip trả lời phỏng vấn các đài nước ngoài, anh Thắng cũng nói rằng việc anh trả lời phỏng vấn các đài nước ngoài đấy không vi phạm pháp luật và anh không chống nhà nước”.

    Nhà báo Phạm Đoan Trang, bị bắt vào tháng 10/2020, hiện đang thụ án 9 năm tù cũng với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”.

    Sau khi Nguyễn Lân Thắng bị bắt, chính quyền giam giữ không cho ông liên lạc với bên ngoài suốt hơn 7 tháng. Mãi đến ngày 16/2/2023, luật sư bào chữa mới được gặp ông lần đầu tiên. Hiện gia đình ông vẫn chưa được phép thăm gặp.

    Luật sư Lê Văn Luân, một trong những người bào chữa cho ông Nguyễn Lân Thắng, hôm 10/4 nói với VOA rằng ông Thắng cho rằng ông vô tội.

    “Ông khẳng định không có mục đích chống nhà nước, chống chính quyền”, luật sư Luân nói.

    Ông Nguyễn Lân Thắng bắt đầu hoạt động từ đầu thập niên 2000 qua việc tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Ông phản ứng lại với động thái trấn áp thẳng tay nhằm vào các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bằng cách “mở rộng phạm vi hoạt động sang các lĩnh vực khác như bênh vực dân oan, chống cướp bóc đất đai, bảo vệ tự do tôn giáo, bảo vệ quyền con người, phổ biến pháp luật...”, theo HRW.

    Ông công khai ủng hộ việc hoạt động ôn hòa, ghi rõ rằng ông mong muốn đấu tranh “vì một thế hệ trẻ Việt Nam ngày mai: hiểu biết, tôn trọng, không cuồng tín, không bạo lực...”

    Trong nhiều năm, nhà cầm quyền Việt Nam nhiều lần sách nhiễu, đe dọa và đàn áp ông. Ông từng bị câu lưu tùy tiện, thẩm vấn, quản chế tại gia và cấm xuất cảnh.

    “Việt Nam hiện là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, nên hồ sơ tồi tệ về nhân quyền của quốc gia này lại càng đặc biệt đáng xấu hổ hơn,” ông Robertson nói. “Chính quyền Việt Nam nên phóng thích Nguyễn Lân Thắng và bất kỳ ai đang bị giam giữ chỉ vì ôn hòa thực thi các quyền dân sự và chính trị cơ bản của mình.”

    Cả gia đình và luật sư bào chữa nói với VOA rằng họ “rất bất ngờ” về quyết định xử kín của tòa. Luật sư Luân bày tỏ mong muốn “làm rõ về cơ sở” của quyết định này trong phiên tòa ngày 12/4.

    https://www.voatiengviet.com/a/hrw-an-xa-quoc-te-cpj-keu-goi-tra-tu-do-cho-blogger-nguyen-lan-thang-/7045247.html

    Sơ Thẩm vụ án Nguyễn Lân Thắng: “Xử kín vì không muốn bị mất mặt trước quốc tế"

    Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
    2/4/2023

    Sơ Thẩm vụ án Nguyễn Lân Thắng: “Xử  kín vì không muốn bị mất mặt trước quốc tế"

    Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngFB Nguyễn Lân Ké 

    Việc Tòa án Việt Nam và nhà cầm quyền quyết định xét xử kín trong phiên tòa sơ thẩm với blogger, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cho thấy “nhà nước cộng sản Việt Nam không muốn mất mặt” trước quốc tế và dư luận, một nhà quan sát chính trị và nhân quyền Việt Nam nêu quan điểm từ CHLB Đức.

    Hôm 12/4/2023, trong lúc đang diễn ra phiên sơ thẩm nói trên với kỹ sư Nguyễn Lân Thắng tại Hà Nội, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài bình luận với Đài Á Châu Tự Do:

    “Việc phiên tòa được xét xử kín ở Tòa án Nhân dân TP Hà Nội là một điều rất kỳ lạ, vì từ xưa đến nay, với các vụ án liên quan đến chính trị dưới chế độ này, chưa bao giờ có một phiên tòa nào xét xử kín cả.

    “Bởi vì tất cả những tài liệu mà anh Nguyễn Lân Thắng bị cáo buộc là tuyên truyền chống lại nhà nước cộng sản Việt Nam đều được công khai trên mạng xã hội và đều không có bất kỳ tài liệu nào liên quan bí mật quốc gia, thế nhưng ở đây lại quyết định tổ chức một phiên xét xử kín.”

    Ông Đài cho biết theo các thông tin ông có được trước phiên xử này, rất nhiều quan chức ngoại giao của các đại sứ quán của các nước tại Hà Nội có đề nghị phía Việt Nam cho phép họ tham dự phiên tòa này. 

    Ông cho rằng, có thể đây là lý do mà Chủ tọa phiên tòa quyết định xử kín vụ án để né tránh việc tham dự của các quan chức ngoại giao nước ngoài trong phiên xử ông Thắng.

    Về lý do của việc né tránh, luật sư Nguyễn Văn Đài nhận định những sự thật trong phiên tòa có thể khiến chính quyền mất mặt với quốc tế:

    “Bởi vì những bài trả lời phỏng vấn của anh Nguyễn Lân Thắng với các cơ quan truyền thông, báo chí quốc tế bằng tiếng Việt rất công khai. Mọi người đọc đều thấy rất bình thường, không có vấn đề gì, những vấn đề mà anh Thắng nêu lên đều là những vấn đề xảy ra trong thực tế ở Việt Nam.

    “Anh chỉ đưa quan điểm của anh về những vấn đề và sự kiến ấy như thế nào, mà chiếu theo quyền tự do ngôn luận, thì đó là một quyền rất bình thường thôi.

    “Nhưng khi xử kín như vậy, các quan chức ngoại giao nước ngoài sẽ nghe được bên công tố công bố những tài liệu như vậy, rồi nghe được bên luật sư bào chữa và quan điểm của anh Thắng, cũng như của Chủ tọa phiên tòa, thì đương nhiên phía cộng đồng quốc tế sẽ đánh giá đây không phải là vấn đề vi phạm pháp luật, mà chỉ thấy ở đây có yếu tố chính trị ở trong vụ án này mà thôi.”

    Ngay cả theo dõi qua màn hình cũng không áp dụng

    Trước đây, nhiều phiên tòa xét xử giới bất đồng chính kiến, hay các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền và vận động cho xã hội dân sự ở Việt Nam, khi đại diện giới chức ngoại giao quốc tế được phép tham gia, chính quyền có thể bố trí cho các quan khách này theo dõi qua một kênh và không gian đặc biệt, như có thể theo dõi qua màn hình tường thuật trực tiếp ngay bên trong khu vực xét xử của tòa, Luật sư Nguyễn Văn Đài nói thêm vì sao ngay cả hình thức theo dõi hạn chế này cũng không được chính quyền Việt Nam áp dụng tại phiên xử ông Nguyễn Lân Thắng:

    “Tôi được biết, ngay sau những phiên xử trước đây mà các cơ quan ngoại giao nước ngoài được tham dự, ngay sau buổi tham dự đó, các quan chức bao giờ cũng có bản báo cáo về cơ quan ngoại giao của họ ở các nước.

    “Và trong lần đối thoại nhân quyền, họ thường hay đưa ra những vụ án mà được các quan chức ngoại giao tham dự và đánh giá rằng với những gì họ biết về pháp luật Việt Nam, hay những gì mà chính quyền Việt Nam gọi là ‘chứng cứ vi phạm pháp luật’ của các nhà hoạt động đối lập, thì quốc tế không coi đó là vi phạm pháp luật.

    “Cho nên chính quyền Việt Nam không muốn chính phủ các nước có được thêm những bằng chứng về việc chính quyền Việt Nam đã coi việc những nhà hoạt động ở Việt Nam hoạt động về nhân quyền là những vấn đề chính trị. Tức là họ không muốn có thêm những bằng chứng bất lợi cho họ trong vấn đề quan hệ quốc tế.”

    Ông Đài từng có nhiều năm hành nghề luật sư ở Hà Nội và từng bảo vệ nhiều vụ án nhân quyền và tôn giáo trước khi bị bắt giam và kết án hai lần về các tội  danh "Tuyên truyền chống Nhà nước" và "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". 

    Năm 2018, khi đang thụ án 15 năm tù giam cho bản án thứ hai ông được phép rời khỏi trại giam và đi tị nạn chính trị tại CHLB Đức. 

    Kết quả của phiên tòa có thể như thế nào?

    Từ kinh nghiệm quan sát của bản thân và về chính trị Việt Nam, Luật sư Nguyễn Văn Đài nhận định, vụ án và phiên xử các nhà bất đồng chính kiến thường chịu những áp lực rất lớn từ các cơ quan ngoại giao nước ngoài và quốc tế đối với chính quyền, ông nói: 

    “Đặc biệt như ngay trong phiên xử sơ thẩm của tôi, đã có tới sáu, bảy đại diện sứ quán các nước được phép tham dự và họ cũng đã có những áp lực rất mạnh mẽ.

    “Hay là trong phiên xử với chị Phạm Đoan Trang cũng như vậy, rất nhiều cơ quan đã tham dự phiên tòa đó, và chị Phạm Đoan Trang còn bị tuyên mức án vượt trên mức mà ban đầu được đề nghị bởi Viện Kiểm sát của Việt Nam.

    “Thế cho nên từ đầu tôi không có một chút hy vọng nào là nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng có thể sẽ được chính quyền trả tự do, hay mức hình phạt sẽ ở mức thấp hơn so với những nhà hoạt động trước đây đã từng bị kết án," ông Đài nêu góc nhìn của mình. 

    Ông Nguyễn Văn Đài, hiện là một nhà bình luận chính trị Việt Nam, hy vọng các luật sư dày dạn kinh nghiệm trong các phiên tòa xử người bất đồng chính kiến đang bào chữa cho ông Thắng sẽ được thực thi đầy đủ chức năng của mình tại phiên tòa, để qua đó Hội đồng xét xử có thể có một cách nhìn khách quan và công bằng hơn trong vụ án này.

    “Song, tôi cũng phải nói thêm rằng Hội đồng xét xử lại không có quyền quyết định mức án mà ở đây là với ông Nguyễn Lân Thắng phải chịu, bởi vì trong tất cả những vụ án chính trị, mà bằng kinh nghiệm của tôi, và bằng tất cả những gì trong thực tiễn đã xảy ra trong nền chính trị ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ vừa qua, mức án dành cho những nhà hoạt động đối lập đều do cơ quan an ninh của Bộ Công an quyết định trước.

    “Còn tất cả những gì diễn ra tại phiên tòa chỉ là một vở kịch mà thôi, mà trong đó người đạo diễn, cũng như người viết kịch bản là Bộ Công an của nhà nước cộng sản Việt Nam,” luật sư Nguyễn Văn Đài nêu quan điểm riêng từ CHLB Đức.


    Không có nhận xét nào