Theo như cho đến nay, chưa có một cuộc xung đột nào mà Mỹ trực tiếp tham gia, do đó các nhà hoạch định chính sách Mỹ hiếm khi có cơ hội xem xét liệu những khoản chi lớn có thực sự hiệu quả hay không trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga đang để lại nhiều bài học sâu sắc giống như Chiến tranh Yom Kippur đã làm cách đây nửa thế kỷ sau hơn một năm.
Xe tăng Mỹ Arbrams trong một cuộc diễn tập quân sự. Ảnh: Reuters
Hàng năm, Mỹ chi hàng trăm tỷ USD cho quốc phòng với mục tiêu là những khoản đầu tư như vậy sẽ cho phép nước này giành chiến thắng trong một cuộc xung đột trực tiếp. Nhưng cho đến nay, chưa có một cuộc xung đột nào mà Mỹ trực tiếp tham gia, do đó các nhà hoạch định chính sách Mỹ hiếm khi có cơ hội xem xét liệu những khoản chi lớn này có thực sự hiệu quả hay không.
Ngày nay, cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra một lần nữa đặt ra câu hỏi liệu Mỹ có cần xem xét lại cách nước này chuẩn bị cho cuộc xung đột trong tương lai hay không: không chỉ loại vũ khí mà nước này mua sắm, mà còn cả cách tiến hành chiến tranh giữa các cường quốc trong thế kỷ 21.
Đó là những nhận định của Raphael S. Cohen, Giám đốc chương trình Học thuyết và Chiến lược của Tập đoàn Rand cùng Tiến sĩ Gian Gentile, Phó Giám đốc của Trung tâm RAND Arroyo (trung tâm nghiên cứu và phát triển được nhà nước tài trợ cho các nghiên cứu và phân tích của Quân đội Mỹ) nhận định trên tờ Chính sách Đối ngoại (foreignpolicy.com) mới đây.
Theo hai vị chuyên gia hàng đầu trên, lần gần đây nhất Mỹ có cơ hội xem xét tương lai của một cuộc xung đột là giữa Israel và liên minh do Ai Cập-Syria dẫn đầu, hay còn gọi là Chiến tranh Yom Kippur năm 1973. Mặc dù Mỹ không phải là bên tham gia trực tiếp, nhưng các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ đã chứng kiến thực tế cách các thiết bị và chiến thuật của Mỹ được sử dụng bởi quân đội Israel trong cuộc đối đầu với các vũ khí và chiến thuật kiểu Liên Xô trong quân đội Ai Cập và Syria.
Theo đó, quân đội Mỹ đã nghiên cứu mọi khía cạnh của cuộc chiến trên và từ những bài học đó, Mỹ đã phát triển một học thuyết mới: Tác chiến trên không cùng một chế độ huấn luyện được cập nhật nhằm vạch ra một kế hoạch chi tiết mới cho quân đội. Và mặc dù Mỹ chưa bao giờ trực tiếp chiến đấu với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, nhưng Chiến tranh Yom Kippur và những bài học mà Mỹ rút ra từ đó đã cung cấp lý luận tác chiến về cách kết hợp các cuộc tấn công trên bộ, sức mạnh không quân chính xác và tốc độ tổng thể.
Chính sự kết hợp này đã giúp Mỹ nhanh chóng đánh bại Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Thậm chí nửa thế kỷ sau, Chiến tranh Yom Kippur vẫn tiếp tục định hình cách quân đội Mỹ tư duy và lên kế hoạch tác chiến cho tương lai.
Giờ đây, cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng có thể cung cấp nhiều bài học sâu sắc về chiến tranh thế kỷ 21 như Chiến tranh Yom Kippur đã chỉ ra trong cuộc xung đột ở thế kỷ 20. Trong nhiều thập kỷ, Bộ Quốc phòng Mỹ đã hoạch định rằng quân đội nước này sẽ tiến hành các cuộc xung đột chớp nhoáng và can thiệp nhanh, nơi tốc độ và độ chính xác chiếm ưu thế.
Nhưng một năm sau cuộc xung đột ở Ukraine, mà một số chuyên gia ban đầu cho rằng sẽ chỉ kéo dài vài ngày, đặt ra câu hỏi liệu thời đại chiến tranh công nghiệp có quay trở lại hay không. Kết quả là Mỹ sẽ cần phải chuẩn bị để ứng phó với một loại hình xung đột rất khác so với kế hoạch từ trước đến nay.
Ví dụ, rất nhiều ý kiến nêu ra nhằm đặt câu hỏi về vai trò của xe tăng, khi các lực lượng Ukraine sử dụng hiệu quả các loại vũ khí chống tăng và các hệ thống máy bay không người lái từ nhỏ đến lớn trong tác chiến trên bộ. Cuộc xung đột ở Ukraine hiện nay cũng đặt ra câu hỏi liệu máy bay trực thăng có còn chỗ đứng trên chiến trường hiện đại hay không, khi nhiều máy bay trực thăng của Nga, bao gồm cả mẫu tiên tiến nhất, bị Ukraine đã phá hủy hoặc hư hỏng, chủ yếu bởi tên lửa phòng không tương đối cũ.
Và mặc dù cuộc xung đột ở Ukraine chủ yếu là một cuộc chiến trên bộ, nhưng nó cũng đặt ra những câu hỏi khó tương tự cho Hải quân Mỹ. Việc tàu tuần dương Moskva của Nga bị chìm cùng một số tàu nhỏ hơn khác của Nga bị hư hại hoặc phá hủy, đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về khả năng sống sót của các tàu mặt nước cỡ lớn trong chiến tranh hiện đại. Ngược lại, thành công của Ukraine trong việc sử dụng các tàu không người lái nhỏ hơn cho thấy một công cụ tiềm năng trong phát huy sức mạnh hải quân.
Bài học cho Không quân Mỹ cũng không kém phần sâu sắc. Bất chấp những dự đoán từ trước xung đột rằng sức mạnh không quân của Nga sẽ nhanh chóng áp đảo Ukraine nếu NATO không thiết lập vùng cấm bay, Nga vẫn chưa thể giành ưu thế trên không và Không quân Ukraine vẫn không bị thiệt hại lớn sau hơn 1 năm xung đột. Cuộc xung đột ở Ukraine cho thấy rằng lực lượng không quân thực sự vẫn có thể hoạt động trong tầm bắn của tên lửa đối phương, không phải là không nguy hiểm, nhưng cũng không phải là chắc chắn bị tiêu diệt.
Quan trọng hơn, cuộc chiến làm nổi bật tầm quan trọng ngày càng tăng của máy bay không người lái đối với tác chiến hiện đại trên bộ, trên biển và trên không. Thật vậy, theo một nghĩa nào đó, máy bay có người lái đã nhường chỗ cho máy bay điều khiển từ xa trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát trên không ở Ukraine.
Các bài học quan trọng khác cũng đã xuất hiện đối với lĩnh vực không gian và mạng. Cuộc xung đột ở Ukraine có thể được gọi là cuộc chiến không gian thương mại đầu tiên. Cho dù việc gọi như vậy có chính xác hay không, thì không còn nghi ngờ gì nữa, các công ty vũ trụ tư nhân đã đóng một vai trò to lớn trong cuộc xung đột, từ việc giúp cho các lực lượng Ukraine tương tác đến việc cung cấp hình ảnh nhằm định hình phương tiện truyền thông đưa tin về cuộc xung đột trên khắp thế giới.
Tóm lại, hai chuyên gia trên của Rand kết luận, sau hơn một năm, cuộc xung đột Nga - Ukraine đang cung cấp nhiều bài học sâu sắc giống như Chiến tranh Yom Kippur đã làm cách đây nửa thế kỷ. Nếu Mỹ học được những bài học từ cuộc chiến này, như đã làm sau Chiến tranh Yom Kippur 50 năm trước, thì họ có thể đảm bảo lợi thế về sức mạnh của quân đội Mỹ trong nhiều thập kỷ tới. Nếu không, họ có thể không có cơ hội thứ hai.
Không có nhận xét nào