Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một cuộc họp trực tuyến với các lãnh đạo AUKUS
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp các nhà lãnh đạo Úc và Anh tại San Diego vào ngày 13/3 để thông báo về bước kế tiếp để cho Úc tiếp nhận tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong dự án quốc
phòng lớn nhất từ trước đến nay của Canberra.
Ba nước đã công bố kế hoạch AUKUS vào năm 2021 nằm trong nỗ lực đối đầu với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi về những hạn chế nghiêm ngặt của Mỹ đối với việc chia sẻ công nghệ rộng rãi vốn cần cho dự án và thời gian cần thiết để giao tàu ngầm.
Úc dự kiến sẽ mua đến năm tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ vào những năm 2030 theo thỏa thuận mang tính bước ngoặt sẽ được ông Biden, Thủ tướng Úc Anthony Albanese và Thủ tướng Anh Rushi Sunak, tiết lộ chi tiết -- bốn quan chức Mỹ nói với Reuters trong tuần này.
Thỏa thuận sẽ có nhiều giai đoạn với ít nhất một tàu ngầm Mỹ đến thăm các cảng của Úc trong những năm tới và kết thúc vào cuối những năm 2030 với một lớp tàu ngầm mới được chế tạo theo thiết kế của Anh và công nghệ Mỹ, một trong những quan chức này cho biết.
Hai trong số các quan chức này nói rằng sau các chuyến cập cảng hàng năm, Mỹ sẽ triển khai một số tàu ngầm ở Tây Úc vào khoảng năm 2027.
Vào đầu những năm 2030, Úc sẽ mua ba tàu ngầm lớp Virginia và có tùy chọn mua thêm hai chiếc nữa.
Trung Quốc lên án nỗ lực của ba nước, vốn đang tìm cách kiềm chế việc họ xây dựng lực lượng, gây áp lực lên Đài Loan và các hành động diễu võ giương oai ngày càng nhiều ở Biển Đông.
Các quan chức này không nói cụ thể về lớp tàu ngầm mới được dự trù, bao gồm cả nơi chúng sẽ được chế tạo, nhưng đại sứ Úc tại Washington hồi tuần trước cho biết sẽ có ‘giải pháp ba bên thực sự’ và kế hoạch này mang lại triển vọng việc làm ở cả ba nước.
Theo thỏa thuận AUKUS ban đầu được công bố vào năm 2021, Mỹ và Anh đã đồng ý cung cấp cho Úc công nghệ và năng lực triển khai tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Đây sẽ là lần đầu tiên Hoa Kỳ chia sẻ công nghệ đẩy hạt nhân kể từ khi họ chia sẻ với Anh vào những năm 1950. Hiện tại không có nước nào tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân ngoài năm nước được công nhận là quốc gia hạt nhân – Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp – có tàu ngầm hạt nhân.
Trong giai đoạn thứ hai của AUKUS, ba nước sẽ chia sẻ công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo và vũ khí siêu thanh. Các quan chức Anh và Úc tuần trước cho biết vẫn còn những việc cần làm để dỡ bỏ các chính sách về việc chia sẻ công nghệ.
Quốc hội Mỹ trong những tuần gần đây đã được thông báo về thỏa thuận AUKUS để tranh thủ sự ủng hộ nhằm thay đổi luật để giúp việc chuyển giao công nghệ siêu bí mật về các hệ thống siêu âm và động cơ đẩy hạt nhân có trên các tàu ngầm mới của Úc được suôn sẻ, một nguồn tin từ Quốc hội nói với điều kiện giấu tên.
Trong năm năm tới, các công nhân Úc sẽ đến các xưởng đóng tàu ngầm của Mỹ để quan sát và huấn luyện, nguồn tin này cho biết và nói thêm rằng việc này có thể giúp giảm thiếu hụt công nhân ở các nhà máy đóng tàu của Mỹ.
Lãnh đạo Mỹ, Úc, Anh sắp gặp nhau để công bố chi tiết về thỏa thuận AUKUS (voatiengviet.com)
Không có nhận xét nào