Header Ads

  • Breaking News

    Các thay đổi nhân sự cấp cao của Việt Nam có tác động như thế nào?



    Trong vòng vài tuần qua, một loạt thay đổi lớn về nhân sự cấp cao đã diễn ra bên trong chính phủ Việt Nam. Ngày 5 tháng 1, các phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam bị miễn nhiệm và thay thế bởi các ông Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang. Không đầy hai tuần sau, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc rời chính trường, trở thành chủ tịch nước Việt Nam đầu tiên từ chức. Hiện Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đang giữ chức Quyền Chủ tịch nước cho đến khi chủ tịch nước mới được bầu, dự kiến trong tuần này.

    Về mặt chính thức, ông Phúc, ông Minh và ông Đam bị quy trách nhiệm vì các vụ bê bối tham nhũng lớn xảy ra dưới sự giám sát của họ trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các thay đổi nhân sự này đã gây lo lắng cho các nhà đầu tư và khiến một số nhà quan sát Việt Nam đặt câu hỏi về sự ổn định chính trị mà lâu nay Việt Nam đề cao, vốn là một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài trong những năm qua.

    Tuy nhiên, có cơ sở vững chắc để tin rằng những thay đổi nhân sự này sẽ không phá vỡ sự ổn định chính trị ở Việt Nam, cũng như không gây ra những thay đổi chính sách làm hạn chế tiềm năng đầu tư của đất nước. Suy cho cùng, đây không phải là sự thay đổi đảng cầm quyền mà là thay đổi một số vị trí lãnh đạo cấp cao trong chính phủ. Vì Việt Nam là một quốc gia độc đảng, các chính sách quan trọng của đất nước được kiểm soát bởi Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) cầm quyền và được đưa ra qua cơ chế quyết định tập thể bởi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Không có dấu hiệu nào cho thấy những thay đổi nhân sự này sẽ báo trước bất kỳ sự thay đổi nào sắp tới trong các chính sách điều hành và thực thi quyền lực của ĐCSVN.

    Về chính sách đối ngoại, sự ra đi của hai phó thủ tướng được đào tạo ở phương Tây là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam không nên được hiểu là dấu hiệu của việc Việt Nam xích lại gần Trung Quốc. Thay vào đó, Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chính sách đối ngoại “đa dạng hóa và đa phương hóa”, cố gắng duy trì sự cân bằng mong manh giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ và các đồng minh của Washington. Điều này không chỉ giúp Việt Nam tránh bị cuốn vào cuộc cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, mà còn bởi cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, với tư cách là thị trường xuất khẩu và nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, đều là những đối tác kinh tế quan trọng như nhau, đóng vai trò thiết yếu trong việc giúp ĐCSVN hoàn thành nhiệm vụ đối nội hàng đầu là mang lại tăng trưởng kinh tế.

    Tăng trưởng kinh tế vẫn là điều sống còn đối với mô hình xây dựng tính chính danh dựa trên thành tích cầm quyền của ĐCSVN – một dạng khế ước xã hội theo đó sự độc tôn quyền lực của Đảng sẽ không bị thách thức, miễn là Đảng có thể mang lại sự phát triển kinh tế xã hội và giúp cải thiện sinh kế của người dân. Do đó, đảng và các quan chức của đảng phải tiếp tục thúc đẩy cải cách để tăng trưởng kinh tế, bao gồm cả mở rộng xuất khẩu và thu hút thêm đầu tư.

    Nhưng các nhà đầu tư và các đối tác của Việt Nam có một băn khoăn hợp lý là liệu những thay đổi nhân sự này có mang lại những cải thiện rõ rệt trong quản trị đất nước cũng như việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội hay không. Trong những năm gần đây, chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ của Việt Nam đã khiến các quan chức chính phủ đặc biệt thận trọng, gây ra sự chậm trễ cho nhiều dự án đầu tư công lẫn tư nhân. Các quan chức không sẵn lòng ký vào các quyết định quan trọng, đặc biệt là khi liên quan đến việc xác định giá đất, điều khiến các nhà đầu tư nản lòng và kìm hãm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Việc chậm giải ngân các dự án đầu tư công lớn về cơ sở hạ tầng là đặc biệt đáng lo ngại, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tiếp tục bị tắc nghẽn tín dụng và các đơn hàng xuất khẩu giảm. Trong bối cảnh đó, việc bơm vốn mới thông qua các dự án cơ sở hạ tầng có vai trò thiết yếu đối với triển vọng kinh tế của đất nước.

    Có một hy vọng là các nhà lãnh đạo mới, với ít gánh nặng di sản hơn, đồng thời mang sứ mệnh lớn hơn về thành tích phát triển kinh tế, có thể giúp từng bước giải quyết thách thức này.

    Nhưng ba yếu tố khác có thể cản đường.

    Thứ nhất, với việc chiến dịch chống tham nhũng đang quyết tâm làm trong sạch hệ thống chính trị, ban lãnh đạo Đảng giờ đây có thể ưu tiên sự liêm chính và lòng trung thành chính trị của cá nhân hơn là năng lực và thành tích chuyên môn. Nếu đúng như vậy, các nhà lãnh đạo sắp tới có thể là những lựa chọn chính trị an toàn nhưng không nhất thiết là hiệu quả nhất trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nếu xu hướng này bám rễ, triển vọng kinh tế dài hạn của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng.

    Thứ hai, các hạn chế mang tính cấu trúc vẫn còn tồn tại. Mức lương thấp cho lực lượng công chức và viên chức nhà nước ở Việt Nam có tác động làm mất tinh thần cống hiến, và đồng thời có thể gây ra các vấn đề bao gồm tham nhũng hoặc chảy máu chất xám trong các cơ quan công quyền. Ngay cả những nhà lãnh đạo tận tâm cũng sẽ không thể hoàn thành sứ mệnh của mình nếu không có nhân sự hiệu quả.

    Thứ ba, sự thiếu minh bạch, nạn tham nhũng cố hữu và các cơ chế ra quyết định chồng chéo và kém hiệu quả giữa các cơ quan chính phủ, thường được gắn nhãn là “lỗi hệ thống” trong bối cảnh Việt Nam, cũng cản trở sự tiến bộ. Chính vì vậy, nhiều nhà lãnh đạo vẫn phải tìm cách vượt qua một mê cung các quy trình quan liêu để đưa ra quyết định và hoàn thành nhiệm vụ. Một số quan chức thậm chí buộc phải “phá rào” để hoàn thành công việc, điều có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý tiềm tàng cho họ và cơ quan.

    Trong những năm gần đây, ĐCSVN đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để giải quyết những thách thức này. Các biện pháp có thể kể tới bao gồm tinh giản bộ máy để giải phóng các nguồn lực tài chính nhằm tăng lương cho công chức, hay ban hành các chính sách để thúc đẩy cán bộ thực hiện các sáng kiến nhằm tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo vệ họ trước các hậu quả tiêu cực nếu có vấn đề, miễn là họ không dính líu đến các hành vi tham nhũng. Một số cải cách thể chế cũng đã được thực hiện để cải thiện cơ chế ra quyết định. Nhưng những biện pháp như vậy mới chỉ đạt được thành công hạn chế.

    Liệu các nhà lãnh đạo mới có thể mang lại những thay đổi tích cực hay không sẽ phụ thuộc vào khả năng của ĐCSVN trong việc giải quyết các vấn đề mang tính cấu trúc đang hạn chế cả công tác điều hành của đảng lẫn hoạt động của nền kinh tế. Thay vì tập trung vào những thay đổi về nhân sự, các nhà đầu tư và những người theo dõi tình hình Việt Nam nên chú ý hơn đến cách đất nước giải quyết những điểm nghẽn mang tính cấu trúc này.

    Không có nhận xét nào