Header Ads

  • Breaking News

    Mai Vũ Phạm - Thói bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông sắp hết thời?




    Hình ảnh vệ tinh Maxar về Đá Chữ Thập ở Biển Đông, một phần của quần đảo Trường Sa. Ảnh: Getty Images

    Trong lúc cả thế giới hướng về cuộc xâm lược của Putin ở Ukraine, Trung Quốc vẫn tiếp tục chính sách bắt nạt các nước láng giềng ở Biển Đông. Tuy nhiên, thói bắt nạt này của Trung Quốc dường như sắp ‘hết thời’ khi mà Indonesia, Việt Nam, và Philippines chủ động đáp trả “ăn miếng trả miếng.”

    Năm 2016 Toà án Trọng tài Quốc tế ở The Hague, Hoà Lan, đã bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa,Hoàng Sa và các cấu trúc đất liền khác trong “đường lưỡi bò 9 đoạn” do vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS.

    Biển Đông có tầm quan trọng về kinh tế và an ninh hàng đầu đối với Trung Quốc. Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ ước tính rằng Biển Đông có trữ lượng dầu khí vào khoảng 190 nghìn tỷ feet khối khí đốt tự nhiên, 11 tỷ thùng dầu. Biển Đông cũng ước tính có khoảng 80 tỷ tấn ‘băng cháy’, là nguyên liệu được xem là nguồn năng lượng thay thế tiềm năng trong tương lai. Nguồn băng cháy tại Biển Đông sẽ có thể giúp Trung Quốc giải quyết nhu cầu dầu mỏ trong 200 năm.



    Hình ảnh vệ tinh cho thấy các tòa nhà và cấu trúc được xây dựng trên đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng ở Đá SuBi tại Quần đảo Trường Sa của Viet Nam ngày 25 Tháng Mười năm 2022. (Ảnh: Ezra Acayan/Getty Images

    Biển Đông cũng có tầm quan trọng quân sự đối với Bắc Kinh. Nếu thành công kiểm soát khu vực này, Trung Quốc có thể ngăn chặn hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Đài Loan trong trường hợp xảy ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan.

    Việt Nam

    Tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã xâm nhập vào các khu vực thăm dò khí đốt trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (Exclusive Economic Zones – EEZ) của Việt Nam khoảng 40 lần kể từ Tháng Giêng năm 2022. Theo một bản tin ngày 26 Tháng Ba của Reuters, một tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã tuần tra một mỏ khí đốt do Nga khai thác trong của vùng EEZ Việt Nam.

    Theo dữ liệu từ Marine Traffic, tàu Hải Cảnh Trung Quốc, CCG5205, đã bị tàu Kiểm Ngư 278 của Việt Nam truy đuổi và hai tàu đã gần như sắp đụng nhau vào khoảng 7 giờ sáng Chủ nhật 26 Tháng Ba (PST). Sau khoảng 90 phút, tàu Hải Cảnh Trung Quốc CCG5205 đã rời vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và đậu trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.



    Tàu Kiểm Ngư KN-278 vờn nhau với tàu Hải Cảnh CCG 5205 tại bãi Tư Chính. (Hình: SCSCI)

    Theo Ray Powell, Trưởng dự án Myoushu (Biển Đông) tại Đại học Stanford, người đầu tiên phát hiện ra sự cố, có lúc hai con tàu cách nhau chưa đầy 10 mét. Ông Powell nói: “Tàu Việt Nam khá táo bạo do sự khác biệt về kích thước, bởi tàu Trung Quốc lớn gấp đôi tàu Việt Nam. Đó hẳn là một cuộc đụng độ rất căng thẳng.” Collin Koh, một nhà phân tích hàng hải khu vực có trụ sở tại Singapore, trả lời Đài Á Châu Tự Do (RFA): “Khoảng cách 10 mét giữa các tàu thực sự là quá gần. Tùy thuộc vào tình hình lúc đó, nguy cơ va chạm là khá cao.”

    Một sĩ quan cấp cao đã nghỉ hưu của nhà nước Việt Nam, nói với RFA trong điều kiện giấu tên, cho biết hai con tàu chắc chắn đã thoát khỏi vụ va chạm trong gang tấc vì chúng đi ngược chiều nhau và với tốc độ rất chậm. Sĩ quan này cũng cho biết thêm trước đây tàu Trung Quốc đã cố tình đâm các tàu tuần tra của Việt Nam, nhưng những năm gần đây thì không. Điều này cho thấy sự việc xảy ra cuối tuần qua là một trong những đáp trả hiếm hoi của nhà cầm quyền Việt Nam trước một tàu cảnh sát biển Trung Quốc.

    Indonesia

    Các mỏ giàu khí đốt do các công ty Nga khai thác trong vùng biển Việt Nam gần ranh giới chiến lược với vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia và các khu vực mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền. Kể từ Tháng Mười Một năm ngoái, các tàu cảnh sát biển Trung Quốc cũng đã mở rộng lộ trình tuần tra lô 12-11 do công ty Zarubezhneft (Nga) và PetroVietnam cùng khai thác và mỏ dầu khí 12W do Công ty Harbour Energy của Vương Quốc Anh thăm dò và khai thác. Cuối năm ngoái, Indonesia và Việt Nam đã ký thỏa thuận nhằm xác định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế của hai nước ở khu vực Biển Đông, mở đường cho các thỏa thuận khí đốt.

    Mặc dù không chính thức phản đối thỏa thuận giữa Hà Nội và Jakarta, nhưng Bắc Kinh đã bày tỏ thái độ phản đối bằng cách triển khai tàu tuần duyên lớn nhất đi vào các khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia và Việt Nam. Tập đoàn Harbor Energy và Zarubezhneft đang vận hành cụm mỏ khí Tuna, gồm mỏ Kuda Laut và Singa Laut có trữ lượng thu hồi hơn 10 tỉ m3 khí đốt thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Trung Quốc đã cử các tàu cảnh sát biển tuần tra khu vực này cuối năm ngoái. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Indonesia đã đáp trả bằng cách cho các tàu hải quân truy đuổi các tàu Trung Quốc ra khỏi hải phận.

    Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á, cho biết: “Mặc dù Trung Quốc có thể quay lại để tiếp tục quấy rối, nhưng tôi không nghĩ rằng Indonesia sẽ sợ hãi trước bất cứ điều gì.” Chính phủ Indonesia thường im lặng trước sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông vì nước này là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia. Tuy nhiên, hành động cho tàu quân sự xua đuổi tàu Trung Quốc cho thấy Indonesia đã chấm dứt nhượng bộ và bắt đầu đáp trả sự hung hăng của Trung Quốc.

    Philippines

    Đi ngược chính sách thân thiện với Bắc Kinh của người tiền nhiệm, Tổng thống mới của Philippines, Bongbong Marcos, đã tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ. Sau cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ vào Tháng Hai năm 2023, Tổng thống Ferdinand Marcos đã đồng ý cho phép Hoa Kỳ sử dụng ít nhất 9 căn cứ quân sự của Philippines dưới Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA). Ba căn cứ trong số này thuộc hòn đảo Luzon, là phần lãnh thổ duy nhất của Philippines gần Đài Loan. Một căn cứ quân sự khác nằm ở đảo phía Tây Palawan, hướng về quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

    Tất nhiên, Trung Quốc đã phản đối Philippines cho phép Hoa Kỳ sử dụng căn cứ quân đội. Quan trọng hơn, các nhà ngoại giao Philippines đã mạnh mẽ phản đối sự hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông với các quan chức nước này trong các cuộc đàm phán kín vào thứ Sáu Ngày 24 Tháng Ba. Tháng Hai vừa qua, Phillipines đã tố cáo hải quân Trung Quốc tấn công một tàu tuần tra nước này bằng tia laser cấp độ quân sự, khiến một số thủy thủ đoàn bị mù trong thời gian ngắn. Chỉ riêng trong năm 2022, Philippines đã gửi gần 200 công hàm phản đối các hành động hung hăng của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp.



    Hình ảnh đảo Nam Sơn ở Biển Đông. Đây là hòn đảo lớn thứ tám của quần đảo Trường Sa về phía đông của Đảo Thị Tứ. (Ảnh: DigitalGlobe via Getty Images via Getty Images)

    Rõ ràng, Philippines sẽ không còn nhân nhượng trước các hành động “coi trời bằng vung” của Trung Quốc, ít nhất dưới thời Tổng thống Joe Biden. Bởi chính quyền Ferdinand Marcos nhận thức rằng tăng cường quan hệ thân thiết với siêu cường Hoa Kỳ có thể giúp ngăn chặn một Trung Quốc hung hăng.

    Tương lai Biển Đông

    Với tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông, chóp bu ĐCSTQ sẽ tiếp tục đẩy mạnh sự hiện diện quân sự tại đây và tìm mọi cách để đuổi Hoa Kỳ ra khỏi Biển Đông. Để có thể đạt được tham vọng chiếm trọn Biển Đông, Trung Quốc sẽ duy trì chính sách lâu năm “cây gậy và củ cà rốt” (Carrot and Stick).

    Tuy nhiên, sự hiện diện của các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom hiện đại của Hoa Kỳ tại các khu căn cứ quân sự ở Philippines là một tin dữ đối với Trung Quốc. Có lẽ nhờ sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ, mà Indonesia, Việt Nam, và Philippines đã mạnh dạn đối đầu, cho tàu quân sự truy đuổi tàu Trung Quốc.

    Theo Tiến sĩ Stephen Burgess, giáo sư nghiên cứu an ninh quốc tế tại Đại học Chiến tranh Hàng không Hoa Kỳ, giải pháp lâu dài để Hoa Kỳ có thể giành lại ưu thế ở Biển Đông là “cung cấp các giải pháp an ninh đầy đủ và thích hợp ở Biển Đông để giúp Philippines, Việt Nam, Malaysia, và Indonesia hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ ngăn chặn Trung Quốc, đưa nước này vào bàn đàm phán và buộc phải tuân thủ luật pháp quốc tế.” Thực vậy! Chỉ có một liên minh giữa các nước Đông Á, do Hoa Kỳ lãnh đạo bằng một chiến lược quyết đoán và một cam kết an ninh, mới có thể buộc Bắc Kinh từ bỏ sự hung hăng và tham vọng chiếm trọn Biển Đông.

    Không có nhận xét nào