Header Ads

  • Breaking News

    Võ Văn Thưởng: Một chủ tịch nước kém phong độ nhất lịch sử


    -Hôm 1/3/2023, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định giới thiệu nhân sự để bầu giữ chức Chủ tịch Nước nhưng không nêu cụ thể ai trong khi các nguồn tin của Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) và thông tấn xã Reuters cho biết người được đề cử thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc là ông Võ Văn Thưởng.

    Trong một tuyên bố ngắn gọn, Ban chấp hành Trung ương Đảng cho biết họ đưa ra quyết định này trong một cuộc họp bất thường tại trụ sở Trung ương Đảng hôm 1/3, gần 6 tuần sau việc từ chức bất ngờ của Chủ tịch Phúc giữa lúc chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn dắt ngày càng quyết liệt.

    Tuyên bố được Báo Điện tử Chính phủ đăng tải cho biết Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 “đã họp để xem xét và cho ý kiến về công tác cán bộ” và “quyết định giới thiệu nhân sự để bầu giữ chức Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026. Tuyên bố không cho biết ai đã được giới thiệu cho chức vụ được xem là mang nhiều tính lễ nghi mà trước đây ông Trọng từng kiêm nhiệm sau khi Chủ tịch Trần Đại Quang qua đời năm 2018.

    Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp của viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak, có trụ sở ở Tân Gia Ba, cho biết Đảng “đã chọn ông Võ Văn Thưởng” để phiên họp bất thường của Quốc hội Việt Nam vào ngày 2/3 “sẽ ‘bầu’ ông ấy làm Chủ tịch Nước”.

    Hai nguồn tin của thông tấn xã Reuters cũng cho biết ông Thưởng, 52 tuổi và là thành viên trẻ nhất trong Bộ Chính trị – cơ quan quyền lực nhất của Việt Nam, được chọn là ứng viên cho chức vụ này.

    Trong một tuyên bố khác đưa ra trên trang Facebook chính thức, Chính phủ Việt Nam cho biết Quốc hội sẽ tiến hành cuộc họp bất thường vào ngày 2/3 “để kiện toàn nhân sự Chủ tịch Nước”.

    Bà Võ Thị Xuân Ánh hiện giữ quyền Chủ tịch Nước theo sự phân công của Bộ Chính trị kể từ khi ông Phúc bàn giao cho bà hôm 4/2 sau gần 21 tháng đảm nhiệm chức vụ này.

    Ông Phúc được cho là bị buộc từ chức với lý do được công bố là “chịu trách nhiệm chính trị với tư các là người đứng đầu với các sai phạm của cấp dưới” trong vụ bê bối kit xét nghiệm Việt Á. Tuy nhiên, ông Phúc, trong buổi lễ bàn giao hôm 4/2, lên tiếng bảo vệ gia đình và người thân trước vụ tai tiếng này. Trần tình của ông Phúc sau đó bị các trang mạng chính thống trong nước gỡ bỏ.

    Ông Phúc là viên chức cấp cao nhất đã bị buộc thôi chức trong chiến dịch chống tham nhũng, còn được gọi là “đốt lò” mà ông Trọng phát động từ khi giành nhiệm kỳ Tổng Bí thư Đảng lần thứ 2 vào năm 2016. Ngoài ông Phúc, hàng trăm viên chức đã bị điều tra và nhiều người cũng đã bị bãi nhiệm, trong đó có hai Phó Thủ tướng từng dưới quyền ông, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam.

    Thông tin việc ông Thưởng, hiện đang là Thường trực Ban Bí thư Đảng, sẽ được chọn làm người kế nhiệm ông Phúc trong cương vị Chủ tịch Nước đã được lan truyền trên mạng xã hội trong nhiều ngày qua.

    Theo Tiến sĩ Hợp, nhà nghiên cứu liên kết cấp cao của ISEAS hiện đang sinh sống ở Hà Nội, các thông tin nội bộ này được đưa ra qua “các tuyên truyền viên của Đảng ở cả trong và ngoài nước” với mục đích “thăm dò dư luận”. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này cho rằng cách thăm dò dư luận này “không nhằm điều chỉnh” và “làm cho người dân Việt Nam và quốc tế thấy hoạt động của Đảng và nhà nước Việt Nam hoàn toàn không minh bạch”.

    Tiến sĩ Hợp cho biết ông không ngạc nhiên về việc ông Thưởng được chọn ứng cử cho chức Chủ tịch Nước khi người từng là trưởng ban Tuyên giáo Trung ương là một trong những người thân tín với ông Trọng, người có quyền lực nhất trong các lãnh đạo ở Việt Nam.

    Các nhà ngoại giao ở Hà Nội nói với thông tấn xã Reuters rằng họ xem quyết định chọn ông Thưởng làm Chủ tịch Nước của Đảng Cộng sản là một nỗ lực nhằm thăng tiến một thế hệ lãnh đạo mới và củng cố quyền lực trong trường hợp ông Trọng, vị Tổng Bí thư 78 tuổi, quyết định từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ thứ 3 chưa từng có tiền lệ vào năm 2026.

    Theo một nhà ngoại giao không được nêu danh tính cho thông tấn xã Reuters biết, chức vụ Tổng Bí thư thường được chọn từ các nhà lãnh đạo “tứ trụ” và ông Trọng “đang muốn bảo đảm rằng ông ấy sẽ có một người kế nhiệm phù hợp trong số đó”.

    Chức vị Chủ tịch Nước dù chỉ có quyền lực lễ tân nhưng điều quan trọng là Chủ tịch Nước sẽ là một ứng cử viên sáng giá cho vị trí Tổng Bí thư Đảng, theo Tiến sĩ Hợp. Tuy nhiên nhà nghiên cứu này lại cho rằng điều này khó mà đúng với ông Thưởng vì “ông Thưởng chưa thể đủ kinh nghiệm làm Tổng Bí thư” và “có năng lực hạn chế” mặc dù “trong sạch hơn một số người khác”.

    Theo Quy định của Bộ Chính trị được trích dẫn về tiêu chuẩn chức danh và tiêu chí đánh giá cán bộ diện Trung ương, Bộ Chính trị thì Chủ tịch Nước “cần có uy tín cao, là trung tâm đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, toàn Đảng và nhân dân; có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu rộng”. Vẫn theo các tiêu chí này, người được chọn làm Chủ tịch Nước còn phải là “trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước” cũng như “đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ” đồng thời “tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên”.

    Ông Thưởng, một trong 16 ủy viên Bộ Chính trị, từng phát biểu tại một cuộc họp của Ban chấp hành Trung ương Đảng hồi tháng trước rằng “lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân phải là điểm xuất phát quan trọng của mọi đường lối chủ trương và chính sách pháp luật”.

    Không có nhận xét nào