Header Ads

  • Breaking News

    Quan hệ Việt-Mỹ: Nói dzậy mà không phải dzậy!



    Thủ tướng VN Phạm Minh Chính đón phái đoàn Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN tại Hà Nội hôm 22 tháng Ba. Ảnh Nhật Bắc/báo chính phủ VN.

    Tiếp đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ đến Việt Nam tìm cơ hội làm ăn hôm 22 tháng Ba 2023, người đứng đầu chính phủ cộng sản đã phát biểu những lời “có cánh”, nhưng đằng sau đó là một thực tế trái ngược.

    Theo tường thuật của Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam, ông Thủ tướng Phạm Minh Chính nói ông “luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu”; ông “mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ ngày càng thực chất, ổn định, đi vào chiều sâu trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau” và “Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ tiếp tục phát triển trên cơ sở cùng có lợi, mang lại tăng trưởng và việc làm cho nhân dân cả hai nước, góp phần duy trì, hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”… Có thật như vậy không?

    Nếu tin lời ông Chính thì quan hệ Việt-Mỹ đang rất tốt đẹp, không có gì phải băn khoăn. Nhưng thực tế, trong thang bậc về quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước, Hoa Kỳ xếp gần cuối bảng cho dù các nhà lãnh đạo cao nhất của Mỹ – kể cả Phó Tổng thống Kamala Harris – đã nhiều lần đề nghị “nâng cấp” nhưng đều không thành công.

    Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện – cấp cao nhất về quan hệ ngoại giao – với bốn nước: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Nam Hàn; quan hệ đối tác chiến lược – cấp thấp hơn – với Nhật Bản và 12 quốc gia khác; và quan hệ đối tác toàn diện – cấp thấp hơn nữa – với 13 quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ. Thực tế, Việt Nam coi Mỹ là một đối tác chỉ ngang hàng với… Myanmar hoặc Venezuela, thấp hơn Malaysia hoặc Tân Tây Lan và còn lâu mới được “thăng cấp” lên hàng “đối tác chiến lược toàn diện”.

    Đề nghị nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ đã được cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton đưa ra từ năm 2010, nhưng 13 năm đã trôi qua, đề nghị đó vẫn chưa được đáp ứng để bà Kamala Harris phải nhắc lại vào năm ngoái.

    Quan hệ ngoại giao theo thang bậc như vậy chi phối cách ứng xử của Việt Nam trên trường quốc tế. Khi Vladimir Putin tiến hành cuộc chiến Ukraine, Việt Nam đã từ chối lên án hành vi xâm lược đó vì Nga là “đối tác chiến lược toàn diện” của Hà Nội, cung cấp vũ khí cho quân đội Việt Nam và hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông. Cùng với Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam đã năm lần bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, không đứng về phía Hoa Kỳ, Châu Âu và các nước dân chủ tự do lên án chiến tranh xâm lược và đòi Nga phải rút ra khỏi Ukraine.

    Lựa chọn của Việt Nam có thể “thông cảm” được do quan hệ lịch sử với Nga nhưng tiềm ẩn những tai hại khó lường. Trong khi Trung Quốc và Ấn Độ hưởng lợi lớn từ cuộc chiến tranh – mua dầu khí giá rẻ của Nga chẳng hạn, thì Việt Nam chẳng có mấy lợi ích nếu không nói rằng lợi ích lâu dài, chiến lược của đất nước Việt Nam nằm ở chỗ phải thoát ra khỏi quỹ đạo của Nga-Trung Quốc càng sớm càng tốt.

    Vậy tại sao Việt Nam cứ lần khân, không chấp nhận đề nghị nâng cấp quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ dù lần nào gặp gỡ, các nhà lãnh đạo Việt Nam lại nhắc đi nhắc lại những lời hứa hươu hứa vượn như ông Chính vừa nói trên.

    ***

    Bản tin của Reuters phát đi từ Hà Nội ngày 23 tháng Ba nhận xét: “Việc Hoa Kỳ thúc đẩy nâng cấp quan hệ với Việt Nam năm nay đang gặp phải sự kháng cự của Hà Nội, vì cái mà các chuyên gia nói là mối lo Trung Quốc có thể coi đó như một hành động thù địch vào lúc căng thẳng giữa hai siêu cường Bắc Kinh và Washington”.

    Phản ứng của Trung Quốc có lẽ là mối lo lớn nhất trong tâm trí của những người cầm quyền Hà Nội sau cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 và mười năm xung đột sau đó khiến Việt Nam hết sức điêu đứng, phải muối mặt cầu hòa với Trung Quốc tại mật nghị Thành Đô năm 1990.

    Nhưng cũng có thể do Hà Nội không thật sự tin tưởng ở Washington. Tục ngữ có câu “Bán anh em xa mua láng giềng gần” nhưng rủi thay, láng giềng gần lại là một tên trọc phú hung hãn và tham lam đang dùng đủ mọi thủ đoạn để chèn ép. Anh em xa tuy mạnh nhưng lại quá xa và cũng thường thay lòng đổi dạ khi tình huống thay đổi. Giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chưa từng có một hiệp ước tương trợ về an ninh như Philippines nên khó có thể trông cậy vào sự hỗ trợ của Mỹ nếu xung đột ở Biển Đông nổ ra thành chiến tranh nóng.

    Khi tiếp các quan chức Hoa Kỳ, ông Phạm Minh Chính – cũng như những người tiền nhiệm của ông – luôn nhấn mạnh vào mối quan hệ Việt – Mỹ “trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau”. Cái ý tưởng “theo Mỹ mất đảng” vẫn ám ảnh sâu sắc các nhà lãnh đạo cộng sản Hà Nội dù cách đây mười năm Tổng thống Barack Obama đã cam kết Hoa Kỳ “sẽ không làm việc để thay đổi chế độ tại Việt Nam”. Thực tế Washington đã không có hành động nào ủng hộ việc thay đổi thể chế cộng sản ở Việt Nam mà ngược lại đã giúp củng cố chính quyền Hà Nội bằng những chính sách hỗ trợ thiết thực và hiệu quả. Dẫu vậy sự đối lập thể chế giữa dân chủ và độc tài trong một thế giới bị phân cực sâu sắc làm cho các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản luôn cảm thấy bất an, lo sợ “thế lực thù địch” đang “diễn biến hòa bình” để truất quyền lãnh đạo của đảng trong một cuộc “cách mạng màu” nào đó như đã từng xảy ra ở Tunisia, Ukraine và một số nước khác.

    Kiên trì đi theo chính sách đu dây trước mắt đang đem lại lợi ích cho đảng cầm quyền tại Hà Nội nên họ chưa tính tới chuyện thay đổi. Về kinh tế chẳng hạn, Việt Nam cam phận làm “điểm trung chuyển” giữa hai siêu cường: nhập cảng nguyên liệu, thiết bị từ Trung Quốc để chế biến và xuất cảng sang Hoa Kỳ; thặng dư của Việt Nam khi bán hàng sang Mỹ chỉ đủ để bù khoản thâm hụt trong nhập cảng nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Nói thẳng ra là Việt Nam đang lợi dụng chính sách mở của thị trường Mỹ để kiếm lợi và làm lợi cho người láng giềng Trung Quốc.

    Nói với Reuters, người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết hai nước đang làm việc cùng nhau để nâng cao quan hệ đối tác. Trong khi đó, được hỏi liệu Việt Nam đã sẵn sàng nâng cấp quan hệ với Mỹ trong năm nay hay chưa, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 23 tháng Ba cho biết điều đó sẽ xảy ra “khi thời điểm thích hợp” mà không ai biết thế nào là thích hợp.


    Ông Phạm Minh Chính (giữa) chụp ảnh kỷ niệm với phái đoàn Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN do cựu Đại sứ Ted Osius dẫn đầu đang thăm Việt Nam từ 20-23/03/2023. Bên tay phải ông Chính là Đại sứ Mỹ Mark Knapper và cựu Đại sứ Ted Osius. Ảnh VGP/Nhật Bắc

    Việt Nam lợi dụng Mỹ không phải là chuyện người Mỹ không biết. Tổng thống Donald Trump trước đây từng cho rằng Việt Nam lợi dụng Mỹ còn hơn Trung Quốc, đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi các nước thao túng tỷ giá và đã áp thuế nhập cảng một số mặt hàng của Việt Nam. Nhưng Tổng thống Joe Biden có chính sách ưu ái với Việt Nam hơn, cử nhiều quan chức cao cấp nhất đến Việt Nam, viện trợ cho Hà Nội rất hào phóng với ý đồ lôi kéo Việt Nam ra xa vòng ảnh hưởng của Trung Quốc trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Washington. Nhưng sự kiên nhẫn của Washington dường như đang cạn dần và nhiều nhà phân tích đã chỉ ra tính chất ảo tưởng trong ý đồ của Washington trong việc chia rẽ hai đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc.

    Cục diện thế giới đang thay đổi với tốc độ chóng mặt. Với chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Moscow đầu tuần này, thế đa cực trong trật tự quốc tế đã hiện rõ, một bên là liên minh các quốc gia chuyên chế do Trung Quốc thủ lĩnh với Nga, Bắc Hàn và Iran; đối đầu với một bên do Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu cầm trịch, với Canada, Úc, Nhật Bản, Đài Loan và Nam Hàn; ở giữa là một nhóm nước tuy chưa phải là cường quốc nhưng có thế lực đáng nể cả về quân sự và kinh tế như Ấn Độ hay Brazil.

    Cơ hội cho các chính sách “đu dây” của những nước nhỏ như Việt Nam không còn nhiều khi cả Mỹ và Trung Quốc đều nỗ lực lôi kéo các nước ở giữa đứng vào liên minh của mình. Theo ông Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện ISEAS–Yusof Ishak của Singapore, Việt Nam chắc chắn muốn nâng cấp quan hệ với Washington, nhưng khó có khả năng đồng ý việc này trong năm nay. Nhưng “việc nâng cấp có thể không còn là ưu tiên của Mỹ trong tương lai nữa”, ông Hiệp nói với Reuters.

    Thêm một cơ hội để Việt Nam tiến về phía văn minh lại bị bỏ mất!

    Không có nhận xét nào