Tổng thống Đài Loan Tưởng Giới Thạch đón Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu năm 1969 ở Đài Bắc.
Tiếp theo phần trước, về những góc khuất cần thêm nghiên cứu của cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc gần nửa thế kỷ trước, RFA phỏng vấn TS. George Jay Veith về những nỗ lực xây dựng nền dân chủ thời Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).
RFA: Đối với cuộc chiến Việt Nam, nghiên cứu lịch sử ở Việt Nam tất nhiên chỉ quan tâm đến bên thắng cuộc, tức là Bắc Việt Nam. Hầu hết các nhà sử học quốc tế cũng vậy. Nhưng các nghiên cứu của ông phỏng vấn nhiều nhân chứng lịch sử của phía Việt Nam Cộng Hòa. Tại sao hầu hết các nhà nghiên cứu tập trung vào người chiến thắng? Điều gì khiến ông khác biệt với hầu hết các nhà nghiên cứu khác?
Jay Veith: Vâng, bạn nói đúng. Hầu hết các nhà nghiên cứu Mỹ quan tâm đến việc thảo luận về phía Bắc Việt Nam. Điều đó không có gì khó hiểu. Ở đây có hai nhóm học giả. Những người nghiên cứu chiến lược thì muốn hiểu động cơ, suy nghĩ và chiến lược của phía thù địch. Nhóm thứ hai là các học giả chống chiến tranh. Những học giả phản chiến này đã cố gắng vẽ ra hình ảnh một Miền Nam Việt Nam độc tài, một quốc gia yếu kém tham nhũng, và không đáng để chúng ta ủng hộ. Rốt cục, nếu Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa không đáng để chúng ta tiếp tục hỗ trợ thì họ cũng không đáng để chúng ta nghiên cứu. Vâng, nhiều năm trước, khi tôi viết cuốn “Black April” (Tháng Tư Đen), tôi đã nhận ra rằng bức chân dung lịch sử về Miền Nam Việt Nam là sai.
Và không chỉ là bức tranh đó sai. Vấn đề là không ai đã từng cố gắng sửa nó. Nên cả hai cuốn sách, “Black April” (Tháng Tư Đen) viết về lịch sử quân sự, và “Drawn Sword in Distant land” (Tuốt kiếm viễn chinh) viết về lịch sử chính trị, kinh tế và xã hội Miền Nam Việt Nam, đều cố gắng thể hiện sự thăng trầm của VNCH, cả mặt tốt lẫn mặt xấu.
Là một sử gia, bạn phải cho thấy được cả hai mặt tốt và xấu của Việt Nam Cộng Hòa. Cả hai đều phải khách quan. Bạn không thể chỉ nói, ồ, Việt Nam Cộng Hòa chỉ toàn là kẻ xấu, toàn là những kẻ hèn nhát, hay họ chỉ là những tên tham nhũng, trong khi đó lại không nói đến sự thực là, họ đã tiến hành cải cách ruộng đất một cách văn minh, họ đã cố gắng thực hiện các nguyên tắc dân chủ.
Vì vậy, tôi đã cố gắng làm thế nào để làm rõ được những thành tích của những con người đó, và cả những gì họ đã thất bại.
Cuốn sách "Drawn Sword in Distant land" (tạm dịch: "Tuốt kiếm viễn chinh") của TS. George J. Veith, xuất bản bởi Encounter Books năm 2021. Ảnh: RFA
RFA. Luận án tiến sỹ của ông có nghiên cứu theo hướng đó không?
Jay Veith: Luận án tiến sĩ sử học của tôi nghiên cứu về con đường Việt Nam Cộng Hòa xây dựng nền dân chủ trong chiến tranh. Đó là nền tảng thực sự để tôi triển khai thành sách “Drawn Sword in Distant land” (Tuốt kiếm viễn chinh).
RFA. Xin ông cho biết nội dung trung tâm của “Drawn Sword in Distant land” (Tuốt kiếm viễn chinh).
Jay Veith: Cuốn sách này cố gắng chỉ ra Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã cố gắng xây dựng và tạo ra một nền dân chủ như thế nào sau cuộc đảo chính chống lại Tổng thống Diệm, cùng lúc với việc phải chiến đấu trong chiến tranh.
Xây dựng dân chủ trong thời bình đã khó, xây dựng dân chủ trong thời chiến tranh càng khó hơn. Và xây dựng dân chủ trong khi phải chống đỡ cuộc chiến tổng lực từ những người Cộng sản thì lại gần như là bất khả thi. Nhưng ông ấy đã làm được một số điều khá tuyệt vời. Và vì vậy tôi muốn chỉ ra những thành công và thất bại của ông ấy khi cố gắng xây dựng nền dân chủ. Đó là nội dung luận án tiến sĩ của tôi.
RFA. Hy vọng cuốn sách đó sẽ được dịch sang tiếng Việt.
Jay Veith: Vâng, “Tháng Tư Đen” đã có bản tiếng Việt. Chúng tôi cũng vừa hoàn thành bản dịch cho “Drawn Sword” (Tuốt kiếm viễn chinh). “Tuốt kiếm viễn chinh” sẽ ra mắt trong vài tháng nữa.
Chúng tôi phát hành nhiều ngàn bản tiếng Việt của “Tháng Tư Đen” và tất cả đều nhanh chóng cháy hàng. Nhà xuất bản đang cố gắng tái bản nhưng hiện tại việc in lại sách hơi khó. Như vậy chúng ta đã có bản tiếng Việt của “Tháng Tư Đen”.
RFA. Trong cuốn sách, ông đã phỏng vấn rất nhiều nhân chứng của Việt Nam Cộng Hòa, nhưng làm sao ông tìm được họ? Làm thế nào để ông thuyết phục họ cho phỏng vấn?
Jay Veith: Chà, đó là một câu hỏi rất thú vị. Nhiều người trong số họ không muốn nói về quá khứ. Họ thậm chí còn miễn cưỡng hơn khi nói chuyện với một người Mỹ vì họ nghĩ rằng người này có thể nghĩ xấu về họ.
Khi thực hiện các cuộc phỏng vấn cho cuốn “Tháng Tư Đen”, tôi bắt đầu gặp gỡ và làm quen ngày càng nhiều với những người cao cấp của Miền Nam Việt Nam và thậm chí cả những người hiện đang lãnh đạo các cộng đồng dân sự miền Nam Việt Nam. Tôi đã thuyết phục được họ rằng tôi là người mà họ nên nói chuyện và nên kể những câu chuyện của mình.
Nhiều người đã rất vui khi nói chuyện với tôi. Họ chưa từng được phỏng vấn trước đây, chưa từng có ai hỏi về tiểu sử của họ. Vì vậy tôi đã có thể biết được nhiều bí mật hấp dẫn mà đối với giới nghiên cứu sử chúng tôi vẫn còn là một bí ẩn về những gì đã xảy ra trong quá khứ.
Vâng, có một số người không muốn nói chuyện. Họ không muốn khơi lại quá khứ hoặc muốn chôn kín ký ức về những gì đã xảy ra nhưng tôi có thể nói rằng có lẽ 70% những người tôi phỏng vấn đều rất hữu ích. Họ rất quan tâm đến việc kể lại câu chuyện từ khía cạnh của họ. Tôi cố gắng nói với họ, và lặp lại điều này nhiều lần trong các bài phát biểu, là nghiên cứu lịch sử cần đa chiều, nếu bạn không kể câu chuyện của mình, nếu bạn không kể cho thế giới biết bạn đã làm gì, tại sao bạn lựa chọn như vậy, thì sau khi bạn chết, một chiều khác của lịch sử sẽ ra đi mãi mãi. Đó mới là lúc những người Cộng sản sẽ thực sự chiến thắng vì họ đã xuất bản một lượng tài liệu khổng lồ. Đối với tôi lúc bắt đầu viết sử, điều quan trọng là phải thực sự viết những câu chuyện về miền Nam Việt Nam thời chiến từ điểm nhìn của họ, ngay bây giờ, trước khi quá muộn, và tôi đã dành 20 năm qua để thực hiện điều đó.
RFA: Trong lúc phỏng vấn những nhân chứng VNCH, có những câu chuyện gì làm ông xúc động? Tôi có đọc về 5 vị tướng của Việt Nam Cộng Hòa tuẫn tiết ngày 30 tháng 4. Ông có phỏng vấn ai biết về những người đó không?
Jay Veith: Những vị tướng đó rất nổi tiếng, và nhiều người đã viết về họ. Đó không phải là một bí ẩn lớn. Những câu chuyện khiến tôi xúc động không phải là về những vụ tuẫn tiết của các tướng lĩnh. Tôi xúc động hơn khi nghe câu chuyện về một số đơn vị quân đội đã tiếp tục chiến đấu trong những ngày cuối cùng.
Một trong những câu chuyện yêu thích của tôi là về đội Biệt cách dù 81. Có lẽ đó là một trong những đơn vị ưu tú nhất trong quân đội miền Nam Việt Nam. Tôi thích câu chuyện họ hành quân trong ngày nhận lệnh đầu hàng. Họ hành quân một cách trang nghiêm xuống đường cao tốc để đầu hàng, rồi khi họ bị chặn lại, họ không đồng ý tháo bỏ quân phục và hạ vũ khí. Và những người lính Bắc Việt đồng ý để họ đi. Những câu chuyện như thế này đối với tôi quan trọng hơn những câu chuyện nổi tiếng khác. Những câu chuyện về cuộc tuẫn tiết của các vị tướng tất nhiên là những câu chuyện rất bi tráng nhưng với tôi, có những câu chuyện khác của những người lính bình thường cũng quan trọng và bi tráng không kém.
RFA: Cuốn sách “Drawn Sword in Distant land” (Tuốt kiếm viễn chinh, 2012) của ông dành nhiều nghiên cứu về Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Tại sao ông quan tâm đến nhân vật lịch sử này?
Jay Veith: Lúc tôi viết cuốn sách đó, trong các nghiên cứu sử Việt Nam hiện đại trên thế giới, đã có khoảng bảy tám cuốn sách khảo cứu về Tổng thống Diệm nhưng chưa có cuốn nào nghiên cứu về Tổng thống Thiệu.
Không có khảo cứu, nhưng những gì viết về ông ấy thường là, ồ, ông ta độc tài, ông ta tham nhũng, ông ta là thế này thế kia. Khi tôi viết xong “Black April” (“Tháng Tư Đen”,) gần như ngay lập tức tôi bắt đầu phỏng vấn một số người đã từng phục vụ trong các cấp rất cao của Chính phủ VNCH. Và họ bắt đầu kể cho tôi một hình ảnh rất khác về Tổng thống Thiệu. Tôi càng nghiên cứu thì càng thấy rõ ông là một người rất tận tâm xây dựng đất nước và cố gắng làm những điều tốt nhất cho người dân của mình.
Trong chính trị có một vấn đề là, với bất kỳ lãnh đạo nào, ví dụ một ngày họ ra mười quyết định, ngày nay nhìn lại ta thấy có thể sẽ chỉ đúng được sáu, bảy, tám cái là giỏi rồi. Họ có thể sai hai, ba quyết định nào đó. Chúng ta không nhất thiết phải gọi họ là tham nhũng hay độc tài nếu bằng chứng không chắc chắn.
Nhà nghiên cứu chỉ nên đơn giản nói, ví dụ, Tổng thống Thiệu đã nói là sẽ làm việc này việc kia nhưng ông ta không làm hoặc làm sai, hay là ông ấy đã làm việc này việc kia, trong đó việc này là sai, việc kia là đúng. Bạn phải nói cả hai mặt của những câu chuyện, của những con người lịch sử, thay vì phán xét họ bằng nhãn quan chính trị.
RFA: Vâng, và những nghiên cứu của ông đã trình bày vấn đề theo cách đó.
Jay Veith: Vâng, tôi đã cố gắng làm điều đó. Việc còn lại là những độc giả như các bạn đánh giá xem công trình tôi làm có thành công hay không.
RFA: Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu giống và khác tổng thống tiền nhiệm của nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm như thế nào về vai trò lịch sử, tầm nhìn đối với tương lai của miền Nam Việt Nam và vai trò lãnh đạo?
Jay Veith: Tôi không nghĩ rằng hai người này giống nhau. Họ là những người rất, rất khác nhau. Ý kiến cá nhân của tôi khác với một số nhà nghiên cứu Mỹ và một số học giả người Việt ở chỗ, theo tôi, Tổng thống Diệm ở thời của mình là người đang cố gắng đưa Miền Nam Việt Nam thoát khỏi quá khứ của những di sản hậu thuộc địa, nào là nạn cát cứ, nào là văn hóa, giáo dục, kinh tế… Trong khi đó Tổng thống Thiệu là người cố gắng xây dựng Miền Nam Việt Nam thành một quốc gia hiện đại. Và con đường của ông Thiệu là xây dựng từ dưới lên, trong khi Tổng thống Diệm là xây dựng từ trên xuống. Ông Diệm kiểm soát mọi thứ theo kiểu nhà lãnh đạo chỉ cho dân biết họ phải làm gì.
Tổng thống Thiệu khác Tổng thống Diệm. Ông ấy muốn xây dựng Miền Nam Việt Nam từ một cơ sở, bằng cách tạo ra cái nền tảng, cái mà ông ấy gọi là “xã hội sở hữu.” “Xã hội sở hữu” là nơi những người dưới đáy, những người nông dân dưới đáy, những người làm việc trong các nhà máy có thể tạo ra ước mơ của chính họ, tạo ra cuộc sống của chính họ. Các chính sách kinh tế, xã hội của ông đã cố gắng xây dựng đất nước theo cách đó.
Ông ấy cố gắng khắc sâu dân chủ, ông ấy cố gắng tạo ra một nền kinh tế định hướng thị trường. Ông ấy cố gắng xây dựng các định chế thu hút mọi người trở thành nhà đầu tư trong nước, đơn giản vì họ muốn chứ không phải vì ai đó bảo họ làm như vậy. Đối với tôi, Tổng thống Thiệu đang cố gắng xây dựng một đất nước hiện đại với kỹ thuật hiện đại. Tổng thống Diệm đang cố gắng xây dựng một đất nước bằng những kỹ thuật cũ kỹ trong quá khứ.
RFA. Vậy theo ông, Tổng thống Thiệu ở Nam Việt Nam có điểm gì giống với Tổng thống Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan và Tổng thống Park Chung-hee ở Hàn Quốc trong cùng thời kỳ? Họ có một số khác biệt và tương đồng?
Jay Veith: Chà, họ đã rất thân thiết với nhau. Tổng thống Thiệu rõ ràng xem họ như những người anh. Tôi thấy ông ấy muốn bắt chước thành công kinh tế của họ nhưng không nghĩ rằng phong cách quản trị mà họ áp dụng là phù hợp với Việt Nam, đặc biệt bởi vì Nam Việt Nam là một quốc gia bị chiến tranh.
Vâng, có một số điều ở hai vị lãnh đạo Đài Loan và Nam Triều Tiên mà Tổng thống Thiệu rất thích. Ông đồng ý với họ về quan điểm đối với chủ nghĩa cộng sản và tinh thần chống Cộng. Nhưng ông ấy có một cái nhìn rất khác về cách thực hiện cụ thể con đường đó ở Việt Nam. Dù sao ông ấy cũng là người Việt Nam. Đầu tiên, bạn phải nhớ rằng ông ấy không phải người Trung Quốc hay Hàn Quốc, ông ấy hiểu đất nước của mình và thấy sự khác biệt về văn hóa, kinh tế và địa lý giữa ba nước như thế nào.
RFA: Ông có nghĩ rằng Nam Việt Nam dưới thời Tổng thống Thiệu đã cố gắng học hỏi kinh nghiệm của Đài Loan trong các chiến lược phát triển không?
Jay Veith: Chà, đó là một câu hỏi khó trả lời. Hai quốc gia này đã có rất nhiều trao đổi ở hầu hết các lĩnh vực. Đài Loan đã hỗ trợ Nam Việt Nam nhiều nhất có thể cả trong lĩnh vực tình báo và hỗ trợ trong lĩnh vực tuyên truyền. Đài Loan đã giúp đỡ Nam Việt Nam phát triển nông nghiệp, nông thôn và những thứ tương tự. Nhưng tôi không nghĩ rằng Tổng thống Thiệu đã cố gắng sao chép nhiều thứ từ Đài Loan. Tôi thấy chính sách của ông ấy quan tâm hơn đến việc bắt chước những gì người Mỹ đang làm, bởi vì người Mỹ có tiền và có phương tiện để hỗ trợ cho các dự án đó.
RFA: Trong sách “Tuốt kiếm viễn chinh”, ông nhấn mạnh rằng Nam Việt Nam dưới thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã cố gắng xây dựng nền dân chủ. Ông có thể nói một cách khái quát rằng miền Nam Việt Nam đã cố gắng xây dựng nền dân chủ như thế nào không? Họ có đạt được thành tựu gì trong khi vẫn phải chống đỡ một cuộc chiến tổng lực từ miền Bắc Việt Nam không?
Jay Veith: Cả Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ trên thực tế là hai nhà lãnh đạo chủ chốt đã chuyển đổi đất nước từ chế độ quân phiệt giai đoạn 1963 - 1967 sang chế độ dân chủ. Đây là điều rất quan trọng. Cả hai người đã đóng những vai trò khác nhau nhưng họ cùng nhau quản trị quá trình chuyển đổi từ chế độ quân phiệt sang chế độ dân chủ, theo kiểu các lý thuyết dân chủ đã nói.
Tuy vậy, Nam Việt Nam chưa bao giờ đạt được một nền dân chủ ổn định. Nền dân chủ đã đến rất gần, nhưng vào thời điểm đó, chiến tranh kết thúc với phần thất bại thuộc về họ.
Ở giai đoạn đầu, ông ấy rất nỗ lực thực hành dân chủ. Ông ấy giúp tạo ra một Hiến pháp thực sự cho đến việc tổ chức các cuộc bầu cử, xây dựng Luật báo chí tự do năm 1969 rồi luật về đảng phái chính trị. Ông ấy đã dân chủ hơn rất nhiều so với ông Diệm. Tuy nhiên, ông Thiệu không có tư tưởng tự do hiểu theo nghĩa nền dân chủ thuần túy ngày nay. Ông ta tin vào nền dân chủ có kiểm soát. Đây thực sự không phải là nền dân chủ thuần túy mà là một hệ thống hỗn hợp giữa dân chủ và kiểm soát.
Vào những năm cuối cuộc chiến, khi các cuộc tấn công từ Miền Bắc trở nên khốc liệt hơn, Tổng thống Thiệu đã thay đổi và trở nên độc đoán. Ông ấy đã nỗ lực hơn để thắt chặt các biện pháp an ninh, một phần là do chiến tranh trở nên ác liệt hơn. Ông ta mong hòa bình. Nếu hòa bình đến ông ấy sẽ mở rộng dân chủ ra nhiều hơn. Nhưng hòa bình đã không đến. Vì vậy, ông ta cố gắng chống lại kẻ thù bằng cách siết chặt nội bộ VNCH nhiều hơn.
RFA cảm ơn TS. George Jay Veith đã dành cho RFA cuộc phỏng vấn này.
RFA
Không có nhận xét nào