BBC News
29/3/2023
Nguồn hình ảnh, UGC
Chụp lại hình ảnh,
Nhà hoạt động Trương Văn Dũng
Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội hôm 28/3 kết án nhà hoạt động Trương Văn Dũng sáu năm tù về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999.
Ông Dũng bị cáo buộc "trả lời phỏng vấn báo đài ngoại quốc và tàng trữ sách lậu, không giấy phép." Phiên tòa và bản án của ông Dũng không được báo chí nhà nước đưa tin và chỉ có vợ ông, bà Nghiêm Thị Hợp được vào dự.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội, ông bị cáo buộc trong thời gian từ ngày 24/10/2015 đến tháng 5/2022 đã trả lời phỏng vấn của chương trình “Từ cánh đồng mây” của Radio Sài Gòn Dallas ở Hoa Kỳ.
Theo đó, ông Dũng bị cáo buộc là tuyên truyền thông tin xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; tuyên truyền thông tin gây chiến tranh tâm lý thông qua các bài phỏng vấn, video clip đăng tải trên mạng xã hội.
Cáo trạng cũng cáo buộc ông tàng trữ hai cuốn sách: “Những mảnh đời sau song sắt” của cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên và “Chính trị bình dân” của nhà hoạt động Phạm Đoan Trang.
Theo đó, hai cuốn sách này bị cho là được in và phát hành bất hợp pháp với nội dung tuyên truyền thông tin xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân và tuyên truyền thông tin gây chiến tranh tâm lý.
Ngoài ra, công an còn thu giữ ở nhà riêng của ông Dũng 31 băng rôn và biểu ngữ được in trên vải bạt và 14 tài liệu in trên giấy với nhiều kích thước khác nhau, có nội dung bị cho là chống phá nhà nước Việt Nam.
Thực tế, đối với trường hợp ông Dũng, một số nhà quan sát cũng như trong lời kêu gọi của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nhắc đến những hoạt động khác của ông Dũng, đặc biệt là vai trò của ông trong việc đồng sáng lập Hội Bầu bí Tương thân.
"Trong mắt chính quyền Việt Nam, dù có là phản biện ôn hòa, biểu tình, đấu tranh bất bạo động thì đều được xem là mối hiểm họa. Để lập thành án, như trường hợp ông Trương Văn Dũng, chính quyền sẽ cần gán ông Dũng là thành viên, hoặc lãnh đạo một nhóm nào đó có tính tổ chức và rồi buộc tội nhóm đó là chống phá nhà nước. Đó là điều họ làm với ông Nguyễn Văn Đài của Hội anh em Dân chủ, với Nguyễn Thúy Hạnh của Quỹ 50k và nhiều nhà bất đồng chính kiến khác," nhà hoạt động giấu tên nói với BBC Tiếng Việt.
Ông Dũng tố cáo gì?
Trong phiên xét xử, ông Dũng có tố cáo việc mình bị công an đánh đập trong lúc hỏi cung.
Luật sư Lê Đình Việt, người bào chữa cho ông Dũng đã thuật lại trên Facebook cá nhân rằng, trong cuộc thăm gặp vài ngày trước phiên xử, thân chủ của ông tố cáo bị dùng nhục hình và "trong một thời gian dài ông đã phải nhờ đến sự chăm sóc y tế của Trại tạm giam."
Theo lời ông Dũng mà luật sư Việt thuật lại, ngày 15/9/2022, trong thời gian trích xuất ông đến Cơ quan ANĐT để hỏi cung, ông đã bị dùng nhục hình.
"Việc này dẫn đến, từ đêm ngày 15/9/2022 và kéo dài đến khoảng nửa tháng sau đó, ông đã phải thường xuyên nhờ đến sự hỗ trợ về y tế của Trại tạm giam để đối phó với sự hành hạ của những cơn đau. Sau thời gian này thì ông bình phục dần và hiện tại khỏe mạnh," ông Việt viết trên Facebook cá nhân.
Theo HRW, chính quyền Việt Nam kết án ít nhất 163 người kể từ năm 2018 vì thực hiện các quyền tự do ngôn luận hoặc lập hội theo các điều luật “mơ hồ hoặc quá mông lung” nhằm hình sự hóa việc bày tỏ ý kiến phản đối hoặc chỉ trích chính phủ.
HRW cũng viết trong thông cáo báo chí gửi đi trước phiên xử của ông Dũng rằng, ít nhất 18 người khác đã bị buộc tội và đang chờ xét xử, và rằng các cơ quan chức năng Việt Nam khởi tố nhiều trường hợp trong số này qua cáo buộc “tuyên truyền”, tội phạm hóa theo điều 88 và 117 của BLHS.
Vấn đề về đối xử tù nhân chính trị đã được nhiều tổ chức dân sự, nhân quyền nêu quan ngại trước đó.
Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) từng lên tiếng về trường hợp của ông Đỗ Công Đương, 58 tuổi, chết ngày 2/8/2022 tại Trại giam số 6, tỉnh Nghệ An. Ông qua đời sau một thời gian dài đau ốm và được cho là không được khám chữa bệnh đầy đủ.
Ngày 9/8/2022 gia đình của 27 tù nhân lương tâm đã có thư ngỏ gửi các tổ chức quốc tế và chính quyền Việt Nam, kêu gọi khám chữa bệnh cho các tù nhân lương tâm.
Trương Văn Dũng là ai?
Trương Văn Dũng, 65 tuổi, lần đầu tiên tham gia vận động quyền lợi về đất đai vào những năm 2000, vận động chống lại việc cưỡng chế tịch thu nhà riêng của mình.
Vào đầu những năm 2010, ông cùng các nhà hoạt động khác bắt đầu vận động cho các quyền cơ bản, bao gồm quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp.
Từ năm 2011 đến 2018, ông cũng tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bảo vệ môi trường như phản đối luật an ninh mạng năm 2018 và công khai tẩy chay “các cuộc bầu cử” tầm quốc gia của Việt Nam.
Ông cũng công khai lên tiếng ủng hộ nhiều tù nhân chính trị và những người bị tạm giam. Trong đó có Nguyễn Thúy Hạnh, Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Thị Tâm, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Lê Đình Lượng... và các thành viên Hội Anh em Dân chủ.
Vào tháng 12 năm 2013, ông Trương Văn Dũng và các nhà hoạt động khác đã thành lập một nhóm nhân đạo, Hội Bầu bí Tương Thân, để hỗ trợ tài chính và tinh thần cho các tù nhân chính trị, dân oan về đất đai và gia đình họ.
Theo HRW, nhà bất đồng chính kiến Trương Văn Dũng đã bị chính quyền sách nhiễu và đe dọa, bao gồm việc bị công an thẩm vấn, quản thúc tại gia, cấm đi lại, và bị công an mặc thường phục hành hung.
Sau khi bị bắt vào tháng 5/2022, Trương Văn Dũng đã bị biệt giam hơn chín tháng. Ông chỉ được gặp luật sư của mình lần đầu tiên vào tháng 3/2023.
Gia đình ông không được phép vào thăm.
Ông Trương Văn Dũng, trước đây, đã một số lần bị báo chí nhà nước ở Việt Nam lên án.
Tháng 9/2021, báo Công an Nhân dân viết rằng ông Dũng, từ đầu năm 2021 đến nay, "thường xuyên phát tán, chia sẻ các tin/bài viết, hình ảnh có nội dung xuyên tạc tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong nước; công kích, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an; đả kích chế độ XHCN ở Việt Nam, gây dư luận xấu trên không gian mạng và trong xã hội"
"Người này là đối tượng cốt cán trong nhóm chống đối như: "Nou-FC", "Bầu bí tương thân", "Mạng lưới blogger Việt Nam"; là "đầu mối" tiếp nhận hỗ trợ tài chính khu vực miền Bắc cho các gia đình "tù nhân chính trị"."
"Trương Văn Dũng thường xuyên tham gia kích động người khiếu kiện đất đai tại các trụ sở cơ quan Nhà nước, quay video clip tung lên mạng để vu cáo chính quyền," tờ này viết.
Trong khi đó, nhiều tổ chức nhân quyền nước ngoài gọi ông Dũng là nhà hoạt động xã hội.
Trang web Front Line Defenders mô tả ông là "tham gia các hoạt động nhân quyền trong nhiều năm, tích cực nhất là thay mặt cho các nạn nhân bị chính quyền Việt Nam chiếm đoạt đất đai và chịu những bất công khác".
Phó Giám đốc phụ trách Châu Á của tổ chức HRW, Phil Robertson viết trong thông cáo báo chí hôm 27/3 vừa qua:
“Làm sao Trương Văn Dũng có thể được xét xử công bằng khi hệ thống luật pháp của Việt Nam không độc lập và điều luật mà ông ta bị buộc tội vi phạm các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế cơ bản – và những gì ông ta bị tuyên án thậm chí không nên được xem là phạm tội,” ông Robertson nói .
Không có nhận xét nào