Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ ba 28 tháng 02 năm 2023

    Quê Hương tổng hợp

    Thành viên phong trào Chấn hưng Nước Việt Nguyễn Văn Điển ra tù trước hạn sáu tháng

    RFA
    28/02/2023

    Thành viên phong trào Chấn hưng Nước Việt Nguyễn Văn Điển ra tù trước hạn sáu tháng

    Ông Nguyễn Văn Điển trước phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 1/2018 

    Chụp màn hình ANTV 

    Ông Nguyễn Văn Điển (hay còn được gọi là Điển Ái Quốc) trở về nhà ở Yên Bái hôm 22/2 trước thời hạn sáu tháng và tiếp tục bị thi hành án phạt quản chế bốn năm.

    Ông Điển bị bắt cùng với ông Vũ Quang Thuận (Võ Phù Đổng) vào đầu tháng 3 năm 2017 và sau đó là sinh viên Trần Hoàng Phúc trong cùng phong trào Chấn hưng Nước Việt.

    Tòa án nhân dân Hà Nội cuối tháng 1/2018 kết án ông Điển sáu năm sáu tháng tù giam về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ luật hình sự 1999.

    Trong cuộc nói chuyện với phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 28/2, ông chia sẻ về thời gian thi hành án gần sáu năm qua ở Trại giam số 5, Thanh Hóa:

    “Ở trong tù rất khắc nghiệt, chúng tôi bị giam hai người một buồng, có buồng một người, bị giam 24/24 ở trong buồng giam. 

    Mỗi buồng giam rộng 15 mét vuông, có một sân chơi cũng rộng từng đó, và họ có cho đi lại trong khoảng sân đó.

    Chúng tôi không được ra sân chơi để tập thể dục hay giao lưu với nhau.”

    Ông Điển bị giam trong khu dành cho những nhà bất đồng chính kiến mang án "an ninh quốc gia," trong đó có nhà thơ Trần Đức Thạch, giảng viên cao đẳng âm nhạc Nguyễn Năng Tĩnh, cựu trung tá quân đội Trần Anh Kim…

    Ông cho biết, sân chơi bị quây kín bằng tường cao và lưới thép bên trên trong khi phòng giam không có cửa sổ khiến cho buồng giam rất bí bách và nóng nực trong mùa hè ở một tỉnh miền Trung, đặc biệt với gió Lào trong khoảng tháng 5 đến tháng 7.

    Một số người đứng lên đấu tranh với giám thị nên từ đầu năm 2023 trại giam mới cho phép các tù nhân chính trị được ra sân chơi chung mỗi ngày hai giờ, vào buổi sáng và buổi chiều.

    Đấu tranh phản đối việc bị đối xử vô nhân đạo

    Ông Điển, 40 tuổi, cho biết trong thời gian thụ án tù ở Trại giam số 5, ông nhiều lần đấu tranh phản đối việc bị đối xử vô nhân đạo và đòi trả tự do, trong đó có hai lần tuyệt thực. Một lần tuyệt thực 21 ngày vào đầu tháng 7 năm 2019, hai tháng sau đó ông tuyệt thực trong bảy ngày.

    Giữa tháng 8 năm 2020, sau một lần trèo lên téc nước của trại giam để phản đối việc bị đối xử vô nhân đạo và đòi được trả tự do, ông bị đưa vào buồng kỷ luật biệt giam trong khu K1 (là nơi giam giữ tù hình sự) trong một tháng 19 ngày nhưng không bị cùm chân.

    Tại đây, ông bị giam chung với hai tù hình sự, những người có nhiệm vụ giám sát và đe doạ ông. Sau khi ông tuyệt thực hai ngày, trại giam mới đưa ông trở lại buồng giam ở khu tù chính trị.

    Nhận tội để được đối xử đỡ hà khắc 

    Ông Điển cho biết những tù nhân viết đơn xin nhận tội được trại giam đối xử tốt hơn. Trong hai năm cuối ở trại, ông không còn bị hạn chế đi lại trong buồng giam mà được cho đi lao động ở vườn trong khu vực K3 (là nơi giam giữ tù nhân chính trị- những người bị kết tội trong phần An ninh quốc gia hay Điều 331 của Bộ luật Hình sự 2015).

    Ông được lao động tự nguyện, trồng rau trong vườn, không phải chịu mức khoán lao động cũng không phải nộp sản phẩm cho trại giam mà được tuỳ ý sử dụng sản phẩm mình làm ra.

    Do vậy, sau khi thu hoạch rau, ông đem đến nhà bếp để nhờ họ chế biến cho mình. 

    Chính vì có viết đơn nhận tội nên ông được đưa vào danh sách xem xét giảm án tù, và được giảm hai lần tổng cộng sáu tháng và tám ngày, cho dù ông thấy mình vẫn bị phân biệt đối xử so với những người tù hình sự.

    Phóng viên có liên lạc với Trại giam số 5 nhiều lần bằng điện thoại để kiểm chứng thông tin ông Điển cung cấp nhưng không có ai nghe máy.

    Ông Điển từng hoạt động dân chủ từ năm 2007 cùng với ông Vũ Quang Thuận và tham gia bảo vệ quyền lợi cho công nhân lao động Việt Nam ở Malaysia. Năm 2011, họ bị nhà chức trách Malaysia đưa ra toà xét xử và sau đó bị trục xuất về Việt Nam. 

    Sau đó, ông Thuận cùng một số nhà hoạt động khác lập ra phong trào Chấn Hưng Nước Việt với mục tiêu vận động ôn hòa cho thể chế dân chủ đa đảng tại Việt Nam.

    Nhóm này có kênh Youtube CHTV chuyên đưa tin về vi phạm nhân quyền, thu hồi đất đai mà không đền bù thoả đáng cho người dân ở nhiều địa phương, tham nhũng và nhiều vấn đề khác của đất nước.

    Một số thành viên khác của phong trào như nhà báo kỳ cựu Phạm Thành (tức Bà Đầm Xoè), Lê Trọng Hùng, và Lê Văn Dũng (Dũng Vova) cũng đang bị giam trong tù với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015.

    Tuần hành ‘Sát cánh với Ukraine’ diễn ra ở Hà Nội 

    27/02/2023 

    VOA Tiếng Việt 

    Thành viên ngoại giao đoàn tham gia cuộc tuần hành ở Hà Nội (Ảnh lấy từ Facebook của Đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội)

    Thành viên ngoại giao đoàn tham gia cuộc tuần hành ở Hà Nội (Ảnh lấy từ Facebook của Đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội) 

    Một cuộc tuần hành ‘Sát cánh với Ukraine’ để thể hiện tình đoàn kết với quốc gia này đã diễn ra ở Hà Nội hôm 25/2 để đánh dấu tròn một năm Nga xua quân vào xâm lược Ukraine, Đại sứ quán Ukraine ở Việt Nam cho biết.

    Cuộc tuần hành chủ yếu có sự tham gia của các vị đại sứ, đại diện ngoại giao và cộng đồng kiều dân các nước châu Âu và các nước phương Tây, cộng đồng Ukraine ở Việt Nam và một vài người Việt Nam ủng hộ Ukraine.

    Hình ảnh được Đại sứ quán Ukraine đăng tải trên Facebook cho thấy khoảng hơn một trăm người đã xuống đường mang theo quốc kỳ Ukraine và các nước phương Tây và biểu ngữ ‘Stand with Ukraine’, tức ‘Sát cánh với Ukraine’, đi quanh hồ Gươm và các đường phố ở trung tâm Hà Nội.

    Đại sứ Ukraine tại Hà Nội, ông Oleksandr Gaman, cũng được thấy tham gia vào cuộc tuần hành. Cuộc tuần hành diễn ra suôn sẻ mà không gặp cản trở gì từ công an hay những kẻ phá rối.

    Dưới phần bình luận, một số người Việt Nam bày tỏ tiếc nuối vì không biết trước để tham dự cuộc tuần hành hay mong mỏi có sự kiện tương tự ở thành phố Hồ Chí Minh để họ có thể tham gia. Nhiều người cũng gửi lời chúc và cổ vũ người dân Ukraine giành chiến thắng trong cuộc xung đột.

    Tuy nhiên, cũng có người cho biết một số công dân Nga ở Vũng Tàu phản đối cuộc chiến của Tổng thống Vladimir Putin đã xuống đường giương biểu ngữ lên án cuộc chiến nhưng đã bị công an đến tịch thu biểu ngữ và nói rằng ‘những hành động như vậy là bị tuyệt đối cấm ở Việt Nam’.

    Trong một cuộc phỏng vấn với VOA mới đây, ông Gaman nói rằng ông mong ‘Việt Nam đứng về phía chính nghĩa’ trong cuộc chiến ở Ukraine. Đại sứ các nước châu Âu lâu nay cũng vận động Hà Nội từ bỏ lập trường thân Nga trong cuộc chiến nhưng bất thành.

    Trước đó, vào tối ngày 24/2, Đại sứ quán Cộng hòa Czech ở Hà Nội cũng đã tổ chức buổi chiếu phim tài liệu ‘Mariupol – Niềm hy vọng không tắt’ để cho thấy thực tế tàn khốc ở thành phố từng bị quân Nga bao vây.

    Bên cạnh các phái đoàn ngoại giao ở Hà Nội, buổi trình chiếu còn có sự tham gia của khán giả Việt Nam, trong đó có rất nhiều người trẻ tuổi. “Con số vượt quá mong đợi của chúng tôi,” Đại sứ quán Ukraine viết trên Facebook.

    “Sau khi phim kết thúc, có một sự im lặng tuyệt đối và thật khó di chuyển trong vài phút,” Đại sứ quán Ukraine cho biết.

    Quảng Nam: Trưởng công an phường treo cổ chết ở nhà xe cơ quan

    Lê Thiệt /SGN
    27 tháng 2, 2023

    Trụ sở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam – Ảnh: quangnam.gov.vn 

    Theo thông tin ban đầu, khoảng 4 giờ sáng ngày 27 Tháng Hai 2023, một số người dân bất ngờ phát hiện ông Nguyễn Hữu An, Trưởng Công an phường Điện An (thị xã Điện Bàn) tử vong trong tư thế treo cổ ở nhà xe của cơ quan công an phường Điện An. Ngay sau đó, người dân gọi báo báo cho chính quyền phường Điện An cùng Công an thị xã Điện Bàn.

    “Chúng tối cũng vừa nắm thông tin sáng nay, hiện các ngành chuyên môn đang có mặt ở hiện trường để điều tra nguyên nhân” – vị lãnh đạo UBND thị xã Điện Bàn cho biết.

    Theo ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch UBND phường Điện An, những ngày qua, ông An không có biểu hiện gì lạ, rất vui vẻ hòa đồng với mọi người.

    Nói như thế có lẽ ông Phước muốn ngầm báo động rằng cái chết của ông trưởng công an phường này có uẩn khúc gì đấy!

    Trên mạng xã hội, người ta lấy làm lạ là tại sao ông An chết ở cơ quan mà đồng đội không biết, “hay thời điểm đó đồng đội của ông ấy cố tình tránh mặt để cho ông dễ… chết?!” Cứ để công an điều tra xem sao.

    Từ trước đến nay, đồn công an là nơi rất nguy hiểm đối với người dân. Nếu có lỡ bị tạm giam ở đấy thì người nhà lo lắm, vì đã có không ít vụ dân “tự chết” trong đồn công an bằng cách treo cổ.

    Thường những tin dân chết tại đồn công an làm cho người ta xót xa và căm phẫn vì không bao giờ tin nạn nhân tự tìm đến cái chết như các báo cáo của công an sau đó. Thế nên tin ông trưởng công an chết với tư thế giống như các nạn nhân lại làm nhiều người cảm thấy “hả dạ”.

    Nghe thì bất nhẫn, vì dù sao cũng là sinh mạng của một con người, nhưng có lẽ hình ảnh công an tàn ác với dân đã ăn sâu vào tâm trí của mọi người nên khiến người ta có cảm giác “công lý đã được thực thi”, cho dù biết “công lý vẫn chỉ là một diễn viên hài”.

    Hàn Ni xộ khám, phe chống Phương Hằng kẻ “tái mặt” người “hoảng loạn”!

    27/02/2023 

    Sự kiện nhà báo Hàn Ni xộ khám là dấu hiệu cho thấy, những người đã từng bị bà Nguyễn Phương Hằng tố, hoặc những người đã từng tố bà Nguyễn Phương Hằng, không phải là phe chiến thắng mà rất có thể cũng là phe bại. Chính quyền hiện nay hốt hết không chừa một ai, tất cả những ai không sở hữu quyền lực chính trị thì cần phải dè chừng.

    Người mà bị bà Nguyễn Phương Hằng réo đầu tiên là ông Võ Hoàng Yên. Ông này đã lấy tiền chữa bệnh của không biết bao nhiêu người, nhưng kết quả thì chẳng ai khỏi bệnh. Việc các nhân vật nổi tiếng trong giới nghệ sỹ đã từng giúp ông Võ Hoàng Yên có được hình ảnh trước công chúng, giờ đây vẫn không hề hấn gì; việc ông Võ Hoàng Yên hành nghề một cách lừa dối như thế, tại sao chính quyền không ra tay, mà lại để ông này nhởn nhơ? Hay là có thế lực nào đang chống lưng, nên ông thầy lang này vẫn bình an vô sự?

    Trong những người bị bà Nguyễn Phương Hằng tố, có nhiều nghệ sỹ tên tuổi, như: ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng)… Trong đó, ông Nguyễn Hoài Linh đã quyên góp của các nhà hảo tâm 14 tỷ đồng để cứu trợ đồng bào lũ lụt, nhưng không làm ngay lúc đó, mà đợi cho bà Nguyễn Phương Hằng tố mới xuất tiền ra. Nhiều nghệ sỹ đã quyên góp tiền của các nhà hảo tâm, lượng tiền rất lớn để làm từ thiện, nhưng không hề chứng minh nguồn tiền thu chi bằng cách có hoạch toán và được kiểm toán độc lập. Giấy tờ sao kê ngân hàng chỉ chứng minh nguồn tiền gởi vào và rút ra, chứ không chứng minh được nguồn tiền rút ra đấy để làm vấn đề gì. Cho nên, vấn đề làm từ thiện của các nghệ sỹ là mảng tối mênh mông, mà trong đó, tiền của các nhà hảo tâm không được sử dụng một cách minh bạch, đúng mục đích như sự kêu gọi ban đầu.

    Ông Nguyễn Hoài Linh đến nay vẫn chưa minh bạch được số tiền từ thiện 14 tỷ đồng 

    Ngoài các nghệ sỹ bị tố, thì các nhà báo cũng được bà Hằng nhắc tên. Đó là ông Nguyễn Đức Hiển (nhà báo Đức Hiển), bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni) vv… không biết giới nhà báo vì sao lại nhảy vào trận chiến đấu khẩu với bà Nguyễn Phương Hằng? Phải chăng những người này cũng cùng cảnh ngộ như các nghệ sỹ kia?

    Ông Nguyễn Đức Hiển, người đã từng dụ dân Việt ăn hải sản độc hại, bằng cách tự ông này đã nhai 5 con mực được cho là đánh bắt từ biển Vũng Áng Hà Tĩnh. Mục đích của ông nhà báo này là giúp ông Trần Hồng Hà (Phó Thủ tướng hiện nay) lừa dân Việt ăn độc và bảo vệ cho Formosa, ý là chất thải của Formosa không đáng ngại, hải sản có thể ăn được. Qua vụ ăn 5 con mực đấy, ông Nguyễn Đức Hiển mới có danh hiệu “5 mực” do người dân đặt cho. Đây là một nhà báo bị xã hội đánh giá có vấn đề về đạo đức nghề nghiệp.

    Hình ảnh ăn mực Vũng Áng nổi tiếng của ông Nguyễn Đức Hiển 

    Bà Đặng Thị Hàn Ni xộ khám là hồi chuông cảnh báo cho những cá nhân mà bà Nguyễn Phương Hằng lên tiếng tố cáo. Bà Nguyễn Phương Hằng bị truy tố theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, là loại điều luật được cho là không xác đáng với tội của bà. Tại sao không truy tố bà Nguyễn Phương Hằng tội vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, mà truy tố theo điều 331 “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”? Truy tố theo điều 331 nghĩa là chính quyền không hề cho rằng bà Nguyễn Phương Hằng vu cáo người khác. Vậy thì, có thể nói, các nhân vật bị bà Nguyễn Phương Hằng tố nên chuẩn bị tinh thần đi là vừa.

    Xã hội Việt Nam ngày một nhiễu nhương, nghệ sỹ lợi dụng lòng tốt của nhà hảo tâm làm từ thiện với mục đích mờ ám, nhà báo làm điều trái với lương tâm đạo đức, thầy lang thì lợi dụng sự thiếu hiểu biết của dân để trục lợi. Nếu chính quyền Cộng sản không tóm những kẻ đã làm bẩn xã hội, thì xã hội này sẽ có cách đáp trả lại mà thôi.

    Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

    https://thoibao.de/blog/2023/02/27

    Võ Văn Thưởng, đại diện Nam bộ trong tứ trụ?

    Mai Hoa Kiếm

    28-2-2023

    Tân chủ tịch nước

    Sáng ngày 1-3-2023, Ban Chấp hành Trung ương đảng cộng sản Việt Nam sẽ nhóm họp bất thường ở Hà Nội. Đây là phiên họp “bất thường” lần thứ ba, để giải quyết khủng hoảng nhân sự trong đảng. Hội nghị lần này được triệu tập với mục đích duy nhất là giới thiệu người ngồi vào vị trí chủ tịch nước.

    Bộ tứ mới sắp trình làng. Nguồn: TTXVN 

    Tính từ ngày 18-1-2023 đến nay, bà Võ Thị Ánh Xuân đóng vai trò “quyền” chủ tịch nước “hữu danh vô thực” đã hơn một tháng. Nói “vô thực”, vì đến nỗi cái quyền chúc Tết đồng bào, lẽ ra thuộc về bà, cũng bị ông Nguyễn Phú Trọng soán mất. “Quyền” chủ tịch nước, đồng nghĩa với thực tế Việt Nam hiện nay không có chủ tịch Hội đồng Quốc phòng – An ninh và Thống lĩnh các lực lượng vũ trang.

    Chưa bao giờ bộ máy chiến lược của đảng lại rơi vào khủng hoảng như thời gian gần đây. Cứ mỗi đợt thanh trừng, đánh nhau ở thượng tầng chính trị, tất nhiên sẽ có thay đổi, thiếu hụt cán bộ cần điền vào chỗ trống. Tình thế rối rắm buộc đảng phải triệu tập phiên họp trung ương “bất thường” đến ba lần trong vòng 7 tháng (ngày 6-6-2022, ngày 30-12-2022 và ngày 1-3-2023).

    Tương tự, chạy theo chỉ đạo của đảng, quốc hội khoá 15 cũng họp “bất thường” đến ba lần, để “miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn” cho ra vẻ phát huy dân chủ, hòng bịp dân chúng.

    Chương trình phiên họp lần này gói gọn trong buổi sáng ngày 1-3-2023. Trung ương cũng chỉ làm mỗi một việc là bỏ phiếu theo đề nghị của Bộ Chính trị, về việc giới thiệu ông Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XIII, Thường trực Ban Bí thư, làm chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026, để quốc hội khoá 15 phê chuẩn.

    Sáng ngày 2-3-2023, quốc hội khoá 15 cũng sẽ họp phiên bất thường để phê chuẩn ông Võ Văn Thưởng ngồi vào vị trí mới.

    Võ Văn Thưởng trao huy hiệu 55 tuổi đảng cho ông Nguyễn Phú Trọng ngày 2-2-2023. Ảnh trên mạng 

    Võ Văn Thưởng sinh năm 1970, quê Vĩnh Long. Ông Thưởng tốt nghiệp cử nhân triết học tại đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM, Uỷ viên Trung ương khoá X (dự khuyết), XI, XII, XIII, Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII, XIII. Võ Văn Thưởng từng kinh qua các chức vụ chủ chốt, Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn, Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ngãi, Phó bí thư Thường trực thành uỷ TPHCM, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Ban Bí thư.

    Trong guồng máy cộng sản, Uỷ viên Trung ương là đích đến của các nhân vật “dự khuyết”, cũng như lọt vào Bộ Chính trị là giấc mơ và tham vọng của các nhân vật đã “chính thức”. Chức càng cao, đặc quyền đặc lợi càng dày, tiền cấp dưới sẽ đổ vào nhà cấp trên theo thang bậc trong đảng.

    Tháng 1-2021, đại hội XIII của đảng cộng sản bầu ra một Ban chấp hành Trung ương gồm 180 Uỷ viên Trung ương chính thức và 20 Uỷ viên dự khuyết. Chỉ hơn một năm, đến thời điểm này có tất cả 11 Uỷ viên Trung ương bị rơi rụng, trong đó có 2 Uỷ viên Bộ Chính trị, được chia bốn nhóm:

    Bị khởi tố, bắt giam gồm: Trần Văn Nam, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Xuân Thăng,

    Bị kỷ luật cảnh cáo, thôi tất cả chức vụ trong đảng: Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt, Bùi Nhật Quang

    Bị cho thôi tất cả các chức vụ trong đảng: Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam

    Bị tử vong: Nguyễn Văn Hùng

    Như vậy, con số Uỷ viên Trung ương hiện nay chỉ còn lại 169. Việc bầu bổ sung các ghế bị khuyết là cần thiết. Tuy nhiên, thông tin rò rỉ cho hay, phiên họp bất thường lần này không giải quyết bầu bổ sung Uỷ viên Bộ Chính trị và Uỷ viên Trung ương. Việc bổ sung sẽ chờ đến hội nghị trung ương 7 vào tháng 5-2023.

    Cán cân quyền lực

    Thông tin nội bộ cho biết, ban đầu Bộ Chính trị tiến cử Tô Lâm làm tân chủ tịch nước, nhưng ông Lâm viện nhiều lý do để thoái thác. Cuối cùng, Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư khoá XIII, được chọn lấp vào khoảng trống quyền lực mà ông Nguyễn Xuân Phúc để lại, sau khi ông Tô Lâm lắc đầu từ chối.

    Như vậy, sự có mặt của Võ Văn Thưởng trong bộ tứ, thể hiện cán cân quyền lực chia đều cho Bắc Trung Nam, đại diện Nam bộ đã chính thức có mặt trong tứ trụ khoá XIII.

    Việc đại tướng Tô Lâm không mặn mà ngồi vào chiếc ghế xui xẻo và đầy “dớp” này, cũng dễ hiểu.

    Quá nhiều phe đang dòm ngó, buông bỏ Bộ Công an, rời “thanh kiếm và lá chắn” cực kỳ quyền lực vào lúc này, rất dễ bỏ mạng. Tô Lâm sợ sẽ đi vào “vết xe đổ” của Trần Đại Quang.

    Có người lo xa, không vào tứ trụ lần này, Tô Lâm sẽ không có vé “đặc biệt” cho khoá XIV. Đừng nhầm, đến thời khắc nào đó, Tô Lâm sẽ tung con “át chủ bài”, đủ sức hạ bệ luôn cả ứng viên số 1 để ngồi vào ghế tổng bí thư cũng không biết chừng.

    Lập trường tư tưởng không kiên định, đạo đức lối sống không trong sáng, bằng chứng tham nhũng đã cấu thành… là ba “cái mũ” sẽ chụp lên và hạ bệ bất kỳ đối thủ chính trị nào trong tích tắc. Chính trường Việt Nam là vậy, “đừng thấy đỏ tưởng chín”. Trước đây, không ai dám nghĩ nhân vật số 2 trong đảng, ông Nguyễn Xuân Phúc có thể bị phế bỏ trước đêm giao thừa Tết Quý Mão chỉ vài hôm.

    Đố ai biết Tô Lâm đang toan tính điều gì? Nguồn: QHVN 

    Thông tin cũng cho biết thêm, sẽ có sự xáo trộn, phân công lại một số vị trí ở thượng tầng. Người thay ông Võ Văn Thưởng ở vị trí Thường trực Ban bí thư, có thể là ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương. Dự kiến, nếu ông Trạc rời đi, vị trí Trưởng ban Nội chính sẽ ghi tên Chánh án Tối cao Nguyễn Hoà Bình.

    Võ Văn Thưởng là nhân vật có thân thế rất bí ẩn. Sinh ở Hải Dương nhưng quê cha ở Vĩnh Long, thời làm cán bộ Đoàn ở TPHCM lại được ông Võ Văn Kiệt nhận đỡ đầu.

    Ông Thưởng đi lên từ cán bộ Đoàn, không mấy nổi bật nhưng lại thăng tiến rất nhanh trong thể chế độc tài đảng trị. Điều kỳ lạ là, Võ Văn Thưởng được cả hai nhân vật vốn chẳng ưa gì nhau là Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang ủng hộ, nhờ vậy mà tránh được “đao kiếm” trong các cuộc thư hùng, nhất là các đợt thanh trừng các cựu quan chức thành Hồ.

    Quyền lực của chức vụ chủ tịch nước trong guồng máy cộng sản hầu như chỉ mang tính tượng trưng. Sau khi ông Trần Đại Quang qua đời, không thấy tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hô hào “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế” hay “chống tham vọng quyền lực” nữa, bởi vì quyền lực tột đỉnh hiện nay một tay ông Trọng gom hết.

    Đói nghèo, thất nghiệp, bị quá nhiều tầng áp bức bóc lột, dân chúng bây giờ không còn quan trọng ai thay ai ở bộ máy thống trị. Dân không mấy quan tâm đến chính trường, có nghĩa họ đã quá hiểu và cũng quá mệt mỏi với những tấn tuồng chính trị, cùng với những nhân vật quá đỗi nhàm chán.

    https://vietluan.com.au/98105


    Không có nhận xét nào